CHỢ BẾN THÀNH
Chợ Bến Thành may mắn còn nguyên vẹn đến tận ngày hôm nay và
nó trở thành biểu tượng của Sài Gòn. Thật vậy theo như kế hoạch đã duyệt của
thời tổng thống Ngô Đình Diệm thì ngôi chợ này phải được dẹp bõ thay vào đó là
khu bãi đậu xe cho thành phố, bù lại sẽ xây dựng một tổ hợp ba khu thương mại,
mỗi các cao 40 tầng trên diện tích nhà ga Sài Gòn mà bây giờ là khu khách sạn
New World và công viên 22 tháng 9 và nhà ga phải dời về Hòa Hưng. Ba tòa thương
mại này do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ và có đăng trên tạp san Ánh đèn dầu của
hội kiến trúc thời đó. Nhưng kế hoạch trên không thành hiện thực vì năm 1962 là
năm dự tính khởi công thì đã xảy ra vụ Phạm Phú Quốc ném bom và năm sau đó là
tình hình phật giáo khiến chính quyền Ngô Đình Diệm phải hủy bỏ.
Tại sao có tên chợ Bến Thành, các bạn sẽ đọc lịch sử của nó sau
đây sẽ hiểu rõ vì sao nó có tên gọi như vậy. Nguồn tư liệu từ Wikipedia
Nguồn gốc và xuất xứ tên gọi
Nguyên thủy, chợ Bến
Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí
của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia
Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng
để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến
Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
Chợ cũ
Chợ Bến Thành thời kỳ
đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được mô tả như là "phố chợ nhà
cửa trù mật ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp
ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài
biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên
nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn
nhỏ đến đậu nối liền". Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê
Văn Khôi(1833-1835), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn
sầm uất như trước.
Trước khi Pháp đánh
chiếm Gia Định, khu vực xung quanh thành Gia Định (bấy giờ là thành Phụng)
mới chỉ có 100 ngàn dân và chợ Bến Thành là nơi đông đúc nhất. Cạnh khu chợ,
dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo
thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, khi ấy khu họp chợ trên bến
mới chỉ là một dãy nhà trống lợp ngói. Tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành
Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa
công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.
Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp đã cho xây
cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng hòa là địa
điểm Tổng Ngân khố, nay là Trường đào tạo cán bộ ngân hàng trên đường Nguyễn
Huệ). Ngôi chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá. Đến tháng 7 năm
1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp
bằng ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt,
gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa. Trong năm gian hàng này, chỉ có gian
hàng thịt được lợp bằng tôn, nền lót đá xanh.
Chợ Charner tiền thân chợ Bến Thành
Thời đó, khu chợ được
xây dựng bên bờ phía nam một con kênh, được gọi là Kinh Lớn. Phía trước chợ,
dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner, hay một
tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue de Canton), bởi đa số người Hoa
làm nghề buôn bán ở đây đều là người Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là
đường Rigault de Genouilly. Do vị trí nằm giao điểm của khu đô thị và hợp lưu
của hai tuyến đường thủy là kênh Lớn và rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi),
ghe thuyền có thể cập bến và đổ người lên chợ bất cứ ở phía bên này hay bên
kia. Còn người bên đất liền muốn qua chợ thì có thể đi qua những chiếc cầu gỗ
xinh xắn, do đó chợ Bến Thành luôn luôn nhộn nhịp.
Vào năm 1887, người
Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường lại làm một thành đại lộ
Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp (nay là Đại lộ Nguyễn Huệ). Khu
chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa,
người Ấn Độ và người Pháp. Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ
trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người
ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng
thời, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm để xây cất một khu chợ mới lớn hơn
để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển. Địa điểm được lựa
chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa
điểm chợ Bến Thành ngày nay.
Tuyến đường
sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đường sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, xây dựng năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành, văn phòng đường
sắt là tòa nhà 2 tầng chiếm cả khu đất bao bọc bởi
3 đường Hàm Nghi - Huỳnh Thúc Kháng - Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), nay là Xí
nghiệp Liên hợp đướng sắt khu vực 3. Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng
than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò
trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho ngưng
hoạt động từ lâu.
Chợ mới
Khu vực xây chợ, vốn
là một cái ao sình lầy cũ, gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse), được người
Pháp cho lấp đi. Khuôn viên chợ quy hoạch bốn mặt bởi bốn con đường. Mặt tiền
là Place Cuniac, tên đặt theo viên Thị trưởng thành phố Sài Gòn (Xã Tây)
Cuniac, người đã đề ra công việc lấp ao. Người Việt thì quen gọi đó là Bùng
binh Chợ Bến Thành cho dù tên chính thức đã từng đổi là "Công
trường Cộng Hòa", "Công trường Diên Hồng", rồi "Quảng
trường Quách Thị Trang". Mặt bắc chợ là Rue d'Espagne, phía đông là rue
Viénot, và phía tây là rue Schroeder. Năm 1955 thời Đệ nhất Cộng hòa Việt
Nam, bốn con đường này đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và
đường Phan Châu Trinh.
Chợ Bến Thành cuối thế kỷ XIX
Ngôi chợ mới do hãng
thầu Brossard et Maupin khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3
năm 1914 thì hoàn tất. Lễ ăn mừng chợ khánh thành được báo chí thời đó gọi là
"Tân Vương Hội", do được diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm
1914, với pháo bông, xe hoa và hơn 100.000 người tham dự, kể cả từ các
tỉnh đổ về.
Chợ Bến Thành đầu thế kỷ XX
Đây là bức ảnh lúc chợ mới xây xong tháng 3-1914, rộng 13.000m2 chung quanh còn là nền đất latérite (đá ong). Thời đó, Tây gọi là Le Marche Central, ta gọi là chợ Sài Gòn hay chợ mới Bến Thành
Khu chợ mới này vẫn
mang tên gọi Bến Thành; tuy nhiên cho đến trước năm 1975 tên gọi chợ Bến Thành
này thường chỉ hiện diện trong sách vở, còn người dân thì thường gọi là chợ Sài
Gòn hay chợ Mới, để phân biệt chợ Cũ tại điểm cũ, vốn chỉ còn lại gian hàng
thịt. Phần còn lại bị phá đi và được người Pháp xây dựng thành cơ quan Ngân
khố. Hai con đường bên hông chợ mãi đến năm 1940 còn là bến xe đò miền Đông và
miền Tây. Về sau, bến xe này mới được dời đi chỗ khác.
Chợ Bến Thành hoạt
động liên tục trong 70 năm. Từ ngày 1 tháng 7 đến 15 tháng 8 năm 1985, chợ Bến
Thành được cải tạo và sửa chữa lớn.
·
Địa chỉ: Cửa Nam (nằm
giữa các đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường
Quách Thị Trang) - Phường Bến Thành - Quận 1.
·
Diện tích: 13.056 m².
·
Ngành hàng kinh doanh
chủ yếu: Quần áo, vải sợi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực
phẩm tươi sống, trái cây, hoa tươi.
Chợ Bến Thành nằm giữa bốn con đường và có bốn cửa chính gọi tên theo hướng đông tây nam bắc.
- Cửa Nam:
Nằm trên đường Place Cuniac, tên đặt theo viên Xã Tây (Ủy
viên Hội đồng) Cuniac, người đã đề ra công việc lấp ao (vào thời Pháp). Người
Việt thì quen gọi đó là Bùng binh Chợ Bến Thành. Đến thời VNCH tên đường được
đổi thành “Công trường Cộng Hòa”, “Công trường Diên Hồng”. Đến ngày nay được
đổi thành “Công Trường Quách Thị Trang”
- Cửa Bắc:
Nằm trên đường Rue d’Espagne (thời pháp). Đến thời VNCH: tên
đường đó được đổi thành đường Lê Thánh Tôn và được giữ nguyên tên cho đến ngày
nay.
- Cửa Đông:
Nằm trên đường rue Viénot (thời Pháp). Đến thời VNCH tên đường
được đổi thành đường Phan Bội Châu và được giữ nguyên tên cho đến ngày nay.
- Cửa Tây:
Nằm trên đường rue Schroeder (thời Pháp) và đến thời VNCH
đường đựơc đổi tên thành đường Phan Chu Trinh và được giữ nguyên tên cho đến
ngày nay.
Lê Văn Mậu người đầu tiên bên trái
Sau trận lũ lụt Nhâm Thìn 1952,
ba ông Phạm Văn Ngà (Ba Ngà), Nguyễn Trí Dạng (Tư Dạng) và Võ Ngọc Hảo được Hợp
tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa cử lên Sài Gòn để gắn những bức phù điêu chợ Bến Thành.
Những bức phù điêu này được nhà thầu chợ Bến Thành đặt trường Mỹ nghệ Biên Hòa
làm. Thầy Lê Văn Mậu được giao sáng tác theo đơn đặt hàng, được sự giúp của những
người thầy và những nghệ nhân lành nghề bên Hợp tác xã Mỹ nghệ Biên Hòa như:
Sáu Sảnh, Tư Ngô, Hai Sáng, chủ Thạch, anh Tóc... Thầy Lê Văn Mậu sáng tác trực
tiếp lên đất, sau đó chỉnh sửa với sự góp ý của những người nghệ nhân. Rồi những
bức phù điêu đó, nhằm để tránh những sự vênh méo ở những sản phẩm có độ nung
cao như gốm Biên Hòa, chúng được cắt ra theo từng miếng nhỏ riêng, để đem mang
đi chấm men, đi nung. Lò đốt bằng củi thỉnh thoảng gây “hỏa biến” ở những đồ gốm,
đặc biệt có ở những bức phù điêu chợ Bến Thành những màu men trắng ta, trắng
ngà ngà vàng mỡ gà rất đẹp,rất hiếm gặp. Do những miếng nhỏ của những bức phù
điêu được đặt ở nhiệt độ không đều nhau, tuy trong cùng một lò nung, nên khi ra
lò nó có miếng màu nhạt, màu đậm là vậy.
Nguyễn Trí Dạng (trái) và Võ Ngọc Hảo, hai nghệ nhân đã trực tiếp gắn
những bức phù điêu chợ Bến Thành
Trước khi đóng thùng mang
lên Sài Gòn bằng những chiếc xe công nhông. Những mẫu gốm của phù điêu chợ Bến
Thành được mang từ trường trong (ngày nay là địa điểm trường CĐ Mỹ thuật Trang
trí Đồng Nai) ra sắp ngoài trường ngoài (ngày nay là địa điểm trụ sở UBND tỉnh
Đồng Nai), bởi lò nung gốm được đặt ở trường trong. Những mẫu gốm của phù điêu
được đem sắp ngay chỗ cột cờ, chỗ văn phòng thầy Mã Phiếu (trưởng phòng hành
chánh trường Mỹ nghệ Biên Hòa) bước ra, sắp ra ở đó. Thầy Lê Văn Mậu, chắp tay
sau lưng, đi qua đi lại coi xem tấm nào nó bị vênh mới cho đục sau lưng cho nó
mỏng để cho nó bằng. Xong xuôi đâu đó mới xếp vào thùng chuyển lên Sài Gòn. Rồi
xuống dưới đó, chợ Bến Thành, nhà thầu khi họ xây dựng họ chừa lại những mảng
tường cho mình để gắn những phù điêu. Và họ cũng làm sẵn cho mình những giàn
giáo, những cô công nhân trộn cho những hồ vữa sẵn để mình chỉ tập trung gắn những
phù điêu. Ông Phạm Văn Ngà, người thợ cả chỉ đạo gắn những bức phù điêu cho hai
người thợ trẻ, ông Tư Dạng và Hảo, làm những công việc cần làm để gắn những bức
phù điêu lên. Từng tấm, từng tấm, gắn từ những tấm ở dưới trước rồi dùng những
cây chỏi để giữ cho nó gắn chặt với hồ vữa, đến khi hoàn thành một bức phù
điêu, kiểm tra lại xem chổ nào còn hở thì trét hồ cho kín. Nhìn thấy công việc
cũng không khó khăn lắm, cộng với nhiều công việc đang đợi mình ở Biên Hòa, nên
ông Ba Ngà về trước, để lại những tấm phù điêu đó cho hai người thợ trẻ tiếp tục công việc.
Phù điêu hình bò và heo (cửa Đông)
Phù điêu hình bò và vịt (cửa Đông)
Phù điêu hình cá đuối và nải chuối (cửa Tây)
Phù điêu hình bò và cá (cửa Nam)
Phù điêu hình vịt (cửa Bắc)
Nguồn cung cấp vật liệu làm phù điêu là Hãng Brossard et Maupin. Hãng thầu này cũng chính là tiền thân của Công ty gạch bông Thanh Danh còn tồn tại đến ngày nay.
Chợ Bến Thành năm 1943
Chợ Bến Thành năm 1948
Trong những thập niên 60 chính quyền Sài Gòn dựng cây cầu sắt này nghe nói do công ty Eiffel làm để cho người bộ hành đi từ bên kia bùng bình qua chợ Bến Thành nhưng chỉ ít lâu thì phải tháo dỡ một phần vì tính thẫm mỹ, hai vì lý do an ninh.
Đây là cảnh mua sắm ngày tết ở chợ Bến Thành. Mỗi khi tết đến chung quanh chợ người ta dựng những sạp bán hàng.
Khi xưa hồi tôi thường được ba tôi dẫn đi chợ Bến Thành, tôi không thể nào quên cái mùi rau cải hòa quyện trong nhà lồng chợ; cái mùi vị khó tả dù đã trên 50 năm rồi tôi vẫn nhớ.
Chợ Bến Thành ngày nay
Chợ sài Gòn thập niên 40 - 50
Quang cảnh đại lộ Lê Lợi và chợ Sài Gòn trước 1975
Năm 1971, do cảm thấy Sài Gòn đang trên đà phát triển nhưng Bến Thành - ngôi chợ lớn nhất ở trung tâm thành phố vẫn trong tình trạng của mấy chục năm về trước, chính quyền thời đó muốn có sự thay đổi lớn. Để bắt đầu, họ mở một cuộc thi mang tên “Đồ án chợ Sài Gòn trong tương lai”.
Mô hình chợ Bến Thành của KTS Huỳnh Kim Mảng - Ảnh: T.L
|
Cuộc thi có giải nhất bằng hiện kim là 1,5 triệu đồng. Đây là một cuộc thi được giới chuyên môn đánh giá là khó, người dự thi đương nhiên thuộc giới kiến trúc, phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian để thiết kế đồ án chi tiết, mô hình để gửi về dự thi. Tác phẩm phải hội đủ điều kiện về kỹ thuật chuyên môn, thẩm mỹ, tiện ích xứng đáng với ngôi chợ lớn nhất và quan trọng nhất miền Nam này. Người dự thi có 3 tháng (từ 27.10.1970 đến 24.1.1971) để nghiên cứu thực hiện các bình đồ, họa đồ và cả mô hình nổi về ngôi chợ. Trong thông báo về cuộc thi, chỉ quy định khái quát về những điểm căn bản: phải có tầng hầm, tầng trệt và 3 tầng lầu, mỗi tầng có chức năng riêng phù hợp. Chợ mới phải có hệ thống thang máy, xử lý vệ sinh... Tất cả trên diện tích 12.000 m2, chiếm toàn bộ vị trí ngôi chợ cũ từ Công trường Diên Hồng đến đường Lê Thánh Tôn.
|
Do tính chất phức tạp và quy mô của bài dự thi, chỉ có 8 đồ án gửi đến ban tổ chức khi cuối hạn. Ban tổ chức cảm thấy bất ngờ và bối rối khi cả 8 bài dự thi đều rất công phu, hiện đại và có thể nói là “vĩ đại” như lời kiến trúc sư (KTS) Bùi Ngọc Hồ nói với báo chí. Điều này đặt trên vai ban giám khảo trách nhiệm lớn. Trong ban giám khảo, có các KTS uy tín như KTS Vũ Tòng - đoàn trưởng KTS đoàn, KTS Phạm Văn Thăng là Khoa trưởng thuộc Đại học Kiến trúc Sài Gòn, cùng giới chức Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó. Sau một ngày xem xét chấm giải, cuối cùng đồ án của KTS Huỳnh Kim Mảng đoạt giải nhất. Do có khoảng cách với đồ án này, các đồ án còn lại không có giải nhì. Giải ba trao cho đồ án của hai tác giả là Nguyễn Huy và Trần Phong Lưu, trị giá 400.000 đồng. Ba giải khuyến khích đồng hạng trị giá 200.000 đồng cho các KTS Nguyễn Kỳ, Đào Trọng Cương và Nguyễn Hữu Sơn.
KTS Huỳnh Kim Mảng vốn đã thực hiện nhiều công trình quan trọng trước đó như cùng tham gia lập đồ án xây dựng Trường Lasan Tabert (nay là Trường Trần Đại Nghĩa), rạp hát Victory Lê Ngọc, Trung tâm văn hóa Pháp. Ông sinh năm 1920 tại Long Xuyên, từng theo học Đại học Kiến trúc Hà Nội từ 1941, tiếp tục học Đại học Kiến trúc Đà Lạt từ năm 1945 và đến 1949 sang Pháp học tại Trường cao đẳng Kiến trúc Paris. Ở đây, ngoài bộ môn kiến trúc, ông còn học thêm thiết kế đô thị tại Đại học Kiến thiết thiết kế đô thị. Ông tốt nghiệp năm 1955 và về Sài Gòn làm việc.
Nói về bản thiết kế của mình, KTS Huỳnh Kim Mảng cho biết phải dùng tới 20 họa viên trong 3 tuần lễ để vẽ họa đồ, bình đồ, thực hiện mô hình nổi... Cảm thấy chợ Sài Gòn vừa cũ kỹ và chật hẹp, ông đã tận dụng toàn thể diện tích hiện hữu của chợ gồm ngôi chợ chính phía trước và khu chợ bán trái cây phía sau. Theo đồ án, chợ sẽ xây thành nhiều tầng. Tầng hầm làm bãi đậu xe 150 chiếc. Tầng trệt cao hơn mặt đất 1 m, chung quanh bán thịt các loại, hoa quả, và vào trung tâm là khu bán cá giữa nơi thoáng đãng, có ánh sáng rọi từ trên xuống. Tầng 1 bán chạp phô, bách hóa các loại. Tầng 2 bán quần áo, vải vóc, làm văn phòng ngân hàng tư nhân. Tầng 3 là nơi vui chơi của trẻ em. Tầng thượng có nhà hàng, quán giải khát, rạp chiếu bóng, rạp cải lương. Phía trước chợ còn có một ngôi tháp cao 50 m, phần trên tháp sẽ là một nhà hàng. Chợ có hệ thống thang máy, thang nâng hàng, hệ thống xử lý rác. Hàng hóa đưa vô chợ hoặc lên lầu đều có lối riêng, không dùng chung lối đi với khách. Điểm nổi bật là càng lên cao, diện tích các tầng càng nới rộng ra, được xem là lối kiến trúc táo bạo, thẩm mỹ và đáp ứng nhu cầu buôn bán của chợ lúc đó.
Sở Thiết kế thuộc Tòa Đô chánh Sài Gòn lúc đó dự tính kinh phí xây chợ mới sẽ tốn khoảng 1,5 tỉ đồng, và có thể khởi xây năm 1972. Tuy nhiên, dự án này đã không bao giờ được thực hiện. Lý do được báo chí sau này thuật lại là lúc đó dân chúng không đồng tình, muốn giữ lại ngôi chợ cũ vốn gần gũi, quen thuộc từ hơn nửa thế kỷ trước. Và hơn nữa ngân sách thành phố lúc đó không đủ để thực hiện.
KTS Huỳnh Kim Mảng sau 1975 trở thành cố vấn Hội KTS TP.HCM từ năm 1981 đến 1987. Sau này, ông ra nước ngoài sinh sống và mất tại Brussels (Bỉ) năm 2007, hưởng thọ 87 tuổi.
(Trích từ Sài Gòn - Chuyện đời của phố phần 2 do NXB Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book ấn hành).
Phạm Công Luận