DINH ĐỘC LẬP
Cứ mãi lo viết về những địa điểm khác mà quên không viết về
dinh Độc Lập là điều thiếu sót vì nó nằm ngay trước trường của chúng ta. Các
bạn cũng như tôi học ở trường lê Quý Đôn qua bao năm tháng thật ra chúng ta
biết rất ít về nơi đây; tôi có cái "may mắn" hơn các bạn là đã chứng
kiến được những biến cố lịch sử liên quan đến nó. Nhưng kể những cái mình đã
thấy thì chỉ vài dòng cho nên tôi cũng nghiên cứu kỹ tra trên mạng những thông
tin về dinh Độc Lập hầu làm phong phú cho bài này.
1. Vài nét về lịch sử dinh Gouverneur
de la Cochinchine:
Năm 1858, Pháp đã phát động một cuộc tấn công vào Đà Nẵng, bắt đầu
cuộc xâm lược của Việt Nam. Năm 1867, Pháp đã hoàn thành cuộc chinh phục của miền
Nam Việt Nam (Đàng Trong), bao gồm các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh
Long, An Giang và Hà Tiên. Để củng cố thuộc địa mới được thành lập, vào ngày 23 tháng 2 năm 1868, Lagrandière,
Thống đốc Nam Kỳ có những động thái đầu tiên là xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ
mới và chọn một vị trí đắc địa nhất. Đó là một vùng đất cao nhất Sài Gòn, rộng
15 ha, có nơi làm công viên, vườn cây và những bãi cỏ xanh mướt, nhìn ra một
không gian rộng thoáng.
Ngày 5.2.1865, tờ Courrier de Saigon (Thư tín
Sài Gòn) đăng một thông báo của chính quyền thuộc địa dành một khoản tiền
thưởng trị giá 4.000 franc cho các kiến trúc sư hay nghệ sĩ nào giới thiệu một
đề án tốt nhất được chọn làm cơ sở xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ.
Khoản tiền thưởng không phải là nhỏ, song đến
ngày 20.4.1865, vượt quá thời hạn chót 25.3.1865, chỉ mới có một đề án được gửi
tới ban tổ chức. Sau đó không lâu, một đề án do một nhóm kiến trúc sư ở
Singapore soạn thảo được chuyển đến Sài Gòn, song sau khi xem xét kỹ cả hai đề
án, ban tổ chức không chấp thuận một cái nào.
Cuối cùng, cơ hội bắt tay xây dựng dinh Thống
đốc Nam kỳ đã xuất phát từ một sự tình cờ. Trong một dịp ghé Hong Kong, hai đô
đốc Pháp Ohier và Roze (cũng từng làm Thống đốc Nam kỳ) được giới thiệu với một
kiến trúc sư người Pháp trẻ tên Hermitte, nguyên là học viên trường Mỹ thuật
Paris.
Tại Hong Kong, Hermitte đã đoạt giải thưởng
trong việc thiết kế đồ án Tòa Thị chính, vượt qua nhiều kiến trúc sư khác. Nắm
bắt được những thông tin này, Roze và Ohier trở về Sài Gòn, thuyết phục đương
kim Thống đốc Nam kỳ De La Grandìere chính thức nhờ Hermitte thiết kế và xây
dựng dinh Thống đốc.
Một trong những biện pháp được sử dụng để lôi
kéo nhân tài trẻ này là khoản thu nhập 36.000 franc/năm, cao hơn rất nhiều so
với các viên chức Pháp đứng đầu các cơ quan tọa lạc tại Sài Gòn. Và những gì De
La Grandìere làm đã có một hiệu ứng tốt: chỉ mấy ngày sau khi đến Sài Gòn,
Hermitte trình một đồ án được viên Thống đốc chấp thuận ngay.
Ngày chủ nhật 23 tháng 2 năm 1868, trước đông
đảo người tham dự, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng dinh Thống đốc Nam kỳ đã
diễn ra dưới sự chủ trì của Đề đốc De La Grandìere, với sự tháp tùng của nhiều
sĩ quan và viên chức cao cấp của Pháp.
Người làm phép cho công trình là Giám mục Miche
với một diễn từ gây xúc động cho cử tọa. Với sự phụ giúp của kiến trúc sư
Hermitte, Thống đốc De La Grandìere làm lễ đặt viên đá đầu tiên được chôn sâu
2,6m bên dưới mặt đất, trên một tầng đất rất cứng chắc.
Đó là một viên đá hoa cương vuông vắn, mỗi cạnh
50cm, được mang từ Biên Hòa về. Trong thời gian xây dựng, Hermitte đã cho đào
một hố móng sâu 3,5 mét, lấy đi 2.436 m3 đất đá và sử dụng khoảng 2 triệu viên
gạch.
Năm 1870, công trình đang thực hiện theo tiến độ
đã định thì cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra, hoàng đế Pháp Napoléon III bị bắt
làm tù binh, nước Pháp thất trận. Sự kiện này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây
dựng dinh Thống đốc Nam kỳ, do nhiều vật liệu phải được chuyển từ chính quốc
sang. Công trình này được xây cất trên một
diện tích rộng 12 ha, bao gồm một dinh thự lớn với mặt tiền rộng 80 m, bên trong có phòng khách chứa 800
người, và một khuôn viên rộng
với nhiều cây xanh và thảm cỏ.
Phấn lớn vật tư xây dựng dinh được chở từ Pháp sang. Tất cả đều được xây theo phong cách tân Baroque giống với kiểu của hoàng đế Napoleon III.
Cũng vì thế mà mãi đến năm 1875, kiến trúc đồ sộ
này mới hoàn chỉnh phần trang trí. Sốt ruột về sự chậm trễ trong tiến độ xây
dựng và hoàn thành cơ sở, ngay từ năm 1873, Thống đốc Nam kỳ Dupré đã dọn về
đây để ở và làm việc trong lúc việc trang trí còn tiếp diễn. Dinh gỗ “Thủy sư
Đề đốc” còn được lưu giữ, mãi đến năm 1877 mới bị phá hủy hoàn toàn.
Sau khi xây dựng xong, dinh
được đặt tên là dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng được gọi là
đại lộ Norodom, lấy theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ là Norodom (1834-1904). Từ 1871 đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ (Gouverneur
de la Cochinchine) nên gọi là dinh Thống đốc.
Trước khi có dinh Thống đốc Nam kỳ là Dinh gỗ “Thủy sư Đề đốc” được xây dựng bằng gỗ đặt trên một khu đất rộng được giới hạn bởi các con đường Nguyễn Du-Tự Do-Gia Long-Hai Bà Trưng về sau (khu vực sau này là trường Taberd). (nguồn historicvietnam.com do Tim Doling viết)
Trong sảnh dinh thống đốc Nam kỳ
Đường Norodom nhìn từ dinh thống đốc Nam kỳ
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo
chính Pháp, Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt
Nam. Nhưng đến tháng 9 năm 1945, Nhật thất bại trong Thế
chiến II, Pháp trở lại chiếm Nam bộ, Dinh Norodom trở lại thành trụ sở làm
việc của Pháp ở Việt Nam. Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Việt Nam bị chia cắt
thành 2 quốc gia, miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, còn miền Nam là nước Quốc Gia Việt Nam (sau thành Việt Nam Cộng Hòa). Ngày 7 tháng 9 năm 1954 Dinh
Norodom được bàn giao giữa đại diện Pháp, tướng 5 sao Paul Ely, và đại diện Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
2. Vài nét về dinh Độc Lập thời
đệ I Cộng Hòa:
Năm 1955, sau một cuộc trưng cầu dân ý,
Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và
lên làm Tổng thống. Ông quyết định đổi tên dinh này thành Dinh
Độc Lập. Từ đó Dinh Độc Lập trở thành nơi đại diện cho chính quyền cũng như
nơi ở của tổng thống và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Thời kỳ này,
Dinh Độc Lập còn được gọi là Dinh Tổng Thống. Theo thuật phong thủy của Dinh
được đặt ở vị trí đầu rồng, nên Dinh cũng còn được gọi là Phủ đầu rồng.
Dinh Độc Lập thời đệ I Cộng Hòa
Tem hình dinh Độc Lập
Đến năm 1960 vào ngày 11 tháng
11 xảy ra cuộc đảo chính quân sự đầu tiên
tại Việt Nam Cộng hòa, do đại
tá Nguyễn Chánh Thi và trung
tá Vương Văn Đông cầm đầu. Mục
đích cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa bấy giờ là Ngô Đình Diệm. Ban đầu, quân đảo chính kiểm soát được một số vị trí
quan trọng tại Sài Gòn do yếu tố bất ngờ, tuy nhiên nhanh chóng thất bại khi
các thủ lĩnh quân sự không kiên quyết cũng như không có được sự ủng hộ quân
chúng. Ngày 12 tháng 11, đại tá Huỳnh Văn Cao chỉ huy bộ binh và thiết giáp thuộc Sư đoàn 7
đóng ở Mỹ Tho cùng đại tá Trần
Thiện Khiêm và trung tá Bùi Dzinh chỉ
huy bộ binh và Pháo binh thuộc Sư đoàn 21 đóng ở Sa Đéc đã tiến vào Sài Gòn. Cuộc giao tranh sau đó chớp
nhoáng nhưng khốc liệt với khoảng 400 người chết, trong đó có nhiều thường dân
tò mò xuống phố để xem cuộc giao tranh. Lực lượng trung thành đã tiêu diệt gọn
quân đảo chính.Sau khi cuộc đảo chính bị dập tắt, một số sĩ quân quân đội và
chính khách đối lập liên quan đến cuộc đảo chính bị chính quyền Ngô Đình Diệm
thanh trừng và đưa ra xét xử, tiêu biểu như vụ án nhà văn Nguyễn
Tường Tam.
Tôi còn nhớ sau cuộc đảo chính, quân dù của đại tá Nguyễn Chánh Thi rút đi ngược đường Công Lý hướng lên Tân Sơn Nhất, dân chúng sài Gòn đã mua bánh mì bỏ trong những giỏ cần xé lớn để dọc hai bên đường cho quân đảo chính.
Cảnh dân chúng tán loạn khi đi xem đảo chính
Đến năm 1962 lại xảy ra vụ ném bom dinh Độc Lập vào ngày 27
tháng 2 do hai phi công tên là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc thuộc Quân lực
Việt Nam Cộng hòa thực hiện.
Mục đích của cuộc tấn công là nhằm ám sát Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và gia đình ông, những người tham gia triều chính, trong đó có cố vấn Ngô Đình Nhu.
Vào lúc 7 giờ sáng, bầu trời Sài Gòn bị khuấy động
bởi tiếng bom và tiếng súng máy nổ. Dinh Độc Lập chìm trong biển khói của cuộc
tấn công từ hai chiếc máy bay ném bom A-1
Skyraider được Hoa Kỳ cung cấp. Hai chiếc máy bay này đã ném bom và napalm. Nhiều quả rocket và nhiều loạt đạn súng máy cũng được bắn
vào tòa nhà. Ngày hôm đó nhiều mây, hai viên phi công này đã bay với độ cao khoảng
150 m, đã hoàn thành một vòng tấn công tứ phía trước khi bay lên mây. Họ đã tấn
công trong 30 phút trước khi lực lượng phòng không trung thành với Ngô Đình Diệm
có thể đến và phản công. Cuộc tấn công đã làm cho lực lượng bảo vệ Sài Gòn
bất ngờ, bởi vì họ đã không biết là các chiếc máy bay này độc lập tác chiến hay
có sự phối hợp với lực lượng dưới đất. Xe tăng và xe chở lính vội vàng đến tham
chiến và pháo đất đối không khai mào trước, một chút nữa thì bắn trúng máy bay
trung thành đang truy đuổi hai chiếc phản loạn. Cuộc tấn công đã kết thúc trong
một tiếng đồng hồ nhưng hai viên phi công đã không trút hết bom, nếu không đã
có thể san phẳng Dinh Độc Lập. Máy bay của Quốc đã bị hư hỏng bởi tảo lôi hạm ở
trên sông Sài Gòn và đã hạ cánh ở Nhà
Bè. Cử thì đã đến Campuchia an toàn, tin rằng cuộc tấn công đã thành công.
Quả bom nặng 500 lb đầu tiên đã xuyên vào
một căn phòng mà trong đó Diệm, một người hay thức dậy sớm đang đọc sách. Quả
bom này không nổ và Diệm đã chạy xuống tầng hầm của Dinh Độc Lập cùng với Tổng
giám mục Ngô Đình Thục, em trai Ngô
Đình Nhu và vợ Nhu là Trần
Lệ Xuân và con của họ. Trần Lệ Xuân bị gãy tay khi đang chạy xuống
tầng hầm. Ba người phục vụ và lính gác bị chết, 30 người khác bị thương. Một
nhà thầu người Mỹ leo lên nóc nhà để xem vụ tấn công đã bị rơi xuống và chết.
Tôi vẫn nhớ sáng hôm đó khi chuẩn bị đi học (lúc đó tôi học tư ở trường Michelet góc ngả tư Trương Minh Giảng - Hiền Vương) thì tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời và một tiếng nổ lớn vang lên. Pháo cao xạ từ dinh bắn lên xối xả, đạn bay hết tầm rơi vào khu biệt thự kế bên tôi ở (230 Công Lý); mọi người chạy hết vào trong nhà tránh đạn.
Bà Trần Lệ Xuân đang xem bản thiết kế dinh Độc Lập mới
Video cảnh đánh bom tại dinh Độc Lập
Do không thể khôi phục
lại, ông Ngô Đình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự
mới ngay trên nền đất cũ theo đồ
án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên
đạt giải Khôi nguyên La Mã.
Dinh
Độc Lập mới được khởi công xây dựng ngày 1
tháng 7 năm 1962. Trong thời gian xây dựng, gia
đình Tổng thống Ngô Đình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long. Công trình đang xây dựng dở dang thì
ông Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính ám sát ngày 2 tháng 11 năm 1963.
3. Vài nét về dinh Độc Lập thời đệ II Cộng Hòa:
Ngày 31 tháng 10 năm 1966, người chủ tọa buổi lễ là ông Nguyễn Văn Thiệu lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. Từ ngày này, Dinh Độc Lập mới xây trở
thành nơi ở và làm việc của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu sống ở dinh này từ tháng 10 năm 1967 đến ngày 21
tháng 4 năm 1975.
Phí tổn xây dựng Dinh Độc Lập tốn khoảng 150.000
lượng vàng và mỗi quân nhân, nhân viên chính quyền thời ấy phải đóng góp mỗi
người một ngày lương. Một vài số liệu về vật liệu đã sử dụng: bê-tông cốt sắt độ
12.000m3, gỗ quí 200m3, kính làm các cửa 2.000m2, đá rửa và đá mài 20.000m2...
Theo đồ án, tòa nhà có diện tích xây dựng 45.000
m2 (rộng 21 gian 85m, sâu 19 gian 80m). Diện tích mặt sàn sử dụng khoảng
20.000m2, gồm ba tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng (có sân bay trực
thăng) và một tầng nền. Tổng số các phòng trong toàn dinh là 95 phòng, không kể
các khu vực vệ sinh, hành lang và khách sảnh. Các phòng lớn bố trí cho các công
việc đối nội, đối ngoại nằm ở các tầng trệt và lầu 1, lầu 2. Trang trí trong
dinh có nhiều bức họa của những danh họa có tiếng đương thời. Bức "Giang
sơn cẩm tú" của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, bức "Khuê văn các",
"Vua Trần Nhân Tông" của họa sĩ Thái Văn Ngôn.
Đặc biệt ở phòng trình quốc thư có bức "Bình
Ngô đại cáo" (của Nguyễn Trãi viết trong thời giúp Lê Lợi chống giặc
Minh), một bức tranh sơn mài lớn gồm 40 bức tranh sơn mài nhỏ ghép lại, tả cảnh
sinh hoạt của nhân dân Việt Nam dưới thời Lê của họa sĩ Nguyễn Văn Minh. Ngoài
ra còn bức tranh "Giang Sơn Cẩm Tú" của KTS Ngô Viết Thụ; bức
"Khuê Văn Các" (Vua Trần Nhân Tông) của họa sĩ Thái Văn Ngôn.
Khi thiết kế Dinh Ðộc
lập, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên
mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều
tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương đông và cá tính của dân tộc.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại
với kiến trúc truyền thống Phương Ðông. Toàn thể bình diện của Dinh làm thành
hình chữ CÁT, có nghĩa là tốt lành, may mắn; Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình
quốc thư; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU để đề cao giáo dục và
tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ
TRUNG như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo
bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo
thành hình chữ TAM. Theo quan niệm dân chủ hữu tam Viết nhân, viết minh, viết
võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con ngườ i hội đủ 3
yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành
hình chữ VƯƠNG, trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ tượng
trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh thự toàn bộ bao lơn lầu 2 và
lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên
tạo thành hình chữ HƯNG ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.
Vẻ đẹp kiến trúc của
Dinh còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh
tao bao xung quanh lầu 2. Rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các
cung điện Cố đô Huế không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Dinh mà còn có tác dụng lấy
ánh sáng mặt trời.
Ði vào bên trong Dinh,
tất cả các đuờng nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng, các hành lang, đại
sảnh, các phòng ốc đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc.
Sân trước của Dinh là
một thảm cỏ hình oval có đường kính 102m. Màu xanh rì của thảm cỏ tạo ra một
cảm giác êm dịu, sảng khoái cho khách ngay khi bước qua cổng.
Chạy dài theo suốt
chiều ngang của đại sảnh là hồ nước hình bán nguyệt. Trong hồ thả hoa sen và
hoa súng gợi nên hình ảnh những hồ nước yên ả ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ
kính của Việt Nam.
Dinh có diện tích
120.000m2 (300m x 400m), được giới hạn bởi 4 trục đường chính đó là:
• Ðường Công Lý ở phía
Ðông Bắc (mặt chính của Dinh)
• Ðường Huyền Trân
Công Chúa ở phía Tây Nam (mặt sau của Dinh)
• Ðường Hồng Thập Tự ở
phía Tây Bắc (phía bên trái Dinh)
• Ðường Nguyễn Du ở
phía Ðông Nam (phía bên phải Dinh)
Dinh có 04 khu nhà:
• Khu nhà chính hình
chữ T diện tích mặt bằng là 4.500m2, cao 26m, nằm ở vị trí trung tâm của khu
đất. Ðây từng là nơi ở và làm việc Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Khu này có 03
tầng lầu, 2 gác lửng, 1 sân thượng, 1 tầng nền và 1 tầng hầm. Tổng diện tích sử
dụng là 20.000m2 chia làm 95 phòng. Mỗi phòng có 1 chức năng riêng, kiến trúc
và các trang trí phù hợp với mục đích sử dụng của mỗi phòng.
• Khu nhà 2 tầng diện
tích 8m x 20m phía đường Nguyễn Du trước 1975 là trụ sở làm việc của Ðảng Dân
chủ.
• Khu 04 nhà 2 tầng
phía góc đường Nguyễn Du – Huyền Trân Công Chúa trước 1975 là khu nhà ở của
tiểu đoàn bảo vệ Dinh Ðộc lập.
• Khu nhà trệt phía
góc đường Huyền Trân Công Chúa – Hồng Thập Tự, trước 1975 là khu sinh hoạt của
đội cận vệ phi hành đoàn lái máy bay cho Nguyễn Văn Thiệu, của bộ phận chăm sóc
vườn cây.
Ngoài các khu nhà
trên, ở góc trái Dinh phía đường Hồng Thập Tự còn có một nhà bát giác đuờng
kính 4m, xây trên một gò đất cao, chung quanh không xây tường, mái ngói cong cổ
kính làm nơi hóng mát, thư giãn.
Các bạn nhìn thấy những cây cao bên trong dinh, đó là những cây nhãn rừng. Trong dinh có rất nhiều sóc, chúng thường ăn trái này. Đó là hồi trước năm 1975 chứ không biết giờ này còn không.
Tôi còn nhớ vào năm 1970 vào dịp tất Trung thu, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có tổ chức lễ trước thềm của dinh. Lúc đó trường mình có dự, thầy Linh dẫn một ban hợp ca hát bài Trung thu gặp mưa do thầy sáng tác. Trùng hợp thay đêm đó trời mưa, học sinh các trường tràn vào sảnh chính của dinh dẫm lên sàn và thảm làm dơ hết.
Các bạn nhìn thấy những cây cao bên trong dinh, đó là những cây nhãn rừng. Trong dinh có rất nhiều sóc, chúng thường ăn trái này. Đó là hồi trước năm 1975 chứ không biết giờ này còn không.
Tôi còn nhớ vào năm 1970 vào dịp tất Trung thu, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có tổ chức lễ trước thềm của dinh. Lúc đó trường mình có dự, thầy Linh dẫn một ban hợp ca hát bài Trung thu gặp mưa do thầy sáng tác. Trùng hợp thay đêm đó trời mưa, học sinh các trường tràn vào sảnh chính của dinh dẫm lên sàn và thảm làm dơ hết.
Dinh Độc Lập lúc đầu chưa có bao bọc bởi hàng dây kẽm gai, chỉ có từ năm 1968 mới được rào thêm để bảo vệ an ninh cho dinh để tránh bị tấn công như trong vụ tết Mậu Thân và đường Huyền Trân Công Chúa cũng bị ngăn lại không cho xe qua lại.
Về sau có thêm những rào sắt đặt dài theo hàng rào dinh
Đường Huyền Trân Công Chúa bị chắn ngang bởi hàng rào bảo vệ
Dinh độc Lập được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai bảo vệ dưới mặt đất nhưng trớ trêu thay nó bị tấn công từ trên không. Ngày 8 tháng 4 năm 1975, chiếc máy bay F-5E do Nguyễn Thành Trung lái, xuất phát từ Biên Hòa, đã ném bom Dinh, gây hư hại không đáng kể. Một trái bom rơi cạnh sân trực thăng trên nóc Dinh nhưng chỉ nổ phần đầu cắm xuống làm lún sạt một khoảng nhỏ. Lúc đó tại trường Lê Quý Đôn các lớp khối 10 trở xuống đang thi đệ nhị bán niên riêng lớp tôi thì bắt đầu vô lớp học toán với thầy Quãng Lan, thì chúng tôi bỗng nghe một tiếng rú của máy bay trên đầu và một tiếng nổ sau là tiếng pháo cao xạ. Chúng tôi chạy ra ngoài lớp thì thấy mấy thầy cô và các học sinh chạy tán loạn, tôi với anh Hồ Tuấn Ngọc lấy máy chụp hình chạy ra cổng trước băng qua đường và chụp một số hình. Rất tiếc giờ anh Ngọc không còn và các hình đó cũng thất lạc. Đây là lần thứ hai trong lịch sử dinh Độc Lập bị đánh bom.
Rồi lịch sử cái gì đến phải đến tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức nhường quyền lãnh đạo cho ông Trần Văn Hương nhưng ông này không ở trong dinh. Đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, Dương Văn Minh lên làm tổng thống chỉ ở vỏn vẹn hai ngày trong dinh.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiếc xe tăng T 54 của Bùi Quang Thận húc sập cổng dinh chấm dứt chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét