Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

 

Hoài vọng Tân Định - Đa Kao xưa

  

Trên đô thị Sài Gòn cũ, khu Đa Kao – Tân Định có thể nói tập trung nhiều người tài hoa, cá tính, sành điệu... có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú và thể hiện nhiều nhất lối sống Sài Gòn.

 

Chỉ cách nhau một chiếc cầu thôi, Phú Nhuận của tôi lúc nào cũng là một khu phố xá hiền hòa, an phận so với vùng Tân Định - Đa Kao. Đi quá cầu Kiệu, khu Tân Định như mở ra một thế giới khác của Sài Gòn. Con đường Trần Quang Khải bắt đầu không gian đó, với cây cao bóng cả sang trọng như ấp ủ một thời Sài Gòn xưa cũ đầu thế kỷ, năm nào vào đầu mùa gió chướng cũng đổ lá và mùa hè lại trút những cánh hoa dầu xoay lên đầu khách qua đường và trên những mái ngói của đình Nam Chơn.




Chợ Tân Định đầu thập niên 1960. Ảnh Báo Sáng Dội Miền Nam



Ông anh cả của tôi học trường Văn Lang ở đầu đường Trần Quý Khoách vẫn nhắc tới vị giáo sư - nhà thơ Vũ Hoàng Chương ròm tom, đi dạy học trên chiếc xích lô đạp đầu những năm 1960. Nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương cũng dạy ở trường này. Lớp có tới hơn 90 học sinh, ngồi chen chúc như cá mòi hộp.

Anh kể hồi đầu tháng 11 năm 1963, sau ngày ông Diệm bị lật đổ, trước trường giăng một biểu ngữ lớn có những câu thơ của thầy Vũ Hoàng Chương: Bao chiến công từ xưa tới nay/ Sáng lên vì bởi chiến công này/ Lòng dân họng súng mười phương lửa/ Trở lực nào cũng phải bó tay/ Giữa cơn chiến thắng nồng say/ Cùng hô: nước Việt đến ngày vinh quang/ Nam nữ sinh trường Văn Lang/ Mượn lời thi sĩ Vũ Hoàng kính dâng…

Gần chục năm sau thời đi học, anh chở tôi bằng chiếc honda dame mới toanh mới mua được nhờ đồng lương giáo chức, hãnh diện chạy qua khu Tân Định, chỉ ngôi trường cũ và chở tôi đến nhà (hay thư quán?) của một ông thầy khác- nhà thơ Đông Hồ. Ở đó, anh mua cuốn sách “Tục ngữ phong dao” bìa màu nâu của Nguyễn Văn Ngọc và từ đó, nó trở thành cuốn sách mà tôi mê mải suốt thời thơ ấu cho đến khi bị thất lạc.

Nhà này nhỏ thôi, nằm trên một con đường nhỏ Trần Văn Thạch, nay là Nguyễn Hữu Cầu. Anh bảo ở giảng đường Văn khoa, thầy giảng bài rất say sưa, thích bận áo dài. Ở nhà, thầy thích chưng hoa cúc hay phong lan, viết câu đối, xông trầm thơm ngát nhất là khi Tết đến. Quý mến thầy, anh sửng sốt khi nghe tin ông bị đứt mạch máu chết trên giảng đường Văn khoa lúc giảng bài Trưng Nữ Vương của Ngân Giang. Lúc đó, anh đã đi dạy tuốt trên biên giới Việt Miên và chỉ biết thương vọng từ xa.

Ông Dương Hữu Đạt tuy sống trên đường Trần Quý Khoách nhưng lại cảm thấy gắn bó với khu Đa Kao, nơi ông sống từ hổi nhỏ trên con đường Albert Premier, nay là Đinh Tiên Hoàng, đoạn quận 1. Ông cho rằng người Sài Gòn thời đó sống chân chất hơn, hiền lành hơn và ở đô thị, mâu thuẫn giữa người Việt và Pháp không quá gay gắt.




Chùa Ngọc Hoàng, hiện hiện tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1. Ảnh: Nguyễn Đình



Ông nhớ những người dân nghèo từ lục tỉnh lên sống lang thang trên đường phố khu Đa Kao, đánh giày hay bán sách dạo in bằng tiếng Pháp cho những bà đầm, anh lính hay viên công chức người Pháp. Họ kiếm sống từng bữa, ăn cơm hàng cháo chợ tằn tiện nhưng không tham lam. Nhiều lần ông thấy những người lính Tây say rượu nằm lăn ra trên đường ngủ, bỏ mặc xe đạp chỏng trơ bên lề đường. Mấy người đánh giày hay bán sách dạo dựng xe đạp lên, đạp mấy vòng phố xá chơi cho biết rồi đem đặt trở lại bên ông Tây say mèm.

Những người đạp xích lô đầu những năm 1950 hay đậu xe bên lề đường này chờ khách. Họ thích uống cà phê bít tất, còn gọi là cà phê vợt hay cà phê kho, đổ ra dĩa cho mau nguội, uống nhanh để còn lo chạy mối. Trong khi nằm chờ khách, họ nằm khểnh đọc báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, mải mê đọc truyện của các ông Thiếu Lăng Quân, Phi Long… Ông Đạt nghe mấy bà đầm Pháp kháo nhau rằng thật đáng ngạc nhiên khi dân lao động nghèo trên phố Sài Gòn rất thích đọc báo và có khi đọc sách nữa, điều không thấy có ở tầng lớp dân nghèo kiếm sống lề đường bên Pháp.

Khoảng thời gian đầu thập niên 1950, khu Đa Kao xôn xao vì một vụ tự tử thương tâm. Người chết là một bà xẩm, tên thường gọi phụ nữ người Hoa. Bà thuộc nhóm phụ nữ Hoa giúp việc nhà rất được người Pháp tin cậy, trả lương cao, cho phép đánh đòn con nít Tây mà họ trông nom, cho ăn, đưa đi học. Bù lại, họ trung thành với chủ, sạch sẽ, nấu ăn ngon, dạy dỗ và thương yêu đám con nít.

Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện này làm việc nhà không có gì sai sót trong mắt ông chủ giàu có người Pháp, chủ hãng xe Rồng Xanh (Dragon Vert). Tuy nhiên, một ngày kia ông phát hiện bị mất một số tiền lớn và bà xẩm bị nghi ngờ. Không biện minh được, bà xẩm thắt cổ tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình.

Người dân ở đây sống lâu với người Pháp nên hiểu họ khá rõ. Với tâm trạng tha hương, những anh lính hay giới công chức Pháp thích hưởng thụ xả láng cuộc sống vui chơi ở thuộc địa, nhiều người chìm đắm trong men rượu quên đi nỗi nhớ quê hương và những căng thẳng khác. Đồng lương của họ được xài phung phí, chỉ sau vài ngày của kỳ lương là gần cạn. Thỉnh thoảng lại có những trận đánh nhau giữa phu xích lô, thợ đánh giày với những người Pháp say rượu trước mấy cái nhà hàng khúc đường trước rạp hát Casino.

Sau khi tin tức về trận Điện Biên Phủ lan về Sài Gòn, người Pháp khu Đa Kao buồn và thu mình lại khiến người dân chung quanh không dám giao thiệp với họ. Ở gần nhà ông Đạt có anh lính Pháp kêu một anh chàng bán sách dạo có biệt tài thổi kèn bằng hai lá đu đủ, thổi cho hắn nghe bài La Marseillaise, để rồi hắn lẩm bẩm hát theo:

Allons enfants de la Patrie,

Le jour de gloire est arrivé!

Contre nous de la tyrannie,

L'étendard sanglant est levé,

Có lúc người thổi kèn lá thổi sai nhạc, anh lính này bực bội càu nhàu. Tuy vậy, lần nào anh lính cũng cho tiền người thổi kèn lá. Và chỉ yêu cầu thổi cho anh ta nghe mỗi bài La Marseille, quốc thiều Pháp.

Mùa hè 1975, tôi thường lang thang ra khu lề đường Trần Quang Khải để mua sách. Trên lề đường, những người bán bày ra sách tuôn ra từ các nhà cho thuê truyện bị đóng cửa. Cuốn nào cũng được đóng kẽm sát gáy, bọc ny lon, bên trong chi chít những dòng ghi vội ngày cho thuê mới nhất bằng bút nguyên tử, tức là bút bi theo cách gọi sau này. Tôi thấy có tên Nhà sách Toàn Hiệp, Tân Dân ở gần nhà tôi trên bìa mấy cuốn sách quen thuộc với tôi như “Đêm dài một đời”, “Thềm hoang”, “Phượng”… Xen kẽ giữa mớ sách bán khá rẻ là vài cái hộp gỗ, bức tranh nhỏ đề tên xưởng mỹ nghệ Thành Lễ, công ty mỹ nghệ Mê Linh nhưng giá khá cao.

Chục năm sau đó, tôi trở thành phóng viên và thường xuyên ghé nhà một anh chuyên rửa ảnh đen trắng thủ công trên con đường này, hỏi dò nhiều người quanh đó nhưng không ai nhớ chỗ nào đôi song ca Từ Dung - Từ Công Phụng mở quán cà phê có chiếc đàn piano trắng.

Trong lúc chờ đợi hình ảnh in tráng trong buồng tối, tôi tha thẩn đi bộ quanh khu Tân Định tìm đồ bán sold, đi tràn sang phía bên khu xóm Vạn Chài và dọc đường thơ thẩn, tôi phát hiện có quá nhiều cái đình chỉ trong một khoảnh đất không lớn. Đình Nam Chơn, rồi Đình Phú Hòa từng là nơi có quán cà phê của nghệ sĩ nổi tiếng Bảy Nhiêu, thân phụ của các nghệ sĩ Kim Cúc, Kim Lan. Đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh.




Ngày rằm trong chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Nguyễn Đình



Trần Quang Khải. Sau này đọc sách của tác giả Phụng Nghi mới biết xóm Vạn Chài (một cái tên hình dung về một làng ven biển chuyên đánh cá) ở vùng Đa kao này là xóm của những người dân chài từ miền Nam Trung bộ di dân vào và khi đã ổn định, họ lập ra tới bảy ngôi đình để tiếp tục thờ Thành hoàng của làng đánh cá ở quê cũ, mà họ gọi là “vạn”.

Khu Tân Định, Đa Kao thú vị vì có rất nhiều con đường nhỏ nhưng sầm uất từ thời Tây, hàng quán quá nhiều, người tài cũng lắm. Bác Hai, chủ tiệm rửa ảnh kể tôi nghe về những hàng quán ngon mà giới công chức cao cấp thời trước 1975 thích, như nhà hàng Casino Đa kao, có món Tôm hùm đút lò. Nhà hàng cơm tây La Cigale trên đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) có món tôm cua ốc ăn với thứ nước chấm rất ngon. Mì ngon là mì Cây Nhãn ở đường Đinh Tiên Hoàng, bánh mì thịt dăm-bông pa-tê Bảy Quan đường Huỳnh Khương Ninh. Cà phê ngon phải là cà phê Thái Chi trên đường Nguyễn Phi Khanh.




Tòa building trên đường Phùng Khắc Khoan, khu Tân Định được Báo Sáng Dội Miền Nam đánh giá là lộng lẫy, xây đầu thập niên 1960. Ảnh: Báo Sáng Dội Miền Nam, loại 3 số 3 (21) tháng 3.1961



Ở đường Huỳnh Tịnh Của có một ông họa sĩ mà lâu nay không thấy báo chí nhắc tới, ông Nhan Chí. Khi đến thăm một họa sĩ sơn mài nổi tiếng ở Sài Gòn, tôi được nghe ông ca ngợi về họa sĩ này: “Ông Nhan Chí vẽ chân dung bằng phấn tiên rất đẹp và sống động. Cách vẽ của ông là vừa vẽ vừa nói chuyện với người mẫu thật thoải mái, khiến mọi nét tự nhiên sinh động của cô người mẫu bộc lộ ra hết”. Tài năng của ông thu hút những khách hàng là các vị đại sứ của Mỹ, Nam Dương, Hòa Lan và bà Ngô Đình Nhu trước kia có đến đặt vẽ chân dung.

Xưởng vẽ của ông ở số 60/55 H trên con đường này, nay không còn dấu vết. Đám trẻ nhỏ ở đó lại không quan tâm đến việc vẽ vời của ông mà chỉ khoái cái bàn bóng bàn nhà ông vì ông Nhan Chí rất mê bóng bàn.

Trên đô thị Sài Gòn cũ, khu Đa Kao – Tân Định có thể nói tập trung nhiều người tài hoa, cá tính, sành điệu... có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú và thể hiện nhiều nhất lối sống Sài Gòn. Những dòng này chỉ là những nét chấm phá về một vùng đất mà người viết từng lang thang qua lại hơn ba mươi năm trước, từ khi biết cảm xúc khi nhìn bông dầu xoay tròn trên đầu, thấy đời thật vui trong những buổi tối đi chơi với bạn bè, ghé ăn đêm trên vỉa hè chợ “nhà giàu” Tân Định. Hay từ những buổi sáng gần Giáng sinh se lạnh, mê mải chọn thiệp và ngắm cây thông bên nhà thờ Tân Định đường Hai Bà Trưng.

                                                                      Phạm Công Luận

(Trích từ sách “Sài gòn chuyện đời của phố”, tập III)

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/hoai-vong-tan-dinh-da-kao-xua-37344.html

 

4 nhận xét:

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...