Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016


Những công trình trong ký ức


Quảng trường Francis Garnier
Quảng trường Lam Sơn
Công viên Lê Lợi

Ngày nay thì vết tích toàn bộ khu này kể cả cái xưa nhất và cái mới đây nhất đã bị hoàn toàn xóa sổ. Tôi viết bài này dành cho mọi người nhớ về một công viên giữa lòng thành phố Sài Gòn như một lời ai điếu dành cho số phận của nó.





Ngày xưa khi người Pháp xây dựng thành phố Sài Gòn. Họ đã chú trọng đến những công trình phục vụ cho đời sống sinh hoạt, trong đó là việc quy hoạch lại toàn bộ khu vực trung tâm. Lúc đó khu vực này còn nhiều cây cối mọc um tùm và con kênh chạy dài mà sau này là đường Charner. Đầu thế kỷ 20 nhà hát thành phố xây dựng xong, người Pháp cho xây dựng phía trước một công viên ngăn cách bởi đường Catinat để tạo hài hòa cho không gian kiến trúc này.



Tượng Francis Garnier phía sau lưng là khu vực cây cối um tùm chưa có đại lộ Bonnard

Sau khi khánh thành nhà hát thành phố (theatre munucipale), người Pháp cho xây một công viên như đã nói ở trên và ngày 12 tháng 1 năm 1902 cho khánh thành bức tượng cùng lúc đặt tên cho công viên này là Francis Garnier. (theo tài liệu trang Saint-Etienne-Hanoï-Paris: Francis Garnier- http://www.forez-info.com/encyclopedie/histoire/150-saint-etienne-hanoi-paris-francis-garnier.html)
Bức tượng quay lưng về hướng đại lộ Bonnard và nhìn vào nhà hát thành phố.
Thế còn Francis Garnier là ai? Điều này ai đã từng làm học trò trước năm 1975 tại miền nam Việt Nam cũng đều biết qua giờ học sử.
Marie Joseph François (Francis) Garnier (25 tháng 7 năm 1839  21 tháng 12 năm 1873) là một sĩ quan người Pháp và đồng thời là một nhà thám hiểm, được biết đến vì cuộc thám hiểm sông Mekong 1866-1868 tại khu vực Đông Nam Á, cũng như vì chiến dịch quân sự do ông chỉ huy ở Bắc Kỳ năm 1873 và bị giết bởi quân Cờ Đen.
Sử Việt cũ thường phiên âm tên Garnier là Ngạc Nhi.(Wikipedia)


Sau đây chúng ta xem một đoạn bài viết của Nguyễn Dư từ Lyon viết về việc cải táng thi hài của Francis Garnier: 
" Chiếc xác mất đầu của Francis Garnier được trung sĩ Champion mang về thành cùng với xác của hai lính thuỷ cùng bị giết. (...) Sau buổi lễ cầu hồn do đức cha Puginier thực hiện vào lúc 8 giờ sáng ngày 23/12 (năm 1873) trước sự có mặt của các cha Sohier và Colomer, các thi thể được đóng trong các áo quan bằng gỗ rất dày và được chôn gần Hoàng cung ở chân hai gốc đa lớn ". ( André Masson, Hà Nội giai đoạn 1873-1888, Bản dịch của Lưu Đình Tuân, Hải Phòng, 2003, tr. 58).
Theo thoả thuận được kí kết, mấy cái xác chỉ được chôn tạm gần Hoàng cung. Bao giờ tìm được đất khác thì phải dời đi.
Ngày 31/8/1875, triều đình nhà Nguyễn kí thoả ước nhường đất (nhượng địa) cho Pháp. Khu Nhượng địa nằm phía bờ đê sông Hồng, quanh nhà thương Đồn Thuỷ (Bệnh Viện Hữu Nghị ngày nay).
Có đất, Pháp xây nghĩa địa. Garnier được cải táng.
7 giờ 30 sáng ngày 3/11/1875 bác sĩ Jardon cho khai quật tử thi Garnier để khám nghiệm, viết báo cáo pháp y. Công việc kéo dài đến 4 giờ chiều mới xong. Đám tang được cử hành đưa về một nhà thờ nhỏ của Hà Nội. 7 giờ sáng hôm sau (4/11/1875) đức cha Puginier làm lễ cầu hồn. Sau đó, đám tang được đưa về nghĩa địa mới trong khu Nhượng địa (sđd, tr. 59).
Masson không kể tiếp " hậu vận " của Garnier.
Nằm trong khu Nhượng địa nhưng Garnier vẫn chưa được mồ yên mả đẹp. Gia đình Garnier đòi chôn Garnier trên " đất Pháp ", tại Sài Gòn. Lại cải táng. Ngày 16/12/1875, chiếc áo quan đựng hài cốt Garnier cập bến Sài Gòn. Garnier được đem về chôn tại nghĩa địa Tây (cimetière européen) (địa điểm công viên Lê Văn Tám ngày nay). (Albert de Pouvourville, Francis Garnier, Plon, 1931, tr. 234). Ngôi mộ của Garnier tại Sài Gòn (Tombeau de Francis Garnier à Saigon) được vẽ lại trong sách của de Pouvourville (tr. 192-193). Nhưng tiếc rằng mộ vẽ lại không phải là ngôi mộ được đại uý Charles Peyrin chụp ảnh, năm 1928. Mộ Garnier nằm cạnh mộ de Lagrée ! Lí do của sự gần gũi này như sau :
Trước khi được phái ra Hà Nội năm 1873, Francis Garnier sống tại Sài Gòn và đã từng là phụ tá đắc lực của Doudart de Lagrée trong đoàn thám hiểm sông Cửu Long (từ 5/6/1866 đến 29/6/1868). De Lagrée hơn Garnier 16 tuổi. Hai người tin cậy lẫn nhau. Đặc biệt, Garnier rất mến phục vị trưởng đoàn. Sang đến Trung quốc thì de Lagrée bị bịnh gan, chết tại Vân Nam, ngày 12/3/1868. (De Pouvourville chép là ngày 26/3/1868) (sđd, tr. 120). Garnier quyết định mang thi hài của de Lagrée đi tiếp đến Thượng Hải, lấy tàu trở về chôn ông trên " đất Pháp ", tại Sài Gòn. (Francis Garnier, Voyage d'exploration en Indochine, Jean-Pierre Gomane giới thiệu và chú giải, La Découverte, 1985, tr. 224-226).
Tình cảm sâu đậm của Garnier đối với de Lagrée được mọi người trân trọng. Năm 1875, hài cốt Garnier được mang từ Hà Nội vào Sài Gòn. Người Pháp chôn Garnier cạnh de Lagrée. Cho " thầy trò " gặp lại nhau. Tấm ảnh của Peyrin cũng cho thấy tác giả sách Francis Garnier đã chép sai ngày chết của de Lagrée. 
Tháng 7/1976 Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Vài năm sau, nghĩa địa Tây bị giải toả. Nước Pháp cho Bá Đa Lộc, Doudart de Lagrée, Francis Garnier... " hồi hương ". Lại cải táng. Hài cốt các ông đáp máy bay sang Singapour, rồi được chuyển lên tàu Jeanne d'Arc, đưa về Pháp. Tàu cập bến Brest ngày 26/4/1983. De Lagrée được an nghỉ tại quê nhà vùng Dauphiné. Garnier được táng tại đài kỉ niệm dựng tại ngã tư Saint Michel - Observatoire, quận 5, Paris. (J.P. Gomane, sđd, tr. 17).
Francis Garnier (1839-1873) lập được thành tích... ba lần cải táng. Một kỉ lục !
Nguyễn Dư (Lyon, 3/2010)



Mộ của Francis Garnier trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (cimetière Massiges)

Tem Đông Dương in hình Francis Garnier


 Phiên bản tượng Francis Garnier tại quảng trường Marengo (ngày nay là Jean Jaurès) của điều khắc gia Tony Noël đã bị quân Đức mang đi năm 1942.

Những thay đổi theo dòng thời gian của công trường Francis Garnier và không gian chung quanh.













Khi phát triển hoàn chỉnh người Pháp chi xây dựng một nhà tròn dùng cho dàn nhạc kèn biều diễn mà người dân Sài Gòn thờ đó gọi nôm na là "Bồn kèn"


Năm 1940 tượng Francis Garnier vẫn còn đó và bồn kèn đã dỡ bỏ


Năm 1943 tượng Francis Garnier không còn 


Thời gian sau những kiến trúc hiện đại thay thế dần và
 một đài nước được xây ở vị trí bồn kèn

Khi người Pháp ra đi, chính phủ Việt Nam quyết định đặt tên công viên này là công viên Lê Lợi và khu vực đài nước gọi là công trường Lam Sơn. Nhưng cái tên công viên Lê Lợi thì lại ít người biết mà gọi chung là công trường Lam Sơn.


Công viên Lê Lợi khi chưa có tượng thủy quân lục chiến




Năm 1967, tại vị trí trước đây là bức tượng Francis Garnier chính quyền Đệ nhị Cộng hòa Việt Nam đã cho xây dựng tượng đài Thủy quân lục chiến cao 9 mét, trong tư thế xung phong hướng vào trụ sở Hạ viện. Dư luận đương thời cho đó là một điềm gở khi quân đội "chĩa súng" vào Quốc hội.


Ngày 25 tháng 7 năm 1970, hai người Pháp phản chiến là André Marcel Menras và Jean Pierre Debris đã trèo lên tượng để phất cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn kêu gọi phản chiến. Cả hai đều bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và bị Tòa án binh Sài Gòn kết tội "phá rối trị an" với mức án bốn năm tù giam đối với Jean Pierre Debris và ba năm tù giam cho André Marcel Menras. Cả hai bị giam ở khám Chí Hòa sau đó cả hai đều bị đày ra Côn Đảo mãi đến đến cuối năm 1972 thì được trả tự do và trục xuất về Pháp.


Đô thành Sài Gòn – 30 tháng 4 : Cảnh sát Trung tá Nguyễn Văn Long tuẫn tiết trước tượng đài Thủy quân lục chiến (khuôn viên Công trường Lam Sơn, đối diện tòa Hạ nghị viện).


Tượng đài Thủy quân lục chiến bị phá bỏ vào ngày 2/5/1075


Sau 1975 bức tượng "mẫu tử" được dựng tại công viên này.

Và những gì các bạn đều biết sau đó, công viên và đài nước đã bị xóa bỏ dành chổ cho công trình metro. Từ đây cái tên công trường Lam Sơn và công viên Lê Lợi giờ chỉ còn trong ký ức của người Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...