Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

THEO DÒNG THỜI GIAN


LĂNG MỘ TRƯƠNG VĨNH KÝ 


                    Nếu đi theo đường Trần Hưng Đạo từ hướng chợ Bến Thành đến giao lộ với đường Trần Bình Trọng tại số 520, chúng ta thấy khu lăng mộ của cụ Trương Vĩnh Ký nằm lẳng lặng qua bao đổi thay của dòng đời. Hồi trước năm 1875 tôi có nhiều lần qua đây đã thấy dấu hiệu của sự hoang phế, nhiều người qua lại nhưng ít ai biết đây là mộ phần của một nhà bác học nổi tiếng của Việt Nam, người đã có công trong việc phát huy và định hình ngôn ngữ Việt – La Tinh mà chúng ta đang sử dụng. Ngoài Trương Vĩnh Kỳ ra còn những người có công trong việc quãng bá ngôn ngữ Việt – La Tinh như Paulus Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Hồ Biễu Chánh,...Đây là việc làm rất mang ý nghĩa và có tâm đối với dân tộc nhưng có một thời và kể cả bây giờ bọn ngu xuẩn và dốt nát cho là những người làm việc cho Pháp đều là những kẻ bán nước, tay sai; nên biết họ làm việc cho Pháp nhưng tâm hồn của họ vẫn hướng về nước Việt và người Việt không phải như những kẻ theo Pháp làm chỉ điểm đàn áp lại đồng bào của mình như trường hợp Huỳnh Công Tấn chẳng hạn. Chính vì vậy mà Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu đã bị giết hại oan uổng.
                    Sau đây chúng đọc bài viết về lăng mộ của Trương Vĩnh Ký được đăng trên trang mạng http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/mo-phan-cua-hoc-gia-truong-vinh-ky-dang-xuong-cap-1991322.html sẽ cho chúng ta hiểu rõ về khu lăng mộ hiện nay ra sao.

                                Mộ phần của học giả                        Trưởng Vĩnh Ký đang xuống cấp


              Theo tư liệu gia đình, khu mộ phần này được xây dựng trước khi Trương Vĩnh Ký mất (năm 1889) tại Chợ Quán, Sài Gòn, nay là nhà số 520, Trần Hưng Đạo, quận 5, TP HCM. Mộ được xây dựng ngay tại sinh phần của dòng họ, nơi có hơn 50 ngôi mộ.
                  Bên cạnh khu mộ là ngôi nhà cổ với kiến trúc ba gian hai chái truyền thống. Bên trong có treo bức hình chụp cả nhà họ Trương trong ngày chôn cất cụ Trương Vĩnh Ký. Trên nóc nhà còn khắc dòng chữ ghi thời gian xây dựng ngôi nhà: "Decembre 1889". Theo con cháu cụ Trương hiện vẫn còn sinh sống tại đây, ngôi nhà này là do đích thân cụ Trương Vĩnh Ký chỉ huy xây dựng. Đây cũng là nơi cụ sống và làm việc vào những ngày cuối đời.
               Trong một tác phẩm biên khảo về Trương Vĩnh Ký, ông Phan Thứ Lang có viết, khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký là công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa. Ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa các trường phái kiến trúc Đông - Tây, kim - cổ. Cổng vào lăng mộ được xây theo kiến trúc đình, chùa phương Đông với cổng Tam quan. Nhưng trên nóc cổng lại có gắn một cây Thập giá của đạo Thiên chúa. Giữa cổng có khắc hàng chữ La tinh: "Miseremini mei saltem vos acimic mei" (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) như là một ước nguyện cuối đời của học giả họ Trương.
               Lăng mộ của cụ Trương Vĩnh Ký còn đặc biệt ở chỗ được xây bằng với mặt đất. Bên dưới chôn cất 3 quan tài. Mộ phần của học giả họ Trương nằm chính giữa. Bên trái là mộ của Trương phu nhân, bà Vương Thị Thọ. Bên phải là mộ phần của người con trai trưởng. Sau hơn một 100 năm, mộ của học giả họ Trương nói riêng và toàn khu nghĩa trang gia đình nói chung đang ở trong tình trạng xuống cấp, cỏ dại mọc đầy. Những tấm gạch bông lát mặt mộ bị bong tróc lỗ chỗ, sứt mẻ, trơ cả cốt. Mái vòm khu mộ cháy sém do đã trải qua khói lửa chiến tranh. Các câu liễn khắc hai bên cửa mộ thì được sơn phết lại lòe loẹt, phản cảm.
             Tại ngôi mộ của ông Trương Vĩnh Danh (một người họ hàng của Trương Vĩnh Ký), chiếc thánh giá cắm trên mộ bị gãy lìa rơi xuống nằm chỏng trơ bên cạnh mộ phần. Một góc nghĩa trang nối liền với sàn bếp. Ngay sau lưng một ngôi mộ còn được tận dụng để làm... toilet. Mùi hôi bốc lên cả một góc nghĩa trang. Lỉnh kỉnh thau chậu, chén dĩa, nước rửa chén nằm chõng trơ bên cạnh những ngôi mộ của dòng họ từng được xem là danh giá bậc nhất Sài Gòn.
Giải thích về sự xuống cấp của khu mộ, ông Trương Vĩnh Tấn, cháu 4 đời của cụ Trương Vĩnh Ký, nói: "Đời nào giàu sang không biết, nhưng đến đời chúng tôi là gia cảnh đã sa sút cùng cực. Hiện nay, tất cả chi tiêu của gia đình đều trông cậy vào xe nước giải khát bán ven đường. Mồ mã ông bà ngay đó nhưng một năm mới quét tước một lần. Thời gian mưu sinh thôi cũng đủ vất vả còn đâu thời gian coi sóc đến mồ mã!".
             Gia đình ông Tấn cho biết, nhiều thày giáo lão làng của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (xưa vốn là ngôi trường danh tiếng Sài Gòn Trương Vĩnh Ký - hay còn gọi là trường Pétrus Ký) đã rất ngạc nhiên phát hiện mộ phần của cụ Trương Vĩnh Ký được chôn cất ở đây. Hằng năm, vào ngày lễ tạ ơn Thánh của Thiên chúa giáo (1/11), ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam (20/11), các thày vẫn thường dẫn các học sinh đến đây để viếng mộ ông. Và không ít người rất ái ngại khi thấy phần mộ đang xuống cấp.
             Ông Phạm Hữu Mí, cán bộ Phòng quản lý di tích Sở Văn hóa - Thông tin cho biết, hiện nay khu mộ phần và nghĩa trang dòng họ Trương vẫn chưa được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử của thành phố. Vì thế, vẫn không có mặt trong diện được trùng tu của Sở. Theo ông Mí, nguyên nhân chính là thành phố có quá nhiều di tích cần ưu tiên sữa chữa, tôn tạo. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về thân thế và sự nghiệp của vị học giả lỗi lạc này. Đây cũng là rào cản trong việc xét phong di tích này vào danh sách những hạng mục di tích văn hóa lịch sử của thành phố.
Hải Minh


NHÀ MỒ GIỮA THÀNH PHỐ


           Có một nhà mồ nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo ở Sài Gòn, mà không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt đang yên nghỉ.
Trên cửa nhà mồ, dòng chữ Latin Miseremini mei saltem vos amici mei (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) như nói lên nỗi lòng thiên cổ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ 19: Trương Vĩnh Ký.

             Lặng lẽ bên đường
           Lách cách mở ổ khóa đã hoen gỉ ở cửa nhà mồ, ông Trương Minh Đạt, hậu duệ đời thứ tư của Trương Vĩnh Ký, ngậm ngùi: “Lâu lắm rồi mới có khách đến viếng !”. Chúng tôi nhẹ bước qua những chiếc lá vàng khô bị gió cuốn bay vào nhà mồ, mà ngẩn ngơ nhìn thực tế khác nhiều với điều mình hình dung. Nền bằng phẳng, không một gò đất, công trình nào nhô lên như những nấm mộ thường hay nhìn thấy. Dưới ánh chiều đang sậm dần, phải nhìn kỹ mới thấy ba phiến đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài gần 2m được lát bằng phẳng mà mới nhìn cứ tưởng là nền nhà mồ. Ông Đạt bùi ngùi : “Các ông nhà tôi yên nghỉ dưới đấy !”.

         Dưới phiến đá trắng đã ngả màu vàng nhạt, nơi Trương Vĩnh Ký yên nghỉ, ở giữa người vợ Vương Thị Thọ và con trai cả Trương Vĩnh Thế. Sinh thời Trương Vĩnh Ký đã nổi danh. Và hơn một thế kỷ trôi qua bao ngòi bút ngược xuôi vẫn còn rỏ mực về ông, nhưng bia mộ lại chỉ vài dòng ngắn ngủi. Nó được khắc ngay trên phiến đá làm nắp mộ với vài dòng danh phận người yên nghỉ : J.B. Petrus Trương Vĩnh Ký. Chữ Pháp đầu dòng không phải tên Tây của ông mà là tên đạo ông theo từ thuở ấu thơ ở quê hương Cái Mơn, Bến Tre. Bia mộ không ghi năm ông sinh (6/12/1837), nhưng khắc rõ ông mất ngày 1/9/1898. Trang trí mộ bia cũng giản dị với hình một cành lá, không hoa bao quanh.
        Mất sau chồng đến chín năm, nhưng bia mộ bà Vương Thị Thọ lại bị thời gian làm phai mòn nhiều hơn. Bà yên nghỉ dưới phiến đá màu nâu đỏ đã ngả màu sậm có nhiều vết nứt, vỡ cùng năm tháng. Lau lớp bụi thời gian, ông Đạt ngậm ngùi kể mình 58 tuổi. Từ nhỏ, ông đã được cha là Trương Vĩnh Thạnh dặn dò phải gìn giữ nhà mồ các cố để hậu sinh truyền đời tưởng nhớ, nhưng không thể ngăn được sự tàn phá của thời gian và bao biến động thời cuộc.

         Giữ đúng đạo “xuất giá tòng phu” xưa, dòng đầu trên bia mộ cụ bà mang tên chồng là Maria Trương Vĩnh Ký. Dòng nhỏ dưới mới khắc tên mình là Vương Thị Thọ mất năm 1907 và không trang trí một hoa văn nào ngoài hình cây thánh giá. Nằm bên trái cha, tình trạng bia mộ người con Trương Vĩnh Thế cũng bị nhiều vết hư hại của thời gian. Trong gia phả dòng họ, Trương Vĩnh Thế là anh cả ông nội Trương Vĩnh Tống của ông Trương Minh Đạt, hiện đang sống ở đây để gìn giữ nhà mồ. Sinh thời, ông Thế làm quan đốc phủ sứ mà dòng chữ khắc trên bia vẫn còn rõ nét.

          Ông Đạt trầm ngâm : “Hồi xưa, khu nhà mồ này còn nhiều di vật ông cố Trương Vĩnh Ký để lại với các sách vở, hình ảnh được giữ gìn cẩn thận. Về sau, một số được tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn, nhiều cái còn lại đem qua Pháp trong năm 1975”. Thuở trước, nhà mồ còn có bức tượng bán thân cụ cố Trương Vĩnh Ký. Tượng được đắp bằng ximăng, sơn đen. Những năm khó khăn sau năm 1975, kẻ xấu đã lẻn vào lấy trộm vì tưởng là “đồng đen” quý hiếm. Thời ấy, phải vật vã kiếm miếng ăn, anh em ông Đạt đã bỏ nhiều ngày lang thang các khu “chợ trời” vỉa hè để tìm chuộc lại nhưng cuối cùng đành gạt nước mắt về không. Họ nghĩ có lẽ kẻ gian phát hiện tượng ximăng, không phải kim loại quý, đã đập mất rồi !
          Hiện nay, toàn bộ khuôn viên nhà mồ còn rộng hơn 2.000m2. Ngoài nhà mồ Trương Vĩnh Ký, bãi đất còn khoảng 60 ngôi mộ khác của gia tộc và một nhà ngói cổ được xây từ năm 1937 đến giờ vẫn đang là nơi ở của gia đình ông Đạt. Mang nét kiến trúc Pháp với nhiều cửa, cột, vòm cong, nhà mồ Trương Vĩnh Ký rộng khoảng 50m2, trang nhã với các chi tiết nhẹ nhàng nhưng tinh tế.

          Thiên tài và định mệnh
         Theo chân ông Đạt, tôi trở ra đường Trần Hưng Đạo. Cảm giác bùi ngùi khi chẳng thể tìm được tấm bảng nào chỉ dẫn đây là nơi Trương Vĩnh Ký – người Việt đã được vinh danh một trong 18 nhà thông thái thế giới, sử dụng thành thạo 26 ngôn ngữ – yên nghỉ. Bên góc cổng, người anh Trương Minh Tấn của ông Đạt đang cặm cụi với quán cà phê kiếm sống qua ngày. Gương mặt ông Tấn hằn nét khắc khổ, già hơn tuổi 68.  Nhắc chuyện xưa, ông Tấn tràn ngập ký ức: “Hồi tôi còn nhỏ, đường này thưa thớt lắm, bên đây nhìn thấy con kênh đào ven đại lộ Võ Văn Kiệt bây giờ. Thuở đó, kênh vẫn còn trong xanh và là nơi ông cố Trương Vĩnh Ký dựng nhà mát bên sông để đọc sách, dạy học trò”.
          Khi anh em ông Tấn, ông Đạt chào đời, Trương Vĩnh Ký đã mất cả nửa thế kỷ. Ký ức hai anh em được ông nội Trương Vĩnh Tống (con trai thứ Trương Vĩnh Ký) truyền kể rằng nhà mồ nằm bên đại lộ Gallieni nay là đường Trần Hưng Đạo. Vùng đất ngày xưa còn gọi Chợ Quán này là quê vợ Trương Vĩnh Ký. Còn nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở Cái Mơn, Bến Tre. Là con trai lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu, Trương Vĩnh Ký sớm mồ côi khi cha đi công vụ ở Cao Miên.
          Trong gia đình có đạo, tuổi thơ Trương Vĩnh Ký sớm thăng trầm khi triều Nguyễn ra lệnh “sát tả” ngăn chặn Thiên Chúa giáo. Ban đầu, Trương Vĩnh Ký học chữ Nho với thầy đồ, và ông chỉ lộ rõ thiên tài khi được các linh mục Pháp dạy học. Đặc biệt là ở chủng viện Penang (Malaysia), ông đã làm cả thầy lẫn bạn học khâm phục sự đam mê đọc sách cùng trí nhớ siêu việt và khả năng học nhanh chóng cùng lúc nhiều ngoại ngữ khó như Latin, Hi Lạp, Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,Thái Lan. Nhờ vậy mà nghiệp bút của Trương Vĩnh Ký đã đạt kỷ lục khoảng 120 cuốn sách gồm đủ các lĩnh vực, đặc biệt là các sách đạo làm người, từ điển Pháp – Việt…
       Và rồi định mệnh như an bài với Trương Vĩnh Ký. Chính thiên tài ngoại ngữ, tri thức sâu rộng nhờ đọc sách, đi xa đã cuốn ông vào vòng xoáy lịch sử chênh vênh, phức tạp trong thời cuộc nước nhà bị Pháp tiến chiếm. Trở thành thông ngôn cho Pháp, rồi cho cả sứ bộ triều đình, phải kề cận kẻ đô hộ lẫn gần gũi chính nhà vua nước mình, Trương Vĩnh Ký đã bị người đời nhìn nhận ngược xuôi công tội.
         Để rồi trước khi nhắm mắt xuôi tay, chính ông phải cảm thán viết bài thơ đầy nỗi niềm :
Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gửi tên con sách nát
Công danh rốt cuộc cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chân bước
Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

          TRONG VÒNG XOÁY LỊCH SỬ
      Là cây bút có giá trị sử liệu nổi tiếng nói thẳng, không sợ mất lòng, VươngHồng Sển khẳng khái nhận xét bậc tiền bối của mình :  “Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn người xứng danh học trò cửa Khổng…”.

          Giữ đạo nhà
         Suốt buổi chiều ngồi trò chuyện với chúng tôi về ông cố Trương Vĩnh Ký của mình, hậu duệ Trương Minh Đạt cứ đau đáu nỗi long : “Người ta nói theo Tây tìm lợi lộc, nhưng cố tôi giàu sang gì đâu, đến xuôi tay vẫn còn giấy nợ bên mình. Nhiều tài liệu nói nhà mồ này do Trương Vĩnh Ký tự xây trước, nhưng tôi nghe cha mình kể lại có lẽ không phải vậy. Đến đời con trai cố tôi, nhà mồ này mới được xây dựng cho cha mẹ yên nghỉ không tủi nắng mưa và cho cả chính mình, nên trong nhà mồ còn có phần mộ người con đầu Trương Vĩnh Thế”.
          Chuyện nhà mồ ở đại lộ Galliéni nay là Trần Hưng Đạo, được xây dựng năm nào chưa thể rõ ràng vì nhiều tài liệu gia tộc họ Trương không còn ở đây, nhưng có một điều xác tín rằng cả đời nhà bác học ngôn ngữ này đã sống đạo thanh khiết, thậm chí nghèo khổ cuối đời. Trong tất cả hình ảnh còn lại về ông, cả những lúc làm việc, dạy học, viết sách hay đeo huân chương trên ngực … chưa bao giờ thấy ông rời bỏ áo dài khăn đóng truyền thống của tổ tiên.
           Một người biết 26 thứ tiếng, từng dạy học vua Đồng Khánh, thông ngôn sứ bộ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, có tài năng và đức độ khiến các đại văn hào, nhà khoa học, chính khách nổi tiếng như V.Hugo, Littré, Renan, Paul Bert … phải quý mến, kết giao mà vẫn trọng giữ lấy lề thầy đồ thanh bạch của dân tộc. Ông mang tên đạo Pétrus Ký nhưng dứt khoát không nhập tịch Tây.
Trả lời thắc mắc sao không “vào dân Tây”, ông đã khí khái bày tỏ: “Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu… Không lý trời sanh ra tôi làm con quạ, bây giờ nói tôi một hai là con cò làm sao đặng ? Nên là điều trái tự nhiên hết sức. Đặng một bên mất một bên, lợi thì ít mà hại thì nhiều”. Đó chính là lối sống mà Trương Vĩnh Ký đã tự bạch bằng câu cách ngôn Latin “Sic vos non vobis” (ở với họ mà không theo họ). Sự hiểu biết, tài năng và những gì làm được cho hậu thế, ông đã đi trước thời đại mình rất xa, đến mức có thể bị kẻ đương thời suy diễn này nọ, nhưng chưa bao giờ ông để mất gốc rễ mình, mất lương tâm một con dân nước Việt.
         Nhà văn Hoàng Lại Giang sưu tầm tư liệu, nghiên cứu viết về Trương Vĩnh Ký, kể rằng ông đã từng thâm thúy trách dạy Lê Phát Đạt, một học trò rơi vào đường bất đạo, làm quan tranh thủ thời thế “đục nước béo cò” cho thân mà không đếm xỉa nỗi khổ của dân. Khi Đạt tỏ ý chê thầy không biết cách làm giàu, Trương Vĩnh Ký trả lời rằng : “Anh khoe với ta tài làm giàu ư ? Với ta đó là sự sỉ nhục mà học trò ta đã gieo cho ta. Ta muốn khuyên anh chớ vui mừng quá sớm: đang lúc vui nên gẫm mà buồn lần đi”. Còn bạn đốc phủ đương thời hỏi Trương Vĩnh Ký sao chẳng lo làm giàu, ông đã nhẹ nhàng viết thư trả lời : “Các ông hỏi tôi ý làm sao không lo về phần của cải ? Sao không mua đất sắm ruộng kiếm tiền bạc mà tiêu dung ?… Thật thì ai cũng phải lo về sau, nhưng mà xét cho cùng mà coi thì cũng chẳng nên lo cho quá làm chi… Chi bằng ý thực tùy duyên tự nhiên khoái lạc: có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít thì được vui vẻ, yên lòng, yên trí…”.
          Hơn 100 năm sau, hai người cháu cố Trương Minh Tấn và Trương Minh Đạt vẫn kể chuyện cha ông nhắc nhớ đến cuối đời Trương Vĩnh Ký còn thiếu nợ nhưng không phải nợ tậu đất, mua nhà mà nợ xuất bản sách… Ngay tài sản lớn nhất ông còn để lại là mảnh đất hơn 2.000mở đường Trần Hưng Đạo đang làm nhà mồ và chỗ ở cho con cháu cũng được cho là của bên vợ ông, quê hương bà Vương Thị Thọ, xưa gọi là Chợ Quán.

           Hậu thế minh định
         Ông Đạt kể lời cha ông truyền đời rằng Trương Vĩnh Ký từng có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, giao thân với nhiều nhân vật có thể quyết định vận mệnh dân tộc, nhưng chưa bao giờ ông nhận lãnh chức quan nào. Ngoài những lúc thời cuộc đưa đẩy phải làm thông ngôn chênh vênh giữa hai phía, tâm huyết Trương Vĩnh Ký là dạy học, viết sách, làm báo đến nỗi phải nợ nần. Trong thư gửi bạn, Trương Vĩnh Ký tự bạch rằng : “Tôi có được thư ông nói sao tôi không ra làm chức chi … như phủ, huyện, đốc phủ với người ta lấy danh chơi ?… Song tôi trộm xét theo ý riêng tôi, tôi tưởng chẳng cần chi. Vì tôi nghĩ rằng làm huyện, làm phủ mặc dầu, cũng ở dưới tay người ta, người ta sai cắt hành hạ, tánh tôi không chịu được… Chi bằng mình sẵn làm ông thầy dạy học, lại dạy là dạy Tây các quan…”.
        Viếng mộ Phan Thanh Giản, rồi thắp nén nhang lên bàn thờ Trương Vĩnh Ký, hai thân phận bị cuốn cùng một dòng xoáy lịch sử và phải mang nặng nỗi niềm đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa nguôi, chúng tôi bùi ngùi nhớ lại lời Trương Bá Cần viết : “… Cuốn sổ bình sinh công với tội / Tìm nơi thẩm phán để thừa khai. Đã 100 năm trôi qua, còn nói công với tội làm gì ? Đối với Trương Vĩnh Ký cuộc đời đã khép lại rồi, không thể khai báo gì thêm”.
        Tuy nhiên cũng chính Trương Bá Cần, người có công trình nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ Việt – Pháp trong 100 năm ân oán, vẫn không quên lời công minh với ông : “Nhưng vào lúc đất nước đã thống nhất, nhiệm vụ còn lại là xây dựng con người và xây dựng đất nước, nếu có đặt vấn đề dựng lại tượng đài hay phục hồi tên trường cho Trương Vĩnh Ký thì có lẽ không phải là thuần túy muốn sự công bằng cho người đã quá cố. Bởi vì về mặt trí tuệ và lao động khoa học cần cù, Trương Vĩnh Ký là một khuôn mặt làm rạng rỡ giống nòi được thế giới kính trọng”.
       Thôi thì, công tội cuộc đời ông hãy phó thác cho hồn thiêng sông núi. Trăm năm thiên hạ vẫn chưa hết ngược, xuôi về Trương Vĩnh Ký, thì ba trăm năm sau hay ngàn năm nữa hậu thế chắc sẽ minh định tấm lòng ông !
– Vũ Ngọc Phan : “Ông là một nhà bác học hơn là một nhà văn, ông lại hơn người ở chỗ làm việc rất mải miết, rất đều đặn, nên sự nghiệp văn chương của ông thật lớn lao…”.
– Jean Bouchot : “Ta thấy con người thuần Nam kỳ ấy đã sánh kịp các nhà thông thái bậc nhất của châu Âu trong đủ mọi ngành khoa học”.
– T. Thomson : “Tôi không bao giờ quên được nỗi sững sờ khi người ta giới thiệu ông với tôi. Ông nói tiếng Anh rất giỏi, hơi pha chút ít giọng Pháp, còn tiếng Pháp của ông thì thật thanh lịch, tao nhã. Tiếng Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha… đối với ông đã trở thành quen thuộc”.
Nguyễn Văn Danh (theo Quốc Việt)
https://mienyeuthuong.wordpress.com/2012/05/03/nha-mo-petrus-ky/














                       


         SAIGON 1969-70 - Lăng mộ Petrus Ký trên đường Trần Hưng Đạo. Photo by David Staszak. Phía sau là Nữ Tu viện Mến Thánh Giá Chợ Quán. Nguồn Manhhai Flick.

                                   

                                             Pétrus Ký trong triều phục.

                           

                                            Trương Vĩnh Ký đang giảng bài

                                

           Tu viện công giáo College General (Seminari Tinggi Katolik) dao penang nơi Trương Vĩnh Ký đã từng học.

                          

                Tượng đài nhà bác học Trương Vĩnh Ký, người con đất Cái Mơn

                 













                         Ngôi nhà cổ của Trương Vĩnh Ký năm 1889











                                   Sắc phong của vua Đồng Khánh cho Trương Vĩnh Ký 



















                        


                            

[               BCTT]Kí sự Một ngày thăm lăng Trương Vĩnh Ký - YouTube

            Bài tập giữa kỳ môn Lịch sử báo chí truyền thông nhóm 3 - K2011 Thực hiện: Thành Linh Đọc lời bình: Quang Tâm.

            Các bạn có thể đọc thêm các bài viết về Trương Vĩnh Ký ở các đường link sau đây:
                     VINH DANH  TRƯƠNG-VĨNH-KÝ  (1837-1898)
                MỘT NHÀ VĂN-HOÁ LỚN, MỘT NHÀ BÁC-NGỮ-HỌC LỖI-LẠC (*) 

                                         GS Đỗ Quang-Vinh
                      http://www.petruskylhp.org/vinhdanhtvk.htm

       What Does The Future Hold For Petrus Ky’s Mausoleum And                                             Memorial House?

            http://saigoneer.com/saigon-buildings/4219-what-does-the-future-hold-for-petrus-ky-s-mausoleum-and-memorial-house

2 nhận xét:

  1. Nhà thờ Tân Sa Châu quận Tân Bình có bức tượng Petrus Ký khá to (xem hình trong link). Cha xứ chuyên sưu tầm đồ cổ cho biết là mua được bức tượng từ ve chai. Có lẽ nào đấy là bức tượng bị đánh cắp nhắc đến trong bài?
    http://cuucshuehn.net/?language=vi&nv=news&op=Ban-Tin-Noi-Bo/Cam-nghi-ve-ngay-quyen-gop-xay-dung-DCV-Hue-tai-nha-tho-Tan-Sa-Chau-02-3-2014-5333

    Trả lờiXóa
  2. bức tượng của ông hiện đặt trong khuôn viên của nhà chú Hoả đối diện là bức tượng của ông Quách Đàm

    Trả lờiXóa

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...