200 năm trước tàu Mỹ tới Sài Gòn:
Mối giao tình dang dở
Mối giao tình dang dở
Giá mà sau ngày chiến thắng Tây Sơn
và thống nhất non sông, cả Gia Long và Minh Mạng cùng triều thần đừng “bế quan
tỏa cảng”, đừng “ức thương” thì khách giao thương như người Mỹ không phải thất
vọng. Nhất là sau đấy, dân tộc không phải đau buồn vì nước nhà yếu kém không
chống lại được quân xâm lược.
Tấm bản đồ cổ khổ A3 mỏng manh được đặt trong chiếc bìa kiếng
trong suốt. Người thủ thư ở phòng bản đồ Thư viện Đại học Yale cẩn thận trao
cho nó cho tôi với một nụ cười tin cậy.
Đó là một buổi chiều tháng 4 năm 2016, nhân đi dự hội thảo Biển
Đông tại Yale, tôi đề nghị thư viện trường cho tôi một đặc ân: được xem bản gốc
bản đồ “City of Saigon” in năm 1820! Đây là bản đồ Việt Nam duy nhất được giới
thiệu trong sách “Những tấm bản đồ xưa nhất của Đông Nam Á” (Thomas
Suarez, 1999), quyển sách mà tôi mua được ở Singapore từ nhiều năm nay. Không
ngờ có ngày tôi được cầm trên tay tấm bản đồ của thành phố mình tại chính nơi
xuất xứ bên kia bờ đại dương.
Tác giả và tấm bản đồ gốc - Sài Gòn 1820 tại thư viện Đại học
Yale tháng 4.2016. Ảnh: TL
Chao ơi, trang giấy croquis xưa vẫn còn nguyên nét mực đen sắc
sảo. Tấm bản đồ vẻ thật chi tiết một đường sông ngoằn ngoèo, uốn khúc từ biển
vào đến một dãi đất bao la. Tại đấy, ở góc phải bên trên bản đồ, dưới kính lúp,
tôi trông thấy rõ nét một tòa thành mang hình ngôi sao nhiều cạnh. Xung quanh
tòa thành là những con đường dọc ngang thẳng tắp và những ký hiệu làng mạc, nhà
cửa, cây xanh, ruộng đồng chi chít. Tác giả bản đồ là thuyền trưởng John White,
ở bang Massachusetts, một trong những người Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn và Việt Nam
vào đầu thế kỷ XIX.
Ngoài bản đồ, sau chuyến đi ông còn viết một quyển sách với gần
400 trang xuất bản ở Boston năm 1823, mang tên A history of a
Voyage to the China Sea - Lịch sử một chuyến đi đến biển Trung Hoa.
Quyển sách này hẳn gây một sự chú ý lớn ở phương Tây - vào thời điểm đang háo
hức khám phá châu Á, nên ngay sau đó, năm 1824, sách được tái bản tại London
với nhan đề cụ thể hơn: A Voyage to Cochinchina - Một
chuyến đi tới Nam Kỳ.
Chữ Sài Gòn là tên thành phố được John White
dùng xuyên suốt trong quyển sách của mình. Trong sách còn có hai bức tranh
trắng đen vẽ cảnh Sài Gòn và một con tàu của nhà Nguyễn (1). Cả
tấm bản đồ và quyển sách đều trở thành cánh cửa quý báu dẩn chúng ta đi ngược
lại thời gian, ngắm xem Sài Gòn 200 năm trước và cuộc giao tình Việt Mỹ đã bắt
đầu như thế nào.
Thành Gia Định thân thiện và uy nghi
Buổi sáng hôm ấy - ngày 7.10.1819, nhật ký hải trình của John
White ghi có có mưa nhẹ. Hai con tàu buồm to lớn mang lá cờ lạ lẩm - sao trắng
và vạch đỏ, từ Cần Giờ bắt đầu đi vào sông Bình Giang (tên xưa của sông Sài
Gòn). Cả hai được phép cập bến tại bán đảo Thủ Thiêm, đối diện dãy phố Bến Nghé
của Thành Gia Định - tên chính thức của Sài Gòn.
Bức tranh đầu tiên trong sách của John White đã miêu tả khung
cảnh thanh bình hai bên bờ sông. Đó là cảnh thuyền buồm và ghe chèo đi lại tấp
nập. Những người dân địa phương đội nón lá xoay tròn, có chóp nhọn xinh xắn.
Dọc bờ sông là những căn nhà lá hiền hòa.
Trên bờ Bến Nghé có một tòa nhà mái ngói xòe rộng. Điểm xuyết
chung quanh thành phố là những cây dừa cao, ruộng đồng và chân trời bát ngát.
Có lẽ trong mắt người Mỹ xa xăm, ngay từ giây phút “chạm ngõ”, Sài Gòn đã mang
đến một cảm giác vui tươi, dễ mến.
Một phần bản đồ City of Saigon 1820
và hình vẽ con tàu Franklin của Iohn White (ảnh ghép - PT).
Sau 48 giờ chờ đợi, ngày 9.10, một ngày nắng ráo, đoàn
khách Ma Ly Căn (phiên âm Hán Việt từ American trong sử nhà
Nguyễn) được mời xuống thuyền nhỏ sang sông, bước qua thành phố lớn. Thuyền
trưởng John - 37 tuổi, đi cùng các sĩ quan trong bộ quân phục lạ lẩm và oai vệ.
Phiên dịch của đoàn là một thủy thủ biết nói tiếng Bồ Đào Nha.
Các quan nhà Nguyễn lúc đó không có người giao dịch bằng tiếng Anh. Xem ra,
người Bồ, người Hà Lan và người Pháp là người phương Tây đến Việt Nam thời ấy
nhiều nhất. Hai con tàu Franklin và Marmion của thuyền trưởng John White chính
là những chiếc tàu Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn và sẽ lưu tại đây đến bốn
tháng (2).
John ghi lại, 9 giờ sáng hôm đó, trong ánh nắng thiêu đốt, vẫn
có đông đảo người dân Gia Định - từ hàng trăm ghe thuyền và các phố phường dọc
bờ sông, tụ tập ngắm nhìn đoàn khách da trắng. Mùi cá khô và có lẽ là mùi nước
mắm từ các ghe thuyền - John viết một cách hóm hỉnh, “vẫy chào” (salute) đoàn
khách.
Theo John ký âm, người dân reo hò: don-ong-olan,
olan ben tai! Phải chăng là “đàn ông Ô-lăng” và “Ô-lăng bên Tây”? Chữ
Ô-lăng là phiên âm của Holland - Hà Lan, đất nước đã buôn bán với
cả Đàng Trong và Đàng Ngoài từ thế kỷ XVII. Một số người dân còn hồn nhiên sờ
vào quần áo hay chạm tay vào trang phục mới lạ của khách.
Từ bến tàu, đoàn bắt đầu đi bộ qua một ngôi chợ bề thế (great
bazar) đầy ắp nông sản và các loại hàng hóa. Tiếp theo chợ, là một con phố
san sát nhà gỗ, nhà ngói một tầng, có sân nhỏ phía trước. Và rồi, đoàn đi đến
một chiếc cầu đá dẫn vào cổng thành phía Đông Nam.
Có lẽ đoàn khách Mỹ đã đi qua Chợ Vải (chính là chợ Bến Thành
Xưa ở vị trí kho bạc ngày nay) và đi dọc con kênh - cũng mang tên Chợ Vải (nay
là đại lộ Nguyễn Huệ). Từ đó khách rẽ qua con đường chạy dọc chân thành Gia
Định (đường Lê Thánh Tôn) để đến cổng Ly Minh - địa danh xưa là Đồn Đất, nay là
vị trí bệnh viện Nhi Đồng 2.
Qua cổng thành, đoàn khách Mỹ được dẫn vào khu trung tâm. Tại
đấy, có một cung điện đồ sộ với nhiều bậc thang dẫn lên bằng gỗ. Đó chính là
nơi ở của vua Gia Long trước đây. Gần cung vua là cung hoàng hậu và các con
vua. Người hướng dẫn cho John biết nơi này bây giờ dùng làm Văn khố, nơi lưu
trữ công văn và các ấn triện.
John nhận ra trên mái ngói các cung điện là các tượng rồng và
các linh vật Á Đông. Đoàn khách Mỹ còn trông thấy một tòa tháp canh đồ sộ, có
tầng lầu vuông vức, bên trong là một đại hồng chung. Kế đến, đoàn khách được
đưa đến dinh Tổng trấn cũng là một tòa nhà uy nghi, sang trọng với nhiều cột
nhà sơn son bóng loáng mỹ lệ - John gọi là Rosewood. Khi ra về,
đoàn khách còn đi ngang một pháo đài trên mặt thành, nơi đặt nhiều đại bác lớn
nhỏ (3).
Miếng trầu làm đầu câu chuyện
Lê Văn Duyệt, bậc khai quốc công thần của Triều Nguyễn, là Tổng
trấn Gia Định từ năm 1812. Song, trong ngày đầu tiên thăm viếng, đoàn khách Mỹ
đã không gặp được Lê Văn Duyệt. Vào thời điểm ấy, từ năm 1815, Lê Văn Duyệt đã
được vua Gia Long triệu hồi về Huế, đảm đương nhiều việc quốc gia đại sự.
Thay cho Lê Văn Duyệt, quan Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức là người
tiếp đoàn. Ông ân cần hỏi thăm sức khỏe các khách Mỹ, hỏi chuyện chi tiết hành
trình từ Mỹ đến Việt Nam. Đoàn khách được mời uống trà, ăn mứt và kể cả dùng
trầu. Miếng trầu là đầu câu chuyện.
Trong các cuộc gặp gỡ sau này, khách Mỹ đều thấy trầu được người
Việt Nam dùng nhiều như thuốc lá ở phương Tây. Không rõ John White và các vị
khách có thử dùng trầu hay không nhưng câu chuyện trao đổi với chủ nhà đã diễn
ra suôn sẻ. Thuyền trưởng John cho biết, nước Mỹ tân lập - tuy ở rất xa vẫn
mong muốn buôn bán với Việt Nam. Họ đã nghe tiếng Việt Nam nổi tiếng về gạo và
nhiều loại nông sản khác.
Lần này, hai tàu Mỹ muốn mua nhiều nhất là đường thô và tơ lụa
với số lượng lớn. Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức cho biết sẽ trình báo ngay cho
triều đình Huế các đề nghị này. Trong lúc chờ đợi, ông cho phép đoàn khách Mỹ ở
lại Sài Gòn để tìm hiểu hàng hóa và sinh hoạt địa phương.
Các ghi chép của John về những ngày tiếp theo cho thấy các khách
Mỹ được đi lại thoải mái trong thành phố. Họ đã đi thăm nhiều đền chùa và nhà
thờ (4) và được tự do tiếp xúc với dân và cả những người
nước ngoài hiếm hoi sống tại Sài Gòn. Bao gồm hai cố đạo người Ý và một nhà
buôn đến từ Macao. Khách Mỹ còn được Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức và các quan
chức khác mời đến nhà chơi.
Tại đây, lần đầu tiên người Mỹ dùng thử và mê ngay thứ rượu làm
từ gạo mà John gọi là whiskey Việt Nam - rượu đế. Để đáp lễ,
đoàn khách Mỹ mời các quan chức Việt Nam lên tàu Mỹ cũng như mời đến nhà trọ
của mình để thưởng thức ẩm thực Mỹ và phương Tây. Điều lý thú, một vị quan địa
phương đã cho John xem một chai mù-tạt made in England đã dùng
xong và cho biết vua Gia Long rất thích mù-tạt châu Âu.
Quân phục sĩ quan hải quân Mỹ đầu thế
kỷ XIX. Ảnh: TL
Đáng chú ý hơn cả, đoàn được đi thăm một cơ sở quân sự quan
trọng - Xưởng Chu Sư, sau này là công xưởng Ba Son, nơi sửa chửa và
đóng tàu chiến của triều đình. Những cuộc thăm viếng và đi lại kể trên cho thấy
chính quyền Gia Định hiếu khách và cởi mở. Mặt khác, nó còn là bằng chứng về
việc e dè và nghi ngại người nước ngoài trong thời Gia Long chưa diễn ra. Cũng
có thể nước Mỹ là “xứ lạ”, lần đầu tiếp xúc với Việt Nam nên được chính quyền
cả trung ương và địa phương có phần "biệt đãi" chăng?
Sài Gòn phồn thịnh, quy hoạch đâu ra đó
Trong thời gian lưu lại Sài Gòn, đoàn khách Mỹ vẫn có may mắn
được gặp Lê Văn Duyệt khi ông từ Huế trở lại Gia Định trong ít ngày. John đã hỏi
dò vị “Phó Vương” và các cha xứ Ý về dân số Việt Nam và Sài Gòn. Qua đó, John
được biết cả nước ước chừng có từ 10 - 14 triệu dân. Riêng Sài Gòn có hơn 180
ngàn dân, trong đó có mười ngàn người Hoa.
Đây là một con số lớn đáng kể so với dân số thành thị nhiều nước
Á Đông và ngay cả ở Mỹ thời ấy. Theo John ghi chép, dân cư Sài Gòn sống tập
trung ven sông và các kênh rạch. Nhà dân có đủ nhà lá, nhà sàn các kiểu. Người
giàu ở trong các nhà sàn lớn hoặc nhà ngói khang trang.
Đường sá trong thành phố đan xen thẳng thớm, nhiều đường khá
rộng. Dọc theo bờ kênh hướng về miền Tây có một loạt nhà kho to lớn, nơi thuyền
chở gạo lên xuống nhộn nhịp. Phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn (Tân Bình, Tân Phú,
quận 10 và 11 hiện giờ) là đất trống mênh mông. Có một khu lớn là đất cho nghĩa
trang - John ghi hẳn trên bản đồ: cemetery. Dọc con đường ra phía
Tây, hàng loạt cây Palmaria - loại cây cọ, cây dừa nước được
trồng thẳng tắp, ngay ngắn làm John liên tưởng đến những đại lộ viền đầy cây
xanh của Paris. Ông nhận xét cây Palmaria dường như là cây ưa
thích nhất của người dân Việt vì dọc theo các bờ kênh đều trồng loại cây này.
Là một sĩ quan hải quân, John đặc biệt quan tâm đến xưởng Chu Sư
và cho biết mình đến thăm nơi đây nhiều lần. Ông miêu tả bến tàu hải quân và
thủy xưởng đặt bên một con rạch lớn ở phía Đông Bắc thành phố - rạch Thị Nghè.
John chứng kiến thủy xưởng đang đóng hai chiến hạm theo kiểu châu Âu với sự
giám sát của các chuyên gia Pháp.
John cho rằng quy mô và phương tiện thủy xưởng này không khác
các xưởng đóng tàu ở châu Âu. Điều làm John ngạc nhiên và thích thú cho rằng gỗ
teak - gỗ đóng tàu của Việt Nam cực tốt, hàng đầu thế giới. Không biết có quá
lời chăng nhưng John khen người Việt Nam là most skilful naval
architects - những kiến trúc sư hải quân khéo giỏi nhất.
John ghi nhận lợi thế của Sài Gòn là thông thương với biển dễ
dàng, đường sông uốn khúc nhưng sâu rộng. Mặt khác, Sài Gòn còn có nhiều đường
kênh rạch đi ra các đồng bằng chung quanh và dẫn đến Campuchia. John ghi nhận
hơn 26.000 người đã được huy động để đào một con kênh to lớn thông Sài Gòn với
phía Tây, có lẽ là kênh Bến Nghé, còn gọi là kênh Tàu Hũ.
Đáng chú ý hơn nữa, John nhận xét tòa thành Gia Định - thành Quy
mà ông gọi là Military City - thành phố nhà binh, thực sự là
một công trình phòng thủ vững chắc. Nó có nhiều pháo đài, nhiều đại pháo
và có thể chống đỡ lâu dài với các đội quân châu Âu! Thật trớ trêu, chỉ 16 năm
từ khi John rời Sài Gòn, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (cố thủ 3 năm 1833 -
1836 trong thành), vua Minh Mạng đã cho phá bỏ thành Quy để xây thành Phụng với
quy mô nhỏ hơn. Có thể đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng về kỹ
thuật quân sự làm cho thành Gia Định thất thủ nhanh chóng trước cuộc tấn công
của người Pháp, vào năm 1859.
Giao thương khó khăn
John White còn ghi chép nhiều điều cụ thể và thú vị về Sài Gòn
cũng như người Sài Gòn. Tuy nhiên, John và đoàn khách Mỹ đến Việt Nam không
phải để du lịch hay khảo sát dân tộc học. Mục tiêu duy nhất của đoàn là khảo
sát kinh tế và tìm cách khởi động mua bán. Sau một thời gian ở Sài Gòn, đoàn
khách Mỹ còn được ra Đà Nẵng và Huế để gặp gỡ chính quyền trung ương và sau đấy
trở lại Sài Gòn để lấy hàng.
Song, cuộc giao thương qua ghi chép của John White, đáng tiếc
vẫn gặp nhiều trắc trở.
Trước nhất là vì đoàn đến không mang theo “quốc thư” của Chính
phủ Mỹ, cũng không có người trung gian giới thiệu nên không có cuộc đàm phán
chính thức nào về quan hệ buôn bán giữa hai nước. Kế đến, mọi việc mua bán dù ở
góc độ thương nhân cũng phải qua duyệt xét của vua và triều đình Huế nên càng mất
thời gian chờ đợi.
Thêm nữa, việc chuyển đổi đồng tiền khá phức tạp. Ở Việt Nam chỉ
thông dụng đồng bạc Tây Ban Nha, do vậy khách Mỹ phải chuyển đổi từ đô la Mỹ
sang tiền Tây ban Nha, rồi mới đến tiền Quan của nước chủ nhà. Hai bên không
nhất trí ngay được tỷ giá, phải thương thảo nhiều lần. Trong lúc ấy, việc phiên
dịch phải thông qua tiếng Bồ Đào Nha và cũng không có người dịch chuyên nghiệp.
Mặc dù vậy, trở ngại giao thương lớn nhất chính là thủ tục mua
bán và tập quán làm việc của hai bên không giống nhau. Đầu tiên là việc quan
nhà Nguyễn tính “thuế neo thuyền” theo kích thước hàng hóa mà tiêu chuẩn thước
đo không nhất quán. Giữa khách và chủ phải thảo luận nhiều lần (có lẽ “tục
du di” trong khai báo hải quan thời hiện đại đã có nguồn gốc từ đây chăng!).
John còn thấy rất phiền hà khi các quan thương chánh lên tàu cứ
hay đòi xem “lễ vật” và ngỏ ý muốn có… quà. Ngoài ra, việc mua bán lại thực
hiện theo kiểu “giao kèo miệng”, giá cả lên xuống tùy hứng. Đằng sau các trở
ngại ấy, còn có một thực tế cay đắng là Việt Nam vào thời đó chưa có nhà buôn
chuyên nghiệp, chưa có thương mại tự do. Các khách Mỹ chỉ gặp được các lái buôn
trung gian là một vài người Hoa, hầu như họ độc quyền mua bán nhưng chính họ
cũng không có sẳn nguồn hàng lớn. Trong khi đó, nhà Nguyễn không có cơ quan
chuyên trách buôn bán và xuất khẩu.
Triều đình khi gặp khách Mỹ cũng như khách phương Tây chỉ đặt
mua vũ khí và vật dụng cho nhà vua!
Tranh vẽ Sài Gòn trên bến dưới thuyền
trong sách của John White.
Đọc những chi tiết này trong sách John White, tôi càng thương
cảm, nhớ lại cảnh giao thương hạn hẹp, nhiều oái ăm của Việt Nam trong thời kỳ
bị “bao cấp” và bị “cấm vận” (1975 - 1995). Giá mà sau ngày chiến thắng Tây Sơn
và thống nhất non sông, cả Gia Long và Minh Mạng cùng triều thần, đừng “bế quan
tỏa cảng”, đừng “ức thương” thì khách giao thương như người Mỹ không phải thất
vọng. Nhất là sau đấy, dân tộc không phải đau buồn vì nước nhà yếu kém không
chống lại được quân xâm lược. Giá mà Việt Nam sớm giao thương với Mỹ và thế
giới phương Tây công nghiệp thì lịch sử chắc chắn sẽ đổi khác như nước Nhật
thời Minh Trị.
Ngày 1.2.1820, hai con tàu Mỹ rời Sài Gòn về Mỹ mang theo một số
đường thô và lụa mua được, sau mấy tháng kiên nhẫn tìm kiếm. Đoàn còn mang theo
quà tặng của Sài Gòn là những bộ trang phục địa phương, giống lúa cao sản nổi
tiếng của Nam kỳ và cả một chú cọp con. Rất tiếc, hạt giống lúa và chú cọp trên
đường về Mỹ xa xăm đã không giữ được. Càng tiếc hơn nữa, mối giao tình mới mở
đầu giữa hai nước đã không nảy nở tiếp. Từ tháng 3.1820, vua Gia Long qua đời,
vua Minh Mạng lên ngôi, cánh cửa Gia Định và Việt Nam đã bị khép chặt lại.
Người Mỹ và nhiều nước phương Tây muốn giao thương với Việt Nam đều bị cự tuyệt
hay chỉ chấp nhận nhỏ giọt.
Và rồi, người Mỹ chỉ trở lại Sài Gòn, lập lãnh sự quán, bán được
nhiều máy móc, xe hơi và xăng dầu cho Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ
XIX - đầu thế kỷ XX. Nhưng lúc ấy, Sài Gòn và cả Đông Dương đã trở thành thuộc
địa của người Pháp.
Dẫu sao, sự kiện hai con tàu Mỹ và thuyền trưởng John White đến
Sài Gòn 200 năm trước là một kỷ niệm đẹp đáng nhớ, để lại nhiều bài học đáng
suy ngẫm. Mong rằng một ngày không xa, ở bến Thủ Thiêm hoặc Cột cờ Thủ Ngữ sẽ
có một chiếc bảng đồng lưu dấu sự kiện này!
Phúc Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét