Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?

 

Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong cuộc sống mỗi ngày chúng ta đi tới, đi tới; bước đi những bước mà chưa biết sẽ ra sao. Tương lai thì chưa chắc chắn, còn quá khứ lại vô cùng mù mịt.

 


Chơi Tết âm lịch trên đường Charner 1902

 (nay là đường Nguyễn Huệ).

 

Cũng như các bạn, tôi cũng có những mơ ước như vậy.

Nhân ngày Tết này, chúng ta hãy cùng quay về ngày Tết ở Sài Gòn trăm năm trước coi ra sao? Những ngày ấy có giống với những ngày chúng ta đang sống không? Dĩ nhiên là Sài Gòn trăm năm trước không có xe cộ ồn ào, không bụi bặm mù trời, không có những buổi karaoke ồn ào suốt ngày đêm của hàng xóm…

Nhà báo Ng Thành đã ghi nhận lại không khí Tết ở Sài Gòn cách nay 104 năm.


Cuộc ăn tết năm nay

 

(Tân Đợi Thời Báo số 36 ngày 2.3.1912)

Cuộc ăn tết năm nay sánh với mấy năm trước, thì thua kém hơn nhiều. Y cựu lệ, chợ bữa 27, 28 và 29 Annam; tiền chỗ gia tăng bằng hai đặng trừ bì ba bữa 30, mồng một và mồng hai thì miễn thuế.

Ban đêm ở xa thì thấy chợ thắp đèn điển khí sáng trưng, coi rất đẹp mắt, mà chừng bước chơn [chân] vào chợ, mắt lại ngẩn ngơ, ngống [ngóng] qua ngống lại, dường như là tiềm [tìm] kiếm giống chi, vì lòng đã mất thửa sự mong vọng. Tượng gặp cuộc buôn bán rần rần rộ rộ thạnh vượng như đã từng thấy mấy năm trước tại chợ cũ Sài Gòn và lối dẫy (dãy) Chà Và bán vải, nào hay đâu gặp bề thương mãi bơ thờ, thiên hạ thưa thớt! Có khi tại chợ mới cất lớn quá cho nên bao nhiêu người ta cũng không đủ choán khấp [khắp] cho hết chỗ, hoặc bởi chợ ở một nơi, Chà Và bán vải ở một nơi, nên kẻ mua bán phải chia ra làm hai tốp, làm cho mất sự đông đảo xưa đi.




Đốt pháo Tết trong một sân chùa ở Chợ Lớn 1905
.

 

Tại chợ mới bán vật thực đủ món cùng là hoa quả đủ thứ như mấy năm trước, giá cả không mắc mỏ gì hơn. Duy có cam tàu được rẻ hơn một ít, ngặc [ngặt] dưa hấu thất mùa, nhỏ trái mà lạt, lại bán mắc quá; đường phổ năm nay sơ sài không đúng mùi vị; có muốn “ăn thật” đường phổi, thì phải mua đường Biên Hòa, màu nó thâm thâm, còn đường bán tại Saigon thì trắng xác.

Vòng chợ ngoài phía mặt tiền, có bày nhiều hàng bông hoa đủ thứ, phía bên tay hữu lại có bày viết liễn, viết thiệp. Thấy tại đó có nhiều tay tả tự rất xảo lại sẵn thuộc làu mấy câu sách, nên hễ đặt viết xuống, thì quây (quay) như “rồng bay phượng múa”. Ấy là mấy tay tả tự bậc nhứt. Còn bực nhì thì viết chậm chậm, lại có kềm sẵn sách bên tay.



Lăng Ông Bà Chiểu.

 

Liễn viết xong rồi, người nào cũng lật đật đem về, dán đen đỏ trong nhà ba bữa tết. Có nhà kia mắc bán buôn không hở tay mà dán liễn. Qua ngày mồng một, ai nấy trong nhà rảnh việc, mới nhắm trước nhắm sau, chừng ngó lên mấy cây cột, thấy liễn dán trở đầu xuống đất hết! Xong chưa! Lanh thiệt!

Nội trong mấy tay tả tự, cũng có vài sư tăng đua chen với thế viết liễn cầu tài, tiếng người tu hành mặc dầu, chớ chữ viết tầm thường.

Khách trú [người Hoa] năm nay ăn tết sớm lắm. Bữa hai mươi tám đã thượng xong cờ ngũ hành, cây nào cũng to lớn, còn màu sắc thì thâm đậm, coi ra lạ con mắt. Cũng có chen lộn theo ít cây cờ tam sắc của Đại Pháp.



Sài Gòn năm 1915. Cả hai hình đều chụp ở trước Nhà hát thành phố hiện nay dưới hai góc độ khác nhau.

 



Đêm ba mươi và trọn ngày mồng một, pháo nổ liên thinh, ấy là tục người Annam trừ năm cũ và ăn mừng năm mới, “bộc trúc nhứt thinh trừ cựu”. Tối ba mươi, tất nhiên có nhiều kẻ ngủ không an giấc, hoặc mắc thao thức bàn soạn quần áo, vòng vàng đặng rạng ngày có ăn mặc với người ta, hoặc bị pháo nổ rùm tai phải giựt mình ngồi dậy, nhưng vậy mà rồi nhớ sực qua ngày mai là Tết cũng nhộn nhực trong lòng.

Trong ba bữa tết người lớn kẻ nhỏ đều vui đồng. Trẻ em thì lo ăn cam ăn hồng, đốt pháo lãnh “lì xì”, còn người lớn thì lo thăm viếng, làm tuổi ông bà và cầu chúc cho bà con cô bác, bậu bạn đặng vạn sự hanh tường. Có kẻ khác lại lo dụm năm dụm bảy mà đổ bác.

Đừng nói con nít ham đốt pháo chớ người lớn cũng ham đốt pháo vậy; qua mồng bốn lối bửng tưng, đã thấy có ông già kia nhắm hướng nhà thương thí mà phăng lần đến. Quan lương y khán [khám] bịnh xong, liền ra toa mà đề chứng bịnh như vầy “bàn tay hữu bị tách chè hẻ, vì… ham đốt pháo tre! Nguyễn Thạnh Phước, 56 tuổi!!” (Ông nầy đầu năm lót chữ ‘thạnh’ mà bộ hết thạnh nên tới suy!).

Xưa sao nay vậy tái đi tái lại, thì cũng thịt hầm dưa giá, thịt kho cá kho, nem, bì, tỏi, ớt, kiệu, bánh tét, bánh chưng. Chứa tinh những đồ ăn phá bụng.

Ngoài xe lửa chật như nêm. Trừ ra xe lửa Mỹ Tho, còn bao nhiêu, nào là xe lửa Biên Hòa, xe lửa nhỏ, xe lửa Chợ Lớn bộ hành lên xuống không ngớt. Khách trú đi chật xe mặc y phục langsa, bỏ dẹp áo dài xưa xùng xình. Lải rải còn thấy một ít lão mặc áo dài châu xá, che dù đi cung hỉ, ngặc… dang đầu trần ra giữa trời nắng! Khá thương cho á xúc!



Cầu Khánh Hội.

 

Còn xe lửa Biên Hòa chạy lối miệt Gò Vấp, Bình Lợi, thì bộ hành trên xe thấy dọc theo đàng, có vài nhà chưng dọn có thắt lá dừa và treo đèn lồng giấy, trong nhà khác lại thấy người dụm năm dụm bảy chật một ván mà đánh bài. Nghe xe lửa hú, ngảnh cổ lên ngó, rồi cười. Kẻ trên xe thấy trếu làm vậy, liền đưa ta ra hoắc [ngoắc], người trong nhà lại cười hơn nữa, xa xa thấy bày hàm răng… đen! Nhằm ngày xuân nhựt, người đông vui là vậy đó.

Xe cộ ngày tết, nhứt là bữa mồng một, mắc lắm, giá cả bằng hai, mà cũng không đủ cho người ta đi.

Qua bữa mồng hai, pháo đốt nghe lải rải, bước qua mồng ba nghe càng vắng bặt, chiều lại nghe lộp bộp ít tiếng đưa ông bà rồi… hết tết.

Tết năm nay dân sự thủ phận an thường, chẳng chút nào vi phạm mặt luật; ấu đả cũng không, cướp giựt trộm bối cũng không ngoại trừ tại Vĩnh Long có xảy ra một việc mất của mà thôi. Có ả kia bữa mồng một đi khỏi, giao nhà lại cho con tớ gái; chừng về coi lại thì vòng vàng đã mất hết nhiều, độ giá chừng năm ngàn bạc ngoài. Số là cô ấy lúc dấu (giấu) chìa khóa tủ ở dưới gối, thì có con ở ngó thấy. Việc nầy còn đang tra hỏi.



Múa rồng: Con rồng trong ảnh dài khoảng 50m với trên 25 người múa, đã được chụp trước năm 1905.

 

Tại Saigon, có chú lính mã tà, cũng trong ngày tết cầm dao mà quyên sinh lấy mình. Nay còn nằm nhà thương. Không rõ cớ chi mà chú nầy đành tự vận như vậy? Hay là thua lắm?… Hay là vấn vương tình nợ? Khó biết được, quan còn đương tra.

Năm nay tết nhứt coi hình cuộc không lấy gì làm vui cho lắm. Có lẽ tại mẩu quốc hữu sự nên chúng dân chẳng đành lòng an vui như mấy năm trước.

Xuân nhựt thi

Lễ tết năm nay chút gọi là;

Cờ treo, liễn đánh với người ta;

Giáp Dần đã đặng bề thong thả,

Ất Mẹo từ đây sướng lắm a!

Thắp đèn, đốt pháo với người chơi;

Ăn tết năm nay thiệt thảnh thơi,

Ắt đặng từ rày và sắp tới;

Lộc cao, phước lớn, sống lâu đời!

Mấy ngày tết nhứt sướng bon bon;

Rượu thịt đủ mùi rất ngọt ngon;

Cúng kiến (kiếng) hẳn hòi, thành tín một,

Đất trời phò hộ cả bà con.

NG THÀNH “Khiêm Hòa”

Secretaire à l’Inspection d’Hà Tiên

Trần Nhật Vy

 Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/tet-sai-gon-tram-nam-truoc-ra-sao-27502.html


Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021


NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ


1601. Cây xăng góc Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân xưa và nay.


1602. Giao lộ Nguyễn Văn Thinh - Phan Văn Đạt xưa và nay.


1603. Tư gia GĐ Hàng Không Air VN xưa và nay.


1604. Đường Nguyễn Thiếp xưa và nay.


1605. Bar Imperial góc Tự Do - Nguễn Văn Thinh xưa và nay.


1606. Một đoạn Tự Do tù số 51 trở đi xưa và nay.


1607. Giao lộ Pasteur - Nguyễn Du xưa và nay.


1608. Giao lộ Phan Chu Trinh - Nguyễn An Ninh xưa và nay.


1609. Trường Phan Văn Trị xưa và nay.


1610. Một con hẽm gọi là Rue aux Fleurs cũa đường Phủ Kiệt xưa và nay. 



Nguồn Tim Doling, Paul Blizard, Trung Ngo, Thanh Nguyen

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...