Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

 

Ký ức về Ngã 3 Ông Tạ

Xóm “Nai đồng quê” trước năm 1971





Bắt đầu từ ngay ngã ba trên đường Thoại-Ngọc-Hầu. Bên phải có tiệm gạo Quang Vinh, nhà 3 tầng lầu, có người con trai cả tên Vinh học trò võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh, Lý Huỳnh là học trò cưng của võ sư Huỳnh Tiền, tôi có học võ thiếu lâm của võ sư Lý Huỳnh được đúng hai tháng gần bến đò Phú Lâm Chợ Lớn, sau đó bị thầy đuổi vì quá ốm yếu. Kế là tiệm thuốc bắc người Tầu, bọn trẻ xóm tôi gọi là chú ba Tầu tôi hay sang tiệm chú chơi được cho quế ăn thơm phức, sau đó là tiệm may Thành có người con lớn đi lính sĩ quan tử trận. Kế là tiệm bán giầy, bên cạnh là tiệm vàng Tân Lợi. Tiếp là tiệm chạp phô, cách một ngõ nhỏ là tiệm vàng không còn nhớ tên. rồi hai tiệm bán tạp hóa kế bên, tiếp nữa là tiệm vàng ông chồng là y tá chích thuốc dạo. Rồi lại một loạt tiệm tạp hóa sau đó đến tiệm vàng Việt Thịnh nổi tiếng giầu nhất vùng này có một lần bị cướp và một lần bị trộm, từ bên này đường tôi thấy tên trộm bị vây trên nóc nhà 5 tầng lầu. Rồi đến con đường hẻm cạnh con đường hẻm là nhà thuốc tây Bình Dân.



Ảnh minh hoạ

Trở lại từ đầu ngay ngã ba bên trái trên đường TNH. Tiệm vàng ngay góc, đến tiệm bán trái cây, kế là tiệm bán đồng hồ. Cạnh bên là tiệm bán sắt xây cất nhà cửa của bà Đỉnh, kế là tiệm banh kẹo và rượu Thanh Hương, nhà tôi Đức Hiền canh bên buôn bán đồ sắt và vật liệu xây cất ngay bên cạnh là tiệm buôn bán tạp hóa, kế bên là tiệm vàng Kim Thành thì phải, bà chủ tiệm vẩn còn bám trụ cho đến bây giờ nghe nói giầu bốc lên. Một loạt tiệm tạp hóa và vàng lien tiếp nối đuôi nhau. Rồi đến căn tạp hóa của bố mẹ nhạc sĩ Ngọc Trong và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, sau đó mới đến thầy thuốc Ông Tạ cũng người Tầu, bênh nhân ở đây đông ngẹt, trước cổng vào có gánh hàng bán ốc luộc. Gần đó vài căn là nhà bố mẹ của ca sĩ Giang Tử. Nghe nói nhà văn Lê Tất Điều cũng ở ngã ba Ông Tạ, và còn nhà thơ Chu Vương Miện cũng dân Ông Tạ thì phải ? Ngay ngã ba trên đường Phạm Hồng Thái. Tiệm chụp ảnh Á Đông 4 tầng lầu đứng sừng sững ngay ngã ba, đây là căn nhà lầu 4 tầng đầu tiên ở ngã ba này thằng bạn con chủ nhà có lần dắt tôi đi coi trong nhà leo hết 4 tầng lấu bá thở. Kế bên là tiệm gạo Tín Lợi, có cô con gái lớn sau này qua Mỹ mở tiệm phở Hiền Vương trong Phúc Lộc Thọ. Bên phải là hai tiệm vàng, bên trái là nhà sách và tiệm bán đồ điện, gần đó cạnh trường Thánh Tâm có tiệm bán và sửa radio Đức-Thành, cô con gái lớn nổi tiếng học giỏi đậu hai cái tú tài ưu được học bổng đi Mỹ. Bên này đường đối diện là nhà may Hải Cảng, gần bên là ông y tá chích dạo, cách xa vài căn là tiệm phở bắc. Đối diện tiệm phở là trường Thánh Tâm thỉnh thoảng có đoàn xiếc về biểu diễn thuê mướn miếng đất rộng trong trường. Đối diện là bến xe ngựa, nơi đây là chỗ đóng đô của tôi, bọn trẻ chúng tôi thường hay chơi tạt hình, đánh khăng, đánh cù, thấy lỗ, chơi năm mười. Gia đình chú Tám coi ngựa ở bên trong, được cha xứ nhà thờ chí hòa cử trông coi nghĩa địa ngay đằng sau. Cạnh tiệm gạo Quang Vinh là tiệm bánh Thiên Hương Rồng Vàng, sau đó là một dãy 5 căn bán tạp hóa rồi đến nhà thờ Nam Thái, ngó qua bên kia là tiệm mộc tồn “Cây Còn” bạn anh tôi là con chủ tiệm nên người anh ta toàn hôi mùi chó đi đâu cũng bị chó sủa. Có thể nói tôi biết mặt hầu hết các chú nhóc và các tiểu thư xinh đẹp trong khu phố ngã ba Ông Tạ.



    • Hình chụp từ ngã ba Phạm Hồng Thái - Thoại Ngọc Hầu


Trước năm 1954, khu đất ở Ngã Ba Ông Tạ là xóm Gò-Gáo, còn gọi là xóm Cò Giáo, làng Tân-Sơn-Hoà. Năm 1954 Chính-phủ Quốc-Gia Việt-Nam (lúc đó chưa có Cộng-Hoà) lập tại đây một trại tị-nạn (refugee camp) cho đồng-bào miền Bắc lánh-nạn cộng-sản ở tạm, trước khi chuyển đi định-cư các nới khác trên miền Nam, trại này tên là Trại Hà-Nội. Sau một số rất đông đồng-bào tị-nạn được định-cư tại chỗ, Trại Hà-Nội đổi thành Ấp Hàng Dầu (tên một Phố ở Hà-Nội) địa-giới nằm trong vòng đường Lê-Văn-Duyệt nối dài (sau đổi thành đường Phạm-Hồng-Thái), đường Thoại-Ngọc-Hầu, rạch Nhiêu-Lộc, vòng rào xưởng máy Sở Hoả-Xa, và vòng rào trại lính nhẩy dù Nguyễn-Trung-Hiếu. Trong ấp có hai xứ đạo là Nam-Thái, và An-Lạc. Ban đầu phần lớn nhà trong ấp chỉ là nhà lá, người dân làm ăn buôn-bán tại chợ Ông Tạ, chẳng bao lâu gây dựng được nơi đây thành một khu thương-mại sầm-uất. Một số địa-danh trong vùng là “Nhà Dây Thép Gío”, “Ngõ Con Mắt”, Xứ Nghĩa-Hoà, Xứ Chí-Hoà, “Cổng Bom” ngõ đi vào chùa Khuông-Việt, “Cầu Sạn” trên đường Thoại-Ngọc-Hầu bắc qua rạch “Nhiêu-Lộc”, tận cùng đường Bùi-Thị-Xuân có “Cầu Xi-Măng” bắc qua rạch Nhiêu-Lộc cũng là một ngõ vào ấp “Hàng Dầu”, cũng phải nhắc tới “Ruộng Rau Muống” nơi tôi thường chạy thả diều, nhiều lần ngã xuống bùn trong ruộng.



Chợ Ông Tạ


Dương Công-Tử ở bên kia đường vậy thuộc về Xứ Nghĩa-Hoà phải không? cùng bên với Nhà Dây Thép Gío, trên đường LVD có tiệm điện Nhật-Quang là nhà-chọc-trời đầu tiên trong vùng (5 hay 6 tầng), có nhà thuốc Tây Kim-Tiếng, tiệm bán thuốc lào ba số 8 cạnh tiệm bán áo dài khăn đóng đàn ông cạnh nhà sách Ngọc-Lan. Tiệm thịt chó “Cây Còn” xéo ngõ vào nhà thờ Nam-Thái, và cạnh Viện uốn tóc Hồng-Kông, gần tới Ngã ba có tiệm bán ống nước sắt, cạnh trường Thánh-Tâm (không có nhà thờ Thánh-Tâm ở đây, thưa Cô HY, hồi đó cũng không có chỗ nào đủ đất rộng mà nuôi bò sữa, Sở Chăn-Nuôi thì thì tuốt trên Ngã tư Bẩy Hiền, có nuôi vài con gà, con heo, bò để thí-nghiêm chăn nuôi. Xưởng ráp xe đạp Peugot, và xe Puch của Ông Đặng-Đình-Đáng thì nhìn xéo qua trường Quốc-Gia Nghĩa-Tử) có tiệm bán và sửa radio Đức-Thành. Trước cổng trường Thánh-Tâm là bến xe ngựa, sau là bến xe Lam. Tiệm Đức-Hiền của nhà LNH bán tạp-hoá hay bán vàng? nằm trên đường TNH phải không? Tiệm thuốc Tầu rất lớn cách Ngã Ba một căn, Ông bụng bự đứng bán thuốc đó không phải là Đông-Y-Sĩ Thủ-Tạ. Phòng chẩn-mạch của ông Thủ-Tạ dưới chút nữa gần tới chợ, cách vài căn, khuất vào trong không ngay mặt đường TNH, xéo bên kia đường là nhà thuốc Tây Bình-Dân. Hồi ấy chỉ có một tiệm “Cây Còn” bán các món “Giả Cầy”, phần đông những người biết ăn thì làm lấy ở nhà, nên không như bây giờ, nghe nói suốt cả con đường biết bao nhiêu là tiệm bán món “Khó Nói” (tiếng của Ngài Jắc-Cu-Lơ). , món “Nai đồng quê” hay “Nai thềm” là tiếng miền Nam. Tiếng người Ri-cư gọi là các món “Giả Cầy”, vì không có con “Cầy” để làm các món này nên dùng tạm họ nhà Cẩu để làm “Giả”; chứ nếu bắt được con Cầy thật mà làm thì các món ngon gấp mười lần. “Rựa mận” là món nấu với riềng, mẻ, mắm tôm, lá mơ, nó sền-sệt, mầu nâu-nâu như nhựa cây mận nên gọi thế.

Thành-ngữ “Trai Nam-Thái, gái An-Lạc” có lẽ chỉ mấy mấy Cậu dữ-dằn hay bênh nhau đánh lại mấy người lạ từ xa đến gây chuyện, và các Cô đanh-đá sẵn-sàng đánh bể mặt mấy tên léng-phéng chòng đến các Cô. Tê hồi nhỏ đã chứng-kiến cảnh mấy tên du-đãng từ Ngã Tư Bẩy Hiền, ngày Tết vào Ngõ Con Mắt giựt tiền của các bàn Bầu Cua của con nít, bị một Cô dùng dao răng cưa chặt đá chém cho toé máu.

Chợ Ông Tạ ngày nay đã bị phá đi. Kỳ đánh tư-sản bao nhiêu công-lao, gây-dựng, của một số đông người (vùng này) cần-cù làm ăn, dành-dụm được trong hơn hai mươi năm trở thành cát bụi….

                                                                             Lê Nguyễn Hiệp


Nhuồn: https://saigonchuyenchuake.wordpress.com/2015/10/27/ky-uc-ve-nga-3-ong-ta-xom-nai-dong-que-truoc-nam-1971/?fbclid=IwAR3q9aBNJ14--TW

 

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

 

Từ vài bộ phim thuở ấu thơ

 

Tôi cảm ơn những bộ phim thời thơ ấu, tạo sự cuốn hút đầu tiên về thế giới điện ảnh huyền diệu ở thời ban sơ của tâm hồn tôi.

 

Tôi đọc ở đâu đó rằng: “Đôi khi xem phim có thể đưa bạn trở lại thời thơ ấu”. Không bao giờ thuận tiện hơn ngày nay, với trang youtube, ta có thể xem lại và hiểu sâu hơn một bộ phim từ ngày thơ ấu, mà khi đó với đầu óc ngây thơ chưa theo kịp các tình tiết và diễn biến trong phim, để rồi trong đầu chỉ đọng lại những ấn tượng về một khuôn mặt đẹp, một hành động oai hùng hay về một nhân vật kỳ dị nào đó.

Lẫn lộn trong ký ức tôi là các tập phim truyền hình Mỹ, mà hấp dẫn nhất là phim Wild Wild West với chàng Jim West đẹp trai kiểu James Bond chiếu trên đài Mỹ băng tần 11 ở Sài Gòn nửa thế kỷ trước.





Bộ phim bắt đầu bằng một đoạn phim hoạt hình dẫn nhập ngắn mà đứa nào xem cũng thích. Trên màn hình chia làm năm ô. Ô giữa có Jim West sáng lên khi anh ta chuyển động và hút thuốc rồi tắt. Rồi ô thứ hai bên trái sáng lên, một tên vừa cướp nhà băng lùi ra khỏi cửa chạm vào James, anh ta dùng tay quất một phát, hắn gục ngay.

Ô thứ ba góc phải phía trên có hình một bàn tay móc lá bài gian lận dưới đế giày thì bị Jim chĩa súng. Góc trái, ô thứ tư có một cánh tay hướng mũi súng vào Jim và bị anh bắn rớt súng. Ô cuối cùng bên phải phía dưới có cô gái bận bộ đầm quý tộc dùng chiếc dù kéo anh ta lại gần để hôn, tay phải giơ dao định đâm thì bị Jim hạ. Cuối cùng anh đi tiếp hành trình của mình.

Tuy rõ ràng là phim cowboys, nó được xếp loại là phim phức hợp, vừa có chất phiêu lưu, vừa có các yếu tố kinh dị, gián điệp, khoa học viễn tưởng. Giống như loại phim 007 với James Bond, trong phim luôn có những phụ nữ xinh đẹp, những vật dụng thông minh và những kẻ thù truyền kiếp với những âm mưu điên rồ muốn chiếm cả đất nước, thống trị thế giới.

Trong bối cảnh thời chính quyền của Tổng thống Ulysses Grant, tài tử Robert Conrad mắt xanh biếc quá đẹp trai trong vai điệp viên mật vụ Jim West cùng anh bạn Artemus Gordon do Ross Martin đóng, cùng nhau chống tội ác, bảo vệ Tổng thống và phá vỡ các kế hoạch của các nhân vật phản diện vĩ cuồng.

Trong bộ trang phục lịch sự của Jim West luôn giấu những dụng cụ độc đáo để nếu cần anh ta có thể tự giải vây cho chính mình và cho bạn bè, chống lại kẻ thù. Đó là một cây súng nhỏ xíu giấu trong tay áo, lọ mực chứa axit, móng vuốt sắt, dao, ròng rọc và nhiều lưỡi dao khác nhau. Nhân vật phản diện định kỳ xuất hiện đáng nhớ nhất của các tập phim là Tiến sĩ Miguelito Quixote Loveless , một người lùn nóng nảy và siêu phàm do tài tử Michael Dunn đóng.




Tài tử Robert Conrad mắt xanh biếc quá đẹp trai trong vai điệp viên mật vụ James West. Ảnh: TL



Sau một thời gian được xem phim trong khoảng mười tuổi, phim ngừng chiếu đột ngột. Anh tôi bảo hình như tài tử đóng vai Jim đã chết. Thực ra là từ đầu năm 1968, khi quay phim "Đêm của những kẻ chạy trốn", diễn viên Conrad đã ngã từ vị trí gần bốn mét từ một chiếc đèn chùm xuống sàn bê tông và bị chấn thương nên bộ phim tạm dừng. Sau đó nó ngưng hẳn.

Tôi đã cố tìm lại tên vài bộ phim nhiều tập chiếu cùng khoảng thời gian đó, như bộ phim mà chúng tôi tạm gọi là phim “Tàu ngầm”. Bộ phim diễn tả chiếc tàu ngầm và thủy thủ đoàn đi khắp các vùng biển sâu, làm những nhiệm vụ được giao. Ấn tượng bộ phim này mang lại là những cánh cửa trong tàu ngầm luôn có hình bánh xe, phải xoay nhiều vòng để đóng mở; là cảnh chiếc tàu chao đảo và những người trong tàu té nghiêng ngả.

Cảnh đáng nhớ nhất là khi một thủy thủ bận đồ lặn nhào xuống đáy biển, vật lộn dữ dội với một con thủy quái có lớp vẩy dầy. Khi anh ta trở lên, chiếc áo anh ta bị rách sau lưng và người xem bất ngờ khi da lưng anh ta cũng có vẩy. Anh ta đã bị đồng hóa để sau đó hại thủy thủ đoàn trên tàu.

Một phim khác, diễn tả một gia đình gồm một nhà bác học nhút nhát, thường đội một cái mũ có đuôi khi ngủ. Các nhân vật khác có thể là hai đôi vợ chồng người anh và người em. Cả nhà lạc trong một không gian xa lạ của một hành tinh nào đó (hoặc một khu rừng nào đó), luôn gặp những quái vật hay chuyện rắc rối phải chống lại.

Hai bộ phim khác đáng nhớ nữa, là phim Star War mà bọn trẻ chúng tôi gọi là phim “Lỗ tai lừa” vì có nhân vật có chiếc tai vểnh nhọn, sau này có làm lại. Phim thứ hai là Combat, mô tả các trận đánh của quân đội Mỹ chống phát xít với hai diễn viên chính là Vic Morow và Rick Jason. Sau này, tôi đọc được tin là Rick Jason đã tự sát năm 2000. Trước đó, năm 1976, Vic Morow, diễn viên có gương mặt phong trần đã chết trong một tai nạn thảm khốc năm 1982 trên trường quay, trong một cảnh một chiếc máy bay trực thăng rơi ngay trên đầu anh ta và hai em bé diễn viên khác.




Batman & Robin thập niên 1960s



Nhiều khi ngồi xem phim Batman cùng hai con, tôi nhớ anh chàng Batman ngày xưa với áo quần bùng nhùng chứ không nổi đầy cơ bắp như bây giờ. Chàng Robin ngày xưa thường để bị bắt khiến Batman phải đi cứu, hiền lành như một cậu bé chơi trò làm anh hùng. Dù sao, đối với bầy trẻ nhỏ ngày xưa, đó là những siêu nhân thật sự.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại bộ phim “Vua sư tử” được Mỹ sản xuất với nhân vật chú sư tử con Simba. Khi xem bộ phim này, tôi nhận ra những nét quen thuộc của bộ phim hoạt hình “Kimba, sư tử trắng” có chú sư tử con Kimba của nước Nhật mà tôi và bạn bè cùng lứa xem trong tivi. Trong đó cũng có cảnh sư tử cha đứng trên mỏm núi đá như trong phim Simba, cũng có chi tiết chú sư tử con tập ăn cỏ đến le lưỡi và nhiều thứ khác nữa.

Đã có một cuộc tranh cãi nổ ra giữa người Nhật và người Mỹ, cho rằng “The Lion King” của Disney đã sử dụng ý tưởng của bộ phim “Kimba, the White Lion” của người Nhật. Họa sĩ thuộc đội sáng tác của Disney phải biện bạch: "Chắc chắn không có chuyện lấy ý tưởng từ Kimba mà do đội ngũ làm phim The Lion King trưởng thành ở thập niên 1960, vì vậy việc trùng lặp ý tưởng là do họ bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh từ tuổi thơ".

Câu bào chữa lưng chừng này khá thú vị với tôi, như gặp lại những người cùng thời đã có cùng cảm xúc khi xem phim về sư tử Kimba.

Cuối thập niên 1960 và đầu 1970s, chương trình truyền hình chỉ có vài giờ mỗi tối với các chương trình Việt, nên những bộ phim đài Mỹ trở thành cánh cửa sinh động hiếm hoi giúp lũ trẻ chúng tôi nhìn ra thế giới, phiêu du xuống đáy biển sâu và hình dung về cuộc sống trên một chiếc tàu ngầm, về nước Mỹ thời lập quốc và trận chiến chống phát xít Đức.

Giấc mơ khám phá vũ trụ qua phim Star War càng rạo rực thêm trong đám con nít vì trước đó, mùa hè năm 1969, nó được hiện thực hoá bằng chuyến bay đáp xuống mặt trăng của phi thuyền Apollo 11, có đưa tin trên băng tần 11. Đó là những bộ phim mang đến những ấn tượng mới mẻ về thế giới vì lúc đó, có vào rạp xi nê cũng không có được khi phim võ thuật Hồng Kông và diễm tình Đài Loan đang tràn ngập.





Kimba, trong phim hoạt hình Nhật được coi là nguyên mẫu của Simba trong phim "Vua sư tử". Ảnh: TL



Cuối thập niên 1990, sau khi dĩa phim thay cho băng Video, tôi quay lại với phim ảnh vì trước đó thà nhịn còn hơn coi phim trên màn hình với hình ảnh nhòe mờ, giật cục từ những cái băng video thu tới thu lui. Trong suốt một năm, tôi xem phim hằng ngày và bỏ lửng thú vui mua và đọc sách. Đó là một năm đáng nhớ. Tôi hạnh phúc không chỉ vì những bộ phim là phương tiện thoát đi sự buồn tẻ cuả cuộc sống, hay vì nhờ đó mình có thể phiêu du khắp nơi, mà khi xem phim, phải chăng ta như thấy được những mộng mơ của chính mình trong một thế giới mơ ước, qua hình tượng một nhân vật nào đó.

Tôi luôn thích nói chuyện với người thích đọc sách, cũng dễ gần hơn với những người thích xem phim. Họ lịch duyệt hơn và chắc chắn văn minh hơn những người không quan tâm việc xem một bộ phim hay đọc một cuốn sách nào, dù có giàu có sang cả đến mấy.

Tôi cảm ơn những bộ phim thời thơ ấu, tạo sự cuốn hút đầu tiên về thế giới điện ảnh huyền diệu ở thời ban sơ của tâm hồn tôi.

                                                                       Phạm Công Luận

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/tu-vai-bo-phim-thuo-au-tho-37342.html

 

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...