Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

 

Đây là một ký sự của ông M. Delteil, dược sĩ trưởng của hải quân đã về hưu viết về chuyến du hành của ông đến Nam Kỳ trước năm 1887 (thời gian phát hành bài này). Tôi chỉ lược dịch những phần liên quan tới thành phố Sài Gòn thôi, để cho các độc giả hình dung cái không khí của thành phố trong những thời kỳ đầu hình thành.

 

MỘT NĂM LƯU LẠI TẠI NAM KỲ:

HƯỚNG DẪN CHO KHÁCH DU LỊCH ĐẾN SÀI GÒN

 

M. Delteil

 

 

 


CHƯƠNG HAI

 

TÓM TẮT. .- Đến Sài Gòn.- Khách sạn Favre. - Làm thế nào để tìm chổ ở và tiện nghi ở Sài Gòn – Giặt ủi – may mặc – đóng giầy – thăm chính quyền - Ông Le Myre de Yillers, cách thức ông tiếp đón – mô tả thành phố - tiệm ba za – khu vườn thích nghi khí hậu – đại lộ Norodom – thánh đường – dinh toàn quyền – đường Catinat – Những ngôi nhà – tháp nước.

Chuyến đi du khảo ở Gò Vấp – điều tra thực địa Chợ Lớn – dòng người Tàu  lễ trong chùa – viếng đồn Cây Mai – những khu vườn trồng rau – trở về Sài Gòn

 

Đã được báo trước một ngày tại Sài Gòn, bởi văn phòng điện báo của mũi Saint-Jacques, chúng tôi được chờ đợi bởi các đồng nghiệp và bạn bè đến bên tàu Oxus để chào đón chúng tôi và sẵn sàng hướng dẫn và đưa chúng tôi đến nơi ở. Chúng tôi cùng hành lý xuống một chiếc ghe tam bản, một loại ghe nhỏ điều khiền bời một người An Nam và con gái của ông; đưa chúng tôi vượt kênh Tàu Hủ, một nhánh của sông Sài Gòn chia cắt hảng Messageries và thành phố (thời gian này chưa có cầu quay nối Khánh Hội với thành phố.N.D) và đưa chúng tôi lên bờ tại bờ kè có nhiều băng đá nơi đó có một cột cờ được dựng lên (Cột cờ Thủ Ngữ). Nơi đây được biết với cái tên thân thuộc là điểm của những kẻ tán dóc (Pointe des Blagueurs); là nơi thường xuyên vào mỗi buổi chiều tôi, sau buổi ăn, những người đi dạo đến để hít thở không khí trong lành của dòng sông và tham dự những chuyến đi không ngừng của những chiếc thuyền đưa họ đến Chợ Lớn, thành phố người Tàu, nơi có nguồn hàng hóa phong phú. Từ đó chúng tôi leo lên một loại xe địa phương, như một cái hộp vuông được kéo bởi con ngựa nhỏ ốm nhom do người Tàu lái và không biết một chút tiếng Pháp nào cả. Muốn di chuyển bên phải hay trái hoặc đằng trước. anh ta chỉ cần đập cây gậy vào lưng con ngựa. Những người mới đến, thường nghỉ rằng sẽ có người hướng dẫn trong xe, thường rất bối rối khi giao phó cho những người xa lạ này, nên họ bị lợi dụng bởi sự ngây thơ để đưa họ đi lung tung rồi tính tiền giờ thật nhiều vào.



Kênh Tàu Hủ nhìn từ sông Sài Gòn

Chúng tôi băng qua một phần của cảng Commerce (Bến Bạch Đằng), ở cuối đường Catinat và xuống xe tại khách sạn Favre, một dạng trạm dừng cho du khách theo kiểu các khách sạn của Tích Lan (Skrilanca) và Singapore. Khách sạn này là một sự quan tâm thực sự cho du khách; đó là khách sạn duy nhứt của thuộc địa chúng tôi có cơ ngơi được ưa thích và hiểu biết ý của du khách. Cái người đã lập bảng thiết kề và xây dựng hẳn là một đầu bếp lành nghề và một nhà tổ chức xuất sắc. Ông nghĩ rằng, vì số lượng đáng kể du khách quân sự hoặc dân sự đến thuộc địa, mỗi năm cần phải thiết lập ở Sài Gòn không chỉ là nơi nghỉ dường tạm thời trong những ngày đầu tiên, mà còn là một khách sạn phù hợp có khả năng giữ lại những người độc thân và vãng lai, cung cấp cho họ các phòng lớn và được trang bị tốt, một bàn ăn tuyệt vời, một nơi gặp gỡ và một dịch vụ được thực hiện tốt. M. Favre đã thành công trong việc hiện thực hóa ý tưởng này; và, sau một vài năm, các quan niệm này đã thành công đến nỗi ông ấy đã trổ về Pháp về một tài sản nhất định, để lại cho người kế nhiệm của ông ấy một cơ sở thịnh vượng hoàn toàn.

( - Ông Delteil ghi trong sách ông là “Hôtel Favre” nhưng theo Niên giám Nam Kỳ thuộc Pháp (“Annuaire de la Cochinchine française”) các năm 1879, 1880, 1881 thì có ghi là “Hôtel Fave” (khách sạn Fave) trên đường Catinat chứ không phải Favre. Và người điều hành khách sạn là ông A. E. Fave (hôtelier, restaurateur). Đến năm 1881 thì khách sạn Fave là do ông Laval quản lý và niên giám năm này có ghi ông A. E. Fave làm bánh mì (boulanger) ở đường Catinat và đường Bonnard. Như vậy thì ông Delteil đã ghi lầm Fave thành Favre. Theo ông Fabiani (22) trong hồi ký xuất bản năm 1878 thì khách sạn “Hôtel Fave” (ghi đúng là Fave) là khách sạn tiện nghi, đẹp, có vườn và thiết kế qui cũ. Các phòng đều rộng rãi, có nước, phòng tắm. Khách sạn do ông Élisée Fave thiết kế và được xây bởi các ông Bazin, Cazaux và Salvaire dưới thời của chuẩn Đề đốc (Contre-Amiral) Duperré trên một nền đất đầm lầy mà mọi người cho là khó xây dựng được. Niên giám Nam Kỳ 1876 ghi các ông François Bazin là thầu (entrepreneur), ông Cazeaux là thợ thiếc (ferblantier) và ông Salvaire làm đèn (lampist) trên đường Catinat.

- Ngoài khách sạn “Hôtel de l’Univers” ở đường Turc, một khách sạn lớn, tiện nghi trên đường Catinat vào những năm của thập niên 1870 và 1880, trước khi có khách sạn Continental là khách sạn “Hôtel Fave”. Khách sạn Fave là nơi đầu tiên mà những viên chức quân, dân sự từ Pháp mới đến Sài Gòn làm việc hay lập nghiệp đến tạm trú ngụ trước khi kiếm được nhà riêng. Theo ông Arthur Delteil (20), nhà dược học người Pháp, ghi lại (7) khi ông đến Sài Gòn năm 1882 thì khách sạn Fave gồm 3 tầng: tầng trệt là nhà ăn có các quạt “panca” trên trần nhà, hai tầng trên là các phòng, mỗi phòng đều có nước “robinet” và vòi sen (một tiện nghi lúc bấy giờ). Khách sạn được ông Fave xây, và với sự thành công của khách sạn, ông đã trở nên giàu có khi trở về Pháp (21).

Cũng theo ông Delteil thì khách sạn Fave ở trên đường Catinat, chiếm hầu hết không gian giữa đại lộ Bonnard và đường d’Espagne. Đối diện với khách sạn Fave là phòng bán đấu giá các bàn ghế, giường tủ… rất tiện lợi cho những ai muốn có hay mướn được nhà riêng đến để mua trang bị cho nhà mới. Hiện nay vẫn chưa xác định chính xác được “Hôtel Fave” ở đâu (ở vị trí cũ của khách sạn Continental, góc đường Catinat và đường d’Espagne hay cạnh đó?).

Nguồn: Nguyễn Dức Hiệp- Đường Catinat đầu thế kỷ 20)

Khách sạn Favre chiếm gần như toàn bộ phần của đường Calinat giữa đại lộ Bonard và đường d' Espagne (Lê Lợi và Lê Thánh Tôn). Khách sạn nằm ở trung tâm thành phố, trên con đường nhộn nhịp buôn bán sầm uất và gần bến cảng và các điểm vận chuyển của Messageries và vận tải chiến tranh. Ở tầng trệt có một phòng bi-a, một nhà hàng lớn cho những người muốn ăn một mình hoặc cho các nhóm nhỏ, và hai hoặc ba phòng ăn nhỏ khác cho khách trọ tháng. Trong bữa ăn, khách được làm mát bằng sự di chuyển chậm chạp của những chiếc Panca khổng lồ đặt trên đầu họ, hoạt động như những chiếc quạt khổng lồ. Biệt thự bao quanh ngôi nhà từ phía trước và từ phía sau. Những mái hiên bao bọc khách sạn từ trước ra sau. Tầng thứ nhất và thứ hai chiếm từ 50 đến 60 phòng. Một hành lang rộng, thông thoáng, ngăn cách các phòng thành hai hàng, một hàng nhìn ra sân và một hàng nhìn ra đường. Đó là những phòng rất đắt và được đặt chổ nhiều nhất. Các phòng được xây dựng và trang bị theo một kiểu cách thống nhất, không sang trọng, nhưng luôn có sự hài hòa nhất định. Bên cạnh mỗi hàng là một phòng tắm có vòi sen, bồn tắm và rô bi nê mà bạn chỉ phải xoay để lấy nước sạch. Sự lắp đặt này là một nét thiên tài của người thiết kế khách sạn, vì thực tế, cạnh bạn, chỉ có tầm tay, bất cứ lúc nào ở một nơi nóng như Sài Gòn. Nước được sử dụng tùy thích tha hồ dưới các dạng tắm, vòi sen, rửa lạnh, tạo thành một niềm vui mà không thể so sánh với bất kỳ việc gì! Khi trong cái nóng ngột ngạt của tháng Tư và tháng Năm, nhiệt kế vẫn ở mức 31 độ. Ngày cũng như đêm, niềm vui thể chất lờn nhứt là được đắm mình trong làn nước lạnh, tạo thành một sự tiêu hao năng lượng kéo dài đủ lâu để mang lại sự thư giãn và hạnh phúc trong vài giờ. Chính sự tắm rửa với nước lạnh này giúp bạn vượt qua những tháng nóng nhất trong năm mà không phải căng thẳng bực dọc.

Việc mưu cầu cho sự thoải mái cho các khách trọ đã tạo ra nhiều điều hơn cho việc thành công của khác sạn. Ngoài ra, nhiều sĩ quan đã không ngần ngại cư trú ở đó trong suốt thời gian họ ở Nam Kỳ, thay vì ra ở tại những ngôi nhà riêng, bắt buộc phải bày biện tiện nghi, phục vụ ít hơn tại khách sạn và chắc chắn không đáp ứng các tiện nghi như tôi vừa nói đến.

Giá của các phòng là từ 13 đến 15 piastres (65 đến 75 fr.). Về tiền thuê, đây là một mức giá rất phải chăng cho các sĩ quan đến phục vụ tại Nam Kỳ và có mức lương thường khá cao. Đó là 30 piastres mỗi tháng (150 fr.): Rượu, nước đá, cà phê, rượu mùi, 10 món ăn để lựa chọn và dịch vụ đi kèm.



Tôi quyết định ở lại khách sạn và thuê ở đó hoàn toàn trong suốt thời gian tôi ở Sài Gòn, Những người thích sống ở thành phố và đặt mình vào vị trí đặc biệt của họ khi được tha hồ lựa chọn. Họ có thể tìm thấy, trung bình từ 75 đến 100 fr. mỗi tháng, cho những ngôi nhà nhỏ hoặc nhà lớn hơn một chút thì từ 125 đến 150 franc; người ta lấy chúng cả hai để trả ít hơn. Mỗi một gia đình có nghĩa vụ phải đặt ít nhất 100 fr. trong tiền thuê nhà Vì việc cho thuê các tòa nhà rất có lời ở Sài Gòn, những người kiếm được tiền từ việc kinh doanh hoặc có một số vốn nhỏ thường đầu tư vào những ngôi nhà mà họ xây hay mua để cho thuê. Họ đảm bảo thu nhập từ 10 đến 12%. do đó khá dễ dàng để tìm chỗ ở khi bạn không muốn sống trong khách sạn.

Bạn phải có nhiệm vụ phải tự trang bị cho ngôi nhà và thực hiện các chi phí bày biện ban đầu. Trong trường hợp này, chúng tôi rẽ vào phòng đấu giá trên đường Catinat, nằm đối diện khách sạn Favre. Bạn có thể tìm thấy, rất rẻ, đồ nội thất, giường, bát đĩa, vv, từ những người đã rời khỏi thuộc địa. Đối với những chiếc ví ít tiền hơn, tôi khuyên đến các cửa hàng Tàu ở đường Catianat chuyên bán giường và ghế bằng tre với giá rẻ không đáng kể. Thật nhẹ, chắc và sử dụng tốt. Nếu bạn không kén chọn, bạn ngủ trên một chiếc nệm Cam Bốt, có thể gấp lại cho mỗi chuyến đi; giường phải trang bị một cái mùng và là tất cả để có khi đi ngủ.

Vấn đề lớn sau đó là có được một người giúp việc và một đầu bếp, nếu bạn ăn ở nhà. Người giúp việc nói chung là người An Nam; rất đắt, từ 30 đến 40 fr. mỗi tháng, kể cà nuôi ăn, và không có giá trị nhiều. Đó là những chàng trai trẻ từ 18 đến 20 tuổi được gọi là bồi (boy), họ lười biếng, hầu như luôn là kẻ trộm, chúng ta phải thay đổi họ mọi lúc. Đầu bếp thường là người Tàu: có giá 40 hoặc 50 fr. mỗi tháng. Chúng tôi hầu như luôn hài lòng với họ và họ nhanh chóng tìm hiểu về thói quen của ẩm thực châu Âu và thị hiếu của những người mà họ phục vụ. Chỉ có họ là không thích bị làm phiền trong công việc của mình. Vào buổi sáng, chúng ta đưa tiền cho anh ta đi chợ và chúng ta nói với anh ta: "Với số tiền này, anh sẽ mua cho tôi bánh mì và thức ăn để làm cho tôi ăn ngon." Anh ta luôn xoay sở với số tiền bạn đưa cho anh ta và để cung cấp cho bạn một bửa ăn tốt với giá tương đối thấp. Bạn không bao giờ tính toán với anh ta; nếu có sự khác biệt có lợi cho anh ta, thì đó là việc của anh ta.

Trong một gia đình có con nhỏ chúng ta thường cần một người nữ nuôi trẻ. Có những người khá giỏi ở Sainte-Enfance, họ được các xơ đào tạo, biết may vá, làm việc và nói tiếng Pháp. Thật không may, vì họ trông xinh đẹp, họ thường suy xét không tốt, như thường xuyên xảy ra ở Pháp cho các cô gái cùng loại. Tuy nhiên, tôi nghe nói rằng dịch vụ của những người nuôi trẻ này không tệ. Chúng tôi hài lòng bất cứ điều gì tốt hơn.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, tôi đã nhận được chuyến thăm của một số người Tàu đến để cung cấp cho tôi dịch vụ của họ: đó là tiệm giặt ủi, thợ may, thợ đóng giày, v.v. Mỗi người trong số họ tự giới thiệu hoạt động cơ sở họ cho sự quan tâm của những người mới đến. Trung bình một lần thuê là 12 fr. 50 c, người giặt có trách nhiệm giặt và ủi tất cả đồ giặt có khả năng bị bẩn trong tháng. Và Chúa có biết nếu chúng ta có thay đổi vải lanh thường xuyên ở một đất nước mà chúng ta hầu như luôn đổ mồ hôi này không!

Ở Sài Gòn, việc giặt giũ do đàn ông đảm trách. Thừ nhìn ở đường Catinat, nơi chủ yếu các nghiệp đoàn loại này đang hoạt động, các thợ thủ người Tàu tiến hành ủi vải lanh; đó là một hoạt động ban đầu xứng đáng được mô tả. Người thợ ủi ngậm đầy miệng anh ta bằng hỗn hợp nước và tinh bột và anh ta phun bằng đôi môi của mình, tạo một làn sương rất mịn của chất lỏng này trên chiếc áo nằm trước mặt anh ta; rôi từ từ sau đó anh ta lướt qua phần này bằng một loại xoong có cán chứa đầy than đỏ. Với các kiểu cách nguyên thủy và lò sưởi đơn giản như vậy, vải lanh được ủi thẳng một cách đáng kinh ngạc và màu trắng rực rỡ.

Đối với quần áo và giày dép, người Tàu sản xuất cho bạn với giá rẻ đến mức không cần mang từ Pháp một loại trang phục như vậy để dùng cả. Nào thử đánh giá! Một bộ quần áo hoàn chỉnh kiểu flannelle (bằng len hay bông) màu xanh nhạt, bao gồm quần, áo ghi lê và áo veston không có giá hơn 40fr., bao gồm vải cùng kiểu cách. Về phần mình, các thợ đóng giày Tàu làm cho bạn một đôi giày vải màu đen, mềm mại và mới toanh với giá chỉ 5 fr. Phải không, nếu bạn thích, thanh lịch và tinh tế; nhưng nó lại thuận tiện và hoàn toàn liên quan đến các yêu cầu của khí hậu. Tuy nhiên, các thợ may và thợ đóng giày Tàu không chịu đi vào những sáng tạo phóng túng và cách cắt may có nghiên cứu; vì họ không có khả năng đó. Họ chỉ sao chép một cách mù quáng những mô hình mà bạn cung cấp cho họ. Chính sự bắt chước này mà tham vọng của họ luôn bị giới hạn. (Lời nhận xét của tác giả cả trăm năm trước vẫn đúng cho tới nay)

Bộ đồ vải flanelle và nón kiểu lô hội nói chung tạo thành loại trang phục được mặc bởi phần lớn người châu Âu ở Sài Gòn. Một số người trẻ tuổi đã áp dụng kiểu thời trang của các sĩ quan Anh ở Ấn Độ và Singapore và là ở chổ mặc trực tiếp trên da những chiếc áo khoác trắng được cài nút từ trên xuống dưới, cái này thay đổi vào mỗi buổi sáng và trừ chiếc áo  Đó là cách ăn mặc giảm đến mức cần thiết.

                                                                                             (Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...