Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

 

SÀI GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA
CHỢ ĐŨI (Tiếp theo)

** Mỹ Phước Nguyễn Thanh France

 

 

Để tiếp tục tìm lại một ít quá khứ vùng Chợ Đũi, chúng ta cùng bước qua một trong những nơi trọng yếu của Sài Gòn thuở xa xưa, từ nơi đây đường cái quan chia ra nhiều ngả: một đường đi ra bắc về hướng Thăng Long, một đường về phía tây đi Cao Miên, một đường về phía nam đi xuống vùng Tiền và Hậu Giang. Ngày nay nơi ấy là ngã sáu Phù Đổng.

Theo Đại Nam nhất thống chí, vào năm 1679, chúa Nguyễn Phước Tần cho lập đồn dinh ở Tân Mỹ, đứng đầu cơ quan công quyền này là vị quan tổng tham mưu mang chức danh là điều khiển. Đến nay vị trí của đồn dinh Tân Mỹ chưa ai xác định được, nhưng ta có thể phỏng đoán vị trí nha Điều khiển vì chợ Điều Khiển được đề cập trong Gia Định thành thông chí và trong tài liệu của Trương Vĩnh Ký đã dẫn trên đây. Nha Điều khiển ở gần đường cái quan, nay là đường Nguyễn Trãi. Trên bản đồ Trần Văn Học (1815) ta thấy quan lộ này bắt đầu từ cửa Tốn Thuận của thành Bát Quái theo hướng tây nam qua chùa Kim Chương, đi về vùng châu thổ sông Cửu Long. Tại vị trí tương đương với ngã sáu Phù Đổng ngày nay ta thấy một ngã tư, có đường rẽ theo hướng tây bắc đi sang Cao Miên (các sứ thần nhà Nguyễn đi Nam Vang bằng đường này nên nó còn được gọi là đường Sứ), phía đối diện có đường rẽ về phía Cầu Quan và sông Bình Dương (Rạch Bến Nghé). Ngã tư này tồn tại cho đến ngày Pháp xâm chiếm Sài Gòn. Vào những năm đầu thời Pháp thuộc giao lộ này chỉ còn có 3 ngả chính : đường trên (Võ Tánh / Nguyễn Trãi), đường Thuận Kiều (Lê Văn Duyệt / Cách Mạng Tháng 8), đường La Grandière (Gia Long / Lý Tự Trọng). Ngả đi về rạch Bến Nghé ít được sử dụng vì đầm lầy Boresse chưa được mở mang. 

Vào đầu thập niên 1880, rạch Cầu Muối bị lấp dần, đại lộ Abattoir (Nguyễn Thái Học) nối liền khu Cầu Ông Lãnh tới ngã tư nói trên. Cũng vào khoảng thời gian này đường tramway Sài Gòn - Chợ Lớn (1881) và đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho (1883) được hoàn thành, cả hai đều đi qua ngã tư, gần đấy có trạm Chợ Đũi cho tramway ngừng lại đưa rước hành khách. Vào khoảng năm 1912 ga Sài Gòn đổi dời, tuyến đường sắt bị tháo dỡ, một lần nữa ngã tư thay hình đổi dạng thành ngã sáu, vì khoảng trống do đường xe lửa để lại được cải biến thành đường phố, nay là đường Lê Thị Riêng (Ngô Tùng Châu) và Phạm Hồng Thái. Ngã sáu này không có tên chính thức, nhưng người dân thời ấy quen gọi là ''ngã sáu Sài Gòn'' hay ''ngã sáu Verdun'', gọi theo tên của một trong những đường giao nhau tại đây.

Từ ngã sáu ta đi vào đường Verdun, con đường mang tên trận chiến diễn ra vào năm 1916 giữa hai quân đội Pháp và Đức. Trước tháng 8 năm 1916, đường này có tên là Thuận Kiều (route de Tong-Kéou hoặc Thuân-Kiêu), tên của một đồn binh thuộc triều đình, nằm cách Sài Gòn 12 cây số về phía bắc, thất thủ lúc kháng Pháp vào năm 1861. Năm 1947, đường Verdun được chia thành nhiều đoạn đặt tên khác nhau (Nguyễn Văn Thinh, Thái Lập Thành, Chanson). Từ 1955 đến 1975, tất cả các đoạn nhập lại mang tên đường Lê Văn Duyệt. 

Trong chu vi vùng Chợ Đũi, ta chỉ để ý đến đoạn từ ngã sáu đến đường Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự / Nguyễn Thị Minh Khai). Dọc theo đoạn đường này lần lượt ta gặp các ngã ba: Taberd (Nguyễn Du), Duranton (Bùi Thị

Xuân) và Léon Combes (Sương Nguyệt Anh).

Từ thập niên 1920 trở đi việc buôn bán mới bắt đầu nhộn nhịp: cửa hàng vải, đồ gỗ, tạp hóa v. v. xen lẫn nhà ở của công tư chức và vài ba trường sơ đẳng tiểu học của tư nhân, thường thường là ngôi trường nhỏ chỉ có một lớp học gồm vài mươi học sinh, do một thầy giáo kiêm hiệu trưởng phụ trách (Các trường Huỳnh Công Phước, Nguyễn Hoàng, Thái Bình, v.v.). Đặc biệt là nhiều người Ấn cũng đến đây cư trú hoặc buôn bán.

Khoảng năm 1930, hẻm số 6 ăn thông qua đường La Grandière hãy còn là khu xóm lao động tồi tàn, nhiều căn nhà chứa tới bốn, năm gia đình thợ thuyền (một người đứng tên thuê nhà rồi ngăn vách chia phòng cho các gia đình khác đến cư trú, họ hùn nhau trả tiền thuê nhà). Ban ngày trong đường hẻm chất đầy thùng, gánh hàng, ban đêm ghế bố bày trước nhà làm chỗ ngủ. Chuyện thật khó tin là hẻm này tuy ở nơi thị tứ nhưng hai đầu hẻm thường làm nơi đổ rác bừa bãi, trong hẻm lại nồng nặc mùi khai nước tiểu vì thiếu nhà vệ sinh công cộng trong khu phố chung quanh. Không riêng cho hẻm này, thời ấy còn có biết bao xóm nghèo như thế trong thành phố Sài Gòn.

Bên dãy phố phía tay trái gần đến đầu đường Duranton (số nhà 85) là tư thất của nhà cự phú Benoit Lê Văn Châu, vị mạnh thường quân đã hiến đất cho ban kịch Đức Hoàng Hội xây rạp hát trên đường Colonel Grimaud.  Qua khỏi ngã ba, nơi góc đường (số 89) là tư gia, vừa là  phòng mạch, vừa là ''dinh thủ tướng'' của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh. Ông cư ngụ tại đây hơn 20 năm đến ngày ông quyên sinh (10-111946) lúc đang giữ chức thủ tướng Cộng Hòa Tự Trị Nam Kỳ. Tên ông được đặt cho đoạn đường này từ năm 1947 đến 1955, sau đó đặt tên cho con đường ở khu trung tâm Sài Gòn, đường này đi từ đường Hai Bà Trưng đến đại lộ Nguyễn Huệ, trước tòa Hòa giải. 

Bên phía lề đường số chẵn, xưa có đường sắt đầu tiên của tramway Sài Gòn - Chợ Lớn, đã bị tháo bỏ, được thay thế bằng tuyến đường ngắn hơn sau khi san lấp rạch Cầu Kho. Nối tiếp với ngã ba đường Taberd là lề đường dọc theo vườn Ông Thượng, cổng vào của công viên này ở ngay ngã ba đường Duranton. Thửa đất trong công viên gần góc đường Taberd là nơi gợi lại một phần lịch sử sự thành lập hội Đức Trí Thể Dục. Hội này có tên Pháp rất dài là Société pour L'Amélioration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de la Cochinchine, được gọi tắt bằng tên dễ nhớ là SAMIPIC. Samipic được một nhóm người Việt thành lập vào năm 1926. Trong số các mục tiêu của hội này ta có thể kể: yểm trợ tài chính cho các hội bạn (hội từ thiện, hội ái hữu, hội tương tế, hội thể thao), đóng góp quỹ xây dựng cư xá sinh viên tại Paris (có nơi cư trú dành cho sinh viên Đông Dương), cấp học bổng cho thanh niên nam nữ thiếu điều kiện tài chính để thực hiện việc học vấn, tổ chức những buổi diễn thuyết để quảng bá kiến thức, thành lập thư viện, v.v.  Cầm đầu ban trị sự vào năm 1927 có các ông: chủ tịch Trần Trinh Trạch, phó chủ tịch Nguyễn Văn Của, Hồ Văn Kính, v.v. Nguồn tài chánh của hội do từ tiền đóng hằng tháng của hội viên, tiền trợ giúp của ân nhân, tiền quyên góp trong các kỳ hội nghị, tiền trợ cấp do ngân sách nhà nước thuộc địa, v.v. chưa kể lợi tức thu thập từ các cuộc xổ số. Trong các năm 1927-1930, nơi thường nhóm họp của hội Samipic là trụ sở hội Nam Kỳ Công thương Tương tế (Association des Industriels et Commerçants Annamites de Cochinchine) ở tầng lầu căn nhà số 76 đường La Grandière, Sài Gòn. Nơi đây không phải là phòng hội nghị lý tưởng vì nhiều lần không đủ chỗ chứa hết thính giả.  

Nói về phòng hội nghị, người Pháp có nhiều câu lạc bộ vừa lớn vừa nhỏ. Hoa kiều thì mỗi bang có nhà hội quán riêng, khi cần họp đông đảo họ có Phòng Thương mại ở Chợ Lớn. Còn đồng bào ta vì thiếu nhà hội quán nên thường nhóm họp trong các căn phòng chật chội tại các tư gia. Thất vọng vì những cuộc đón tiếp thiếu chu đáo dành cho các thượng khách, trong đó có thi hào Tagore, các hội viên mong sớm được làm chủ một ''Việt Nam Tổng hội phủ'' rộng lớn hơn, để cho tất cả các hiệp hội của người Việt đều có thể đến nhóm họp. Samipic được Hội đồng thành phố Sài Gòn chấp thuận nhượng miếng đất ở góc đường

Verdun và Taberd, nơi đây tuy ở giữa chốn phồn hoa nhưng phong cảnh vừa đẹp vừa thanh tịnh. 

Năm 1928, thống đốc đã ký sắc luật chấp thuận cho Samipic phát hành 300.000 tấm vé số, giá mỗi tấm là 2 đồng, trên lý thuyết tổng số tiền là thu được là 600.000 đồng, được phân phối như sau: Tiền dành cho các lô trúng: 300.000 đồng, trong đó có lô độc đắc 60.000 đồng. Tiền dành cho cư xá sinh viên tại Paris: 200.000 đồng. Tiền trợ cấp cho các hội đoàn được phép hoạt động: 100.000 đồng.

Đầu năm 1929, thống đốc Blanchard de la Brosse chủ tọa buổi lễ đặt viên đá đầu tiên. Một chai champagne được đập vỡ trên khối xây tượng trưng bằng gạch và xi măng, tiếp theo là tiệc thức ăn nguội và bánh ngọt. Samipic dự định xây dựng một tòa nhà nguy nga lộng lẫy, ba tầng lầu, nền nhà hình chữ nhật, kiến trúc theo kiểu truyền thống dân tộc nhưng có đủ tiện nghi hiện đại. Có văn phòng cho hội trưởng và ban trị sự, phòng hội nghị cho các hội bạn đến nhóm họp, thư viện, phòng thông tin về hoạt động nông nghiệp trong xứ, thông tin về tổ chức du học, phòng trưng bày cổ vật, phòng đãi tiệc, phòng thể dục, phòng giải trí… Tổn phí xây dựng ước chừng hai, ba trăm ngàn đồng (tiền Đông Dương năm 1929). 

Nhưng không may dự án xây dựng bị đình chỉ, vì lúc ấy đang diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xứ Đông Dương cũng bị ảnh hưởng đến kinh tế, đồng tiền mất giá. Hơn ba năm đã trôi qua, người ta chờ mãi nhưng không thấy tòa nhà ở đâu. Bỗng nhiên gặp được cơ hội tốt, Samipic mua đấu giá ngôi biệt thự nguy nga ở số 98 đại lộ Gallieni với giá 38 000 đồng. Chủ nhân cũ của ngôi nhà này là ông Lê Văn Trước, đã bỏ tiền xây cất khoảng 250 000 đồng. Hội quán không được gần nơi trung tâm như đã mong muốn vì ở tận vùng Chợ Quán, bất tiện cho việc đi họp của các hội viên. Dù sao trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tình cờ mua được báu vật bằng giá thích hợp với khả năng của hội, thì không cần đòi hỏi gì hơn nữa. Nơi đây có thể tổ chức mọi hình thức hội nghị, trong khung cảnh tráng lệ, xa nơi ồn ào náo nhiệt. Các hiệp hội khác cũng nhờ đó có nơi nhóm họp bên trong tòa nhà rộng rãi, sang trọng, tiện  nghi, thoáng đãng. Samipic tổ chức buổi yến tiệc chào mừng lễ khánh thành hội quán mới khai trương vào chiều thứ bảy ngày 16-2-1933. Tòa nhà này hiện nay mang số 606 đường Trần Hưng Đạo, quận 5.

Sài Gòn ngày càng đông dân và đất hẹp, không ai lấy làm lạ việc nhà cầm quyền chọn đất công viên để xây dựng công thự. Đất trống trong vườn Ông Thượng dọc theo đường Verdun được chọn làm nơi xây dựng Nhà Tương tế, phòng khám bệnh miễn phí thuộc hội Hồng Thập tự, Sở Y tế Nam Kỳ, v.v. 

Nhà Tương tế (Maison de la Mutualité) được xây dựng khoảng năm 1940, thuộc quyền sở hữu của Quỹ Tín dụng Tương tế Nông nghiệp (Caisse centrale de Crédit Agricole Mutuel). Một phần chi phí xây dựng tòa nhà này được tài trợ bằng tiền thu được do tổ chức giải xổ số. Tòa nhà này được dùng làm nơi hội họp dành cho các hội từ thiện, hội bảo hiểm, sở Thanh tra Lao động, các nghiệp đoàn, và đặc biệt phải kể đến Câu lạc bộ Đông Dương (Cercle Indochinois). Hội văn hóa này đã hoạt động từ trước năm 1937, khi chưa có trụ sở chính thức hội thường nhóm họp tại tư gia của các hội viên. Hội tổ chức các buổi diễn thuyết về các vấn đề pháp luật, y tế, xã hội, diễn giả là các bậc trí thức của Sài Gòn như các bác sĩ : Tân Hàm Nghiệp, Trần Tấn Phát, Trần Văn Đôn, các luật sư Lê Văn Kim, Phan Văn Thiết, Vương Quang Nhường, v.v. Khi Nhà Tương tế đã hoàn thành (khoảng 1940), Câu lạc bộ Đông Dương có nơi làm trụ sở. Ai đi trên đường Verdun, gần bên cổng vườn Ông Thượng, bị thu hút ngay bởi tòa nhà tân kỳ, trên trán nhà có mấy hàng chữ đắp nổi: ''Cercle Indochinois''. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tòa nhà này là trụ sở Tổng Liên Đoàn Lao Công. Hiện nay là tòa nhà Liên đoàn Lao động Thành phố.

Chúng ta tiến dần đến ngã tư Verdun - Chasseloup Laubat. Vào đầu thế kỷ 20 nơi đây hãy còn là một trong những cửa ngõ của Sài Gòn nhìn ra vùng làng quê ngoại thành. Tại góc vườn Ông Thượng gần ngã tư này là chỗ đặt bót cảnh sát Chợ Đũi, làm nơi kiểm soát an ninh đường ra vào thành phố. Sau khi sáp nhập làng Tân Hòa và Phú Thạnh vào thành phố Sài Gòn năm 1904 thì vai trò của bót này không còn cần thiết nữa nên được dời đi. 

Trên mảnh đất gần ngã tư, viện Bảo dục Nhi đồng (Institut de Puériculture) được khánh thành năm 1927, có sự góp phần vận động thành lập của bác sĩ Trần Văn Đôn, nghị viên Hội đồng quản hạt. Tòa nhà này được đánh giá là một kiến trúc mỹ lệ vào thời ấy, trông hao hao một biệt thự sang trọng, mặt tiền quay ra đường Chasseloup Laubat, phòng ốc rộng rãi nên còn dùng làm sở Y tế Nam Kỳ thời Pháp thuộc và là trụ sở Bộ Y tế thời Việt Nam Cộng Hòa. Viện Bảo dục Nhi đồng, còn được gọi là ''nhà thương Con nít'', do bác sĩ Bourgin làm giám đốc, có mục đích là trị bệnh cho các trẻ sơ sinh và truyền bá kiến thức vệ sinh cho các bà mẹ trong việc nuôi nấng con cái vì vào thời ấy số tử vong của trẻ sơ sinh rất cao.

Viện này có cả vườn trẻ và nhà gửi trẻ.     Năm 1933, viện Bảo dục Nhi đồng ngưng hoạt động do tốn kém nhiều mà hiệu quả thấp, nên đã đổi thành trường Điều dưỡng (Dispensaire-école) của hội Hồng Thập tự, đặt dưới sự cai quản của bà sơ Sempé, vị y tá nhiều kinh nghiệm. Được giám sát bởi sở Y tế, trường Điều dưỡng thực hiện hai mục tiêu chính: vừa cứu trợ những kẻ khốn khó, vừa đào tạo các nữ y tá tình nguyện.

Đồng thời một gian bên trong sở Y tế được dành làm Phòng bài lao, còn gọi là ''nhà thương Ho lao'' (Dispensaire antituberculeux), thành lập dưới sự bảo trợ của hội Chẩn tế Xã hội (Aide Mutuelle et d'Assistance Sociale, gọi tắt là AMAS). Phòng bài lao được trang bị máy quang tuyến X, các dụng cụ giải phẩu, kính hiển vi, máy bơm hơi vô màn phổi, v.v. Năm 1942, Phòng bài lao chuyển đi sáp nhập vào nhà thương thí ở đại lộ Bonard.

Trường Điều Dưỡng gia tăng hoạt động, trở nên chật hẹp nên đã được dời sang cơ sở mới ở gần đấy là nhà thương thí của hội Hồng Thập tự Pháp, số 24 đường Verdun. Trong cơ sở này, hội Chẩn tế Xã hội lập hội ''Giọt sữa'' (Goutte de Lait), ngoài việc phân phát sữa miễn phí cho các trẻ sơ sinh ở các gia đình nghèo mà các bà mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ vì kém sức khỏe hoặc vì bệnh hoạn, còn có bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và sự phát triển của các cháu bé. Vài mươi phụ nữ tình nguyện mỗi người bỏ ra vài giờ trong tuần đến giúp việc phát thuốc, băng bó vết thương cho các trẻ em được cha mẹ dẫn đến. Hằng năm trong khuôn viên hội Hồng Thập tự diễn ra chợ phiên từ thiện, nơi đây bày bán quần áo phụ nữ và trẻ em, khăn tay, đồ chơi, đồ trang trí lặt vặt, cây cảnh, bánh kẹo, bột thực phẩm, v.v. Có cả nhiều trò giải trí cho trẻ em và người lớn, hàng nước giải khát. Trường Điều dưỡng ngưng hoạt động vào năm

1945, mở cửa lại từ tháng 9-1946…

                                                                          (Còn tiếp)



 





https://cothommagazine.com/wp/co-thom-93/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...