Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020


Tìm hiểu từ Mã Tà - Lính Mã Tà....

Bòng bong che nắng, mã-tà tiên phong




Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhân chứng của thời kì Pháp xâm chiếm Nam Kì. Văn thơ của ông ghi lại được nhiều sinh hoạt xã hội đương thời. Chẳng hạn như hai câu: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ.
(...)
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã-tà, ma-ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tầu thiếc tầu đồng súng nổ”.
Bòng bong và Mã-tà của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có thể giúp chúng ta hiểu thêm được tình hình chiến trận năm 1861.
1) Bòng bong là cái gì?
 Bòng bong được định nghĩa là một thứ cỏ rối (Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức, 1931); một loại dây leo mọc xoắn vào nhau thành từng đám, ở bờ bụi. Bòng bong còn có nghĩa là xơ tre vót ra bị cuốn rối lại, thường dùng để ví tình trạng rối ren (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê, 1988).
Nếu Bòng bong chỉ có nghĩa như vậy thì dứt khoát nó không phải là một đồ vật (trắng lốp) dùng để che. Bòng bong của Nguyễn Đình Chiểu chắc chắn không phải là Bòng bong của tiếng Việt ngày nay.
Chu Thiên hiểu Bòng bong của câu văn là lều vải của quân Pháp căng làm chỗ tạm trú trong lúc hành quân (Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19, Văn Học, 1970, tr. 47).
Phong Châu và Nguyễn Văn Phú không rõ Nguyễn Đình Chiểu dùng từ Bòng bong để chỉ những tên lính Pháp hay đồ dùng gì của chúng (Văn tế cổ và kim, Văn Hoá, 1960, tr. 79).
Bảo Định Giang cũng phân vân, lúc thì đồng ý với Chu Thiên (Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ 19, Văn Học, 1977, tr. 43), lúc khác lại đồng ý với Phong Châu và Nguyễn Văn Phú (Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Văn Học, 1971, tr. 251).
Chữ Hán có hai chữ Bồng:
- Bồng (bộ thảo): cỏ bồng, cỏ bông bong (Thiều Chửu, Đào Duy Anh). Bồng còn có nghĩa là rối bong (Thiều Chửu). Bòng bong của tiếng Việt ngày nay là do chữ Bồng (bộ thảo) này mà ra.
- Bồng (bộ trúc): mái giắt lá. Đan phên giắt lá để che mui thuyền gọi là bồng. Tục gọi bồng là cái buồm thuyền (Thiều Chửu).
Mái giắt lá thì không thể nào “trắng lốp” được. Bòng bong của Nguyễn Đình Chiểu không phải là Bồng (bộ trúc) của Tàu.
Huỳnh Tịnh Của (1896), định nghĩa Bòng bong là vải, hoặc đệm buồm may làm một bức, kéo lên mà che nắng, thường dùng theo ghe thuyền. Génibrel (1898) và Gustave Hue (1937) định nghĩa Tấm Bong là Espèce de natte qui s'étend ou se retire à volonté sur le toit d'une barque pour garantir de la chaleur ou de la pluie (một loại mành giăng ra cuộn lại được, làm mui thuyền che mưa nắng).
Xưa nay, thuyền của ta chỉ có mui che hình vòm, đan bằng tre. Một số thuyền lớn được lợp mái giống mái nhà. Thuyền của ta không dùng vải che nắng, và không dùng mui gấp lại được.
Có vài bằng chứng chính xác cho thấy Bòng bong của Huỳnh Tịnh Của, hay Tấm bong của Génibrel và Gustave Hue được dùng cho tàu thuyền của Pháp.Báo L'Illustration (Le livre de Paris, 1987) đăng nhiều bài phóng sự của thời kì Pháp đánh chiếm Việt Nam (1859-1883), có tranh minh hoạ. Mấy bức tranh này do chính người có mặt tại chỗ vẽ, cho thấy một số tàu và thuyền của Pháp có mui che mưa nắng bằng vải trắng, cuộn lại được (tr. 25, 36, 58, 59). Trong thời gian 1884-1886, bác sĩ Hocquard cũng chụp ảnh được mấy chiếc tàu có vải che mưa nắng (Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 367, 382, 531).
Người Pháp gọi những tấm vải lớn che mưa nắng này là bâche. Bâche đã được Génibrel và Gustave Hue gọi là (tấm) bong, được Huỳnh Tịnh Của láy âm là bòng bong. Ngày nay ta gọi bâche là tấm bạt. Bà con trong Sàigòn trước đây gọi những chiếc xe hơi nhà binh che bạt kín mít (bâché) là xe bịt bùng. Xe được bịt bằng tấm BùngBòng bong,Bong, Bùng hay Bạt là tấm vải lớn che mưa nắng, cuộn lại được, đều do Bâche mà ra.
Nguyễn Đình Chiểu thấy bòng bong che trắng lốp nghĩa là thấy tàu Pháp giăng bạt màu trắng, chạy trên sông. Không phải Nguyễn Đình Chiểu muốn ám chỉ những tên lính Pháp hay lều vải hoặc đồ dùng gì của chúng.
2) Mã-tà là ai?
Bài Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp (vào khoảng năm 1875) có câu:
“Trách những kẻ toan đường mại quốc, xui mã-tà, ma-ní, loạn trung hoa nên thả tượng một ngà
iận những người bày mối giả danh, dối rằng Nguyễn, rằng Lê, báo thiên hạ nghĩ nên rồng năm vẻ”.
Mã-tà, ma-ní có mặt trong suốt thời kì Pháp xâm chiếm Việt Nam.
Vậy mà từ điển của Huỳnh Tịnh Của và Génibrel lại không có Mã-tà. Huỳnh Tịnh Của chỉ nói đến Ma-tà, nghĩa là người lính canh tuần, tiếng Mã Lai, kêu theo đã quen.
Năm 1931, Ma-tà trở thành người lính cảnh sát ở Nam kỳ, gọi theo tiếng Mã Lai (Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức). Năm 1937, Gustave Hue lẫn lộn Ma-tà với Mã-tà (Mã-tà: nom donné à Saigon aux policiers. Mã-tà: tên gọi lính cảnh sát ở Sàigòn).
Nhiều học giả sau này đã bắt chước Gustave Hue, dùng Ma-tà của Huỳnh Tịnh Của gán cho Mã-tà của Nguyễn Đình Chiểu.
Người Mã Lai (Malais) gọi người lính cảnh sát là matamata. Do đó đẻ ra danh từ mã-tà (Vương Hồng Sển, Sàigòn năm xưa, 1968, Xuân Thu, tr. 229).
Mã-tà là tiếng Mã Lai, là lính cảnh sát (Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, sđd, tr.252) . Mã-tà là lính đánh thuê, người Mã Lai, trong hàng ngũ quân đội Pháp (Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa sau thế kỷ 19, sđd, tr. 43).
Mã-tà được Chu Thiên cho giữ vai trò quan trọng của một tổ chức lính nguỵ ở Nam bộ thời Pháp mới sang (sđd, tr. 391).
Mã-tà khác Ma-tà ở điểm nào?
Mã-tà trước hết là người Việt Nam.
Trong cùng bài văn tế, Nguyễn Đình Chiểu viết:
“Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã-tà, chia rượu lạt, gậm bánh mì, nghe càng thêm hổ”.
Nguyễn Đình Chiểu trách những người Việt Nam theo Pháp. Mã-tà là người Việt theo quân tả đạo (chỉ người Pháp) để được chia rượu lạt, được gậm bánh mì (pain de mie).
Bài Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp cũng trách những người mại quốc (bán nước) đã xui giục mã-tà, ma-ní... Bọn bán nước phải là người Việt Nam. Chúng xui giục người Việt Nam đăng lính mã-tà cho Pháp. (Vì muốn cho câu văn có vần, có đối nên tác giả bài hịch đã phạm một sai lầm là cho bọn Việt gian xui giục cả đám lính Ma-ní của Tây Ban Nha).
Mã-tà không phải là tiếng Mã Lai.
Trận Cần Giuộc xảy ra vào cuối năm 1861. Có thể phỏng đoán rằng Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn tế vào khoảng cuối năm 1861 hay đầu năm 1862. Cho tới thời điểm này (1862), nước ta không có liên lạc ngoại giao với nước Mã Lai (Mã Lai bị Bồ Đào Nha chiếm năm 1511, bị Hà Lan chiếm năm 1641, bị Anh cai trị năm 1867). Không có bằng chứng gì để nói rằng ta phải mượn một tiếng Mã Lai để gọi người lính cơ, lính lệ hay lính vệ của mình.
Nước Pháp đã có sẵn một loạt cò, cẩm (commissaire), phú lít (police), sen đầm (gendarme), cũng chẳng cần phải mượn tiếng Mã Lai để gọi lính cảnh sát của mình tại một nước... chưa phải là thuộc địa!
Mã-tà không phải là lính cảnh sát.
Có đội quân nào, đặc biệt là quân đội Pháp, lại cho cảnh sát ra trận? Để giữ trật tự hay... ghi giấy phạt à? Đấy là chưa nói cảnh sát của Pháp phải biết đọc, biết viết...lạp-bô (rapport). Năm 1861, nước ta có được mấy người biết đọc, biết viết chữ Pháp hay chữ quốc ngữ để làm lính cảnh sát cho Pháp?
Mã-tà còn được Nguyễn Đình Chiểu nói đến trong bài Văn tế Trương Công Định: “Giăng dưới nước tàu đồng, tàu sắt, súng nổ quá bắp rang; kéo trên bờ ma-ní, mã-tà, đạn bắn như mưa vãi”. Mã-tà là lính chiến đấu.
Nói tóm lại, Mã-tà là người Việt, không phải là lính cảnh sát, không phải là tiếng Mã Lai. Mã-tà không phải là Ma-tà.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có từ Mã tiếu (Chữ tiếu còn có âm đọc là tiêu, là tiệu), nghĩa là lính cỡi ngựa hoặc đi chân, chuyên làm việc cảnh giới, dò kiếm xem xét. Có nhiều khả năng là mã tiếu (mã tiêu, mã tiệu) đã được người Việt đọc trại thành mã-tà.
Mã-tà là lính đi dò xét. Mấy bài phóng sự của báo L'Illustration xác nhận trong hàng ngũ quân đội Pháp có quân được mộ từ Manille (ma-ní) tham dự trận đánh Đà Nẵng (1858), có lính tập người Việt (tirailleur) trong trận đánh đồn Kì Hoà (Sàigòn, 1859).
Thực dân Pháp cho lính người bản xứ và lính thuộc địa của Tây Ban Nha đi dò xét, trinh sát. Mã-tà, Ma-ní là lính đi tiên phong “đỡ đạn”. Chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Năm 1861, có lính chiến đấu mã-tà người Việt Nam. Năm 1896 (tức là 34 năm sau khi triều đình Huế kí hoà ước nhường cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), Huỳnh Tịnh Của mới nói đến lính canh tuần ma-tà (tiếng Mã Lai?). Khoảng 1908-1921, miền Nam lại có thêm lính ma-tà khác.
Trong bài Dạo bờ biển một mình, Huỳnh Thúc Kháng kể đời sống hàng ngày của người tù ngoài Côn Đảo:
“Từ ra ngoài đảo đã sáu, bảy năm không khi nào ra cửa thành khám ngục mà được đi một mình, hễ ra cửa một bước là có ma-tà mang súng đi theo sau. Đến lúc ra làm việc giấy ở phòng Gác-điêng sếp thì ra vào trong “banh” có hơi thơ, không ai dẫn. Song chỉ được đi lại, ra vào ở kho chứa đồ, phòng gác của Gác-điêng và bóp lon-ton (...)” (Vương Đình Quang, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Văn Học, 1965, tr. 102).         Tiếng Pháp gọi lính canh tù là maton. Maton được Việt hoá thành ma-tà. Đoạn văn còn nhiều từ gốc Pháp khác: gác-điêng (gardien), sếp (chef), banh (bagne), gác (garde), bóp (poste), lon-ton (planton).
Mã-tà ở Cần Giuộc (1861) là lính chiến đấu. Ma-tà ở Sàigòn (1896) là lính canh tuần. Ma-tà ở Côn Đảo (1908-1921) là lính canh tù.

Đời ôi nhiều nỗi bợn nhơ:
 Ma tà có chú hay quơ hay quào,
 Giận ai gươm súng phao vào
Báo quan nhà nghịch, vây rào xét coi...
(Vương Hồng Sển, sđd)

        Ma-tà của bài thơ đúng là lính cảnh sát ở Sàigòn, đi khám xét nhà dân chúng. Ma-tà này dường như có họ hàng với matraque (chiếc dùi cui)? Mã-tà của Nguyễn Đình Chiểu và Ma-tà của Huỳnh Tịnh Của, là hai nhân vật của hai thời kì lịch sử khác nhau, cần được phân biệt rạch ròi.
Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc còn cho thấy Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn rất cập nhật. Ông đã sớm đưa bòng bong (bâche), bánh mì (pain de mie) của tiếng Pháp vào văn học Việt Nam.

                                                         Nguyễn Dư
                                                       (Lyon, 3/2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...