Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

 

Uống trà và buôn bán trà ở Saigon-Chợ Lớn

thời Pháp thuộc

 

Nguồn gốc trà và thú uống trà

Trà là một nước giải khát thi vị từ ngàn xưa và phổ biến trong xã hội mà đa số mọi người ở nhiều giới, giai cấp đều có thể thưởng thức. Trà có nguồn gốc xa xưa từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết thì Thần Nông, một trong 3 vị Tam Hoàng trong lịch sử Trung Quốc (~3000 năm BC), một hôm vào một buổi trưa mùa thu, Thần Nông đang nghĩ dưới gốc cây cạnh một ấm nước đang nấu, lá khô trên cây rụng xuống rơi vào hủ nước đang sôi, chất trong lá thấm vào nước tạo thành hủ trà đầu tiên. Ngạc nhiên với mùi vị thơm trong nước, Thần Nông uống một nguộm và thấy rất sảng khoái. Nước trà ra đời từ đó.

Nhưng thật sự thì trà chỉ trồng và mọc ở những vùng cao khí hậu mát, Vân Nam, bắc Miến Điện được coi là nơi cây trà mọc nhiều và người bản xứ biết đến nước nấu với lá trà. Từ Vân Nam nước trà được lan đến Tứ Xuyên và các tỉnh khác ở Trung Quốc vào triều đại nhà Thương (1500BC – 1046BC). Trà du nhập vào Việt Nam có thể trực tiếp từ Vân Nam hơn là từ Trung Quốc.

Trong sách “An nam vũ cống” (Dư địa chí), Nguyễn Trãi (1380 – 1442) có viết là ở châu Sa – Bôi (Quảng Trị) có sản xuất loại trà lưỡi sẻ (tước thiệt) rất thơm ngon (6). Dương Văn An (1514 – 1591) trong tác phẩm “Ô Châu cận lục” có đề cập là trà ở huyện Kim trà (nay là Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) tên gọi lưỡi sẻ trồng tại vùng đồi núi An Cựu dùng giải khát và được coi là dược thảo tốt nhất, trị được nhiều bệnh, trừ phiền, chữa thũng. Như vậy ngoài Bắc Hà, ở vùng đất mới phía Nam còn có trồng trà được biết tiếng.

Trong “Vũ trung tùy bút” của học sĩ Phạm Đình Hổ (1768-1839), người quen của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, sống vào thời Lê mạt và đầu nhà Nguyễn có viết như sau về tục uống trà, thưởng lãm trà nhất là trà Tàu được chuộng vì thơm và ngon ở Bắc Hà

“..

Thị hiếu của người ta cũng hơi giống người Trung Hoa. Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời đời Cảnh Hưng, trong nước vô sự, các nhà quí tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người đến chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy chục khác để mua chè ngon. Lúc ngồi rỗi, pha chè uống với nhau, lại đánh cuộc xem chè đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên, mua cho được chè ngon, bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực. Song cái thú uống chè tàu có phải ở chỗ đó đâu! Chè tàu thú vị ở chỗ tinh nó sạch sẽ, hương nó thơm tho.

Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục. Ấy, người xưa ưa chuộng chè tàu là vì vậy. Từ các đời gần đây trở xuống, thưởng thức chè tàu càng ngày càng tinh, vị chè nào khác, cách chế chè nào ngon, đều phân biệt kỹ lắm. Lò, siêu, ấm, chén, lại chế ra nhiều kiểu thích dụng. Song chế ra nhiều thứ chè, kẻ thức giả cũng cho làm phiền lắm. Còn như nếm chè ở trong đám ruồi nhặng, bày ấm chén ở cửa chợ bụi lầm, lúc ồn ào đinh óc, vơ vẩn rộn lòng, thì dẫu ấm cổ đẹp đẽ, chè ngon ngát lừng, ta chẳng biết uống chè như thế có thú vị gì không? Giá có gặp ông tiên chè, thì cũng cho lời nói ta làm phải.”

Ông nói về trà Tàu phổ thông và cá nhân ông hoài niệm về thú uống trà thời đó với bạn tri kỉ

Mùa thu năm Mậu Ngọ (1798), ta dạy học ở thôn Khánh Vân, tổng Hà Liễu, các học trò kinh thành cũng thường gửi quà về hỏi thăm, tuy cơm rau nước lã không được dư dụ cho lắm, nhưng chè tàu thì không lúc nào thiếu. Thôn Khánh Vân ở hạ lưu sông Tô Lịch, phía Bắc tiếp Xuân Nê, phía Nam gần Đỗ Hà; các núi Hoàng Xá về vùng Ninh Chúc, Tử Trầm, Nam Công thì vòng quanh ở phía Tây, còn những làng Nguyệt Áng, Đại Áng, Liễu Nội, Liễu Ngoại đều trông thấy ở gần chung quanh cả. Thổ sản có thứ vải quả, rau dưa, làng xóm rừng khe cũng nhiều chỗ tĩnh mịch đẹp đẽ.

Khi dạy học rảnh, ta thường cùng với người đàn anh trong làng là Tô nho sinh dạo chơi chùa Vân, pha chè uống, hoặc trèo lên cái gò ba tầng ở phía tây xóm ấy, rồi múc nước suối pha chè uống chơi. Trông thấy những cảnh mây nổi hợp tan, chim đồng bay lợn, cùng là cỏ cây tươi tốt hay tàn tạ, hành khách lại qua, ta thường thường gửi tâm tình vào câu ngâm vịnh. Sau chỗ nhà trường ta là giải sông Tô, men theo bờ đê đi ngược lên đến cầu Nhị Khê là chỗ người làng qua lại nghỉ mát. Một buổi chiều, ta cùng với Tô huynh lên chỗ cầu xem các bè đánh cá, thấy đôi bên bờ sông bóng cây so le thấp thoáng, mảnh trăng in trên mặt nước trong veo, hai anh em cùng ngồi nói chuyện gẫu, bất giác tâm thần thanh sảng, thú vị vô cùng. Thấm thoát mới vài bốn năm nay, ta đã thôi không dạy học đấy nữa, mà Tô huynh thì đã qua đời. Tiền Mục Am có nói: “Cái vui về non nước bè bạn, tạo vật chưa dễ đã cho mọi người được hưởng, mà còn có phần lại khó hơn lợi lộc với vinh danh”. Lời nói ấy chẳng là phải ru ? “

Phạm Đình Hổ cho ta biết thêm uống trà chén nhỏ thì hương vị mới nhiều khi uống. Và nấu trà trong ấm đất nung tốt hơn trong nồi đồng không bị tanh mùi đồng.

“Từ đời Khang Hi trở về sau, uống chè tàu mới đổi ra pha từng chén nhỏ, chứ không hãm trong ấm to nữa, vì uống chè, ấm chén cốt cho nhỏ, mỏng, khi pha mới nổi hương vị. Vòi ấm thẳng thì nước không đọng, mặt đĩa phẳng thì đặt chén không nghiêng, rế lò dầy mà lỗ thưa thì than lửa không bốc nóng quá, lòng ấm siêu lồi lên và mỏng thì sức lửa dễ thấu, chóng sôi.

Ấy, cái cách pha chè uống nước, mới đầu còn thô, sau tinh dần mãi ra. Gần đây lại có chế ra thứ siêu đồng cũng khéo, nhưng kim khí bị hỏa khí nó hấp hơi, thường có mùi tanh đồng, không bằng dùng siêu đất nung, pha chè tốt hơn. Song các nhà quyền môn phú hộ khi uống chè lại lười không muốn pha lấy. Thường thường họ giao cho tiểu đồng pha phách tất cả, dùng siêu đồng cho tiện và lâu vỡ, như thế không phải bàn làm chi nữa.

Và người Việt cũng biết chế ra những dụng cụ nấu trà thay thế đồ nhập từ Trung Quốc

 “Khoảng năm Cảnh Hưng, ở Tô Châu có chế ra một thứ hỏa lò và một thứ than tàu đem sang bên ta bán, đều là những đồ dùng của khách uống chè cần đến, người ta đua nhau mua. Song gần đây đã có người biết cách chế ra, cũng bắt chước luyện than mà hầm lửa, nắm đất mà nặn lò, so với kiểu của Trung Hoa chẳng khác gì, người ta cũng ưa chuộng. Ta nhân thế lại tiếc cho người cầm quyền nước, xưa nay không biết lưu ý đến việc công nghệ dân ta. Tiếc thay!

Nhưng không chỉ trong giới quan lại, giai cấp khá giả mới thưởng thức trà ngon như trà Tàu mà còn nhiều tầng lớp khác trong xã hội và cho thấy trà rất phổ thông trong xã hội Việt Nam. Lê Quý Đôn trong “Phủ Biên Tạp Lục” đã có kể lại khi ông vào Phú Xuân năm 1775 về tục uống trà phổ thông trong nhiều giới ngay cả binh lính

Binh lính cũng đều ngồi chiếu mây, có ghế dựa. Bên cạnh đặt lư đồng, pha chè Tàu ngon để uống, dùng chén sứ bịt bạc, ống nhổ bằng thau

Thú uống trà cũng lan qua Âu châu khi người Bồ Đào Nha và Hòa Lan buôn bán ở Viễn Đông đã mang trà về Âu châu đầu tiên từ thế kỷ 16. Đầu thế kỷ 17, ở Hòa Lan trà trở thành một nước uống thời trang và từ đây lan ra các nước khác. Trà được nhập vào Anh, một nước sau này trở thành nước tiêu thụ trà lớn nhất ở Âu châu, qua công ty Đồng Ấn (East India Company) của Anh. Đến đầu thế kỷ 18, trà trở thành nước uống tiêu khiển, thư giản không thể thiếu trong giới nhà giàu, quí tộc quyền quý. Cách mạng kỷ nghệ sau đó chứng kiến các thành phố công nghiệp có dân số tăng cao, với sức mua và tiêu thụ lớn từ sản xuất công nghiệp. Trà được nhập với số lượng lớn tiêu thụ trong giai cấp trung lưu. Uống trà giữa sáng và chiều trở thành phong tục không thể thiếu ở các thành phố và lan ra khắp Anh quốc.

Trà xuất khẩu từ Trung Quốc đi nhiều nước trong vùng Á châu và các nước Âu châu nhưng chủ yếu đến Anh quốc. Trà được trồng nhiều ở tỉnh Triết Giang và An Huy, nhưng nổi tiếng ngon hơn hết là trà trồng ở tỉnh Phúc Kiến. Do Anh quốc nhập trà rất nhiều từ Trung Quốc, và phải trả bằng các lạng bạc (thỏi bạc, silver bullion), các cân thương mại của Anh với Trung Quốc bị thâm thụt, mặc dầu công ty Đông Ấn đạt được nhiều lợi nhuận  Để cân bằng cán cân thương mại, chính phủ Anh hổ trợ công ty Đông Ấn nhập vào Trung Quốc các hàng hóa sản xuất ở các thuộc địa từ Ấn Độ, Mã Lai nơi mà công ty có các trụ sở và các hàng công nghiệp từ Anh. Nhưng chủ yếu là nhập lậu vào Trung Quốc qua cảng Quảng Châu thuốc phiện trồng ở Ấn Độ, chế biến ở Singapore, Mã Lai. Lợi nhuận từ thuốc phiện rất lớn do Trung Quốc tiêu thụ nhiều và lan ra nhiều nơi. Chỉ trong một thời gian ngắn cán cân thương mại thăng bằng và nghiêng về Anh, cho phép Anh nhập thêm nhiều trà. Trà bị đánh thuế cao ở Anh và là nguồn tài chánh lớn của chính phủ. Nhận thấy sự tác hại của thuốc phiện trong xã hội do nhập lậu mặc dầu bị nghiêm cấm, triều đình nhà Thanh tịch thu tất cả các thùng thuốc phiện ở cảng Quảng Châu kể cả các kho chứa của các công ty nước ngoài và trên các tàu nước ngoài chứa thuốc phiện. Đây là khởi đầu của hai cuộc chiến tranh nha phiến (1839 và 1856-1860) giữa Anh và triều đình nhà Thanh dẫn đến các cường quốc phương Tây sau đó áp đặt các hiệp ước bất bình đẳng lên Trung Quốc, mà nguồn gốc là thương mại và trà có vai trò lớn trong xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước.

Sau này Anh dùng một số hạt giống cây trà lén lấy từ Phúc Kiến và trồng ở vùng Assam ở Ấn Độ và Tích Lan (Sri Lanka). Họ cũng trồng các giống cây trà ở vùng Assam và Darjeeling và những nơi này cho đến ngày nay đã là vùng sản xuất trà lớn nhất thế giới. Trà và văn hóa uống trà được du nhập vào Ấn Độ qua người Anh, và ngày nay Ấn Độ cũng là nước tiêu thụ trà lớn trên thế giới.

Trà Trung Quốc xuất khẩu qua Nam Kỳ là từ các cảng Hạ Môn (Phúc Kiến), Sán Đầu, Quảng Châu (Quảng Đông) và Hong Kong  trong những thùng thiếc (hay thùng gỗ lát chì bên trong để giữ mùi vị trà). Chủ yếu trà nhập ở Chợ Lớn rồi từ đó đi lục tỉnh. Trà Phúc Kiến được tiếng là ngon thơm. Trong thời kỳ có phong trào tẩy chay các tiệm, cơ sở thương mại người Hoa, trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn (5/9/1918) có đăng trong mục thơ tín trà Phúc Kiến bị làm giả và gạt người dùng

“Thơ tín vãng lai (Petites correspondances)

Bentre, le 20 Aout 1918

Thiệt là gian

Tôi xin thuật một chuyện Chệc rất gian.

Số là có một hôm, người anh rễ tôi quá-giang qua Mỹ-tho gặp người anh em bạn cho uống trà tục kêu là trà Phước-kiến rất ngon, nên chi anh tôi ao ước hoài, chừng có dịp anh tôi đi Mỹ-tho ghé mua cũng giống như thứ anh tôi đã thấy mà chừng mua về uống thì nó tráo trà Đại-hồng, thứ trà nầy chừng 0$10 một gói thì đầy hai hộp nhỏ mà nó bán tới 0$80\.

Tôi thấy vậy nên xin tỏ cho những người mua đồ của Chệc, xin phải đề phòng, vì chớ nói rằng vật nhỏ mọn bỏ qua cho Chệc nó ăn quen mà làm nhiều đều [điều] gian dối lớn.

Melle Bùi Rozia

Thưởng thức trà là một thú tao nhã như ông chủI tiệm trà ở Saigon trên đường Soubarain (nay là đường Lưu Văn Lang) gần chợ Bến Thành đã quảng cáo về ba cái thú trong cuộc đời trên tờ Công Luận báo (4/5/1933) như sau

“Ba cách thú

Nước Nam mình ngày nay có ba cách lịch sự, thanh tao, ai ai cũng có thể hưởng được, là những cách nào?. Chắc quí vị chưa rõ, tôi xin đáp rằng

Cùng nhau hứng gió Đồ-Sơn,

Uống trà Việt-Thái nghe đờn Hương-Giang

Đồ Sơn là nơi thắng cảnh của xứ Bắc-kỳ. Trà Việt-Thái là trà ngon quí nhứt Nam-kỳ của M. Phạm-hạ-Huyền 36 Sabourain Saigon chế tạo ra, uống mát mẻ mau tiêu, khỏe mạnh thân thể tinh thần phủ tạng, có Nhà Nước thí nghiệm rồi.

Hương Giang là con sông có phong cảnh ngoạn mục tại Kinh-đô Trung-kỳ.

Đó, ba cách thú vị lịch sự như vậy, xin mời quí vị chớ bỏ qua, và lúc nào cũng nhớ.

Cùng nhau hứng gió Đồ-Sơn

Uống trà Việt-Thái nghe đờn Hương-Giang

Trà Huế và trà tàu

Ngoài trà tàu nhập từ Trung Quốc, vào đầu thế kỷ 20, và trước khi có các đỗn điền trồng trà trên Tây Nguyên và phía bắc vùng thượng du, trà sản xuất ở Việt Nam tập trung ở miền Trung Việt Nam nơi miền cao và khu vực chung quanh Huế. Vì thế trà sản xuất và tiêu thụ ở Nam Kỳ và trong nước được gọi là trà Huế, giống như sau này đa số trà tiêu thụ ở nam Việt Nam có xuất xứ từ Bảo Lộc, gọi là trà Bảo Lộc. Tờ Lục Tỉnh Tân Văn (27/3/1919) có viết bài về trà Huế và cách trồng trà trong mục “Cách lập vườn” như sau

“Cách lập vườn

(Le jardinage)

Trồng trà.

Đồng bang phải biết rằng trà Huế mà ta thường dùng đó, là một món thổ-sản rất hạp thổ nghi về xứ ta, vì là cuộc đất ta ở về gần ôn-đái [ôn đới], đất cao ráo và khí hậu điều hòa dể gieo trồng hơn các xứ khác. Nhứt là miệt Trung-kỳ mấy chổ đất gò, gần bên mé núi như là Cù-mông (Bình-định), Đại-lộc (Quảng-nam), Truồi (Huế) cư dân ở đấy chỉ châm [chăm] về một nghiệp trồng trà-huế, đồng niên huê lợi lại nhiều hơn làm ruộng nữa. M. Derobert có thiết lập mỗi nơi mỗi hảng lớn, như là ở Tourane [Đà Nẵng], Hếu, Faifo [Hội An], Qui-nhơn, các hảng ấy hể tới mùa thì mua soát tất cả trà khô trong bổn xứ, rồi đóng thùng lại chở về Tây, hoặc chở đi các xứ khác; coi đó thì biết trà-huế cũng là một vật thổ-hóa xuất cảng của xứ mình, xin đồng bang khá lưu ý trồng nhiều mà thủ lợi.

Cách trồng trà chẳng chi khác hơn là kiếm chổ đất cho cao ráo, hoặc là đất gần miệt sơn lâm. Trước khi ương [ươm] hột xuống cũng làm như các thứ cây khác vậy; đến chừng nó lớn lên độ 5 tấc tây thì nhắm đã vừa trồng trồng nó cách nhau chừng một thước tây; dện đất dưới gốc cho chắt [chắc], và vun đất dưới gốc lại; đoạn nó cao lên được 1 thước 5 tấc tây rồi phải bẻ dọt hết, đặng cho nó đâm nhánh cho nhiều. Một đều [điều] nên nhớ là khi nó còn nhỏ cây, thì đừng vội hái lá nó đi mà nó mất sức, không lớn được; đến khi nó lớn vừa hái lá, thì phải băt ghế mà hái; không nên bắt thang dựa vào cây mà lung lay làm cho nó mất sức.

Nam-Hồ-Ngư

Mặc dầu không nhiều tiệm trà như ở Chợ Lớn, chung quanh chợ Bến Thành có các tiệm trà của người Việt và Hoa. Một trong những tiệm bán trà vào đầu thế kỷ 20 là tiệm của ông Trần Quang Huy. Số 32 đường Amiral Courbet (nay là Nguyễn An Ninh) trong thời kỳ đầu sau khi chợ Bến Thành thành lập là tiệm thuốc Nam Đồng Hương của ông Quang Huy. Trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn (21/3/1918) có một lời rao quảng cáo trà Mộng-Tiên trừ bỏ được nghiện á phiện như sau

“Thơ tín vãng lai (Petites correspondances)

Bẩm ông rõ, tôi nghe lời theo tiệm Quang Huy mua trà Mộng-tiên, bỏ Á-phiện, thiệt là thần hiệu, tôi uống hết 2 hộp, bỏ giức [dứt] được rồi, bởi vậy tôi ra cho đồng bang hãy mua mà bỏ, có dịp tốt, nên thừa, vì sợ hết mà uổng giờ !

Hương-chủ MAI ở Cholon

Nhà Quang Huy đã dời lại đường rue Amiral Courbet no. 32 gần chợ Saigon tiệm Nam-đồng-Hương.

Ta không biết trà Mộng-Tiên thật sự có hiệu nghiệm như vậy không nhưng một điều cho thấy thời buổi đó á phiện rất phổ thông và nhiều người nghiện thuốc phiện. Ông Quang Huy sau đó cho biết tiệm của ông còn có bán đủ loại trà trong đó các loại trà Huế và trà Trung Quốc (LTTV 30/5/1918).

“Maison Quang Huy

32, Rue Amiral Courbet, Saigon

Có bán trà Mộng tiên bỏ Á-phiện hay lắm, có muôn [chỉ nhiều, 1 muôn là 10.000] người bỏ được rồi …. 1$60 1 bộ

Trà Huế tinh anh (hạ giá)

Thứ thượng hạng, một yến [10kg] ..… 2$00

Thứ nhứt hạng, một yến ………………….1$20

Thứ nhì hạng, một yến ………………….1$00

Trà Ninh thái ………………………….0$60

Trà ướp sen ……………………………0$40

Trà hiệu Trung quốc, 4 lương …………….0$60

Dù Dames bên Tây mới qua

Các thứ mực đủ màu, giá rẽ

Mua tủ sắt cũ.

Ông Quang Huy còn có một cơ sở thương mại ở số 216 quai de Belgique (Bến CHương Dương, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) buôn báo gạo, lúa và trà đủ loại mà ông có quảng cáo trên tờ Lục Tỉnh Tân Văn (8/9/1918)

“Maison Quang Huy

216 Quai de Belgique

(gần nhà ông Đốc-phủ Vị)

Đại-lý cho một nhà máy ở Chợ lớn bán gạo, tấm, cám, và mua lúa và gạo lức.

Có bán giầy đá cầu tốt và rẻ.

Souliers từ 0$60 cho đến 1$50

Bottines từ 1$50 cho đến 2$00

Ai muốn mua xin gởi thơ và vẽ bàn chơn mặt gởi đến.

Nhợ một kilo từ 1$50 đến 2$00

Trà Mộng-Tiên (thứ thiệt) hạ giá 1$50

Trà Huế tinh anh (hạ giá)

Thứ thượng hạng, một yến    …. 2$00

Thứ nhứt hạng, một yến    ………. 1$20

Thứ nhì hạng , một yến ……………. 1$00

Trà Ninh Thái                                     0$60

Trà ướp sen                                        0$40

Trà hiệu Trung-quốc, 4 lượng         0$60

Trên đường rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn ngày nay) số 177, gần chợ Bến Thành, có tiệm trà Nguyễn Văn Kiếm bán trà “Con Rồng” (Hình 1)


Hình 1– Tiệm trà Nguyễn Văn Kiếm (nguồn: Công Luận báo, 22/6/1934)

 

Như đã nói trên, các tiệm bán trà tàu chủ yếu ở Chợ Lớn. Niên giám Đông Dương năm 1907 cho ta biết nhiều tiệm bán trà chung quanh chợ Lớn (vị trí bưu điện Chợ Lớn ngày nay) và đường rue des Jardins (Nguyễn Thi ngày nay).

Kiêm Hùng, 22 rue du Marché, chủ nhân Dương-hữu Sanh

Khiêm Nam, 24 rue du Marché, Dương Hữu Sanh

Phong Nam, 20 rue du Marché, Trần Kiệt

Thí Xương, 15 rue des Jardins, Huỳnh Viết Giang

Nam Thuận Thành, 21 rue des Jardins, Huỳnh Văn Phát

Bùi Nghiêm, 25 rue des Jardins, Nghi Sang

Tang-kyky, 33 rue des Jardins, Tang Quan Chi

Ong Ning Ky, 43 rue des Jardins, Ong Thanh

Hồ Ký, 51 rue des Jardins, Trần-Hồ

Di Nam, 83 rue des Jardins, Hua Luân

Tan phúc Nham, 17 rue de Paris, Nguy Banh

Trương Hiệp, 349 rue Yunnam, Lam Nhơn

Man Ky, 17 rue de Gia Long, Lam Phước

Thoại Lan, 163 rue des Marins, Lương Tường

Nam Kỳ, 37 quai de Mytho, Huỳnh Trúc

Tạp Hưng, 39 quai de Mytho, Lý Cam

Thanh Ky, 43 quai de Mytho, Ly Long Bang

Trần Mỹ Thanh, 96 quai de Mytho, Trần Khoan

Van-hueng, 110 quai de Mytho, Trần-Dien

Tai-ky, 20 rue du Pagode, Nguyễn Thị Tài

Đông-hưng-Thanh, 45 rue de Canton, O-Thắng

Theo như trên thì đường rue des Jardins (Nguyễn Thi) là nơi tập trung nhiều tiệm bán trà vào đầu thế kỷ 20. Trên báo Saigon năm 1938 có đăng quảng cáo trà Nghi Nam Phong, nhản hiệu Hai con bò đỏ ở tiệm Nghi Nam Phong số 81 rue des Jardins và tiệm Nghi Bồi Nhâm ở 75 rue des Jardins quảng cáo nhiều loại trà tàu nhản hiệu “con nai đỏ”. Trên đường rue des Jardins ở số 97 có tiệm trà của ông Trần Khoan Ký, ông Ký có quảng cáo trên tờ Đông Pháp Thời Báo (1/7/1927) như sau

“Tiệm bán trà tàu

Kính cùng quí ông quí bà lục châu chư quân tử rõ: Bổn-hiệu lâu nay chuyên ròng nghề bán trà. Lên núi Vỏ-di chọn được thứ trà thượng phẩm uống đã ngon mà lại thơm và bổ khát. Xin kể những hiệu sau đây Tương hặc liên tam, cái địa cầu, thiết quan âm, hương hoàn trà, Liên hương trà và Trung quốc kỳ chưởng. Xin quí ông quí bà dùng thử thì biết và xin nhìn kỷ cái nhãn kẻo lầm đồ giả, chúng tôi cũng gởi hàng theo cách lảnh hóa giao ngân. Lục châu quí vị nào có cần dùng gởi thơ chúng tôi sẽ gởi hàng liền.

XIN LƯU Ý. – Kính cùng chư quí khách đặng rõ: nhơn vì phố tôi ở xưa nay đó cất lại, nên tiệm tôi bây giờ phải dọn lại góc đường Jardins số nhà 97 và cũng buôn bán trà như thường. Và kể từ ngày 15 đến 20 Mai bổn hiệu bán sụt giá 5 bửa nên kính mời chư quân chiếu cố dời gót ngọc lại chổ mới, tôi rất hoan nghinh và có thơ từ lai vang cũng xin làm ơn đem giùm lại chổ mới dọn, rất cảm thạnh tình.

Bổn chủ nhơn

Trần-Khoan-Ký, Cáo

Ông Trần Khoan Ký sau này có tiệm bán trà khác ở số 83 quai de Mytho (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) mà ông có quảng cáo trên báo Saigon  (25/6/1937) bán đủ các thứ trà tàu như trà Trung-quốc Kỳ Chưởng, trà Đại-Hồng, Ô Long, Bạch-Hào, Kỳ-Lang . Tiệm trà Trần Khoan Ký cho biết tiệm ông ta đã trên 36 năm bán trà. Như vậy tiệm này phải có ít nhất từ năm 1901.

“Uống trà tiệm nầy một lần muốn uống hoàI, ấy nhờ trà tinh khiết thơm diệu không trộn trà xấu

Trà thơm danh tiếng toàn xứ Trung quốc. Mới lại kính mời quí khách đến mua.

“Trung-Quốc Kỳ-Chưởng” hết sức danh tiếng, và Đại-Hồng, Ô-Long, Bạch Hào, Kỳ Long vân vân…

Tiệm Trần-Khoan-Ký

83 Quai de Mytho, CHOLON, trên 36 năm.


Hình 2 – (trái) Tiệm trà Trần-Khoan-Ký, 83 quai de Mytho (nguồn: Saigon 25/6/1937, Thư viện Quốc gia Việt Nam) (phải) Hảng trà Trần Khoan Ký, trà hiệu “Con Tượng”, 84 Quai de Mytho (nguồn: Sưu tập tư nhân Đinh Huyền)

 

Mặc dầu trà tàu được tiêu thụ nhiều nhưng trà Việt, gọi là trà Huế, do người Việt sản xuất đã có bán trên thị trường. Tờ Đông Pháp Thời Báo (8/4/1927) đã có bài viết giới thiệu trà Huế sản xuất ở Lái Thiêu và cho chúng ta biết về tình hình tiêu thụ trà ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 20 như sau. Tác giả bài giới thiệu ký tên là B.T.M có lẽ là Bùi Thế Mỹ, một nhà báo tiếng tăm trong các thập niên 1920-1940

“Giới thiệu nội hóa

Cái bịnh ham dùng đồ ngoài của người mình tuy cũng có nhiều duyên-cớ, song thiết tưởng cái nguyên nhơn thứ nhứt có lẽ là vì lắm lúc chánh [chính] người mình mà lại mang nhiên không biết rõ trong xứ mình có những sản vật gì thích dụng. Nay chúng tôi mở ra mục nầy để giới thiệu những đồ nội-hóa với các bạn độc giả, tưởng cũng là điều có ích ở giữa lúc ai nấy đương bàn về cái vấn đề chấn-hung nội-hóa nầy vậy.

B.T.M

Trà Huế Laithiêu [Lái Thiêu]

Vật thổ-sản ở xứ mình mỗi ngày chúng ta thường dùng, trừ gạo, muối, nước mắm là việc cần thiết, ngoài ra cũng còn có một vật cũng cần thiết nữa là trà Huế.

Tuy dẩu trà Tàu tiêu thụ ở xứ ta vẫn nhiều, song cũng không phải là món thường dùng như trà Huế ta được.

Theo như trong sách “Vệ sanh nhựt dụng” của Tàu nói về tánh chất tà Tàu rằng: Cách chế trà Tàu như người Trung-quốc thì vẫn khéo thật, song họ làm mất cả nguyên chất và hương-vị, họ chỉ lấy cái hương vị các mùi hoa khác mà ướp vào, và họ sấy và ủ với một chất diêm sanh, làm như thế đặng cho cái lá trà vẫn được xanh mà không biến màu.

Vì thế mà làm cho người uống trà Tàu thường hay ghiền mà không thể bỏ được.

Chẳng những thế mà thôi, vì cái chất trà Tàu ướp lẫN với chất diêm sanh nên làm cho người ta uống vào thường hay không ngủ được, hể uống đậm chừng nào thì lại thao thức trằng trọc như có vva^.t vật gì lao lư trong dạ.

Đó là cái hại của trà Tàu là thế. Người Tàu họ cũng hiểu như vậy, song họ phải bị nhiễm vào cái thói quen đã lâu ngày rồi không thể gì bỏ được.

Còn người Annam ta chẳng hiểu vì cớ gì mà cũng có nhiều người thích dùng trà Tàu đó cũng là một thói quen.

Hỏi ra cũng có người nói rằng: trà Huế như trà Lái Thiêu thì vẫn có tiếng ngon, song nhiều người xạ lợi thường hay dối giả, pha trộn nhiều thứ lá cây khác vào, mà thành ra ít có trà ngon mà dùng.

Xét ra vẫn có thật, người Annam hể thấy bất kỳ vật gì mà người ta thích dùng thì đã lo làm giả dối đặng cầu lợi cho nhiều chớ không mấy kẻ nghiên cứu lắm cho được thêm tinh tế nữa.

Mới đây ở Lái-thiêu có người lập ra một xưởng chuyên chế tạo ròng một thứ trà Huế, họ muốn khoáng trương [khuyếch trương] nghề làm trà Huế ở xứ nầy cho được mười phần mĩ mãn, nên họ khéo lựa những lá trà và sấy ướp thật khéo, thật kỹ, gói thành một gói cũng tương tợ như trà Tàu, ngoài có nhản con rồng làm dấu hiệu đặc biệt (1) của họ; nấu uống thì hương vị nghe thơm tho và ngọt ngào lắm. Mới biết trà Huế ta nếu làm cho công kỷ thì cũng không kém gì trà Tàu mà lại có phần hơn là vì sau khi ăn cơm uống vào một tô thì đã ngon và vật thực lại đều tiêu hóa nữa, người Annam ta nếu biết dùng nội hóa thì cũng nên dùng thứ trà nầy, giá đã rẽ mà lại được giúp cho công nghệ xứ mình.

T.L.

Giá chè bán tại xưởng:

Thùng bằng cây 2 kilos       1$00

Gói bằng bao giấy 1 kilo   0$50

Gói ½ kilo           0$25

Gói 250grammes   0$13

·         Xưởng trà nầy của ông Nguyễn-hiệp-Hội, Quai E. Outrey, Laithieu.

Không lâu sau đó, tờ Công Luận Báo (14/5/1927) đã đăng bài của nhà văn Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận kêu gọi dân chúng dùng trà Huế nội hóa thay vì trà Tàu. Như vậy lúc này có phong tào tảy chay trà Tàu và các cửa tiệm người Hoa. Phú Đức là tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng trong thập niên 1920-1930 như “Châu về Hiệp Phố”, “Một mặt hai lòng”, “Một thanh bảo kiếm”.

“Cái hại uống trà Tàu

Mới đây quan lương y Dinguirzli có cho Hạng-lâm Y-viện ở Paris hay rằng ở Tunisie có xảyra một cái nạn gọi là nạn uống trà Tàu.

Nguyên dân sự ở Tunisie thích uống trà Tàu hơn cả, uống cho đến ghiền, cho đến lờ mắt, mất cả trí khôn.

Ấy trà Tàu có chấc [chất] độc như thế, có hại đến mạng người như thế. Thế mà ta thửI xem xứ Nam kỳ ta, đồng bào đối với sự dùng trà tàu thế nào. Từ nhà đủ ăn, cho đến nhà thiên hộ, vạn hộ, từ người làm ruộng cho đến kẻ làm thầy, làm quan không nhà nào, không người nào mà không dùng trà tàu, cứ một nhà 5 miệng ăn, tiền trà một tháng có ít đi nữa cũng 2p.00. Một nhà hai đồng, mười nhà, trăm nhà, ngàn nhà, vạn nhà, ức, triệu nhà một tháng tiền trà bao nhiêu ? Ít nữa cũng hai triệu đồng bạc. Một tháng 2 triệu đồng bạc, một năm hết bao nhiêu ? Rồi mười năm, trăm năm hế bao nhiêu lại đời đời kiếp kiếp nữa hết bao nhiệu Nếu ta cứ yên lòng thông tính lại số tiền ấy thì ta thếy rõ đường tài chánh trong nước ta, vì sự trà mà chi lậu ra ngoài nhiều đến thế ấy.

Than ôi ! trà tàu dùng đã sanh binh mà đường tài chánh của nước nhà lại vì đó bị khổn cùng, thế thì ta có nên dùng trà tàu nữa không ? Vã lại trà tàu không phải quan hệ như là cơm gạo, không cơm gạo ta chết đói, chớ không trà tàu ta có chết khác [khát] đâu. Ta không dùng trà tàu thì ta dùng trà Huế. Với trà Huế ta có thể dải [giải] khát được, ta dải [giải] khát được mà đồng tiền của ta vẫn ở quanh quẩn trong nước ta.

Tôi vẫn biết trà tàu có mùi thơm ngon thật, nhưng cái mùi thơm đó chánh là cái mùi thơm giục người ghiền gẫm, mờ mắt, mất trí khôn, của nước người phải hao, dân nước người phải khổ. Ghê thay ! cho mùi thơm trà tàu !

Tôi vẫn biết phần nhiều đồng ban ta cho nước trà Huế của ta không được thơm không được ngon. Nhưng theo ý tôi tưởng thơm mà có hại cũng không nên ham, còn đến như sự ngon hay không, thì tôi chưa biết thế nào là phải. Một người đi đường xa, trời nắng lửa, cổ khao, chưng [chân] mỏi vào nhà ta xin nước uống, ta pha cho người ấy một chung trà tàu, với một bác [bát] trà Huế thì người ấy sẽ thích uống trà nào hơn ?? (1) Vả lại sau khi bửa cơm thu=`ng một chén trà tàu thật không đủ giúp ta ự tiêu hóa vật thực, sao thế; vì uống nhiều thì hàng, mà uốngi’t thì không đủ. Vậy thì chi bằng sau khi cơm ta dùng một chén trà Huế của ta. Trà Huế của ta thật không thể dùng với khi ngủ dậy chớ dùng với khi ăn cơm thì thích biết chừng nào.

Thưa các anh em, nước ta nghèo thật, dân ta khốn thật, lòng thường nước thương dân các anh em hẵng [hẳn] đã chan chứa dẫy đầy. Vậy các anh em cũng nên lo tìm phương bỗ cứu tưởng anh em nên lấy chữ tiếc dụng làm đầu, lấy sự tiêu thụ nộIi hóa làm gốc. Các anh biết tiết dụng thì đường tài chánh nước nhà mới có thể vững bền. Các anh em biết tôn trọng nội hóa thì đường công nghệ nước nhà mới có cơ thạnh [thịnh] vượng. Đường tài chánh đã dinh dư, đường công nghệ đã pah’t đạt, thì nước ta không sợ phải nằm trong cảnh nghèo nàn, dân ta không sợ phải nằm trong cảnh cùng xúc.

Vả lại hiện nay nước ta muôn việc thiếu thốn, đồing tền của ta còn phải đem sắm những vật ta đương cần dùng mà người nước ta chưa tự làm lấy được. Đồng tiền mua chác ấy không phảii’t gì đâu, vậy thì vật gì nước ta đã có, mà ta có thể dùng được, ta cũng nên mua mà dùng, dầu có chất phát hơn đôi chút, tưởng cũng không hại gì. Chớ nếu mỗi vật ta cần dùng, ta đều dùng của người, mà không hề để ý đến của ta, chỉ phó cho ba người nghèo khổ tiêu thụ lấy, thì cái đồ ấy, vật ấy sẽ bị tay ta mà tiêu diệt đi.

Một người trồng hoa muốn cho hoa tốt tất phải săm soi, săn sóc, hoa có được người săm soi săn sóc thì hoa mới khoe tia múa hồng; đồ hóa vật cũng thế, nếu muốn cho hóa vật của ta được tinh xảo dinh dư, thì ta phải yêu, quí, tôn, trọng, Bằng không thế thì cái cơ nguy quốc cùng dân kia hẵng không sao tránh được.

Than ôi ! Việc dùng trà Huế chẳng qua là một việc nhỏ mọnh, thế mà nhà biện thuyết nói hầu gảy lưỡi, nhà văn-sĩ viết hầu cùn ngòi, mà cái kết quả vẫn còn ở trong chốn mơ màng thì còn mong chi là nói chuyện khác.

Nhơn nay tiếp được cái tin khốc hại kia, nên tôi lại phải kỉnh các cho đồng bào quốc dân biết. Còn sự kết quả thế nào xin, mong tin ở lòng thương nước thương mình của các anh em.

 

P.Đ

Nguyễn Đức Nhuận

(chú thích: (1) Ở đây nhà văn Phú Đức cho ta biết tục lệ người Saigon và Nam Kỳ khi người đi đường khát nước, vào nhà bên đường xin xin nước hay nước trà uống, đều được chủ nhà đáp ứng)

Trà tàu được nhập từ Trung Quốc. Tiệm trà như Nghi Nam Phong trên đường rue des Jardins  hay Nghi Bồi Nhâm ở đường rue des Jardins có quảng cáo bán trà hiệu “Hai con bò đỏ” và “Hai con nai đỏ”  trên tờ Saigon (Hình 3, 4 và 5 )


Hình 3 – Quảng cáo trà Nghi Nam Phong trên báo Saigon (nguồn: Saigon, 21/10/1938, Thư viện Quốc gia Việt Nam)

Hình 4 – Trà Liên Tử “Hai con nai đỏ” của tiệm Nghi Bồi Nhâm, Chợ Lớn (nguồn: Saigon, 8/7/1936. 11/10/1939, Thư viện Quốc gia Việt Nam)

 

Trích quảng cáo (Saigon 11/10/1939)

“Mới lại thứ trà Tàu ngon nhứt

Vừa rồi bên Trung-Huê [Trung Hoa] mới gởi lại cho bổn hiệu một thứ trà tàu ngon nhứt, mùi thơm tho ngon lành, dẫu ai kén chọn cách mấy cũng công nhận và vừa lòng lắm.

Vậy quí ngài ai thuỡ nay thích dùng trà ngon nên mau đến bổn hiệu hỏi mua thứ trà TRUNG-HUÊ KÝ-CHƯỞNG về dùng thì thật không còn chổ mào chê nữa đặng.

Nhớ nhắc kỹ nhản CON NAI hiệu:

NGHI-BỒI-NHÂM

Số 75, ở ngang Cholon cũ – Tél. 30.244

Hình 5 – Quảng cáo “trà tàu nát” Kim Cúc kỳ chưởng và trà Trung-Huê kỳ chưởng của tiệm Nghi Bồi Nhâm trên đường rue des Jardins số 75 (nguồn: Saigon, 3/12/1935, 6/6/1940, Thư viện Quốc gia Việt Nam)


Hình 6 – Trà Liên Tử Hai con nai đỏ (nguồn: Saigon, 10/5/1937)

 

Tiệm Nghi Bồi Nhâm là tiệm quảng cáo rộng rãi trên báo chí quốc ngữ trong thập niên 1930-1940. Tuy vậy còn có nhiều tiệm bán trà tàu chỉ có khách hàng là người Hoa là chủ yếu. Tiệm Nghi Bồi Nhâm năm 1934 đã có kiện một tiệm trà khác ở Chợ Lớn giả mạo trà mình để bán mà báo Saigon ((20/8/1934) có đăng tin như sau

“Vụ hiệu Nghi-Bồi-Nhâm kiện Huỳnh-thái-Xương giả nhản hiệu đã xử rồi

Hôm 12 Aout 1934, Tòa Tiểu hình đã đem ra xử vụ Nghi-bồi-Nhâm, tiệm bán trà tàu nhản con Nai ở CHolon số nhà 75 kiện hiệu Huỳnh-thái-Xương cũng ở CHolon, vì hiệu nầy thấy trà Nghi-bồi-Nhâm ngon, mát, thơm được nhiều người tới mua nên giả y nhản hiệu để bán cho chạy trà mình.

Tội giả mạo ấy đã không thể dung được, vì một mặt đối với pháp luật ông chủ Huỳnh-thái-Xương đã không kiêng, một mặt đối với nhơn dân ông ta lại làm mất sự tín nhiệm. Nên hôm tòa kêu án, đáng lẽ tội nặng lắm song cũng nghĩ thương tình hiệu Huỳnh-thái-Xương vì muốn bán trà cho chạy mà phải giả mạo, nên tòa chỉ phạt có 50 francs treo và thường tiền thiệt hại cho hiệu Nghi-bồi-Thẩm có 200 đồng.

Trà mình ngon mới có người giả mạo, nay đã rõ ràn trắng đen rồi, chúng tôi tưởng ông chủ hiệu Nghi-bồi-Nhâm cũng vui lòng vậy.

Các tiệm bán trà do người Việt làm chủ cũng bán trà có nhản hiệu đặc thù như trà thuốc “Kiết Lâm” của ông Nguyễn Kiết Lâm có đại lý oở Chợ Lớn (140 Boulevard Gaudot (nay là Hải Thượng Lãn Ông) hay trà 777 ở Cần Thơ. Trà thuốc “Kiết Lâm” quảng cáo là ngừa ăn không tiêu, đau bụng, nhức đầu, cảm mạo, thủy thổ bất phục khi uống một hộp “cho đậm lại còn hơi nóng thì ra mồ hôi trong vài phút hết liền”.


Hình 7 – Quảng cáo trà 777 của tiệm Trần Phước Thái ở Cần Thơ và trà “Kiết Lâm” (nguồn: Saigon, 20/5/1937, 25/6/1937, Thư viện Quốc gia Việt Nam)

 

Trà phổ thông trong xã hộI và mọi tầng lớp đều có thể thưởng thức từ xưa nay. Đầu thế kỷ 20 ở Sài-Gòn và Nam Kỳ trà được phân biệt qua hai loa;i chính: trà tàu và trà bản sứ (trà Huế) để phân biệt xuất xứ nơi trồng và làm trà. Trong mọi nhà đều có trà và là nước uống không thểe thiếu vào buổi sáng hay sau bửa cơm và thay cho nước lọc lúc giải khát.

Trà tàu nhập từ Trung Quốc thường ướp thơm có nhiều loại được bán nhiều nhất ở Chợ Lớn, đặc biệt trên đường rue des Jardins, ngang hông chợ Lớn cũ.

Ngày nay còn rất ít các tiệm bán trà ở Saigon và Chợ Lớn. Có thể nói ở Saigon chỉ còn một tiệm trà duy nhất hoạt động từ thập niên 1920 cho đến nay là tiệm bán trà Ô Tòng Ký trên đường Phan Châu Trinh (số 13) đối diện gần cửa Tây chợ Bến Thành. Chủ nhân tiệm Ô Tòng Ký là bà Kha Luyên người Hoa gốc Quảng Đông. Trong tiệm vẫn còn nhiều hộp trà bằng thiếc. Trên các hộp đừng trà có các chữ Nho nói về thơ của Lý Bạch, một thi nhân thời Đường và Trương Phi Yến, một trong những mỹ nhân thời xưa ở Trung Quốc.


Hình 8 – Tiệm trà Ô Tòng Ký (bên phải hình) trong thập niên 1940 (nguồn: Manh Hai Flickr). Bà Kha Luyện và cháu (phải) (ảnh: tác giả)




Hình 9 – Tiệm trà Ô Tòng Ký, 13 Phan Châu Trinh, Quận 1 (ảnh: tác giả)

 

Tiệm bán trà Ô Tòng Ký hầu như vẫn còn nguyên vẹn và không thay đổi gần một thế kỷ. Bà Kha Luyện sinh năm 1933. Cha bà là chủ tiệm và là người thành lập tiệm trà Ô Tòng Ký. Bà Luyện sinh 1 năm trước một sự kiện nổi tiếng xảy ra trước cửa tiệm Ô Tòng Ký. Nơi đây hai nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (chủ bút tờ báo Chuông Rè, La Clôche fêlée) và Phan Văn Hùm (nhà báo) dựng một sạp bán dầu cù hiệu Con SƯ Tử  là vào những ngày cận Tết tháng 1 năm 1934. Khi nhận ra hai ông, một đám đông tụ tập chung quanh hai ông và dầu cù là được bán hết nhanh chóng.

Tổng luận

Ngày nay thú thưởng lãm uống trà ngon không còn phổ thông và các tiệm chuyên bán trà lần biến mất. Văn hóa uống trà được thay thế bởi văn hóa uống cà phê. Cà phê dụ nhập vào Sài-Gòn và Nam Kỳ do người Pháp mang vào vào đầu thời Pháp thuộc. Cà phê phổ biến nhanh chóng từ Sài-Gòn đến lục tỉnh nhất là khi các đồn điền cà phê được thành lập. Mỗi sáng các công chức, công nhân từ người khá giả đến bình dân, công nhân thợ thuyền đều uống cà phê khi điểm tâm ở các hàng quán đa số của người Hoa trước khi vào làm việc. Năm 1920 cũng vì một tiệm cà phê của người Hoa trên đường rue Hamelin (Lê Thị Hồng Gấm ngày nay) tăng giá cà phê từ 2 xu lên 3 xu, các khách hàng đa số là công nhân và người nghèo phản đối, và từ đó có phong trào tẩy chay hàng quán người Hoa.

Tuy vậy trà vẫn thường dùng ở mọi nhà ở Sài-Gòn và Việt Nam. Các nơi khác như Trung Quốc, Nhật và Anh thì trà được xem là nước uống quốc gia truyền thống trong phong tục, tập quán sinh sống hàng ngày. Các nước Phápva` châu Âu lục địa thì văn hóa cà phê là thượng phong.

Tham khảo

·         Annuaire général de l’Indo-Chine française [“puis” de l’Indochine] , 1907 (Partie commerciale)

·         Saigon, 3/12/1935, 8/7/1936, 10/5/1937, 20/5/1937, 25/6/1937, 21/10/1938, 11/10/1939, 6/6/1940

·         Đông Pháp Thời Báo, 8/4/1927, 1/7/1927

·         Công Luận báo, 14/5/1927, 4/5/1933

·         Lục Tỉnh Tân Văn, 21/3/1918, 30/5/1918, 5/9/1918, 27/3/1919

·         Trần Đình Sơn, Trước thềm điện Diên Thọ bàn chuyện uống trà xưa nay, Tạp chí Sông Hương, số 221, tháng 7 2007.

·         Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tùy Bút, Nhà xuất bản Văn Học, 2017 (nguyên bản chữ Hán http://findit.library.yale.edu/catalog/digcoll:18083)

 

https://hiepblog.wordpress.com/2019/06/09/uong-tra-va-buon-ban-tra-o-saigon-cho-lon-thoi-phap-thuoc/

 

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...