Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015


Đường Sohier + Marcel Richard
Đường Tự Đức
                  

Trong mỗi con người của chúng ta ai cũng có một con đường của ký ức, một con đường của thời niên thiếu gắn liền với ngôi nhà mình ở trên con đường đó. Tôi cũng vậy, tôi có con đường thương mến ngoài con đường Yên Đổ như các bài trước đã viết, đó là đường Tự Đức Đa Kao. Nó đã để lại trong tôi những kỷ niệm về các bạn bè giờ đây không biết phiêu bạt nơi đâu, ai còn ai mất, các bạn của tôi: Trường, Khải, Khương, Bé Năm, Bé Sáu, Michelle, Francois,.... Nó để lại trong tôi cái không khí êm đềm của một con đường nhỏ mỗi khi chiều về hay xao động mỗi sáng và trưa khi các học sinh trường Đinh Tiên Hoàng và Lê Văn Duyệt  vào học hay tan học. Nó để lại trong tôi những nỗi nhớ nhung về các trò chơi tuổi nhỏ với các bạn bè.
Một điều đáng tiếc là con đường này cũng như một số con đường nhỏ khác không nổi bật hầu như không có một hình ảnh nào lưu giữ về chúng, giờ đây tôi kể lại cho các bạn là những gì còn lại của ký ức trên 50 năm. Tôi có trở lại con đường này vài lần, giờ nó đã thay đổi rất nhiều, các khung cảnh xưa không còn nữa và cái không khí yên tịnh dạo nào giờ là một cảnh náo nhiệt cũng giống như những con đường Sài Gòn khác.
Giờ tôi bắt đầu kể cho các bạn về con đường này:
Đường Sohier: Hướng Đông Bắc - Tây Nam xưa chỉ nối đường  Paul-Blanchy (Hai Bà Trưng) với đường  de Massiges (Mạc Đĩnh Chi). Cái tên Sohier được đặt theo quyết định của đô đốc  Duperré ngày 14 tháng năm 1877.
Đường Marcel Richard: Hướng Đông Bắc - Tây Nam xưa chỉ nối đường de Massiges (Mạc Đĩnh Chi) với kên Thị Nghè. Được đặt theo quyết định của hội đồng thành phố ngày 26 tháng 4 năm 1920.



Bản đồ 1898 chỉ có con đường Sohier


Bản đồ 1943 gồm 2 con đường Sohier và Maecel Richard

       Ngày tại đoạn đầu của đường này khi xưa tồn tại một trong ba trụ sở Société des Études Indochinoises thành lập năm 1925 - 1929 trước khi sáp nhập vào bảo tàng Blanchard de la Brosse (viện bảo tàng quốc gia nằm trong thảo cầm viên) về sau thời VNCH trụ sở này trở thành trung tâm lưu trữ hồ sơ quốc gia nằm ở số 1 đường Tự Đức. Đoạn này là khu dân cư lụp xụp vào khu Xóm Cỏ nơi đó nhà cửa bị cháy trong trận Mậu Thân 1968 và tại ngả tư Tự Đức - Nguyễn Bĩnh Khiêm cũng tồn tại ngôi đình 200 năm tuổi là đình Tân An.



Giao tranh với quân VC tại góc Tự Đức - Nguyễn Bĩnh Khiêm năm 1968


Viện dược phẩm Sài Gòn trong trận tết Mậu thân 1968
                     

Qua ngả tư này là tiếp nối hai bên đường các biệt thự kéo dài qua ngả tư Tự Đức - Phạm Đăng Hưng. Đến ngả tư Tự Đức - Phan Kế Bính ta thấy một cư xá nhỏ của các giáo sư người Pháp và đối diện qua mặt đường là một biệt thư lớn, về sau thời quân đội Mỹ sang, chủ đã phá ngôi biệt thự và xây một buiding  để cho thuê. Đó là bệnh viện thẫm mỹ và tái tạo nhi đồng quốc tế.





                   

Giao lộ Tự Đức - Đinh Tiên Hoàng là giao lộ lớn trên toàn tuyến của con đường này. Tại đây có quán bar Lido thập niên 60; tôi nhớ thời đó tôi với mấy đứa bạn công kênh lên cửa sổ nghe mấy ca sĩ hát, bài hát thịnh hành hồi đó là bài never on sunday. về sau cuối thập niên 60 quán bar này đổi thành nhà hàng Crazy Cow.




                         

Bước qua ngả tư là trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng dài tới hẽm Cây Điệp. Bên này là tiệm Hoa Lư. 


Ngả tư Tự Đức - Đinh Tiên Hoàng ta thấy tiệm Hoa Lư


Ngả tư Tự Đức - Đinh Tiên Hoàng ngày nay tiệm Hoa Lư không còn nữa, cây me tây ngay chổ bảng hiệu giao thông cũng mất



Ngả tư Tự Đức - Đinh Tiên Hoàng nhìn từ vị trí số nhà 153, 
chổ tấm bạt màu đỏ khi xưa là bar Lido.
 Chổ mấy chiếc xe hồi 31/10/1963 lính nhảy dù đặt berie chặn đường vào thành Cộng Hòa.



Căn nhà số 153 vẽ lại theo ký ức
                       


Từ chổ tiệm Hoa Lư đi tới có hai căn nhà giống nhau trong đó có căn nhà của tướng Mai Hữu Xuân. Đây là căn nhà số 153 mà tôi ở đó 4 năm và đã chứng kiến bao sự đổi thay chính trị như vụ đảo chánh 1/11/1963 và các vụ đảo chánh sau đó. Đi tới giáp hẽm Cây Điệp là một nhà in của ông chủ người Pháp có một chiếc xe ford không mui, nhà in này chuyên in cuốn la semaine à Saigon.


                           


Nói đến hẽm Cây Điệp có người hỏi vì sao nó có tên đó, xin thưa là hồi xưa ngay phía sau nhà in ông chủ Tây này có một cây điệp rất to và nó đã bị đốn hồi nào thì tôi không biết nhưng cái gốc nó còn đó ước tính khoảng 3 người vòng tay ôm lấy nó. Giờ thì không còn nữa. Hẽm Cây Điệp bắt đầu từ đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu Bây giờ) và chấm dứt ở đường Phan Thanh Giản (Điện Biên phủ) qua bên kia đường là đường Phan Ngữ. Trong hẽm này hồi xưa có một lò bánh mì, kế bên ló là một tư gia có cây khế và nó là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Thanh Tùng sáng tác ra bài "hoa tím ngoài sân" vì sau 30/4/1975 có lúc tư gia này là của nhạc sĩ. Đi tới chút là một ngôi trường tư dạy tiếng Pháp của một bà chủ lai tây. Hẻm Cây Điệp mé bên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng hồi xưa có hai nhà bán nước giải khát cho học sinh.
  

Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng phía bên trái của hình chụp
 ở vị trí đường Đinh Tiên Hoàng.
                         
Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng hồi xưa chỉ xây kiên cố ở mặt tiền bên đường Đinh Tiên Hoàng còn các dãy lớp phía sau là dãy trệt. Tụi tôi hồi nhỏ chuyên môn trèo tường vào trường chơi hay thi nhau chạy dọc trên bức tường bên đường Tự Đức. Mỗi kỳ thi tú tài trường này là một điểm thi, chúng tôi chờ thi xong là vô các lớp lượm viết, compa, thước của các thí sinh bỏ lại. Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho tôi nhiều kỷ niệm nhất là tiếng học trò ê a đọc bài mổi sớm chiều.

Qua hẽm Cây Điệp là chúng ta tới một ngả ba Tự Đức - Trần Doãn Khanh. Bên kia là cổng sau trường tiểu học Lê Văn Duyệt sau đổi tên là Tự Đức, còn phía bên này là dãy nhà liên kế. Hồi xưa trên đoạn này người ta bày bán các sách báo thiếu nhi, các xe bán xoài cốc ngâm chua, các xe bán đồ chơi và các tấm hình cắt ra để chơi trò dích hình, v.v...tạo thành cảnh náo nhiệt mỗi khi học sinh chờ vô lớp.


                        

Qua ngả ba này chúng ta thấy những dãy nhà nhỏ hai bên đường rồi tới một hẽm lớn ăn thông qua đường Mạc Đĩnh Chi và Phan Thanh Giản là chúng ta tới ngả tư Tự Đức - Mạc Đĩnh Chi. Bên kia ngả tư là một depot của sở vệ sinh và khu nhà ở công nhân vệ sinh. Đi về phía đường Mạc Đĩnh Chi là hội Việt Mỹ. Qua depot là biệt thự thằng bạn học người Pháp Raymond. Khi xưa khu vực này rất nhiều cây xanh và rất yên tịnh giờ thì không còn nữa cửa hàng đủ thứ mọc lên phá vỡ toàn bộ cảnh quan xưa.



Chổ "Bánh mì tươi" xưa là depot chứa xe rác đẩy tay
                      


 Đi tới là ngả tư Tự Đức - Phùng Khắc Khoan, ở đây có biệt thự của thằng bạn học tên là Hiếu kề bên là cổng sau hội Việt Mỹ. Nối tiếp theo đoạn này là các biệt thư và góc đầu Tự Đức - Hai Bà Trưng là trường La Providence. Đường Tự Đức chấm dứt tại đây ngó sang tòa đại sứ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) thưở nào.



Đoạn ngả tư Tự Đức - Phùng Khắc Khoan ngày nay


Trường La Providence giờ là tòa nhà như thế này


Ngả ba Tự Đức - Hai Bà Trưng ngày nay chúng ta thấy hai bên đường các biệt thự đã biến mất và hàng me xưa cũng không còn thay vào đó là hàng me mới trồng lại sau này.



Tôi xin lấy tấm hình đường Mạc Đĩnh Chi năm 1968 gần đoạn đường Tự Đức để các bạn so sánh về mật độ cây xanh thời đó và sự yên tĩnh của khu vực này khi xưa.




1 nhận xét:

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...