Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

7. Chung quanh có bán những gì?
Các trường học ở thời chúng tôi đều có những hàng quán di động ăn theo bọn học trò cũng như thời hôm nay. Ở đây tôi chỉ nói đến những hàng quán mà thời nay không còn thấy xuất hiện nữa hoặc nếu có cũng thay đổi cung cách buôn bán theo thời gian.
Thời đó ở các trường trung tiểu học thường có những xe bán bò bía, xe bánh bánh bột chiên, xe bán gỏi đu đủ, xe bán khô nướng của những người Tàu . Ngoài ra còn có những xe bán nước giải khát (ở phần trước tôi có nói tới 2 quán bán nước giải khát ở đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần) và đường Lê Quý Đôn. Còn nếu muốn mua đọc các loại truyện tranh thì có những chổ bán di động trên lề đường.
Tôi còn nhớ sự hấp dẫn của những xe bán bán bò bía, xe bánh bánh bột chiên, xe bánh đu đủ gỏi. Mặc dù chỉ là những xe bán bình dân nhưng chất lượng thì không chê. Không thể chê món nước tương + giấm của món đu đủ gỏi cùng với bò khô và gan bò mặn ngọt (riêng món này sau này tôi có hỏi những người Tàu cách làm nhưng không ai biết – có lẽ họ dấu-). Món bột chiên thì ngon tuyệt, hồi đó tôi cứ tưởng bột chiên làm bằng bột gạo nhưng không phải sau này mới biết đó là bột củ cải trắng. Riêng mùa thơm của khô nướng đứng trên đầu gió thì ai ai cũng muốn móc tiền ra mua, còn món bò bía chấm với tương đen và tương đỏ thiệt lắm hấp dẫn.
Muốn đọc truyện tranh hay truyện chữ thì có đủ loại. Thời đó nhiều nhất là các tập truyện tranh Batman, Superman, Flashman,…..của quân đội Mỹ. Truyện bằng chữ thì thượng vàng hạ cám từ kiếm hiệp, tình cảm đến khoa học viễn tưởng. Tôi nhớ vào khoảng năm 1962 lúc đó tôi ở số 153 đường Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ bây giờ), tôi có đọc cuốn Long hình quái khách và cuốn người ngoài hành tinh từ sao mộc. Hai cuốn đó tôi rất thích.
Các sinh hoạt này đã đi vào kỷ niệm một thời học sinh không thể nào quên của chúng tôi. Dù bây giờ đang ở đâu trong hay ngoài nước, chúng tôi cũng đều tiếc nuối quãng đời ấy.

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

6. TRONG TRƯỜNG VÀ NGOÀI TRƯỜNG CÓ GÌ?

Đây là phần tôi viết về những gì ngoài lớp học và trường học của chúng ta để cho các bạn học cùng thời còn hình dung lại trong ký ức và để cho các em học sinh thế hệ sau nầy biết được thời điểm đó trong trường và chung quanh trường có những gì.
a. Trong trường:


1. Đây là khối nhà ở của giáo viên và hiệu trưởng trường Jean Jacques Rousseau, sau đó là trung tâm nghiên cứu của Bộ giáo dục và thanh niên chế độ VNCH.
2. Đây là văn phòng, phòng hiệu trưởng, hiệu phó và phòng giáo viên của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
3. Đây là phòng học môn philosophie (triết học) trường Jean Jacques Rousseau sau đó là phòng nghe nhìn và thư viện của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn (tầng trệt).
4. Đây là phòng giám thị của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn (tầng trệt).
5. Đây là giảng đường trường Jean Jacques Rousseau.
6. Đây là Phòng học môn hóa trường Jean Jacques Rousseau sau đó nó cũng là Phòng học môn hóa và phòng học môn gia chánh của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
7. Đây là phòng W.C của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn mặt trước là phòng lao công.
8. Đây là Phòng tập thể dục trường Jean Jacques Rousseau sau đó được cải tạo thành hội trường + sân khấu + phòng đánh bóng bàn của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
9. Đây là phòng lao công, kế bên đàng sau là phòng y tế của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
10. Đây là văn phòng, phòng hiệu trưởng, hiệu phó và phòng giáo viên của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn phần tiểu học.
11. Đây là căn tin của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn kế bên cũng là căn tin của trường Jean Jacques Rousseau khi xưa. Ở trên lầu là phòng học hội họa của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
12. Đây là Phòng học môn lý và hóa của trường Jean Jacques Rousseau khi xưa sau là phòng học của 2 lớp 11B và 12B.
13. Đây là vườn thực vật của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
14. Đây là phòng học môn sinh vật của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
Giữa hai khu trung và tiểu học có bức tường ngăn cách. Bức tường này được xây thời hiệu trưởng Hồ Văn Thể (1970-1974).

b. Ngoài trường:



1. Phía đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa):
Có nhà bà già người Pháp sống một mình. Bà bị người cháu giết chết để lấy của trong những ngày gần 30 tháng 4 năm 1975.
Có hai trường tư thục giờ đây tôi chỉ còn nhớ mang máng là hình như tên một trường là Nguyễn Huệ.

2. Phía đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần):
Có hotel Đức là nơi tuỳ viên quân sự Mỹ mướn để ở. Hồi đó mấy thằng Mỹ ở đây ghét tôi lắm vì tôi thường phá mấy chiếc xe của tụi nó đậu bên này trường.
Ngay trước mặt cổng bên tiểu học có 2 xe bán nước giải khát, xe của vợ chồng người Bắc (nhà ở đường Yên Đổ “Lý Chính Thắng”) là đông nhất. Chắc giờ này hai vợ chồng này đã mất rồi.
Ở góc đường là một garage sửa xe.
Bên kia đường nay là nhà trưng bày chiến tích chiến tranh, hồi đó là trụ sở cứu hỏa của Mỹ còn xa xưa nó là của đại học y khoa Sài Gòn. Đội cứu hỏa của Mỹ rất uy tín khi chữa cháy nên hầu hết các đám cháy ở Sài Gòn lúc đó dân thường điện đến nhờ trợ giúp.
Phía đối diện là sạp báo. Sạp này có liên quan đến vụ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật ngày 26 tháng 5 năm 1971 khi tên ám sát dấu khẩu súng tại đây.

3. Phía đường Lê Quý Đôn:
Ở góc đường bây giờ là một khách sạn cao tầng nhưng thời đó là một ngôi nhà trệt đây là Nha báo chí và văn phòng của cơ quan Việt tấn xã của VNCH.
Xích tới là một quán giải khát, tôi nhớ ở quán này có ông cảnh sát già trông lo việc an ninh cho khu vực trường.
Khu khách sạn và ăn uống tại đường Lê Quý Đôn hiện nay thời đó là khu biệt thự. Đi tới nữa cạnh tòa soạn báo Giác ngộ là một ngôi nhà xưa mà đạo diễn Khôi Nguyên sử dụng để quay phim Ván bài lật ngữa tập 3. Qua ngã tư Lê Quý Đôn – Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) ta có thư viện Abraham Lincoln của Mỹ (đây là nơi trưng bày viên đá lấy từ mặt trăng về năm 1969). Năm 2006 tôi về Sài Gòn thì nơi này đã bị phá đi rồi không biết bây giờ xây cái gì.
Trên đây là những gì mà giờ phút này tôi còn nhớ nếu các bạn có đọc trang này có biết thêm xin bổ túc giúp tôi.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

5. Lê Quý Đôn những ngày tháng cuối cùng
Tháng 3 năm 1975, tình hình chiến sự càng ngày càng căng thẳng, nó cũng là đề tài mà chúng tôi bàn bạc trong mỗi buổi học. Tôi nhớ Ông Lê An, Đoàn Chính, Bùi Thiện ở trường quốc gia âm nhạc, tay cầm tờ báo với vẻ mặt lo lắng nói: “Sao ngày nào cũng mất một tỉnh thế!”. Mấy ông này sợ vì mấy ổng là dân chiêu hồi.
 Ngày 8 tháng 4, tôi còn nhớ vào lúc 8 giờ sáng. Khi thầy Quảng Lan đang viết trên bảng chữ Log népérien, còn các lớp khác thi đang thi đệ nhị lục cá nguyệt (kỳ bán niên) thì một tiếng phản lực gầm rú bay qua. Tôi chợt nghỉ:” Ủa, khu vực này làm gì cho phép máy bay bay ngang” thì một tiếng nổ lớn vang lên từ dinh Độc Lập rồi kèm theo là tiếng súng cao xạ bắn theo. Tôi và anh Ngọc vội chạy ra lớp, thấy các thầy cô và các học sinh chạy tán loạn. Tôi nói với anh Ngọc lấy máy chụp hình chạy ra cổng chính đường Hồng Thập Tự qua bờ rào dinh đến đường Huyền Trân Công Chúa chụp hình. Những hình ảnh này anh Ngọc giữ và về Cần Thơ nhưng anh đã mất năm 1995, tôi không có cơ hội để thấy lại những hình ảnh này nữa. Đến 9 giờ thì có lệnh nghỉ học, tôi lấy xe đạp đạp ra hồ con rùa thì được biết dinh bị đánh bom bởi chiếc F5 và Nguyễn Thành Trung là người thực hiện. 10 giờ tôi nghe trên đài Sài Gòn lời của tổng thống Thiệu nói:”….. đó là hành động của một quân nhân vô kỷ luật….nhờ ơn trên tôi và gia đình đã thoát nạn”.
Đầu tháng 4 Sài Gòn rung chuyển bởi đàn máy bay vận tải C141, cứ 20 phút là một chuyến đáp đề chở nhân viên chế độ Sài Gòn và những người làm việc cho Mỹ di tản. Ngày đó tại phi trường Tân Sơn Nhất đầy rẩy xe cộ mà những người ra đi bỏ lại, họ bỏ lại giấy chủ quyền xe cho không. Đó cũng là lúc anh Lê Phong Sơn ra đi. Tôi và các bạn trong lớp đều ngỡ ngàng và những ngày cuối tháng 4 trường đóng cửa.
Ngày 2 tháng 5 chúng tôi lại vào trường theo lệnh của chính quyền mới. Trường lúc này là một sự bề bộn chưa từng thấy, lớp thì bộ đội vô đóng quân trong trường, lớp thì thầy giáo và học sinh chờ đợi sự sắp xếp. Chúng tôi nhận được sự phân công của quận đoàn quận 3 thông qua anh Năm Rô một cán bộ hoạt động thành. Tôi làm trường ban tự vệ đoàn lo việc an ninh kiêm phụ trách phần tập dượt văn nghệ trong khi anh Lô trưởng ban văn nghệ, anh Ngọc trưởng ban xã hội, còn một số bạn nữa lâu quá tôi đã quên tên. Công việc đầu tiên của tôi lúc đó là thu gom hết số vũ khí mà lính nhảy dù bỏ lại trong các lớp. Số vũ khí này khi gom hết lại, ban quân quản phường Hiền Vương phải chở mấy xa GMC mới hết.
Ban văn nghệ trường Lê Quý Đôn là một ban văn nghệ mạnh nhất thành phố lúc đó vì hầu hết các thành viên đều học tại trường quốc gia âm nhạc. Ban văn nghệ gồm: bộ phận ca khoảng 30 học sinh, bộ phận nhạc công gồm cả chục bạn trong đó tôi phân công cho Phương Dung (piano) và Tố Loan (Mandolin) trông coi còn bộ phận múa giao cho anh Lâm Thanh Hải là em ruột nhạc sĩ Thanh Trúc Phụ trách. Tôi rất thích anh này vì mặc dù là dân tham gia cách mạng nhưng anh không có cái tính hay lên lớp chính trị với người khác. Trong bộ phận múa lúc đó có anh Nghiêm Phú Phiệt con của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi (hiệu trưởng trường quốc gia âm nhạc). Ban văn nghệ trường có hình trong áp phích báo cáo 1 tháng thành tựu văn hóa xã hội của thành phố lúc đó.
Ngoài ra tôi cũng thành lập một tổ giữ xe lấy tiền cải thiện cho anh em vì trường thường được lấy làm địa điểm học tập cho các nơi. Một tháng sau đơn vị bộ đội rút ra trả lại trường, họ để lại bao nhiêu đồ đạc, bàn ghế  hư hỏng, 2 khu nhà cầu thì tràn ngập phân và giấy đi cầu. Mấy ông bà lao công phải một phen vất vả để dọn dẹp mọi thứ.
Rồi ngày thi đến, chúng tôi lớp 12B đi thi tại hội đồng thi trường Hùng Vương cạnh bệnh viện Hồng Bàng (Phạm Ngọc Thạch) và lấy kết quả tại ngôi trường tiểu học trên đường Phan Đình Phùng ( Nguyễn Đình Chiểu, quận 1). Chúng tôi đều đậu cả trên tay gọi là tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 lúc đó không gọi là bằng tú tài. Ngày chia tay tại nhà Phương Dung ở đường Pasteur rất nhiều lưu luyến. riếng tôi còn phải bận lo tốt nghiệp trường nhạc. Sau này tôi thường rủ anh Lô vào trường ở lại mỗi đêm để nhớ lại thời học trò của chúng tôi, chúng tôi mượn nồi của anh Tâm bảo vệ nấu cơm với ít rau lang hái ở sau trường. Tháng 11 năm 1977 tôi về Tiền Giang, thời gian tôi tiếp xúc với bạn bè càng ít vì chuyện đi lại thời gian này rất khó khăn. Dần dần các bạn của tôi ra đi hết. Năm 2000 tôi có về thăm lại trường, gặp lại anh Tâm. Năm 2006, tôi lại lần nữa ghé thăm và được biết anh Tâm chuân bị hưu, còn cô Yến đang ở trong trường chuẩn bị dọn đi vì khu cô ở sắp phá đi để xây dựng lại. Trong đêm đó tôi bước đi trong sân trường đến bên cạnh lớp học cũ nhìn lần cuối trước khi nó bị phá đi để xây dựng lại, nhớ lại những kỷ niệm về một quãng đời học sinh tươi đẹp của mình cũng như của các bạn bè tôi.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

4. Ban đại diện học sinh

4. Ban đại diện học sinh
Năm 1969, Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn mới chính thức ra mắt mặc dù đã có tên từ năm 1967 vì Pháp còn duy trì các lớp bên khu trung học của trường. Sau khi thành lập trường đã tổ chức cuộc bầu bán Ban đại diện học sinh và tôi cũng có chân trong ban đại diện với chức vụ là trưởng khối báo chí, trong đó có các bạn tôi còn nhớ tên đến ngày nay như Anh Thư, Nhân, Minh Dũng và Lê Phong Sơn là tổng thư ký.
Trong suốt thời kỳ từ năm 1969 đến năm 1975, ban đại diện học sinh đã làm được một số chuyện như:
-         Phối hợp với nhà trường tổ chức các cuộc văn nghệ cây mùa xuân.
-         Đi thăm ủy lạo chiến sĩ ở bệnh viện Cộng Hòa.
-         Vận động các bạn học đóng góp cho đồng bào lũ lụt miền trung năm 1973 ở Quãng Ngãi. Trong chuyến đi này, tôi có tham gia. Chuyến ra đi bằng phi cơ C 130 tại Tân Sơn Nhất và dự tính về bằng Air Việt Nam nhưng vào giờ chót phi cơ Air Việt Nam không ghé được Quãng Ngãi vì phi trường bị hư hại do bão lụt. Lúc đó dân biểu Trần Văn Đôn đơn vị Quãng Ngãi và tỉnh trưởng Lê Bá Phẩm điện về Sài Gòn xin chiếc chuyên cơ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đưa chúng tôi về nhưng phải lại đáp tại Đà Nẳng.
-         Đi nghe buổi nói chuyện của nhà văn Duyên Anh ở trường Petrus Ký.
-         Tổ chức đợt dã ngoại tại biển Long Hải.
-         Đi thăm trường tiểu học cộng đồng Cai Lậy.
-         Đi tham quan xưởng sơn mài Thành Lễ.
-         Và còn nhiều nữa nhưng giờ phút này tôi chỉ nhớ có chừng đó.

5. Số phận các lớp đầu đàn chúng tôi
Các lớp chuyển tiếp từ chương trình Pháp sang Việt cuối cùng còn lại hai lớp là lớp 8 và lớp 7 cùng một số lớp 6 từ các nguồn tuyển khác nhau đã hình thành trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Hai lớp của chúng tôi có số lượng học sinh rất ít chỉ có khoảng 15 người trở xuống. Chính vì vậy nhà trường kiếm cách chuyển chúng tôi 2 lần sang trường Petrus Ký đối với nam còn sang  Trưng Vương hay Gia Long đối với nữ. Quyết định này vấp phải sự phản đối của các phụ huynh học sinh, nhất là các phụ huynh có thế lực ở xã hội lúc bấy giờ nên nhà trường đàng hủy bỏ quyết định trên. Và với số lượng như thế, chúng tôi tồn tại đến năm 1975. Hai lớp chúng tôi là quá khứ của trường J.J.Rousseau và hiện tại là trường Lê Quý Đôn còn sót lại, là quá khứ của nền văn hóa Pháp đang lụi tàn dần nhường chổ cho văn hóa Mỹ đang lấn át. Khi tôi rời trường thì lúc còn lại là lớp 11B, không biết số phận các bạn ra sao, ai đi ai ở; lâu rồi tôi không còn tin tức về các bạn nữa.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

3. Lớp tôi và tờ báo “Vững tiến”
Năm 1969, anh Lê Phong Sơn và tôi đề xuất với thầy Linh ra một tờ báo nội bộ và được thầy chấp thuận. Sau khi bàn bạc xong, chúng tôi thống nhất lấy tên là Vững tiến, anh Sơn là tổng thư ký, tôi là phó. Báo được in bằng ronéo là cách in ấn phổ biến lúc bấy giờ. Tin tức về tờ báo được anh Sơn thông báo với các lớp trong trường thông qua ban đại diện học sinh. Nói về ban bệ của tờ báo có tổng thư ký, phó tổng thư ký nghe cho oai thực ra anh Sơn cũng không có dính dáng nhiều mà phần lớn là tôi kiêm luôn đánh stencil, vẽ, trình bày, duyệt bài vỡ, tư in ấn ( một phần thì in ở Trung tâm học liệu 240 Trần Bình Trọng qua trung gian giới thiệu của thầy Linh) và bán. Hồi đó tôi rất giỏi về chuyện nhớ bài vì tôi thường xuyên mua và đọc các báo Tuổi thơ, Tuổi ngọc, Thiếu nhi nên các bài viết tôi đều nắm cả khó có các bạn nào “đạo văn, đạo thơ” được. Tờ báo chúng tôi làm theo từng chuyên đề được đông đảo bạn học hưởng ứng. Được vài năm thì phong trào chống đối chế độ bắt đầu ảnh hưởng đến trường tôi từ các báo trường bạn đều mang hơi hướm phản chiến. Lúc đó, tôi nhớ hình như thầy Hiệp coi về báo chí của trường thay cho thầy Linh đã chuyển đi, kêu chúng tôi đình chỉ tờ báo. Thế là đến năm 1974 tờ báo của chúng tôi chấm dứt hoạt động.
Việc tôi biết đánh máy và in ronéo cũng nhờ các thầy cô trong phòng hành chánh chỉ dẫn. Các thầy cô giao cho tôi hai bàn đánh máy và  hai máy in ronéo. Tôi nhớ một máy hiệu Extar của Mỹ (máy này rất dỡ, dễ hư), một máy hiệu Gestener của Anh, máy này rất tốt. Mực in và giấy tôi cứ tự nhiên sử dụng, máy có trục trắc tôi mở ra sửa. Thậm chí các thầy cô còn giao cả chìa khóa phòng cho tôi giữ nữa. Cũng nhờ máy này mà tôi kiếm được một số tiền phụ giúp gia đình như việc thầy Le Bourg nhờ tôi đánh tư liệu dạy cho ông. Ông là người hiểu rõ hoàn cảnh của tôi và cũng rất thương tôi. Mỗi lần đánh xong và in xong ông đưa tôi số tiền là 5.000 đồng (Lúc đó có giá trị lắm).
Giờ đây gần 40 năm trôi qua, nhiều khi tôi tự hỏi làm sao tôi có khả năng làm những việc đó. Đây phải nói là một nổ lực đáng kể. Ngày nay nhờ tiến bộ của kỷ thuật việc tôi vừa kể là một việc làm dể dàng.

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

2. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM GIÁO DỤC LÊ QUÝ ĐÔN

Hai năm khi trung tâm chính thức ra đời, nhà trường có quyết định cải tạo phòng tập thể dục có trước đó của trường J.J.Rousseau thành hội trường sinh hoạt trong đó có một sân khấu biểu diễn văn nghệ, các bàn ping pong, đánh vũ cầu. Trước đó tại nơi đâu trường có tổ chức thi bích báo các lớp rất nhộn nhịp.
Còn những hoạt động khác của trường thì trí nhớ của tôi giờ cũng phai mờ trất nhiều cho nên tôi dẫn dưới đây bài viết của thầy Nguyễn Tri Phương đăng trên trang web lequydonsaigon.net cho các bạn nắm:
Vài Nét Về Sinh Hoạt Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn
      Ba lần dự thi chương trình Đố Vui Để Học do Trung Tâm Học Liệu thuộc bộ Giáo Dục tổ chức trên đài truyền hình VN, đội Lê Quý Đôn đều toàn thắng cả ba. Trong các lần đó, phải kể công đóng góp rất hữu hiệu của Bá, Mạnh Tiến, Trường Sơn, Trí Lê, Hoàng Minh, Đức Nhân và Liên Hương. Ngoài phần thưởng toàn đội, Lê Quý Đôn còn đoạt luôn giải Cá Nhân Xuất Sắc. Kỳ thi đố vui lần cuối mà Liên Hương tham dự là niên khóa 1971- 1972 .
      Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, hiệu đoàn TTGD Lê Quý Đôn đón Xuân bằng những sinh hoạt đa dạng như báo chí, văn nghệ thật rộn rịp. Với sự yểm trợ tài chánh của phụ huynh, giai phẩm Đặc San Xuân được ấn hành thật đẹp với nội dung phong phú, phát hành không phải chỉ trong nội bộ học sinh toàn trường mà còn được học sinh các trường bạn trong thủ đô ủng hộ hết sức nhiệt tình. Hội diễn văn nghệ mừng Xuân gồm nhiều tiết mục công phu, đầy tính chất nghệ thuật. Ban Đàn Dây Hoàng Lan của đài phát thanh Sàigòn, nữ ca sĩ Mai Hương, nghệ sĩ tài danh Thanh Nga, nữ nghệ sĩ BíchThuận . . . là những người đã từng yểm trợ trong phần hướng dẫn kỹ thuật. Đoàn văn nghệ Lê Quý Đôn đã ba lần trình diễn trên đài Truyền Hình Việt Nam qua chương trình văn nghệ Tiếng Nói Động Viên mừng Xuân.
      Về mặt rèn luyện thân thể, trường có hai sân quần vợt, hai sân vũ cầu, sân bóng chuyền, bóng rổ, thể dục môn. Các đội thể thao gồm: hai đội bóng bàn nam nữ, hai đội vũ cầu, đội điền kinh, bóng chuyền, bơi lội và ba đội bóng rổ hai nam một nữ. Ngoài các trận đấu giao hữu, TTGD Lê Quý Đôn còn tham dự các giải vô địch học sinh và đã đoạt nhiều phần thưởng thật xứng đáng. Chỉ tính nội niên khóa 1874-75, Lê Quý Đôn đã thu hoạch được những thành quả thật khả quan như sau:
·         Vô địch học sinh giải Bóng Bàn Thiếu Niên do Nha Sinh Hoạt Học Đường tổ chức với đấu thủ Phan Huy Hoàng .
·         Vô địch học sinh Bóng Bàn Nữ Liên Trường với đấu thủ Phạm thị Minh Hà và giải Nhì Toàn Đội Nữ
·         Giải Nhì Bóng Bàn Toàn Đội Nữ do Tổng Nha Thanh Niên tổ chức
·         Vô địch học sinh bóng rổ nữ nhân ngày Phụ Nữ lễ kỹ niệm Hai Bà Trưng
·         Đoàn diễn hành Lê Quý Đôn đoạt giải nhứt trong cuộc thi diễn hành kỹ niệm ngày Quốc Khánh tại vận động trường Cộng Hòa.
·         Đoàn bơi lội Lê Quý Đôn với các danh tài Chung thị Thanh Lan, Chung thị Thanh Vân, Lê Trọng Thùy Nam, Lê Trọng Thùy Đan chiếm hầu hết tất cả các huy chương vàng trong lần so tài tại hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm do Tổng Cuộc Bơi Lội tổ chức nhân dịp lễ Quốc Khánh. Ngày phát giải thưởng tại vận động trường Cộng Hòa là một niềm hảnh diện khó quên. Các tuyển thủ Lê Quý Đôn thay đổi chổ cho nhau trên ba bục Nhất, Nhì, Ba tiếp nhận huy chương từng đợt cho nhiều giải: Vô địch toàn đội, vô địch các kiểu bơi, và vô địch các cự ly . Ngày hôm ấy, trên hai mươi ngàn quan khách các ban ngành đoàn thể đã vổ tay hoan hô đoàn bơi lội Lê Quý Đôn từng chập, rồi hứng khởi quá, Ông Đô Trưởng, Ông Tổng Giám Đốc Thanh Niên, ông Trưởng Trưởng Giáo Dục đứng lên cùng mọi người cổ vỏ hoan hô kéo dài suốt gần nửa giờ cho thành tích kỷ lục nầy. Sau lần đó, hội Phụ Huynh Lê Quý Đôn đồng ý lời đề nghị của Hiệu Đoàn Trưởng, yểm trợ kỹ thuậy cũng như kinh phí tài chánh để xây cho trường một hồ bơi nổi.
Thầy Nguyễn Tri Phương - 1986
Khi làm giáo sư hướng dẫn cho lớp tôi, thầy Trần Anh Linh có đề xuất với chúng tôi là thầy sẽ thành lập thiếu đoàn Lê Quý Đôn thuộc đạo Thủ đô, châu Gia định. Chúng tôi đều đồng ý với thầy thế là thiếu đoàn Lê Quý Đôn ra đời gồm có khoảng 3, 4 đội (không còn nhớ rõ). Đội của tôi lớp 9B là đội Mãnh hổ , anh Lê Phong Sơn đội trưởng và tôi làm đội phó. Khoảng mấy tháng sau chúng tôi tham dự trại Suối tiên. Tôi còn nhớ có các đội bạn từ phillipine, Thái lan, Cambốt, Đài loan,… qua tham dự, còn hậu cần nước do quân đội Mỹ đảm trách.
Cuộc đời làm hướng đạo sinh lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm, các vùng đất như: Tam Hà. Dòng Salésien, dòng Don Bosco, Lái Thiêu, núi Châu Thới, Vũng Tàu, Vĩnh Long. Lasan Mai Thôn đều có bước chân của tôi.
Đến năm 1973, thầy Linh có lẽ vì mâu thuẩn với trường, đã không còn ở trường nữa. Về thay thế cho thầy với vai trò là đoàn trưởng là Anh Cao Thái Hà. Lúc đó đang là thầy 6 ở chủng viện thánh Giuse. Thiếu đoàn duy trì hoạt động đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì giải tán.
Sau ngày 30 tháng 4 tôi có đi ngang qua trụ sở hội hướng đạo ở đường Bùi Chu thấy người ta đang dọn dẹp các hồ sơ. Tôi cảm thấy tiếc cho một phong trào. Suốt hơn 30 năm sau đó có đêm tôi nằm mơ thấy mình đang dự các buổi cắm trại của hướng đạo. Niềm ao ước phong trào sẽ hồi sinh lại cứ thôi thúc trong tôi như lần gặp lại anh Cao Thái Hà ở nhà thờ Tân Định năm 1978, anh củng có ước mơ giống như tôi. Sau nầy nhân lúc vào trang web tôi mới biết phong trào đã nhen nhúm thành lập lại ở Sài Gòn và một số tỉnh, tôi rất mừng là mong ước của tôi đã thành hiện thực.
Tiện đây tôi cũng nói thêm Chung thị Thanh Lan sau ngày 30 tháng 4 vẫn giử chức vô địch bơi lội ở Sài Gòn. Còn anh Nhân học lớp 10 và một số bạn nữa đã có công trình thiết kế nhà đồng bằng sông Cửu Long đạt giải lớn của thành phố.
Ngoài ra trường còn tổ chức cho học sinh đi ủy lạo cây mùa xuân chiến sĩ ở bệnh viện Cộng Hòa, đi tham quan công ty Thành Lễ ở Bình Dương, đi dã ngoại tại Long Hải.
Năm 1974, hiệu trưởng Hồ Văn Thể bị thuyên chuyển do dính líu tới bê bối. Vi hiệu trưỡng mới là thầy Nguyễn Trung Ngươn về.
Năm 1978 xảy ra vụ nạn kiều, một số người Hoa chạy sang Trung quốc trong đó có anh Đặng Ngọc Hân (Tăng Dục Hính) học sinh lớp 10 bấy giờ. Sau anh này có lên đài truyền hình tố cáo Trung quốc.
Ngoài ra còn một vài chuyện đáng lý tôi không đề cập ở đây nhưng vì đã xảy ra lâu rồi nên sẳn đây tôi cũng nói luôn.
Chuyện Anh Lương Bá Cần, anh này học đến lớp 10 thì nghỉ sang trường khác. Anh này dính tới một vụ buôn lậu ở Tân Sơn Nhất, là một trong 3 tay buôn lậu lớn nhất thời đó, tin này được đang trên báo Công an thành phố.
Chuyện anh Vĩnh Sa Kima, học sinh trường chúng ta. Anh này  với vợ cùng nhau gian lận giấy tờ chiếm đoạt mấy trăm triệu đồng lúc khoảng năm 1986, 1987 gì đó và bị bắt tại Đà Lạt. Tin này cũng do báo Công an thành phố đăng.




Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

KÝ ỨC CÒN LẠI

          Khi tôi viết những dòng này thì 36 năm đã trôi qua, nhìn lại tóc đã bạc nhưng bạn học cũ thì vẫn biền biệt để gởi một lời thăm hỏi. Sau cái ngày định mệnh đó, các bạn trong lớp 12B và tôi rời trường. Tôi vẫn còn nhớ cái không khí cuối cùng ấy tại nhà của cô bạn Phương Dung học sau tôi 4 lớp tại đường Pasteur. Lúc đó tôi có ý định không theo học ở trường nhạc nữa nhưng các bạn tôi khuyên: “ Mầy đã có trường chuyên môn để học rồi thì đừng bỏ chứ tụi tao chẳng biết còn được tiếp tục đi học nữa không?”. Thế rồi tôi nghe theo lời bạn tiếp tục đi học và tốt nghiệp ra trường năm 1977 và về Tiền Giang tới giờ.         
Rồi thời gian dần trôi qua, các bạn học của tôi lần lượt bỏ xứ mà đi, tôi lần lượt mất đi các bạn. Tôi nhớ có lần tôi ghé nhà Mai Hương trong đêm giao thừa, cũng là lúc Mai Hương chuẩn bị rời Việt Nam, tôi buồn lắm nhưng cũng chẳng biết nói lời gì cả; rồi lần lượt đến anh Đỗ Mạc Lô cũng ra đi. Nhiều lúc tôi về Sài Gòn, tôi đi suốt đêm ngoài đường vì hầu như không còn bạn bè nào nữa, họ đã đi hết rồi. Như vậy cuối cùng tôi còn 3 người bạn học chung lớp còn lại ờ Việt Nam là anh Hồ Tuấn Ngọc ở Cần Thơ, anh Lê Quang Minh và anh Quan ở Sài Gòn. Anh Ngọc thì mất năm 1995 vì bệnh gan, anh Quan thì biệt tích không biết giờ này anh ở đâu làm gì còn anh Minh thì bị tai biến năm 2007 vì chuyện buồn gia đình. Sở dĩ tôi phải dài dòng là vì tôi muốn giới thiệu sơ lược về lớp tôi và bản thân tôi, sau đây tôi sẽ kể cho các bạn về ngôi trường của chúng ta mà những gì ký ức của tôi còn nhớ được.

1.NHỮNG LỚP “PILOTE” VÀ SỰ RA ĐỜI TRUNG TÂM GIÁO DỤC LÊ QUÝ ĐÔN
Tôi mới đầu học ở trường Lamartine (cạnh hồ tắm Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước mặt sở thú) đến cuối năm 1963 khi cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, trường bị hư hại hoàn toàn do nằm cạnh thành Cộng Hòa. Tụi tôi được chuyển sang trường Saint ex, rồi Collette và Marie Curie để học tạm. Đến năm 1966, tôi được chuyển qua J.J.Rousseau vào lớp 8­e C. Năm 1967 chính quyền Pháp dưới thời De Gaulle quay sang ủng hộ Hà Nội, lên án Mỹ và rút khỏi khối Nato đã tạo ra cuộc biểu tình chống Pháp tại Việt Nam dưới cái tên là “A bat De Gaulle”. Việc biểu tình này đã khiến cho Pháp buộc phải trả lại cho chính phủ sài Gòn trường J.J.Rousseau và Hồng Bàng, thế là các học sinh trung học thì được chuyển sang trường Marie Curie còn các học sinh tiểu học thì ở lại chuyển sang chương trình Việt. Và các lớp học đó được gọi là lớp “Pilote”, hồi đó tụi tôi gọi đùa là lớp dạy phi công vì chữ pilote có nghĩa đen là phi công nhưng thực tế là lớp chuyển tiếp.
Đến năm 1967, trường chính thức mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn nhưng phải đợi đến năm 1969 mới làm lễ chính thức. Vị hiệu trưởng là ông Phan Văn Huấn nguyên là hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho đặc cách về. Ông Huấn người da ngăm đen, tướng thấp đi xe Mobylette màu vàng 2 gọng. Trường trở thành thí điểm của Bộ Giáo dục và Thanh niên thực hiện chương trình giáo dục tổng hợp nghĩa là ngoài các môn đã dạy ở bậc trung học, chúng tôi còn phải học các môn như: Doanh thương, Vẽ kỹ nghệ họa, thuyết trình trước đám đông, đánh máy, điện gia dụng, âm nhạc, hội họa, nữ thì học thêm môn nữ công gia chánh. Riêng hai môn Sử và Địa được gộp chung tên là Kiến thức tổng hợp. Thời gian học thì nghỉ 2 buổi nghỉ ngày thứ năm và chủ nhật. Chương trình thực hiện được 2 năm thì đình chỉ vì không có ngân sách để trang bị và xây dựng nên quay trở lại chương trình bình thường. Trường Lê Quý Đôn tự dưng vươn lên thành ngôi trường số một của Sài Gòn hơn hẳn trường Petrus Ký. Trường trở thành nơi các COCC học nhiều nhất, tôi bây giờ chỉ còn nhớ một số như: Nguyễn Cao Thắng, Nguyễn Cao Trí con của phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khắc Dũng, Nguyễn Thiên Hương con của tư lệnh CSQG Nguyễn Khắc Bình, Lữ Thị Anh Thư con tướng Lữ Lan, Nguyễn Bá Long cháu chủ tịch thượng viện Nguyễn Bá Cẩn, con của Phạm Sanh chủ tịch ngân hàng Nam Việt, con của thứ trưởng giáo dục, ngoài ra con các sĩ quan, viên chức khác thì vô số.
Thời gian sau thì ông Hồ Văn Thể về làm hiệu trưởng, ông này có con là Hồ văn Bạch cũng học tại trường chung lớp với tôi. Đây cũng là thời gian xảy ra vụ lùm xùm giữa cô Hồ Ngọc Tùng với ông Hồ Văn Thể được báo lá cải Trắng đen đang gần cả tháng.

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...