Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

VÙNG  YÊN ĐỔ - BẾN TẮM NGỰA CỦA TÔI


                   Các bạn cũng như tôi, chúng ta thời niên thiếu ai cũng có một khoảng trời của mình. Cái không gian đó vẫn mãi in đậm trong tâm trí dù chúng ta đi đâu và về đâu. Riêng tôi cái khoảng trời Yên Đổ - Bến Tắm Ngựa đi song đôi với cái khoảng trời Lê Quý Đôn vẫn trở về đêm đêm trong giấc ngủ của tôi.
                  Sau khi rời vùng Đa Kao với hẽm cây Điệp tôi dời về Yên Đổ, cái thời mà vùng này còn sân Mayer nơi thế hệ đàn anh của tôi từ khu Hiền Vương, Kỳ Đồng, Yên Đổ thường tổ chức đá banh, cái thời mà cư xá Yên Đổ chưa xây dựng vẫn còn cây điệp to lớn nằm ngay cổng chính. Đó là năm 1965.
                  Không thể quên được cái không khí sôi động của một khu xóm lao động hình thành ở một khu trũng thấp so với mặt đường. Ở đây thời mà xe thổ mộ còn rất thịnh hành tại Sài Gòn và dòng Nhiêu Lộc còn trong sạch đã hình thành một khu tắm ngựa. Nơi đây là nơi nghỉ ngơi cho những chú ngựa sau một ngày kéo xe mệt mõi. Cái địa danh Bến Tắm Ngựa có rất nhiều nơi ở miền nam như khu Bến Tắm Ngựa của Mỹ Tho chẳng hạn. Rồi theo đà phát triển của xã hội, xe thổ mộ lui vào dĩ vãng các các bến tắm ngưa cũng mất đi. Khu này theo lời kể của những người cao niên thì vào khoảng những năm 50 đã xảy ra một trận cháy rất lớn thiêu rụi cả khu này.
                  Khi đề cập tới khu này thì độ giới hạn của nó là từ hẽm 144 đến hẽm 152. Khu vực này nằm trọn trong từ ngả tư Yên Đổ - Trương Minh Giảng đến ngả tư Yên Đổ - Công Lý. Nhà tôi nằm tại hẽm 150, trong đó có một chở nhỏ hình thành tự phát, người mua thường là dân trong xóm và phía bên mặt đường Yên Đổ bên khu cư xá. Chợ này duy trì đến sau năm 1975 thì giải tán, một phần vì những người buôn bán dời đi nơi khác hay đã chết con cháu không tiếp tục nghề này nữa.
                   Hẽm của tôi có khu chợ nhỏ như đã nói, ở đó có tiệm tạp hóa của cô Tư Thành có mấy người con như anh Thành sau là phi công lái F5, anh Thịnh với anh Đạt có khiếu vẽ đều là dân mỹ thuật Gia Định, anh Tình là bạn của tôi sau đi lính và biệt tích tại Huế không còn tin tức và hai người em nữa là Hương và Vinh. Kế bên là một tiệm bán đồ rau cải. Đối diện có tiệm tạp hóa của cô Nga. Nhà của bà Thế và bà Triệu đâu mặt nhau: Bà Thế là chị bán tạp hóa, bà Triệu là em bán thịt. Bà Triệu có ông chồng mắc chứng bệnh ngủ hay mớ la làng. Đến nhà chú của tôi thì không có buôn bán gì vì các người người thì đi lính, người thì làm cảnh sát, kẻ thì đi làm sở Mỹ. Bên hẽm rẽ có nhà của cô bạn Thái và anh Quý, anh này học đại học luật sau đi sĩ quan rồi đào ngũ, thường có tật nhổ tóc mỗi khi đọc sách. Phía sau nhà chú tôi là nhà bà Cường có chồng chuyên đi bán bánh chưng bánh giò. và còn nhiều quán nữa nhưng giờ tôi quên tên rồi.
                 Ở nơi đây có những gia đình thuộc hàng dữ dằn nhất trong đó có nhà của chú tôi và gia đình ông Ba Vinh. Gia đình ông Ba thường xuyên gây gổ với bà Sáu Tý là chị ông Bảy Sâm Banh làm ký giả. Họ chữi bới tục tằn với nhau như điều lạ là không bao giờ ấu đã hay dâm chém nhau khác hẳn thời bây giờ hở một chút là lấy dao ra đâm cho đến chết. Cả xóm hôm nào không nghe tiếng cãi nhau làm như cảm thấy có cái gì thiếu thiếu. 
               Đi dần về sau hẽm có nhà ông Bảy Sâm Banh đối diện là nhà của một ông chuyên môn dịch thuật các tác phẩm anh văn và Pháp văn. Tới nữa là hai lớp học tư nhân nhỏ kèm cho mấy em tiểu học giờ tôi chỉ còn nhớ một lớp là của ông Sáu. Bên ngả rẽ có nhà của họa sĩ Thái Tuấn. Cuối hẽm là khu nhà sàn và một khu cầu tiêu công cộng sát với chùa Miên. Một thời tại đây có một tay anh chị có tên là Ba Tô, anh này đã từng chém đứt nửa người con một tay phường trưởng sau bị xử tù đưa đi Côn Đảo. Sau đó anh ta vượt ngục về đăng lính biệt động sau bị chết vì một lý do lãng xẹt là nhảy xe đò bị xe cán chết.
                Bây giờ từ chợ trở ra trước đường có nhà của chị em Francoise và Cường, Nằm ở đầu ngả rẽ của hẽm có nhà của hai anh bạn Sơn Và Lộc. Nhìn qua ngả rẽ bên kia có nhà của bà Phương Quỳnh là vợ của ông Tôn Thất Dương Kỵ nẳm trong liên minh dân tộc của mặt trận giải phóng. Xin nói thêm là xóm của tôi cũng là cái ổ của Việt Cộng như nhà bà Phương Quỳnh vừa nói còn có văn phòng của bột gạo lức Bích Chi, nhãn hiệu này trước 30/4/1975 dân sài Gòn ai cũng biết lại là cơ quan kinh tài của mặt trận giải phóng. Đến chuyện căn gác của nhà anh bạn của tôi lúc đó làm cảnh sát cũng có Việt cộng mướn.
                Phía trước đường tính từ hẽm 152 trở về hẽm 144 là nguyên một dãy buôn bán và dịch vụ. Khở đầu là tiệm cho thuê sách ngó sang laboratoire La Thành Nghệ, tới một chút là nhà in Phương Quỳnh của bà Phương Quỳnh như vừa nói trên chuyên in tạp san Đối Diện của linh mục Chân Tín kế bên có tiệm sửa điện lạnh và tiệm giày mà thời đó nghệ sĩ Vân Hùng đoàn Kim Cương thường tới đặt giày. Trước tiệm giày là một fontaine nước công cộng chính nơi đây bắt đầu những ngày tháng cực khổ của chi Gái sau này thành bà chủ của hiệu bánh Như Lan nổi tiếng ở đường Hàm Nghi. Qua fontaine nước có một quán cà phê Hương Xưa tồn tại khoảng hai năm là đến tiệm thuốc bắc. Đầu hẽm 150 có nhà bà Mùi bán bánh cuốn nằm sát với quán cơm; sau quán cơm bị dẹp bỏ và bán cho người khác làm tiệm may Hưng. Kề bên là nhà của ông Minh Ký một căn nhà sập xệ mái lợp ngói âm dương.
                Khu tôi ở có hai tiệm phở: một là phở Nam Hà và một là Đồng Thịnh. Phở Đồng Thịnh của ông Phấn là nghị viên đô thành, ông có người con rễ tên là Lợi bạn học chung với tôi hồi lớp neuvieme ở Marie Curie. Từ quán phở này sang quán phở kia còn có hai căn nhà nữa là một tiệm cầm đồ và một tiệm giặt ủi. Em trai của chủ tiệm cầm đồ có một xe bán sinh tố nằm phía trước tiệm. Cũng phía trước này có một quán bia box, nơi đây các ông công chức thường rủ ra uống bia hoặc chung độ sau mỗi trận đánh boule bên kia đình Xuân Hòa.



  Căn gác 150/30 theo tôi từ năm 1968 đến 1987. Một ký ức khó quên (hình vẽ theo trí nhớ)


                Đầu hẽm 148 có nhà xưa kia của Tạ Vinh một tay đầu cơ thị trường bị xử bắn tại pháp trường cát ở bùng binh Quách Thị Trang thời Nguyễn Cao Kỳ làm ủy ban hành pháp trung ương. Đi tới giáp hẽm 146 và 144 có tiệm hớt tóc Hoàng Lộc và một tiệm thuốc bắc.
               Đối diện khu tôi là cư xá Yên Đổ nơi có các người bạn học cùng trường với tôi như anh Lương Sỹ Tỉnh, bạn Sơn, bạn Dương và những người bạn riêng của tôi là các bạn Thiện, Dũng, Quế.
               Thực ra cái khoảng trời của bọn con nít chúng tôi không chỉ bó hẹp như tôi vừa kể mà nó rộng lớn hơn nhiều trãi dài từ sân Mayer qua trung tâm Đắc Lộ tới vùng Kỳ Đồng và khu chùa Miên. còn bên này qua các con đường Nguyễn Đình Chiểu, Đoàn Công Bữu kéo qua tới cầu Công Lý.  Cái khoảng trời đánh nhớ với các buổi đi bắn chim tận khu hội Việt Mỹ, đường Phùng Khắc Khoan, Mạc Đĩnh Chi hay gần nhất là đường Đoàn Công Bữu. Những giấy phút còn mãi trong ký ức là những trò chơi đánh đáo, tạt lon, ném, năm mười,...Cái không khí sôi động đêm giao thừa đi lượm pháo hay không khí đêm trung thu làm lồng đèn kéo quanh xóm. Những hình ảnh đó ngày nay không còn thấy xuất hiện trong các xóm nữa thay vào đó là khung cảnh im lìm mạnh nhà nào nhà nấy ở. 
             Đây sơ lược quãng đời niên thiếu của tôi ngoài học đường. Còn các bạn quãng dời niên thiếu của các bạn như thế nào? Hãy kể cho tôi nghe với.            

3 nhận xét:

  1. Như vậy tác giả của bài viết này là hàng xóm với PH. Ngày xưa PH ở hẽm 152

    Trả lờiXóa
  2. Tôi đã ở xóm bến Tắm ngựa < đường Champagne > trước đình Xuân Hòa.. có nhà Ông Hộ Thắng... trước là bãi trống có cây điệp tai bèo.... khu này có thể sanh hẻm Leduc ở Mc Mahon.. sau xây cư xá.. Trước đình Xuàn Hòa.. có Ông Lang Tiệp.. người Bắc.. chuyên nấu cao hổ cốt, cao ban long...

    Trả lờiXóa

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...