Thứ Ba, 22 tháng 2, 2022

 

Nhà chụp hình Mỹ Lai đợi cuộc trăm năm

  

Có một tiệm ảnh tồn tại từ năm 1936 đến tận ngày nay, trải qua bao biến động vẫn mở cửa, chỉ làm một nghề là chụp và rửa ảnh trong suốt 86 năm. Đó là tiệm chụp hình Mỹ Lai.

Trên đất Sài Gòn, không nhiều cơ sở làm ăn tồn tại trên 70 năm. Nguyên do là từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975, thành phố đã trải qua nhiều lần thay đổi chế độ xã hội. Chiến tranh đã có những lần lan đến Sài Gòn và đời sống kinh tế có những đợt khủng hoảng kéo dài.

Tuy vậy, bất chấp những điều đó, có một tiệm ảnh tồn tại từ năm 1936 đến tận ngày nay, chỉ làm một nghề là chụp và rửa ảnh trong suốt 86 năm. Tiệm vẫn giữ thương hiệu suốt bấy nhiêu năm dù có vài lần phải chuyển vị trí. Đó là tiệm chụp hình Mỹ Lai, đáng được xem là biểu tượng sống của dịch vụ ngành ảnh đất Sài Gòn - Gia Định.  

Anh Đức Vượng, từng là phóng viên ảnh báo Khăn Quàng Đỏ, đang duy trì tiệm ảnh cổ xưa này. Anh là thế hệ thứ ba làm chủ tiệm ảnh của gia đình. Ông nội của anh, ông Nguyễn Hữu Lập từng là chủ hiệu ảnh Minh Tân ở thành phố Nam Định đầu thập niên 1930. Con trai ông Lập, ông Nguyễn Văn Đoàn - cha của anh Đức Vượng - học nghề ảnh của gia đình và sớm có ý định mở tiệm ảnh cho riêng mình.



Photo Mỹ Lai thập niên 1950 (*) 


Quê hương của họ là làng Lai Xá, nay thuộc Hà Nội, là ngôi làng có truyền thống theo nghề chụp ảnh và người làng đi tứ xứ mở tiệm ảnh. Từ nghề này có thể tạo dựng được cuộc sống phong lưu. Niềm tự hào của làng Lai Xá là có được cụ Nguyễn Đình Khánh, người làng gọi trân trọng là cụ Khánh Ký (từ tên gọi hiệu ảnh của cụ) truyền nghề cho cả làng. Cụ Khánh Ký có vai trò lớn trong việc tạo dựng ngành nhiếp ảnh và phát triển rộng ra cả nước, có mối liên quan rất lớn đến ngành nhiếp ảnh ở Sài Gòn từ thập niên 1930 đến nhiều năm sau này.  

Năm 1936, ông Nguyễn Văn Đoàn cùng mẹ ruột và vợ con từ miền Bắc vào Nam. Người cùng làng gọi ông là ông Viên Đoàn vì cô con cả của ông tên Viên (theo phong tục Bắc xưa, gọi tên cha có ghép tên con lớn đằng trước). Ban đầu, ông Viên Đoàn mở tiệm chụp ảnh tại số 369 đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng), gần chợ Tân Định, lấy tên “Nhà chụp hình Mỹ Lai”.  “Mỹ” có nghĩa là mỹ thuật, là cái đẹp. “Lai” là Lai Xá, tên ngôi làng yêu dấu dạy ông thành nghề.

Sau một thời gian, ông mở tiếp hiệu ảnh thứ hai và giao tiệm ảnh đầu tiên ở đường Paul Blanchy cho người em là Nguyễn Văn Đạt. Ông Đạt do hoạt động bí mật in ảnh cụ Hồ, lộ chuyện nên bị bắt đi tù, tiệm ảnh phải đóng cửa. Ra tù, ông Đạt mở tiệm ảnh tại Vũng Tàu.



Buổi họp mặt thành lập Công ty Mỹ Lai.


Tiệm ảnh thứ hai ông Viên Đoàn mở ở số 48 đường Bonard (Lê Lợi). Đến đây, ông đã thỏa ước mơ có tiệm ảnh ở khu trung tâm. Tiệm ảnh của ông, lúc đó gọi là “Mỹ Lai ảnh viện” cùng tên Tây là “Mỹ Lai Photo” nằm giữa đường Pasteur và đường Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Mở tiệm ở đó, ông dễ dàng gặp được nhiều đồng hương miền Bắc vì ai vào Nam cũng phải ra đường này dạo chơi, ngắm Nhà hát Tây và Thương xá Tax. 

Chú bé Đức Vượng là một trong các con trai của ông chủ tiệm ảnh Mỹ Lai. Anh sống ở khu trung tâm này cho đến khi tiệm ảnh dời đi năm 1973 và có một thời tuổi trẻ ở con đường vui nhất Sài Gòn, con đường mà nhiều người tứ xứ mơ sẽ có lần đi dạo quanh. Làm ảnh cùng với cha từ nhỏ, anh Vượng hiểu nhiều về các kỹ thuật chụp và làm ảnh thủ công.

Thời trước, giấy ảnh nhập về có mấy loại: giấy nhung (sần nhẹ), giấy soil với mặt giấy sần hạt chấm còn được gọi là giấy lụa thường dùng làm ảnh chân dung loại lớn, giấy mat (mặt lì) và giấy láng. Trước khi người Mỹ vào Việt Nam, người ta dùng nhiều giấy ảnh nhung nhưng sau đó là phong trào dùng giấy láng thịnh hành vì bóng bẩy hơn, nhìn ảnh sâu hơn. Giấy làm ảnh vốn không bóng láng. Để có bề mặt ảnh bóng láng, giấy ảnh phải được ép vào kính, sau đó qua các bước xử lý theo bí quyết riêng.

 


Ông Nguyễn Hữu Lập, thân phụ của ông Nguyễn Văn Đoàn, nhân một chuyến vào Sài Gòn thăm con cháu năm 1937 ngồi sửa phim tại tiệm ảnh Mỹ Lai - Tân Định.


Đến thời người Mỹ vào, giới nhập cảng đưa về thiết bị làm láng giấy ảnh là một tấm plaque bằng nhôm mạ niken. Ảnh được ngâm trong một dung môi như dầu để khi áp hình vào mặt phẳng tấm kim loại sẽ không dính lại, tăng độ bóng. Hình sau khi sắp trên mặt tấm plaque, được ép chặt vào thiết bị rồi dùng trục lăn, lăn cho ra hết nước mới bỏ vào máy sấy. Từ khi có máy làm láng, nhiều tiệm ảnh ở Sài Gòn trang bị thêm để dùng cùng với loại kính truyền thống. Lý do là tấm kính làm láng đẹp hơn lại có khổ to trong khi máy làm láng chỉ có khổ nhỏ. Những tiệm ảnh rửa hàng loạt cả ngàn tấm thì dùng máy làm láng tiện hơn vì rất nhanh.

Về phim để chụp ảnh, ông Viên Đoàn hay kể cho các con nghe là từ thập niên 1930 đến 1950 dùng phim bằng kính của hãng Lumière và phim nhựa của Hãng Guilleminot. Thập niên 1960 các Hãng Agfa Gevaert, Sakura, Fuji thay dần các thương hiệu trước đó. Trước khi người Mỹ vào, chỉ có ảnh đen trắng, ai thích màu thì nhờ thợ tô màu lên ảnh. Phim màu, hãng Kodak thống trị từ khoảng 1966. Ông thường mua phim ảnh của ông Lâm Thao, một công ty người Hoa chuyên nhập vật tư ngành ảnh

.



Nhà chụp hình Mỹ Lai - Tân Định năm 1936. 


Có lúc, ông Viên Đoàn cùng mấy người đồng hương, đồng nghiệp lập riêng một công ty để nhập trực tiếp vật tư về nhưng cuối cùng không theo đuổi mà tiếp tục hành nghề chụp ảnh vì khá ổn định. Hai bên tiệm ảnh Mỹ Lai có hai tiệm uốn tóc Mimi và Mô-đéc, thường có khách đông, nhất là vào cuối tuần. Nhiều cô sau khi đến hai tiệm này làm tóc xong thế nào cũng sang chụp vài pô ảnh bộ tóc mới của mình. Khách đi dạo cuối tuần, vô Thương xá Tax hay mua sắm quanh đó cũng thường đến chụp ảnh ở đây...

Năm 1973, tiệm đang làm ăn thuận lợi thì do sức ép tài chánh nên phải sang tiệm. Ông Viên Đoàn tìm về ngã tư Phú Nhuận, mua một căn nhà mặt tiền và tiếp tục mở tiệm làm ảnh. Căn nhà nằm trên đường Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng), sát vách trường Trung học tư thục Chu Mạnh Trinh. Ngã tư Phú Nhuận lúc đó không quá đông như hiện nay, đoạn đường Võ Di Nguy nối dài (Nguyễn Kiệm) đi lên Gò Vấp còn vắng vẻ. Về đây, sau một năm sửa chữa lại căn nhà mới trương bảng “Ảnh viện Mỹ Lai”. Nhưng chỉ vài tháng thì đến ngày 30.4.1975. 

Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông Viên Đoàn đối mặt với nhiều khó khăn, có lúc suýt bị trưng dụng cửa hàng theo chính sách ngành nghề thời đó. Vật tư nghề ảnh khan hiếm dần, phải dùng giấy phim từ các nước Đông Đức, Liên Xô, Hungary… như Foto 65, ORWO do thủy thủ viễn dương mang về, chất lượng tốt nhưng số lượng và chủng loại không ổn định.

Chuyện đáng nhớ ở giai đoạn đó là tiệm tiếp khá nhiều anh bộ đội vào chụp ảnh để gửi về Bắc. Nhiều người ở Sài Gòn tuy sống khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì thói quen chụp ảnh cả nhà trong ngày Tết. Thỉnh thoảng, anh Vượng nhận rửa phim hay phục hồi ảnh cũ, trong đó có khi là ảnh cả nhà đã mất khi… vượt biên.



Anh Đức Vượng tiếp nối cha duy trì tiệm ảnh Mỹ Lai ở ngã tư Phú Nhuận.


Năm 1978, ông Viên Đoàn từ trần trên đất Sài Gòn nay đã thành quê hương mới của ông. Anh Đức Vượng từ giã nghề phóng viên ảnh, thay cha quản lý tiệm ảnh Mỹ Lai. Sau này với sự phát triển ảnh màu tự động và công nghệ kỹ thuật số, Mỹ Lai cùng với một số tiệm ảnh màu ở thành phố tham gia sản xuất ảnh màu bằng máy với công nghệ Nhật Bản.

Đến nay, tuy mọi người đã có thể chụp ảnh qua điện thoại, tiệm Mỹ Lai vẫn tiếp tục làm dịch vụ chụp và làm ảnh cho khách như lâu nay, cho dù thời thịnh vượng của nghề ảnh nói chung đã qua. Anh Đức Vượng hy vọng có thể duy trì tiệm ảnh thân thương của cha anh để lại cho đến kỷ niệm một trăm năm “Nhà chụp hình Mỹ Lai” vào năm 2036. 

                                                                             Phạm Công Luận

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nha-chup-hinh-my-lai-doi-cuoc-tram-nam-33426.html


 

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

 

Nhớ về Saigon Departo

 

Cùng với siêu thị Nguyễn Du và thương xá Tax, Saigon Departo tạo nên bộ mặt thương nghiệp hiện đại của Sài Gòn cách nay gần nửa thế kỷ…

Trên báo Xuân Chính Luận năm 1969, bài phóng sự của H. Thủy “Ba bộ mặt của Tết Sài Gòn” có viết: “Đi đến đường Tự Do mà không ghé Sài Gòn Departo thật là một thiếu sót. Trong dịp Tết đến, Sài Gòn Departo được huy động toàn lực để… vét túi khách hàng giàu sang. Dân nghèo mà vô đây thì đúng là cảnh chim chích lạc vào rừng. Các món nữ trang, mỹ phẩm đến các đồ tiểu thủ công nghệ chẳng hạn như đèn trang hoàng, giá cũng phải ba bốn chục ngàn một món. Dân nghèo sức mấy mà sờ vào đó.

…Ít người tay xách nách mang vì có xe hơi bên cạnh, mua gì là họ gọi tài xế tống ngay lên đó chở về nhà…”

Sài Gòn thời cuối thập niên 1960, ai mà không biết Sài Gòn Departo là bị chê “quê một cục”. Nhiều người nhất là giới phụ nữ cố gắng đến đó để xem ít nhất một lần cho biết, nhân tiện ghé cửa hàng thực phẩm Pháp gần đó mua bơ mặn Bretel hay cá mòi Sumaco, nước tương Maggi ăn với bánh mì ốp la cho bữa điểm tâm.




Saigon Departo bên trái. Ảnh: TL




Sự hiện diện của loại hình Trung tâm bách hóa tổng hợp ở Việt Nam có bề dày không nhiều, mặc dù trung tâm bách hóa tổng hợp của nước Mỹ đã có từ năm 1800, tức hơn một trăm năm mươi năm trước tính đến lúc đó.

Loại hình buôn bán tổng hợp đủ các loại mặt hàng trong cửa tiệm lớn do người Pháp lập nên, nổi tiếng nhất miền Bắc là Gô-đa (tiếng Pháp là Godard) sang trọng bậc nhất thời Pháp thuộc, nay là Plaza Tràng Tiền. Còn ở miền Nam, đó là thương xá Tax. Tòa nhà bách hóa tổng hợp này có lịch sử lâu đời, được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 19, lúc đầu mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC).

Năm 1967, song song với việc thành lập siêu thị đầu tiên ở miền Nam và chắc là của cả nước, một trung tâm bách hóa tổng hợp đã được mở ra ở Sài Gòn, cạnh tranh thu hút khách với thương xá Tax. Điều cần lưu ý là trung tâm buôn bán này được vận hàng khá bài bản, hiện đại không khác mấy hoạt động của các trung tâm bách hóa tổng hợp hiện nay. Đó là Trung tâm bách hóa Saigon Departo, thiết lập tại đường Tự Do, quận Nhứt (nay là đường Đồng Khởi), trực thuộc Công ty Sài Gòn đại bách hóa thương xã thời đó.




Quạt và đồ sơn mài, bình gốm sứ. 

Ảnh minh họa đăng trên báo Thế Giới Tự do


Departo là cái tên do người Nhật đặt ra, tương tự như Department store của Mỹ, Anh nhưng quy mô nhỏ hơn. Saigon departo mượn cái tên này nói lên tính chất và quy mô của trung tâm. Như tất cả các trung tâm bách hóa, người dân đến đây có thể mua đủ loại vật dụng cho gia đình, đồ dùng hàng ngày, trong bếp, trong văn phòng, vải vóc quần áo, đồ dùng đi du lịch.v.v… mà không phải đi đâu xa.

Xuất hiện không lâu, cái tên Departo ở Sài Gòn đã mang ý nghĩa sành điệu. Không chỉ vì có bán nhiều đồ cao cấp, Departo thu hút khách hàng vì cách bày trí hàng hóa tiện lợi và đẹp mắt, phong cách phục vụ mới mẻ như một làn gió mới thổi vào đời sống của người Sài Gòn thập niên 1960.

Việc đào tạo nhân viên ở đây tiến hành khá bài bản trong điều kiện đang có chiến tranh là điều ít ai ngờ tới. Trước ngày 16.7.1967 là ngày chính thức mở cửa, ban giám đốc trung tâm này dành thời gian hơn nửa năm đi nghiên cứu thị trường, nghiên cứu các sản phẩm có thể kinh doanh. Họ lập một đoàn sang Nhật Bản, Hồng Kông và vài quốc gia châu Âu để học hỏi kinh nghiệm.

Sau đó, việc tuyển chọn nhân viên được tiến hành. Hơn 60 thiếu nữ bán hàng được tuyển dụng từ cuối năm 1966, có trình độ học thức khá, nói được tiếng Anh, Pháp và trình độ trung học.

Họ được ông Trần Thiện Ân, người của Bộ Kinh tế chính quyền Sài Gòn đào tạo trực tiếp. Ông Ân từng tốt nghiệp chuyên ngành Department store tại Mỹ, từng thực tập tại trung tâm bách hóa R.H. Macy tại New York bốn năm nên nhiều kinh nghiệm và bài bản. Ông huấn luyện nhân viên từ lý thuyết đến thực hành về cách giao dịch và cử chỉ niềm nở với khách, cách bán hàng, gói hàng, giới thiệu hàng.



Các loại búp bê nhập từ Nhật, được ưa chuộng là búp bê nhắm mắt mở mắt. Ảnh minh họa đăng trên báo Thế Giới Tự do


Tuy chỉ có hai tầng, trệt và lầu chiếm 1500 mét vuông, trung tâm có đủ các khu vực bán hàng: khu vật dụng trong nhà, khu mỹ phẩm và đồ mỹ nghệ, thực phẩm công nghiệp như đồ hộp. Lầu hai bán vải vóc, quần áo trẻ em may sẵn, máy thu thanh, máy vô tuyến truyền hình, đồ điện. Tầng này có khu giải trí cho trẻ em và khu vực giải khát có máy phát phim ca nhạc sử dụng đồng jeton bỏ vào lỗ để chọn phim.

Hàng hóa ở đây chiếm tới 70% hàng nước ngoài và có 30% hàng trong nước. Với cơ cấu hàng hóa đó, khách mua hàng là giới khá giả ở Sài Gòn và người nước ngoài. Các dịp lễ tết, cửa hàng rất đông khách.

Cùng với siêu thị Nguyễn Du và thương xá Tax, Saigon Departo tạo nên bộ măt thương nghiệp hiện đại của Sài Gòn cách nay gần nửa thế kỷ, sớm thúc đẩy nền thương nghiệp mang tính cạnh tranh của người Sài Gòn và giúp dân chúng quen với mô hình buôn bán hiện đại, tiện dụng của thế giới trong điều kiện chiến tranh không dễ dàng ra nước ngoài đi du lịch tìm hiểu cuộc sống quốc tế.

Phạm Công Luận

(trích sách “Sài Gòn, chuyện đời của phố” tập 3; Công ty sách Phương Nam xuất bản)

Nguo62nL https://nguoidothi.net.vn/nho-ve-saigon-departo-33447.html


 

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...