Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Sài Gòn chuyện đời của phố:

Cái ti vi Denon và truyền hình nửa thế kỷ trước



Một cửa hàng bán ti vi ở Sài Gòn trước 1975 - Ảnh: T.L


Khi ba mở ti vi trong thùng ra, anh em tôi hét lên vang xóm và lập tức trẻ con trong hẻm chạy đến ngay, bu đầy cửa cái và cửa sổ.
Đây là cái ti vi thứ hai của xóm mà ba tôi mua với giá 5.075 đồng tiền lúc đó, mua lại của một người quen đang cần tiền bán gấp. Trước đó, chỉ có nhà dượng Hai Mỹ, một ông chủ sự (trưởng phòng) tại Air VN làm việc ở sân bay Tân Sơn Nhất mới mua nổi.
Đến giờ, tôi vẫn nhớ những chương trình thật hay của Đài truyền hình Sài Gòn trong suốt tuổi thơ của mình. Đó là chương trình ca nhạc thiếu nhi Tuổi xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh, chương trình Quê ngoại đậm đà tình quê hương của nhạc sĩ Bắc Sơn. Về ca nhạc có chương trình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với nhạc kịch Ả đào say, ban hợp ca Thăng Long với các ca khúc Ly rượu mừng, Ngựa phi đường xa... Cải lương thì ban Dạ Lý Hương, ban Thanh Minh - Thanh Nga... Xem qua đài Mỹ thì có các phim Wild wild west, Combat, Lạc trong không gian, Lỗ tai lừa... Thời sự chiến tranh hay các chương trình của người lớn thì lứa chúng tôi còn nhỏ nên không màng tới.
Sắm ti vi trở thành niềm mơ ước của nhiều gia đình miền Nam. Nguyệt san Thời Nay tả lại chuyện này: “Máy truyền hình đã xuất hiện tại VN, lần đầu tiên, năm 1966. Một chiếc Denon, 12 inches, giá 16.500 đồng, 19 inches: 30.000 đồng... Mặc dù kỹ thuật còn lỉnh kỉnh, như: vô tuyến truyền hình (VTTH), chương trình cao su, hát nói nhiều hơn hình ảnh, ti vi - một danh từ mới - đã được “khán thính giả” VN chiếu cố kỹ. Nhà nhà đều có ti vi. Ai không có thì đi coi cọp. Ăng ten mọc như mắc cưởi, hướng loạn trên các mái nhà, nhất là ở các tỉnh. Chương trình được hâm mộ nhất là... cải lương và... đài Mỹ. Batman xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm. Lúc đó điện còn yếu, mỗi nhà một survolteur cho ti vi”.
Phát sóng truyền hình từ... máy bay
Sau khi ông Diệm bị lật đổ, người Mỹ thiết lập hệ thống vô tuyến truyền hình cho quân đội của họ tại VN. Đồng thời họ giúp thành lập một đài truyền hình và đào tạo chuyên viên VN để tự điều hành các hoạt động.
Năm 1966, chính phủ VNCH khánh thành đài vô tuyến truyền hình đầu tiên, đồng thời thành lập Nha VTTH VN đặt tại Trung tâm điện ảnh. Nhiệm vụ của Nha là hằng ngày cung cấp các chương trình cho Đài VTTH Sài Gòn trên băng tần số 9.
Cần nhắc lại, trước đó, từ tháng 1.1966 đến tháng 12.1967, hệ thống VTTH Sài Gòn chỉ có một phim trường rất nhỏ tại Trung tâm điện ảnh số 15 Thi Sách, Sài Gòn. Trong thời gian này, các chương trình kể cả tin tức đều được thu vào băng từ (video tape) rồi được chuyển lên hai máy bay Super Constellation để phát theo hệ thống Flying station, vì thế hình ảnh thường bị rung, mờ, không rõ.
Buổi truyền hình đầu tiên phát vào ngày 29.1.1966. Trong buổi phát, máy bay vận tải Super Constellation bốn động cơ đặt tên là Ô-xanh 2 bay ở độ cao ổn định là 3.150 m. Mỗi tối máy bay này chở hàng tấn máy móc rời phi trường Tân Sơn Nhất lên tới độ cao nhất định tại một địa điểm phía đông nam Sài Gòn khoảng 32 km rồi từ đó bay theo một lộ trình không thay đổi, lặp lại mỗi đêm với tốc độ ổn định là 271 km/giờ. Máy bay bay suốt bốn giờ liên tục từ 19 giờ đến 23 giờ mới hạ cánh lại Tân Sơn Nhất. Từ 20 giờ máy bay phục vụ cho chương trình truyền hình thứ nhì loan tin và giải trí cho quân đội Mỹ đến 23 giờ. Trong máy bay có hai máy truyền hình mạnh 2.000 kW, hai máy thu hình và tiếng vào băng, hai hệ thống kiểm soát âm thanh, hai hệ thống vô tuyến điện ảnh dùng phim 16 ly. Các làn sóng điện đem theo hình ảnh và âm thanh có thể được tiếp nhận tới các nơi xa Sài Gòn như Campuchia (cách 120 km), Đà Nẵng (608 km), Cà Mau (206 km). Tuy nhiên Sài Gòn và tỉnh lân cận mới tiếp nhận hoàn hảo.
Vào khoảng cuối năm 1967, hệ thống này được mở rộng hơn, hai máy bay Super Constellation được thay bằng máy bay Blue Eagle. Đến tháng 3.1968, khi đài truyền hình mới đã được xây xong tại số 9 Hồng Thập Tự (nay là trụ sở Đài truyền hình TP.HCM) thì nhờ có trụ phát tuyến cao nên hình ảnh được rõ ràng, không còn mờ rung như khi phát hình bằng máy bay nữa. Từ đó các chương trình đầy đủ và phong phú hơn.
Năm 1968, khi xảy ra cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, ba tôi đưa ti vi vào phòng trong. Cả nhà chui xuống bộ ván dày có chất bao cát phía trên để tránh đạn pháo và ló đầu ra theo dõi màn hình ti vi đang chập chờn. Tôi không nhớ gì về chương trình truyền hình lúc đó nhưng ti vi vẫn có ca nhạc có lẽ được thu trước và tin chiến sự đang xảy ra trong thành phố.


Quảng cáo tivi - Ảnh: T.L



Tivi trong phim trường - Ảnh: T.L



Dấu ấn không phai mờ
Thời đó, hầu hết các ca sĩ được yêu cầu nghiêm ngặt trong trang phục, đa số nữ ca sĩ bận áo dài khi ca hát hay diễn kịch. Nhiều vở kịch phản ánh rõ đời sống của người dân nghèo thành thị trong hoàn cảnh tao loạn chiến tranh, những cảnh đời bi đát và những nhân vật cố chống lại sự tha hóa trong đạo đức như Dưới hai màu áoLá sầu riêng, Tấm lòng của biển, Con gái chị Hằng... làm rớt nước mắt từ già đến trẻ. Có lẽ đó chính là những dấu ấn tốt đẹp không phai mờ mà người Sài Gòn còn nhớ về một thời xem truyền hình trước kia.
Phạm Công Luận
Trích từ Sài Gòn - Chuyện đời của phố phần 2 do NXB Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book ấn hành
(Nguồn: Thanh niên)


Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Bài này được trích dịch từ chuyên đề GUIDE HISTORIQUE DES RUES DE SAIGON của ANDRÉ BAUDRIT.

LAI LỊCH NHỮNG TÊN ĐƯỜNG ĐẦU TIÊN

CỦA THÀNH PHỐ SÀI GÒN

(Phần tiếp theo)



VINCENSINI. Hướng Tây Tây Bắc – Đông Đông Nam là phần nối tiếp của đường Guillaume-Martin và đổ ra đường Victor-Olivier thuộc khu Khánh Hội.
Đây là con đường mới xây dựng trên vùng đầm lầy và tên đường được đặt vào ngày 3 tháng 5 năm 1929.



Bản đồ 1943


Bản đồ 1958 là đường Lê Quốc Hưng


Charles, Joseph VINCENSINI sinh ngày 13 tháng 7 năm 1881. Ông là thị trưởng Sài Gòn. Tham gia chiến tranh thế giới và hy sinh ngày 10 tháng 7 năm 1918.



VINSON. — Đường Gustave.  Hướng Đông Bắc – Tây Nam đường ngắn nối đại lộ Kitchener với đường Boresse.
Đường trước đó không có tên. Tên Gustave VINSON được đặt vào ngày 26 tháng 4 năm 1920.


Bản đồ 1926


Bản đồ 1958 là đường Trịnh Văn Căn


Gustave VINSON là luật sư lâu năm tại Nam Kỳ rồi thị trường thành phố từ năm 1874 đến 1876. Theo yêu cầu của con ông trong bức thư ngày 3 tháng 10 năm 1919 đề nghị tên của ông được đặt chgo một con đường ở Sài Gòn sau 28 năm ngày mất của ông.



YPRES. — Đường d’. Hướng Tây Bắc – Đông Nam đường ngắn nối đường Colonel-Boudonnet khu vực nhà ga tới giao lộ của các đường Verdun, Phan-thanh-Gian, Frère-Louis, Lacote, La-Grandière.
Con đường này là nối đài của con đường de l'ancienne église de Chodui. Tên Ypres được đặt vào ngày 26 tháng 4 năm 1920.


Bản đồ 1943


Bản đồ 1958 là đường Nguyễn Văn Trắng

Ypres, thành phố của Bỉ nằm ở Flemish thuộc tỉnh Tây Flanders là nơi xảy ra trận đánh giữa quân Đức và quân Đồng Minh trong trận chiến tranh thế giới.



YSER. — Cảng de l'. Hướng Tây Tây Bắc – Đông Đông Nam chạy dọc sông Sài Gòn từ đường Charles-De-Cappe tới kênh Tân Thuận (canal de dérivation). Đây là nơi đặt các tòa nhà của des Messageries maritimes et des Chargeurs réunis.
Tên được đặt vào ngày 29 tháng 3 năm 1017.


Bản đồ 1943



Bản đồ 1958 là Cảng Thương khẩu


YSER là con sông biên giới nằm ở phía bắc nước Pháp nơi xảy ra trận đánh trong cuộc "Chạy đua ra biển" trên Mặt trận phía Tây thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã diễn ra từ ngày 18 cho đến ngày 30 tháng 10 năm 1914.



MARCHAND. — Đại lộ du Gal.
Cái tên của tướng MARCHAND có lẽ không bao giờ tìm thấy ở Sài Gòn nếu vào tháng 1 năm 1943, người ta muốn bỏ đi cái tên của thống chế người Anh lord KITCHENER.


Bản đồ 1946


Bản đồ 1958 là đại lộ Nguyễn Thái Học


Jean-Baptiste Marchand , sinh ngày 22 tháng 11 năm 1863 tại Thoissey ( Ain ) và qua đời13 tháng 1 năm 1934 ở Paris , là sĩ quan và là nhà thám hiểm Pháp, nổi tiếng vì đã chỉ huy sứ mệnh Congo-Nile .


Jean-Baptiste Marchand

RIBOT. — Đường du Lieutenant. Hướng Đông Bắc – Tây Nam là đường nhỏ rất ngắn nối đường des Éparges với đường Verdun, còn có tên là đường des Jardins.
Đây là đường tư nhân, mở năm 1920 và chuyển giao cho chính quyền ngày 31 tháng 10 năm 1939. Tên Lieutenant-Ribot được đặt vào ngày 23 tháng 1 năm 1943.


Bản dồ 1947


Bản đồ 1958 là Phạm Đình Toái


Paul RIBOT sinh ở Lesson thuộc vùng Maillezais (Vendée), ngày 22 tháng 2 năm 1897. Động viên qua Sài Gòn năm 1940, là trung úy trung đoàn 1 quân bản xứ. Ông tham gia vào trận đánh quân Xiêm năm 1940 -1941 và hy sinh ngày 31 tháng 1 năm 1941.


VIAL. — Đường Paulin. (Xem đường Thomson)



Bản đồ 1943

Ghi chú: về sau là đường Phan Liêm

VIAL (Paulin François, Alexandre) sinh ở Voiron (Isère), ngày16 tháng 4 năm 1831. Sự nghiệp của ông ở trong hải quân nhưng sau đó tách ra làm việc cho chính quyền thuộc địa Nam Kỳ. Ngày 1 tháng 1 năm 1869, Giám đốc Nội vụ tại Nam kỳ dưới quyền của Phó Đô đốc, Thống đốc Pierre DE LA GRANDIÈRE.

                                                                                                        (Hết)

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ


                  1261. Thánh đường Hồi giáo đường Nguyễn Trãi xưa và nay.


                  1262. Nhà hàng The World of Suzy Wong đường Đồng Khánh một thời và vị trí hiện nay.


                  1263. Đường Đồng Khánh trước khách sạn Capitol ngày nào và giờ đây.


                  1264. Đường Lê Thánh Tôn phía sau chở Bến Thành xưa và nay.


                  1265. Đường Đồng Khánh nhìn từ khách sạn Capitol ngày nào và giờ đây.


                  1266. Đường Nguyễn Huệ xưa và nay cùng vị trí.


                  1267. Hai cảnh sát công lộ/giao thông của hai thờ kỳ tại giao lộ Tự Do - Ngô Đức Kế.


                  1268. Cảnh trước PX của Mỹ gần bùng bình ngả 6 Chợ Lớn xưa và nay.


                  1269. Góc Tự Do - Thái Lập Thành xưa và nay.


                  1270. Đường Lê Thánh Tôn phía sau chở Bến Thành xưa và nay.


Nguồn Tim Doling, Trung Ngo, Paul Blizzard

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

Sài Gòn, những địa danh mượn tên người:

Chợ Cầu Ông Lãnh - dấu xưa xe ngựa…


Cầu Ông Lãnh cũ bắc qua rạch Bến Nghé từ đường Bến Chương Dương (quận 1) đến đường Bến Vân Đồn (quận 4) đã được phá đi để xây cây cầu mới dài hơn, rộng hơn, đẹp hơn.
Cầu mới bắt đầu từ ngay nền chợ trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1), choàng qua đường Bến Chương Dương cũ - nay là đại lộ Võ Văn Kiệt, bên này rạch Bến Nghé và phủ qua đường Bến Vân Đồn, chạy xuống gần tới đường Hoàng Diệu (quận 4). Cầu Ông Lãnh mới dài 256 m, là cây cầu dài nhất bắc qua rạch Bến Nghé. Còn ngôi chợ mang tên cầu, từ năm 2003 được dời lên Tam Bình (quận Thủ Đức) mang tên “chợ nông sản đầu mối Thủ Đức”.
Tên cầu, tên chợ
Khi nhắc tới cái tên chợ Cầu Ông Lãnh, chắc ai cũng biết chợ được lập sau cầu nên tên chợ mới đặt theo tên cầu. Cầu xây từ lúc nào chưa có tài liệu nào ghi chính xác nhưng theo học giả Trương Vĩnh Ký viết năm 1885 thì cây cầu gỗ bắc qua rạch Bến Nghé là do ông Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, một tướng triều Nguyễn, trấn thủ đồn Cây Mai - Thủ Thiêm gần đó, cho bắc để tiện việc giao thông và phòng thủ chống quân Pháp tấn công vào Gia Định. Nhân dân kính trọng gọi là cầu Ông Lãnh chứ không dám gọi tên ông.
Sau khi lập chợ, người ta đào một con kênh từ rạch Bến Nghé vào tới chợ để ghe thuyền dễ dàng đưa hàng nông sản vào tận trong chợ, xuồng ghe dày đặc cả một khúc kênh và được chia bến như bến Mỹ Tho, bến Sóc Trăng, bến Long Xuyên… Bên kia kênh là những kho muối và mắm chở từ Bạc Liêu lên, từ Phan Thiết vào, chờ đưa qua Cao Miên bán. Muối, mắm chứa trong những căn nhà lá nằm dọc bờ rạch cùng chiếc cầu ván bắc từ ghe lên bờ để chuyển muối lên, gọi là cầu Muối. Sau này có lẽ do buôn muối gặp nhiều khó khăn, lái muối không buôn nữa, bỏ trống kho là các nhà lá, dân tứ xứ bèn chiếm cứ cư ngụ rồi cũng lập thành cái chợ bán mắm, muối, cá, tôm bên cầu ván, gọi là chợ Cầu Muối. Những phu vác hàng ở các bến đều có sự bảo kê của các tay giang hồ. Đã có không ít những cuộc đánh chém nhau giành quyền kiểm soát, bảo kê. Cụm từ “anh chị Cầu Muối”, “dân Cầu Muối” nổi tiếng khắp Sài Gòn lục tỉnh.


Vụ cháy chợ Cầu Ông Lãnh năm 1971. Ảnh: TƯ LIỆU
Suốt một thời gian dài, chợ Cầu Muối tồn tại song song với chợ Cầu Ông Lãnh hai bên kênh đào. Năm 1929, con kênh đào từ rạch vào chợ được lấp thành đường - nay là đường Nguyễn Thái Học để xây cầu Ông Lãnh bằng xi măng cốt thép, bấy giờ hai ngôi chợ Cầu Ông Lãnh và Cầu Muối lại nằm cạnh nhau, đến nỗi nhiều người nhầm hai chợ là một. Năm 1971, chợ Cầu Ông Lãnh bị một trận cháy lớn, chính quyền huy động cả lực lượng cứu hỏa mà không chữa nổi, phải nhờ trực thăng Chinook khổng lồ của Mỹ đến hỗ trợ chữa lửa. Bấy giờ tôi đang ở nhà bà dì bên Khánh Hội, chạy ra Bến Vân Đồn chứng kiến cảnh chiếc trực thăng Chinook khổng lồ, loại chuyên cẩu xe tăng, xe tải cho quân đội Mỹ, đang cẩu chiếc thùng thật bự múc nước từ rạch bay vào thả xuống dập lửa đang bùng cháy dữ dội. Gian hàng bán đồ trang sức và mỹ phẩm rẻ tiền trong nhà lồng chợ của bà dì tôi thành tro bụi, sự nghiệp tan tành, bà khóc đến sưng cả mắt. Chứng kiến cảnh bà dì tôi cùng hàng trăm tiểu thương khác khóc lóc, than trời trách đất, mặt mày thất thần, tôi cũng muốn khóc theo! Đó là trận hỏa hoạn lớn nhất mà tôi chứng kiến trong đời. Cũng xin nói thêm, tuy là chợ đầu mối nông sản chuyên bán rau quả tươi nhưng trong nhà lồng chợ cũng có bán đủ các mặt hàng gia dụng, trang sức chủ yếu là vàng giả, mỹ phẩm rẻ tiền…
Năm 1999, chợ Cầu Ông Lãnh lại bị cháy một lần nữa, tôi đang đi công tác ở Cần Thơ, chỉ nghe đồng nghiệp gọi điện thoại kể lại. Đám cháy dữ dội, thiêu rụi nhiều gian hàng. Sau trận hỏa hoạn này, cùng lúc công tác giải phóng chợ để xây cầu Ông Lãnh mới, nhiều hộ kinh doanh thủy hải sản ở chợ Cầu Muối dời về chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền (Bình Chánh), một số nhỏ dời qua chợ cá Chánh Hưng (quận 8), chợ cá Hòa Bình (quận 5). Còn các hộ kinh doanh nông sản thì dời tạm về chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn), chờ vài năm sau chuyển lên chợ đầu mối mới đang xây dựng rất hoành tráng ở Tam Bình (quận Thủ Đức).
Khi chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối dời đi, không chỉ các chủ vựa hay bà con tiểu thương chia tay chốn cũ ngậm ngùi, luyến nhớ khu chợ đã gắn bó với nhiều thế hệ mà còn là nỗi khốn đốn của những người lao động phụ việc vốn trước giờ sống bám vào chợ, làm bữa sáng lo bữa chiều. Nhiều gia đình nhiều đời sống bám vào chợ. Họ là mấy trăm xã viên hợp tác xã bốc xếp, mấy trăm người đẩy xe cút kít chuyển hàng trong chợ và cả ngàn người gọt củ, lặt rau, đóng hàng, dọn dẹp… phải thất nghiệp. Chỉ có một ít người theo các chủ vựa đến nơi buôn bán mới, số còn lại hầu hết phải xoay qua công việc khác, buôn bán vặt mưu sinh…
Cầu còn đây mà chợ đã bị xóa tên
Chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối tuy đã không còn hiện hữu nhưng trong ký ức của người Sài Gòn, nhất là những cư dân sống quanh vùng cầu và chợ, hình ảnh những hoạt động, mua bán rộn rịp suốt ngày đêm của ngôi chợ tuổi đời hơn trăm năm như vẫn còn thấp thoáng đâu đây. Một vài gian hàng rau trái lèo tèo bên lề nhánh đường rẽ từ đại lộ Võ Văn Kiệt lên đường Nguyễn Thái Học và ngược lại phía nhánh rẽ bên kia, từ đường Nguyễn Thái Học xuống đường Võ Văn Kiệt, bên chân cầu là mấy mẹt hải sản cá, tôm, mắm, muối. Tất cả như còn lưu luyến và tưởng niệm hai ngôi chợ nổi tiếng một thời.
Việc di dời chợ Cầu Ông Lãnh lên Thủ Đức, dời chợ Cầu Muối xuống chợ đầu mối Bình Điền là hợp lý cả cho việc mở rộng giao thương và giao thông, cũng như tạo được cảnh quan vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch đẹp cho thành phố. Nhưng nhiều người vẫn thấy tiếc nhớ ngậm ngùi mỗi khi có dịp qua đây. Cầu còn đây, khang trang, to đẹp hơn mà chợ đã bị xóa tên rồi. Chợ mang tên cầu. Chợ bên cầu như một cặp đôi nhưng duyên trăm năm có lẽgiờ chỉ còn mỗi cầu thôi. Cầu đứng nghênh ngang, ngạo nghễ nhìn xuống dòng kênh Bến Nghé được nạo vét trong xanh, hai con đường tuyệt đẹp chạy hai bên bờ kênh dưới chân cầu hình như đang ngước nhìn cầu trách móc đã phụ bạc ngôi chợ một thời vang bóng. Cả “em chợ lẻ” Cầu Muối cũng rất đáng yêu với mùi tôm, cá, mắm giờ cũng không còn! Nhưng vẫn như nghe tiếng gọi nhau ơi ới của những người đẩy xe cút kít, của những phu bốc xếp. Và tiếng la hét gây gổ, đâm chém nhau để giành mối bảo kê của dân anh chị Cầu Muối ngày xưa.






Người có công làm nên cây cầu
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng sinh năm 1798 tại Giồng Trôm (Bến Tre), tử trận tại Gò Công năm 1866. Do là người có công cho làm cầu qua rạch Bến Nghé nên khi ông mất được tôn thành hoàng và được thờ ở đình Nhơn Hòa trên đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh (quận 1). Học giả Trương Vĩnh Ký là một nhà bác học uy tín, lại sống vào thời đó nên những điều ông viết rất đáng tin cậy. Thế nhưng báo Tri Tân xuất bản tháng 6-1942 có đăng một bài viết của ký giả Phong Vũ - Trần Văn Hai cho rằng sau khi mất toàn bộ lục tỉnh, Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp. Năm 1874, vua Tự Đức đã cử Nguyễn Thành Ý vào mở lãnh sự quán tại Sài Gòn. Ông lãnh sự đi xe song mã, thường đậu ở bờ rạch Bến Nghé cạnh cây cầu gỗ bắc qua rạch Bến Nghé nên bà con gọi cầu này là cầu Ông Lãnh (?). Giả thiết này không thuyết phục bởi ngôi chợ mang tên chợ Cầu Ông Lãnh đã được lập từ năm 1874, cùng năm ông Nguyễn Thành Ý mới vào Sài Gòn lập lãnh sự quán, mà cây cầu gỗ mang tên Ông Lãnh đã có từ trước đó.
Phạm Đình 
Theo Plo.vn

http://nguoidothi.net.vn/cho-cau-ong-lanh-dau-xua-xe-ngua-7356.html


HÌNH ẢNH VỀ TRẬN CHÁY CHỢ CẦU ÔNG LÃNH NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 1971













  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...