Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018


VÀI DÒNG VỀ
PHI CẢNG TÂN SƠN NHỨT



Phi cảng Tân Sơn Nhứt thập niên 1960


Nói đến phi cảng Tân Sơn Nhứt thì dân Sài Gòn – Gia Định ai ai cũng biết mặc dù có những người suốt đời không có nhu cầu về nó. Thật vậy, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, phi cảng này được biết đến nhiều bởi tiếng ồn do các phi cơ tạo ra. Hàng ngày có mấy ngàn chuyến bay lên xuống chủ yếu là phi cơ quân sự rồi mới tới phi cơ dân sự đã tạo ra một sinh hoạt huyên náo tại nơi này. Lúc đó nhà tôi ở nằm trên đường xuống của các phi cơ và khi nghe tiếng của chúng tôi không cần phải ra coi cũng đoán đúng là phi cơ loại gì.
Phi cảng Tân Sơn Nhứt ngày ấy những năm đầu thập niên 1960, chung quanh còn hoang sơ không có nhà cửa nhiều và nếu có chỉ tập trung ở con đường chạy dọc theo phi cảng vào cổng chính. Đó là một con đường nhỏ chiều rộng khoảng 10m, một bên sát với hàng rào là những căn nhà của nhân viên phục vụ phi cảng, còn một bên tôi nhớ có một khoảng đất lớn là nơi dành cho những người chơi máy bay điều khiển. Nói tới máy bay điều khiển thật ra vào thời đó rất ít máy bay điểu khiển từ xa mà chủ yếu là máy bay có cột dây vào một bên cánh rồi người chơi cho nổ máy; Máy bay bay lên theo một vòng tròn mà người điều khiển là trung tâm. Dài theo hàng rào sân bay là cơ man những bụi chuối, nhìn vào trong hàng ngày đều thấy những chiếc T 28 tập bay lên xuống liên tục.



Cổng Phi Long của Phi cảng Tân Sơn Nhứt



Cổng đường Cộng Hòa của Phi cảng Tân Sơn Nhứt

Những năm sau. Người Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh thì phi cảng Tân Sơn Nhứt được quy hoạch lại. Những căn nhà nhân viên phục vụ phải dời đi để thiết lập một vòng đai an toàn cho Tân Sơn Nhứt. Kể từ đó người ta chỉ có thể nhìn vào phi cảng từ xa. Sau đó cơ man những căn cứ quân sự của Việt Nam Cộng Hòa và của Mỹ mọc lên chung quanh, đã làm thành một vành đai bao bọc cho sự an toàn của phi cảng. Song song đó là các dịch vụ phục vụ cho lính Mỹ cũng ăn theo chung quanh phi cảng hay các con đường dẫn đến.





Lịch sử phi cảng Tân Sơn Nhứt có từ rất sớm. Vào năm 1920, người Pháp lấy một phần đất của làng Tân Sơn Nhứt thuộc phủ Tân Bình lập một đường băng bằng đất để làm bãi đáp cho máy bay. Khi các quan chức hay khách du lịch Pháp và nước ngoài vào Sài Gòn phải đi theo một con đường đất chạy dài và nối liền với đường Mac Mahon tại kênh Nhiêu Lộc. Ngày 15 tháng 9 năm 1934, Pháp quyết định mở rộng và nâng cấp phi cảng với đường băng bằng bê tông. Ngày 29 tháng 4 năm 1936, lập trạm không lưu để điều hành việc máy bay lên xuống. Ngày 13 tháng 1 năm 1937, công bố việc mở rộng phi cảng. Ngày 16 tháng 5 năm 1937, giải quyết quyền lợi cho những đất đai trưng dụng vào việc mở rộng. Năm 1938, người Pháp cho xây dựng nối dài con đường Mac Mahon lên tận Tân Sơn Nhứt. Lể khánh thành đoạn đường này có tướng Bréviè dự vào ngày 28/10/1938. Như vậy sau năm 1938 con đường này mới trở thành con đường quan trọng đối với Sài Gòn nối liền hai điểm chiến lược là phi cảng và trung tâm hành chánh của chính quyền thuộc địa và nó trở thành một trong những con đường có độ dài nhất thời bấy giờ.



Phi cảng Tân Sơn Nhứt thời kỳ những năm 1930

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Tân Sơn Nhứt trở thành phi cảng có số lần máy bay lên xuống lớn nhứt thế giới với hàng ngàn máy bay dân sự và quân sự đã được đưa vào sách kỹ lục Guiness. Tôi còn nhớ những đêm Tân Sơn Nhứt sáng rực bởi hỏa châu của máy chiếc Dakota thả xuống hay những tiếng gầm rú của những chiếc C 141 cứ 20 phút một chuyến lên xuống trong cuộc di tản những người Việt làm việc cho Mỹ vào trung tuần tháng 4 năm 1975 và cả những chiếc C5 Galaxy có nhiệm vụ di tản trẻ mồ côi ra khỏi Việt Nam. Phi cảng là nơi có mặt hầu hết các loại máy bay nổi tiếng của Mỹ chỉ trừ F 111 và B 52 mà thôi.



Phi cảng Tân Sơn Nhứt khu vực dân sự



Phi cảng Tân Sơn Nhứt khu vực quân sự




Cuối cùng đây là bài mở đầu cho loạt bài viết về phi cảng Tân Sơn Nhứt sẽ được đăng của Quốc Việt viết trên báo Tuổi Trè. Gồm tất cả là 6 bài, riêng bài cuối cùng sẽ không đăng lên vỉ chủ đề của nó không liên quan đến lịch sử hình thành phi cảng Tân Sơn Nhứt.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...