Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

DI SẢN GIÁO DỤC, Y HỌC và Y TẾ
 thời PHÁP THUỘC

                                                                             Biên soạn:     PGS.TS. Trần Xuân Mai

Khoa cử ở Nam Kỳ dưới triều Nguyễn (9)






Kỳ thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn vào năm 1807 chỉ dành cho sĩ tử ở xứ Đàng Ngoài trước đây, lấy đậu 61 cử nhân. Ưu ái và vỗ về sĩ phu và nhân dân Bắc Hà chăng? 
Khoa sau, 1813, Vua Gia Long mới cho thiết lập một trường thi ở Kinh đô Huế và một trường ở Gia Định thành (trường Gia Định). Trường Gia Định được duy trì từ năm 1813 cho đến năm 1858, tổ chức được 19 kỳ thi Hương. Sau Hiệp ước
Nhâm Tuất (1862), trường An Giang (1864) thay thế cho trường Gia Định. 
Tất cả 20 kỳ thi Hương ở Nam Kỳ
(1813-1864) tuyển chọn được 274 cử nhân. Kỳ lấy đỗ cao nhất là 20 cử nhân vào các năm 1847, 1848 và thấp nhất là 8 cử nhân ở kỳ thi Hương đầu tiên (1813). 
Có một sự kiện lạ lùng ít ai lưu tâm tìm hiểu và biết đến là 274 cử nhân thi đậu tại các trường thi Gia Định và An Giang, duy nhất chỉ có Lương Khê Phan Thanh Giản là đạt được học vị Tiến sĩ! Nếu kể thêm các cử nhân gốc Nam Kỳ thi ở các trường khác thì trước sau Nam Kỳ, suốt thời kỳ khoa cử dưới triều Nguyễn chỉ có 3 vị Tiến sĩ. Ngoài Phan Lương Khê đậu năm 1826, ba mươi năm sau mới có vị thứ hai là Phan Hiển Đạo (1856). Phan Hiển Đạo thi cử nhân ở trường Thừa Thiên vào năm Đinh Mùi (1847), đậu thứ ba và thi Hội, đậu Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856). Vị tiến sĩ thứ ba là Nguyễn Chánh, người thôn Phú Mĩ Tây, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Nguyễn Chánh đậu giải nguyên tại trường Thừa Thiên khoa Mậu Ngọ (1858) và đậu Tiến sĩ (thứ 4) khoa Nhâm Tuất (1862), làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình và Tổng đốc Thanh Hóa. 




Có đôi điều đáng suy nghĩ: 
Thứ nhất, tại sao các sĩ phu Nam Kỳ ít người đạt đến bậc cao nhất của Khoa cử dưới triều Nguyễn. Chỉ tính cùng thời gian từ năm 1822 đến năm 1865 thì toàn quốc có 280 tiến sĩ trong khi Nam Kỳ cùng thời gian trên chỉ có 3 tiến sĩ và trong số 274 cử nhân thi Hương tại Nam Kỳ chỉ có một tiến sĩ duy nhất đó là Phan Thanh Giản! Phan Thanh Giản là người khai khoa và trong suốt 30 năm (1826-1856), Phan là người trí thức tiêu biểu nhất của Nam Kỳ trong khoa cử và cũng là vị đường quan cao nhất ở Nam Kỳ trong triều đình Huế. 
Phải chăng vua Tự Đức không có lựa chọn nào khác khi cử vị tiến sĩ đầu tiên và cũng là duy nhất trong số 274 sĩ tử Nam Kỳ đậu cử nhân, làm Khâm sai đại thần để ký kết với thực dân Pháp một hòa ước liên quan đến số phận ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862) ? Và cũng chính ông, chứ không ai khác được cử đi Paris và Madrid để chuộc lại Ba tỉnh miền Đông. Hòa ước Aubaret ký kết năm 1864 bị Pháp phủ nhận và Phan Thanh Giản lại được cử vào chức Kinh lược sứ tại Ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. 
Phan Lương Khê có thể có chọn lựa nào khác là chén thuốc đắng khi Ba tỉnh Miền Tây mất vào tay Pháp năm 1867! 
Thứ hai, chúng ta cần ghi nhận là sĩ tử Nam Kỳ đáng cho chúng ta tự hào khi đã cùng nhân dân xả thân bảo vệ đất nước. Một số cử nhân đã đi vào lịch sử dân tộc như Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cáa cử nhân Trương Gia Hội, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Thành Ý, Âu Dương Lân, Trương Minh Giảng, Trương Văn Uyển, , Trần Xuân Hòa, Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Lưu Tấn Thiện, Đinh Văn Huy ... 
So với những vị khoa bảng ở các vùng khác, các sĩ phu xuất thân từ khoa cử ở Nam Kỳ, trong công cuộc đấu tranh giữ nước, xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân Nam Kỳ và nhân dân cả nước. 
Bảng thống kê sau đây cho chúng ta biết thêm về khoa cử ở Nam Kỳ dưới triều Nguyễn

STT
Khoa
Số cử nhân
Thủ khoa
Ghi chú thêm
1
1813
8
Nguyễn Bảo Bang
Khoa Hương đầu tiên ở Nam Kỳ
2
1819
12
Trương Hảo Hiệp
Trương Minh Giảng
3
1821
16
Nguyễn Văn Kỳ
(cùng khoa)
4
1825
15
Trương Phước Cang
Trương Văn Uyển
5
1828
16
Mai Hữu Điển
Phan Thanh Giản
6
1831
10
Đinh Văn Huy
Hy sinh ở Campuchia, được lập đền thờ. Con là Đinh Văn Khoa, hy sinh ở Hà Tĩnh, cũng được lập đền thờ
7
1835
9
Bùi Hữu Nghĩa
Cùng khoa
8
1837
11
Nguyễn Văn Triêm
Trần Xuân Hòa
9
1840
11
Nguyễn Hoài Vĩnh
Trần Thiện Chánh
10
1841
15
Hồ Đăng Phong
Đỗ Trình Thoại
11
1842
16
Võ Duy Quang
Phạm Hữu Chánh  (Án sát An Giang)
12
1843
15
Phạm Văn Trung
Lưu Tấn Thiện
13
1846
18
Nguyễn Xuân Ý 
(Bố chánh An Giang)
Phan Văn Đạt 
(hy sinh, được lập đền thờ)
14
1847
20
Nguyễn Công Hài  (Án sát Hà Tiên)
Nguyễn Thông đậu thứ hai 
15
1848
20
Nguyễn Đức Hoành
Phan Văn Trị
16
1849
17
Võ Thế Tri
Trương Gia Hội
17
1852
13
Nguyễn Hữu Huân
Nguyễn Nùng Hương
18
1855
13
Nguyễn Tánh Thiện
Nguyễn Thành Ý
19
1858
9
Lê Đình Sâm
Âu Dương Lân
20
1864
10
Võ Doãn Xuân
Thi ở trường thi An Giang

 Tổng cộng 20 kỳ thi Hương, lấy đỗ 274 cử nhân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...