Những Con Đường Xưa Tôi Đi
Bài này là của anh Han paris đăng trên trang http://www.vietstamp.net/, tôi đưa bài này lên cho các bạn Lê Quý Đôn một thời đã sống tại Chợ Lớn tìm lại những cảm giác đồng cảm với người viết bài. Đây cũng là một phần bổ sung của loạt bài " Những con đường của ký ức" vì đối Chợ Lớn mặc dù thời đó tôi cũng có đi nhưng rất ít vì thế những chi tiết tôi hầu như không biết hoặc biết quá ít.
KỲ 2
1984 - 'Cô Bé' chạy Honda này biết đâu ngày nay đã chống gậy rùi.
Ngay góc Thành Thái - Nguyễn Hoàng (Nay An Dương Vương - Trần Phú) như tấm ảnh dưới đây được chụp vào năm 1984 vào Thời Bao Cấp. Phía bên trái là bến xe Vũng Tàu, tôi không nhớ khi ấy còn không, nhưng dãy nhà 'Ba Tàu' đa số là dân Tư Sản được mọc ra Bến Xe Bù Đớp bao giờ cũng ồn ào, náo nhiệt. Dân miền Tây lên đây lơ mơ là bị đốp túi tiền như chơi. Căn nhà cao cao dơ dáy trước 1975 là căn nhà thứ nhì của gia đình tôi, ngày xưa có gắn máy lạnh, nhưng nhìn qua ảnh thì ta thấy không còn nữa. Vì Thời Bao Cấp người dân đâu có nhiều tiền để trả tiền điện, thậm chi bị cúp điện (cắt điện) te tua. Tôi con nhớ những giờ phút cuối cùng của chính quyền SaiGon ngày 30/04/75. Từ của sổ, tôi đã nhìn xuống đường, lúc đó giới nghiêm 24/24 (vài ngày trước 30/04), quân cảnh Mỹ (MP) gác đường khá chặt chẻ, sau khi lính VNCH bỏ chạy thì khu này loạn lắm, vừa mới đổi đời mà, cứ năm mười phút thì lại có 1 vụ cướp giật. Trụ sở Khóm (góc ADV+Trần Phú) biến thành ủy ban Phường, mấy ngày trước tôi còn thấy các thanh nữ Nhân Dân Tự Vệ đứng gác, vậy mà có người lại treo ngọn cờ của MTGPMN ngay ngày 30 tháng tư. Lúc đó là 11g ngày 30/04 nhiều dân hiếu kỳ lén nhìn đoàn quân GP sau khi rời Dinh Độc Lâp (Thống Nhất) bon bon trên ĐL băng ngang qua để tiến về Chợ Lớn.
Bây giờ mời bạn đi ngược về trường Bác Ái / Lê Hồng Phong. Ngày xưa ĐL Thành Thái, có 3 con đường đi ngang qua là Trần Nhân Tôn + Huỳnh Mẫn Đạt, Pétrus Ký (Lê Hồng Phong) và Trần Bình Trọng. ĐL Thành Thái bắt nguồn từ Ủy ban phường như đã nói đi đên ĐL Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ). Vài hình ảnh dưới đây được chụp sau năm 2000, con đường Huỳnh Mẫn Đạt ngày nay vẫn còn nhưng có vẽ hoành trán hơn xưa. Khu này dân Việt đông hơn người Hoa (Trung). Hồi còn nhỏ bọn tôi hay đạp xe một vòng lớn Thành Thái + Huỳnh Mẫn Đạt + Nguyễn Trải + Nguyễn Hoàng. Vào buổi trưa nóng bức hay ghé vào xe Sinh Tố Giải Khát (hình như kế tiệm Đức trong ảnh) để làm một ly nước dừa ướp lạnh. Ngay góc Thành Thái (ADV) + Hùynh Mẫn Đạt khi xưa có một tiệm bán bánh mì và chiếc xe đậu đỏ, bạn nào ở vùng này vào thời đó (197x) chắc còn nhớ. Ngày còn bé tôi rất thích ăn bánh mì Pháp, định bụng sau này sẽ mở tiệm bánh mì ăn cho đã.
Đường Huỳnh Mẫn Đạt, đường băng ngang qua là ĐL An Dương Vương ngày nay.
Cũng trên con đường này vài căn kế đó đi về hướng Nguyễn Trãi
Đường Lê Hồng Phong trước 75 là bến xe miền Tây. Nếu tiến về Trần Bình Trọng băng ĐL ADV ta sẽ đi qua trường Bác Ái.Trước 75, Bác Ái là tư thục cấp 3 của người Hoa học tiếng Pháp có tên là Fraternité (Bác Ái), có hai mặt theo trí nhớ của tôi, phía An Dương Vương và phía Nguyễn Trải có cổng chánh, nhìn thẳng là Thông Lộ Nguyễn Biêu hướng về Cầu Chữ Y. Vào niên khóa 1975-1976 là THPT Cấp 2+3, láng giềng gần với THPT Cấp 3 Lê Hồng Phong (xưa Pétrus Ký). Từ niên khóa 1976-1977 trường bị giải thể để trở thành Đại Học Sư Phạm cho đến ngày nay. Tôi nhớ thanh niên thời đó (niên khóa 75-76) có mốt không đeo phù hiệu nhà trường, mặt áo bỏ ngoài quần và áo hở cổ khoe ngực, hình như mốt nay Nữ Sinh không có!
Trường Bác Ái ngày nay phía An Dương Vương
+
Trường Bác Ái ngày nay phía Nguyễn Trải
Đã từng học trường này sau 75 tôi mới khám phá ra rằng, người Hoa không phải chỉ ở Chợ Lớn mà thui, mà một số người đã cư ngụ tại chợ cũ SG. Ban nào từng đọc qua cuốn SG Năm Xưa xuất bản năm 1998 tại TPHCM thì sẽ quán triệt vì sao người Hoa đã sinh sống tại đây. Tôi từng là dân Tư Bản có bao giờ biết cầm chổi quét đường bao giờ, thế mà khi đi lao động cho trường Bác Ái thì phải quét khoảng đất vuông vức quanh trường Bác Ái (Trần Bình Trọng / An Dương Vương / Nguyễn Văn Cừ / Nguyễn Trải), miệng lẩm bẩm phải chi cho quét quanh trường bé bé như tiểu học Văn Minh (THPT Cấp 1 Đuốc Sống ngày nay ngoài Tân Định) thì hay biết mấy. Vài kỷ niệm khác của niên khóa 1975-1976 là dù nhà trường cấm ngạt hàng quà trước cổng. Mỗi lần vào lớp thì các bạn có đặt 'mua tao khúc bánh mì chả lụa nha mậy!'.' Dí bao nước ngọt đường hóa học nữa.' Ôi, đã gần 40 năm rùi còn gì?
Nhà Thờ Chợ Quán
Trước 75, Chí Thiện là trường đạo cho nữ giới thì phải, chị họ tôi từng học trường đó. Từ cổng trường nhìn vào là Nhà Thờ Chợ Quán, Chí Thiện nằm phía bên trái, bên phải khi ấy không phải là Chí Ác mà là trường Ba Đình, ngày nay hình như Chí Thiện bị đập bỏ, trường Ba Đình trở thành PTTH Cấp 1 như ảnh dưới đây. Hình là ở số 120 Trần Bình Trọng Q5.
THPT Trần Bình Trọng Cấp 1 ngày nay
Sân trường (của trường và nhà thờ) khi xưa là bải đất trống. Vào niên khóa 1976-1977 được dùng làm nơi để chào cờ sáng thứ hai, cả trăm HS cả Nam lẫn Nữ đứng nghe thày hiệu trưởng phát biểu. Tối tối đôi khi trường tổ chức đêm văn nghệ trên tầng ba của trường Ba Đình. Không biết bạn bè tôi ngày nay trôi dạt nơi nào. Còn nhà thờ thì khi ấy nhiều người đến cầu nguyện trước khi họ sắp đi xa! Và muốn ra nước ngoài tìm đường kíu nước, dân Việt phải thạo ngôn ngữ Anh Pháp. Bọn tôi hay đến trung tâm Alpha (góc Trần Hưng Đạo + Trần Bình Trọng). Tiếng Pháp thì tôi thông thạo từ nhỏ nhưng khi ấy nhiều người khuyên đi học thêm đàm thoại tiếng Anh. Vài bạn bè tôi từng trung tâm này nay đã bôn ba khắp thế giới : Canada, US, Đức, Pháp, Hà Lan và Úc (Đại Lợi).
À trước trường Chí thiện vào năm 1977, có quầy kem chuối ngon lắm. Kế bên là lớp dạy Đàm Thoại Tiếng Anh. Tôi còn nhớ ông thày đen thui như Chế Linh dạy phát âm English rất chuẩn. Trước 75, dân SG thường học mấy cuốn English For Today (Anh Ngữ Thực Dụng của GS Lê Bá Kông) nhưng sau 30/04 thì họ cho rằng lỗi thời nên chuyễn qua phương pháp mới English 900 (của HK?) với những cầu thoại học thuộc lòng. Với sơ đồ Intonation cho từng câu. Bây giờ tôi thấy giống mấy con tem (xếp xéo) trong Album. Intonation trong Anh Ngữ rất quan trọng, bạn nhấn sai thì người Anh không hiểu đâu, và họ cứ hỏi lại Sorry. Nhắc về từ này tôi bỗng nhớ lại thăng bạn Ba Tàu của tôi thuở đó. Làm như ta rành tiếng Anh lắm, lau lâu lại chen tiếng Anh. Nhớ một hôm tôi và nó ra Bưu Điện SG uống nước dừa, mà nó cứ nói : Sorry! Sorry! Làm chị hàng rong cứ tưởng Sáu Ly! Sáu Ly! Vị chi là 12, hai anh khát dữ hén? Còn một kỷ niệm vui khác là tôi có học câu tiếng Anh trong E900 để xin viên thuốc với Airline Stewardess : Could I have a pilule please, m'dam? Trên chuyến bay Air France từ TPHCM sang Paris, dù có thể đàm thoại bằng tiếng Pháp, và dù tôi chả hề đau bụng gì cả nhưng muốn dùng câu đàm thoại tiếng Anh để xin thuốc, nên tôi đã trả bài câu Anh Ngữ đã học qua!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét