Sài Gòn chỉ còn trong nỗi nhớ (tiếp theo)
Bài này dành tặng cho các bạn
ở đường Yên Đổ trong đó có tôi, tôi rất phục tác giả bài này về sức nhớ của anh.
Đoạn Đường Yên Đổ Thân Thương
& Tuổi Ấu Thơ Êm Đềm
Tác giả/Nhân vật: Trần Đình
Phước |02-10-2010 |
(Thân tặng những ai quen thuộc với con đường Yên Đổ và những
ai đã từng đi ngang con đường này, dù chỉ một lần.) TĐP
Mỗi người đều có một con đường kỷ niệm để nhớ và một dòng
sông thơ ấu để thương. Riêng đối với tôi, con đường Yên Đổ, nơi tôi cất tiếng
khóc chào đời, nơi tôi trải qua thời niên thiếu êm đềm với những người thân yêu
và bạn bè thì không bao giờ tôi quên được.
Bây giờ tôi đang ở cách xa con đường ấy biết bao nhiêu ngàn
dặm; dù cuôc sống căng thẳng hàng ngày, tưởng chừng như có thể xoá nhoà tất cả
những gì mà đôi lúc mình muốn quên đi. Tuy nhiên, con đường Yên Đổ vẫn mãi mãi
nằm trong tiềm thức của tôi.
Đường Yên Đổ tên cũ là Champagne, tên bây giờ là Lý Chính
Thắng. Đường bắt đầu từ ngả ba Hai Bà Trưng và cuối đường chấm dứt ở công
trường Dân Chủ hay Ngả Sáu Sàigòn. Nếu nhìn xéo một chút về phía trái bên kia
đường là Ty Cảnh Sát Quận Ba. Trong pham vi bài viết này, xin mời quý vị cùng
tôi chỉ đi từ phía đầu đường Yên Đổ & Hai Bà Trưng đến ngả tư Công Lý ( Mac
Mahon, De Lattre De Tassigny, Gal De Gaulle ) mà thôi.
Xin được bắt đầu phía bên trái trước. Đầu tiên sẽ gặp trường
trung học tư thục Vạn Hạnh của thầy Thích Đức Nghiêp. Đây là một cái villa cũ,
có những hòn non bộ và những cây to sống lâu năm. Đặc biệt một cây sung già,
cho trái chín màu rượu chát rất hấp dẫn học sinh vào những gìờ ra chơi và tan
học; mặc đù trái sung ăn chát chát , không ngon lắm. Đi tiếp là một hẻm nhỏ, có
tiệm hàn gió đá, bên trong có khoảng sáu căn nhà được xây bằng gạch, kế bên là
trường tiểu học có cái tên Pháp rất dễ thương “La Fontaine”, số 7 đưòng Yên Đổ,
do thầy Đốc là Hiệu Trưỏng. Thầy có đứa con trai tên Mạnh không được bình
thường lắm. Trường La Fontaine có lẽ là một trong những trường tiểu học đầu
tiên ờ vùng Tân Đinh. Đa số các trẻ em trong vùng đều bắt đầu học ở trường này,
rồi sau đó chuyển sang trường tiểu học con trai Tân Đinh và trường tiểu học Đồ
Chiểu. Đi tiếp sẽ gặp hẻm số 21. Đó là một cái hẻm tương đối lớn, xe hơi du
lịch vào được. Trong hẻm cũng có một trưòng học tư thục, lúc đầu được đặt tên
là Võ Trường Toản,về sau đổi lại thành trường Nguyễn Huệ. Hẻm có một cây khế,
cho trái rất sai, một cây li kê ma trái có ruột màu vàng, còn gọi là trái hột
gà, ăn thường dính màu vàng nghệ đầy miệng, nhìn kỳ kỳ. Ngoài ra, có môt villa
ở cuối hẻm, đối diện với trường Nguyễn Huệ. Nhà này trồng đủ các loại mận. Nếu
quẹo trái đi ra phía đường Hai Bà Trưng, trên đường đi sẽ gặp một cây thị già,
cho trái chin màu vàng chanh, tiết ra một mùi thơm nhẹ nhàng. Hồi nhỏ mỗi khi
đi ngang đây, em nào, em nấy đều co giò, co cẳng, nhắm mắt chạy cho thật lẹ, vì
nghe đồn cây thị này có nhiều ma. Ban đêm các ma ông, ma bà, ma cô, ma cậu, ma
con nít với quần áo trắng toát từ trên cây leo xuống, tóc xoả dài tới chân, hai
con mắt đỏ rực như than hồng, lè những cái lưỡi màu đỏ chói, dài hơn cái đòn
gánh, đi tới, đi lui, để nhát những ai đi ngang đây. Do đó về đêm, ít có ai dám
đi qua nơi này. Nếu quẹo phải thì đi ra đường Huỳnh Tịnh Của (ngày xưa tên là
Monceaux). Con đường này trồng toàn là cây mạc nưa, dùng để nhuộm vải màu đen.
Trong ruột trái mạc nưa, có những hạt giống hạt gạo, ăn bùi bùi, béo béo. Học
sinh hay lượm, đem đập lấy hạt ra ăn.
Băng qua đuờng Huỳnh Tịnh Của là xóm Hầm Sỏi, đầu ngỏ có máy
nước bốn vòi. Kế bên là chỗ hớt tóc bình dân của ông Tư Cạo. Hầm Sỏi một thời
nổi tiếng về du dảng ở vùng Tân Định, mà các băng nhóm quanh vùng nghe đến đều
kiêng nễ. Trong xóm Hầm Sỏi, có nhiều con hẻm nhỏ khác ngoằn ngoèo và nhiều
miếu đền. Hẻm đi ra đuợc đường Công Lý và trường Anh Văn Khải Minh.
Trở ra đưòng Yên Đổ, sẽ gặp tiệm may Huỳnh Lộc, sau đó đến
tiệm Ngọc Diệp, chuyên bán đồ dùng cho học sinh và văn phòng phẩm. Kế tiệm Ngọc
Diệp là nhà ông Khai, một triệu phú vào thời đó. Công ty của ông có tàu buôn đi
ngoại quốc. Ông đã từng là chủ tịch hội cựu hoc sinh trường Bưỡi (Chu Văn An.)
Ông cũng là một chuyên viên sưu tầm đồ cổ nổi tiếng. Sau đó là phòng mạch của
bác sĩ Hoàng Minh Mậu, mới tốt nghiệp từ ngoại quốc về. Một Pharmacy ở sát bên
của Dược Sĩ T, lúc đó mới ra trường. Hiện Dược Sĩ T có một Parmacy thuộc loại
tầm cỡ ở San José. Ngoài thuốc tây ra, tiệm còn bán đủ các thứ khác giống như
Drug Store, Walgreens, Rite-Aid. Đây cũng là một trong những Pharmacy đầu tiên
của Thung Lũng Hoa Vàng. Sát bên là nhà của Luật Sư Ngô Phước Tặng. Ông cũng là
một luật sư kỳ cựu trong luật sư đoàn của Sàigòn. Sau đó là nhà Đại Úy T. Quận
trưởng Hóc Môn. Nghe đâu ông có nuôi những con ngựa đua thuộc loại chiến, tiếp
theo là một villa kiểu Pháp quét vôi màu trắng. Đến đây là gặp đường Huỳnh Tịnh
Của. Vừa qua khỏi đường Huỳnh Tịnh Của là một căn nhà rất lớn của ông bà chủ xe
đò người miền bắc mới di cư vào. Năm 1955, vào buổi trưa, một chiếc xe Dogde đã
đâm thẳng vào nhà ông bà. Người ta nói, có lẽ tài xế say rượu, nên bị lạc tay
lái. Sự viêc xảy ra chớp nhoáng trong tích tắc, khiến bà chủ xe đò thiệt mạng
oan uổng. Tiếp theo là một hẻm rất nhỏ, chỉ đủ dắt một chiếc xe gắn máy ra vào.
Hẻm này có nhà danh hài Phi Thoàn, phía ngoài là tiệm chè Yên Đổ xuất hiện sau
năm 1975, Một thời gian chè Yên Đỗ nổi tiếng trong giới học sinh và hảo ngọt
của Sài gòn. Bây giờ thì trở thành tiệm hủ tíu và cơm bình dân, vì gia đình chủ
tiệm chè đã đi định cư ở nước ngoài. Cạnh bên là một tịnh xá nhỏ mang tên Ngọc
Diệp. Nay thì tịnh xá được xây dựng lại rất bề thế, khang trang nhờ tiền cúng
dường của chư bá tánh từ nước ngoài gửi về. Đi thêm khoảng hai mươi thước sẽ
gặp trụ sở Hội Cha Mẹ Nuôi Quốc Tế, nằm ngay góc ngả tư đưòng Yên Đổ và Công Lý.
Xin trở lại đầu đường Yên Đỗ đi từ phía tay phải ra đến ngả
tư Công Lý. Trước tiên phải kể quán cà phê bình dân do người Hoa làm chủ. Quán
có tên là Hải Nàm. Nơi bà con lao động đến nhâm nhi ly cà phê xây chừng được
pha bằng vợt, thưởng thức dầu châu quẩy, bánh tiêu, bánh bao, hủ tíu mì, xiu
mại và trà Thái Đức. Họ thích ngồi đưa cà hai chân lên chiếc ghế đẩu, vừa ngồi,
vừa rung đùi, vừa tán gẩu, vừa hít hà. Kiểu ngồi này còn gọi là kiểu ngồi nước
lụt. Kế cà phê Hải Nàm là tiệm may Văn Minh, mang tên ngưòi con trai lớn của
ông chủ. Hai tiệm làm cửa sắt và máng sối nằm kế bên nhau số 4 và số 6 đường
Yên Đổ là Đức Kính và Đức Vượng. Tuy có tên Đức đứng đầu, nhưng hai tiệm hoàn
toàn không có bà con thân thuộc gì với nhau hết. Kế đến là tiệm sản xuất cà rem
cây có tên là Bạch Tuyết. Mỗi buổi sáng sớm những người bán kem dạo, tụ họp để
lấy kem. Sau đó chia nhau đi bán ở các trường học và xóm lao đông, tạo nên một
khung cảnh ồn ào và huyên náo. Sau này ông bà chủ chuyển sang làm đại lý bán xe
Honda. Nhà thơ thầy tu xuất gia PTT, tác giả Đoạn Trường Vô Thanh, quen biết
với con trai bà Bạch Tuyết, nên bà cho nhà thơ mở quán bán nước trà sâm tại căn
nhà này. Quán trà cũng thuờng được giới văn nghệ sĩ tới đối ẩm. Bên cạnh là giò
chả Nhiên Hương. Tiệm này có bà con họ hàng thân thiết với giò chả Phú Hương ở
đường Hiền Vương. Ông chủ tiệm giò chả Phú Hương mỗi cuối tuần đều đi thăm
trường đua Phú Thọ, để xem giò cẳng ngựa đua và cho ngựa ăn cỏ. Kiếm được bao
nhiêu tiền từ giò chả, bánh trái, ông cũng đổ vô đây, để trang bị cho trường
đua Phú Thọ càng ngày càng tân tiến hơn. Nghe đâu sang đến Canada, ông cũng
tiếp tục sự nghiệp xây dựng trường đua, làm được đồng nào, xào hết đồng nấy.
Nghe đâu bây gìờ đã khuynh gia, bại sản. Đúng là cái nghiệp mê cá ngựa phải
trả. Những thanh niên làm giò chả ở đây không cần tập tạ, tập thể thao, vậy mà
tay chân anh nào bắp thịt cũng cuồn cuộn như lực sĩ đẹp Nguyễn Công Án, có lẽ
nhờ họ giả thịt mỗi ngày. Vào mỗi dịp Tết đến, khách vô ra mua nườm nượp, giò
chả sản xuất không kịp bán cho khách đến mua. Hai tiệm giặt ủi Phước và tiệm
may Trường ở kế bên, diện tích không lớn lắm. Cạnh đấy là Salon Mayer bán xe
hơi mới và cũ do ông chủ rạp hát Moderne tên Thanh làm chủ. Không hiểu sao, ông
không đặt tên là Salon Yên Đổ. Tiếp đến là cửa hàng bán xi măng, gạch, cát, đá
tên Hà Thân. Cửa hàng có một cây nhản rất nhiếu trái mà trẻ em trong vùng thích
tới hái, bất kể sống hay chin. Con trai thì dùng làm đạn, bắn với ná hay chơi
đánh giặc chọi qua, chọi lại, có em cũng bị sưng đầu, sứt trán. Còn mấy cô nàng
thì lấy hột nhản, đem khoét thành cà rá đeo tay, chơi trò “Đám Cưới Đầu Xuân”,
trao nhẩn Nhản cho nhau.
Bây giờ tới con hẻm số 32. Nơi đây chỉ có bốn căn nhà. Con
hẻm rất rộng, lôi cuốn con nít ở các xóm chung quanh kéo đến chơi u bắt mọi, đá
banh, đá cầu,tạt lon… Đặc biệt là đập vách tường ăn tiền, vì hai bên là hai căn
nhà xây bằng gạch. Kết quả hai bên vách tường của hai căn nhà bị đồng năm cắc,
có hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm của lũ nhóc đập sáng, đâp trưa, đập chiều, và
đập tối, khiến hai vách tường rỗ nát như “Dấu Đạn Thù Trên Tường Vôi Trắng.”
Căn nhà đầu tiên số 32/1 là của ông Lê Văn Lung, Trưởng Ty
Tiểu học Sàigòn. Ty tiểu học nằm trong khuôn viên trường tiểu học Lê Văn Duyệt
trên đường Phan Đình Phùng – Quận 1. Vào thời đó chức vụ Trưởng Ty rất oai
phong, lẫm liệt. Ông đi làm có tài xế riêng đưa đón trên chiếc xe hơi hiệu
Traction màu đen, mà lúc nào cũng láng coóng. Người ta thường thấy bác tài xế
của ông, trong lúc chờ ông, hay lấy khăn ra lau tới, lau lui, lau hoài riết
bóng. Ông Trưởng ty có cô con gái đầu lòng tên D… Cô giáo D…dạy môn Vạn Vật lớp
Đệ Thất và Đệ Lục trường Trung Học Công Lập Võ Trường Toản. Học sinh nào đã
từng học cô, dù bây giờ đã rời xa trường bao nhiêu năm. cũng không bao giờ quên
cô. Cô D…thường hay cho điểm hạnh kiểm học sinh rất thấp. Ôi! Cô giáo D… danh
tiếng muôn đời.!!!
Xin tiếp đến tiệm thuốc Đông y của Đông Y Sĩ Trần Gia Viên,
chuyên bán thuốc cao đơn hườn tán, thuốc tễ, dầu Nhị Thiên Đường, dầu Khuynh
Diệp Bác Sĩ Tín, bắt mạch cho toa và hốt thuốc. Kế bên là lò bánh mì Thuận
Thái, cung cấp bánh mì cho các xe bán bánh mì thịt quanh vùng và bà con lao
động. Đấu thủ bóng bàn nổi tíếng của miền Nam, đã từng chiếm những thứ hạng cao
về môn bóng bàn trên các thao trường quốc tế là Mai Văn Hoà đã bị thiệt mạng
trong một tai nạn lưu thông ngay trước lò bánh mì này. Kế tiếp là phở bắc Việt
Hương, về sau đổi tên thành tiệm may Hoàng, chuyên may, vá và sửa quần Jeans.
Tiếp tục đi sẽ gặp phòng mạch của Bác Sĩ Trần Đình Ngân. Phòng mạch Bác sĩ Ngân
mở được vài năm thì ông qua đời. Sau khi ông mất, Bác Sĩ Vũ Ban đến thay thế.
Bác Sĩ Vũ Ban lúc đó còn trẻ, người cao ráo, đẹp trai rất được nhiều nữ bệnh
nhân ái mộ đến xin khám bệnh, dù chỉ bị cảm mạo sơ sài có thể ở nhà uống vài
viên Aspro cũng có thể khỏi. Ở đây có một cái hẻm nhỏ mang số 58 gồm hai mươi
bốn căn nhà. Trong hẻm có một cái giếng, một cây mận. và một cây vú sữa. Người
ta cũng còn gọi là xóm Giếng. Trước khi thành xóm, chỗ này là nghĩa trang của
người Chà Và. Cạnh phòng mạch bác sĩ Vũ Ban là trường dạy lái xe hơi Yên Đổ, kế
bên là nhà in Ngô Mạnh Hùng. Cô con gái lớn của ông chủ nhà in là nữ sinh Trưng
Vương tên NKT. Cô là thi sĩ tuổi học trò. Thơ của cô được đăng thường xuyên
trên các báo Chính Luận, Văn Nghệ Tiền Phong… Đặc biệt thi sĩ học trò NKT sang
tác thơ thường chỉ tặng riêng cho Sinh Viên Trường Võ Bị Đà Lạt. Do đó cô có
biệt danh là “Người Tình Alpha Đỏ”. Sau này cô lập gia đình với một sinh viên
sĩ quan Alpha đỏ, đúng như ý nguyện của cô.
Nhà in Ngô Mạnh Hùng nằm ở dưới lầu. Phần trên lầu là nhà của
song thân Niên Trưởng TTT, Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn Trực Thăng 217, thuộc Sư
Đoàn 4 Không Quân. Niên trưởng có hai cô em gái trông thật dễ thương. Không
biết có quí chiến hữu nào thuộc phi đoàn 217, hay trong Quân Chủng Không Quân
được làm em rễ của niên trưởng không? Nếu không thì uổng quá!!!
Bây giờ phải kể đến một tiệm tạp hoá của người Hoa nằm ngay
đầu hẻm 60 và 62. Tiệm tạp hoá Quảng Đức Long rất lớn trong vùng. Tiệm bán mọi
hàng hoá thiết dụng hàng ngày cho bà con lao động. Bà Quảng Đức Long rất tốt và
phúc hậu. Bà sẳn sàng bán thiếu cho bất cứ ai khi gặp khó khăn đến mua. Hai đứa
con trai bà tên Xí và Ngầu đến tuổi quân dịch, bà lo cho hai cậu quý tử đi
đuờng bộ sang Cam Bốt, sau đó đi Hong Kong. Cô con gái tên Xây Dùng, duyên dáng,
đẹp người, ngoài ba mươi tuổi, mà vẫn còn ca bài “Lẻ Bóng”
Hẻm 60 còn gọi là xóm Cù Lao rất rộng. Xe cam nhông đi vào
đươc. Ngay đầu hẻm có xe sâm bổ lượng chú Dìn, xe nước mía của chú Thoòng, bà
tư Đun bán khô mực, chú Sừng bán hủ tiếu mì bình dân, bà tám Đậu bán bánh bèo,
bà Tố bán rau quả và Chín Máy sửa xe gắn máy.. Nơi đây cũng là bến đậu của các
bác xích lô và Honda ôm dùng để đón khách.
Từ ngoài đầu hẻm đi khoảng muời thước là gặp một cây me lớn.
Quẹo trái là hẻm 62, còn gọi là xóm nhà Đèn vì đa số dân trong xóm là ngườ sinh
quán ở Quảng Bình, miền trung. Tất cả chuyên làm về điện. Họ kéo vô nam lập
nghiệp và rủ rê nhau cùng vào đây sinh sống. Hẻm này đi ra đươc đường Công Lý
và chùa Vĩnh Nghiêm. Ca sĩ thần đồng Phương Mai của ban tạp lục Tùng Lâm ở
trong hẻm này.
Hẻm 60 rất dài, giửa xóm có một hẻm nhỏ là hẻm xóm Vựa Gạo,
đi ra được đường Hai Bà Trưng. Cuối hẻm 60 là một ngả ba, giáp với sông Cầu
Kiệu. Chiều chiều con nít rũ nhau ra đây tập lội bì bà, bì bõm dưới sông. Có
hôm gần mưòi em đứng trên cầu Kiệu, đợi ngưòi ta đi qua đông, rồi cùng la Môt,
Hai, Ba. Tất cả pờ lông dông xuống sông, làm nước tung toé ướt cả người đi
đường. Trong hẻm 60 có một tiệm giặt ủi quần áo không tên. Từ ngoài đường đi
vào, tiệm nằm phía tay trái. Ông bà có nhiều con trai. Trong số đó có một người
con nổi tiếng trong giới giang hồ, võ lâm thời đó là Vũ Đình S.. tức S… Đảo.
Dáng người cao ráo, đẹp trai, có nét ngạo mạn và oai hùng. Anh được nhiều phụ
nữ ưa thích. S.. Đảo bị bắn chết trước một vũ trường ở Quận 1, Saigon. Lúc anh
đang lui cui cúi xuống xem bánh xe mô tô bị ai đâm lủng. S.. Đảo còn có một em
trai là Vũ Đình C…, một tay vợt bóng bàn có hạng của đội Quân Vận. Vũ Đình C…
bị một tay giang hồ, đàn em của Đại Ca Thay là Lâm Chín Ngón đâm chết trong
khám Chí Hoà để tự vệ, sau khi bị C…tấn công dồn dập..
Bây giờ trở ra đường Yên Đổ. Đầu hẻm bên trái là tiệm thuốc
Tây Nguyễn Huy của Dược Sĩ Nguyễn Huy. Nằm cạnh bên là chỗ cho mướn xe xích lô
máy của nhà anh Thịnh, nhân viên thuế vụ. Số nhà 74 Yên Đổ nằm cách đó vài căn
là đia chỉ mà những đấng nam nhi, mày râu thích Lạc Động Hoa Vàng thường tìm
đến. Đây là một động mải dâm hạng sang của Saigòn trước năm 1975. Chủ nhân là
chị Sáu Nh.. dáng người trông đẹp, có da, có thịt, ăn nói nhẹ nhàng, luôn luôn
đeo cặp kính trắng rất ư là trí thức. Dưới tay chị hàng mấy chục em rất xinh
đẹp và lúc nào cũng thuần phục chị. Khách đến đây đa số là giới áp phe, văn
nghệ sĩ, cũng có quân nhân, và viên chức chính quyền. Muốn vào phải quen biết
trước, hoăc qua sự giới thiệu thì may ra chị cho em út tiếp, còn không thì coi
như “Vô phận sư – Xin miễn vào.” Hầu như khách đã vào đây, khi ra về, ai cũng
tấm tắc khen và không một ai phàn nàn gì hết, vì được các em chăm sóc từ A đến
Z. Đúng là: “Vui lòng khách đến – Vừa lòng khách đi.” Chị Sáu Nh..quen biết
nhiều người đàn ông trong đời. Người đàn ông cuốí cùng là một sĩ quan cấp tá,
to lớn, đẹp trai, tuớng rất hào hoa. Lúc đó chị mua tặng cho ông ta một chiếc
Mustang đời mới nhất. Sau 1975, ông ta bị kẹt, chị vẫn giử một lòng chung thủy.
Chị đi thăm nuôi ông rất đều đặn. Chị Sáu Nh.. qua đời vì ung thư ngực, lúc
tuổi ngoài năm mươi. Hình như khoảng năm 1990.?
Môt động mải dâm thứ hai cũng nằm trên đoan đưòng còn lại của
Yên Đổ và Công Lý. Đó là động bà Đ…Bà Đ…ngưòi mảnh khảnh, nước da trắng đẹp,
tóc búi tó củ hành, ăn nói cũng nhỏ nhẹ và dáng đi thật khoan thai. Động bà Đ..
nằm sâu trong hẻm 82 Yên Đổ. Từ ngoài đường đi vào hẻm, đầu tiên sẽ gặp tiệm
chuyên may nón nổi tiếng là Hai Ve. Một thời các tay chơi Sài gòn đều thích đội
nón do Hai Ve sản xuất. Đi thêm vài thuớc, quẹo phải có một ngỏ hẻm nhỏ đi ra
đươc hai hẻm 62, 60 và đường Huỳnh Tịnh Của nối dài. Nếu tiếp tục đi khoảng
mưòi thước sẽ gặp nhà bà Đ…Căn nhà nằm ngay cua quẹo ra được đường Công Lý.
Trước khi ra đến đường Công Lý sẽ gặp phở gà chị Lan, nằm đối diện với cư xá
Công Lý. Phở chị Lan cũng thuộc loại nổi tiếng, các tướng tá và công chức cao
cấp cũng thường đến đây ăn. Cách xe phở chị Lan một căn là nhà của ông Bảy Búa.
Ông là nhà thầu lớn, chuyên thầu chôn cất, làm thũ tục mai tang và bán hòm.
Tiệm hòm có tên là Công Vĩnh Thọ. Đặc biệt tang gia nào nghèo, gặp khó khăn thì
ông thông cảm tính giá nhẹ tay . Nếu tang gia khá giả, có tiền, có của, ông ta
sẳn sàng đập sòng phẳng bằng bảy búa. Ông rất thích cải lương. Ông kết mô đen
cô đào cải lương hạng hai TBL. Ông thường mua giàn doàn hát có TBL và chu cấp
cho cô ta mọi thứ kể cả nhà cửa và xe cộ.
Nhắc lại động bà Đ…Mặc dù nằm khuất trong hẻm, nhưng động bà
Đ..cũng nổi tiếng là một động mải dâm hạng sang của Sài gòn, không thua gì động
chị Sáu Nh.. Em út ở đây cũng đông, đẹp và săn sóc khách rất tận tình. Muốn vào
thăm cho biết sự tình, cũng đòi hỏi có sự quen biết trước hoặc thông qua người
thân tín giới thiệu. Đúng là thời buổi nào “Có quen biết cũng vẫn hơn.” Những
lúc khách bên này đông, bên kia vắng thì chị Sáu và bà Đ…cùng hổ tương lẫn
nhau. Mặc dù kinh doanh một mặt hàng tương tự, không cần phải bỏ vốn đầu tư
nhiều, nhưng giữa chị Sáu Nh.,và bà Đ…chưa bao giờ xảy ra những xích mích,
tranh chấp và cạnh tranh nghề nghiệp, để đi đến mất lòng nhau. Sau này phát
triển mạnh, bà Đ..thuê hẳn một villa lớn ở đường Huỳnh Tinh Của. Villa này nằm
đối diện với nhà của một sĩ quan cao cấp. Ông này cặp với một cô đào cải lương
nổi tiếng và cũng là người cùng quê với Tổng Thống. Hiện nay bà Đ cùng gia đình
vẫn tiếp tục sống ở hẻm 82. Hàng ngày bà thường đi lễ ở nhà thờ Tân Định, tay
lúc nào cũng lần xâu chuỗi hạt màu đen.
Suốt bao nhiêu năm hoạt động ồn ào và nổi tiếng nhất Sài Gòn,
thế mà hai động mải dâm hạng sang của chị Sáu Nh..và bà Đ.. ít bị chính quyền
Phưòng, Quận và Thành Phố để mắt hỏi thăm hoặc bị làm khó dễ. Nếu hôm nào có tổ
chức hành quân cảnh sát bố ráp thì hôm đó cả hai động đều tạm ngưng hoạt động,
các em út được nghỉ dưỡng sức để xả hơi. Sau đó thì đâu cũng vào đấy.
Sau hết, xin nói về một villa lớn, rất đẹp, có nhiều hoa, lá,
cây, trái và nhiều chó Berger. Đó là cơ ngơi của ông Đội Có. Ông rất giàu, có
nhiều đất đai, có nhiều nhà cửa cho mướn. Các bất động sản của ông nằm đối diện
với chợ Phú Nhuận, mà bên cạnh có xe nước mía nổi tiếng. Hẻm Đội Có mang tên
ông có trước năm 1975, cũng như bây giờ. Hẻm đi ra đươc đường Chi Lăng và ngược
ra đươc xóm cầu Mới – Tân Định. Có lúc Villa mở Billards tên Anh Đào, tên cháu
gái của ông Đội Có là nữ sinh trường Marie Curie. Hiện nay villa của ông đã
được con cháu đem bán cho người khác. Villa này bị đâp phá hoàn toàn và một
công trình xây dựng lớn đang được bắt đầu xây cất.
Xin phép được dừng ở đây. Còn nhiều chi tiết mà tôi không thể
nhớ hết. Xin bà con Tân Định và bất cứ ai có cảm tình với con đường Yên Đổ thân
thương, hãy vui lòng bổ túc đoạn đưòng còn lại bằng bài viết hay hình ảnh với
xóm Lách có quán bán đồ chay vào ban đêm, xóm bến Tắm Ngựa, xóm Bắc Kỳ hẻm 288,
có phở bà Dậu – Công Lý chính hiệu, có hẻm Hàng Không Việt Nam, Chùa Vĩnh
Nghiêm, Viện Bào Chế OPV, Cảnh Sát Cuộc Đặng Văn Bắc, Cư Xá Yên Đổ, Trung Tâm
Đắc Lộ và chùa Miên dưới chân cầu Trương Minh Giảng…
Xin cảm ơn và chúc bình an đến tất cả.
Trần Đình Phước
(San José 10 – 2010)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét