Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022


Kỷ niệm của một thời Sài Gòn xưa:

Gỏi Khô Bò Của “Ông Già Chemise Noire” 

Phạm Công Luận

                                           

 



 

Một truyện ngắn đăng trên báo Tuổi Ngọc trước 1975 có chi tiết đáng nhớ. Chàng trai trong truyện đi chuyến công tác vào Sài Gòn. Khi quay ra miền Trung, tới đèo Hải Vân anh chợt thấy tiếc vì chưa kịp ăn món gỏi khô bò của “ông già áo đen” ở khu nước mía Viễn Đông đường Pasteur, Sài Gòn. Anh đã tìm cách quay lại Sài Gòn để thực hiện ước mơ ấy… Không dễ thực hiện chuyến đi xa xôi như vậy trong thời chiến chỉ để được ăn món gỏi khô bò. Có lẽ đó chỉ là một ẩn dụ về nỗi tiếc nuối của chàng trai trẻ xa thành phố, lao vào vùng chiến sự và nhớ về những niềm vui đời thường trên phố xá phồn hoa. Nhưng cái tên “ông già áo đen” đã luôn là thắc mắc của tôi. 

Những anh chị tôi, lứa tuổi nay đã bước vào tuổi 60, 70 rất quen thuộc với hàng bò khô, nay gọi là gỏi khô bò của ông già áo đen bán trên đường Pasteur. 

Họ vẫn nhớ những buổi chiều chưa tắt nắng của Sài Gòn nửa thế kỷ trước, tan trường Sư Phạm, trường Luật là phóng xe ra ngay góc ngã tư Lê Lợi – Pasteur, ngồi trên xe gọi mấy dĩa khô bò đu đủ cùng một lúc. Từ xa đã thấy bóng ông chủ xe khô bò, luôn luôn bận áo đen nên chết tên. Phải canh làm sao để ăn được gỏi khô bò của “ông già chemise noire” hay “ông già áo đen” này dù khu đó có tới bốn người bán gỏi khô bò đu đủ bào. Không mấy ai biết ông tên gì, chỉ gọi biệt danh như vậy.




Ai sống tại thành phố này hay đã từng đến Sài Gòn những năm trước 1975 đều biết khu nước mía Viễn Đông. Ngay góc ngã tư Lê Lợi – Pasteur, đó là nơi bán nước mía đắt khách dưới chân tòa nhà hãng bảo hiểm Viễn Đông nên được gọi vậy cho gọn, theo những người lớn tuổi kể lại. Quây quanh góc đường, trên lề dành cho người đi bộ là nhiều hàng quán, xe bán hàng rong. Tuy là hàng rong, hàng bán vỉa hè nhưng hình thành một khu ẩm thực hẳn hoi, gọi chung là khu nước mía Viễn Đông, nổi tiếng đến độ đến hơn bốn mươi năm sau, nhiều bài viết vẫn còn nhắc tới. 

Trong đó, có hồi ức của nhà thơ Cao Thoại Châu: “Hồi còn học đại học, thường chiều hay trốn học ra vỉa hè ngã ba Pasteur – Lê Lợi. Vỉa hè khá rộng, cây cối nhiều mà lại có tới hai thứ quà nổi tiếng. Những chiếc tủ kính nhỏ bán bò khô của người Bắc, không dát mỏng nhuộm phẩm đỏ như khô bò Chợ Lớn từ Hà Nội mang vào. Nó dày và mềm màu hơi xỉn vì nướng, ăn với đu đủ sống bào thành sợi. Lách cách tiếng kéo của người bán, xuýt xoa cay của người ăn đủ dạng, đủ tuổi. Không biết cái nào có trước nhưng hai thứ quả là dìu nhau cùng nổi tiếng và đông nghẹt, bò khô ăn xong có ngay nước mía chen và đứng – nước mía Viễn Đông!” 

Buổi sáng cuối năm 2016, tôi ngồi với anh Nguyễn Văn Tuynh trong một quán cà phê. Anh là con trai của “ông già áo đen” bán gỏi khô bò xưa kia. Anh Tuynh đã trên 60, còn khỏe và trí nhớ còn tốt. Đầu thập niên 1960, ba anh bắt đầu bán gỏi khô bò ở đó, và chú bé Tuynh theo phụ cha suốt chín năm trời cho đến tuổi trưởng thành thì đi quân dịch. Chín năm trời trên vỉa hè là chín năm đáng nhớ với anh. Anh chứng kiến cuộc sống trên phố xá trung tâm Sài Gòn, những thay đổi của thời cuộc qua mắt nhìn của một chú bé mới lớn. 

Sài Gòn thời ấy, không có nhiều hàng quán cầu kỳ như bây giờ. Không chỉ giới bình dân, giới có học không câu nệ phải ăn hàng quán sang trọng mắc tiền. Do đó, các xe bán hàng ăn trên lề đường rất đông khách, có đủ cả sinh viên, thầy cô giáo, tiểu thương, công tư chức và quân nhân. 

Tuy nhiên, mãi cho đến đầu năm 1960, khu hàng ăn Viễn Đông nổi tiếng mà dân trong nghề gọi là “Bến nước mía Viễn Đông” mới hình thành. Ở đó có nhiều món ăn, ngoài gỏi khô bò còn có phá lấu, bò bía, bánh ướt, bò viên, chè thạch, nước sinh tố các loại, nước ngọt…. nhưng ba món Gỏi khô bò, Phá lấu và Nước mía được xem là ba món chính ngon nhất Sài Gòn thời bấy giờ.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, tức “ông già áo đen” người gốc Hưng Yên di cư vào Nam năm 1954. Lúc đầu ông ở Trị An, Đồng Nai rồi chuyển xuống Sài Gòn. Ông có ông bạn làm lính Partisan ở Hà Nội cùng vào Nam nên đi tìm, thì biết ông kia bán bò khô ở các trường Chu Văn An, Nguyễn Bá Tòng. Ông Huỳnh thấy bạn làm ăn được, xin học nghề rồi cùng bán với ông bạn, bắt đầu từ năm 1956.

Anh Tuynh nói: “Bây giờ có người làm bò khô bằng phổi bò, phơi khô sau khi luộc chín nên rất dễ bị bẩn, sau đó thắng với nước đường. Ngày xưa, nhà tôi làm khô bằng lá lách bò, thịt thì bằng thịt ở má bò vì má bò có gân nên vừa mềm vừa dai, khi chín tới ăn rất thơm ngon. Lá lách bò dài như miếng gan heo, luộc chín, khứa từng khứa để khi xào nấu thì gia vị thấm vào bên trong mới ngon. Xong đem xào với sả, ngũ vị hương, muối, đường, gừng (để khử mùi nồng của lá lách bò) rồi đổ nước vào cho ngập mặt, đun hơn một giờ cho sệt lại. Sau đó vớt ra cho vào chảo chiên. Qua ba công đoạn luộc, xào rồi lại chiên nên mới có miếng sém cạnh, vừa bùi vừa giòn, ngon vô cùng. 

Khi ba tôi bán ở trường Chu Văn An, tôi mới hơn mười tuổi, buổi sáng đi học, chiều đi phụ bán. Ba bán sát hàng rào, học trò trường này toàn là nam sinh nhưng ăn hàng bạo lắm. Họ đưa tiền ra, ba tôi chuyền dĩa nhôm đựng gỏi bò khô chan giấm ớt nước tương vào. Việc của tôi là hết giờ thì leo vào cổng trường để gom dĩa nhôm mà các anh nam sinh ăn xong vất vào một góc. Giá một dĩa gỏi khô bò lúc đó là 2 đồng, gấp đôi ly nước mía”.

Đến năm 1958, ông Huỳnh ra bán ở chợ Bến Thành, góc đường Lê Thánh Tôn với Tạ Thu Thâu. Bán ở đó đắt khách nhưng bị lính ở bót Lê Văn Ken phía gần nhà thương Sài Gòn hốt ghế hoài nên ông nản. Sau hai năm, ông đẩy xe ra bán ở góc đường Pasteur – Lê Lợi thì tiếp tục gặp chuyện đang bán thì bị đuổi. Sau khi bàn bạc, suy tính cùng với vài người bán hàng ở địa điểm này, ông đến bót Lê Văn Ken xin lập một “bến”, tức là khu tập trung buôn bán, đóng thuế đàng hoàng cho cảnh sát hằng tháng. Ông đứng ra đảm nhận việc thu tiền để nộp. “Bến nước mía Viễn Đông” chính thức được cho phép, rất thuận tiện thu hút khách dạo phố trên con đường Lê Lợi đã vào thành ngữ “Bát phố Bô-na” (trước 1954 đường Lê Lợi mang tên Bonard)

An tâm rồi, ông Huỳnh cùng bạn bè ngoài “bến” lo tổ chức việc làm ăn. Đoạn lề đường Pasteur chạy dài từ đường Tôn Thất Đạm đến Lê Lợi chia thành hai dãy hẳn hoi, dãy phía trong là các xe bán gỏi khô bò, nước ngọt. Dãy phía ngoài, sát đường xe chạy thì bán hủ tíu bò viên bánh cuốn, bò bía. Phía lề đường Lê Lợi bán phá lấu nhiều hơn. Ông Huỳnh tiếp tục dùng cái tủ đựng thức ăn bằng gỗ gắn kính đặt trên cái xe đẩy. Tủ chia làm ba phần theo bề ngang, ở giữa là ngăn tủ để dĩa, hai ngăn hai bên đựng thịt bò khô và gỏi đu đủ đã bào sẵn ở nhà. Hai rìa tủ là các thành gỗ thiết kế để đặt đũa, các chai nước tương, nước giấm, ớt…Thùng xe phía dưới để được chục cái ghế xếp. 

Mỗi ngày từ ba giờ chiều, ông Huỳnh cùng cậu bé Tuynh đẩy xe từ cổng xe lửa số 6 đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ) suốt một giờ đồng hồ mới tới điểm bán. Sau một thời gian, việc làm ăn phát triển, ông Huỳnh thuê hẳn một chiếc xe xích lô máy để chở ông và Tuynh cùng cái xe đẩy. Hai cô con gái đạp xe ra để phụ bán. Buổi trưa sau buổi học, Tuynh cùng mấy anh chị em lo bào đu đủ, ngâm cho ra nhựa và vắt ráo nước trong khi vợ chồng ông Huỳnh lo chế biến thịt. 

Chiều tà là bắt đầu thời gian cao điểm. Một mình ông Huỳnh đứng ôm cái tủ, đặt hàng loạt dĩa nhôm lên mặt tủ và thoăn thoắt bỏ đu đủ sợi, khô bò (lúc đó không có đậu phộng rang, bánh phồng tôm như hiện nay), rồi hai tay cùng lúc xịt nước giấm, nước tương, ớt vào dĩa thật nhanh. Các con lo thu tiền, bưng và thu dĩa để rửa, xếp ghế, bưng ra cho khách. 

Đa số khách đứng ăn cho nhanh, không mấy ai ngồi. Nhiều người ăn bận lịch sự là các giáo sư trường học gần đó, lính và sĩ quan, công chức. Không ai chỉ ăn một dĩa, có người ăn tới bốn dĩa và có người ngày nào cũng ra ăn. Ai nấy vừa ăn vừa xuýt xoa chảy nước mắt nước mũi vì cay, nhăn mặt vì nước giấm chua và khoái chí nhai miếng lá mía bò khô màu đen cháy, ngọt đậm đà trong tiếng kéo lắt xắt. Dăm lần, Tuynh thấy ông Tướng Không Quân râu kẽm ghé đến ăn. Ông ngồi trên xe Jeep, sai lính xuống mua và ông ăn ngay trên xe. Việc buôn bán của ông Huỳnh phát đạt đến độ khi nào ông bán hết thì các hàng khác mới có khách.

Phụ cha buôn bán ở đó, Tuynh có dịp quan sát thế giới ăn uống của người lớn sao mà vui quá. Món Phá lấu ở đây được chiếu cố đặc biệt. Ông người Tàu bận áo xá xẩu bán những miếng phá lấu màu vàng nâu ghim vào những cây tăm đặt trong cái xửng nhôm gác trên một chạc gỗ, trông ngon lành lắm. Mỗi miếng khách cầm lên ăn, ông Tàu dùng một cây tăm khác ghim vào sợi dây thun cột sẵn ở cổ tay. Đó là cách ghi nhớ của ông về số miếng phá lấu khách đứng ăn tại chỗ. Ngoài đó có ông A Sáng, cũng người Tàu bán bò viên rất ngon (lúc đó chỉ bán bò viên chấm tương, không thấy ai bán chung với hủ tíu).

Gỏi khô bò có tới bốn người bán, đều là người Bắc di cư, ngoài ông Huỳnh có ông Thung, ông Chiểu, ông Dần. Ngoài ra, món bánh cay vàng ruộm mà Tuynh rất thích. Lê la trên hè phố nhiều năm, Tuynh chứng kiến những người Ấn chuyên buôn bán vải trên đường Tôn Thất Đạm gần chùa Ấn, bán các loại vải tetoron, dacron cho trả dần và ngày nào cũng đi thu tiền góp.

Nhớ những buổi chiều trời sắp mưa, hàng đàn bồ câu cả ngàn con từ chùa Ấn bay ra, có cả những con cà cuống bay xuống từ các tàng cây trên đường Pasteur. Thời ông Diệm, trên đường Pasteur nhân công đào một đường dẫn nước sinh hoạt lớn, sâu và rộng. Mùa mưa nước đầy, có người té xuống la chói lói vì không biết bơi và chú bé Tuynh đã kịp nhảy xuống cứu.

Anh Tuynh kể có đọc được bài thơ của ông Bác Sĩ Lê Văn Lân làm thơ về khu nước mía Viễn Đông như vầy:

Người về còn nhớ quà rong năm nào

Đầu đường nghe thoáng lời rao

Là tha hồ biết quà nào rẻ ngon

Dăm bông, thịt nguội, mì giòn

Hai đồng một ổ, bà con mua giùm

Anh ơi, “Nước mía Viễn Đông”

Hai ly chưa đã, mát lòng em luôn

Thêm đĩa bò bía chấm tương

Ăn kèm phá lấu, em thương anh nhiều…

 Anh nói: “Tuy không nhắc đến gỏi khô bò ông già áo đen”, mấy câu thơ này làm tôi nhớ quá…”. Tuổi không còn trẻ, anh Tuynh vẫn đau đáu mong muốn khôi phục lại nghề gia truyền của cha. Anh kể sau 1975, buồn vì không tiếp tục làm nghề trên lề đường Pasteur nữa, ba anh mất chỉ sau một năm nghỉ ở nhà. Anh Tuynh sau đó đi bán bò viên trên đường Nguyễn Thông, cũng đắt khách không thua cha mình xưa kia cho đến khi nghỉ vì lớn tuổi.

Cho dù thảnh thơi vì con cái đã trưởng thành, anh vẫn nôn nao khi nghe tiếng kéo lắt xắt nhắp trước khi cắt bò khô ở các hàng quán gỏi khô bò trên đường Nguyễn Văn Thủ hay trước công viên Mạc Đĩnh Chi.

 Phạm Công Luận

(Trích Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố tập 4 – Công ty sách Phương Nam xuất bản 2017)



Ông Nguyễn Văn Huỳnh sau năm 1975

 

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

 

SÀI GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA

CHỢ ĐŨI (Tiếp theo)

** Mỹ Phước Nguyễn Thanh France **




Chúng ta trở lại ngã sáu Sài Gòn, từ nơi đây đi vào đường Frère Louis để tiếp tục chuyến du ngoạn vùng Chợ Đũi. Như đã nói ở bài trước, đường này có vai trò đặc biệt trong lịch sử thành phố Sài Gòn vì xưa kia nó là đoạn đường cái quan đi về vùng châu thổ sông Cửu Long. Vào những năm đầu thời Pháp đô hộ nó được đặt tên ''đường Mỹ Tho'' (Bản đồ 1861: Route de Mi-Thô), sau đó được gọi là ''đường Chợ Lớn'' (Route de Cholon). Vào thời này nó vẫn còn là con đường thôn quê, như lời mô tả trong Niên giám Nam Kỳ năm 1866: ''Đường Chợ Lớn thật là xinh, nơi mà ai cũng ưa thích dạo chơi. Nhìn ra hai bên ta thấy cảnh vật thay đổi từng ngày. Hầu hết đất đai ven đường đã có người mua hết và đang được cải tạo. Xưa kia bụi rậm phủ đầy nay sắp trở thành vườn tược, đồn điền''.


''Đường Chợ Lớn'' (Route de Cholon) trong bản đồ năm 1878

Sau nhiều năm đóng vai con đường chính nối liền Chợ Lớn với Sài Gòn, đường Chợ Lớn lại được đổi tên là ''đường trên'' (Route haute), để phân biệt với ''đường dưới'' (Route basse) mới mở đi dọc theo rạch Bến Nghé. Khi làng Tân Hòa được sáp nhập vào thành phố Sài Gòn (1904), một phần của ''đường trên'' cũng thuộc về thành phố Sài Gòn nên được đổi tên là ''đường La Grandière nối dài''. Đến năm 1922, theo thỉnh cầu của một số cựu học sinh trường Taberd, đoạn đường đi từ ngã sáu Sài Gòn đến đường Nancy (đại lộ Cộng Hòa / đường Nguyễn Văn Cừ) được đặt tên là Frère Louis, lấy tên thánh của vị tu sĩ Công giáo thuộc dòng tu La san là sư huynh Louis Gaubert (1844-1919), cựu hiệu trưởng các trường d'Adran và Taberd. Từ năm 1955 đến 1975, đường mang tên Võ Tánh, sau đó đổi thành đường Nguyễn Trãi cho đến nay.



Đường Chợ Lớn lại được đổi tên là ''đường trên'' (Route haute) 
trong bản đồ 1898


Đường Frère Louis.

Vào thập niên 1930 đường Frère Louis đã là phố xá buôn bán nhiều người qua lại nhưng chưa được khang trang như những đường trong khu trung tâm Sài Gòn. Số 18 đến 22: trường tiểu học Nguyễn Háo Kiển (1936-1942), dạy chương trình tiểu học bản xứ, thu nhận tối đa 70 học sinh. Có lớp tối dạy tiếng Pháp cho người lớn. Số 37: trường tiểu học Văn Công (1936-1943), thu nhận tối đa 70 học sinh. Có lớp tối dạy tiếng Pháp và tiếng Anh cho người lớn. Đây là một vài thí dụ về trường tư thục tiểu học ở Sài Gòn. Theo một biên bản của Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, năm 1936 ở Sài Gòn có 9 trường tiểu học công lập, chứa tối đa 3600 học sinh. Đó là các cơ sở giáo dục bề thế, trong khi các tư thục thường nhỏ, số lượng trường lớp không nhiều nên chỉ có thể nhận khoảng 5800 học sinh, vì vậy còn lại hơn 6000 trẻ em không có chỗ học



Đường Frère Louis trong bản đồ 1942


Số 45: tòa soạn tuần báo Sống. Chủ nhiệm: Trần Thiêm Thới tức thi sĩ Trúc Hà (1935). Số 47: xưa gọi là Mả ông Lái Gẫm, nay là đền thánh Matthêu Gẫm, bên trong có bia đá ghi nhớ vị trí pháp trường Da Còm, nơi ông Lê Văn Gẫm (1813-1847) bị trảm quyết. Số 56: hãng xuất nhập cảng Nguyễn Kỳ Xương, nhà buôn lâu đời nhất trong khu phố, thành lập năm 1936, hoạt động đến 1975, chuyên về đồ phụ tùng xe đạp, xích lô, xe hơi…

Ta đến đường Ypres (Nguyễn Văn Tráng). Đường này là di tích của con đường xưa bắt đầu từ bờ rạch Bến Nghé, một dạo đã được đặt tên là ''Ancienne église de Chodui'' vì đi ngang nhà thờ Chợ Đũi cũ. Ngày nay đường ấy chia làm hai đoạn cách xa nhau: đường Đề Thám và đường Nguyễn Văn Tráng mà ta đang nói tới. Ypres là tên của một thành phố ở nước Bỉ, bị tàn phá nặng nề trong Đệ nhất Thế chiến. Địa danh này được chọn đặt tên đường vào năm 1920, lúc ấy hãy còn là đường ngắn đi từ đường Colonel Boudonnet (Lê Lai) tới đường Frère Louis. Suốt một bên của đường Ypres là nghĩa địa Chợ Đũi (còn gọi là ''đất thánh của họ đạo Chợ Đũi''), nằm phía sau đền Thánh Gẫm ngày nay (Bệnh viện thực tập của trường Đại học Y khoa Minh Đức dạo trước xây trên đất nghĩa địa này). Vào đầu thập niên 1930, giáo xứ Chợ Đũi cho chôn cất những kẻ đã qua đời tại nghĩa địa Chí Hòa, chứng tỏ rằng lúc ấy nghĩa địa Chợ Đũi đã nằm trong dự án được giải tỏa. Theo một thông cáo của chính quyền địa phương Sài Gòn - Chợ Lớn. vào năm 1942, tại nghĩa địa này còn 80 ngôi mộ được chờ cải táng để chỉnh trang khu phố. Khoảng đầu thập niên 1940, đường Ypres được nối dài đến đường Lacote (Ngô Tùng Châu / Lê Thị Riêng), cùng lúc thực hiện dự án xây dựng hai tháp nước cao 30 mét nhằm giải quyết vấn đề áp suất nước cho một số khu vực trung tâm thành phố. Ví dụ tại chợ Bến Thành, khi chưa xây tháp nước, công việc tưới nước rửa chợ kém hiệu quả vì vòi xịt chảy yếu do không đủ áp suất nước. Ta tiếp tục bước chân trên đường Frère Louis.

Ở đầu hẻm 150: chi nhánh trường tiểu học Văn Công nói trên đây (1936). Số 156: trường sơ học Gia Giáo (1933).

Số 168: trường sơ học Tương Lai (1938-1939).



Vị trí đường Ypres


Bước qua ngã tư đường Frères Guillerault (Bùi Chu / Tôn Thất Tùng) ta thấy nhà thờ Huyện Sĩ. Ông huyện Sĩ tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900), người giàu nhất Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19. Lúc sinh tiền ông đã lập di chúc mong muốn sau khi hai ông bà qua đời sẽ được chôn cất trong ngôi thánh đường ở Chợ Đũi. Ông đã di tặng họ đạo Sài Gòn khoản tiền khổng lồ để thực hiện việc xây dựng nhà thờ này. Linh mục Boutier lo phần thiết kế, xây cất từ năm 1902 đến 1905.

Phía sau nhà thờ ta gặp đường Massoulard (Lương Hữu Khánh). Tại giao lộ này đường Colonel Boudonnet (Lê Lai) nhập chung với đường Frère Louis, bên cạnh cổng xe lửa số 1 cũ, nơi đường sắt từ trong sân ga Sài Gòn chạy xuyên ngang qua đường Frère Louis rồi chia hai nhánh, một nhánh đi Chợ Lớn (tramway Chợ Lớn và xe lửa Mỹ Tho), một nhánh đi Hòa Hưng (xe lửa Biên Hòa, Đà Lạt, Nha Trang…). Đường Massoulard gồm hai đoạn không thẳng hàng và cách nhau bởi đường sắt. Ngày nay các đường sắt đã bị tháo gỡ, chừa lại khoảng trống biến thành các đường hẻm (Nay là hẻm 196 Nguyễn Trãi và hẻm 162 Bùi Thị Xuân). Tiếp theo ta đến ngã ba đường Lacouture (Đặng Đức Siêu / Nam Quốc Cang). Đường này và đường Massoulard vừa nói là những đường nhỏ đã lâu đời, không có kiến trúc nào đặc sắc. Tuy nhiên nơi đây là vùng đất lịch sử, theo ông Trương Vĩnh Ký (tài liệu đã dẫn) từ thế kỷ 17 vùng này đã có chợ Điều Khiển (chợ mang tên ấy vì ở gần dinh thự quan điều khiển) và chợ Cây Da Thằng Mọi (chợ gần cây da, bán đèn bằng đất nung hình người nô lệ).



Vị trí đường Massoulard 


Biệt thự Blancsubé

Ông Trương Vĩnh Ký nhắc đến tòa nhà của ông Blancsubé để làm điểm mốc giúp cho những người sống cùng thời với ông tìm ra vị trí một số di tích lịch sử. Đối với chúng ta, địa điểm xây dựng tòa nhà ấy là một bí ẩn. Chủ nhân ngôi nhà ấy là ông Blancsubé (1834-1888), vị luật sư từng làm thị trưởng Sài Gòn và nghị sĩ đại diện Nam Kỳ. Biệt thự Blancsubé phải là tòa nhà to dễ nhận cho bất cứ ai đi qua vùng này, vì trong nhiều tài liệu của quân đội nó được dùng làm điểm chuẩn để hướng dẫn trên bản đồ. Hội đồng quản hạt đã mua lại biệt thự này của luật sư Blancsubé trước năm 1881, khi ông này rời xứ Đông Dương đi nhiệm chức nghị sĩ thuộc địa, nhưng lúc ấy tòa nhà không được bổ dụng làm một công sở nào. Do đó biệt thự Blancsubé bị bỏ trống, một nhân viên được trả lương 7 đồng mỗi tháng để lo việc canh giữ. Trong suốt thời gian dài, từng trệt của tòa nhà dùng làm trại nuôi dê, cỏ dại mọc đầy, rắn rết đến làm hang ổ. Năm 1890, khi tòa nhà được định làm nơi cư trú cho các sĩ quan chỉ huy lính tập thì đã hư hao nặng, nhưng dù cho được sửa chữa toàn vẹn, quân đội vẫn chuộng sử dụng những ngôi nhà cũ trong thành Ô Ma vì tiện lợi cho việc đi lại hơn. Hội đồng quản hạt đã quyết định bán rẻ, chúng ta không rõ sau đó ai là chủ nhân tòa nhà.



Vị trí có thể là nhà của ông Blancsubé trong bản đồ hình minh họa năm 1898 của aston pusch,del

Vào thời đó, nhà báo Brébion, người sinh sống tại Nam Kỳ từ 1884 đến 1912, trong bài khảo cứu ''Monographie des rues et monuments de Saigon'', đăng trong Revue Indochinoise, năm 1911, cho biết bót cảnh sát Hòa Bình xây trên nền cũ của tòa nhà Blancsubé đã bị phá hủy. Mặt khác, bản đồ Sài Gòn của nhà in F. H. Schneider ở Hà Nội, phát hành khoảng năm 1900, cho thấy bót Hòa Bình ở giữa đường trên (Frère Louis) và rạch Cầu Kho, không xa chợ Thái Bình hiện nay. Nếu cả hai tư liệu vừa nói đều đáng tin cậy, ta có thể phỏng đoán vị trí của chợ Cây Da Thằng Mọi. Đến đầu thế kỷ 20, khi tái thiết khu vực này, vị trí của biệt thự Blancsubé nằm lọt vào đất nhà ga xe lửa Sài Gòn cũ, đối diện với đầu đường Nam Quốc Cang ngày nay. Theo ông Trương Vĩnh Ký, chợ Cây Da Thằng Mọi trải rộng từ trước nhà ông Blancsubé đến đường xe lửa, do đó ta hình dung được khu chợ ở giữa tứ giác Cống Quỳnh - Bùi Thị Xuân - Lương Hữu Khánh - Nguyễn Trãi.



Vị trí bót cảnh sát Hòa Bình trong bản đồ 1923 được đánh số 94 (?)



Nói tóm tắt, ngày xưa quãng đường đi từ ngã sáu Sài Gòn đến chợ Thái Bình lần lượt ta gặp:

 - Chợ Điều Khiển.

- Chợ Cây Da Thằng Mọi.

Nơi gọi là ''Nước Nhỉ'', chỗ đoạn đường luôn ẩm ướt vì nước đọng từ vùng Đồng Mồ Mả chảy xuống rạch Cầu Kho phía sau nhà ông Blancsubé. Xưa gần đấy có chùa Kim Chương, theo Gia Định thành thông chí, phía bắc chùa có dòng suối ngầm, quanh năm nước rỉ làm ướt đẫm cả đường đi. Có lẽ đoạn đường này ở gần Ngã năm chợ Thái Bình và bên cạnh thành Ô Ma cũ.

Ngoài ra, theo ông Trương Vĩnh Ký, phía trước ngôi nhà của ông Spooner (theo Brébion, Spooner là chủ nhân cũ của khu đất xây nhà thờ Huyện Sĩ), là xóm Lá Buôn dưới đời vua Minh Mạng. Tiếp tục chuyến đi dạo, ta đến ngã năm chợ Thái Bình, nơi đây là phần cuối của đường Colonel Grimaud (Phạm Ngũ Lão) và là nơi gặp nhau của đường Frère Louis và đường Arras (Cống Quỳnh).

Đường Arras mang tên của một thành phố ở phía Bắc nước Pháp, gần biên giới nước Bỉ, bị tàn phá hầu như hoàn toàn trong Thế chiến Thứ nhất. Đường Arras gồm hai đường cũ nhập lại vào năm 1920: đường Blancsubé (đoạn từ vùng Cầu Kho đến đường Frère Louis, có lẽ được đặt tên như vậy vì đường này đi bên cạnh nhà ông Blancsubé), và đường Camp des Mares (đoạn từ đường Frère Louis tới đường Chasseloup Laubat).

Từ ngã năm chợ Thái Bình đến đường Nancy, đường Frère Louis gồm một bên là nhà cửa của thường dân, một bên là khu quân sự rộng lớn mà người dân thường gọi là ''đồn Ô Ma'' hoặc ''thành Ô Ma''.



Vị trí đường Arras


Theo bản đồ Sài Gòn của Trần Văn Học, khi xưa đi trên đoạn đường cái quan này lần lượt sẽ gặp:

- Chùa Kim Chương, xây dưới đời vua Gia Long, trên nền cũ chùa Cao Miên, vị trí gần ngã năm chợ Thái Bình ngày nay.

- Miếu Công thần hay đền Hiển Trung, nơi thờ các vị công thần nhà Nguyễn, vị trí gần ngã ba Nguyễn Cư Trinh ngày nay.

- Miếu Thánh hay Miếu Hội đồng, nơi thờ các vị thần linh địa phương. Vị trí gần ngã ba đường Nguyễn Cảnh Chân ngày nay (Trong khuôn viên Tổng nha Cảnh sát Quốc gia thời Việt Nam Cộng Hòa, nay là Bộ Công an phía Nam).

Khu Ô Ma

Sau khi đánh chiếm thành Gia Định vào năm 1859, quân Pháp xây dựng ''phòng tuyến các chùa'', bắt đầu từ chùa Cây Mai ra tới chùa Khải Tường. Phòng tuyến này chạy qua vùng nhiều ao nước được người Pháp đặt tên là ''Les Mares'', nơi đây có đền Hiển Trung (miếu Công Thần) nên được họ gọi là Pagode des Mares. Bên ngoài đền có tường gạch bao bọc nên từ năm 1859 quân Pháp đã chiếm đóng làm nơi phòng thủ, đến năm 1862 họ còn dùng làm nơi đặt trọng pháo để yểm trợ cuộc tấn công Đại đồn Chí Hòa. Thời ấy người Pháp còn gọi đường thiên lý đi qua đây bằng tên không chính thức là ''route des Mares''. Theo cách gọi của người Pháp dân ta gọi khu này là khu Ô Ma

Theo ông P.C. Richard, nhân chuyến du hành đến Sài Gòn năm 1866, bên trong vòng rào của khu ''Les Mares'' có hai nơi thờ tự: miếu Hội đồng và đền Hiển Trung (tác giả này không nhắc tới chùa Kim Chương, vì lúc Pháp đánh chiếm, chùa dược tháo dỡ, dời về Cái Bè). Bên trong bức tường vây quanh đền Hiển Trung có hai ao nước nhỏ. Cũng theo P. C. Richard, trước ngày Pháp đánh chiếm, các vị sư già yếu lo việc trông coi ngôi đền và mộ phần các bậc danh nhân được mai táng xung quanh đền. Nhưng do hậu quả bi thảm của chiến tranh, ngôi đền biến thành kho thuốc súng, mấy gian nhà phụ dùng làm trại lính. Vùng đất xung quanh đền trước kia đầy những ngôi mộ được tô điểm đẹp mắt, sau biến thành đồng cỏ nuôi ngựa của sở Pháo binh, may thay còn nhiều cây cối chưa bị đốn bỏ nên phong cảnh vẫn còn khá duyên dáng.

Khu Les Mares rộng lớn lại còn nhiều đất hoang nên được chính quyền thuộc địa lập trại quân đội, trại nông nghiệp, v.v.


Thành Ô Ma (Aux Mares)


Đến năm 1911, bên trong khu Ô Ma vẫn còn bốn ao nước tù, nghị viên hội đồng quản hạt là bác sĩ Dejean de la Bâtie đã đề nghị xin lấp hết các ao đó để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm.

Các đền miếu trong khuôn viên thành Ô Ma đều biến mất vào đầu thập niên 1950 vì quân đội Pháp tự tiện tháo dỡ mặc dù trường Viễn Đông Bác Cổ đã nhìn nhận là di tích lịch sử cần được bảo tồn.




Trường học của trại lính An Nam trong Thành Ô Ma - Phải chăng đây là hình ảnh duy nhất còn lại của Đền Hiển Trung?

Thời điểm chụp của bức ảnh, cùng với các chi tiết kết cấu kiến trúc của lớp học trong thành Ô Ma, là hai yếu tố cho thấy nhiều khả năng lớp học trong hình chính là một phần của đền Hiển Trung hay còn gọi là miếu Công Thần, là nơi thờ các công thần của nhà Nguyễn, mà theo các tài liệu cho biết vẫn còn tồn tại đến giữa thập niên 1950. (Mạnh Hải Flick)


Hình này chụp ngôi đền được cho là đền Hiển Trung 


Ngành chăn nuôi tại thuộc địa được bắt đầu tại khu Ô Ma vào năm 1864, chỉ vài năm sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Thống đốc La Grandière lúc ấy chỉ thị việc thành lập trại chăn nuôi nhiều loại gia súc, đặc biệt là nuôi ngựa giống để thay thế ngựa bản xứ bị đánh giá kém về sức vóc. Hai mươi con ngựa cái giống ai cập được du nhập đến Sài Gòn. Ngựa đực giống được chọn từ các con ngựa của đội kỵ binh Nam Kỳ. Nhưng các thú nuôi như bò, ngựa, nhất là ngựa, không quen với khí hậu nên chết nhanh chóng. Chán nản vì sự tốn kém vô ích, năm 1875 thống đốc Duperré ban hành nghị định đình chỉ công cuộc nuôi ngựa giống. Tất cả các tòa nhà của trại nuôi ngựa cùng với đất đai chung quanh, diện tích ước chừng 43 héc-ta, được sửa sang làm nơi trồng thử nghiệm cây du nhập, lấy tên là ''Nông-trại Ô-Ma'' (Ferme des Mares), đặt dưới sự quản trị của ông Pierre, giám đốc vườn Bách-thảo (Sở thú).

Cùng lúc mở mang ngành chăn nuôi tại khu Ô Ma, vườn Bách thảo được thành lập bên bờ rạch Thị Nghè (1864). Ngoài việc nuôi những động vật hoang dã hầu gửi về bổn quốc, vườn này còn là vườn ương cây, vườn trồng thử nghiệm hoa màu và nhân giống một số cây nhập nội, đặc biệt là cây cà phê, được đem phân phối cho các nhà trồng tỉa muốn trồng thử loại cây này. Sau một thời gian hoạt động, vườn Bách thảo trở nên quá nhỏ để làm nơi thực hiện các cuộc thí nghiệm đáp ứng với đà phát triển nông nghiệp. Do đó vào tháng 2 năm 1875 thống đốc Duperré cho thành lập trại thí nghiệm trồng cây nông nghiệp tại sở nuôi ngựa Ô Ma đã dẹp bỏ.

Nhưng sau mười năm hoạt động, hao tốn rất nhiều chi phí, việc trồng các cây ngũ cốc, dệt, nhuộm, hoặc thức ăn cho gia súc, không mang lại kết quả mong muốn, cơ sở của nông trại Ô Ma cũng bị đóng cửa vào năm 1885. Các cây thí nghiệm như chàm nhuộm, va-ni, cà-phê, ca-cao, gutta-percha được đem trồng ở nơi khác.

Nông trại được cải tổ thành sở nuôi ngựa như trước kia, lần này do rút lấy kinh nghiệm từ những thất bại trong quá khứ nên việc chăn nuôi đạt được nhiều thành công hơn. Không rõ từ năm nào sở nuôi ngựa Ô Ma được dời đi Tân Sơn Nhất.

Trại lính tập Ô Ma

Từ năm 1859 quân Pháp đã mộ lính người Việt tiếp tay để đánh quân triều đình tại Đà Nẵng. Mãi đến 1875 trung đoàn lính tập mới được thành lập tại Sài Gòn (Theo L'Indochine Moderne của Teston và Percheron). Thời ấy doanh trại lính tập đóng tại Chợ Lớn. Lúc quân số gia tăng, lính tập đóng quân trong một góc khuôn viên của thành Gia Định cũ, phía sau thành lính Sơn Đá (Caserne du 11e régiment d'Infanterie coloniale, nơi đóng quân của trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11, còn gọi là thành Ong Dèm, ở đường Lê Duẫn hiện nay).

Sau khi nông trại Ô Ma đóng cửa (khoảng 1885), một phần lán trại được sửa chữa làm chỗ ở cho lính tập, thường là nhà cửa thô sơ xây bằng vách ván lợp lá, trong khi các sĩ quan Pháp trú ngụ trong các nhà gạch lợp ngói gần bên. Để phòng tránh hỏa hoạn, chính quyền cấm dân chúng xây dựng nhà lá bên cạnh trại lính dọc theo đường Frère Louis.

Quân số lính tập ngày càng đông đảo, nhà nước thuộc địa tìm nơi xây thêm trại lính, có lúc định xây dựng tại vùng Hòa Hưng bên cạnh trường đua cũ nhưng lại bãi bỏ dự án. Một thửa đất 22 héc-ta được lựa chọn trong khuôn viên khu Ô Ma dành làm nơi đồn trú cho trung đoàn lính tập (Sắc luật do toàn quyền Doumer ký năm 1900). Từ đấy đến thập niên 1940, khu quân sự này còn được gọi là ''Régiment annamite''.



Lính tập tha2nnh Ô Ma


Vào đầu năm 1929 đã diễn ra một vụ cướp vũ khí thật táo bạo trong thành Ô Ma, thủ phạm là anh cai lính tập Võ Văn Hội đã đầu quân bằng tên giả là Giang Trung Chấn. Sau phiên gác đêm, Hội bỏ trốn mang theo hai khẩu súng liên thanh và một số súng đạn khác. Nhiều đồng đội bị tình nghi đồng lõa với Hội nên bị bắt, riêng anh ta đã trốn biệt tăm. Nhưng điều bí ẩn là anh ta làm cách nào mang ra khỏi trại lính số súng đạn cồng kềnh đó? Hai năm sau, theo sự chỉ dẫn của thư nặc danh, lính mật thám chỉ tìm được vỏn vẹn một cây súng liên thanh chôn giấu trong một thửa ruộng ở vùng Đức Hòa, nhưng súng đã sét rỉ không còn sử dụng được. Sau ba năm trốn tránh, anh Hội bị bắt tại Soài Riêng (Campuchia), lính mật thám giải giao anh về Sài Gòn, anh bị khép tội hoạt động cách mạng, lãnh án khổ sai, bị đày ra Côn Đảo. Tháng 7 năm 1935, Hội cùng nhiều bạn tù đóng bè để vượt ngục về đất liền. Sau 4 ngày lênh đênh trên biển cả, bè tắp vào vùng bờ biển Xuyên Mộc, nhưng chẳng may anh ta bị bắt lại.

Từ ngã năm chợ Thái Bình ta lại tiếp tục đi theo đường Frère Louis, dọc đường ta thấy vài địa chỉ đáng lưu ý: Số 201: tư gia đốc phủ sứ Trương Vĩnh Viết, ông từ trần tại đây năm 1938.

Số 203: tư gia ông Nguyễn Phan Long, nhà báo, hiệu trưởng tư thục, cựu thủ tướng. Ông cư ngụ tại đây vào những năm 1932-1933.

Số 205 và 215A-215B: ký túc xá Võ Thành Cứ, tư thục tiểu học và cao đẳng tiểu học. Số học sinh lên tới 130, trong đó tối đa có 30 học sinh nội trú (1933-1935).

Số 217: nhà bảo sanh Hồng Phúc của cô mụ Phạm Thị Hồng, nằm trong biệt thự giữa sân vườn (1937-1940).

Số 219: tư gia ông Trương Vĩnh Tống (khoảng 1932-1938).

Trong hẻm 233: trường sơ học Martin (1935-1936).

Ta đến ngã ba đường Nguyễn Tấn Nghiệm (từ năm 1955 đổi tên là Bùi Chu, đến 1985 đổi thành Trần Đình Xu).

Đoạn đường ta vừa đi qua có nhiều hẻm ăn thông vào khu nghĩa địa Cầu Kho (khu Mã Lạng). Vào năm 1932, một trong các hẻm ấy có ga-ra Orly của kỹ sư Phạm Thế Kinh. Vụ lính mật thám vây bắt những người tình nghi lập ''hội kín'' tại đây đã gây xôn xao dư luận không ít.

Vụ án Garage Orly

Tháng 3 năm 1930, nhiều sinh viên Việt Nam bị bắt tại Paris sau cuộc biểu tình trước điện Élysée để phản đối thực dân Pháp kết án tử hình các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã khởi nghĩa tại Yên Báy. Ba tháng sau, tháng 6-1930, 19 học sinh bị trục xuất về đến Sài Gòn, trong đó có Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh, Lê Bá Cang, Ngô Quang Huy. Khi các học sinh ấy vừa đặt chân trên đất Sài Gòn, sở mật thám liền ráo riết theo dõi từng người.

Tháng 8 năm 1932, đang lúc khoảng 10 người tụ họp trong căn phòng ở phía sau ga-ra Orly trong một hẻm trên đường Frère Louis thì lính mật thám ập đến vây bắt vì họ bị tình nghi đang dự cuộc họp chi bộ của đảng Trotsky. Trong số người bị bắt, ngoài chủ nhân của ga-ra là kỹ sư Phạm Thế Kinh, còn có ông Nguyễn Đình Khánh chủ tiệm ảnh Khánh Ký. Theo lời khai của một vài người bị tra tấn, mật thám đến khám xét nhiều nơi ở Sài Gòn, Gia Định, tìm được những nhà in, xưởng chế tạo vũ khí, những ấn phẩm bị cấm. Nhiều nhân vật quan trọng bị bắt sau đó như Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Phương, Lê Văn Thử, Phan Văn Chánh. Lúc xét nhà của một người thợ máy tên Trần Văn Xuân ở đường Trương Minh Ký (nay là đường Nguyễn Thị Diệu), cò mật thám Perroche bắt được các tài liệu viết tay giống chữ viết của ông Tạ Thu Thâu. Theo các lời khai man của ngững người bị tra tấn, ông Thâu bị tình nghi là lãnh tụ của đảng Trostky và đảng Cộng sản Tả đối lập. Nhưng ông Thâu một mực phản đối rằng mình không phải là người biên chép những tài liệu đã tịch thu và cũng không phải là lãnh tụ của hai đảng ấy. Trong khi phần lớn các người bị bắt được tha bổng hoặc lãnh án tù treo, trừ những người chứa chấp vũ khí hoặc truyền đơn đều bị án tù, riêng ông Thâu bị giam 4 tháng tại bót Catinat. Sau những cuộc giám định chữ viết được thực hiện từ Sài Gòn sang đến Pháp kéo dài suốt 18 tháng, các luật sư Phan Văn Giáo và Blaquière đem chứng cớ ra chỉ rõ các tài liệu viết tay ấy không phải của ông Thâu. Người viết thực sự là ông Ngô Quang Huy đã chấp nhận biên chép trước mặt các luật sư làm chứng để chứng minh ông Thâu vô tội. Vụ án ga-ra Orly liên can đến hơn 30 người. Người bị đem ra xử đi xử lại nhiều lần chính là ông Tạ Thu Thâu. Ngày 20-6-1935 tòa tuyên án ông hai năm tù treo là lúc ông đang giữ chức nghị viên hội đồng thành phố và ông đang có mặt trên đất Bắc. Tuy hôm ấy ông vắng mặt trong phiên xử (người thay mặt ông Thâu là luật sư Viviès), nhưng người đi xem thật đông đảo để bày tỏ cảm tình của đồng bào đã dành cho một nhà cách mạng, nhà yêu nước.

Từ đường Nguyễn Tấn Nghiệm tới đường Nancy ta gặp:

Số 329: hội Truyền giáo Tin lành (1926- 1975). Bà Grace Cadman, một trong những dịch giả bản Kinh thánh Tin lành tiếng Việt đầu tiên, đã tạ thế tại đây vào năm 1946.

Số 347-349: trường sơ học Martin (1936-1938)

Trên đoạn đường này ta còn gặp đường Général Marchand (Nguyễn Cư Trinh), được xây dựng từng phần, bắt đầu từ phía đại lộ Gallieni vào năm 1942, lúc ấy được đặt tên là Maréchal Pétain vì đã có dự định nối dài xuyên qua thành Ô Ma đến tận đại lộ Maréchal Pétain phía Chợ Quán (Từ 1955 đến 1975 là đường Thành Thái, nay là đường An Dương Vương).



Vị trí đường Général Marchand


Một hẻm rộng nối thông từ đường Frère Louis đến đại lộ Gallieni, năm 1950 hẻm này trở thành đường René Nicolau. Từ 1955 đến nay là đường Nguyễn Cảnh Chân.

Đến cuối đường Frère Louis ta gặp đường Nancy, con đường đi từ công trường Nancy (công trường Cộng Hòa) đến đại lộ Gallieni và nối dài đến bờ rạch Bến Nghé. Đường này đổi tên nhiều lần: Nancy, Grand Couronné, Khải Định, Cộng Hòa, Nguyễn Văn Cừ. Xưa là ranh giới Sài Gòn - Chợ Lớn nên tên cũ của đường này là Route Limite. Ngoài ra còn được gọi là đường Tân Hòa vì đi qua làng cũ cùng tên. (Còn tiếp)

 

                                                 Mỹ Phước Nguyễn Thanh – France




Nguồn: 
https://cothommagazine.com/wp/


  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...