Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019


Điêu khắc gia Paul Ducuing

Giờ nhìn lại và gát bỏ vấn đề chính trị sang một bên, chúng ta thấy những công trình tượng đài do người Pháp xây dựng tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung rất đẹp và có một giá trị nghệ thuật nhất định. Mặc dù không được người Việt mình chấp nhận nhưng xét về kỹ thuật điêu khắc của Pháp hay châu Âu quả là bậc thầy. Những bức tượng bất kể kích thước như thế nào cũng đều được khắc rất chi tiết từ các nếp gấp của quần áo, các nếp nhăn của khuôn mặt và các chi tiết khác liên quan đến bức tượng..
Những tượng đài do người Pháp xây dựng tại Việt Nam thì nhiều nhưng tác giả thì ít có người bết đến đó là ai vì tài liệu liên quan không thấy nói đến. Duy chỉ có một số tượng sau đây được biết chắc là do một nhà điêu khắc người Pháp tên là Paul Ducuing tạo nên, đó là các tượng của Quách Đàm, vua Khải Định, hoàng tữ Vĩnh Thụy, Huyện Sỹ.
Vậy Paul Ducuing là người như thế nào?




Paul Ducuing (1867 - 1949)



Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1867 tại Lannemezan (có tài liệu ghi là 30 tháng 4 năm 1867) và mất ngày 9 tháng 3 năm 1949 ở Toulouse, là một nhà điêu khắc người Pháp. Ông tốt nghiệp trường École des Beaux-Arts ở Toulouse và École nationalale supérieure des Beaux-Arts ở Paris.
Ông được bạn của ông là toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut hổ trợ và giúp đỡ vời Bộ thuộc địa thực hiện theo đơn đặt hàng cho các nước Đông Dương, An Nam Cam Bốt mà ông đã lưu lại trong thời gian từ tháng 12 năm 1921 đến tháng 12 năm 1924 sau khi được nghỉ phép tại Sèvres. (Chi tiết về cuộc đời của Paul Ducuing xin tham khảo ở các trang mạng).
Tại Đông Dương, Ông đã thực hiện một số tác phẩm điêu khắc như:
- Tượng bán thân vua Khải Định.
- Tượng vua Khải Định trong lăng.
- Tượng hoàng tử Vĩnh Thụy lúc nhỏ.
- Tượng Quách Đàm.
- Tượng vợ chồng ông Lê Phát An (Huyện Sỹ) tại nhà thờ Hạnh Thông Tây.
- Một số các tượng nhỏ về đề tài quan lại.









Các tượng của vua Khải Định



Tượng Quách Đàm





Tượng ông bà Lê Phát An (Huyện Sỹ) tại nhà thờ Hạnh Thông Tây




Tượng Hoàng Tử Vĩnh Thụy lúc nhỏ




Tượng Quan lại



Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019


Đời sống kinh tế và xã hội ở Saigon 1930-1945

Nguyễn Đức Hiệp

Bài này có mục đích phác họa vài nét trong một số khía cạnh về tình hình đời sống kinh tế và xã hội ở Saigon nói riêng và Nam Kỳ nói chung trong thời gian 15 năm từ 1930 đến 1945. Đời sống kinh tế, xã hội có liên quan mật thiết đến chính trị và vai trò của công dân trong một xã hội. Giai đoạn này cũng là giai đoạn báo chí đi vào lãnh vực chính trị và nhiều người Việt Nam tích cực tham dự vào các tranh luận trên báo chí và bầu cử Hội đồng quản hạt và Hội đồng thành phố. Vì đây là lãnh vực rộng lớn so với khuôn khổ của một bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến đời sống kinh tế và xã hội. Bài viết về đời sống chính trị sẽ được trình bày trong một bài khác.

Đời sống kinh tế

Đầu thập niên 1930 do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, ở Nam Kỳ tình trạng thất nghiệp rất đáng lo ngại. Kinh tế đình trệ, hàng hóa ứ đọng do nhu cầu giảm sút mạnh và vì thế công ăn việc làm trở nên khó khăn.
Báo Saigon (18/2/1936) có viết về các học sinh học nghề ở trường Bá nghệ (kỹ thuật Cao Thắng), Saigon, khi ra trường rất khó kiếm việc do các công xưởng (như xưởng Ba Son nơi thường tuyển dụng học sinh trường Bá nghệ) không còn nhu cầu mướn người.
Tranh xã-hội
Đó cũng là phương-pháp trừ nạn thất nghiệp !
Ai có lòng nhân-đạo, muốn tìm phương-pháp thích dụng để trừ nạn thất-nghiệp thì cứ ráng lo sáng kiến đi. Nhưng còn mấy ông Cai-trường, thì Như-Hoa xin can dứt.
Nói đường đột thế, không phải Như-Hoa dám cho mấy ông bất tài đâu. Không, không, chỉ vì bởi có câu chuyện mới xảy ra ở trường Bá-nghệ đây, nên Như-Hoa mới sợ mấy ông đua nhau lãnh trách-nhiệm đó quá.
Số là hôm đi quan-sát các trường ở địa-phương Saigon-Cholon, khi tới viếng trường Bá-nghệ, quan Thống-đốc thấy mỗi năm công-nho hao tốn cho cái trường nầy hết 36.000 đồng, mà số học-sanh tốt-nghiệp rất hiếm hoi, nên ngài có để lời trách-cứ ông Cai-trường ấy là ông Eteimbled.
Lanh trí làm sao, khi thấy quan Thống-đốc lộ vẻ bất mãn, ông Etiembled không để mất thời-giờ và cơ-hội, bèn đem phương-pháp mình ra mà giới-thiệu một cách khôn khéo như vầy:
Trước kia, khi ra trường thì học-sanh được sở Ba-son thâu-dùng, còn bây giờ ra trường thì học-sanh phải thất-nghiệp, nên… nên tôi không muốn đào-tạo nhiều học-sanh.
Câu nói của ông Etiembled vắn tắt như thế, song nó có cái nghĩa rất kín đáo rằng:
Vì học-sanh ra trường phải thất-nghiệp, nên tôi không cần dạy chúng nó làm chi. Không cần dạy la` có ý để cho chúng nó khỏi ra trường, để trừ bớt nạn thất-nghiệp; chớ nào phải tôi không có tài đào-tạo học-sanh đâu ?
Giỏi thiệt cái ông Etiembled nầy.
Tốt thật cái ông Etiembled nầy.
Như-Hoa khen ông, là khen ở cái tài lanh trí của ông. Như-Hoa khen ông, là khen ở cái lòng thương người của ông. Chớ còn về cái phương-pháp trừ nạn thất-nghiệp của ông đó, thì Như-Hoa xin… xin ông hãy đem bỏ vô chai ắt-xít cho tiêu ra nước rảnh.
Đều nói mà nghe chơi, chớ như nếu hết thảy các ông Cai-trường khác ai cũng bắt chước theo phương-pháp của ông Etiembled, thì Nhu-Hoa dám chắc rằng rồi đây mấy cậu học-sanh ở ta, cứ cặp sách đi, cặp sách về, năm cũ qua, năm mới hết, đầu sẽ bạc trắng như đống tuyết, lưng sẽ cong vòng như cây cung, mà học-sanh cũng hoàn là học-sanh vậy.
Như-Hoa

Ngay cả những người Pháp cũng bị sa thải và thất nghiệp, một số phải về Pháp còn lại sống khổ cực ở Đông Dương. Tờ Phụ Nữ Tân Văn số ngày 9/7/1931 có nói về tình trạng của người Việt và Pháp trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế như sau :
Kinh tế khủng hoảng : Người mất sở, kẻ sụt lương
Cái ảnh-hưởng của nạn kinh-tế thật là nặng nề khốn khổ cho người ta quá. Mấy tháng nay chẳng những anh em lao-động ta, bị sụt lương mất sở rất nhiêu, mà thậm chí cho đến người Tây là hạng làm mướn sang trọng, cũng không thiếu chi người chung chịu một số kiếp ấy.
Từ hồi đầu năm đến giờ, có nhiều người Tây làm việc ở các sở cao-su, các hãng buôn bán ở Cao-mên và Nam-kỳ, bị đuổi, hay đã mãn giao-kèo, hãng không dùng nữa, phải dắt vợ bồng con về Tây nhiều lắm.
Nội tháng Mai (a) mới rồi, các hãng buôn ở Saigon, đã đuổi hết 63 người Tây làm công, còn những người còn ở lại làm việc thì đều bị sụt từ 10 đến 20% cả. Tình cảnh của họ thật là nguy ngập vô cùng.
Một doanh nhân người Pháp, ông Pierret, chủ một doanh nghiệp và một đồn điền cao su lớn ở Tây Ninh, bị xiết nợ phát mãi cơ sở đồn điền cao su, sau khi đưa vợ con lên Đà Lạt nghĩ đã trở về đồn điền uống thuốc độc tự tử chết sau khi nói với cập rằng coi vườn cao su là ông rất buồn và hãy làm việc tử tế với người chủ mới sắp đến (PNTV 6/8/1931).
Tình trạng khổ cực cũng giáng xuống người Tàu ở Chợ Lớn. Ngày trước họ bỏ xứ Tàu đến Nam Kỳ làm ăn sinh sống. Thường thì họ thành công trên thương trường hay làm ăn xoay sở rất giỏi trong cuộc sống, Nay cũng phải chịu cảnh khổ cực trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Có nhiều người tìm cách trở về nước họ. Một số người Tàu trong số này vì không có tiền phí mua vé đi về Trung quốc nên đã phải chui xuống gầm tàu để lén về. Tờ PNTV ngày 2/7/1931 đã tường thuật một trường hợp bi đát của họ :
Hết thế làm ăn, dắt nhau trốn về Tàu cả đám !
Trong hồi kinh-tế khuẩn-bách nầy, tiệm buôn người Tàu đóng cửa rất nhiều, bởi vậy bọn lao-động Huê-kiều thất nghiệp, đói khát, không biết bao nhiêu mà kể.
Ở đây không bà con quen lớn với ai, không cơm ăn nhà ở thì chịu sao cho nổi? Họ phải tính trở về Tàu, nhưng tiền đâu mà làm lộ phí?
Mới rồi, tàu Bornéo ở Saigon lấy neo chạy về Hương-cảng, lúc tàu ra khơi, có một người thợ máy tìm thấy có 40 người Tàu trốn dưới hầm, mà người nào cũng bị ngột ngấc ngư hết thảy. Biết là tụi đi tàu lậu, anh thợ máy bèn lùa họ ra khỏi hầm, trong dây lát có 1 người chết!
Tra xét ra thì bọn nầy là khách-trú ở Nam-kỳ, đói khát, trốn về Tàu, bởi không có tiền nên mới trốn dưới hầm như thế. Nghĩ cũng đáng thương !

Theo báo Hoa-Tự ở Hương-Cảng (Hồng Kông) thì từ đầu năm 1931 cho tới tháng 7 năm 1931, đã có đến 1.400 người Tàu từ Nam Kỳ vì đói khát, không tiền đóng thuế-thân nên về xứ. Các năm trước, các chuyến tàu nào từ Trung Quốc qua Nam Kỳ đều có một số người Tàu qua làm ăn. Nhưng năm nay họ phải trở về, chứng tỏ tình hình sinh sống ở Nam Kỳ rất khó khăn trong năm 1931 (PNTV 23/7/1931).
Tờ Đông Dương, Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (L'Indochine, revue économique d'Extrême-Orient) ngày 5/10/1931 cho biết trong 3 năm (1929-1931) xảy ra nhiều sự phá sản của những người Tàu ở Nam Kỳ, làm cho các công ty Pháp mất 150 triệu francs vì không thu được nợ. Các công ty Pháp sau khi nhập và bán hàng cho người Tàu thường cho họ tín dụng trước, rồi sau đó trong vòng có khi đến 18 tháng, khi bán được hàng họ sẽ trả lại tiền. Khủng hoảng kinh tế làm người Tàu phá sản kéo theo các công ty Pháp bị nợ nần.
Khắp Nam Kỳ nhiều cơ sở thương mại bị phá sản. Chỉ trong vòng năm tháng đầu năm 1931, tòa án thương mại (Tribunal de commerce) cho biết đã có 57 vụ kiện phát mãi và khánh-tận tính ra số tiền lên tới 6 triệu đồng, trong khi cả năm ngoái chỉ có 43 vụ với số bạc có 2 triệu đồng thôi. Như vậy năm 1931 số nhà buôn bị khánh tận bằng ba năm ngoái (PNTV, 2/7/1931). Ở Chợ Lớn sự hung thịnh là từ lúa gạo vì nơi đây là kho lúa của Nam Kỳ, nhưng vì “bán lúa không được” nên các tiệm buôn sập ngã liền liền. Khi trước thì rất thịnh vương, nay trong một dãy phố, cứ cách vài ba căn, là có một căn bị đóng cửa cho thấy tình trạng bi đát ở Chợ Lớn. Hảng tàu Yeng-Seng có tiếng của người Tàu tên Quách Chiêu cũng bị khánh tận, vốn của ông có 900.000$ mà số nợ thiếu là 700.000$, không trả được nên ông phải xin tòa khánh tận (PNTV 2/7/1931).
Nhà máy xay sát lúa Nam Thuận An lớn nhất của người Việt làm chủ, ông Nguyễn Chiêu Thông, ở Chợ Lớn góc quai Bonard và rue Palikao (bến Bãi Sậy và đường Ngô Nhân Tịnh ngày nay) vì ảnh hưởng của nạn kinh tế khủng hoảng bắt buộc ông Thông phải đóng cửa nhà máy, mất bao công sức xây dựng, phải ra tòa xin phá sản, mặc dầu vốn nhà máy đến 730.000$ và ông chỉ nợ 500.000$ nhưng không chịu nổi nợ đòi vì nguồn vào không còn. Tờ PNTV (30/7/1931) cho biết ông Thông không những là một doanh nhân giỏi làm ăn, mà còn là người hảo tâm làm nhiều việc thiện, cho nên khi biết ông bị khánh tận nhiều người đã buồn cho ông và nhất là buồn vì trên thương trường đã mất đi một nhà máy lớn lao xứng đáng của người Việt. Tỡ PNTV ước ao là chính phủ lâu nay giúp đỡ nghề nông công thương của người Việt hãy cứu đỡ cho ông Thông. Chính phủ thật sự không thể cứu đỡ doanh nghiệp này mặc dầu ông Thông là hội viên của hội đồng thành phố Saigon và doanh nghiệp ông thuộc loại lớn vì có rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản do kinh tế khủng hoảng toàn diện nên không thể chọn doanh nghiệp nào để cứu.
Hầu hết các công ty, doanh nghiệp đều có vay tín dụng để hoạt động, vì thế công ty nào vay nhiều vào lúc chủ nợ đòi thì sẽ gặp khó khăn đi đến phá sản khi họ không còn nguồn thu từ khách hàng. Trường hợp một người Ấn, ông Candassamy, có cửa hàng mượn và cho vay tiền ở góc đường Catinat và quảng trường Francis Garnier (đường Đồng Khởi và quảng trường Nhà Hát) từ 38 năm kinh doanh, ông không bao giờ thất tín. Giữa năm 1931, ông gần như bị phá sản, khánh tận, bị tòa tịch biên tài sản vào năm 1931 khi những người cho ông vay đòi tiền lại trong lúc tình trạng đang ngặt nghèo vì những người mượn tiền ông thì không thể trả được.
Sự kiện ông Candassamy phải bỏ trốn đi Nam Vang đã gây xôn xao dư luận Saigon. Báo chí Pháp và Việt (Indochine 5/10/1931, PNTV 6/8/1931) đã đăng tình trạng sụp đổ kinh doanh của ông Candassamy.Từ nhiều năm qia, ông Candassamy là người thật thà uy tín trong kinh doanh mượn và cho vay tiền, rất nhiều người Âu, nhất là các công chức, tin tưởng đã đưa tiền tiết kiệm của họ cho Candassamy mượn với lãi suất 12% mỗi năm. Ông Candassamy dùng tiền này để cho những người Pháp và Việt mượn với lãi suất từ 24 đến 30%.
Vì thế những người ở Saigon cho Candassamy mượn tiền rất hoảng sợ khi biết được Candassamy đã bỏ trốn ngày 15/7/1931 với số nợ lên đến 300.000$. Ngày hôm đó ông Lebon, người cho ông Candassamy mượn 800$ đã lấy được giấy lệnh phá sản, ông Faucon được giao trách nhiệm kê khai và phát mãi tài sản và một trát bắt ông Candassamy được ban hành. Hai ngày sau đó, người ta mới biết được sự thật: ông Candassamy là nạn nhân của một trong các đối thủ cạnh tranh với ông. Người này phát tán ra tin đồn là ông Candassay không thể giải quyết được khó khăn của cơ sở kinh doanh mượn và cho vay tiền của ông. Và vì thế mọi người đến để rút hết tiền họ cho mượn ra. Trong vòng 6 ngày, ông Candassamy đã hoàn trả được 500.00$ kể cả tiền lãi. Đây là số tiền khổng lồ, nhất là hiện nay ở Nam Kỳ đang rất thiếu và khan hiếm tiền mặt. Vào ngày 11 tháng 7, một công chức có cho Candassamy mượn tiền đến rút 20.000$ ra, ông Candassamy nói cần 2 ngày ông mới có để trả, nhưng người này không chịu, rút súng ra và đe dọa giết ông Candassamy nếu không trả ngay lập tức. Một tiếng đồng hồ sau, ông Candassamy trở lại với 17.000$, ông công chức nọ nhận số tiền đó rồi nói ngày mai ông ta sẽ trở lại lấy số còn lại. Ngày mai là chủ nhật, ông Candassamy biết là ông không thể tìm ra 3000$ tiền thiếu, và ông sợ sẽ bị bắn nên ông bỏ trốn qua Nam Vang và trình diện ngay sau đó với cảnh sát ở đó và được sự trợ giúp từ hai nhà cho vay giàu nhất ở Nam Vang.
Khi hay tin có trát tìm bắt mình, ông Candassamy liền viết thơ cho quan Biện lý nói là ông không có ý trốn nợ vì số tiền thiên hạ thiếu nhiều hơn số tiền ông thiếu, mà chỉ vì sợ “con chó lửa” (súng) của một người Tây nóng tính mà thôi. Nếu những người ấy chịu trì hoãn kỳ hạn trả tiền cho ông thì ông sẽ trở về tính toán cho xong vào đấy (PNTV 6/8/1931). Một ủy ban của các chủ nợ được lập ra đồng ý với lời yêu cầu của ông Candassamy và nhờ ông Lebon rút lại đơn xin phá sản và tòa ngày 22/7/1931 rút lại cái án tịch biên phát mãi sản nghiệp ngày 15/7 vì phá sản. Trong phiên tòa này có sự hiện diện của ông Candassamy và tất cả chủ nợ đều vui mừng chào đón ông trở lại (Indochine 5/10/1931). Ủy ban tính rằng số tiền nợ là 600.000$ và tài sản của ông Candassamy là 643.000. Ông Candassamy đề nghị là bắt đầu từ năm 1932, ông trả 25.000$ mỗi quí (3 tháng), không có thêm hợp đồng mượn tiền nữa và đặt dưới sự quản lý của ủy ban.
Trước đó, vào ngày 16/7/1931, những người Ấn xá-trị (chettys), thuộc giai cấp chuyên cho vay mượn thường là giá cắt cổ, đã đăng lên các tờ báo ý kiến của họ về vụ ông Candassamy như sau (19) :
Những người xá-trị cho vay tiền, đã lo lắng rất chính đáng về những tin đồn, từ vài ngày qua, phát tán trong thành phố, nay trân trọng thông báo với công chúng là họ không có dính dáng hay có điểm nào chung với ông Candassamy, hiện đang bị khánh tận.
Ông Candassamy, từ vùng Ấn thuộc Pháp, không phải là người cho vay mượn thuộc giai cấp xá trị (Chettys)
Để có nhu cầu kinh doanh của mình, ông ta đã mượn tiền từ những người xá-trị cho vay, những người này vẫn còn giữ các khoản nợ lớn của ông Candassamy. Chúng ta hãy cẩn thận để không nhầm lẫn giữa những người xá-trị cho vay với những người Ấn Độ khác đang tham gia vào hoạt động kinh doanh cho vay tiền. Bất kỳ sự nhầm lẫn nào về phương diện này sẽ rất dễ, trong thời điểm hiện tại, gây ra những hậu quả tai hại.
Saigon, ngày 16/7/1931
Để thông báo
Thư ký Hội người Nattukottai Chettiars ở Đông Dương

Điều này cho thấy những người xá-trị (Chettys) muốn hại và làm cho không ngóc đầu lên lại được người đồng nghiệp cạnh tranh với họ, ông Candassamy một người không thuộc giai cấp Nattukottai Chettiars của họ. Tờ Indochine binh vực ông Candassamy cho rằng thông báo này nói vì ông Candassamy là công dân Pháp gốc Ấn nên có phải vì thế mà được coi là không có giỏi và thật tình như những người giai cấp xá-trị từ thuộc địa của Anh không? Báo cũng bình luận rằng tòa án ở Đông Dương quá mau lẹ làm phá sản nhiều người và công lý ở thuộc địa là ngoại lệ.
Để có thể giúp người thất nghiệp tìm việc làm, các thành phố có “Văn phòng chỗ chỉ làm” (Bureau de placement) để làm môi giới với các chủ hãng, giới thiệu việc làm cho người tìm việc. Như ở Chợ Lớn, báo Saigon 24/4/1937 cho biết như sau
Châu thành Cholon
Lời ra cần kíp
Cho nhơn dân trong thành phố Cholon hay rằng một “Văn phòng chỉ chỗ làm” (Bureau de placement) sẽ mở ra kể từ ngày 21 Avril 1937 tại Xã-Tây Cholon đặng tiện bề cho người thất nghiệp kiếm chỗ làm.
Người nào, cư ngụ tại Cholon bất luận đàn ông hay đàn bà, người Nam hay người Khách, nếu muốn kiếm công việc làm, hay là những chủ hãng, người tư gia, muốn kiếm người làm công thiện nghệ hay là không thiện nghệ, thì xin mời đến Văn phòng chỉ chỗ làm tại Xã-tây Cholon mà hỏi thăm, những điều cần ích sẽ chỉ rõ cho.
Quan Đốc-lý Thành-phố
Cholon, MAZET

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 đã làm trì trệ kinh tế khắp nơi và vì thế ảnh hưởng đến ngân sách thành phố Saigon. Báo PNTV 25/6/1931 cho biết công nho (ngân sách) thành phố Saigon năm 1931 thiếu hụt dến năm sáu chục vạn đồng vì thế ủy viên hội đồng thành phố đã tìm đủ cách để bù đắp vào sự thiếu hụt như bớt người làm việc, bớt tiền chi phí, v.v.. nhưng không thấm vào đâu. Ngày 8 tháng 6 1931, Ủy ban tài chánh định lại bắt đầu từ ngày này giá nước cung cấp sẽ tăng lên 2 xu lên thành 7 xu một mét khối nược bằng với giá trong Chợ Lớn. ước lượng sẽ tăng vô sổ công nho hơn 100 ngàn đồng
Một sự thay đổi của chính phủ mặt trận bình dân Léon Blum khi lên cầm quyền vào tháng 6 năm 1936 có ý nghĩa đối với người Việt Saigon, đó là ngày 1 tháng 5 là ngày lễ lao động được chính thức áp dụng ở Pháp và trên các thuộc địa. Ngày này là ngày lễ trong năm, tất cả mọi người đều được nghỉ. Trước đó thì ngày này ai nấy ở Saigon đều lo sợ ra đường bị cảnh sát dòm ngó hay có thể bị bắt và do đó các cửa hàng buôn bán ế ẩm. Nhưng đến năm 1937 thì lần đầu tiên ngày 1/5/1937 trở thành ngày nghỉ lễ chính thức được áp dụng ở Nam Kỳ.
Báo Saigon 30/4/1937 trong mục “Tranh xã hội” của tác giả Như Hoa có viết về lịch sử ngày quốc tế lao động và sự thay đổi trong đời sống xã hội ở Saigon trước và sau khi ngày 1/5 được chính quyền chính thức chấp nhận là ngày nghỉ lễ như sau
Tranh xã hội
1er Mai
- Đừng có nói tới cái ngày "đỏ" ấy mà mang lụy vào mình.
- Ngày chi mà lại gớm-ghiếc dữ thế
- Thì ngày 1er Mai đó chớ ngày nào: để Như-Hoa kể sơ lịch sử nó cho bạn đọc nghe chơi:
Nguyên năm 1889, các đảng xã-hội Pháp nhóm ở Paris một cuộc hội-nghị quốc-tế lao-động quyết định lấy ngày 1er Mai làm ngày nghỉ của lao-động trên thế-giới, để yêu cầu nhà cầm quyền các nước giảm giờ làm việc xuống 8 giờ mỗi ngày.
Năm 1919, Tổng-cuộc lao-động Pháp đã đòi được luật 8 giờ cho lao-động Pháp.
Năm 1936 luật tuần-lễ 40 giờ lại ban hành ở Pháp nữa.
Như vậy lao-động Pháp đã được quá sự yêu-cầu của họ rồi, mà ngày 1er Mai từ năm 1890 tới nay ở khắp thế-giới vẫn là ngày nghỉ của lao-động để tỏ nguyện-vọng của họ.
Xét sơ lịch sử của nó, thì ngày 1er Mai đâu có gì là nguy hiểm. Song ở xứ thuộc địa mà nói đến ngày 1er Mai mấy năm trước thì nhiều người tránh sao khỏi rùng mình như trẻ em nhắc đến cái tên ông kẹ.
Thật thế, thường mọi năm, tối gánh hát nào mà hát khai-trương thì đừng hòng thâu tiền: phần nhiều ai cũng ở nhà dỡn vơi vợ con, ít người chịu ra đường rủi gặp cái "xe cây C.X" của sở Mật-thám thì khốn !
Đến chị Sáu Lèo đêm ấy cũng phải than van món hàng của chị ế ẩm: "Cái đêm hôm ấy đêm gì ?" (b).
Đã có năm vì đề-phòng ngày 1er Mai mà người ta đón khắp các ngả đường "bắt sua" người quen lạ, có khi mời luôn hành khách về phòng riêng của sở mật thám nghỉ chơi mấy bữa.
Mấy năm 1932 1933, ngày 1er Mai đã gây ra cuộc lưu huyết ở Vinh (c) và ở mấy tỉnh Nam kỳ. Nếu trí nhớ của Như-Hoa không lầm thì ở Saigon nầy ngày 1er Mai đã để lại một vết đỏ ghê-gớm : Viên mật-thám Legrand đã bị giết trong cuộc biểu-tình ở đường Lazarotte (d).
Vậy thì gọi nó là "ngày đỏ" cũng không phải là quá đáng.
Song ngày nay thì khác hẳn. Chánh phủ bình dân vừa công nhận ngày 1er Mai là một ngày kỷ niệm quốc gia. Thế nghĩa là, từ nay ở chánh-quốc cũng như ở thuộc-địa, người ta sẽ ăn mừng ngày 1er Mai với đủ các cuộc vui như trong những ngày lễ Jeanne d'Arc hay ngày lễ đình chiến (e).
Vậy đâu là chơn lý ? "Chơn-lý ở bên nầy dãy núi Pyrennées lại là sự sai lầm ở bên kia dãy núi"
Trước kia ngày 1er Mai là ngày chánh-phủ phải coi chừng dân-chúng.
Bây giờ ngày 1er Mai lại là ngày được chánh phủ công-nhận, và cổ-võ cho dân-chúng kỷ-niệm nó.
Ở đời thật không có gì là bền-bỉ là tuyệt-đối hết.
Như-Hoa

Đời sống của giới lao động và thợ thuyền rất khổ cực nhất là trong thập niên 1930 khi hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 1929 ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế Nam Kỳ. Đây là giai đoạn mà chính trị Nam Kỳ sôi nổi khi nhóm “ La Lutte ” (Tranh Đấu) của các ông Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai thuộc đệ tứ và đệ tam quốc tế đứng ra tranh đấu công khai trên mặt trận báo chí và chính trị cho giai cấp công nhân lao động.
Trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố tháng 4 năm 1937, cử tri thành phố đã chọn các ông Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai đại diện cho họ. Trước cuộc bầu cử này, chính quyền cũng đã phải có những chính sách an sinh để giúp người lao động có chỗ ở, xây nhà cho mướn rẻ hay xây các nhà trẻ giúp cha mẹ lao động mong sao cử tri sẽ bầu cho những nhóm ôn hòa hơn của đảng Lập Hiến. Báo Saigon 23/4/1937 đã có thông tin về những nhà được xây “ Lao động xã ” ở khu Chợ Đũi :
Một tin-mừng cho anh em thợ thuyền
Lao-động xã
Đây là ảnh của xóm nhà bình dân đương cất tại đường Général Lizé (Chợ-đũi). Xóm nhà nầy nhà nước để cho anh em thợ-thuyền mướn với một cái giá rẻ đặc biệt.
Trong chừng vài tháng nữa, xóm nhà nầy sẽ làm xong.


Và xây nhà trẻ ở khu lao động vùng Chợ Lớn
Nhà nuôi con nít trong Cholon
Thành phố Cholon mới mở thêm tại Bình-tây một nhà nuôi con nít, kể luôn nhà Bình-tây và Xóm Củi thì trong Cholon được ba nhà bảo dưỡng hài nhi.
Nhà mới cất tại Bình-Đông, mỗi ngày từ 5 giờ 45 phút sớm mai tới 6 giờ 15 phút chiều, lãnh nuôi mà chẳng tính tiền chi hết, những trẻ con của các dân thợ vì mắc đi làm ăn mà chẳng có thể nuôi nấng ở nhà được. Cũng như mấy viện bảo dưỡng hài nhi khác, mấy người giúp việc tại đây đều hết lòng cần mẫn. Về việc thuốc men thì mỗi ngày có Quan Thầy trông nom.
Nhà nầy cũng như nhà tại Bình-tây và Xóm-Củi cất tại chỗ rất đông dân số, thật là đại hữu ích cho dân thợ ở vùng nầy.
Dịch vụ xã hội : Báo chí và thư viện

Thập niên 1930, xã hội và chính trị ở Saigon có nhiều biến đổi và chuyển biến rất lớn. Về báo chí và chính trị trong thời kỳ này, các tờ báo quốc ngữ xuất bản thường và lâu dài có các tờ Phụ Nữ Tân Văn, Công Luận báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Saigon, Đuốc Nhà Nam, Điển Tín. Ngoài ra còn các tờ báo xuât hiện không lâu dài như các tờ La Cloche Fêlée, La Lutte, L’Avant-Garde. Chữ quốc ngữ và văn học quốc ngữ qua các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Lê Hoàng Mưu, Phú Đức, v.v… xuất bản và có ảnh hưởng sâu rộng. Trong xã hội vai trò phụ nữ không còn trong khuôn khổ của cựu trào và bị ảnh hưởng của tân trào qua văn hóa phương Tây. Tiêu biểu cho sự thay đổi trong xã hội là sự thành lập dịch vụ thư viện lưu động Nam Kỳ phổ thông hóa kiến thức và rin tức đến nhiều người dân ở các nơi trong lục tỉnh và ý tưởng tuyển chọn hoa hậu Nam Kỳ dự triển lãm hội chợ thế giới.
Năm 1936, ở Nam Kỳ chính quyền có cung cấp một dịch vụ công cộng truyền bá kiến thức rất đáng để ý. Đó là dịch vụ thư viện lưu động. Theo đó các xe chở sách, lấy từ kho sách của chính quyền, đi đến các châu thành của lục tỉnh để cho nhân dân đọc và mượn sách. Báo chí đều có đăng tin về thời biểu xe chở sách đến các tỉnh thành.
Anh em ở Mytho nên nhớ rằng 10 giờ sáng thứ ba 25 Février, chiếc xe hơi chở sách đến Mỹtho cho anh em mượn sách
(theo Saigon, 21/2/1936)
Báo Saigon 2/6/1936 cho biết dịch vụ này ở Nam Kỳ đã có ở Cam Bốt trước đó 2 năm với hình ảnh xe chở sách lưu động như sau


Ở Nam-kỳ mới có xe chở sách được vài tháng nay; ở Cao-miên có thứ xe ấy đã 2 năm nay rồi, nhưng ở Cao-miên chở sách đi bán chớ không phải cho mượn như ở Nam-kỳ. Hình trên là chiếc xe hơi chở sách ở Caomiên (Saigon 2/6/1936, nguồn : Thư viện quốc gia Việt Nam)
Lộ trình các xe chở sách được thông báo trên báo chí để người dân biết đến mượn và trả sách. Thí dụ như trong số báo Saigon (5/5/1937), thời gian và địa điểm các xe chở sách đến lục tỉnh (lần thứ 31) được đăng như sau :
Xe cho mượn sách chạy vòng quanh Namkỳ lần thứ 31
GOCONG, trước Bungalow vào ngày 3 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ
MYTHO, sân chơi trường học vào ngày 4 Mai 1937 từ 10 giờ tới 12 giờ 30
BENTRE, trước C.F.A, vào ngày 5 Mai 1937 từ 7 giờ tới 11 giờ.
SADEC, trước tòa bố hay trong nhà để xe sở Trường-Tiền (nếu trời mưa) vào ngày 6 Mai 1937 từ 7 giờ tới 11 giờ.
TRAVINH, trước hảng S.I.C.A.M vào ngày 7 Mai 1937 từ 7 giờ tới 11 giờ.
VINHLONG, trước Tòa bố hay nhà để xe trong tỉnh (nếu trời mưa) vào ngày 7 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ rượi
TANAN, trước C.F.A. vào ngày 8 Mai 1937 từ 10 giờ tới 12 giờ.
GIADINH, sân chơi trường học vào ngày 11 Mai 1937 từ 7 giờ tới 9 giờ.
THUDAUMOT, trước tòa bố, vào ngày 11 Mai 1937 từ 10 giờ tới 12 giờ.
BARIA, trước C.F.A. vào ngày 12 Mai 1937 từ 7 giờ tới 9 giờ.
BIENHOA, tại nhà thương điên vào ngày 12 Mai 1937 từ 15 giờ tới 15 giờ 30.
BIENHOA, trước tòa bố hay sân chơi trường học (nếu trời mưa) vào ngày 12 Mai 1937 từ 16 giờ tới 18 giờ.

Sau này dịch vụ này có tên là “ Kho sách vận-chuyển Nam-kỳ ” như báo Saigon (27/7/1939) đăng như sau :
Kho sách vận chuyển Nam-kỳ
Ngày 31 Juillet nầy “ Kho sách vận chuyển Nam kỳ ” sẽ đến các tỉnh kỳ 86 theo ngày giờ sau đây, vậy ai muốn mượn sách đọc hãy để ý tin nầy :
Baclieu trước tòa bố ngày 5 Aout 39 từ 16 giờ đến 18 giờ.…
Camau, Trước Quận ngày 6 Aout 39 từ 10 giờ đến 12 giờ...
Hatien trước tòa Bố ngày 3 Aout 39 từ 9 giờ đến 12 giờ.…


Đôi khi cũng có thông cáo cho các độc giả trả sách mượn từ thư viện nhà nước như sau
Tin vắn
Ai có mượn sách của “ kho sách nhà nước ” ở Saigon, hãy đem trả gấp để tiện việc làm inventaires (f) và sửa sách hư hại”
(Saigon 29/7/1939)
Dịch vụ thư viện lưu động vẫn hoạt động trong thời kỳ chiến tranh thế chiến thư 2, ít nhất cho đến năm 1941 khi Nhật vào Đông Dương, như tờ Saigon ngày 11/4/1941 đã có đăng tin như sau về thông báo của dịch vụ “ Kho sách vận chuyển xứ Nam Kỳ ”
Lời rao
Muốn cho tiện việc kiểm-điểm và sửa chữa sách của “ Kho sách vận-chuyển xứ Nam kỳ ” xin mời những độc giả có mượn sách mau mau đem trả, do nơi quan Chủ-tỉnh, cùng quan Chủ-quận nhứt định.

Sau đó thì không còn tin tức gì về dịch vu thư viện lưu động này nữa.
Thiết nghĩ đây là một sáng kiến và chính sách rất có ích cho xã hội trong việc mở mang dân trí và khuyến khích người dân đọc sách báo vào thời đó. Ngày nay có lẽ không cần thiết trong thời kỳ Internet nhưng một hình thức dịch vụ nào đó mang sách đến cho người dân vùng xa xội tiếp cận đến các sách báo để khuyến khích sự học hỏi và thói quen đọc sách là một chính sách có lợi cho giáo dục về lâu dài. Hiện nay ở Saigon có một đường sách nhưng chưa có một “ thư viện đường sách ” hay “ thư viện lưu động ”.

Vai trò công dân

Vì Nam Kỳ là thuộc địa, luật ở Pháp được áp dụng, trong đó bầu cử hội đồng quản hạt (hạt tương đương với tỉnh ngày nay), hội đồng thành phố và hội đồng tổng (huyện) là những sinh hoạt chính trị thu hút nhiều sự chú ý của người dân. Các ứng cử viên đều được tự do đứng ra tranh phiếu của cử tri. Ứng cử viên phải hội đủ điều kiện công dân đóng thuế.
Những người đã có án tù hay bị phá sản thì không được ứng cử làm nghị viên hội đồng thành phố hay hội đồng quản hạt. Như trường hợp ông Tạ Thu Thâu thuộc cộng sản đệ tứ vừa trúng cử vào hội đồng thành phố Saigon tháng 5 năm 1935. Không lâu sau nhà cầm quyền bắt ông đưa ra tòa buộc vào tội tổ chức hội kín Trotskyste để tước quyền công dân ông Thâu và do đó không thể là nghị viên ở hội đồng thành phố. Trường hợp ông nghị viên Barbanson ở Hội đồng Quản hạt năm 1932 buôn bán bị vỡ nợ. Theo luật pháp thì người nào bị tòa án kêu án khánh tận (vỡ nợ) thì mất hết quyền công dân. Vì thế trong buổi họp của Hội đồng Quản hạt, nhiều ông nghị viên cho là tất cả các quyền bầu trong các phiên họp và đại diện cho hội đồng quản hạt đi dự đại Hội đồng kinh tế và lý tài Đông Dương của ông Barbanson đều không có giá trị (Sài-Thành 29/9/1932).
Các cử tri gồm những ai đã có trả thuế thân hàng năm, có địa chỉ hay gia sản rõ ràng. Nói chung hầu hết những cử tri ở các tỉnh thành Nam Kỳ là những người thuộc thành phần khá giả trong xã hội như điền chủ lớn hoặc nhỏ, các thương gia, các nhà doanh nghiệp, các công chức, các thành phần trí thức (bác sĩ, luật sư, kỹ sư,...). Cuộc điều tra dân số ở Saigon kết thúc vào tháng 7 năm 1931 cho biết Saigon có 118.956 cư dân (không kể thành phố Chợ Lớn). Các thành phần được chia ra như sau (PNTV 30/7/1931) :
Người Âu châu : 7.716 dân xi-vinh (civil), 1.715 quân binh và 713 người ngoại quốc. Người Việt : 73.838 xi-vinh và 2.147 quân binh. Người Tàu : 31.630 và 1.197 người Á châu khác. Tổng cộng là 118.956 người. Dân số như vậy ít hơn hồi năm 1920 đến 23.000 người. Có lẽ là do những người lao động đã đi ra ngoại thành vùng Gia Định, Phú Nhuận và Thị Nghè vì tiền nhà ở đó rẻ hơn (PNTV 30/7/1931). Như vậy người Việt khoảng gấp 8 lần số dân người Pháp và 2 lần số dân người Tàu. Người Tàu ở Saigon chủ yếu tập trung quanh khu vực Chợ Cũ, dọc bến Chương Dương, rue D’Ayot (đường Nguyễn Thái Bình), rue Lefebre (đường Nguyễn Công Trứ), rue Chaigneau (đường Tôn Thất Đạm), rue Bourdais (đường Calmette), rue Boresse (đường Yersin) vùng quận 1 ngày nay.
Cách thức tổ chức bầu cử cũng giống như bên Pháp và bầu cử hội đồng thành phố ở Nam Kỳ xảy ra cùng thời gian với cuộc bầu cử hội đồng thành phố, tổng ở khắp nước Pháp. Riêng ở Saigon, Hội đồng thành phố Saigon có 18 nghị viên trong đó người Pháp có 12 người gấp đôi số nghị viên người Việt là 6 người. Như vậy cho thấy tiếng nói của người Việt chỉ là thiểu số, mặc dù họ đại diện cho đa số dân ở Saigon. Các nghị viên người Pháp được các cử tri có quốc tịch Pháp bậu Trong số những người có quốc tịch Pháp có nhiều người Việt và Ấn nhưng vẫn là số nhỏ so với người Pháp sinh sống ở Saigon.
Những cử tri có “ cạc cử tri ” (cartes d'électeur) được phép vào phòng đầu phiếu bầu và chứng kiến ban trị sự tổ chức bầu cử xem xét phiếu sau khi bầu cử kết thúc. Ban trị sự là những người độc lập từ tư pháp trong đó gồm có trưởng tòa. Năm 1937 và 1939 các ứng cử viên cộng sản đệ tứ và đệ tam quốc tế đề được nhiều phiếu hơn các đảng phái khác và đã đắc cử vào hội đồng thành phố.
Ở một số nơi, bầu cử có thể bị ứng cử viên mua chuộc cử tri như báo Saigon ngày 17/2/1936 đã có đăng như sau về bầu cử ở tổng Minh Trị tỉnh Bến Tre. Cử tri phải viết thư khiếu nại đến thống đốc Nam Kỳ.
Bến Tre
Chung quanh cuộc tuyển-cử nghị-viên địa-hạt tổng Minh-trị
Ngày 9 Février rồi ở tổng Minh-trị có cuộc tuyển cử một nghị viên địa-hạt do thầy Ban-biện Huỳnh-văn-Thi ngồi chủ tọa.
Đến 4 giờ chiều khui thăm ra thì:
M. Nguyễn-hữu-Thuần dit Sáng có 60 thăm và 2 thăm lem.
M. Phù-dung-Thân 59 thăm và 4 thăm lem. Số cử-tri đi bỏ 131, số thăm bị hủy 12, trong số nầy có 2 lá thăm trắng, 2 lá biên tên đọc không được và 2 cái bao thơ, trong đó có đựng mỗi bao 2 thăm của Thuần và Thân.
Xét trong số thăm bị hủy thì thăm của Thuần vì vô ý làm lem nên bị hủy còn thăm của Thân thì có làm dấu rõ ràng, có lá biên chữ ký theo kiểu người ta ký giấy nợ.
Sau khi nghe bàn trị-sự tuyên bố số thăm rồi thì cô Nguyễn-thị-Hợi là vợ Monsieur Thân chưởi rủa những cử-tri nào lấy tiền, ăn cơm và uống rượu của cô mà không bỏ thăm cho chồng cô. Chúng tôi lấy làm tủi nhục cho mấy ông cử-tri nào đây và không hiểu cô Hợi nói cử-tri lấy tiền gì của cô ? Tiền mua thăm chăng ?
Vì xét chưa ai đủ thăm đắc-cử nên M. Thuần không kêu nài chi hết, không dè đến ngày 11 Février chúng tôi được tin rằng M. Phù-dung Thận đắc-dử với 62 lá thăm.
Một tin bất ngờ làm cho dư luận của dân ở Minh-trị rất xôn xao vì nếu đắc cử là Thuần đắc cử bằng không thì thôi, chớ sao Thân lại đắc cử ? Bí mật !
Nếu nói M. Thân được đem thêm mấy lá thăm đã hủy vô thì mấy lá thăm của Thuần đã hủy sao lại không được đem vô ? lại thăm lem của Thuần vì vô ý mà ra chớ thăm của Thân thì rõ ràng là sái luật kia mà !
Dưới con mắt công-bình chánh trực của vị Thủ-hiến xứ Nam Kỳ là quan Thống-đốc Pagès, chúng tôi ước mong sao cho cuộc tuyển cử đừng có những chuyện khó hiểu như chuyện vừa xảy ra ở Tổng Minh-Trị thì chúng tôi rất lấy làm may mắn lắm vậy.
Một số cử-tri !
Báo chí được phép hoạt động theo qui chế luật như bên Pháp. Người dân thường viết lên báo khi có những việc ảnh hưởng đến đời sống của họ. Báo Saigon (27/5/1936) có đăng thơ của độc giả than phiền sự làm mất vệ sinh của các chuồng nuôi dê của những người Ấn Độ gần ga xe lửa Nancy, gây ảnh hưởng đến dân cư kế cận.
Xin sở vệ-sanh lưu ý !
Sau vựa lá gần gare Nancy, trước mặt giãy (sic) phố lá 20 căng là một nơi rất dơ dáy, nhơn dân ở chung quanh đó đều than phiền vì mấy cái chuồn (sic) nuôi súc vật, nào bò, ngựa, nhiều nhứt là dê có gần 400 con, của mấy anh chà nuôi để làm thịt và nặng (sic) sữa bán.
Vẫn biết đó cũng là một kế sanh nhai của họ, song ít ra họ cũng phải cất chuồn riêng xa nhà ở một chút, hoặc làm cách nào cho sạch sẽ, chớ đàng nầy vì tư lợi của họ mà hại cả một xóm ở vùng ấy phải mang bịnh vì mấy con dê chết đều liệng chung quanh đó, Ít ngày nó sình lên bay mùi rất khó chịu.
Vậy ước mong sở Vệ-sanh nên vì sự ích lợi chung của nhơn dân ở vùng đó mà trừ giùm (sic) mối hại nầy.
Bất-Bình

Hội đoàn

Ngoài các hội thể thao của người Việt như Cercle Sportif Annamite hay Commision Interclub Annamite (CIA) hoạt động rất tích cực còn có hội Khuyến học Nam Kỳ (Société d'enseignement mutuel de Cochinchine, SEMC) và Hội Trí đức thể dục Nam Kỳ (Société pour l’Amélioration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de Cochinchine, SAMIPIC).
Hội Khuyến học Nam Kỳ (Société d'Enseignement Mutuel de Cochinchine) do ông Bùi Quang Chiêu (1873-1945) thành lập năm 1907 có trụ sở ở số 34 đường Aviateur Roland Garros (nay là Thủ Khoa Huân). Hội đã tổ chức nhiều buổi nói chuyền với nhiều đề tài về giáo dục, văn hóa, khoa học v.v… Ông Lương Khắc Ninh đã có diễn thuyết ở Hội Khuyến học Nam Kỳ về đề tài “ Cải lương hí nghệ ”. Ở tại trụ sở hội, ngày 15/10/1923, Nguyễn An Ninh đã có nói chuyện với đề tài “ L'idéal de la jeunesse Annamite ” (Lý tưởng thanh niên An Nam). Buổi nói chuyện này làm ông nổi tiếng thu hút sự chú ý của nhiều thanh niên Việt Nam và cũng gây khó khăn cho Hội và Nguyễn An Ninh sau này khi chính quyền Nam Kỳ do thống đốc Cognacq không đồng ý đến những ý kiến của ông Ninh. Bắt đầu từ năm 1941, Hội khuyến học Nam Kỳ lập ra giải thưởng văn chương. Tác phẩm Chồng con của Trần Tiêu được trao giải đầu tiên. Các năm sau có các tác phẩm Triết học Bergson của Lê Chí Thiệp, bản nhạc Sông Bạch Đằng của Lưu Hữu Phước (1942), Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn (1943) (13).
Hội SAMIPIC do hai ông Nguyễn Đình Trị và Nguyễn Khắc Nương thành lập vào năm 1926. Đây là hội của các nhà trí thức, tư sản ở Nam Kỳ thành lập có mục đích giúp đỡ và phát triển trí đức và thể lực người Việt. Cũng như hội khuyến học Nam Kỳ, trụ sở hội đã có nhiều buổi diễn thuyết về các đề tài văn hóa, giáo dục và ngay cả chính trị được nhiều người quan tâm. Như cuộc tranh cãi về thơ mới và thơ cũ giữa cô Nguyễn Thị Kim của báo Phụ Nữ Tân Văn và ông Nguyễn Văn Hanh, một nhà giáo, vào ngày 16/1/1935 ở hội quán SAMIPIC. Ngày 25/11/1937, cuộc nói chuyện của ông Edouard Marquis về đề tài về sự giáo dục “ con trẻ ở trong gia đình ”, thanh niên học sinh theo tây học, nhiều cha mẹ phàn nàn là “ chẳng có một người thanh-niên Annam biết giữ cho trọn đạo làm người, nhơn nghĩa lễ trí tín không ngơ, thờ cha kính mẹ không hề biết đến, phần đông đã bị lôi cuốn vào vòng phóng đãng, hư thân mất nết một cách lạ lùng”. Buổi nói chuyện này đã thu hút rất nhiều khán thính giả, trong đó có bác sĩ Trần Văn Đôn, Nguyễn Khắc Nương, Huyện Của, phản ảnh sự thay đổi lớn trong tình trạng xã hội và gia đình lúc bấy giờ.
Hội có cho học bổng các sinh viên học sinh xuất sắc học các trường đại học ở Đông Dương và Pháp. Năm 1930, họa sĩ Lê Văn Đệ, người công giáo ở Bến Tre, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École supérieure des Beaux-Arts) ở Hà Nội đã xin và được học bổng của SAMIPIC qua Pháp học. Với giấy giới thiệu của hiệu trưởng và họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là ông V. Tardieu, và vài bức tranh ông mang theo từ trường Đại học Đông dương, ông đã được vào học trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật Pháp ở Paris (École Nationale Supérieure des Beaux-Arts de Paris) không phải qua một năm dự bị. Họa sĩ và nhà điêu khắc Jean-Paul Laurens đã chú ý đến tài năng của ông Đệ và chấp thuận ông vào xưởng vẽ của ông (Écho Annamite 31/3/1939).
Ông Đệ là một họa sĩ thành đạt khi ở Pháp, năm 1932, ông có các tác phẩm triển lãm được khen tặng ở phòng tranh của Hội nghệ sĩ quốc gia Pháp : Diseuse de bonnne aventure (Bà thầy bói), Gare de Montparnasse (Trên sân ga Montparnasse), Femme à sa toilette (Thiếu nữ điểm trang). Các tranh này vào năm 1933 được vào phòng tranh danh dự (Salle d’honneur) trong phòng triển lãm của hội, và được sự chú ý của tổng thống Pháp Lebrun và ông bộ trưởng Albert Sarraut. Sau đó năm 1934 ông có những buổi triễn lãm tranh ở Milan và Rome. Tại Milan, các bức tranh ông được sự chú ý của ông Lamoureux, bộ trưởng thương mại, trong phái đoàn tham quan. Qua sự giới thiệu của ông Lamoureux, viện Bảo tàng Luxembourg (Musée de Luxembourg) đã mua bức tranh La vie en famille (Cuộc sống gia đình) của ông. Nhân dịp này, ông Đệ đã nhận được sự chúc mừng thành công của toàn quyền Đông Dương.


Tác phẩm  La vie en famille  của họa sĩ Lê Văn Đệ triễn lãm ở Milan năm 1934 và được Viện bảo tàng Luxembourg mua lại.

Ở Saigon cũng có buổi trưng bày triển lãm tranh của họa sĩ Hernand Larrain người được giải thưởng Đông Pháp (Grand Prix d’Indochine) vào đầu năm 1937. Theo Công Luận báo (1/2/1937) thì các bức tranh “tuyệt khéo, tuyệt đẹp, nên được bà con ở Sài thành hoan nghinh lắm”.




Cô gái Mọi của họa sĩ Hernan Larrain 



        Hernan Larrain là lãnh sự Chi-lê tại Việt Nam, ông lấy bà Charlotte Mayer-Blanchy, cháu nội của ông Paul Blanchy, thị trưởng đầu tiên của thành phố Saigon. Hernan là một họa sĩ có tài nhưng ít được biết đến. Con ông, Gilles Larrain sinh ở Đà Lạt, là một nhà nhiếp ảnh có tiếng hiện nay.
Ở Saigon, có hội Hàng Không (Ligue de l’Aviation) thành lập không lâu sau khi Saigon chứng kiến chuyến bay đầu tiên ở Đông Á do phi công người Bỉ Van den Born bay vào ngày 10 tháng 12 1910. Năm 1930, để kỷ niệm 20 năm sau chuyến bay lịch sử này, hội Hàng Không đã tổ chức ngày hội mừng sự kiện này. Báo Saigon ngày 29/12/1930 cho biết ở phi trường Tân Sơn Nhất có 7 phi cơ từ Biên-hòa bay đến cho khán giả coi trong đó có hai chiếc đáp xuống phi trường cho khán giả tham quan. Ngoài ra có hai chiếc máy bay 5 chỗ ngồi của hảng Air Orient ở phi trường chở khán giả bay vòng xem với vé 10 đồng mỗi người. Hảng xe hơi Bainier (trụ sở ở góc đường Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi) sẽ lo việc chuyên chở khán giả đến phi trường Tân Sơn Nhất.
20 năm về trước
Lễ kỷ-niệm cuộc bay lần thứ nhứt ở Saigon
Ngày 28 Décembre nầy thì hội “ Hàng Không ” ở đây sẽ bày một cuộc lễ vui chơi, tại Tân-sơn-Nhứt để kỷ niệm cuộc bay lần thứ nhứt ở Saigon đến nay đã cách hai mươi năm rồi. Đến ngày nói ở trên, thì có lẽ 7 chiếc máy bay ở Biên-hòa hiệp đoàn mà bay với nhau, giả đò quăng trái phá xuống một cái nhà tranh. Rồi hai cái ở chót tách riêng ra thả dù và bộ hành xuống cho thiên hạ coi.
Hãng “ Air-Orient ” cho mượn hai cái máy Potez có năm chỗ ngồi mỗi cái. Trong lúc lễ, hộ hành ai muốn đi thử một vòng lên trời chơi, thì họ sẵn lòng chở cho nhưng phải trả mười đồng bạc. Lại có một chiếc phi thoàn (phi cơ) do quan hai thủy Ménès cầm máy cũng dự vào cuộc lễ. Ngoài mười cái phi thoàn ấy thì hội Ligue de l’Aviation mới mua một cái nhỏ bên Tây mới qua bữa ấy cũng đem ra cho bay thử.
Muốn cho cuộc lễ có cái tánh chất thật kỷ niệm thì bữa chúa nhựt sẽ có các cô con gái đì cùng thành-phố Saigon mà bán những huy-hiệu và ông Mathieu sẽ xin phép sở Điển-tín đóng một con dấu riêng trên các bì thơ có cò ngày 28 Décembre. Con dấu ấy có mấy chữ Pháp như sau nầy: Journée commémorative du vingtième anniversaire premier vol Saigon.
Ai muốn đi lên Tân-sơn-Nhứt coi thì sẽ có xe hơi của hảng Bainier săn sóc chở chuyên. Vào cửa phải trả tiền: hai đồng, một đồng và hai cắc.



Dấu bưu điện kỷ niệm 20 năm chuyến bay đầu tiên ở Saigon vào năm 1910


Liên lạc giữa Saigon và thế giới bên ngoài qua thư từ lúc này là qua đường thủy và đường hàng không. Đường hàng không từ năm 1930 đã có mỗi tuần có một chuyến bay từ Saigon qua Marseille hay từ Marseille qua Saigon của hãng Cie Air-Orient (PNTV 18/6/1931)
Hội đoàn làm công tác xã hội có kết quả nhất là Hội Dục Anh (Société d’Entr'aide Maternelle) có mục đích mở ra các nhà hay viện Dục Anh (crèche) để lãnh nuôi nấng con nít nhà nghèo được cha mẹ đem tới vào buổi sáng đặng đi làm rồi tối về ghé qua lãnh con về nhà. Hội được thành lập bởi bà Béziat cùng các phụ nữ Pháp và Việt Nam. Hội được báo PNTV khuyến khích ủng hộ kêu gọi các phụ nữ khá giả góp tài sức chung nhau xây dựng các viện dục anh ở lục tỉnh. Trong các phụ nữ trong hội dục anh có bà đốc phủ Thu, bà Bác-vật Lang (kỹ sư Lưu Văn Lang được người dân gọi là Bác-vật Lang), bà trạng sư Trịnh Đình Thảo, bà bác sĩ Nhã (Nguyễn Văn Nhã), bà Cao Thị Cường. Viện Dục Anh đầu tiên mở cửa ở Saigon vào tháng 4 năm 1931 ở số 1 rue Jean Mazet (nay là đường Đặng Dung), Tân Định. Nơi đây có gần 30 trẻ nít vừa lớn vừa nhỏ được gởi tới nuôi nấng và trông nom giùm. Tờ PNTV, 4/6/1931 có viết về viện Dục Anh đầu tiên ở Saigon như sau
Viện Dục-Anh ở Saigon
Cơ quan nầy thật là có ích cho con nhà nghèo ta.
Đứa trẻ nào vô viện, đã có quần áo của viện cho mặc, nên chỉ thấy đứa nào quần áo cũng trắng trẻo sạch sẽ; trước ngực áo của mỗi đứa, đều có số hiệu riêng cho dễ nhận; độc giả coi kỹ trong những tấm hình in đây, có lẽ cũng thấy rõ số hiệu đó.
Trong viện có nhà tắm, có phòng chơi, có chỗ ngủ trưa, và có hơn một chục cái nôi để cho mấy đứa còn nhỏ nằm. Lại có những cái bàn ăn nho nhỏ, sơn màu trắng, coi rất vừa vặn cho các trẻ nhỏ ngồi ăn. Đồ cho con nít chơi cũng nhiều: gấu, ngựa , xe, v.v… thấy bộn bang, do của viện sắm ra , hay là các nhà từ-thiện tặng cho con nít cũng có.
Con nít ở trong viện, lúc ăn, lúc ngũ, lúc tắm, lúc chơi, đều có người trông nom săn sóc, tử tế kỹ lưỡng lắm. Bởi vậy coi mặt đứa trẻ nào, cũng thấy tươi cười thơ thới; chúng nó quần tụ chơi giởn với nhau, ngó thật là vui vẽ.
Ai tới thăm viện, thấy quang cảnh ấy, cũng phải lấy làm vui mừng rằng nhờ có chỗ nầy mà con cái của mấy chục cái gia-đình nghèo khó, được nuôi nấng hạp phép vệ-sanh, trông nom như là cha mẹ.

Hành chánh, quan lại và công lý


Trong đời sống thường ngày, quan hệ với chính quyền sở tại đã có những trở ngại khó khăn cho người dân qua sự lạm dụng quyền hành, nhũng nhiễu người dân của quan lại. Năm 1936, ở Đức Hòa thuộc tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An), viên quan quận Trần Văn Khuê đã hăm dọa hơn 40 dân quê trong 10 làng trong quận Đức Hòa tội làm Cộng Sản để ăn tiền hối lộ đã bị bắt quả tang. Tờ Saigon 28/5/1936 đã có viết về những sự tham ô và ức hiếp người dân sau vụ chủ quận Đức-Hòa như sau :
Nhơn vụ viên chủ-quận Đức-Hòa
Điều thứ 174 trong hình luật với quan-lại bị can về tội ăn hối-lộ
Một viên quan ăn hối-lộ từ khi ra làm đến khi bị phát-giác đã chôn chết biết bao nhiêu dân lương-thiện ?
Thay mặt cho Chánh-phủ, kẻ làm quan có cái trách-nhậm (sic) nặng-nề: cai-trị và bả-hộ nhơn-dân. Chớ có ai sống nhờ giọt mồ hôi nước mắt của dân, ra làm quan lại nhè dân mà để ép bốc lột….
Thằng dân nghèo ! Thằng dân lương thiện ! Thằng dân lam lụ làm ăn. Thình lình nay nó bị quan bắt.
Khi lính dắc (sic) nó đi về nha, nó không rõ đến đó làm gì !
Khi bị quan thịnh-nộ, quát-tháo đòi tống-giam, thằng dân nghèo lương-thiện kia, mới hay rằng quan tình nghi nó là kẻ bất-lương đã can vào một vụ cướp nào đó.
“Can vào một vụ cướp” ! Trời ơi ! Nó bị can vào tội ăn cướp ?
Chính nó cũng không hiểu có vụ cướp nào ở đâu, hồi nào mà bảo nó là bị can. Vì nó chẳng rõ biết gì cả.
Trọn một đêm đó, thằng dân nghèo phải bị giam trong khám tạm ở nhà quan.
Ở nhà, mẹ già, vợ yếu, con thơ gần 10 mạng, kẻ đau, người đói đang trông chờ nó chạy tiền đem về mua gạo, mua thuốc… Nhưng nó đã bị bắt rồi !
Sáng bữa sau. Nơi phòng việc riêng của quan, thằng dân bị kêu ra cho quan xét hỏi.
Một bạt tai dằn mặt. Thằng dân hoảng-hồn, sợ té đái, dập đầu lạy quan lia-lịa, và kêu oan chẳng ngớt miệng !
“ Oan gì mầy ? Nếu biết phải thì khỏi ở tù.” Quan thịnh nộ và hăm dọa nó đủ đều.
Thế rồi, bỗng nhiên, chiều lại người ta thấy thằng dân được tha !
Ngay lúc ấy, thằng Đực, mới 12 tuổi, con của nó, đã ở đợ cho ông điền chủ Y… để lấy 20p. tiền công chăn-trâu trong một năm.
Cách vài tháng sau. Thằng dân ấy lại bị bắt đến quan một lần nữa. Vừa thấy mặt nó, quan đã hét to lên : “ Mới thoát khỏi tội ăn-cướp, bây giờ mầy lại liên-can vào tội làm Cọng-sản nữa à ! Cái quân thiệt quá to gan. Để quan bỏ tù rụt xương mầy cho biết mặt ”.
Làm Cọng-sản ? Thiên địa quỉ thần ơi ! Cọng-sản gì cái thằng dân ấy, mà bảo nó là Cọng-sản. !
Như lần trước, thằng dân dập đầu kêu oan…
Trong nhà chẳng có một xu con, nó phải bị đòn-bọng nhừ-tử.
·     Mày phải khai ngay đi. Còn ai nữa ?
·     Bẩm oan cho con lắm, quan lớn à !
·     Oan cho mầy hả ? Lính, bây cứ tra.
·     Ôi, cha ! Bẩm… bẩm để con khai. Thằng Mít ở gần con, làm Cọng-sản.
·     Ừ, thằng Mít. Thằng Mít làm nghề gì ?
·     Dạ bẩm, nó cũng làm mướn như con.
·     Láo! Làm mướn, nghèo thế ấy, thằng Mít làm Cọng-sản nổi gì ? Mầy cáo gian cho người ta. Lính, tra nó.
·     Dạ…, dạ bẩm, ông điền chủ Y… Xuối con làm Cọng-Sản.
·     Ông Điền-chủ Y… Xuôi mầy ? Ừ, được.
Chiều lại, ông Điền chủ Y… bị bắt.
Nằm khám hết một đêm. Sáng ngày, người ta lại thấy ông Y… được thả. Thằng dân nghèo được thả. Cho đến thằng Đực cũng được ông Y… thả, khỏi phải ở đợ nữa.
Người ta lại hay thệ một việc nữa cũng hơi lạ, là sở ruộng 30 mẫu của ông Y… đã thuộc về người khác đứng bộ rồi.
Đó, cái cách hối-lộ của một số quan-lại vô lương-tâm ở xứ mình là vậy.
Trong quan-trường cũng lắm hạng người thanh-liêm, trong sạch, biết thương yêu dân, nhưng lại cũng có nhiều kẻ năm chí tối chỉ biết đụt-khoét, vơ vét từ cắt bạc, từ hột cơm mồ-hôi nước mắt của dân.
Khoản thứ 174 trong hình-luật
Lật bộ hình-luật (code penal) đọc nơi khoản 174, nói về tội của các quan-lại ăn hối-lộ, như thế nầy:
Trong hàng các quan-lại, bất cứ là chức nhỏ hay chức lớn, nếu bắt được quả tang về tội hối-lộ, thì bị tòa phạt từ 5 năm tù sấp lên, nếu số bạc hối-lộ trên 300 quan tiền tây, tức trên 30 đồng bạc Đông-dương. Những kẻ tùng phạm hối-lộ cũng bị tù từ 2 năm đến 5 năm tù.
Như số bạc hối-lộ dưới 300 quan, thì chánh-phạm bị án tù 2 năm tới 5 năm tù. Còn tùng-phạm thì từ 1 năm đến 4 năm tù.
Như thế là bất cứ một vị quan lớn, quan bé nào, hễ bị bắt được quả tang về tội hối-lộ đều phải bị ở tù cả.
Hình-luật sờ-sờ trước mắt, khoản thứ 174 đã có biên rõ ràng như trên.
Chúng tôi tin chắc rằng tòa án sẽ chiếu theo hình-luật mà trừng-trị thẳng tay những thứ tham-quan, ô-lại để trừ bớt mối hại cho dân chúng nhờ.
HIỀN-SĨ


Về phương diện tư pháp, tòa án ở Nam Kỳ được tổ chức trên tinh thần tam quyền phân lập như theo luật pháp ở Pháp trong khi ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ luật An Nam do triều đình Huế được áp dụng. Tòa án ở Nam Kỳ thì ngoài chánh án chủ tòa còn có bồi thẩm (assesseur) đại diện cho dân ngồi cạnh ông quan tòa chánh án tham dự vào xét xử, mục đích là cân bằng tránh sự thiên vị có thể có của ông chánh án. Đây là qui tắc mà các nhà lập pháp ở quốc hội đặt ra trong hiến pháp. Ông dự thẩm (juge d’instruction) có trách nhiệm tra xét tìm kiếm chứng cớ của nghi phạm trước khi đem ra tòa xử. Tờ Phụ Nữ Tân Văn (1 và 8 tháng 10 năm 1931) có giải thích về công việc của bồi thẩm, dự thẩm và thể thức trong tòa án áp dụng ở Saigon và Nam Kỳ như sau
Assesseur là gì ?
Có một hai chị em độc-giả ở Lục-tỉnh viết thơ lên hỏi chúng tôi rằng tòa Đại-hình xử, vẫn có chức assesseur, vậy chức ấy là gì và người kêu là hội-đồng thẩm-án, người kêu là thị-sự, thì có phải không?
Nghĩ vì lúc nầy ta đang cần chỉnh-đốn mở mang tiếng nước nhà, và mượn Hán-văn Pháp-văn vô cho tiếng mình thêm giàu thêm rộng, vậy chúng tôi rất vui lòng tỏ bày ý-kiến hẹp hòi của chúng tôi về cái danh-hiệu ấy.
Theo luật nước Pháp, trong các việc quan-hệ về tội nặng, sợ để một mình quan tòa nhà nghề (Juge de carrière) ngồi xử, e có chỗ thiên-vị bất-minh chăng, nên chỉ nhà lập-luật (le législateur) cho dân được dự vào, ngồi bên quan tòa để xét xử án nặng: ấy là assesseur.
Nước mình, danh-hiệu gì cũng đều phải mượn chữ Hán để đặt, nhưng có nhiều cái danh-hiệu, người lúc đầu đặt sai, rồi mình quen dùng đi, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ lại, thì mới thấy rằng có nhiều cái danh-hiệu không đúng.
Assesseur là một cái chứng cớ.
Dịch là “hội-đồng thẩm-án” để chỉ về ông assesseur, tưởng không trúng, là bởi tiếng đó chỉ chung cả một tòa (cour) hay là tất cả các quan tòa – của nhà nước và của dân – ngồi xử các vụ đại-hình. Hội-đồng thẩm-án, tức tiếng lang-sa kêu là jury gồm có ba quan tòa nhà-nước và 4 quan tòa của dân, tức là 4 ông assesseurs. Vậy sao lại lấy danh-hiệu chung cả một cơ-quan, để đặt tên riêng cho một người trong cơ-quan ấy?
Có người kêu là “Thị sự”, lại càng không trúng nữa. “Thị-sự” theo nghĩa Hán-văn, là nhìn, là ngó một việc gì, chớ không có nghĩa gì về sự xét hỏi, nói năng, và không có ý gì về sự hoạt-động. Lấy cái danh-hiệu ấy mà kêu ông assesseur, thì không đúng với trách-nhiệm của ổng, ngồi bên quan tòa, đặng trông nom việc xử, và có quyền xét hỏi phạm-nhơn, mghĩa là ông ấy là quan tòa của dân cử ra để xét án, chớ có phải nhìn đâu.
Bởi vậy, chúng tôi tưởng rằng hai cái danh-hiệu mượn Hán-văn để đặt cho assesseur như thế, đều không thích-hạp cả. Thà là mình lấy tiếng mình mà đặt ra tên gọi sao đó cũng được, nhưng nếu đã mượn chữ của người ta mà đặt, thì phải cho trùng với chức-vị và để cho người ta hiểu mới đặng. Ví dụ bây giờ mình viết 4 chữ “hội-đồng thẩm-án” bằng Hán văn, thì người Tàu chỉ hiểu là mình chỉ về jury, còn viết hai chữ “thị-sự” thì họ hiểu là cái gì, chớ có phải trúng với nghĩa chữ assesseur đâu mà họ hiểu nổi.
Tiếng assesseur, theo như “Pháp Hoa tự điển” của Tàu, họ dịch là Phó Phán-quan xem ra đủ ý-nghĩa và địa-vị của ông Assesseur lắm rồi, nhưng ở xứ ta có nơi dịch là Bồi-thẩm chúng tôi tưởng là gọn, đúng và hay hơn.
Bồi là ngồi một bên;
Thẩm là xét án.
Lấy chữ gốc (étymologie) ra mà xét, thì tiếng Pháp: Assesseur do chữ La-tinh Assidre, nghĩa là ngồi gần hay ngồi một bên (s’asseoir auprès) nay mình dịch ra chữ Hán là Bồi-thẩm, thì chẳng những là đối với tiếng assesseur đã có nghĩa tương-đương, với nhau, mà lại đúng với chức-vụ quan hệ của ông tòa do dân cữ lên ngồi bên quan tòa nhà nghề để xét xử các án vậy.
Song bấy lâu, cái tiếng bồi-thẩm, người mình đã quen dùng để chỉ về ông juge d’instruction, bây giờ lấy qua cho ông assesseur thì juge d’instruction, dịch bằng gì ? Đó lại là một vấn-đề dịch tiếng khác nữa.
Ai cũng biết juge d’instruction là một ông tòa có trách-nhiệm tra xét những trọng-tội khinh-tội, bắt những kẻ nghi-phạm, và tìm mọi chứng cớ thuộc về vụ-án. Mổi việc đều do tay ông tra xét và lấy khai, rồi mới đem ra tòa xử. Ổng có quyền riêng của pháp-luật cho, ổng ngồi một mình một phòng, chớ có ngồi bên ai đâu, mà kêu ổng là Bồi-thẩm. ?
Chúng tôi thiết tưởng nên dịch ra tiếng chi khác, hay là dùng đở tiếng Dự-thẩm, không thì Sơ-thẩm, cũng còn bày tỏ chức-vị và trách-nhiệm của quan tòa ấy hơn là tiếng Bồi-thẩm. Vì hai tiếng Dự-thẩm và Sơ-thẩm đều có ý-nghĩa rằng tra xét và lấy khai sẵn sàng để đem ra tòa xử, ấy chính là chức-vụ của juge d’instruction vậy.
Nhơn có bạn độc giả viết thơ hỏi về một tiếng assesseur, nên chúng tôi tỏ bày ý-kiến hẹp hòi của chúng tôi như vậy, chớ thiệt ta còn nhiều danh-từ sai lầm khác, có một ngày kia, cần phải sửa sang thay đổi lại.
Ta không nên nói rằng những danh-từ nầy khác, dịch thế nào hay gọi thế nào xong thì thôi. Vì ở đời cái danh phải cho chánh mới được.
Cũng đừng nên nói rằng người ta đã dùng quen đi rồi, không nên đổi nữa. Nếu nói mỗi việc đã quen dùng, là không nên đổi, thế thì cả mọi việc hủ-bại kém hèn của xã hội ta, bấy lâu quen dùng đi rồi, cũng không nên đổi ra văn-minh tiến-bộ nữa sao? Như vậy thì tiến-hóa sao đặng?
Bởi vậy chúng tôi trông mong rằng những cái danh-từ ta vẫn dùng lầm dịch sai từ hồi nào đến giờ, nay mai sẽ có cái Văn-học-hội (Académie de Lettres) để sửa sang lại cho đúng, vì sự lợi ích cho tiếng Việt-nam và người Việt-nam.
Từ thị-sự vẫn được dùng cho đến năm 1932 như trong tòa xử một cai sở cao su và nhiều người Thổ (Cao Miên) đã giết chết một cu li An Nam mà báo Sài-Thành (18/10/1932) cho biết là có hai ông, ông Nepveur và ông Đỗ-hữu-Trí, làm thị-sự. Những người bồi thẩm (hay thị sự) là những người dân thuộc tầng lớp nào mà tòa kêu đến để làm bồi thẩm? Đa số họ là những người đã được biết đến là thân Pháp như trường hợp như trên ông Đỗ Hữu Trí, con của ông đốc phủ sứ Đỗ Hữu Phương trong phiên tòa như trên.
Nhưng cũng có trường hợp các ông thị sự được chọn không biết tiếng Pháp nên khó mà hiểu được sự tình. Trong một phiên tòa đại hình xử vụ người Việt đầu tháng 8 năm 1931, hai bồi thẩm (thị sự) người Việt không biết tiếng Pháp ngồi cạnh quan tòa, nên trạng sự biện hộ, ông Trình Đình Thảo, đã bực tức yêu cầu với tòa là từ rày sắp tới khi chọn bồi thẩm người Việt hãy lựa người nào biết nghe và nói được tiếng Pháp để ban cho trách nhiệm quan trọng này. Yêu cầu của ông Thảo (PNTV, 6/8/1931) rất có lý ai cũng đồng ý, ngay cả quan chánh tòa và phó Chưởng lý cũng cho là phải và hứa là xin sửa đổi sự lựa chọn bồi thẩm người Việt lại.


Trong số nhữnluật sư người Việt, ông Trịnh Đình Thảo là một luật sư được tiếng là giỏi có nhiều khả năng bào chữa cho nhiều bị cáo người Việt ở tòa đại hình Saigon. Ông Thảo là luật sư tiến bộ, sau này ông Thảo đã bào chữa cho các ông Nguyễn An Ninh, Tạ-thu-Thâu và có tham gia Đông Dương Đại Hội năm 1936.

Nguyễn Đức Hiệp

Tham khảo
1. Saì-Thành, 26/12/1930, 3/1/1931, 29/9/1932
Saigon 8/2/1936, 21/2/1936, 28/5/1936, 29/5/1936, 2/6/1936, 23/4/1937, 24/4/1937, 26/4/1937, 29/4/1937, 30/4/1937, 2/5/1937, 5/5/1939, 21/5/1935, 21/6/1935, 25/6/1935, 26/6/1935, 28/4/1938, 4/5/1938, 6/2/1939, 14/10/1939, 10/4/1940
2. Tràng An, 17/5/1935, 21/5/1935, 20/5/1938, 24/5/1938, 18/3/1939, 13/6/1939
3. Công Luận báo, 1/2/1937, 10/7/1937, 25/11/1937, 2/5/1939, 3/6/1939, 24/6/1939
4. Cờ Giải phóng, 7/10/1945.
5. Hồ Hữu Tường, Học Thiệt (tùy bút), Văn, số 46, 15/11/1965
6. Kịch Bóng, 26/8/1937
7. Écho Annamite, 30/12/1920, 13/1/1921, 22/10/1924, 28/10/1924, 28/4/1925, 13/9/1925, 24/4/1926, 30/10/1926, 3/3/1927, 8/10/1929, 11/10/1929, 28/12/1929, 19/7/1930, 10/2/1931, 20/3/1931, 23/4/1931, 31/3/1939, 18/10/1939, 25/11/1940
8. R. Smith, Bui Quang Chieu and the Constitutionalist Party in French Cochinchina, 1917-30, Modern Asian Studies, 2:131-150, 1969, Cambridge University
9. Hue-Tam Ho Tai, Radicalism and the origins of the Vietnamese Revolution, Harvard Unviersity Press, 1996
10.              Thời vụ, 20/5/1938. 7/3/1939
11.              Ngày Nay, 24/6/1939, 8/7/1939
12.              Hà Thành ngọ báo, 17/5/1935, 25/6/1935
13.              Kim Lan, Các Giải Văn Chương ở miền Nam trước 1945.
14.              Sông Hương, 26/8/1037
15.              Tự Do, 21/1/1939
16.              Christoph Giebel, Telling life : An approach to the official biography of Ton Duc Thang, in Essays into Vietnamese past edited by K. Taylor, J. Whitmore, Cornell University, 1995.
17.              Philippe Peycam, The birth of Vietnamese political journalism, Saigon 1916-1930, Columbia University Press, 2012.
18.              Phụ Nữ Tân Văn, 3/7/1930, 4/6/1931, 18/6/1931, 25/6/1931, 2/7/1931, 9/7/1931, 23/7/1931, 30/7/1931, 6/8/1931, 1/10/1931, 2/10/1931, 7/7/1932.
19.              L'Indochine, revue économique d'Extrême-Orient, 5/10/1931

(a) Mai : tháng 5 dương lịch
(b) “ Cái đêm hôm ấy đêm gì ?© lấy từ tác phẩm Cung oán Ngâm khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều sáng tác ở thế kỷ 18 kể về người cung nữ tưởng nhớ lại đêm vui với vua. Tương tự như câu “ Đêm qua là cái đêm gì ? ” nói về đêm hạnh phúc giữa Tú Uyên và Giáng Kiều trong truyện thơ nôm Bích câu Kỳ ngộ dịch ra từ tác phẩm chữ Hán cùng tên của Đoàn Thị Điểm, sống cùng thời gian với Ôn Như Hầu. Ở dây tác giả Như Hoa lại nói đến “ Cái đêm hôm ấy đêm gì ? ” để chỉ đêm sợ hãi thay vì hạnh phúc. Nửa thế kỷ sau, năm 1988, năm trước đổi mới, tác giả Phùng Gia Lộc cũng dùng “ Cái đêm hôm ấy đêm gì ?“Cái đêm hôm ấy đêm gì ?” lấy từ tác phẩm Cung oán Ngâm khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều sáng tác ở thế kỷ 18 kể về người cung nữ tưởng nhớ lại đêm vui với vua. Tương tự như câu “Đêm qua là cái đêm gì ?” nói về đêm hạnh phúc giữa Tú Uyên và Giáng Kiều trong truyện thơ nôm Bích câu Kỳ ngộ dịch ra từ tác phẩm chữ Hán cùng tên của Đoàn Thị Điểm, sống cùng thời gian với Ôn Như Hầu. Ở dây tác giả Như Hoa lại nói đến “Cái đêm hôm ấy đêm gì ?” để chỉ đêm sợ hãi thay vì hạnh phúc. Nửa thế kỷ sau, năm 1988, năm trước đổi mới, tác giả Phùng Gia Lộc cũng dùng “ Cái đêm hôm ấy đêm gì ? ” như Như-Hoa của tờ Saigon để chỉ đêm hãi hùng ở nông thôn thời bao cấp.
(c) Ý nói Xô viết Nghệ Tĩnh
(d) Cò mật thám Legrand bị Lý Tự Trọng bắn chết khi định bắt một diễn giả của đảng cộng sản, ông Phan Bôi, đang diễn thuyết trước sân đá banh Lazarotte nhân dịp lúc khán giả xem đá banh ra về.
(e) Thánh Jeanne d'Arc là vị nữ anh hùng của Pháp đánh quân Anh và ngày đình chiến 11 tháng 11 kỷ niệm chiến tranh thế chiến thứ nhất chấm dứt ngày 11/11/1918.
(f)  Kiểm kê.


  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...