RANH GIỚI HÀNH CHÍNH
ĐÔ THỊ SÀI GÒN – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
THỂ HIỆN QUA CÁC BẢN ĐỒ
(GIAI ĐOẠN 1859 – 2005)
Vũ Ngọc Thành
Lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn được
đánh dấu bằng mốc son năm 1698 khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý
và lập phủ Gia Định. Sài Gòn khi đó vẫn còn là một vùng nông thôn thuộc hai
dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Dưới thời Gia Long vào năm 1808, vùng đất này thuộc
2 trấn Biên Hòa và Phiên An. Năm 1836, sau cuộc cải cách hành chính của vua
Minh Mạng thì địa bàn Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thuộc về 2 tỉnh Biên Hòa
và Gia Định. Mặc dù thời kỳ đó trên địa bàn vùng nông thôn này đã hình thành
nhiều khu tập trung dân cư, có phố chợ buôn bán làm dịch vụ sầm uất nhưng vẫn
chưa có khái niệm và danh xưng “thành phố”. Sau khi chiếm được Sài Gòn vào năm
1859, người Pháp đã gấp rút quy hoạch xây dựng Sài Gòn thành một đô thị lớn nhiều
chức năng (hành chính, quân sự, kinh tế, cảng, v.v.).
Bản đồ 1860
Quyết định của đô đốc Charner ngày 11
tháng 4 năm 1861 đã ấn định địa phận thành phố Sài Gòn (Ville de Saigon) và cho
những ranh giới “một mặt là rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè, mặt kia là chính
sông Sài Gòn và một đường rạch nối từ chùa Cây Mai đến những phòng tuyến cũ đồn
Chí Hòa”1 thì Sài Gòn lúc này mới bắt đầu là một đơn vị hành chính
riêng, diện tích 25 km².
Với quyết định này, thành phố Sài Gòn
lúc bấy giờ bao gồm cả 2 khu Sài Gòn và Chợ Lớn. Năm 1862 dự án thiết kế thành
phố Sài Gòn với 500.000 dân của Coffyn được phê duyệt. Đến năm 1864 người Pháp
cho tách khu Chợ Lớn ra khỏi thành phố Sài Gòn2. Chợ Lớn lúc này là
lỵ sở của huyện Tân Long thuộc phủ Tân Bình. Đây là một thay đổi cơ bản và thuận
lợi nhất để tập trung đầu tư xây dựng khu trung tâm Sài Gòn. Từ đây ranh giới
hành chính của thành phố Sài Gòn đã được định hình trên các bản đồ qua từng thời
kỳ lịch sử.
* Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển
TP.HCM
1 Nhiều
tác giả, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh 300
năm địa chính, Sở Địa chính Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr 67.
2 Website:
http://saigon24h.vn, ngày
25/8/2012.
Bản
đồ 1867
Hai bản đồ này cho thấy mặt bằng đô thị
vẫn còn rất nhỏ hẹp, chỉ khoảng trên 200 ha (theo Nghị định ngày 3/10/1965 của
Thống đốc Nam Kỳ về việc đặt ranh giới cho thành phố Sài Gòn). Về phía Bắc, địa
bàn thành phố Sài Gòn tiếp giáp với một phần con rạch Thị Nghè (đoạn từ cầu
Bông cho tới cầu Thị Nghè) và đường Trần Quang Khải ngày nay. Về phía Đông tiếp
giáp với sông Sài Gòn, phía Nam đến rạch Bến Nghé, cầu Ông Lãnh và một đoạn đường
đi Chợ Lớn (Lý Tự Trọng), đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám) rẽ vào đường
Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai). Phía Tây thành phố tiếp giáp với hai
con đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Impériale (sau này đổi
tên thành đường Nationale tức đường Hai Bà Trưng ngày nay). Lúc này đô thị Sài
Gòn là lỵ sở của hạt Sài Gòn thuộc tỉnh Sài Gòn[1].
Dân số Sài Gòn thời kỳ này có khoảng 10.735 người (1866). Trong đó người Âu có
555 người, người Ấn có 180 người, người Việt và người Hoa có độ 10.000 người[2].
[1] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Gia Định, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1994, tr.98.
[2] Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.109.
Bản đồ 1878
Ranh giới hành chính của
Sài Gòn 1878
theo bản đồ Plan de la ville de Saigon (Cochinchine)
1878
Ranh giới thành phố
Ranh giới của thành phố được xác định cụ
thể, trong đó, ngoài những đường ranh giới thiên nhiên, thì các con đường cũng được
dùng để xác định ranh giới. Bản đồ thành phố Sài Gòn năm 1878 bao gồm có 4 phần
được chia cắt bởi hai trục đường lớn chạy qua thành phố là hai con đường
Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai) và đường Nationale (Hai Bà Trưng).
Ranh giới phía Bắc từ giao lộ đường
Impériale (đã được đổi tên thành Nationale - Hai Bà Trưng) và đường Cimetière
(Võ Thị Sáu) theo nghĩa địa người Âu (nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi - công viên Lê Văn
Tám) vòng qua nghĩa địa người châu Á (nay là khu vực đường Lý Văn Phức) rồi ngược
xuống đường Bangkok (Mạc Đĩnh Chi) nối với đường Des Mois (Nguyễn Đình Chiểu) đến
đường Tây Ninh (Nguyễn Bỉnh Khiêm) rồi rẽ xuống cầu Thị Nghè và từ đó theo rạch
Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn.
Về phía Đông, Sài Gòn giáp sông Sài Gòn,
phía Nam giáp rạch Bến Nghé đến đầu đoạn kênh Lò Heo (kể cả Lò Heo) kéo dài lên
đường De Lagrandière (Lý Tự Trọng) nối với đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng
Tám).
Về phía Tây là từ giao lộ đường Thuận Kiều
(Cách Mạng Tháng Tám) và đại lộ Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), đến đường
Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) rồi chạy vòng lên tới đường Nationale (Hai Bà Trưng).
Lúc này thành phố Sài Gòn đã là một
thành phố lớn được xếp vào thành phố hạng I theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp
ban hành ngày 8/1/1877. Khi đó khung hành chính lục tỉnh đã bị Pháp phá bỏ (vào
năm 1876) và chia ra làm 19 hạt với 4 khu vực lớn có tính cách quân sự bao gồm:
khu vực Sài Gòn, khu vực Mỹ Tho, khu vực Vĩnh Long và khu vực Hậu Giang. Thành
phố Sài Gòn thuộc hạt Sài Gòn nằm trong khu vực Sài Gòn.
Bản
đồ 1882
Ranh giới hành chính của
Sài Gòn – Chợ Lớn theo bản đồ Plan
topographique 20è
Arrondissement et ses environs 1882
Ranh giới thành phố
Ranh
giới hạt
Nam Kỳ được chia ra làm 20 hạt vào năm
1880, Thành phố Sài Gòn và Thành phố Chợ Lớn nằm trong phạm vi hạt 20[1].
Bản đồ 1882 cho thấy giữa thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn còn cách nhau
một miền quê rộng lớn, gồm nhiều xã thôn như Phú Thạnh, Thái Bình, Nhơn Hòa,
Tân Thành, Tân Hòa, Bình Yên, Tân Quang, Nhơn Giang, Tân Kiểng, Tân Châu, Hòa
Bình… Đó là những vùng đất thuộc hai tổng Bình Chánh Thượng và tổng Dương Minh
của hạt 20 mà Pháp lập ra theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ban hành ngày
13/12/1880.
Ranh giới hành chính thành phố Sài Gòn
vào năm 1882 không có sự thay đổi đáng kể nào so với năm 1878. Dân số Sài Gòn
vào năm 1881 có 13.481 người cư ngụ trong đó chủ yếu là người Việt, người Hoa
và người Pháp [2].
Riêng về Chợ Lớn, bản đồ năm 1878 cũng
như bản đồ năm 1867 không vẽ nên ta chỉ có thể xem xét sự thay đổi địa giới
hành chính qua bản đồ do Trần Văn Học lập vào năm 1816 và bản đồ năm 1882, tức
khoảng 66 năm. Đây là một khoảng thời gian khá dài và là giai đoạn vùng đất Chợ
Lớn (bản đồ năm 1816 dùng tên gọi là Sài Gòn), cũng như khu đô thị Sài Gòn (năm
1816 dùng tên gọi là Bến Nghé) trải qua rất nhiều biến động quan trọng. Chính
vì thế, ranh giới hành chính của vùng Chợ Lớn (bản đồ 1882, dùng tên gọi là Thành phố Chợ Lớn) đã mở rộng hơn trước
rất nhiều. Nếu trên bản đồ Trần Văn Học, vùng Chợ Lớn chủ yếu nằm giữa rạch Lò
Gốm và đường thiên lý đi miền Tây Nam kỳ thì đến bản đồ năm 1882, thành phố Chợ
Lớn đã mở rộng hơn rất nhiều ở tất cả các hướng. Về phía Đông và phía Bắc sáp
nhập thêm các làng An Bình, An Đông, Tân Thành. Phía Tây sáp nhập thêm các làng
Minh Phụng, Phú Lâm, Bình Tiên, Bình Tây và phía Nam sáp nhập thêm một phần
làng Bình Đông nằm về phía Bắc rạch Tàu Hũ cùng các làng Phong Phú, Long Vĩnh,
Un Long nằm về phía Nam rạch Tàu Hũ. Dân số Chợ Lớn trong năm 1881 nhiều gấp 3
lần so với dân số Sài Gòn với số dân là 39.806 người [3].
[1]
Nguyễn Quang Ân, Việt Nam những thay đổi
địa danh và ranh giới hành chính, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2003, tr.37.
[2]
Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.109.
[3]
Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.110.
Bản đồ 1897
Ranh giới hành chính của
Sài Gòn – Chợ Lớn theo bản đồ Saigon Cholon et leurs environs 1897
Ranh giới thành phố năm 1882
Ranh giới thành phố năm 1897
Ranh giới Hạt
Phần diện tích mở rộng
Sài Gòn
Bản đồ trên cho thấy địa bàn thành phố
Sài Gòn được mở rộng so với năm 1882. Việc mở rộng này được thực hiện từ năm
1894. Ranh giới về phía Bắc được nới rộng ra đến hết rạch Thị Nghè, sáp nhập
thêm các làng Phú Hòa, Nam Chơn, Hòa Mỹ (vùng Đa Kao ngày nay). Ranh giới thành
phố về phía Tây bắt đầu từ cầu Kiệu theo rạch Thị Nghè chạy xuống tới đường
Cách Mạng Tháng Tám bao gồm các làng Tân Định và một phần làng Xuân Hòa (vùng
Tân Định ngày nay), tăng thêm diện tích được 344 ha (năm 1894). Sài Gòn lúc này
có diện tích 791 ha. Một năm sau, ngày 15/3/1895 thành phố lại được nới rộng ra
về phía Nam với việc sáp nhập một phần đất các làng Khánh Hội và làng Tam Hội cũ
(rộng 182 ha) dọc bờ sông Sài Gòn làm cho Sài Gòn có diện tích 973 ha[1]. Như vậy, về phía Bắc và phía Đông thành phố Sài Gòn được bao bọc bởi rạch Thị
Nghè và sông Sài Gòn. Phía Nam tiếp giáp với đường Nguyễn Thái Học ngày nay rồi
vòng xuống rạch Bến
Nghé theo đường Pháo đài Nam (một phần đường
Nguyễn Tất Thành) đến rạch Bàng. Phía Tây tiếp giáp với một phần rạch Thị Nghè
và đường Cách Mạng Tháng Tám.
Lúc này thành phố Sài Gòn thuộc hạt Gia Định
với dân số khoảng 37.593 người2.
Chợ Lớn
Vào thời kỳ này, giữa hai thành phố Sài
Gòn và Chợ Lớn có thêm đường giao thông nối với nhau. Đó là đại lộ Vành Đai
(Boulevard de Ceinture) chạy từ kênh Vành Đai (Canal de Ceinture) đến đường
Route stratégique (Đường Chiến lược).
Tuy được nối thêm đường giao thông, nhưng
giữa hai thành phố vẫn còn được ngăn cách bởi một miền quê rộng lớn. Miền quê
này nằm trong hạt Gia Định và hạt Chợ Lớn (Hạt 20 đã bị giải thể vào năm 1888).
Về mặt hành chính, thành phố Chợ Lớn thuộc
hạt Chợ Lớn. Thành phố cũng có sự mở rộng về địa giới so với năm 1882, nhưng
không đáng kể. Đó là việc sáp nhập thêm một dải đất của làng Bình Đông thuộc
phía Nam rạch Tàu Hũ, từ ranh hiện tại của rạch Tàu Hũ chạy về phía Nam đến hết
vàm rạch Lò Gốm. Chợ Lớn có dân số tập trung đông đúc 122.132 người (1895)[2],
hơn hẳn dân số Sài Gòn (37.593 người).
[2]
Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.110.
Bản
đồ 1923
Ranh giới hành chính của
Sài Gòn – Chợ Lớn
theo bản đồ Plan de Saigon – Cholon 1923
Ranh giới thành phố năm 1897
Ranh giới thành phố năm 1923
Phần
diện tích mở rộng
Sài Gòn
So với bản đồ năm 1897, bản đồ năm 1923
cho thấy ranh giới hành chính đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn có một số thay đổi. Theo
các tài liệu[1],
thì vào năm 1906, về phía Tây, diện tích thành phố được nới rộng thêm một phần đất
của làng Tân Hòa và Phú Thạnh (vùng giữa Sài Gòn và Chợ Lớn) rộng 344 ha, Sài
Gòn có diện tích là 1.317 ha. Địa giới thành phố Sài Gòn tiếp tục được mở rộng
ra đến đường Eglise de Cầu Kho (Trần Đình Xu) và một phần đường Route
Stratégique (Trần Phú), đoạn giữa quốc lộ 1 (Cách Mạng Tháng Tám) và đường
Nancy (Nguyễn Văn Cừ). Việc mở rộng này được thực hiện theo Nghị định của Thống
đốc Nam Kỳ ban hành ngày 30/12/1912[2].
Về phía Nam, ngày 21/8/1907 địa bàn
thành phố được nới rộng với việc sáp nhập thêm phần diện tích còn lại của các
làng Khánh Hội và một phần của làng Chánh Hưng (rộng 447 ha làm cho Sài Gòn có
diện tích là 1.764 ha). Ranh giới phía Nam kéo xuống đến rạch Ông Đội – rạch
Bàng[3].
Thành phố Sài Gòn có 3 quận là quận 1,
quận 2 và quận 3. Mỗi quận đều có bót cảnh sát (Commissariat de Police) để cai
quản. Có tất cả ba bót cảnh sát, được đánh số 77 (quận 1), số 98 (quận 2), số
20 (quận 3) trên bản đồ Plan de Saigon –
Cholon 1923.
Chợ Lớn
Chợ Lớn cũng có nhiều thay đổi như Sài
Gòn với các hoạt động phong phú của một đô thị đang phát triển. Ranh giới hành
chính của Chợ Lớn được mở rộng, bao gồm có 2 quận là quận 4 và quận 5. Về phía Đông,
diện tích thành phố Chợ Lớn có thêm một phần làng Tân Hòa và làng Phú Thạnh, đường
Nancy trở thành ranh giới giữa hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Về phía Tây và
phía Nam, Chợ Lớn có thêm một phần các làng xung quanh như Tân Hòa Đông, Phú Định,
An Lạc, An Phú Tây, Phong Đước, Bình Đăng, Bình Đông, Chánh Hưng, Tân Thới Hòa,
Chí Hòa[4] vào năm 1923 (Nghị định ngày 5/1/1923 do Thống đốc Nam Kỳ ban hành)[5].
[1]
Nhiều tác giả (1998), Sđd, tr.107.
[2]
Nguyễn Đình Tư, “Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử” trong Một số vấn đề về xây dựng chính quyền đô thị
từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP.HCM, 2007, tr.335.
[3]
Vốn thuộc làng Tân Thuận Đông, nay thuộc quận 7.
[4]
Nguyễn Đình Tư, Sđd, tr.336.
[5]
Phần diện tích được mở rộng theo Nghị định ngày 5/1/1923 chưa được thể hiện
trên bản đồ năm 1923.
Bản đồ 1942
Ranh
giới hành chính Khu Sài Gòn – Chợ Lớn
theo bản đồ Plan de Saigon 1942, Plan de Cholon 1942
Ranh giới thành phố năm 1923
Ranh giới thành phố năm 1947
Phần diện tích mở rộng
Phần
diện tích thu hẹp
Bản đồ năm 1942 cho thấy ranh giới hành
chính Khu Sài Gòn – Chợ Lớn có những thay đổi lớn. Đô thị Sài Gòn được mở rộng
về phía Tây với việc sáp nhập các phần đất còn lại của làng Xuân Hòa (khu vực
Ga Sài Gòn ngày nay) và một phần nhỏ đất đai của làng Hòa Hưng (trung tâm Du lịch
quận 10 ngày nay). Tuy nhiên về phía Nam, ranh giới đô thị Sài Gòn lại bị thu hẹp
với việc cắt trả khu vực từ rạch Bàng Đôn đến kênh Tẽ (nay thuộc quận 7) về cho
quận Nhà Bè (tỉnh Gia Định).
Sài Gòn ở vào thời điểm 1949 bao gồm có
4 quận, vị trí các quận 1,2,3 vẫn được giữ nguyên như cũ. Quận 6 được thành lập
theo nghị định số 2383 – MI/DAA của chính phủ lâm thời Cộng hoà Nam Kỳ quyết định
thành lập vào ngày 10/5/1948. Theo đó Quận 6 bao gồm hầu hết phần đất của các
làng Khánh Hội và Vĩnh Hội của thành phố Sài Gòn (quận 4 ngày nay).
Đô thị Chợ Lớn tiếp tục được mở rộng ra
về phía Tây với việc sáp nhập thêm các xóm Phú Thới, xóm Mỹ Trung và xóm Phú Định
thuộc làng Phú Định và các xóm Hòa Đông, xóm Phú Lâm thuộc làng Tân Hòa Đông
vào địa bàn Chợ Lớn. Về phía Bắc, Chợ Lớn được mở rộng hơn với các phần đất của
làng Chí Hòa và một phần đất của làng Hòa Hưng. Về phía Nam, địa bàn Chợ Lớn được
mở rộng xuống đến phần đất của các xóm Cầu Mật, xóm Thái Phúc thuộc làng Chánh
Hưng. Các quận trên địa bàn Chợ Lớn vẫn được giữ nguyên như cũ.
Bản đồ 1958
Ranh giới hành chính Đô
thành Sài Gòn 1958 theo bản đồ Đô thành Sài Gòn 1958
Ranh
giới Đô thành
Bản đồ năm 1958 mang tên là Đô thành Sài Gòn. Bản đồ cho thấy hai
thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn không còn cách nhau riêng biệt nữa mà đã
là một đơn vị hành chính có ranh giới chung cho toàn địa bàn.
Bản đồ không thể hiện đầy đủ các đường
ranh giới cho toàn bộ Đô thành Sài Gòn, nhưng khi so sánh với những phần thể
hiện được trên bản đồ với bản đồ
1942, ta thấy ranh giới hành chính của
cả hai thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn không có sự thay đổi gì, chỉ có
đơn vị hành chính là có sự thay đổi. Trên địa bàn thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn
có 5 quận với 18 hộ.
Ngày 10/5/1948, Chính phủ lâm thời Cộng
hòa Nam Kỳ ra nghị định số 2383 - MI/DAA về việc chia khu Sài Gòn – Chợ Lớn ra
làm 6 quận. Trên địa bàn thành phố Sài Gòn có các quận 1, quận 2, quận 3 và
quận 6. Trên địa bàn thành phố Chợ Lớn có 2 quận là quận 4 và quận 5. Ranh giới
được ấn định như sau[1]:
Quận 1 gồm có hộ 1
Quận 2 gồm có hộ 2
Quận 3 gồm có hộ 4, cộng thêm một khu tứ
giác bao bọc bởi đường Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), đại lộ Hui Bon
Hoa (Lý Thái Tổ). Đường Général Lizé (Điện Biên Phủ) và ranh giới của hộ 3 và
hộ 4 như đã được ấn định theo Nghị định ngày 22/9/1941.
Quận 4 gồm có các hộ: 7,8,9,10,13 và một
phần hộ 15 và hộ 18 khu vực Chợ Lớn.
Quận 5 gồm có các hộ: 11,12,14,15,16,17
và 18 (trừ phần đã sáp nhập vào quận 4).
Quận 6 gồm có hộ 3 (Khánh Hội và Vĩnh
Hội) của Sài Gòn.
Số đơn vị quận của Đô thành Sài Gòn –
Chợ Lớn được tăng lên 7 quận với sắc lệnh số 104-NV của Quốc trưởng Bảo Đại ban
hành ngày 27/12/1952 quyết định thành lập thêm quận 7 (phần đất phía Tây của
thành phố Chợ Lớn).
Bản
đồ 1973
Để nghiên cứu sự mở rộng về mặt hành
chính đô thị trong giai đoạn từ năm 1954-1975, chúng tôi sử dụng bản đồ Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận. Tuy
bản đồ không để năm xuất bản nhưng căn cứ vào những thông tin được thể hiện
trên bản đồ kết hợp với những tư liệu viết về hành chính Đô thành Sài Gòn trong
giai đoạn này chúng tôi có thể xác định đây là bản đồ được vẽ trong khoảng thời
gian từ năm 1969 đến năm 1973.
Bản
đồ Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận trước năm 1975
[1]
Nguyễn Thanh Lợi, “Địa lý hành chính Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” trong Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 60 năm tiếp
bước con đường Cách mạng tháng Tám 1945-2005, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh,
2005, tr.24.
So với bản đồ Đô Thành Sài Gòn năm 1958 ở giai đoạn trước, chúng ta thấy bản đồ Đô thành Sài Gòn và vùng phụ cận trước năm
1975 cho thấy ranh giới hành
chính Đô thành Sài Gòn được thể hiện khá đầy đủ trọn vẹn và chi tiết từ ranh
giới Đô thành cho đến ranh giới từng quận, phường bằng những ký hiệu chú giải
trên bản đồ. Sự thay đổi ranh giới hành chính được thể hiện rất rõ rệt cả về
mặt địa giới cũng như số lượng đơn vị các quận hành chính trong Đô thành.
Ngày 27/3/1959, Tổng thống Việt Nam Cộng
Hòa ra nghị định số 110-NV về việc phân chia Đô thành Sài Gòn ra làm 8 quận bao
gồm có quận Nhất, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám. Trong số 8 quận mới thành
lập trên, chỉ có quận Nhất, Nhì, Ba là giữ nguyên so với giai đoạn trước, các
quận còn lại đều được đổi tên và thay đổi về mặt địa giới hành chính. Cụ
thể:
Quận Nhất: địa giới quận Nhất cũ, chia
ra 4 phường: Bến Nghé, Hòa Bình, Tự Đức, Trần Quang Khải.
Quận Nhì: địa giới quận Nhì cũ, chia ra
4 phường: Cầu Ông Lãnh, Chợ Bến Thành, Cầu Kho, Nhà thờ Huyện Sỹ.
Quận Ba: địa giới quận Ba, chia ra 5
phường: Đài Chiến Sĩ, Bàn Cờ, Chí Hòa, Trương Minh Giảng, Yên Đỗ.
Quận Tư: địa giới thuộc quận Sáu cũ,
chia ra 4 phường: Xóm Chiếu, Lý Nhơn, Vĩnh Hội, Bến Xà Lan.
Quận Năm: phần địa giới thuộc quận Tư
cũ, phía bắc Kênh Tàu Hũ, chia ra 6 phường Trung Ương, Chợ Quán, An Đông, Minh
Mạng, Nguyễn Tri Phương, Phú Thọ.
Quận Sáu: một phần địa giới của quận Năm
cũ, chia ra 7 phường: Bình Tây, Chợ, Bình Tiên, Phú Lâm, Cầu Tre, Bình Thới,
Phú Thọ Hòa.
Quận Bảy: một phần địa giới của quận Năm
cũ, chia ra 6 phường: Cây Sung, Bình Đông, Rạch Cát, Phú Định, Bến Đá, Hàng
Thái.
Quận Tám: phần địa giới thuộc quận Tư
cũ, phía nam Kênh Tàu Hũ chia ra 5 phường: Xóm Củi, Hưng Phú, Bình An, Chánh
Hưng, Rạch Ông.
Năm 1965, Đô thành Sài Gòn có tám quận,
bao gồm 54 phường, 707 khóm với tổng cộng 1.485.295 dân[1].
Ngày 15/6/1966, Chủ tịch Ủy ban Hành
pháp Trung Ương ra sắc lệnh số 100-SL/NV sáp nhập xã An Khánh, thuộc quận Thủ
Đức, tỉnh Gia Định vào địa phận quận Nhất Đô thành Sài Gòn. Đến đây, ranh giới
hành chính Đô thành Sài Gòn đã được mở rộng hơn về mặt địa giới hành chính so
với giai đoạn trước đó. Diện tích Đô thành tăng lên 67,53 km2 và
không thay đổi đến tháng 4/1975.
Ngày 5/12/1966, chính quyền lại chia xã
An Khánh ra làm 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm trực thuộc quận Nhất.
Ngày 17/1/1967, chủ tịch Ủy ban Hành
pháp Trung ương ra sắc lệnh số 9SL/ĐUHC về việc thành lập quận 9 trên cơ sở 2
phường An Khánh và Thủ Thiêm của quận Nhất.
Ngày 1/7/1969, Sắc lệnh số 073-SL/NV của
Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa về việc thành lập quận 10 và quận 11 trên cơ sở một
số phường của các quận 3,5,6. Theo đó, địa phận quận 10 hình thành từ hai
phường: Chí Hòa, Phan Thanh Giản của quận Ba và hai phường: Minh Mạng, Nguyễn
Tri Phương của quận Năm.
Quận Mười Một hình thành từ phường Phú
Thọ của quận Năm và ba phường: Bình Thới, Cầu Tre, Phú Thọ Hòa của quận Sáu. Từ
thời gian này Đô thành có tổng cộng 11 quận và không thay đổi cho đến trước năm
1975, chỉ có số phường trong các quận là có sự thay đổi về mặt tên gọi từ năm
1973. Những thông tin mới về tên gọi phường sau năm 1973 không được thể hiện
trên bản đồ cùng với những chú giải về bưu phí nội xứ (áp dụng từ ngày
06/02/73), điện tín nội xứ (áp dụng từ ngày 01/03/72) có ghi trên bản đồ cũng
là cơ sở để chúng tôi xác định bản đồ trên được vẽ trong khoảng thời gian từ
năm 1969 đến năm 1973.
Năm 1974, toàn bộ Đô thành Sài Gòn có
tổng cộng 11 quận, với 60 phường, dân số tổng cộng là 1.825.297 người[2].
Như thế, trong giai đoạn này ranh giới
hành chính Đô thành Sài Gòn đã được mở rộng hơn so với giai đoạn trước khi có
thêm vùng đất quận 9 phía bên kia sông Sài Gòn (nay thuộc quận 2) và số lượng
các quận hành chính trong Đô thành cũng tăng từ 7 quận lên 11 quận trong giai
đoạn này.
Bản
đồ 1988
Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản Đô thành Sài Gòn vào ngày 30/04/1975, ngày
03/05/1975 thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập trên cơ sở sáp nhập các
đơn vị hành chính thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa dưới đây:
Đô thành Sài Gòn gồm mười một quận. Tỉnh
Gia Định gồm các quận Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh và Nhà Bè.
Riêng hai quận Cần Giờ và Quảng Xuyên sáp nhập với nhau, mang tên mới là huyện
Duyên Hải chuyển sang trực thuộc tỉnh Biên Hòa.
Thành phố Sài Gòn - Gia Định mới lập
được tổ chức lại thành 18 quận (bao gồm 11 quận của Đô thành Sài Gòn và 7 xã
“đô thị hóa” của tỉnh Gia Định được nâng thành quận là Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây,
Phú Nhuận, Hạnh Thông, Thông Tây Hội (gồm cả xã An Nhơn thuộc quận Gò Vấp tỉnh
Gia Định cũ), Tân Sơn Nhì và Tân Sơn Hòa, cùng 5 huyện: Củ Chi (gồm hai quận Củ
Chi và Phú Hòa nhập lại); Bình Chánh (gồm quận Bình Chánh, hai xã: Vĩnh Lộc và
Bình Hưng Hòa của quận Tân Bình cũ và xã Bình Lợi là phần đất cắt từ xã Đức
Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa cũ, sáp nhập với nhau); Hóc Môn (gồm quận Hóc
Môn và hai xã
An Phú Đông, Thạnh Lộc của quận Gò Vấp
cũ sáp nhập); Nhà Bè (gồm cả xã Hiệp Phước thuộc quận Cần Giuộc tỉnh Long An
cũ) và Thủ Đức. Dân số thành phố Sài Gòn - Gia Định vào tháng 5/1975 theo thống
kê của chính quyền thành phố là 3.498.120 người [3].
Ngày 20/05/1976, tổ chức hành chính
thành phố Sài Gòn - Gia Định được sắp xếp lần hai, 18 quận nội thành được
chuyển thành 12 quận mới gồm: 1 (sáp nhập quận Nhất và quận Nhì), 3, 4, 5, 6, 8
(sáp nhập quận Bảy và quận Tám), 10, 11, Bình Thạnh (sáp nhập hai quận Bình Hòa
và Thạnh Mỹ Tây), Phú Nhuận, Gò Vấp (sáp nhập Hạnh Thông và Thông Tây Hội), Tân
Bình (sáp nhập Tân Sơn Nhì và Tân Sơn Hòa), riêng quận 9 giải thể, chia thành
hai xã Thủ Thiêm và An Khánh nhập vào huyện Thủ Đức và gọi là xã.
Ngày 02/07/1976 Quốc hội nước Cộng hòa
Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành
Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 29/12/1978 huyện Duyên Hải, tỉnh
Đồng Nai được chuyển giao cho Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó đổi tên lại thành
huyện Cần Giờ (1991).
Như vậy, toàn thành phố Sài Gòn - Gia
Định có 12 quận nội thành và 6 huyện ngoại thành với diện tích 2.095,01 km2. Từ
đây, diện tích toàn thành phố luôn giữ ổn định và không có sự mở rộng về mặt
địa giới hành chính cho tới nay mà chỉ có sự mở rộng ở khu vực nội thành với
việc thành lập thêm nhiều quận mới lấn ra các huyện ngoại thành. Quá trình này
thay đổi qua từng thời kỳ của thành phố theo quá trình đô thị hóa. Có thể hình
dung khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh đến trước tháng 4/1997 qua bản đồ
sau.
Bản
đồ nội thành Thành phố Hồ Chí Minh năm 1988
Bản đồ nội thành Thành phố
Hồ Chí Minh năm 1988 cho
thấy rõ sự mở rộng về mặt ranh giới hành chính đô thị so với Đô thành Sài Gòn trước năm 1975. Phần diện tích mở rộng
bao gồm toàn bộ diện tích các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Tuy
vậy, phần diện tích quận 9 thuộc Đô thành Sài Gòn trước đây cũng không còn được
thể hiện trên bản đồ khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh do đã được trả về
cho huyện thủ Đức.
Bản
đồ 2003
Ngày 06/01/1997, với Nghị định số 03/CP
của Chính phủ về việc thành lập các quận, phường mới ở Thành phố Hồ Chí Minh
thì thành phố đã có thêm 5 quận mới bao gồm:
Quận 2 trên cơ sở tách các xã An Khánh,
An Phú, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm và một phần xã Bình Trưng của huyện Thủ
Đức,
Quận 9 trên cơ sở tách các xã Long Bình,
Long Trường, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Phước Bình, Tăng Nhơn Phú, Phú Hữu và
một phần bốn xã Bình Trưng, Phước Long, Tân Phú và Hiệp Phú của huyện Thủ
Đức,
Quận Thủ Đức là phần còn lại của huyện
Thủ Đức cũ, gồm Thị trấn Thủ Đức, các xã Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh
Đông, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú và một phần ba xã Phước Long,
Tân Phú và Hiệp
Phú),
Quận 7 trên cơ sở tách các xã Tân Thuận
Đông, Tân Thuận Tây, Tân Quy Đông, Tân Quy Tây, Phú Mỹ và một phần thị trấn Nhà
Bè của huyện Nhà Bè,
Quận 12 trên cơ sở tách các xã Đông Hưng
Thuận, Tân Thới Hiệp, Tân Thới Nhất, Thạnh Lộc, An Phú Đông và một phần hai xã
Trung Mỹ Tây và Tân Chánh Hiệp của huyện Hóc Môn.
Ngày 05/11/2003, với Nghị định số
130/2003/NĐ-CP, ranh giới nội thành tiếp tục được mở rộng ra khi có thêm 2 quận
mới là Tân Phú (trên cơ sở tách các phường 16, 17, 18, 19, 20 và một phần hai
phường 14 và 15 của quận Tân Bình và Bình Tân trên cơ sở tách các xã Bình Hưng
Hòa, Bình Trị Đông, Tân Tạo và thị trấn An Lạc của huyện Bình Chánh.
Như vậy, từ tháng 11/2003 đến nay Thành
phố Hồ Chí Minh có hai mươi bốn đơn vị hành chính trực thuộc gồm 19 quận nội
thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú
Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức) và 5 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Cần Giờ,
Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè).
Quá trình mở rộng địa giới hành chính đô
thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra liên tục qua các thời kỳ lịch sử.
Từ một thành phố Sài Gòn được thành lập dưới chế độ thuộc địa buổi ban đầu chỉ
với 25km2 đến nay khu nội thành Thành phố Hồ Chí Minh đã được mở
rộng ra với diện tích 442,13km2 (chỉ tính trong phạm vi các quận nội
thành) trở thành đô thị lớn thứ 2 cả nước. Việc mở rộng địa giới hành chính
trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của một đô thị mới chỉ 300 năm tuổi nhưng
đã được khẳng định trong quá khứ như là “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Và với xu hướng
hiện nay khi mà huyện Bình Chánh cũng đã đề xuất với UBND TP.HCM và Bộ Nội vụ
nâng cấp Bình Chánh từ huyện thành thị xã, địa giới hành chính đô thị Thành phố
Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được mở rộng theo hướng “dãn nở” ra các huyện ngoại
thành tạo ra nhiều trung tâm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhằm
thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và công tác quy hoạch, quản lý đô thị
trên địa bàn.
Bản đồ hành chính Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách,
bài viết
1. Nguyễn
Quang Ân, Việt Nam những thay đổi địa
danh và ranh giới hành chính, NXB Thông Tấn, Hà Nội, 2003.
2. Nguyễn
Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn
Gia Định, NXB TP.Hồ Chí Minh, 1994.
3. Nguyễn
Thanh Lợi, “Địa lý hành chính Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” trong Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh 60 năm tiếp
bước con đường Cách mạng tháng Tám 1945-2005, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh,
2005.
4. Nguyễn
Đình Tư, “Địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử” trong Một số vấn đề về xây dựng chính quyền đô thị
từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, NXB TP.HCM, 2007.
5. Nhiều
tác giả, Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh 300
năm địa chính, Sở Địa chính Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
6. Trần
Văn Giàu (chủ biên), Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình, Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, NXB Tổng Hợp TP.HCM,
1987.
7. Website:
http://saigon24h.vn.
8. Website:
http://vi.wikipedia.org.
Các
bản đồ
1. Plan
de la ville de Saigon – Cochinchine 1867.
2. Plan
de la ville de Saigon (Cochinchine) 1878.
3. Plan
topographique 20è Arrondissement et ses environs 1882.
4. Saigon,
Cholon et leurs environs
1897.
5. Plan
de Saigon – Cholon 1923.
6. Plan
de Saigon – Cholon 1942.
7. Đô
thành Sài Gòn 1958.
8. Đô
thành Sài Gòn và vùng phụ cận trước năm 1975.
9. Nội
thành Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh 1988.
10. Bản
đồ hành chính Thành phố Hồ Chí Minh năm 2003.
Thông tin hữu Ích. Cảm ơn tác giả đã dầy công biên soạn...
Trả lờiXóa