NHỮNG CẢM TƯỞNG VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA
Đây là một số cảm tưởng về ký ức ngôi trường chúng ta từ thời nó còn tên Chasseloup Laubat đến Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn mà tôi sưu tầm trên các địa chỉ web có liên quan đến trường chúng ta. Xin giới thiệu cùng các bạn Lê Quý Đôn.
Trường Lê Quý Đôn
Hồi đầu năm 2012 tôi có ghé thăm lại
trường Lê Quý Đôn sau hơn 30 năm xa vắng. Hồi đó hai anh em tôi cùng
học ở ngôi trường này. Anh tôi hơn tôi 5 tuổi học trung học còn tôi thì học
tiểu học. Tuy là học chung trường nhưng anh em tôi chưa bao giờ đưọc chạy chơi
chung với nhau trong sân trường trong giờ ra chơi vì bên khu tiểu học và trung
học bị ngăn cách bởi một bức tường rào. Giờ ra chơi tôi hay đứng chỗ hàng rào
sắt gần chỗ đầu cầu thang ngăn khu tiểu học với trung học nhìn qua bên kia để
tìm anh. Thỉnh thoảng anh cũng có ghé lại nói gì đó với tôi vài câu xong rồi
lại chạy theo chơi với bạn của ảnh. Lúc đó tôi cứ ao ước cho mau lớn để được
qua bên khu trung học chung với anh để xem thử có những thứ gì lạ ở bển nhưng
rồi tôi chẳng bao giờ tôi thực hiện được ước mơ đó.
Mỗi lần nhớ đến trường cũ là trong đầu
tôi hiện ra hình ảnh cổng trường bên khu tiểu học nằm bên đường Lê Quý Đôn, là
hình ảnh của mái ngói rêu phong, những dãy tường sơn màu vàng với hàng cửa sổ
bằng gỗ sơn màu xám có các lá sách thông gió nằm dọc theo hành lang. Tôi vẫn
còn nhớ rõ mấy gốc cây cổ thụ cao lớn trong sân trường với lớp vỏ cây xù xì còn
rễ cây thì uốn lượn có chỗ trồi hẳn lên mặt đất làm nức cả lớp nhựa đường tráng
trên mặt sân. Những lúc trời mưa xuống thì nước mưa đọng thành vũng trong mấy
cái hốc cây đầy lá mục. Ngoài ra trên mấy ngọn cây còn có cả sóc làm tổ nữa. Có
lần tôi thấy mấy con sóc nâu nhỏ xíu phóng trên mấy ngọn cây cao chót vót, cũng
có lúc chúng đào hang trong mấy cái hốc cây ở trên cao làm vỏ cây văng xuống đầy
ở quanh gốc cây.
Hồi còn học ở mấy lớp nhỏ thì ba tôi hay
chở hai anh em tôi đi học trên chiếc xe Vespa. Anh tôi ngồi phía sau còn tôi
thì đứng ở cái bục để chân phía trước. Ba tôi thích vừa lái xe trên đường vừ cạ
chiếc cằm đầy râu vào đầu tôi và hút gió mấy bản nhạc Trịnh Công Sơn. Khi tôi
học đến lớp 3 hay lớp 4 thì ba tôi đưa anh em tôi đến trường buổi sáng còn buổi
chiều tan trường thì hai anh em tôi dắt nhau đón xe lam về nhà. Hồi đó tôi theo
anh tôi đi bộ từ trường (băng ngang qua chỗ bây giờ người ta làm bảo tàng chiến
tranh) đến chỗ ngã 3 đường Trần Quý Cáp và Trương Minh Giảng để đón xe Lam về
nhà. Tôi còn nhớ là trên xe lam rất là chật chội có khi phía sau nhét đến hơn
10 hành khách còn anh lơ xe thì đứng phía bên ngoài thùng xe chỗ cái bục bằng
sắt để giúp hành khách lên xuống và vừa lo thu tiền vừa luôn miệng thông báo
những chỗ xe sắp sửa chạy qua để hành khách biết trước mà chuẫn bị. Mỗi lần
hành khách muốn xuống xe chỉ việc giơ tay vỗ vỗ vào lưng bác tài để báo hiệu.
Lộ trình chuyến xe lam của anh em tôi chạy dọc theo đường Trương Minh Giảng,
ngang qua ngã ba Kỳ Đồng rồi qua cầu và chợ Trương Minh Giảng đến Khỏi rạp xi
nê Minh Châu một chút là đến khu chợ Vườn Xoài. Hai anh em tôi xuống xe ở chỗ
ngân hàng Việt Nam Thương Tín gần cổng xe lửa số 6 xong đi băng qua con hẻm Phú
Sơn Tự rồi theo đường Nguyễn Huỳnh Đức để về nhà.
Chung quanh trường Lê Quý
Đôn có mấy con đường rất đẹp và thơ mộng, toàn là những cây cổ thụ với tàng lá
cao lớn như me, thầu dầu, sọ khỉ... Có lần tôi hỏi anh tôi vì sao gọi là cây sọ
khỉ vì nhìn khắp cả cây mà chẳng thấy chỗ nào giống sọ của con khỉ cả thì anh
tôi giải thích là nếu nhìn vào cái cuống lá đã rụng thì nó có hình thù lồi lõm
giống như cái sọ của con khỉ. Không biết là anh tôi nói như vậy có đúng hay
không hay là ảnh lại bịa ra. Vào những ngày gió lớn thì hàng loạt trái dầu rụng
xuống quay tít từ trên cao rồi từ từ đáp xuống đất như những chiếc trực thăng
tí hon. Rồi thỉnh thoãng me dốt trên cây rụng xuống lộp độp trên lề đường, tôi
lượm lên ra ăn thấy ngọt ngọt chua chua.
Tôi cũng thích đồng phục của trường Lê
Quý Đôn. Đơn giản mà Đẹp. Con trai tiểu học thì áo trắng quần short xanh, con
trai trung học thì quần dài xanh còn con gái thì mặc váy ngắn (jupe) xanh rất
là dễ thương. Cho đến bây giờ tôi vẫn thích con gái mặc váy hơn là những loại
trang phục khác. Lần về Việt Nam đầu năm 2012 vừa rồi tôi có ghé thăm lại
trường cũ. Lúc đó chắc là nhằm vào ngày bãi trường nghỉ Tết cho nên tôi không
thấy có học sinh ở trong trường. Tôi đi lòng vòng mấy con đường chung quanh
trường mà trong lòng thấy lạc lõng cô đơn. Trường xưa thì vẫn còn đó nhưng bạn
bè xưa thì nay đã lưu lạc mãi tận nơi nào. Đang đi lang thang chung quanh
trường để chụp hình thì tôi gặp một em nữ sinh cấp 2 đi ngang qua. Mừng quá tôi
nói với em là hồi nhỏ tôi cũng đã từng học ở đây và xin phép được chụp hình phù
hiệu trường Lê Quý Đôn trên ngực áo của em.
Hồi đó cứ đến ngày tựu trường là ba tôi
lại dắt tôi ra tiệm sách bên kia đường đối diện với cổng trường để mua sách vở.
Tôi còn nhớ là hồi đó ba tôi hay mua cho anh em tôi tập viết hiệu Olympic, bìa
trước là hình quả địa cầu với hinh ông lực sĩ mặc áo thun có hình 5 vòng tròn
thế vận hội giơ cao cây đuốc, còn bìa sau là bảng cửu chương. Lúc đó tập vở học
trong lớp là phải đem ra tiệm để ép bìa nilon, mỗi môn một màu khác nhau. Bây
giờ cứ mỗi lần ngửi thấy mùi nilon là tôi lại nhớ đến ngày tựu trường của ngày
xưa. Ngoài ra tôi cũng được ba tôi mua cho các thứ lặt vặt khác như bình nhựa
đựng nước uống, bình mực, viết chì màu, hộp đựng viết và mấy ngòi viết mực.
Ngòi viết bầu thì nét chữ cứng nhưng giữ được nhiều mực nên lâu lâu mới phải
chấm mực một lần còn ngòi lá tre thì thon nhỏ nên cho nét chữ mềm mại dùng để
tập viết nhưng lại phải chấm mực thường xuyên.
Hồi đó ở trước cổng trường có nhiều thứ
rất hấp dẫn. Cứ đến giờ tan học là mấy người bán hàng rong kéo đến bày bán đủ
thứ các loại thức ăn và đồ chơi. Tôi còn nhớ mấy thứ trái cây như chùm ruột,
cóc, ổi được ngâm trong mấy cái hủ thủy tinh xếp thành hàng bên cạnh mấy hủ
muối ớt trên những chiếc xe đẩy. Mấy trái cóc xanh thì người ta lấy dao khứa
chung quanh rồi nạy cho nó bung ra giiống như hình mấy ngón tay xòe ra ở trên
đỉnh tháp con rùa, vừa lạ mắt và cũng gây cảm tưởng như trái cóc lớn hơn kích
cỡ thật sự của nó. Còn món tôi thích nhất là món bột chiên. Bột gạo trắng cắt
ra từng miếng vuông bỏ vô chảo chiên cho cháy vàng xong xịt xì dầu vào rồi ăn
khi nó đang còn bốc khói. Tuy tôi chỉ được anh tôi cho ăn thử vài lần nhưng cho
đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ đến món bột chiên đầy kỷ niệm đó. Nhưng thật tình
mà nói, tôi khoái các món đồ chơi hơn là các món đồ ăn. Tôi nhớ là ở trước cổng
trường có bán đủ thứ các loại đồ chơi hấp làm bằng nhựa như xe hơi, máy bay,
lính hoặc mấy con thú nhựa. Tụi học trò tụi tôi mua mấy con thú bằng nhựa đó để
chơi ném thú hoặc mỗ tường. Riêng cái làm tôi thích hơn cả là mấy cuốn sách
vàng gồm đủ thứ truyện tranh như Xì Trum, Tí Hon Thần Lực, Phan Tân Sĩ Phú,
Lucky Luke... Mỗi lần mua hay mượn được cuốn nào thì tôi đọc ngấu nghiến cho
bằng hết mới thôi. Rồi còn trò chơi khắc gôm thì cũng rất phổ biến vào thời đó.
Chơi trò này thì đòi hỏi phải thật kiên nhẫn. Việc trước tiên là phải in hình
trong trang sách qua cục gôm bằng cách xoa dầu hôi lên cục gôm rồi ép chặt vô
trang sách, sau đó thì lấy mũi dao lam nhọn để khắc theo hình in trên cục gôm
xong rồi bôi mực lên để in ra giấy. Dường như bấy nhiêu thứ trò chơi cũng chưa
đủ, tụi học trò còn bày ra cách nghịch phá bằng cách đọc trại tên truờng Lê Quý
Đôn thành "Lũ Quỷ Đói, Lết Qua Đường" hay là giờ Pháp văn thì môn
Vocabulaire được chế thành "Vỏ Cá Bự Lại Rẻ". Thời gian đó đối với
tôi thật là sung sướng, không phải lo lắng gì cả chỉ lo ăn học rồi nghĩ đủ cách
để chơi với đùa.
Rồi đến đầu tháng 4 năm 1975 lúc dinh
Độc Lập bị bỏ bom thì cũng là lúc bọn học trò chúng tôi đang làm bài thi ở
trong trường. Lúc đó tuy chưa tới 10 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ tiếng gầm rú
khi chiếc máy bay phản lực bay ngang qua nóc trường và tiếng bom nổ làm rung
chuyển bàn ghế trong lớp. Lúc đó tâm trạng của một đứa bé con như tôi tuy có
mừng vì khỏi phải làm bài thi nhưng linh tính cũng cho tôi biết là có chuyện hệ
trọng đang xảy ra. Rồi những năm tháng sau đó như một cơn lốc xoáy cuốn phăng
đi mọi thứ mà tôi và gia đình tôi cũng phải trải qua như bao nhiêu gia đình
khác lúc bấy giờ ở miền Nam. Sau năm 1975 thì có quy định là học sinh phải theo
học ở những trường ở địa phương gần nơi đang cư trú. Nhà tôi ở quận Phú Nhuận
nên khi lên lớp 6 tôi phải đổi qua một trường cấp 2 ở quận này. Như vậy là tôi
chỉ được học tại trường Lê Quý Đôn từ năm 1971 đến 1976. Tuy chỉ 5 năm ngắn
ngũi so với đời người nhưng những kỷ niệm tại ngôi trường này đã in sâu vào ký
ức của tôi vì đó là những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ với những kỷ niệm
đầu đời của một đứa trẻ mới lớn.
Nguyễn Tuấn Phương (Australia)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét