Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ


                          44. Biệt thự số 28 Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần)
                               Biệt thự này nằm tại góc ngả tư Lê Quý Đôn - Trần Quý Cáp (Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần) tức là cạnh trường Lê Quý Đôn của chúng ta. Những năm chúng ta học ở trường mấy ai biết được gốc tích của khu đất này, thời điểm đó chúng ta chỉ biết tại nơi này có một đội cứu hỏa của Mỹ (đội cứu hỏa có uy tín nhất Sài Gòn lúc bấy giờ vì các nhân viên làm việc hết sức công tâm chứ không phải như cứu hỏa Đô thành và cứu hỏa quân đội chỉ biết vòi tiền khi chữa cháy). Tôi cũng như các bạn cũng không để ý mấy với biệt thự, sau này có dịp viết về con đường này tôi mới có dịp tìm hiểu kỹ về ngôi biệt thự này. Điều đáng buồn là quá ít hình về biệt thự này, về khu đất này để minh họa cho bài viết này.

                             Chùa Khải Tường:
                                Khi xưa nơi này thuộc ấp Tân Lộc tỉnh Gia Định. Vào khoảng năm Giáp Ngọ (1844), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc (1725-1821, là người đem chi phái Lâm Tế dòng đạo Bổn Nguyên vào miền Nam Việt Nam trước tiên), vâng lời thầy theo lớp người lưu dân từ Đồng Nai xuống phía Nam. Trên đường đi, nhà sư gặp một tăng sĩ không rõ họ tên, cùng lứa tuổi và họ đã kết thành huynh đệ. Đến nơi ở mới là làng Tân Lộc (có tư liệu viết là làng Hoạt Lộc hay xóm Chợ Đũi), hai nhà sư cùng khai phá rừng và dựng lên am lá thờ Phật. Vài năm sau, nhà sư vô danh kia tách ra lập am riêng, cách am cũ vài mươi mét, để tiện việc tu hành.
Đến năm Nhâm Thân (1752), Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc tu bổ am lá thành chùa, và đặt tên là chùa Từ Ân, với ngụ ý là “nhờ lòng từ bi và ân huệ của đức Phật mà bá tánh được bình an, tạo được cuộc sống ấm no và hạnh phúc nơi vùng đất mới”. Cũng khoảng thời gian đó, nhà sư vô danh cũng tu bổ am lá (dựng khoảng năm 1844) thành chùa, và đặt tên là chùa Khải Tường, với ngụ ý là “mở rộng phước lành cho bá tánh”. Vì thế khi thực dân Pháp tiến chiếm Gia Định, họ gọi chùa Khải Tường là chùa Trước (pagode Avancée) còn chùa Từ Ân là chùa Sau.
Căn cứ một số tư liệu, thì vào ngày 23 tháng 4 năm Tân Hợi (25 tháng 5 năm 1791), thứ phi Trần Thị Đang (Thuận Thiên Cao Hoàng hậu) sinh Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng) nơi hậu liêu chùa Khải Tường, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh đến đây trốn tránh quân Tây Sơn. Năm 1804, để tạ ơn che chở, vua Gia Long (tức vị chúa trên) đã gửi vào dâng cúng một tượng Phật A-di-đà lớn, ngồi trên tòa sen, cao 2,5 m bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng.
Năm 1832, kỷ niệm nơi cha mẹ ông từng ở, và cũng là nơi sinh ra ông, vua Minh Mạng sai xuất bạc trùng tu chùa, đồng thời cho “mộ sư đến ở, cấp ruộng tự điền” để lo việc lễ tiết hàng năm.
Năm 1858, quân Pháp đánh phá cửa Hàn (Đà Nẵng). Năm sau (1859) lại vào tấn công Gia Định, Pháp chia quân đóng rải rác tại Trường Thi, đền Hiển Trung (pagode aux Mares) và các chùa: Khải Tường (pagode Barbé), Kiểng Phước (pagode des Clochetons), Cây Mai (pagode des Pruniers).
Riêng chùa Khải Tường, Đại úy Thủy quân lục chiến Pháp tên Barbé nhận nhiệm vụ dẫn quân vào chiếm giữ. Barbé cho đem tượng Phật bỏ ngoài sân, cưỡng bức các sư phải rời chùa. Khi ấy, quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào Nam lập Đại đồn Chí Hòa chống Pháp, và chiều ngày 7 tháng 12 năm 1860, quân Việt phục kích giết chết Barbé, khi viên sĩ quan này cỡi ngựa đi tuần đêm từ chùa Khải Tường đến đền Hiển Trung (trong vòng thành Ô Ma).
(Nguồn Wikipedia)


Ảnh chùa Khải Tường do Emile Gsell chụp trong khoảng năm 1871-1874. Đây là bức ảnh duy nhất về ngôi chùa này.


Bản đồ Saigon 1867, cùng khoảng thời gian với những bức hình của Emile Gsell (1866). Plan de la ville de Saigon. Cochinchine 1867 Publisher: Imprimerie impériale. Dressée par le service des Ponts et Chaussées, octobre 1867. Vị trí của chùa là điểm màu xanh lá cây trên bản đồ



Bản đồ Saigon 1873 này có vẽ rõ vị trí của trường Ecole normale, nơi chính là chùa Khải Tường ngày xưa. Phần màu trắng là của bản đồ SAIGON 1947 ghép vào để thấy vị trí tương đối chính xác của chùa Khải Tường bên cạnh khu vực Dinh Norodom và trường Lê Quý Đôn ngày nay.

                                  Ecole Normale (Trường học con trai)
                                Năm 1867, theo nhà văn Sơn Nam, thì chùa Khải Tường trở thành trường học con trai nhằm đào tạo giáo viên. Trường École normale indigène được thành lập bởi một nghị định ngày 10 tháng bảy năm 1871. Năm 1880, chùa Khải Tường bị tháo dỡ, trường dời qua cơ sở mới là trường Chasseloup Laubat xây cất xong khoảng 1877 bởi nghị định ngày 14 tháng 11 1874.
Thời gian sau, trên nền chùa bỏ hoang này, Pháp cho xây cất một dinh thự dành cho quan chức trong bộ máy cai trị. (Nguồn Wikipedia)
                                


Tượng Phật A-di-đà bằng gỗ sơn son thiếp vàng được tạo tác vào cuối thế kỷ 17 do vua Gia Long dâng cúng cho chùa Khải Tường. Cổ vật hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

                                  Biệt thự nữ Henriette Bùi Quang Chiêu:
                                     Vào thập niên 1930 nơi đây này là văn phòng luật sư. Khoảng năm 1940, nữ bác sĩ Henriette Bùi mua lại, mở dưỡng đường sản phụ khoa ở đó. Bà là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam, cũng là con gái của nghị viên Bùi Quang Chiêu, một nhân vật chính trị quen thuộc ở  Nam KỳBà Henriette Bùi sinh năm 1905. Năm 14 tuổi bà được cha gửi sang Pháp du học, đậu vào Trường đại học Y khoa năm 1926. Năm 1932, bà tốt nghiệp đại học. Sau hai năm thực tập, bà là người phụ nữ Việt Nam lấy bằng bác sĩ y khoa đầu tiên ở Pháp. Năm 1946, chính quyền cần một ngôi nhà lớn để lập Trường Đại Học Y Dược Khoa -phân khoa Saigòn- nên đã điều đình và được bà Henriette Bùi chuyển nhượng, bà H. Bùi dọn ra làm phòng mạch ở Trung Tâm Saigon. Năm 2011, đã 105 tuổi, bà vẫn còn khoẻ và minh mẫn. Bà mất ngày 27 tháng 4 năm 2012 tại Paris, thọ 105 tuổi.


                  Bà Henriette Bùi, hình chụp năm 1931. (Hình: Tác giả cung cấp)


Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, ở tuổi 105. Hình chụp tại Paris nhân chuyến viếng thăm của đoàn bác sĩ từ Hoa Kỳ. (Hình: Tác giả cung cấp)

                                                                  Faculté de Médecine et de Pharmacie de Hanoi, Section de Saigon (Trường Y Dược Khoa Saigon)
                                      Được thành lập năm 1946 dưới cái tên Faculté de Médecine et de Pharmacie de Hanoi, Section de Saigon. Sau Hiệp định Genève năm 1954, cơ sở và nhân sự được dời từ ngoài Bắc vào Sài Gòn dưới tên mới: Faculté de Médecine et de Pharmacie, Université de Saigon. Đó là khởi điểm của trường Y khoa riêng của Sài Gòn, đây là một ngôi biệt thự có 1 tầng lầu trên một khuôn viên khá rộng ở một góc đường bên hông là đường Barbé sau là đường  Lê Quí Đôn, trên hè phố có nhiều cây cao bóng mát, trong sân cũng có nhiều cây cao tàn cây che rợp sân cỏ căn biệt thự. Trong sân có một vòm nhà tròn (tonnelle) không có tường, vách, khi xưa  là chỗ ngồi nghỉ tránh nắng, uống trà của gia đình chủ nhà, mái là những cành cây hoa giấy nhiều sắc hoa (mầu tím, mầu hoa hiên, mầu trắng)  hoa nở quanh năm. Biệt thự kiểu bánh ít, phía trước có tiền đình, bên hông có sân gạch (terrasse), phía sau cất thêm vỏn vẹn hai lớp học. Không có bảng tên, bảng hiệu gì cả.


                        Faculté de Médecine et de Pharmacie, Université de Saigon


                                              Trường Y Dược Khoa Saigon

                                    Năm 1966 Trường dọn đến địa điểm mới là Trung tâm Giáo dục Y khoa vừa hoàn tất trên Đại lộ Hồng Bàng. Kinh phí 4 triệu rưởi Mỹ kim một nửa do cơ quan USAID của Hoa Kỳ tài trợ với sự trợ lực của Hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association, AMA), 50% góp từ ngân sách quốc gia Việt Nam Cộng hòa. Cơ sở mới được một nhóm kiến trúc sư Mỹ Việt thiết kế, trong đó Công ty CRS (Houston) là trưởng nhóm Hoa Kỳ, và Văn phòng tư vấn kiến trúc của KTS Ngô Viết Thụ là trưởng nhóm Việt Nam. Sau khi xây dựng xong, nhóm kiến trúc sư Mỹ Việt đang tiến hành thiết kế bệnh viện Y khoa thực hành cho trường Y tại một khu đất lân cận (có sân bay trực thăng) nhưng phải ngưng khi chính thể Việt Nam Nam Cộng hòa sụp đổ.

                               Văn phòng US-ARV Office of Civilian Personnel và USAID Mission Warden’s
                                            Sau khi trường dọn đi thì biệt thự này được người Mỹ sử dụng làm Văn phòng US-ARV Office of Civilian Personnel và USAID Mission Warden’s, trong đó có một đội cứu hỏa như tôi vừa đề cập phần trên cũng như trong bài "Những con đường của ký ức - đường Trần Qúy Cáp". Văn phòng này ngưng hoạt động vào năm 1975.

                                     

Văn phòng US-ARV Office of Civilian Personnel và USAID Mission Warden’s bên phải hình chổ người đi xe đạp.

                                   Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
                                            Bảo tàng này được thành lập ngày 4 tháng 9 năm 1975 với tên gọi "Nhà trưng bày tội ác Mỹ-ngụy". Ngày 10 tháng 11 năm1990 đổi tên thành "Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược". Đến ngày 4 tháng 7 năm 1995 (một tuần trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam), bảo tàng này lại đổi tên thành "Bảo tàng Chứng tích chiến tranh" như ngày nay.




                    Trãi qua bao nhiêu năm bề dâu giờ biệt thự 28 Trần Quý Cáp là đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...