Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013


Những đam mê thuở học trò
Thú đọc truyện tranh


Chúng ta, ai cũng đã từng đọc qua truyện tranh của Pháp và Bỉ ở thời học trò. Cái thời mà tiếng Pháp còn giữ vị trí quan trọng, cái thời của học trò chúng ta còn tiếp xúc nhiều đến văn hóa của Pháp. Bất cứ cậu học trò nào cũng lận trong cặp những truyện tranh Lucky Luke, Obelix et Asterix hay cuốn Spirou, Pilote,v.v...Tôi cũng như các bạn học cùng thời có cái đam mê đó. Tôi nhớ hồi còn học primaire, những bạn học người Pháp mang tới cho tôi nhưng truyện tranh đầu tiên, làm tôi mê mẫn. Từ đó về sau, tôi có cái miệng dụ khị rất hay, chúng đem đến cho tôi truyện tranh rất nhiều, nhiều đến nối tôi phải chứa mấy thùng mới hết. Cái thế giới của truyện tranh mang đến cho tôi nhiều ước mơ, nhiều hiểu biết và điều đặc biệt là tryện tranh của Pháp và Bỉ  mang đến tính nhân văn rất cao. Ở đó ta thấy tình người, tính cao thượng, sự hy sinh, tuyệt nhiên không có hình bóng bạo lực xen vào.
Đa số những người đọc truyện tranh ở Việt Nam thời đó chỉ biết là của Pháp nhưng thật ra đa số truyện tranh đó xuất xứ của Bỉ. Bỉ mới chính là quê hương của truyện tranh. Như cuốn Spirou là cuốn sách truyện tranh của Bỉ trong đó có các truyện như Frantasio et Spirou, Johan et Pirlouie, Stroumps, Buck Danny, Lucky Luke,v.v...và  cuốn Tintin với nhân vật chính là Tintin anh chàng phóng viên và con chó Milou, Pháp chỉ có cuốn Pilote với truyện chính là Obelix et Asterix,v.v...
Truyện tranh dẫn chúng ta tới những thế giới mới, chúng ta từng hồi hộp theo dõi bước đi của anh chàng Tintin, tính hài hước của anh em nhà Dupont – Dupond, sự nóng tính của thuyền trưởng Haddock, sự thông thái của bác học tournesol, tiếng ca opera nhức óc của bà Castafiore. Cũng như chàng cao bồi Luky Luke với con chó Rantanplan ngốc nghếch đụng độ 4 anh em nhà Dalton hay hồi hộp theo dõi từng chuyến bay của chàng phi công Buck Danny. Nếu muốn thưởng thức không khí thời cổ đại thì chúng ta có Obelix et Asterix, Timuor, thời trung cổ có Johan et Pirlouie. Sau này một số truyện tranh được đưa vào điện ảnh như Tintin với phim Le mystere de la toison d’or, les oranges blues,...và series hoạt họa về chuyến phiêu lưu của Tintin, series hoạt họa về chuyến phiêu lưu Lucky Luke, series hoạt họa về chuyến phiêu lưu Obelix et Asterix, v.v...
Truyện tranh là một đề tài mà tôi chọn làm tiểu luận khi học đại học. Đề tài này được chọn để phê phán những loại truyện tranh mang tính bạo lực của Nhật, Hồng Công, trung Quốc đang tràn lan ở Việt Nam. Ở Việt Nam trong những năm 90 có nhà xuất bản Trẻ đã mua bản quyền và cho in lại những truyện Tintin, Lucky Luke,v.v...nhưng cũng không cạnh tranh nổi với loại truyện tranh bạo lực kia. Ngày xưa hai nơi bán truyện tranh nhiều nhất là nhà sách Xuân Thu đường Tự Do, nhà sách Khai Trí đường Lê Lợi và hiệu sách ờ quảng trường nhà thờ Đức Bà. Giá một cuốn thời đó là 75 đồng, đây là giá do Pháp bù lổ để quảng bá văn hóa Pháp. Về sau những năm 70 đề đáp ứng cho người đọc truyện tranh của Pháp đã được dịch qua tiếng Việt và bày bán đầy rẫy các sạp báo và nhà sách, nhiều nhất là tiệm sách ở Nam Quang Chợ Đũi.
Sau đây tôi giới thiệu đến các bạn một họa sĩ đã vẽ ra nhân vật Luky Luke nổi tiếng là Morris. Để có nhân vật Luky Luke, ông phải sang Mỹ sống trên 15 năm, tìm hiểu toàn bộ lịch sử, phong tục, văn hóa miền Tây nước Mỹ.
Morris (1923 - 2001) là một họa sĩ sáng tác truyện tranh người Bỉ. Với tập truyện Lucky Luke nổi tiếng, ông được xem là một trong những tác giả truyện tranh lớn nhất thế giới.


Morris tên thật là Maurice de Bevere, sinh ngày 1 tháng 12 năm 1923 tại Kortrijk, Bỉ. Từ năm 17 tới 19 tuổi, Maurice theo học khóa vẽ qua thư từ do Jean Image hướng dẫn. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu làm việc tại xưởng hoạt hình Compagnie Belge d’Actualités (CBA) của Bỉ. Tại đây, Maurice quen biết với Peyo, André Franquin, Eddy Paape, những tác giả kịch bản truyện tranh. Từ năm 1945, Maurice trở thanh họa sĩ chính chuyên vẽ trang bìa và minh họa cho báo Le Moustique, tờ báo hài hước nổi tiếng của Bỉ khi đó.
Giáng sinh năm 1946, nhân vật Lucky Luke lần đầu tiên được Maurice cho xuất hiện trong sách lịch Spirou 194 với Câu truyện Arizona 1880. Và cũng bắt đầu từ nhân vật này ông dùng nghệ danh Morris. Từ năm 1948, Morris chuyển sang sống tại Mỹ và vẽ truyện hài cho một số tạp chí ở đây. Tuy vậy, vẫn tiếp tục với nhân vật chàng cao bồi Lucky Luke, ông gửi các bản thảo của mình cho ban biên tập của Spirou. Năm 1949, nhà xuất bản Dupuis của Bỉ cho xuất bản tập truyện tranh Lucky Luke đầu tiên Mỏ vàng của Dig Digger. Và cũng trong thời gian ở Mỹ, Morris làm quen với René Goscinny, người sẽ là tác giả kịch bản của rất nhiều tập truyện Lucky Luke sau này.
Năm 1955, Morris trở về Bỉ tiếp tục sáng tác truyện tranh. Lucky Luke được nhà xuất bản Dupuis phát hành trong 19 năm rồi sau đó, năm 1968 được nhà xuất bản Dargaud của Pháp tiếp tục. Các tập truyện Lucky Luke dành được thành công liên tiếp. Sau khi René Goscinny mất vào năm 1977, Morris còn hợp tác cùng một số tác giả kịch bản khác.
Từ năm 1987, song song với Lucky Luke, Morris cùng sáng tác các tập truyện tranh về Rantanplan - chú chó ngốc nghếch trong Lucky Luke.
Ông mất ngày 16 tháng 7 năm 2001 tại Bruxelles.


Lucky Luke là chàng cao bồi, nhân vật chính trong bộ truyện tranh cùng tên do họa sĩ người Bỉ Morris sáng tác từ năm 1946. Những truyện Lucky Luke đầu tiên được in trên báo Spirou tiếp đó Pilote, trước khi được phát hành dưới dạng tập truyện tranh. Tập truyện tranh này thành công rực rỡ trong khoảng 1957 đến 1977 với sự tham gia viết kịch bản của René Goscinny.
Tuy rất nổi tiếng tại châu Âu, tập truyện tranh này ít được in tại các nước sử dụng tiếng Anh. Lucky Luke đã được dịch ra tiếng Việt và được nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Vào Giáng sinh năm 1946, tác giả Morris, khi đó là họa sĩ minh họa cho tờ báo hài hước Le Moustique, lần đầu tiên cho xuất hiện nhân vật Lucky Luke trong tạp chí truyện tranh Spirou với Câu truyện Arizona 1880. Từ năm 1948, tuy chuyển sang Mỹ sinh sống, nhưng Morris vẫn tiếp tục với nhân vật Lucky Luke và gửi các bản thảo của mình cho ban biên tập của Spirou. Cũng chính trong thời gian ở Mỹ, Morris đã gặp gỡ và làm quen với René Goscinny, tác giả kịch bản chính của nhiều tập truyện Lucky Luke sau này.
Năm 1949, nhà xuất bản Dupuis của Bỉ cho xuất bản tập truyện tranh Lucky Luke đầu tiên Mỏ vàng của Dig Digger. Trong những năm sau đó, Morris lần lượt cho xuất bản 8 tập tiếp theo mà ông vừa là họa sĩ, vừa là tác giả kịch bản. Năm 1957, từ tập truyện thứ 9, Morris hợp tác cùng với René Goscinny - trừ tập 10 ông vẫn là tác giả độc nhất.
Từ năm 1968 tới 1987, các tập Lucky Luke được nhà xuất bản Dargaud của Pháp tiếp tục phát hành. Sau khi René Goscinny mất, Morris hợp tác với nhiều tác giả kịch bản khác như Xavier Fauche, Bob de Groot, Jean Léturgie, Hartog van Banda, Vicq, Guy Vidal… Từ tập 60 vào năm 1991 cho tới tập 67 vào năm 1998, Lucky Luke được xuất bản bởi Lucky Productions. Sau đó, từ tập 68 vào năm 2000 được tiếp tục với nhà xuất bản Lucky Comics.
Sau khi Morris mất vào năm 2001, nhà xuất bản Lucky Comics phát hành serie Những cuộc phiêu lưu của Lucky Luke (Les aventures de Lucky Luke) với nét vẽ của họa sĩ Achdé.
Bổi cảnh chính của Lucky Luke là miền Tây nước Mỹ cuối thế kỷ 18. Cũng có khi xuất hiện những cảnh ở bờ Đông và cả bên ngoài nước Mỹ như Canada và Mexico. Giống như các bộ phim cao bồi, hình ảnh thường thấy trong Lucky Luke là những đồng cỏ, các thị trấn, quán rượu, các chuyến xe lửa… và nhà tù, nơi trú ngụ thường xuyên của anh em nhà Dalton.
Trong Lucky Luke, các thị trấn thường được giới thiệu bằng một bảng gỗ với những câu đe dọa hài hước. Trong thị trấn luôn có quán rượu, nhà băng, đồn cảnh sát… Những quán rượu, với các vũ nữ mập mạp nhảy múa trên sân khấu, cây đàn piano, các bàn cờ bạc… là nơi thường xuyên xảy ra ẩu đả và kết thúc với một kẻ bay ra ngoài rơi vào máng nước của ngựa. Còn trong nhà tù, các tù nhân luôn làm cộng việc đập đá. Các chuyến xe lửa thì thường không tới đúng giờ vì bị cướp chặn.
Nhiều cốt truyện của Lucky Luke được dựa theo các sự kiện có thật trong lịch sử miền Tây nước Mỹ. Tập Dây kẽm gai trên đồng cỏ nói tới cuộc tranh chấp của các chủ trại. Cuộc đổ xô tới Oklahoma nói tới sự kiện ngày 22 tháng 4 năm 1889 khi hơn 100 000 boomer tham gia vào cuộc đổ xô tới Oklahoma để giành đất. Trang trại O.K Corral nói về cuộc đấu súng huyền thoại của miền Tây tại O.K. Corral. Đoàn ngựa con tốc hành nói về công ty Pony Express với việc cố gắng rút ngắn thời gian vận truyện thư từ giữa miền Tây và miền Đông. Sợi dây biết hát nói về việc xây dựng điện báo tại Hoa Kỳ…
Tuy nói về miền Tây, nhưng Lucky Luke rất ít bạo lực. Các sự kiện được thể hiện một cách hài hước theo kiểu truyện tranh. Ví dụ như kết thúc vụ đấu súng O.K Corral mà không có ai chết hay bị thương. Tên cướp Billy the Kid cũng chỉ bị Lucky Luke phạt đánh vào mông và tiếp tục xuất hiện trong những tập khác. Trong toàn bộ các tập truyện, Lucky Luke chỉ một lần duy nhất bắt hạ Mad Jim trong tập đầu tiên Mỏ vàng của Dick Digger và một lần khác bắn bị thương Nhện chân dài Phil de Fer - cả hai tập đều do Morris tự viết kịch bản.
Các cuộc chiến với người da đỏ cũng thường xuyên được đề cập nhưng luôn kết thúc êm đẹp với sự kiện hai bên cùng ngồi hút “tẩu thuốc hòa bình”.
Hình ảnh không đổi cuối mỗi tập truyện là Lucky Luke cưỡi chú ngựa Jolly Jumper đi về phía cuối chân trời và hát bài “Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương, mà đường về nhà còn xa…” bằng tiếng Anh:
« I’m a poor lonesome cow-boyAnd a long far way from home »
Nhân vật chính Lucky Luke là một anh chàng cao bồi nghèo đơn độc của miền Tây nước Mỹ cuối thế kỷ 19. Với biệt danh “bắn nhanh hơn cái bóng của mình”, Lucky Luke lang thang khắp miền Tây bảo vệ cho công lý và lẽ phải.
Trong những tập đầu tiên, diện mạo và tính cách của Lucky Luke chưa thực sự định hình. Những tập truyện về sau, hai tác giả Morris và René Goscinny xây dựng hình ảnh Lucky Luke như một anh chàng cao bồi vui tính, độc thân, bề ngoài thường với chiếc mũ trắng, áo gi-lê đen, sơ mi vàng và cổ đeo chiếc khăn màu đỏ. Ban đầu, Lucky Luke luôn xuất hiện với điếu thuốc lá trên môi, nhưng về sau để tránh hình ảnh người hùng nghiện thuốc lá, Morris cho thay thế bằng một cọng cỏ. Sử lý các tình huống một cách hài hước thông minh, cộng với tài bắn súng và sự may mắn, Lucky Luke luôn thành công ở cuối mỗi tập truyện.
Đồng hành với Lucky Luke là Jolly Jumper, chú ngựa chạy nhanh nhất miền Tây. Là con ngựa đặc biệt, Jolly Jumper biết đi trên dây, thông minh tới mức cùng chơi cờ với Lucky Luke và khi nói truyện có thể trính dẫn cả văn học. Jolly Jumper nhiều lần cứu Lucky Luke thoát khỏi các tình huống khó khăn nhưng hai nhân vật này thương xuyên trêu trọc nhau. Như trong tập Nàng Sarah Bernhardt, Jolly Jumper chê bai vì Lucky Luke soi gương trước khi đi gặp Sarah Bernhardt, còn Lucky Luke trêu rằng Jolly Jumper không mặc gì khi chú ngựa này không đeo yên. Đặc biệt Jolly Jumper rất ghét con chó Rantanplan.
Nhân vật phản diện thường xuyên nhất trong tâp truyện tranh là anh em nhà Dalton. Từ mẫu những nhân vật có thật trong lịch sử miền Tây, Morris đã xây dựng nên bốn tên cướp Dalton nhưng lại cho chúng chết ngay khi vừa xuất hiện. Về sau, Morris và René Goscinny đã cho chúng sống lại bằng cách xuất hiện các anh em họ của Dalton. Băng cướp Dalton sau bao gồm: Joe, Jack, William và Averell. Trong đó Joe là anh cả, lùn nhất nhưng cũng hung hãn nhất, chỉ huy của cả nhóm. Sau đó tới Jack, William, dần cao hơn nhưng cũng bớt hung hãn hơn. Cuối cùng là Averell, em út, cao nhất và cũng ngốc nhất nhà. Các tập truyện thường bắt đầu bằng việc anh em Dalton trốn khỏi nhà tù, và kết thúc khi chúng bị Lucky Luke bắt trở lại.
Một nhân vật thường xuất hiện trong Lucky Luke nữa là Rantanplan, mênh danh “con vật ngu ngốc nhất miền Tây” hay “chú chó ngốc hơn cả cái bóng của mình”. Rantanplan là chú chó của trại giam và được các nhân viên giao cho nhiệm vụ canh giữ bọn Dalton. Morris đã xây dựng nhân vật Rantanplan dựa trên một nguyên mẫu có thực là Rin Tin Tin, một con chó thông minh, dũng cảm thường xuất hiện trên các bộ phim của hãng Warner Bros vào những năm 1920. Nhưng ngược lại với Rin Tin Tin, Rantanplan là chú chó ngu ngốc, nhát chết, tham ăn, và có cái mũi bị điếc. Trong thực tế, chú chó Rin Tin Tin là một diễn viên ngôi sao, với cát xê cao, đi xe hơi và nhiều người phục vụ… và tác giả Morris đã đưa những chi tiết này vào tập Gia tài của Rantanplan.
Một số nhân vật khác thường lặp lại trong Lucky Luke như những tay nhà đòn với bộ lễ phục đen và nước da mai mái, luôn tìm cách trục lợi từ các vụ giết người hoặc treo cổ. Các cô vũ nữ thường mập mạp và hút thuốc. Nhân vật cụ cố ngồi trên xe lăn, tai điếc, cắm chiếc loa kèn vào tai và thường xuyên hỏi lại. Những người Mexico với cái mũ rộng vành ngủ ngay cạnh đường ray. Những người Hoa với mái tóc đuôi sam làm đầu bếp hoặc nghề giặt ủi…
Nhiều nhân vật có thật ở miền Tây cũng được tác giả đưa vào tập truyện. Billy the Kid trở thành một tên cướp trẻ con liều lĩnh. Calamity Jane thành một người bạn của Lucky Luke, mạnh mẽ nhưng hay chửi tục và nhai thuốc lá. Nghệ sĩ nổi tiếng Sarah Bernhardt sang Mỹ biểu diễn và cũng được Lucky Luke hộ tống… Các tổng thống Mỹ cũng nhiều lần xuất hiện trong truyện.
Ngược lại, một số nhân vật hư cấu trong truyện lại được Morris vẽ theo nguyên mẫu nổi tiếng. Như một phù thủy da đỏ có gương mặt của ca sĩ Elton John, nhân vật kẻ săn tiền thường có vẻ bề ngoài của diễn viên Lee Van Cleef hay một tên cướp giống với diễn viên Louis de Funès, diễn viên Jack Palance trở thành Nhện chân dài…
(Tổng hợp từ Wikipedia và các nguồn khác)

Bài phản hồi của bạn Đỗ Mạc Lô:

Đọc bài viết của Xì Dầu về truyện tranh hồi xưa củng nhớ lại thời xưa Lô cũng khoái coi truyện tranh.
Sách hình Pháp thì có một sạp báo đối diện tiệm nước mía Viễn Đông, tiệm này cho thuê truyện tranh Lucky Luke, Tintin theo dạng bán ra rồi mua lại thành ra giá chênh lệch coi như là tiền mướn sách.
iệm sách mà Thảo nói trong blog đối diện nhà thờ Đức Bà là nhà sách Liên Châu. Trước năm 75 Lô có mua được ở đây một tập đóng bộ nguyên năm của tờ tuần san truyện tranh tên là Tre Xanh.  Còn nhớ là xuất bản năm 1956.  Mỗi số chỉ có 4 trang nhưng mà đặc biệt là in màu. Rồi sau năm 75 trong xóm có một bà ngày nào củng qua la hét có vẽ thảm thiết nên tặng cho bà ta bộ đó.  Xì Dầu biết bả la như thế nào không?  Bả la như thế này:  "Ai có ve chai giấy báo củ bán không..." 
Thời trung học, nhiều truyện tranh của Pháp được dịch ra tiếng việt, bán rất chạy.  Nỗi tiếng là do họa sĩ Hoàng Lương vẽ lại.  Được cái là dịch hay và sát truyện.  Lucky Luke dịch là hiệp sĩ Lục Kỳ.  Bài hát của Lucky Luke ở cuối truyện được dịch là:  "Tôi là lãng tữ cô đơn, gió sương là bạn đường xa là nhà."  Anh em Dalton dịch là anh em Đặng Tân.  Johan và Pirlouit dịch là Lữ Hân và Phi Lục.  Fantasio và Spirou được dịch là Phan Tân và Sĩ Phú.  Nhiều tựa truyện dịch củng rất hay như cuốn "Les Daltons se rachetent" qua tiếng Việt thành "Đặng Tân tứ huynh đệ cải tà qui chính".  Sau khi Morris mất, nhà xuất bản có ra bộ "Kid Lucky", vẽ về Lucky Luke thời còn con nít, Lucky con nít không bắn súng nhưng mà bắn ná.  Tiếc là nét vẽ và tính dí dõm không được như xưa, phải nói là thuộc loại dưới trung bình.

Nhưng mà một trong những bộ truyện tranh VN, có lẽ bộ truyện dài như phim bộ HK mà nỗi tiếng là bộ truyện Con Quỹ Truyền Kiếp, hình như xuất bản vào năm 64.  Mỗi tuần ra một số.  Hồi nhỏ Lô tuần nào củng mua coi được từ số đầu.  Bộ này sau đổi tên lại là "Lảo Tướng Số", rồi sau đó khoảng năm 65 thì không thấy ra tiếp nữa.  Nghe nói là sau đó một thời gian truyện này có ra tiếp nhưng không biết có tới hết bộ hay không.  Thành ra tới bây giờ củng không biết bộ truyện này kết cục ra sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...