Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

MỘT VÀI HÌNH ẢNH


Nguyệt Ánh & Kim Phượng & Quỳnh Nga (9/8) và thầy Diệm (dạy Quốc Văn) họp mặt tại Australia.






Buổi họp mặt cuối năm 2015 với các bạn Xuân Bình (9/4), Hiếu Để (9/4), Hòa (9/4), Lành (9/1), Thiên Hương (9/8), Tuyết Lê (9/7) và KH (9/8)




NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ



                           781. Plaza BEQ 135 Trần Hưng Đạo xưa và nay.



                           782. Nhà thờ Cha Tam trong trận Mậu Thân xưa và nay.



                           783. Ngã tư Hàng Sanh xưa và nay.




                           784. Lăng Cha Cả xưa và nay.



                           785. Bến Bạch Đằng năm 1972 và hiện nay.


                           786. Tòa nhà Société Annamite de Credit ở giao lộ Nguyễn Huệ-Tôn Thất Thiệp nay không còn nữa.


                           787. Từ Khách sạn Continental nhìn sang xưa và nay.


                           788. Những cửa tiệm đường Lê Lợi năm 1967 và nay.


                           789. Đường Ngô Đức Kế xưa và nay.


                           790. Rạp Rex và tòa đô chánh xưa và nay.


Nguồn Trung Ngô, Tim Doling

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Những quán cà phê vợt trứ danh ở Sài Gòn

27/12/2015 - 00:41 AM
Gu cà phê rất riêng, gắn với ký ức bao người Sài Gòn


Quán cà phê vợt 60 năm tuổi đời

Tồn tại hơn 60 năm qua, quán cà phê trong con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng trở thành nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của những ai từng đặt chân đến đây.

Với xe cà phê cùng những chiếc ghế nhựa, gian nhà nhỏ ở đầu hẻm 330, đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), luôn đông đúc dù sớm nắng hay chiều muộn. Chủ quán - ông Đặng Ngọc Côn (80 tuổi) và bà Phạm Ngọc Tuyết (75 tuổi) được khách quen gọi với cái tên thân thương là ông Ba và bà Ba.

quan-ca-phe-vot-60-nam-o-sai-gon
Nép mình ở đầu con hẻm 330, nơi đây vẫn “tĩnh lặng” giữa những âm thanh nhộn nhịp của con đường Phan Đình Phùng. Ảnh: Hoài Anh


Theo lời kể của ông Ba, xe cà phê này trước đây là của ba ông và nó có từ thời Pháp thuộc. Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng hương vị cà phê độc đáo này vẫn được gìn giữ nhờ cách pha chế do người cha của ông truyền lại.

Ông Ba chia sẻ, cà phê ở đây được lấy từ những chỗ quen lâu năm, đem về tự rang rồi xay theo công thức riêng. Dù khách có đông nhưng ông bà luôn tỉ mỉ pha từng ly không bỏ sót một công đoạn nào. Chiếc vợt được nhúng vào nước sôi để vệ sinh, sau đó cho vào một lượng vừa đủ bột cà phê đã xay, kế đến đổ nước sôi vào chờ cho nở rồi nhúng thêm vài lần nữa mới bỏ vào chiếc ca bằng nhôm để sẵn. Cà phê nhờ đó mà có màu đen đậm, tỏa mùi thơm nức.

Đối với cà phê vợt, lửa là yếu tố rất quan trọng để giữ được hương vị đặc trưng. Chính vì vậy, cứ 10 - 15 phút ông Ba lại cúi xuống canh lại bếp than phía dưới. Dù tuổi đã lớn, nhưng “đứng lên ngồi xuống thế này mới thấy khỏe”, ông vui cười nói.

Tùy theo sở thích của mỗi người mà ông bà sẽ pha theo. Có người thích uống nhiều đường vì không chịu được vị đắng của cà phê. Có người thích ít đường để cảm nhận vị cà phê đúng điệu, người khác lại thích cho thêm chút sữa. Giá một ly cà phê chỉ 15.000 đồng đổ lại mà không kém kỳ công.

quan-ca-phe-vot-60-nam-o-sai-gon-1

Ly cà phê vợt thường không có độ sánh đặc như pha phin, nhưng có mùi thơm lâu. Điều đặc biệt là vị đăng đắng đậm đà và mùi thơm của từng giọt cà phê ấy vẫn để lại hương vị sau khi uống. Ảnh: Phong Vinh


Đã nhiều năm trôi qua và dù tuổi đã bước sang tuổi xế chiều, ông bà vẫn tâm huyết duy trì “nếp cà phê” bên cạnh chiếc xe cũ kỹ lúc nào cũng nghi ngút khói. Quán chỉ có vài chiếc bàn gỗ cũ đặt gần xe, còn lại là ghế nhựa để khách ngồi dựa sát tường trải dọc theo con hẻm. Ngoài ông bà ra, quán còn có vài người con cháu phụ giúp, thậm chí bác giữ xe cũng tranh thủ phụ bưng bê mỗi khi đông khách. Mỗi người một việc, cứ thế xoay vòng phục vụ hết lớp khách này đến lớp khách khác.

Khách ghé quán đến từ đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Có người làm văn phòng dừng xe mua mang đi, khách trẻ ngồi tại quán để tìm hình ảnh hoài cổ của những người cao tuổi, đôi khi còn có cả người lao động bình thường như anh công nhân quét rác hay bác xe ôm,... Ấy vậy mà không khí ở quán lúc nào cũng rôm rả và thân quen.

quan-ca-phe-vot-60-nam-o-sai-gon-2

Ông Ba luôn cẩn thận và tỉ mỉ cho từng ly cà phê mang đến cho khách. Ảnh: Phong Vinh


Ngồi thưởng thức cà phê, bạn sẽ thấy một bên tường được ông bà treo các bài báo từng viết về quán cùng những tấm ảnh kỷ niệm. Bên chiếc xe đẩy chất đầy các món đồ nghề pha cà phê như: ly tách, ấm trà,..., những vạt khói toả ra từ thùng nước sôi đặt trên bếp than và không thể thiếu chiếc vợt – nơi bắt nguồn cho những hoài niệm của ly cà phê này.

Quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn

Quán cà phê 76 tuổi trong hẻm 109, đường Nguyễn Thiện Thuật từng một thời là nơi tụ họp của học sinh trường Petrus Ký, Chu Văn An.

Len lỏi qua những con hẻm bàn cờ của đường Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, cà phê vợt Cheo Leo không khó để bắt gặp dù nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà ống cao vút. Quán thoạt nhìn có vẻ khiêm nhường với những bộ bàn ghế đơn giản. Tuy nhiên, chính không gian có chút xưa cũ cùng âm thanh trữ tình của những bản nhạc phát ra khiến quán trở nên nổi bật trong con hẻm dài.

Anh-1-JPG-2340-1442377211.jpg
Không gian mang đậm dấu ấn xưa của Sài Gòn tại cà phê vợt Cheo Leo.

Theo lời kể của cô Hoa (người con thứ 6 trong gia đình), quán được mở từ năm 1938 do ba má cô đứng bán. Ngày đó, quán là điểm tụ họp của những cô cậu học trò trường Petrus Ký, Chu Văn An. Đây cũng là nơi lui tới của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời ở Sài Gòn.
“Những ngày đầu nhà tui về đây xung quanh đồng không trống trải, nhà cửa thưa thớt với vài ngọn đèn leo lét, nên cha tui đặt tên quán là Cheo Leo”, cô Hoa kể.
Trong suốt hơn 75 năm, hương vị cà phê với cách pha độc đáo từ chiếc vợt vẫn được mọi thành viên trong gia đình giữ nguyên. Mỗi khi khách yêu cầu, cô Hoa lại nhanh tay chắt cà phê từ siêu đất nóng hổi rồi kết hợp với đường sữa để đem ra những ly cà phê thơm ngon. Công việc pha chế nghe tưởng đơn giản nhưng các công đoạn cần nhiều kinh nghiệm mà không phải quán nào cũng có được.
Cô Hoa chia sẻ: “Lửa rất quan trọng khi luộc cà phê. Nếu để lửa lớn quá cà phê sẽ bị kho ra vị chua, còn nhỏ, cà phê sẽ bị nguội, uống vô không còn mùi vị.” Kỹ lưỡng trong từng khâu thực hiện, gia đình cô Hoa còn lựa chọn mua cà phê hạt nguyên chất để xay bán tại nhà. Lò gạch và siêu đất vẫn chưa từng vắng mặt trong không gian pha chế để ủ nóng và giữ độ ẩm cho những mẻ cà phê suốt bao năm qua.

Anh-2-1-JPG-2830-1442377211.jpg
Từng giọt cà phê được chắt chiu kỹ càng qua nhiều công đoạn cùng chiếc vợt, siêu đất. Lửa luôn phải được canh cẩn thận để cà phê đảm bảo giữ đúng hương vị cuối cùng.

Một ly được pha chế bằng vợt thường không có độ sánh đặc như pha phin, nhưng mùi thơm ngào ngạt. Đặc biệt hơn, khi những ngụm cà phê và vị ngọt của đường sữa qua đi, vị đăng đắng đậm đà và mùi thơm thoảng của từng giọt cà phê vẫn để lại dư vị rất đáng nhớ.
Khách đến quán luôn được cô Sương (người con thứ 2 trong gia đình) niềm nở đón chào. Từng vị khách với những yêu cầu quen thuộc, người thích nhiều sữa, ít cà phê, người thích ít đá, ít đường,...đều được cô ghi nhớ rõ.
Nhớ về kỷ niệm của các vị khách từng ngồi uống cà phê tại đây, cô Sương kể: “Có người uống cà phê nhiều năm chỉ ngồi đúng một chỗ quen thuộc. Nhiều khách hôm nào có chuyện buồn là ra quán ngồi cả ngày".
Anh-3-JPG-4583-1442377211.jpg
Những người trẻ và người lớn tuổi ngồi cùng nhau trong không gian của quán cà phê Cheo Leo.

Trong không gian của những bản nhạc nước ngoài cách đây vài thập kỷ, ông Phúc (55 tuổi, ở quận Bình Thạnh) ngồi lẩm nhẩm theo lời bài hát và nói về những tình cảm gắn bó với nơi này. “Quán như là ngôi nhà quen thuộc của tôi và bạn bè. Bây giờ dù họ không còn ngồi ở đây vì đa phần sang Mỹ định cư, nhưng cảm xúc và không khí gần gũi của quán tôi cảm nhận vẫn luôn như vậy.”
Quán giờ đây có sự chuyển tiếp ký ức giữa những thế hệ xưa và lớp trẻ. Ngày cuối tuần, nhiều thanh niên tìm đến cà phê vợt với mong muốn được nhìn thấy một nét văn hóa sống động của Sài Gòn xưa cũ.
Anh Nam (29 tuổi, quận 8) mỗi sáng đều đến quán thưởng thức cà phê như một thói quen. Anh vui vẻ: “Tới quán có ngày gặp khách quen, có ngày gặp khách lạ, nhưng chỉ cần ngồi vào bàn là mọi người đều dễ dàng bắt chuyện”.
Giữa thanh âm náo nhiệt của cuộc sống Sài Gòn ngày mới, quán dường như vẫn tách biệt với bản nhạc xưa, những người ngồi trầm ngâm bên ly cà phê vợt nhả khói thuốc phì phèo, và tiếng nói cười bên các câu chuyện thường nhật.
                                                                            Phong Vinh - Đức Thành
                                                                                (nguồn Vnexpress)

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Biểu tượng của Sài Gòn xưa
Cầu quay


Bài này trước đó đã được đăng trên Saigoneer http://saigoneer.com


Nhiều người đã quen thuộc với cầu des Messageries Maritimes (Cầu Mống) của hảng Eiffel, nhưng ít nhớ láng giềng của nó là cầu quay.được xây dựng bởi thiết kế Levallois-Perret của hảng Eiffel trong 1902-1903 và nằm ở cửa ra vào của rạch Bến Nghé gần 60 năm.

Trong thời kỳ đầu thuộc địa. sự cần thiết để tiếp cận rạch Bến Nghé bằng sà lan vận chuyển hàng hóa của tất cả các kích cỡ ngăn cản việc xây dựng mặt bằng cho một cây cầu.
Thay vào đó, các nhà chức trách xây dựng một cây cầu cong lớn, cầu des Messageries Maritimes của hảng Eiffel, để kết nối cảng với thành phố. Mặc dù đánh giá cao về thiết kế thanh lịch của nó, cây cầu của Eiffel đã không thích bởi các tài xế người "malabar", đã phàn nàn rằng các đường dốc quá dốc và nguy hiểm cho ngựa của họ.


Cây cầu của Eiffel đã không thích bởi các tài xế người "malabar", đã phàn nàn rằng các đường dốc quá dốc và nguy hiểm cho ngựa của họ.

Năm 1895, kế hoạch chi xây một cây cầu xoay phẳng gần cửa rạch. Tuy nhiên, trong những năm sau các kế hoạch này đã bị bỏ dỡ bởi sự phản đối kịch liệt từ các chủ tàu buôn Chợ Lớn, người lo sợ rằng cây cầu mới sẽ chặn đường vận chuyển.


Một góc nhìn khác từ cầu quay đầu thế kỷ 20

Tại thời điểm này, các nhà điều hành tuyến đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho Société générale des tramways à vapeur de Cochinchine cung cấp một phần quỹ cho việc xây dựng cây cầu, trong sự trao đổi cho phép đặt trên đó một đường sắt để thực hiện các chuyến tàu hàng qua con lạch đến cảng.
Trong tập thứ hai của Situation de l’Indo-Chine de 1902 à 1907 (1908), Jean Baptiste Paul Beau mô tả những sự kiện sau đó:
“Cầu quay trên arroyo-Chinois ở Sài Gòn đã được đưa vào chương trình làm việc đề ra bởi nghị định ngày 12 tháng 11 năm 1900 để cải thiện thương cảng Sài Gòn. Nó được xây dựng bởi Société de constructions de Levallois-Perret, theo các điều khoản của hợp đồng đã được phê duyệt vào ngày 06 Tháng Bảy 1901. Được xây dựng cao hơn mặt đường, cầu kết nối thành phố với cảng. Cầu đảm bảo cho tuyến đường sắt, vận tải và người đi bộ, đồng thời đảm bảo giao thông trên arroyo-Chinois bằng một nhịp quay chiều dài 49.20m, được hỗ trợ bởi và xoay vòng theo chiều ngang trên một trụ cột trung tâm. Mỗi phần của hai phần cố định dài 19.194m chiều dài.
Cây cầu rộng 7.10m kết hợp là một đường 5.10m hai bên là hai làn đường cho người đi bộ 1m.
Công trình bắt đầu vào tháng Giêng năm 1902 và được hoàn thành vào tháng 7 năm 1903.
Chi tiêu lên tới 382,755.12 francs cho công việc của công ty và 11,166.12 francs cho các công trình liên quan. Chúng bao gồm, đáng chú ý là, việc phá dỡ một phần của kho quan thuế và xây dựng lại ở phần khác của bến cảng, cũng như sự phát triển của các con đường tiếp cận với cây cầu. "


Cảng Belgique bên cầu quay thập niên 1920

Ngay từ đầu, các cây cầu mới - được người Việt biết đến tên là cầu Bắc Bình Vương – gặp nhiều sự chỉ trích. Mặc dù việc mở các kênh Dérivation trong năm 1905, nhiều tàu buôn vẫn sử dụng lối vào ban đầu của arroyo Chinois. Họ thấy chân cầu quay rất nguy hiểm để điều hướng và con kênh ở hai bên của nó quá hẹp để cho số lượng lớn các tàu ra vào lạch.
Tuy nhiên, hầu hết các khiếu nại về các cây cầu mới tập trung vào trục quay của cầu. George Dürrwell nhận xét trong cuốn Ma chère Cochinchine, trente années d’impressions et de souvenirs, février 1881-1910:
" Cầu quay rất tệ. Thậm chí một số người còn cho là nó không làm được gì cả nhưng đó là những người khó tính và có khuynh hướng không tin tưởng. Tôi có thể nói, thực sự, tôi thấy nó mở ít nhất một lần tại thời điểm thuận lợi để cho công chúng tự do qua lại. Nhưng, như người ta vẫn nói, "Một con én không làm nên một mùa xuân". Số phận thảm thương của cây cầu đã được sắp đặt từ khi mới ra đời, một sự thực hiển nhiên và những dòng kênh đen như mực đổ ra những con sóng nước bẩn khuấy động ném vào con sông lớn."


Tấm hình tô màu cho thấy cầu quay nhìn từ cầu Messageries maritimes thập niên 1920

Mười hai năm sau, cầu quay vẫn là câu chuyện của Sài Gòn. Sau đây là một bài xã luận được lấy từ báo L'Eveil économique de l'Indochine ngày 14 tháng 1 năm 1923:
 "Theo quy định thì cầu quay phải được mở từ hai giờ trước khi cho đến hai giờ sau khi sự xuất hiện của tàu chuyển phát nhanh. Tại sao ngày hôm qua, bất chấp sự xuất hiện của chiếc Cordillère lúc 1 giờ chiều, cầu vẫn cứ đóng cho đến 3 giờ chiều?
Ai có biết về cây cầu quay nổi tiếng này? Ai muốn qua cầu bằng xe, nó sẽ mở cho tàu qua và khi tàu xuất hiện, nó lại mở cho xe qua.

Bài xã luận trên cho thấy cần phải bỏ cả cầu des Messageries Maritimes và Cầu quay và thay thế chúng bằng "việc xây dựng một cây cầu vận chuyển vững chắc để cho xe tải nặng và xe điện."


Tấm hình tô màu khác cho thấy cầu quay nhìn từ cầu Messageries maritimes chụp sau khi cầu đã chuyển đởi thành cầu cố định vào năm 1930

Đến thời điểm này, những con kênh Dérivation đã được sử dụng từ lâu để dẫn vào thủy lộ chính của Chợ Lớn. Năm 1930 nhà chức trách chi 4.100 Piastres để chuyển cầu quay thành cầu cố định. Sau đó chỉ có các tàu nhỏ mới có thể băng qua dưới lườn của nó.
Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của cầu quay bây giờ đã cố định chụp vào tháng Bảy năm 1941 khi quân Nhật đổ bộ lên cảng và vượt qua nó trên xe đạp để tiến vào Sài Gòn.
Sự trở lại của người Pháp sau Thế chiến II, một làn đường sắt riêng biệt mới được thêm vào mặt đông của cây cầu để cho giao thông đường sắt và các phương tiện xe cộ sử dụng làn đường trung tâm.
Cầu quay cũ tồn tại cho đến năm 1961, nó đã bị phá bỏ và thay thế bằng bê tông cốt thép gọi là Cầu Khánh Hội. Vào năm 2009 nó bị phá hủy để nhường chỗ cho các cấu trúc hiện tại.


Quân Nhật vượt cầu vào Sài Gòn bằng xe đạp tháng 7 năm 1941


Cầu quay đầu thập niên 1950


Cầu Khánh Hội thế chổ cầu quay năm 1961


Cầu Khánh Hội ngày nay

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Nhìn ảnh Sài Gòn xưa mà lòng rưng rưng

20/12/2015 18:24 GMT+7
TTO - Không ít người nhìn những bức ảnh xưa về Sài Gòn mà rưng rưng nước mắt...
Học sinh ăn bò bía trên đường phố Sài Gòn những năm 1950.
Học sinh ăn bò bía trên đường phố Sài Gòn những năm 1950.
Nghệ sĩ nghiếp ảnh Tam Thái - tác giả sách ảnh "150 hình bóng sài Gòn" chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online một số ảnh về Sài Gòn - Gia Định. 
Quyển sách ảnh 150 hình bóng sài Gòn (NXB Trẻ, 2015) là thành quả của 10 năm sưu khảo, biên soạn những bức ảnh Sài Gòn xưa của NSNA Tam Thái, để kể lại câu chuyện vùng đất phồn hoa đô hội từ khi người Pháp đặt chân đến đô hộ, rồi đi qua thời mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông, cho đến tận ngày hôm nay.
Tam Thái kể lại rằng có cụ già từ Đà Lạt xuống Sài Gòn xem triển lãm ảnh, biết tin quyển sách bèn tìm mua. Khi lật từng trang sách, cụ già xúc động, rưng rưng nước mắt. Hay có những người mua luôn 5 - 7 cuốn, không những cho mình mà cho luôn bạn bè, người thân như một món quà san sẻ kỷ niệm vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa.
Cùng tìm về ký ức, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái tiếp tục chia sẻ thêm một số bức ảnh Sài Gòn - Gia Định mà anh đã sưu tập và giới thiệu trong sách. 

Đường xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp năm 1910. Người Pháp từng xây tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Gò Vấp - Lái Thiêu - Thủ Dầu Một. Đến thời Ngô Đình Diệm, vì vắng khách nên các tuyến đường sắt ngưng hoạt động. Ga trung tâm của các tuyến đường sắt này nằm ở khu vực chợ Bến Thành ngày nay.
Con đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn vào thế kỷ 19, thuở ấy còn rất hoang sơ, nay là đường Nguyễn Trãi.
Một chợ heo khu vực Phú Lâm cuối thế kỷ 19.
Một chợ heo khu vực Phú Lâm cuối thế kỷ 19.
Vòng xoay Lăng Cha Cả thập niên 1950. Lăng thờ giám mục người Pháp Bá Đa Lộc, người có công giúp Nguyễn Ánh đánh triều Tây Sơn, nằm trên con đường Sài Gòn đi Cao Miên (đường Cộng Hòa ngày nay). Trước năm 1975, đây là một di tích văn hóa. Nhưng sau năm 1975, lăng bị giải tỏa, hài cốt giám mục Bá Đa Lộc được đưa về Pháp an táng.
Quang cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đón chuyến bay cấp cứu vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Việt Nam, năm 1938. Trong một lần săn bắn ở Tây Nguyên, ông bị té gãy chân và được máy bay đưa về Sài Gòn cấp cứu.
Triển lãm mô hình phát triển Thủ Thiêm. Thời Ngô Đình Diệm, nhận thấy nếu phát triển khu trung tâm sẽ phá vỡ kiến trúc cũ thuộc địa, làm đảo lộn đời sống người dân nên chính quyền thời đó định bắc cầu, phát triển khu hành chính mới qua Thủ Thiêm. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh nên dự án này không thực hiện được. Hiện nay, quy hoạch phát triển Thủ Thiêm là khu hành chính mới đã được thành phố thông qua. Đoạt giải Nhất kiến trúc quy hoạch Thủ Thiêm là một công ty Nhật Bản.
Thuyền chiến của triều Nguyễn trên sông Sài Gòn thế kỷ 18, tranh vẽ của người Pháp. Thời kỳ này, giao thông đường bộ Bắc Nam còn hiểm trở, cho nên giao thông đường thủy là chính. Tư liệu cho thấy cả triều Tây Sơn và Nguyễn Ánh đều có lực lượng thủy binh hùng mạnh, tiếp thu kỹ thuật đóng thuyền phương Tây. Những trận thủy chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh trên đầm Thị Nại (Quy Nhơn) đáng được xem là những trận thủy chiến ác liệt nhất của lịch sử. Hằng năm, cứ khi trời trở gió nồm thì thủy binh Nguyễn Ánh từ Gia Định lại dong buồm ra miền Trung đánh quân Tây Sơn, đến khi gió bấc thì lại rút quân về. Dân gian có câu: “Lạy trời cho cả gió nồm/Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra”.
Bến Bạch Đằng năm 1956.
Bến Bạch Đằng năm 1956.
Logo Sài Gòn năm 1870. Khi chiếm Sài Gòn, người Pháp đã sáng tác ra logo này. Hình ảnh hai con cọp trong logo thể hiện đây là vùng đất hoang sơ. Nhưng dòng chữ Latinh Paulatim Crescam có nghĩa là : “Cứ từ từ, tôi sẽ phát triển”. Hình ảnh con tàu hơi nước ở giữa logo cho biết đây là vùng đất nhiều kênh rạch. Phía trên có vương miện 5 cánh như thông báo Sài Gòn sẽ giao thương với năm châu bốn biển. Logo Sài Gòn 1870 thể hiện cách nhìn hoang sơ và triển vọng Sài Gòn của người Pháp. Hiện nay, TP.HCM dù đã tổ chức các cuộc thi những vẫn chưa tìm được một logo chính thức cho thành phố hôm nay.
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng…” - khi xưa nhà vua Tự Đức nhớ thương người vợ mà viết nên câu thơ tha thiết. Vậy với những ai mơ bóng Sài Gòn, lần theo những bức ảnh này để có một hành trình kỷ niệm ngược thời gian chăng?
                                                                                                          Q.THI
                                                                                                                                 Báo Tuổi Trẻ Online

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...