Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

 


KẾ HOẠCH CHỈNH TRANG KHU THỦ-THIÊM

 


 

1958 – Đã có dự án Hoàng Hùng: Xây dựng Thủ-Thiêm thành khu ngoại giao, hành chính để nới rộng Đô-thành. Nhưng toàn khu bị bọc trong khúc sông Saigon lượn tròn, mà nhiều chỗ còn rậm rạp hoang vu, khó bảo vệ an-ninh, nên dự án không được tiếp tục nghiên cứu.

 

1964 – Lại có chương trình Trần-Lê-Quang: Xây nhà 2 tầng rẻ tiền cho dân chúng để giải toả các khu vực quá đông đúc của Đô-thành.

 

1965 – Kế hoạch Doxiadis: Dùng Thủ-Thiêm làm một thí điểm cho một kế hoạch gia-cư để thực hiện chương-trình tổng quát và dài hạn chỉnh-trang chung cả toàn vùng Saigon và lân cận.

SAIGON ĐÔNG NGHẸT

Năm 1939 dân số của Saigon ước lượng là 240.000 người. Hiện nay gồm cả Chợlớn đã lên tới 2.400.000 chưa từng ở đâu trên thế giới có sự gia tăng dân số quá nhanh trong khoảng thời gian quá ngắn ấy. Bởi Việt-Nam trong thời gian ấy phải chiụ ảnh hưởng của một trận thế chiến, một trận giặc tái chiếm thuộc địa, một trận nội chiến và một trận du kích chiến, nên một mạt bị tiêu mòn sinh lực, thiếu hụt nhân công, một mặt mất mát tài nguyên, và một mặt khác dân chúng ở miền Bắc và các vùng quê mất an ninh nhào về Saigon, khiến cho Saigon bị thiếu hụt nhà ở một cách kinh khủng. Thêm số sinh sản mơi năm mỗi tăng mại thiếu đất để mở mang, giá đất để làm nhà cao lên vùn-vụt, đồng tiền kiếm khó khăn, số vốn đầu tư vào việc xây nhà của tư nhân hết sức hạn chế. Vì vậy mà các xóm nhà lá chen chúc, những người sống bên những cống rãnh dơ bẩn, thiếu điện nước, khí trời, thiếu mọi kiều kiện vệ sinh, không thể tượng tượng được thế nào tồi tệ hơn nữa. Nạn cháy nhà thường xuyên đe doạ cả một vùng hàng ngàn căn trở lên. Và những bệnh truyền nhiễm cũng hết sức ghê sợ.

CÔNG TY DOXIADIS TIẾP TAY NGHIÊN CỨU

Chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hoà, trước những đòi hỏi cấp bách và quá lớn lao ấy, đã đề xướng một chương trình hành động ngũ niên để giải quyết vấn đề nhà ở và một chương trình tổng quát dài hạn để chỉnh trang chung vùng Saigon và lân cận. Công ty quốc tế DOXIADIS ở Athènes, Hy-Lạp đã được lựa chọn để lo liệu giúp việc nghiên cứu chương trình nói trên. Ngày 3-10-1964 một văn kiện xác định mục tiêu việc nghiên cứu đã được ký kết giữa Công ty DOXIADIS và Ông Tổng-Giám-Đốc Kiến-Thiết đại diện Bộ Công-Chánh.

Sau đó ngày 20-1964, một khế ước đã được ký kết giữa Công-ty và Chính-quyền Việt Nam để cộng tác trong việc nghiên cứu và soạn thảo một chương trình mục tiêu ấn định.

 

 

Chương-trình dài hạn:

Chương trình dài hạn 35 năm (một thế hệ người) từ 1965 đến 2000 chỉnh trang vùng Saigon, Gia-Định, chú trọng đến việc giải quyết gia-cư. Theo dự trù của nhóm chuyên viên Doxiadis, Saigon sẽ bành trướng về hướng Đông, vượt qua sông Saigon và tiến lên hướng Bắc sông song với dòng sông Đông-Nai và Saigon. Nếu theo đà bánh trướng nhẩy vọt của dân số Đô-thành trong những tháng vừa qua thì có thể đến năm 2000, dân số lên đến 9.200.000 người, và nếu căn cứ và mật độ 100 dân/1 ha tương lai sẽ cần diện tích ước lượng 5.000 km2 một hình chữ nhật 24×26 km.

Trước một sự bành trướng lớn lao như vậy, cần đặt trước một kế hoạch xây cất và chỉnh trang, mà kế hoạch này phải nằm trong kế hoạch kiến-thiết toàn quốc do Hội đồng Kinh tế Quốc gia soạn thảo.




Một trong những khu vực đông dân cư ở đô thành.

 

Không tiên liệu trước, thì ắt sau này sẽ vấp phải nhiều vấn đề nan-giải. Do đó Nha Tổng-Giám-Đốc Kiến-thiết và Thiết-Kế Đô-Thị, bằng tờ trình số 2102 ngày 30-07-1965 gởi Ông Uỷ-viên Giao-thông Công-chánh đã đề nghị ý kiến cần thành lập một Uỷ-ban Quốc-gia chỉnh trang lãnh thổ hoạt động dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Kinh tế Quốc-gia và huy động một số đông chuyên viên Việt-Nam và ngoại quốc đủ mọi ngành (Kiến trúc sư, Đô thi gia, Kỹ sư, Kinh tế gia, Luật sư, Xã hội học, Địa chất học, …) để điều tra và nghiên cứu những vấn đề thiết yếu cho Đô-thị tương lai.

Chương-trình ngắn hạn:

Vì chương trình và kế hoạch chỉnh trang ấy đòi hỏi nhiều ngày giờ nghiên cứu, nên không thể một mai một chiều hoàn thành ngay được, trong khi ấy, không có cách gì đối phó với sức bành-trướng tự nhiên của dô thành, thì mỗi ngày lại sẽ có thêm nhưng vấn đề khó khăn mới chồng chất thêm.
Cho nên, bắt buộc phỉa có một chương trình hành động đặc biệt (chương trình xây cất ngắn hạn) để thỏa mãn ngay những nhu cầu cấp bách về nhà ở.



Đường sá mỗi ngày mở rộng thêm mà xe cộ nhiều khi vẫn ứ động.


 

Kế hoạch chỉnh trang Thủ-Thiêm:


Thủ-Thiêm được lựa chọn làm thì điểm đầu tiên cho việc chỉnh-trang đô thành là vì nơi đây nằm gần vùng khuếch trương kỹ nghệ Thủ-Đức và bến tấu Saigon, đất rộng (800 ha) tương đối còn thưa thoáng, gần trung tâm thành phố (độ 2km đường chim bay) gần hệ thống cung cấp điện nước, đất tuy thấp nhưng chỉ cần đắp thêm 0m80, ở nội địa lại có sẵn hồ ao sông đào.

Kế hoạch này nhằm mục phiêu:

a) Đáp ứng nhu cầu cấp thời.

b) Cung cấp cho các chuyên viên kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật xây cất và xử dụng vật liệu xây cất.

c) Huy động các tài nguyên với mục đích phát triển kỹ nghệ sản xuất vật liệu, và chuyên viên hoá một số công nhân về ngành xây cất.

Ngoài ra còn mục phiêu xã hội và hình chánh nữa để tổ chức dân sinh theo nguyên tắc căn bản liên gia, Khốm, phường, như tổ chức hành chánh các quận hiện hữu.

Diện tích dành cho các công sở, cơ sở văn hoá xã hội, kinh tế, các đại lộ, kinh hồ đào và công viên choán tới 50% diện tích đất. Ngoài ra tại phía Tây và Nam khu gia cư có dự trù 1 khu kỹ-nghệ và kho xưởng bến tầu để giải toả bớt kho bến Khánh-Hội hiện hữu, tại phía Bắc là những khoảng xanh cùng khu Lâm-viên và giải trí công-cộng, tại phía Đông Nam có dự trù 1 khu đất độ 180.000m2 để thiết lập 1 ngư cảng cho Đô-thành Saigon.

I. – Phân khu

Thứ tự

Diện tích

Số nóc gia

Các tổ chức công cộng

Các cơ sở giải trí và tôn giáo

Tổ hợp I (liên gia)

3.000 m2

40

Tổ hợp II (khóm)

15.000 m2

120

– ấu trĩ viện
– mẫu giáo
– cửa hàng thực phẩm

Tổ hợp III (liên khóm)

45.000 m2

600

– tiểu học
– của hàng thực phẩm
– tạp hoá

-công viên

Tổ hợp IV (phường)

150.000 m2

2.400

– trung học
-chẩn y viện
– phố buôn bán

-công viên
-cơ sở tôn giáo

Tổ hợp V (quận)

600.000 m2 hay
60 mẫu

15.000

-V.P.Quận
-cảnh sát
-thông tin
-thanh niên
-bảo sanh viện
-chợ
-phố buôn bán
-rạp hát trà thất lữ quán
-bệnh viện

-công viên
-cơ sở tôn giáo

 

 

II. Khai quang

Tất cả đất vùng An Khánh (Thủ Thiêm) cần được đắp cao độ 0m 80 để tránh ẩm thấp và ngập lụt vào mùa mưa. Khôi lượng đất sẽ lấy ở các hồ đào, kinh.

III. Kiều lộ

a} Đạo lộ: gồm có 4 loại khác nhau:

— Loại V1— Rộng 80m gồm 2 đường đi bộ, 4 đường xe cộ lưu thông và các giải bất trúc tạo khoảng giữa các đường.

— Loại V2— Rộng 40m gồm 1 hay 2 đường đi bộ, 2 đường xe cộ lưu thông và các giải bất trúc tạo,

— Loại V3— Rộng 20m gồm 2 đường đi bộ và 2 giải bất trúc tạo kèm 2 bên 1 đường xe cộ lưu thông.

— Loại V4— Rộng từ 4m trở lên dùng cho bộ hành.

b) gồm 3 loại khác nhau:

— Loại P1— Nằm trên các trục lưu thông và bắc ngang kinh lớn.

— Loại P2— Dùng cho việc lưu thông các xe cộ trên các đường V2 và V3.

— Loại P3— Dùng riêng cho bộ hành.

IV. Tiện nghi

a) — Điện— : hệ thống trạm biến điện từ hệ thống 66Kw, cần có trong khu, thành 15Kw, đến 400v và 230v để cung cấp cho dân chúng và thắp sáng đường phố.

b) — Nước uống—  Hệ thống chánh của quận 9, nối liền với hệ thống nước Saigon Đồng - Nai nôi xa lộ, sẽ được thiết lập dọc theo các trục giao thông chính. Sẽ có những ống phụ dẫn nước vào tận các nhà phố trong mỗi khu vực.

c) — Cống rãnh — Hệ thống kinh và hồ đào có thể dùng vào việc đưa nước dơ từ các cống rãnh, hầm vệ sinh ra sông lớn, Do đó tất cả các hầm vệ sinh trong quận 9 phải có bộ phận lọc vi trùng hợp lệ để nước lưu thông trong kinh và hồ đỡ bị ô – uế và biến thành ổ các bệnh truyền hiễm.

V. Những khó khăn khi thực hiện công tác

Về phương diện đụng chạm đến quyền tư hữu vè đát đai của dân chúng chắc Chính quyền cũng đã có nhiều biện pháp để khiến cho dân được hưởng nhiều tiện nghi mà không ai bị thiệt thòi nhiều.

Chẳng hạn như Chính quyền có thể mua đất của tư nhân để làm đường theo một giá biểu tương thuận, rồi những phí tổn về công tác hạ tầng cơ sở sẽ quản phần cho các diện tích đất đai còn lại phải chịu, theo danh nghĩa thuế thặng dư giá trị. Người bị mất phần đất bào để làm đường và lộ giới thì được bồi thường khoản ấy, còn diện tích đất còn lại bao nhiêu người ấy sẽ phải chiếu theo số lượng ấy mà chịu phí tổn.

Để cho các thửa đất vuông vắn theo đồ bản chỉnh trang cũng có thể dể thực hiện việc chỉnh định địa giới theo lối trao đổi trên những giá đất và thuế đã ấn định.

Cho được hợp lý hơn, thì có thể chia đất thành khu vực dọc theo trục giao thông chính, ở sát ngay cạnh đại lộ thì giá cao, còn càng lùi xa vào sâu thì giá sẻ càng bớt đi. Thêm yếu tố đất cao phải đắp ít, đất thấp phải đắp nhie62um để láy giá phí tổn ấy làm căn cứ cho các cuộc trao đổi trực tiếp của tư nhân hay có sự trung gian của nhà nước.

Trường hợp những chủ bị mất hết đất vì đường và lộ giới, nhận được số tiền bồi thường trong tay, nhưng không chủ nào chổ khác chịu bán đất cho, hoặc có bán cũng sẽ bán theo giá đầu cơ, thì đó là cả một sự rắc rối lớn. Có lẽ vì vậy mà Chính Quyền cần phải can thiệp bằng một đạo luật ấn định cho mỗi chủ gia chỉ được phép giữ một lô đất để ở, còn số dư phải sang nhượng cho những chủ đất kém may mắn khác.

Cùng trường hợp này, nếu chủ đất nại cớ giữ đất lại cho con cháu không chịu bán thì theo luật định, chỉ được giữ lại tối đa là 66%, còn lại phải nhường cho Chính quyền đề mở đường và xây cất các cơ sở công cộng, hoặc để đền bù cho những chủ bị mất hết đất để làm đường.

Thêm nữa, nếu người ta cứ giữ đất đấy không làm nhà, nại cớ chưa đủ tiền, trong khi người khác có tiền, có thể làm nhà ngay thì lại không có đất. Chính quyền phải trù liệu những biện pháp thuế khóa đủ nặng để đánh vào những đất trống nếu quá một thời hạn 3 năm không xây dựng. hoặc giả để cho tư nhân tự lo liệu lấy việc xây dựng theo kiểu mẫu tiêu chuẩn.

bài viết được lấy từ tạp chí Xây-dựng-mới, số đặc biệt về gia cư.
K.D.số 1289/BTT ngày 10-07-1967

https://tnusstudio.wordpress.com/2021/10/10/ke-hoach-chinh-trang-khu-thu-thiem/?fbclid=IwAR2FhIwRIlLfA2tKoucUv3Gcbse9pI__ljIe_srLjyxRRItKSIuMjNQ5WwQ

 

Tú Nguyễn Quang

 

https://www.facebook.com/groups/1412586585698694/user/100003788074171/?__cft__[0]=AZWTLnHKpVTCR-crl80e6fJvbFWtQmOZSh2nFWmbCrw75MUgUGO3ZuerI0zpf-FW9pi6GOHgFzdSN8NDI3aNGk4BRpXIm-spMHsVdhFQDEIFyNjFh2DbSniksVi5p1ofApbuFZXtmGo0Q0l901QC2h9xAI8Rb7_B9PSqQZu52twX7zKlk161e5MnCABL9kviRpypmUnD1hUgbevvLL0V5CEC&__tn__=-]C%2CP-R

 

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

 

ĐƯỜNG COLONIALE No 1 ANNEXE

ĐƯỜNG NATIONALE PROLONGÉE (ROUTE D'HOC MON)

ĐƯỜNG LOUIS BERLAND

ĐẠI LỘ VÕ DI NGUY PHÚ NHUẬN

ĐƯỜNG PHAN ĐÌNH PHÙNG – NGUYỄN KIỆM

 


 

Trong bản đồ 1882 là đường Hốc Môn hay Nationale nối dài


Con đường này lúc mới hình thành được đặt tên là Route Coloniale No 1 annexe  để nối trung tâm tỉnh Gia Định với Sài Gòn – Chợ Lớn. Ngày 4 tháng 4 năm 1902 theo quyết định của chánh quyền thuộc địa đã đổi tên là Nationalw prolongée, hay còn gọi là Route d' Hốc Môn tức là nối dài của đường Paul Blanchy sau này. Khoảng thập niên 1930 lại đổi tên là Louis Berland. Cái tên này có thể là tên của vị phó chủ tình Gia Định. Năm 1955 chánh quyền quốc gia Việt Nam đổi lại là Võ Di Nguy và cuối cùng là ngày 4 tháng 4 năm 1985 là Phan Đình Phùng và Nguyễn Kiệm.




Đối với tôi con đường này cũng có ít nhiều kỷ niệm vì ngày xưa khi còn đi hướng đạo, tụi tôi thường chọn con đường này để đi Lái Thiêu cho gần. Còn lại trong ký ức là một con đường với hai bên là các tiệm san sát với nhau, cộng với ngôi chợ nổi tiếng Phú Nhuận. Và, phía đối diện là một cái hẽm dài có ngôi chùa mà tôi gữi gắm tro cốt của má tôi nơi đó và ở đằng xa tận ngả tư Phú Nhuận có bệnh viện Cơ Đốc.




 Sau đây tôi xin giới thiệu bài viết về con đường này của tác giả Phạm Công Luận:


Đường xưa Võ Di Nguy





Con phố đã nằm trong thân thể/ Mỗi đường xưa là một mạch máu đào/ Phố đèn xưa là cả một đêm sao… (Nguyễn Hồi Thủ)

Vài lần đi ngang cầu Kiệu, tôi tự hỏi nhà bảo sanh Hồng Phúc, nơi tôi sinh ra từng ở đâu gần chiếc cầu này? Hỏi má tôi, bà cũng không nhớ vì sinh tới tám đứa con, không nhớ hết những nhà bảo sanh ngày xưa. 

Nhân chuyện đó, ba tôi bảo hồi xưa cầu Kiệu được ông già bà cả gọi là cầu Chợ Mới vì nằm gần chợ Xã Tài (nay là chợ Phú Nhuận) lúc mới xây. Ban đầu, cầu được dựng bằng cây vắp có gỗ cứng, khô rồi thì búa đẽo không được và lót bằng ván cây trai cũng rất bền. Ván xây cầu do người Pháp dỡ ra từ một cây cầu cũ trên Kinh Tàu Hũ miệt Chợ Lớn.




Đến đầu thế kỷ XX, cầu đã được thay bằng sườn sắt, lót ván và có tên là cầu Paul Blanchy theo tên đường thời đó. Do khó gọi tên, người dân vẫn dùng tên cầu Kiệu cho đến nay, vì gần đó có một xóm trồng kiệu, khoảng vị trí chợ Tân Định ngày nay.

Khi tôi còn nhỏ, tên Chợ Mới hay chợ Xã Tài không ai gọi nữa. Cái chợ cũ kỹ đã 200 năm tuổi này chỉ còn chút vết tích ngày xưa khi đứng từ ngoài nhìn vô phía đầu chợ bên phải, còn thấy một góc mái ngói cũ của những dãy nhà mái thấp, vòm tròn, cửa bán nguyệt là lối kiến trúc khi người Pháp chưa sang. 

Con đường được nhớ nhất của đời người chính là đường đến trường tiểu học. Đường Võ Di Nguy, nay là đường Phan Đình Phùng, là một phần đường đến trường của tôi. Cầu Kiệu là nơi nó bắt đầu. 



Một đoạn đường Võ Di Nguy ngày xưa. Ảnh tư liệu



Cách nay hơn chục năm, tôi quen một bác trên bảy mươi tuổi, vốn là giáo viên tiểu học. Nhà bác ở gần nhà thuốc Ông Tiên, nhà bào chế và bán thuốc lớn nhất Đông Dương thời Pháp thuộc (nay không còn vết tích) trên đoạn đường Võ Di Nguy, đối diện xéo chợ Phú Nhuận.

Bác kể khi còn nhỏ, có nghe chuyện ông chủ hãng thuốc hút Cie des Tabacs ở Sài Gòn đến mua một miếng đất trống có mồ mả gần đoạn đường đó để cất nhà. Khi cho khai quật những mồ mả trên đất của mình, ông báo Sếp bót cảnh sát Gia Định đến chứng kiến theo thủ tục. Quật xong cái mả đá, người ta thấy trong huyệt có hai quan tài còn đựng chút ít xương cốt. Cái thứ nhất, căn cứ vào những gì còn lại dường như đựng xương của một vị quan đại thần; cái kia của một người đàn bà, có lẽ là vợ của ông quan to ấy. Trong quan tài của bà có hai cái tràng ngọc để đội trên đầu, gắn nhiều hột ngọc quý và cẩn vàng rất đẹp.

Ngoài ra còn có nhiều đôi bông tai bằng vàng, nhiều thoi vàng dài. Vì những món đào được toàn là bảo vật, nên chủ nhà và ông cò đem gửi hết cho phòng lục sự tòa án, đợi đưa về bảo tàng. Bác kể thời trước năm 1945, giữa đường còn dấu vết của đường xe lửa điện (tramway) chạy từ phía bên kia cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận. Đó là khoảng năm 1935 - 1936, xe điện này chỉ có một toa duy nhất, dừng ở chợ Phú Nhuận. Nhưng chỉ sau hai năm, đường xe điện bị dẹp nhường chỗ cho xe buýt và đường ray bị gỡ bỏ sau năm 1945. 



 

Chị Kim Dung, một cư dân lâu đời ở Phú Nhuận khi nghe nhắc về con đường này, kể là hẻm Đội Có (nay là đường Cô Giang) đâm ra đường Võ Di Nguy, ở khoảng giữa đường có cái cầu tên là cầu Cụt. Nghe người lớn kể lại là thời năm 1945, trên con rạch chảy ngang qua đó thỉnh thoảng thấy có nhiều xác chết bỏ trôi, người Tây và ta đều có. Về sau con rạch này gần như bị bồi lấp vì rác thải và nhà cửa mọc lên chen chúc. Đoạn gần cái chợ nhỏ cạnh đường Võ Di Nguy có một ông người Bắc bán phở trên xe đẩy, luôn miệng rao phở mà  nghe như “Phướt! Phướt!”. Hằng đêm, ông đến bán trong xóm nhà chị, đám con nít trong xóm thèm phở mà mấy khi có dịp thưởng thức vì hầu như nhà nào cũng nghèo.

Xóm Phán Hùng trong con hẻm này bên trong có đền thờ Võ Di Nguy, nhà thờ Bắc Hải và chùa Hải Đức. Đầu xóm có nhà ca sĩ Thanh Tuyền, cách nhà quái kiệt Thanh Hoài vài căn. Nhiều học trò cách nay gần nửa thế kỷ khi ôm cặp đến trường tiểu học Võ Tánh thường đi tắt qua hẻm nhỏ bên hông rạp hát Văn Cầm, có lúc buồn tình nghía mắt nhìn qua lỗ mọt của cửa sắt khi rạp chiếu phim kiếm hiệp đánh đấm ì xèo với các tài tử Trần Tinh, Lý Tiểu Long và Trần Quan Thái, Địch Long. Một con hẻm đáng nhớ nữa là hẻm Hàng Gòn số 270. Đây là hẻm lớn, đối diện với đường Nguyễn Trọng Tuyển bây giờ. Gần đầu hẻm hồi trước năm 1975 có cái xưởng đúc nhôm Hiệp Lợi, vừa nấu nhôm vừa đúc rồi đánh bóng thành phẩm nên bụi bay đầy xóm, láng giềng rất than phiền. Dọc theo con hẻm có rất nhiều cây gòn. 




Tôi đi thường xuyên trên con đường này khi bắt đầu học trường tiểu học Võ Tánh (nay là trường tiểu học Trung Nhất) năm 1968. Cạnh trường lúc đó không còn cái bót Tầm Vông mà ba má tôi nhắc đến, cũng không còn lò mổ heo thời anh tôi đi học ở đây trong thập niên 1950 đặt gần trường, khiến các thầy cô than phiền là lò sát sinh đặt ngay khu trường học. Đường vô trường với những người ngồi bán quà vặt hai bên như làm dàn chào đám học trò, họ bày ra bao nhiêu món hấp dẫn: khoai lang chiên, me ngào đặt trên miếng bánh tráng chiên, cà rem cây nhân đậu xanh, trái cóc ngâm nước đường chẻ ra hình cái bông v.v.. Trong tuần, thế nào tôi cũng ăn một lần món bánh tráng kẹo của một bà cụ tóc bạc trắng, bận áo bà ba màu nâu vá vai và tay luôn run bần bật khi dùng muỗng quết kẹo lên bánh.




Đi học về, tôi vòng sang phải cổng trường, men theo con hẻm hẹp bề ngang chưa tới một mét để ra đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) gần hơn. Đến cuối tuần mới về theo đường lớn, ghé sạp báo mua hai tờ tuần báo Thiếu Nhi do cô Bích Trà dạy lớp nhứt (lớp năm bây giờ) phát tiền, đọc ngốn ngấu tờ báo trong ngày Chủ nhật để sáng thứ Hai đặt vào tủ sách chung của lớp. Tôi lê la trên đường Võ Di Nguy trong mấy năm tiểu học, quen thuộc vài cái tên cửa tiệm như tiệm ảnh Trần Cửu, tiệm giày Mạnh Cung. Đường xá lúc ấy không mấy khi đông nên vẻ nhộn nhịp của con đường thật cuốn hút, người mua bán nhộn nhịp, sạp báo treo kín các tờ báo mới, tiệm tạp hóa bán những chồng tập hiệu Con nai, Xích lô máy luôn thơm tho, nước mía đầu ngã ba góc đường Nguyễn Minh Chiếu ngọt lịm…



 

Gần Tết, đường Võ Di Nguy là con đường vui nhất ở Phú Nhuận. Anh tôi thế nào cũng chở lên nhà may Tiến Phát số 220 để mua vải quần tây về may cho mấy anh em. Tiệm khá rộng, bán vải và quần áo may sẵn, trên bàn luôn để sẵn tờ báo đăng quảng cáo khá phô trương về nhà may này: “Một bước tiến rất xa trong ngành quần áo may sẵn tại Việt Nam. Trang bị những máy móc điện tử tối tân nhất Đông Nam Á”. Có lúc anh định ghé nhà may Bảo Toàn ở số 303, nhưng lại ngần ngừ, ngại mất nhiều tiền vì nhà này có tới bốn, năm tầng lầu.  



Khoảng giữa tháng Chạp, người ta đã dựng sạp bán lạp xưởng, mứt các loại, bánh phồng tôm dọc hai bên đường, chạy dài lên tới chợ. Buổi tối gần Tết mát lạnh, người đi như trẩy hội giữa đèn mắc giăng giăng sáng trưng phố xá, nhất là từ hai mươi tháng Chạp trở đi. Thời trước năm 1975 ít khi kẹt xe nên không mấy ai khó chịu khi xe cộ và người chen chúc trên đường vì đó là dấu hiệu cái Tết đang đến gần.  

Dì út tôi, từng là học trò và sau trở thành giáo viên trường Võ Tánh, kể là đường Võ Di Nguy thời Pháp thuộc có nhiều lò bánh mì, như lò bánh mì Vinh Thái, hoặc lò bánh mì René Robert. Khoảng gần năm 1960, dọc theo dãy phố cùng phía với Nhà làng Phú Nhuận (nay là bưu điện quận) có bán bánh mì nhét thịt chà bông gà xịt nước tương kèm đồ chua, vừa rẻ vừa ngon đối với học trò. Thời đó chưa có xe đẩy bánh mì mà hầu hết bán trong tiệm. Dì bảo, hơn hai mươi năm học và dạy ở đó, nhớ nhất lại là vị bánh mì thịt chà bông gà ăn trong buổi sáng sớm đến trường.




Còn tôi, hương vị đọng lại vẫn là những món quà vặt trước cổng trường, được bán từ những người đàn ông hay phụ nữ nghèo, ai cũng gầy gò, luôn nói chuyện nhỏ nhẹ với đám học trò vì biết con nít tiểu học nhút nhát, ai khó tính quát nạt chúng sẽ sợ và sang mua ở rất nhiều hàng quà khác cạnh tranh trước cổng trường. 

                                                                                         Phạm Công Luận

 

nGUỒN: https://nguoidothi.net.vn/duong-xua-vo-di-nguy-28805.html


Xem thêm: 

 Hình ảnh đẹp của Phú Nhuận thập niên 1960 – Một vòng xung quanh ngã tư Phú Nhuận xưa

https://nhacxua.vn/hinh-anh-dep-phu-nhuan-thap-nien-1960-mot-vong-xung-quanh-nga-tu-phu-nhuan-xua/


Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

 


NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ 



1666. Phía trước giao lộ Hai Bà Trưng - Gia Long xưa và nay.




1667. Lê Thánh Tôn gần chợ Bến Thành xưa và nay.



1668. Góc dãy nhà đường Đnh Tiên Hoàng - Huỳnh Khương Ninh nơi có xe bánh mì 7 Quang xưa và nay.




1669,  Giao lộ  Hai Bà Trưng-Đông Du xưa và nay.




1670. Đường sắt đôi dẫn ra khỏi Ga Sài Gòn xưa dọc đường Lương Hữu Khánh và giờ đây.



Nguồn Tim Doling

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...