Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019


Trường Thủ Dầu Một, Bình Dương là một trong ba trường nghệ thuật của xứ Nam Kỳ lúc bấy giờ (Trường nghệ thuật Biên Hòa và trường vẽ Gia Định). Tại các trường này đã cho ra đời những nghệ sĩ, nghệ nhân Nam Kỳ nổi tiếng trong đó có ông Thành Lễ là người sáng lập ra xưởng đồ gốm và sơn mài tại Bình Dương. Bài này được dịch lại theo nguyên văn của tờ LE MONDE COLONIAL ILLUSTRÉ NO 22 — JUILI.ET 1925.


TRƯỜNG NGHỆ THUẬT BẢN XỨ Ở NAM KỲ




Thủ Dầu Một, như lời của viên quan đầu tình vừa nói vừa cười, đó là “ vườn trái cây của Nam Kỳ” nằm cách Sài Gòn 30 km trước ngưỡng của khu rừng rậm của người Mọi.
Ở đây, không còn là chân trời rộng lớn của đồng bằng, sự vô tận của những cánh đồng lúa, nhưng phong cảnh đa dạng là những tán lá sẫm màu của cây xoài, hình bóng hùng vĩ của những cây đa hòa quyện với những tàu lá rộng của dừa và những tàu lá yếu ớt của cau.
Vùng lân cận của khu rừng lớn này luôn được ưa chuộng trong ngành gỗ trong nước: Xưởng sản xuất đồ nội thất Lái Thiêu rất được ưa chuộng ở Nam Kỳ.


Năm 1903, ông Ernest Outrey, là đại biểu của Nam Kỳ và sau đó là quan chức hành chánh của Thủ Dầu Một, đã quyết định thành lập một trường tại trung tâm sản xuất này để duy trì và phát triển nghệ thuật bản địa của Nam Kỳ.
Mục đích này rất rõ ràng: bảo tồn tất cả sự thuần khiết của nghệ thuật bản địa và cho phép các thợ thủ công người An Nam tương lai có được một sự hướng dẫn chuyên nghiệp vững chắc và đầy đủ hơn những gì họ có thể có được trong các xưởng mộc địa phương.
Kể từ đó, dưới sự chỉ đạo của Thống đốc Nam Kỳ, ông Cognacq, ngôi trường này đã nhận được một sức bật mới.
Trường có 60 học viên, được chia thành 4 khu riêng biệt: đóng tủ, điêu khắc. khảm gỗ và xà cừ và sơn mài.
Dưới sự quản lý của một kỹ thuật viên người Pháp, cùng sự hỗ trợ của các đốc công bản địa thông thạo kinh nghiệm.

Nguyên liệu đầu tiên: Các loại gỗ quý hiếm được sử dụng trong trường đến từ các khu bảo tồn rừng khổng lồ ở phía bắc của tỉnh.
Phải kể đến là gổ xẻ của cây giáng hương và bằng lăng cực kỳ hiếm. Cây trắc và cẩm lai có màu đỏ sẫm phơn phớt màu đen và tím, gỗ mun đến từ phía nam An Nam (Trung Kỳ).
Tất cả các loại gỗ này, trước khi được sử dụng, được ngâm trong nhiều tháng dài cho đến chúng không còn nhựa, được vận chuyển đến trường để được sử dụng. Công việc này được thực hiện bởi người bản địa và tuân theo các cách thức áp dụng trong nước.

Xưởng sản xuất tủ. Các học viên làm việc theo các bản phác thảo, theo mặt cắt ngang và mặt đứng cấu thành trong phần bản vẽ.
Thiết kế xưởng và cách làm việc mang đặc tính của địa phương. Học viên ngồi trên băng ghế thao tác bằng cách sử dụng chân và tay của họ.
Người An Nam rất tôn trọng truyền thống; anh ta không sẵn sàng thay đổi cách làm việc của mình. Ngoài ra, điều cần thiết là từ trường học, người thợ tương lai được đặt trong điều kiện làm việc mà sau đó sẽ tìm thấy trong các xưởng của một đất nước thường nghèo về dụng cụ.
Nhưng, sự nhượng bộ này được thực hiện cho phong tục địa phương, học viên buộc phải điều chỉnh các tác phẩm của mình theo các quy tắc chế tạo tủ hiện đại. Và đây là tiến bộ thực sự, bởi vì hiếm khi một công nhân bản địa có thể thực hiện được một lắp ráp chính xác.

Xưởng điêu khắc.  Các học viên làm việc dưới sự chỉ đạo của một bậc thầy đốc công bản địa.
Chính từ các bản phác thảo của các nhà họa sĩ của trường, các học viên thực hiện các tác phẩm được giao cho họ.
Phương pháp châu Âu đầu tiên là chuẩn bị một khuôn mẫu của chủ đề và làm thao tác theo vật mẫu của khuôn này. Quá trình này là đi ngược với thói quen của bản địa. Chúng tôi hoàn toàn dựa vào cảm hứng và kinh nghiệm của mọi người chứng minh rằng người bản địa có được kết quả nghệ thuật tốt nhất bằng cách làm việc theo ý của họ.
Các chủ đề được thiết lập theo truyền thống và tất cả đều có ý nghĩa tượng trưng. Số lượng của các chủ đề khá hạn chế, nhưng nhờ trí tưởng tượng phong phú và ý thức nghệ thuật bẩm sinh của các nghệ nhân trẻ, các chủ đề có thể biến đổi đến đa dạng. Những kết quả thành công nhất có được nhờ sự cách điệu của một số đặc tính và một số loài vật thần thoại như dơi, rồng, kỳ lân, phượng hoàng và rùa.

Xưởng xà cừ và cẩn xà cừ. Công việc cẩn xà cừ được người bản địa đánh giá rất cao.
Dù họ không có nơi ở, ít tiện nghi đến đâu, thì trong nhà cũng phải có một bàn thờ tổ tiên được cẩn xà cừ hoặc một tủ trà bên cạnh với các lễ vật được trang trí trang nhã với hoa hoặc phong cảnh với những đường nét đơn giản và hài hòa.
Rất hiếm khi, đặc biệt là ngày nay, ý nghĩa trang trí được rút ra từ các động vật đại diện.
Cẩn xà cừ chưa được biết nhiều ở xứ sở này và chính tại trường Thủ Dầu Một, chúng tôi cần phải giới thiệu loại nghệ thuật này cho toàn Nam Kỳ.
Học viên cũng đánh giá cao loại hình trang trí mới này và khách tham quan triển lãm nghệ thuật trang trí sẽ không thể không chú ý đến công việc cẩn hai cánh cửa tủ được thực hiện bởi xưởng mới này.

Xưởng sơn mài. Tác phẩm của sơn mài được đưa vào An Nam bởi những người Trung Hoa và cũng là những bậc thầy trong nghệ thuật tinh tế này.
Tại sao người An Nam, có khả năng thích ứng tuyệt vời, cũng sẽ thành công trong loại trang trí này?


Từ một năm nay, trường Thủ Dầu Một, đã tạo ra một xưởng sơn mài. Và ngày hôm nay đang trong tiến trình phát triển.
Và, trong vòng vài năm, chúng ta sẽ có được một đội ngũ hạt nhân đầu tiên của các nghệ nhân An Nam có thể cạnh tranh với các nghệ nhân sơn mài giỏi nhất Trung Quốc.
Nhưng, hơn nữa, trường rất muốn hoàn thiện các phương pháp truyền thống.
Đây là một công trình nhịp nhàng và hữu ích đã tạo ra được trong đế chế Viễn Đông của chúng ta.
Điều quan trọng là làm cho những công trình này được biết đến ở Pháp.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...