Đây là bài về thân thế và sự nghiệp của thầy Trần Anh Linh dạy nhạc trường chúng ta. Thầy cũng là người sáng lập ra thiếu đòan Lê Quý Đôn thuộc đạo Thủ đô. Hồi xưa tôi và anh Lê Phong Sơn có theo học thầy về sáng tác và hòa âm, lúc đó thầy ở đường Hồ Biểu Chánh đọan tận cùng trước khi trổ ra nhà thờ Vườn Xòai. Nay thầy không còn nữa, tôi post bài này lên trang blog cho các bạn một thời là học trò của thầy đọc và biết thân thế của thầy.
Nhạc sĩ Phaolô Trần Anh Linh
*Trần
Vinh & Nguyễn Long Thao
Nhạc sĩ
Trần Anh Linh đã qua đời tại Việt Nam vào ngày 14.4.2006, nhân chuyến về thăm
quê hương. Ngày ông qua đời đúng vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
Thời điểm Tuần Thánh có một ý nghĩa đặc biệt đối
với sự nghiệp sáng tác của cố nhạc sĩ Trần Anh Linh. Chính trong Tuần Thánh
cách đây trên 50 năm, ông đã sáng tác ca khúc Niềm Tâm Sự, cảm hứng từ Phúc Âm
Thánh Gioan mô tả những lời tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi đi
nộp mình chịu tử nạn, và bài thứ hai Chúa Ở Lại Thôi, cảm hứng từ câu Mane
Nobiscum Domine, câu khẩn nài của 2 môn đệ trên đường Emmau.
Mãi mãi về sau, người ta sẽ còn biết đến tên
tuổi nhạc sĩ Trần Anh Linh là tác giả của 2 bài Thánh ca kể trên. Với cung bậc
tha thiết, lại chất chứa tâm tình thâm trầm, sâu sắc, 2 bài Thánh ca này là
những lời cầu nguyện hết sức tốt đẹp để suy tôn ý nghĩa căn bản của Mùa Khổ Nạn
và Phục Sinh trong niên lịch phụng vụ
1.
Thân thế nhạc sĩ Trần Anh Linh
Nhạc sĩ Trần
Anh Linh sinh ngày 15-3-1932 tại làng Vân Đình, Hà Đông. Những ngày thơ ấu, ông
sinh sống tại Hà Nội. Năm 6 tuổi, ông theo cha mẹ vào Sàigòn. Năm 11 tuổi, lại
từ Sàigòn về Phát Diệm và được tuyển chọn vào học tại Tiểu Chủng viện Phúc
Nhạc, trong thời giantừ năm 1944 đến 1952. Sau khi mãn trường Tiểu Chủng viện,
Trần Anh Linh đi thực tập ở Trường Dòng Khiết Tâm (hậu thân của Trường Các Thầy
Giảng) từ 1952-1954.
Năm 1954, di cư vào
Sàigòn, Trần Anh Linh nhập học tại Đại Chủng viện Xuân Bích (Saint Sulpice),
lúc ấy tạm cư ngụ tại Vĩnh Long. Đến năm 1957 thì chuyển về Đại Chủng viện Lê
Bảo Tịnh ở Gia Định. Học được một năm Thần Học thì bị bệnh rồi từ giã chủng
viện ra hoạt động tông đồ nơi các xứ đạo: Phú Nhuận, Lăng Cha Cả, Xóm Thuốc. Từ
1958, vào nội trú trong câu lạc bộ Phục Hưng và theo học Đại Học Văn Khoa
Sàigòn. Năm sau, chuyển qua cư xá Đắc Lộ Dòng Tên cho đến năm 1961 tốt nghiệp
Đại học Văn Khoa với cấp bằng Cử Nhân Văn Chương Việt Hán. Sau đó, đi dậy Việt
văn tại Trung học Châu Văn Tiếp, Bà Rịa. Năm 1962, Trần Anh Linh xin trở lại
đời tu, được tiếp nhận vào dòng Chúa Thánh Linh do cha Gioan Phạm Kim Xuyến
sáng lập và được Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình nhận cho vào học trong Giáo
Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt. Nhưng do bệnh cũ tái phát, ông đành phải bỏ hẳn ý
định đi tu, sau 2 năm theo học tại đây.
Trở lại cuộc đời nhà
giáo, Trần Anh Linh xuống Vĩnh Long dậy Việt văn tại trường Trung Học Tống
Phước Hiệp từ năm 1962 tới năm 1964. Sau đó, ông xin chuyển qua dậy Việt văn và
ca hát cho giáo sinh Trường Sư Phạm Vĩnh Long. Năm 1967, được Bộ Giáo Dục cử đi
tu nghiệp tại Hoa Kỳ về môn Âm Nhạc Giáo Dục ( Music Education). Năm 1970, ông
tốt nghiệp Master of Music tại Đại học Miami; sau đó ở lại học thêm 2 mùa
nữa để hoàn thành luận án về The Pentatonic Music ( Nhạc ngũ cung). Năm 1971,
ông về Sài Gòn dậy âm nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, đặc trách ngành Sư phạm
Âm nhạc, đào tạo các giáo viên âm nhạc cho hệ Trung Học Đệ I Cấp, dậy Việt văn
và Âm nhạc tại trường Trung Học Lê Qúy Đôn. Rồi ông cộng tác với Lm. Tiến Dũng
dậyÂm nhạc cho Đại Học Minh Đức, Phân khoa Âm nhạc. Ông cũng dậy Âm nhạc
mẫu giáo cho các Giáo sinh Vườn Trẻ của trường Jardin d’Enfant và dậy Âm nhạc
cho Trường Sư Phạm Sàigòn. Có một thời ông hợp tác với nhạc sĩ Hùng Lân biên
soạn cho chương trình Gió Khơi do bác sĩ Bùi Duy Tâm chỉ đạo.
Nhạc sĩ Trần Anh Linh lập gia đình và có 4 con trai.
Sau 30.4.1975, nhạc sĩ
Trần Anh Linh lui về sống ẩn dật. Mãi tới năm 1982, ông mới cùng Nhạc trưởng
Quân nhạc Trần Văn Huyến, mở lớp ca trưởng cho thanh niên nam nữ xứ đạo Bà
Chiểu, Gia Định và hợp tác với linh mục phó xứ Nguyễn Hữu Triết soạn tập ca Giờ
Kinh Phụng Vụ để phục hồi Thánh Nhạc theo truyền thống Giáo hội qua thông điệp
Musica Sacra. Lm. Nguyễn Hữu Triết, cha phó của giáo xứ Bà Chiểu, Gia
Định, vừa là một nhạc sĩ, vừa là một nhà sưu tầm sách cổ và đồ cổ có hạng. Sau
này ông được cử làm linh mục chánh xứ Tân Sa Châu, Tân Bình.
Năm 1985, Trần Anh Linh
vượt biên qua Mỹ, hợp tác với nhạc sĩ Lê Văn Khoa và nhạc sĩ Trần Chúc, thành
lập ban hợp xướng Ngàn Khơi và hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Văn Châu, nhạc sĩ dân
tộc, thành lập ban Lạc Hồng. Sau đó, nhạc sĩ Trần Anh Linh rời tiểu bang
California qua sống tại Louisville, tiểu bang Kentucky, dậy dương cầm cho thiếu
nhi và dậy Anh văn (ESL) cho học sinh thiểu số Việt, Lào, Campuchia.
2. Sự nghiệp sáng tác
của nhạc sĩ Trần Anh Linh
Nhạc sĩ Trần Anh Linh đã
sáng tác liên tục từ những ngày còn ở Tiểu Chủng viện, Đại Chủng viện, trong
những tháng ngày đi dậy học và hợp tác với các ban nhạc.
Từ nhỏ, Trần Anh Linh đã
thích Âm nhạc, nhưng vì nhà không đủ khả năng cho nên chỉ đứng xem trẻ con hàng
xóm học dương cầm và vĩ cầm. Ông tự tay chế ra chiếc “dương cầm” với các phím
vẽ trên tấm bìa cuộn súc vải của mẹ. Còn vĩ cầm thì chỉ là một thanh tre, tay
trái cầm lấy thanh tre, dùng các ngón tay bấm trên đó, tay phải giả đò cầm cây
mã vĩ, và cũng nghẹo cổ cò cưa, bắt chước mấy bạn học vĩ cầm.
Từ ngày nhập Tiểu Chủng
viện, khả năng về nhạc lý và ca hát của Trần Anh Linh phát triển rất nhanh. Một
mình luyện giọng qua cách xướng âm theo thang âm Do Re Mi, học nhạc lý qua cách
quan sát, trên những bài Thánh Ca, nhất là Thánh Ca trong quyển Cantiques de la
Jeunesse bằng tiếng Pháp, thịnh hành vào những năm 1944 -1946.
Đến năm 1947, Nhạc đoàn
Lê Bảo Tịnh ra đời do các nhạc sĩ Hùng Lân, Tâm Bảo, Thiên Phụng khởi xướng qua
2 quyển Cung Thánh Tập I và II. Trần Anh Linh được học hỏi rất nhiều về kỹ
thuật sáng tác từ những những tuyển tập này, và có thể nói, những vị thầy đã
dậy Trần Anh Linh kỹ thuật sáng tác, chính là các tuyển tập Thánh Ca này.
Năm 1948, nhạc sĩ Phương
Linh, tức linh mục Rôcô Trần Hữu Linh về dậy ở Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc, đã
khích lệ Trần Anh Linh sáng tác. Ca khúc đầu tiên của Trần Anh Linh là bài dựa
trên lời thơ “Ave Maria” của Hàn Mặc Tử:
Maria, linh hồn tôi ớn
lạnh
Run như run thần tử thấy
long nhan
Run như run, hơi thở
chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm
nhuần ơn trìu mến.
Đây là đề thi nhạc của năm Trần Anh Linh học lớp Tư tại Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc. Bài ca đã hình thành rất mau lẹ, chỉ trong vòng thời gian ½ giờ. Bài ca viết trên cung Rê thứ, vỏn vẹn chỉ có 4 câu nên chưa gọi được là một bài ca nên không bao giờ được đem ra phổ biến.
Sau đó, Trần Anh Linh
cảm thầy phấn khởi và tiếp tục sáng tác, nhưng không may, năm sau bị bệnh nặng,
cha Bề trên sợ có hại sức khoẻ cho việc học văn hóa nên cấm không cho học đàn,
học nhạc. Bẵng đi mấy năm, Trần Anh Linh định gác bỏ ca nhạc qua một bên để lo
học thi Tú tài. Phải mãi đến khi về học Triết học năm thứ nhất ở Đại
Chủng viện Xuân Bích, nhờ các bạn cùng lớp khích lệ, nhất là nhạc sĩ Vinh Hạnh,
Trần Anh Linh mới sáng tác trở lại. Bài đầu tiên trong dịp này chính là bài
Niềm Tâm Sự, cảm hứng từ Phúc Âm Thánh Gioan mô tả những lời tâm sự của Chúa
Giêsu với các môn đệ trước khi đi nộp mình chịu tử nạn. Bài này viết theo nhịp
6/8 (nhịp kép) có nhiều chùm 3 nốt móc thành ra khó hát cho đúng nhịp. Đã có
lúc Trần Anh Linh định sửa lại thành nhịp 4/4 cho phổ thông hơn ,nhưng trót đã
in trong tập Hương Thánh Kinh của Vinh Hạnh rồi, nên lại thôi.
Nhạc tố đầu tiên của bài
này gồm 4 nốt Re La Si La rồi được đối lại Re Sol La Sol. Nốt Si khó hát trong
bài Re thứ vì vậy đa số giáo dân không giữ đúng, thường hát thành Si (b), nghe
không được tươi sáng. Bài hát viết ra cho đại chúng hát, thành ra đôi khi phải
chiều theo ý của đại chúng. Bài thành công nhờ ý tứ thâm trầm, nhạc điệu bình
dị, cảm súc rất thích hợp trong các giờ chầu Thánh Thể và Thứ Năm Tuần Lễ
Thánh.
Có lẽ từ nhiều năm qua,
người ta chỉ biết Trần Anh Linh qua bài Niềm Tâm Sự này thôi. Thực ra, cuộc đời
một người nhạc sĩ chỉ cần một bài được phổ biến rộng rãi, coi như đã được an ủi
rồi. Đồng thời với bài Niềm Tâm Sự, Trần Anh Linh sáng tác thêm bài Chúa Ở Lại
Thôi, cảm hứng từ câu Mane Nobiscum Domine, câu khẩn nài của 2 môn đệ trên
đường Emmau. Bài này cũng in trong tập Hương Thánh Kinh I của Vinh Hạnh. Về
sau, vì sự sao chép lại, có người đã lầm tưởng bài này của Vinh Hạnh. Bài này
không được phổ thông, ít người hát, mặc dù nhạc tứ rất uyển chuyển, dồi dào.
Trong thời gian ở Đại
Chủng viện Xuân Bích, Trần Anh Linh còn sáng tác một số bài khác, có gửi in vào
các Cung Thánh của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, nhưng vì là lính mới tò te nên nhạc
sĩ Hùng Lân chỉ chọn in vài bài, như Bên Máng Cỏ, Kinh Catena của Đạo Binh, còn
đa số không đạt tiêu chuẩn. Tất cả các bản thảo giao hết cho Hùng Lân, nay
không còn gì và cũng quên đi hầu hết.
Sau này, nhạc sĩ Trần Anh
Linh chuyển hướng sáng tác theo bình ca, lấy các Thánh Vịnh làm đề tài. Cũng có
bài sáng tác theo thang âm ngũ cung. Những bài ca Thánh Vịnh này đã từng được
hát trên đài Radio Veritas ở Manila do các ca viên của trại Bataan trong thời
kỳ Trần Anh Linh vượt biên và lưu lại ở trại này 6 tháng. Số lượng các Thánh
Vịnh được phổ nhạc cũng vài chục bài nhưng chưa bao giờ cho ấn hành.
Thời kỳ sáng tác Thánh
Ca nhiều nhất là thời kỳ ẩn thân bên nhà thờ Bà Chiểu, Gia Định, cùng với bộ ba
Triết, Huyến, Linh soạn thảo cả một vòng năm phụng vụ từ Mùa Vọng – Giáng Sinh
– Mùa Chay - Tuần Lễ Thánh - Phục Sinh – và quanh năm. Tất cả 52 Chúa Nhật đều
có đủ 4 bài: Ca Nhập Lễ, Đáp Ca, Dâng lễ và Hiệp Lễ. Khi hoàn thành, Trần Anh
Linh và Trần Văn Huyến đã trao hết cho Lm. Nguyễn Hữu Triết để tiến hành ấn
loát, nhưng tiếc rằng công trình này đã bị đem ra mổ xẻ thêm bớt. Một số nhạc
sĩ đến sau, nhưng có quyền thế hơn, đã làm tiêu tan công trình của bộ ba nói
trên. Những bài sáng tác trong dịp này cốt ý đề cao tinh thần phụng vụ thánh
hóa đời sống đạo bằng âm nhạc như thông điệp Musica Sacra của Đức Pio X đã
khuyến cáo. Những bài này vẫn còn ở Việt Nam.
Sau khi định cư ở Mỹ,
nhạc sĩ Trần Anh Linh sáng tác những bài Thánh ca dựa trên nguồn hứng của sách
Tình Yêu Nhân Hậu Gửi Các Hồn Nhỏ. Tiếc rằng phong trào Hồn Nhỏ chỉ hạn hẹp
trong một nhóm người có lòng yêu mến Chúa Giêsu nên những bài ca này không được
phổ biến rộng rãi. Vả lại, tư tưởng trong sách Tình Yêu Nhân Hậu hãy còn xa lạ
với đa số giáo dân, chẳng hạn bài Đừng Sợ Tử Thần: Chúa dậy ta hãy can đảm đối
diện với tử thần, vì nhờ nó mà ta được bước vào cõi hằng sống. Bài Đừng Có
Tiếc: Chúa an ủi những người không thể đạt tới con đường tu trì tại các tu
viện, chủng viện vì ở bất cứ nơi nào, với ơn Chúa, chúng ta cũng có thể nên
thánh. Càng ở trong đấng bậc thấp hèn, càng dễ nên thánh. Bài Con Đường Nên
Thánh: Chúa tâm sự với các tâm hồn bé nhỏ hãy tìm kiếm Chúa trong nội tâm mình
chứ không phải ở bên ngoài. Yếu tố căn bản của việc nên thánh là lòng khiêm
cung, tự hạ, chấp nhận sự khổ nhục. Những loạt bài này này cũng cũng chưa được
xuất bản.
Ngoài ra, còn một số bài
viết về cách dậy giáo lý cho trẻ em, đã thực hiện thành băng cassette, nhưng
rất đơn sơ, cần phải được thực hiện lại. Mỗi khi có dịp lễ đặc biệt thì nhạc sĩ
Trần Anh Linh lại dành ít phút để sáng tác một bài. Gần đây nhất, vì hợp tác
với Hilltop Recorder trong chương trình Thánh Ca The Light Of The World, nên
nhạc sĩ Trần Anh Linh bắt đầu sáng tác những ca khúc bằng 3 thứ tiếng: La-tinh,
Anh ngữ, Việt ngữ. Ông hợp tác với nhạc sĩ Võ Hữu Hạnh để đặt lời Anh,
lời Việt, hoà âm cho các Thánh Ca của anh. Nhạc của Võ Hữu Hạnh có 2 bài được
chọn để thực hiện thành CD và phổ biến trên toàn nước Mỹ. Đó là các bài Salve
Regina và Te Deum. Nhạc sĩ Trần Anh Linh cũng sáng tác 2 bài: Dona Nobis Pacem
(Grant Us Your Peace) và Lumen Christi (The Light of Christ), đã gửi cho ban
sản xuất, đang chờ kết quả. Những bài này viết ra theo nhu cầu của thời đại,
đang khi nhân loại chém giết lẫn nhau, kêu gọi mỗi người hãy cố gắng cầu nguyện
cho hoà bình, cho ánh sáng của tương lai.
Ngoài Thánh ca, nhạc sĩ
Trần Anh Linh còn sáng tác nhiều ca khúc trữ tình, phần nhiều là phổ nhạc vào
thơ, đặc biệt là thơ của Thái Thụy Vy, Kiều, Hàn Mặc Tử.
Ngoài sáng
tác nhạc, Trần Anh Linh cũng tập viết văn, làm thơ, viết chuyện ngắn, hồi ký.
Đã viêt xong cuốn hồi ký của cả cuộc đời, cuốn Mười Điều Tâm Niệm Cho Phụ Huynh
Và Con Cái Thảo Hiếu đã đăng trên nguyệt san Hương Quê.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Trần Anh Linh chuyển
hướng sang viết một số bài đề cập tới lãnh vực tâm linh, tu đạo, mà ông đã trải
nghiệm. Theo ông, đó là những kinh nghiệm thực, không bịa đặt, thêm thắt, tưởng
tượng. Tâm sự của ông là muốn chia sẻ những kinh nghiệm này để cho độc
giả tùy nghi đón nhận hoặc không đón nhận. Ông thanh minh những gì ông
viết ra đều không chủ ý tuyên truyền hay bênh vực cho một chủ đích nào. Trần
Anh Linh luôn nhắc nhở mình: con người được Thiên Chúa tạo dựng và ban cho
nhiều tài năng vượt xa muôn loài, vậy hãy cố gắng suy ngẫm và cố thể hiện ngay
trong cuộc đời tại thế này.
Để tưởng
niệm nhạc sĩ Phaolô Trần Anh Linh
Trần Vinh & Nguyễn Long Thao
Thày Trần Anh Linh cũng đã điều khiển bản Múc Ánh Trăng Vàng trong trong thời gian la thày nhạc tại trưiờng Lê Quý Đôn niên khóa 1972-1973.
Trả lờiXóa