Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

 

Chuyện ít người biết về dinh Độc Lập

 

“Dinh Độc Lập” là cái tên duy nhất được gọi cho cả hai dinh thự lớn lần lượt tồn tại ở Sài Gòn, cùng nằm trên một miếng đất lớn ở trung tâm thành phố. Như vậy, dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và xây xong năm 1966 được thừa hưởng cái tên do Tổng thống Ngô Đình Diệm của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đặt cho dinh Norodom vào năm 1955 (xây từ năm 1868 đến 1871).

 

Theo tác giả D.K.L trong bài viết Dinh Độc Lập được 89 tuổi! Mời quý bạn tìm hiểu tiểu sử dinh Độc Lập đăng trên báo Dân Tộc - xuân Đinh Dậu 1957, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam, dinh Toàn quyền đầu tiên là một nhà tranh vách gỗ.

Cho đến năm 1865, người Pháp mua ở Singapore một sườn nhà bằng gỗ có tháp bù-lon đem về cất dinh Toàn quyền tại phía gần trường Taberd ngày nay.


 


Không tải "" lên được. Invalid response: RpcError

Tranh vẽ dinh Toàn quyền tạm bằng gỗ, ngôi nhà này sẽ được thay thế bởi dinh Norodom một vài năm sau đó. Tác giả: Henri Amirault (1834 - 1914) là thiếu úy, sĩ quan tùy viên của Tham mưu trưởng cho Thống đốc Nam Kỳ Pierre-Paul de La Grandière, vẽ bằng  mực tàu và màu nước (20x37cm) khoảng năm 1865. Nguồn: lưu trữ gia đình của Pierre-Paul de La Grandière (1807-1876), Thống đốc Nam Kỳ 1863 - 1868.


Sau đó, để có một trụ sở to lớn thể hiện quyền lực của chính quyền thuộc địa, kiến trúc sư Hermite được giao chỉ huy xây dựng dinh Toàn quyền. Ông đưa bản họa đồ cùng chi tiết dinh Toàn quyền lên cho viên Đô đốc Toàn quyền Pierre-Paul de La Grandière xem xét. Dự án này đệ trình ngày 7.2.1868, được Đô đốc Toàn quyền chấp thuận ngày 22.2 cùng năm và qua ngày hôm sau làm lễ đặt viên đá đầu tiên kỷ niệm ngày khởi công xây dinh thự mới này (ngày 23.2.1868).


Dinh Norodom: Tìm không ra nhân công xây dựng dinh kiểu phương Tây ở Sài Gòn

Theo tác giả D.K.L, lúc đó có một trở ngại lớn. Sài Gòn lúc bấy giờ là một thành phố nhỏ và vắng vẻ. Chế độ cai trị của người Pháp chưa ăn sâu vào đời sống dân chúng Việt Nam. Nhà cầm quyền thuộc địa tìm không ra thầu khoán, cai thợ và phu phen tại chỗ.

Viên đá đầu tiên đã đặt rồi nhưng… lấy ai làm nhân công mà xây cất? Lúc ấy Sài Gòn có một người Hoa có máu mặt là ông Hoàng Đại (Wang Tai), chủ sở hữu tòa nhà lớn hiện nay là trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, nhờ làm ăn với Pháp nên rất giàu có. Người Pháp nhờ Hoàng Đại qua Trung Hoa tuyển mộ, tổ chức dân phu và thợ người Hoa bên đó gởi qua Việt Nam. Hoàng Đại đi từ tháng 2 qua Trung Hoa tuyển mộ 10.000 thợ thầy dân phu. Họ bồng bế vợ con đi xe bò vượt Móng Cái rồi đi ghe vào Nam cho đến đầu tháng 5 mới tới Sài Gòn. Từ đó, mới có thể khởi công xây dinh.

Việc xây cất dinh Toàn quyền hoàn thành vào năm 1871. 



Lối vào dinh Norodom (*) 


Những người phu Trung Hoa sang Việt Nam xây dinh đã ở lại định cư, nhiều thanh niên trai tráng lập gia đình với người Việt, các thế hệ sau dần hòa nhập với cuộc sống ở đây và trở thành người Việt. Bài báo cho rằng, số dân phu mà thầu khoán Hoàng Đại mộ từ Trung Hoa mang sang miền Nam để làm nhân công xây phủ Toàn quyền, dinh Đốc lý, nhà Bưu điện, nhà thờ Đức Bà… có thể lên đến vài trăm ngàn. 

Tài liệu để lại của người Pháp thống kê tất cả số nguyên liệu dùng để cất phủ Toàn quyền là: béton: 581 thước vuông, đá sạn: 2.000 thước vuông, cát: 2.890 thước vuông, ciment: 151.000 kilo, gạch: 4.360.000 viên, gạch lót: 100.000 viên, gỗ và danh mộc: 802.000 kilo (?), sườn sắt: 150.000 kilo, tiền công thợ hồ: 52.600 quan, thợ làm sườn nhà: 22.105 quan, thợ gọt đá: 25.661 quan, thợ làm nhà: 7.618 quan, thợ rèn: 305 quan, phu phen: 32.508 quan. Rất tiếc bài báo không dẫn nguồn. 



Phòng khánh tiết (*)



Tác giả cho biết nhà Bưu điện được xây cất hồi năm 1886 và Nhà hát Lớn xây cất hồi năm 1894. Trước đó, Sài Gòn chỉ có một nhà hát của ông Hoàng Đại cho đến khi nhà cầm quyền Pháp lựa một miếng đất ở đầu đường Lê Lợi ngày nay (Bonard cũ) nhưng cho đến mười năm sau mới bắt đầu xây cất.

Miếng đất chọn lựa để cất dinh Đốc lý tức trụ sở UBND TP.HCM ngày nay có từ hồi năm 1871 nhưng 28 năm sau mới bắt đầu xây cất và phải mất hai năm mới hoàn thành. Hầu hết công việc xây cất chậm trễ phần lớn đều do nguyên nhân thiếu thợ chuyên môn phải tìm kiếm hoặc ở Singapore hoặc ở Trung Hoa mang sang Việt Nam. Thợ lành nghề xây dựng ở Việt Nam lúc đó chỉ giỏi xây dựng nhà gỗ tập trung ở Huế.



Dinh Norodom nhìn từ trên cao (*) 



Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam bị phân chia thành hai vùng lãnh thổ riêng biệt. Tại miền Nam, năm 1955, ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và quyết định đổi tên dinh này thành dinh Độc Lập, nơi làm việc của tổng thống. Ngày 27.2.1962, hai phi công thuộc quân lực VNCH lái hai máy bay ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của dinh.


Dự định sửa dinh Độc Lập chứ không xây mới

Theo nhật báo Tự Do ra ngày 29.4.1962,  đúng hai tháng sau khi dinh bị ném bom, sáng ngày 27.4.1962, Ủy ban Trung ương “Phong trào nhân dân tái thiết dinh Độc Lập” đã nhóm họp đại hội toàn quốc tại trụ sở các ủy ban quốc hội của chế độ VNCH. Tham dự đại hội có đông đủ báo chí trong nước. Vị chủ tịch ủy ban đã trình bày kế hoạch tổ chức một cuộc quyên tiền trên tinh thần tự nguyện trong người dân miền Nam.



Phòng tiếp tân (*) 



Đáp lại câu hỏi của báo chí, vị chủ tịch cho biết Tổng thống Ngô Đình Diệm muốn sử dụng ngân sách cho các kế hoạch khác của quốc gia nên quyết định chỉ sửa chữa lại dinh Độc Lập mà không xây mới. Trước khi sửa chữa phải tiến hành vẽ hiện trạng, dự định là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sẽ phác họa đồ án mới và thay đổi mặt tiền dinh cho hợp với Việt Nam hơn. Vấn đề là các bức tường dinh bị rạn nứt nhiều sau cuộc bỏ bom nhưng các nhà chuyên môn cho rằng vẫn sửa chữa chắc chắn được. 

Kinh phí sửa chữa dự định từ 15 đến 20 triệu đồng thời đó. Thời gian dự kiến ít nhất cũng mất 6 tháng. Theo báo cáo của các ủy ban địa phương thì số tiền quyên được ở mỗi địa phương có thể lên tới từ 300 đến 500 ngàn, đổ đồng mỗi cử tri chỉ cần giúp từ 3 đến 5 đồng. Những người giàu có thể đóng nhiều hơn để người nghèo không phải đóng góp dù có thiện chí. Công tác sẽ được Tổng nha Kiến thiết đảm nhận để trao cho một công ty tư nhân đầy đủ uy tín hoạt động. Dự kiến sau khi sửa chữa, dinh sẽ có hầm trú ẩn chắc chắn cho vị nguyên thủ quốc gia. 



Biên nhận đóng góp để sửa dinh Độc Lập. Ảnh: TLTG



Nếu việc này được tiến hành, Sài Gòn đã lưu giữ được một dinh thự to lớn và rất đẹp từ trong ra ngoài với từng chi tiết rất cầu kỳ.

Tuy nhiên, có lẽ khi xem xét hiện trạng, thấy không thể khôi phục lại (có người cho rằng còn do ý muốn xóa vết tích của chế độ thực dân), Tổng thống Ngô Đình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã, như chúng ta đã biết. Lần này, dinh Độc Lập được xây mới từ đầu tháng 7.1962 hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế, xây dựng và trang trí vì đã có khả năng đảm nhiệm.

Việc xây dinh do Cục Công binh VNCH phụ trách. Công trường tuyển mộ từ 200 đến 500 công nhân và thợ chuyên môn dân sự, được hỗ trợ bởi một số đơn vị công binh. Hầu hết vật liệu xây cất là sản phẩm quốc nội, ngoại trừ một số ít vật liệu phải đặt mua tại nước ngoài. Dinh được khánh thành năm 1966. 

Phạm Công Luận

______________

(*) Ảnh tư liệu sưu tầm của trang manhhai flickr

NGUỒN: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-it-nguoi-biet-ve-dinh-doc-lap-34329.html

 

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

 

Những Ấn kiều ở Sài Gòn

 

Người Ấn không xa lạ gì với người Việt sống ở Sài Gòn – Gia Định. Hồi nhỏ, lũ con nít vẫn thường hát: “Cha cha cha, Ma Ní lấy chồng Chà Và” nhái lời ca khúc Rico Vacilon. Có đứa khác đọc vè: “Chà và, Ma ní tí te/ Cái bụng thè lè con mắt ốc bưu” khi nhìn thấy các ông Ấn bụng to, mắt to thô lố.

 

Cái tên “Chà Và” ở đây để chỉ người da đen, bao gồm người Ấn, người Chăm và cả người Phi, người Mã Lai, người Nam Dương…, những người có nước da ngăm đen, từ nâu đến nâu đậm và rất đậm. Trong số đó, người Ấn chiếm số đông và tham gia vào đời sống kinh tế của miền Nam, dù không so được với người Hoa.

Họ cũng có vài món ăn thu hút được khẩu vị người Việt. Món cà ri của họ chen vào được cơ cấu mâm cơm cúng giỗ của người miền Nam. Món bánh cay dễ làm, ăn ngon, vừa ăn vừa xuýt xoa vì vị cay của họ cũng rất quen thuộc với người Việt, nhất là phụ nữ và con nít.



Ảnh tư liệu


Dì của tôi kể hồi trước năm 1954, bà khoảng hơn mười tuổi, thường theo má tôi ra chợ Bến Thành mua sắm giày dép, quần áo. Trong cuộc mua sắm thế nào cũng có lúc đi mua đậu phộng rang của những người Ấn bận xà rông, quấn khăn và đội cái mâm trên đầu. Đậu phộng của họ đựng trong bao giấy hình chóp nhọn, được ướp thơm ngon và giòn. Có lúc họ bán một loại đậu rang rất lạ, hột đậu màu nâu có nhiều góc cạnh và ăn rất ngon. Hơn tám mươi tuổi, dì chưa thấy loại đậu này lần nữa, vẫn không rõ đó là loại đậu gì.

Đa số người Ấn ở Sài Gòn sống biệt lập gần các đền chùa của họ, ít có đụng chạm hàng ngày với người Việt trừ khi mua bán. Đối với đồng bang cùng ở Sài Gòn, họ cũng ít giao dịch với nhau. Họ có đền chùa riêng để lễ bái, quán riêng để ăn uống, khu phố riêng để ở, để làm ăn buôn bán. Họ ít khi lê la vào chỗ vui chơi hát xướng của người Việt. Lâu lâu thấy có một người lấy vợ Việt Nam, sống hòa nhập với cộng đồng người Việt ở Phú Nhuận, Bà Chiểu. Người Việt không ngại đi “chùa” của người Ấn trên đường Trương Định hay đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thắp nhang và khấn vái các vị thần của họ.

Vũ Xuân Tự trong cuốn “Túi bạc Sài Gòn” chia người Ấn ra làm mấy loại: dân Ấn vào làng Tây, dân Ấn gác cổng, dân Ấn bán vải, dân Ấn Bombay bán vải lụa, dân Ấn chuyên cho vay lấy lãi và người Ấn chuyên tu hành...

Trong số người Chà gác cổng, những người nhỏ con, gầy và ít nói là người Nepal và những người cao to, thích nói nhiều là người Ấn Bengal mà người Sài Gòn thường gọi là “hạch-gác-dan”. Họ chuyên giữ cửa các sở và các tư gia, lương bổng tới năm sáu chục đồng một tháng, thời đó là cao. Ở Sài Gòn và khắp Đông Dương, họ giữ uy tín trong công việc này nên được tin cậy, giữ độc quyền nghề gác cổng.

Dân Ấn vào làng Tây có thớ nhất vì có quốc tịch Pháp vì nguyên là người dân trong năm tỉnh nhượng địa của Pháp bên Ấn Độ, đi lính cho Pháp, được hưởng quyền lợi như người Pháp. Phần nhiều họ làm “phắc-tơ”, tức là người đưa thư hoặc viên chức công sở và hãng buôn, ở riêng biệt một khu trên con đường Lagrandière (Lý Tự Trọng).

Một số ít trong đó buôn bán mũ dạ cũ, áo đi mưa. Người Ấn bán vải thường đội mũ “fez”, chiếm độc quyền bán vải mà nguồn vải của họ lại buôn ngay tại Sài Gòn của hàng Dumarest, Frexor, Pachod Frères. Họ thường bắt chẹt các chủ tiệm may khi khan hàng. Họ có liên đoàn, để đầu cơ ăn lãi nhiều.

Ngoài họ, còn có những người Ấn bán hàng bazar và nhận đổi tiền Đông Dương lấy tiền ngoại quốc.




Ảnh tư liệu


Dân Ấn Bombay hầu hết bán tơ lụa gần chợ Bến Thành. Do bán chạy, họ dám cho khách thiếu số tiền lớn, thuyết phục nhường cho họ những căn nhà đang ở để dọn thêm cửa hàng. Trong số họ có nhiều người cao to và đẹp, da trắng như Tây. Tiệm vải Bombay lớn nhất thập niên 1930 ở Sài Gòn là Nihalchand Brothers ở số 30-39 Vienot (Phan Bội Châu) tự hào là: “Hàng lụa mới lại rất nhiều kiểu lạ, nhiều thứ thiệt đẹp và giá cực kỳ rẻ. Có nhiều kiểu dù tối tân, đàn bà nào cô nào khó tánh cách mấy cũng vừa ý” như lời quảng cáo trên báo.

Người Ấn sét-ty (còn gọi là xã-tri) chuyên cho vay lãi. Nghề của họ là cho vay lấy lời thật nặng với mánh khóe che mắt nhà cầm quyền. Vũ Xuân Tự viết: “là viên chức công sở hay có ruộng nương đất cát đủ đảm bảo số nợ bạn muốn vay 300đ thì phải có 60đ đưa trước cho họ. Rồi ra trước pháp luật, họ sẽ đưa cho bạn 360đ và làm văn tự với tiền lãi đúng theo nhà nước đã định. Thế là bạn nợ thêm và chịu cả tiền lãi số sáu chục đồng của mình. Nhờ làm ăn cắt cổ, họ thu được nhiều đất cát từ nông thôn đến thành thị. Nhiều nhà ở ngoại thành, phần lớn thuê đất của họ để làm nhà ở”.

Người Pháp có dư tiền thường gửi tiền cho họ để họ cho người Việt vay lấy lãi và trả công cho họ. Điều đó dẫn đến sự chở che của người Pháp. Báo Phụ Nữ Tân Văn số ra ngày 6 tháng 8 năm 1931 kể chuyện anh Candassamy ở Sài Gòn nhờ thật thà ngay thẳng nên có nhiều người Pháp gửi bạc để anh ta cho vay giùm. Đến khi kinh tế khó khăn, những người thiếu tiền không có tiền trả đúng kỳ, còn những người gửi tiền thì đòi gấp rút quá. Anh này không có tiền để trả nên đã trốn lên Nam Vang ẩn mặt vì sợ “chó lửa” của một ông Tây nóng nẩy kia. Cuối cùng, anh ta về hầu Tòa. Tòa hủy án tịch biên, các chủ nợ cho anh ta bình yên mà trả nợ.

Họ còn nuôi dê, bò, bán sữa. Hầu hết chợ búa ở các tỉnh Nam kỳ, họ đều bao thầu vé chợ. Họ có nhiều tiền nên đóng góp nhiều cho cộng đồng.

Là người nhập cư, cho dù siêng năng và khôn ngoan, trong cộng đồng người Ấn vẫn có không ít người nghèo khổ và có lúc bế tắc, cùng quẫn. Báo Công Luận, số 7483 (13 Tháng Tám 1937) tường thuật câu chuyện “Vì thất nghiệp vất vả - Một người Chà vào khách sạn tự tử”. Đây là chuyện một người Ấn có quốc tịch Pháp. Một buổi sáng, ông ta đến mướn gian phòng tại khách sạn Thanh Huê ở đường Amiral Courbet (Trần Cao Vân ngày nay) để nghỉ ngơi. Đến chiều, người bồi phòng dọn quét thấy anh nằm bất tỉnh trên giường nên lập tức tri hô lên.

Sở cảnh sát quận Nhì phái người đến làm biên bản và đưa anh ta vào nhà thương Đồn Đất, đến 2 giờ sáng hôm sau thì mất. Anh ta tên là Delacroix, trước có giúp việc tại một lò bánh mì tại chợ mới (chợ Bến Thành) nhưng đang thất nghiệp. Có lẽ vì nghèo khổ nên anh dùng thuốc độc để trốn nợ đời. Xem chừng, dù là người Ấn quốc tịch Pháp và có cộng đồng người Ấn đông đảo, hoàn cảnh của anh ta đáng thương và bế tắc không khác một người Việt nghèo khổ thời thuộc địa.

Vài năm sau, báo Sài Gòn (Số 14684, 30 Tháng Năm 1941) tường thuật một vụ tự tử khác xảy ra tại Gò Vấp. Buổi sáng sớm, chuyến xe lửa Grand’vilesse số 551 từ Thủ Đức khởi hành chạy về Sài Gòn, khi về đến gần cầu Rạch Làng thuộc làng Bình Hoà, ngang trụ cây số 13 thì bỗng một bóng người từ trên cầu nhảy xuống. Xe đang chạy rất nhanh, người lái tàu vội thắng lại nhưng không kịp. Khi thầy hương quản và đội Giác đến xem xét thì thấy trong mình kẻ bạc phước chỉ có miếng giấy thuế thân dân Chà tên N.Vailbianathar 36 tuổi. Nhà chức trách không rõ tung tích người này, nhưng phỏng đoán có lẽ anh ta thua cá ngựa hết tiền nên tự tử vì ở trên cầu Rạch Làng - chỗ anh ta ngồi đón xe lửa để tự tử - có nhiều mảnh giấy trường đua. Có kẻ đoán vì anh ta có bệnh, không muốn sống vì trên mình đang băng bó, đầy mụn ghẻ.



Trang vẽ đền Mariamman (đền bà Ấn hay chùa Bà) của cộng đồng người Ấn tại Sài Gòn trên đường Trương Định, quận 1. Tranh của họa sĩ Lâm Nguyễn Kha Liêm. Trích trong cuốn "Sài Gòn - Gia Đinh - Chợ Lớn: Ký ức rực rỡ" do Lâm Nguyễn Kha Liêm vẽ tranh, Phạm Công Luận viết lời. Công ty sách Phương Nam xuất bản 2022​​​​


Người Ấn nghèo khổ có cuộc sống không khác chi người Việt cùng tầng lớp, nhưng số người Ấn giàu có, cho vay lãi và buôn bán nhà đất cũng có những mâu thuẫn với người Việt nếu đụng chạm quyền lợi. Báo Công Luận, số 6610 (10 Tháng Tám 1934) đưa: Làng Tân Thuận Đông có một xóm nhỏ gồm mấy trăm nóc nhà lá ở gần đường Sài Gòn - Nhà Bè. Xóm ở gần mé sông Sài Gòn, người cư ngụ toàn là dân lao động làm ở bến tàu, gánh than đá, cu li và làm ruộng.

Từ 30 năm nay dân trong xóm chắt mót tiền bạc mướn đất cất nhà lá mà ở. Đất cho mướn rẻ cho nên lần lần họ rủ nhau cất nhà rất nhiều, có đến hơn 300 nóc gia. Từ lúc ban đầu, ông chủ đất Phủ Dõng cho mướn đất cất nhà lấy tiền từ 5 cắc tới 1 đồng bạc mỗi tháng. Đến tháng tư năm đó, đất này thuộc về người Ấn Abdoulbadoude. Ông này tăng tiền cho mướn đất từ 5 cắc lên 1 đồng 2, và từ 1 đồng lên 3 đồng. Dân thấy tăng cao quá nên không chịu trả, cùng làm đơn gởi lên Thống đốc Nam Kỳ kêu nài. Lá đơn có hơn 200 người mướn đất ký tên, gởi đi hơn một tháng song chưa thấy kết quả. Chủ đất thấy dân nghèo không trả tiền đất theo giá đề ra liền hăm dọa. Vài người sợ nên chịu trả theo ý muốn của hắn. Muốn gây sức ép mạnh hơn, chủ đất mướn Trưởng tòa đến thị chứng khi ông ta cho giở nhà cào giường thờ những nhà nào không đóng tiền đất. Nhiều nhà bị giở nóc cào giường phải đi ăn gởi nằm nhờ. Chuyện bất bình nầy xảy ra ở Tân Thuận Đông, được báo chí đưa lên báo như một lời kêu cứu trên công luận.

Ngoài ra, còn có những mâu thuẫn nhỏ hơn được đưa lên báo chí thời ấy, như chuyện người Ấn đường Viennot (Phan Bội Châu) bán chỉ sợi vì nghi một người Việt ăn cắp mà đánh vào mắt anh ta chấn thương nặng, sau đó là chuyện ba người Việt chém chết một người Ấn Bengali ở hãng rượu Bình Tây…

Đó là vài câu chuyện đăng trên báo chí xưa. Chuyện va chạm giữa người Ấn và người Việt dù sao không quá nhiều. Tuy nhiên, trong làm ăn, người Việt thấy họ làm ăn được trong nghề bán vải nên cũng tìm cách cạnh tranh. Thập niên 1950, một số thương gia người Việt cũng nhập cảng vải, tơ... và bán giá cạnh tranh hơn cho các tiệm may người Việt, điển hình là tiệm vải Tân Cương, Toàn Phong nằm gần nhau trên đường Catinat (Đồng Khởi), gần Photo Long Biên (nay là khách sạn Sheraton).

Anh Tấn Thành, cư dân sống trên đường Thái Lập Thành (nay là Đông Du) từ năm 1962 rất quen thuộc với sự hiện diện của người Ấn chung quanh. Anh kể do khu vực này là trung tâm, họ cùng người Hoa, người Việt mở nhiều cửa hàng, bán nhiều mặt hàng khác nhau.

Trên đường Catinat, họ có tiệm bán vật dụng trang trí, viết máy, mắt kính,… bên cạnh khách sạn Miramar (nay là khách sạn Bông Sen). Đối diện tiệm này, gần khách sạn Astor (nay là khách sạn Hương Sen) và tiệm may Tân Tân còn có tiệm bán đồ gốm sứ khá lớn, đồ đạc chưng có khi tràn ra vỉa hè. Chủ tiệm này cũng là người Ấn, nuôi hai con chó bẹc-giê to nên đám con nít sống gần đó rất sợ khi đi ngang qua.

Trên đường Ngô Đức Kế (gần tiệm cà phê Phúc Long bây giờ) cũng có tiệm bán vải của người Ấn. Ngoài các cửa hàng trên, bên cạnh chùa Chà (tên người dân quanh vùng gọi, thực chất là thánh đường Hồi giáo) đường Thái Lập Thành là một nhà kho ở số nhà 66, phía ngoài có dường dẫn vào để xe chở hàng hóa dễ dàng bốc, dỡ. Phần chính của kho nằm phía sau chùa Chà và có diện tích rất lớn, có khoảng sân rộng.

Trông coi kho là Ali - người Ấn - vóc dáng nhỏ nhắn, tác phong đứng đắn nói tiếng Việt rất sõi, thường đi xe máy Suzuki. Ngoài ra còn một phụ tá kiêm tạp vụ thường được gọi là anh Bảy - có thể là người Mã Lai, nước da sáng, hay đội nón cối bằng nhựa và cỡi xe đạp đi làm. Kho rộng lớn vậy nhưng Ali và anh Bảy trông coi ngon lành không bị mất mát gì. Sau năm 1975 kho này bị tiếp quản và trở thành kho hàng của công ty Kim Khí Điện Máy Thành phố.

Năm 1975, nhiều người Ấn bỏ đất đai, nhà cửa và cửa hàng trở về Ấn Độ và không quay trở lại. Một số nhà ở quận Bình Thạnh, khu ngã tư Bình Hòa vẫn sống yên ổn lâu nay trên miếng đất mà chủ người Ấn đứng tên, không thể xây lại hoặc bán đi, vì không có chủ quyền. Ông chủ đất người Ấn ngày xưa, mỗi tháng đến nhà thu tiền đất, thu là đi ngay không mấy khi trò chuyện… vẫn còn trong trí nhớ những người lớn tuổi ở đây.

 

Phạm Công Luận

(Trích “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm”. Công ty Phan Book xuất bản)

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nhung-an-kieu-o-sai-gon-35596.html


 

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...