Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Gặp người đã thấy Sài Gòn thời “đàng cựu”


Chúng ta hiếm khi đọc được chuyện kể về cuộc sống người dân bình thường ở Sài Gòn thế kỷ XIX, giai đoạn trước khi người Pháp đến áp đặt chế độ thuộc địa ngoại trừ trong một ít bài viết của người nước ngoài đến thám hiểm hay truyền đạo. Nhưng trong một tờ báo Xuân cách nay đúng 60 năm (1957), tôi đọc được một bài phỏng vấn thú vị, hỏi chuyện một nhân chứng đã thấy được Sài Gòn xưa từ thời vua Thiệu Trị, lúc Sài Gòn còn gọi tên Bến Nghé, với những chi tiết thú vị về thành phố này thuở ban sơ.
Người kể lại những gì mình thấy ở vùng Bến Nghé xưa là cụ bà Lê Thị Huê, nhà ở số 547A ở con đường lớn xóm Bàn Cờ, nay thuộc quận 3. Lúc kể chuyện, cụ đã 115 tuổi. Đó là lý do bà được ký giả Thanh Hùng phỏng vấn vào năm 1957 để chuẩn bị viết báo Tết. Lúc tiếp xúc với ông ký giả, cụ bà còn tỉnh táo, có thể nói chuyện rành mạch, xứng đáng là nhân chứng sống rất quý hiếm về một quá khứ tuy chưa xa nhưng không mấy ai còn sống để mô tả. 
Ký giả Thanh Hùng kể: trên đường tìm đến nhà cụ để phỏng vấn, ông thấy người ta bày sạp hàng buôn bán lặt vặt trước nhà nên lối đi khá chen chúc. Nhà cụ Huê trước có tấm bảng hiệu kẻ hai chữ “Hải Hoài”. Khách đến khi cụ Huê đang ngồi lẩm nhẩm như đọc kinh. Gần nơi cụ ngồi, có một ông già khoảng 70 tuổi hom hem nằm ngủ trên bộ ván. Sau mới biết ông già đó là con trai cụ.


Cụ Huê

Được ông con trai kê sát vào tai cho biết có nhà báo đến thăm, cụ Huê đồng ý tiếp khách. Nhìn bề ngoài, tóc của cụ còn chỗ đen chỗ trắng, da mồi. Mắt cụ còn tinh, cử chỉ còn khỏe mạnh, nói chuyện còn rành rẽ nhưng tai nghe không tốt, đôi lúc người con phải kề vào tai mà nhắc lại lời nhà báo. Người con trai tên Trần Văn Mạnh, 67 tuổi, không vợ con, đạp xích lô nuôi mẹ. Ông Mạnh là con thứ sáu, còn người em thứ bảy ở Cầu Muối cũng nghèo nên chẳng giúp được gì. Nhà cụ Huê trên mảnh đất vuông vắn, mái lợp tôn, vách ván. Trước kia, cụ ở Cầu Muối nhưng nhà bị cháy nên được chính quyền Ngô Đình Diệm cấp cho căn này. Vì khó khăn, cụ cho thuê nửa căn nhà, lấy mỗi tháng 400 đồng. Ngoài khoản thu trên, thỉnh thoảng cụ được lối xóm và bạn hàng trong chợ Bàn Cờ biếu cho miếng bánh, con cá hay mớ rau. Chưa kể nguồn thu kiếm được từ chiếc xích lô.
Cụ Huê kể về thân thế của mình: xưa, nhà ba má bà là một căn nhà lá lụp xụp cất trên bờ sát khu vực ngã ba sông Sài Gòn với rạch Bến Nghé, đúng ngay địa điểm sau này người Pháp dựng cột cờ Thủ Ngữ. Mùa Xuân năm 1842, vua Thiệu Trị mới lên ngôi một năm, cô bé Huê ra đời dưới mái nhà tranh này. Là con đầu lòng, khi lên ba tuổi, Huê có đứa em gái, rồi lại thêm đứa em gái thứ hai. Vài năm sau, Huê 11 tuổi, song thân thay nhau mất, để lại cho Huê hai đứa em 9 tuổi và 7 tuổi. Huê vào đời sớm, lo nuôi em khi tuổi còn thơ. Lúc đó, Sài Gòn còn lơ thơ những ngôi nhà lá, nhiều đồng ruộng. Cô bé Huê lấy nghề cấy lúa, bắt cá ngoài đồng làm kế sinh nhai cho cả nhà. Đến năm Huê 18 tuổi (1862), hai em gái của cô được bà cô và bà dì mang về nuôi, còn cô kết duyên với ông Trần Văn Thú. Lấy nhau một thời gian, ông Thú đầu quân vào lính, dần dà lên chức Đội Sáu. Cuộc sống của cô, đã là bà Huê, nhờ vậy đỡ hơn trước nhưng bà vẫn giữ nếp sống tiện tặn. Hằng ngày, ông Thú tay súng vai gươm vào đồn, vợ ra đồng cày cấy, bắt cá. Cuộc sống giản dị nhưng hạnh phúc, bà Huê sinh cho ông tất cả 13 người con trai. Đến năm 1936 hay 1937, ông Thú từ trần. Đám con chỉ ba người ở lại với bà, mười người còn lại đi theo người Pháp từ khi lớn lên. Trong ba con ở lại, người thứ ba thọ 80 tuổi mới chết năm trước.



Hình ảnh đua voi ở Sài Gòn năm 1864

Một câu hỏi thường được đặt ra đối với người sống đại thọ, là bí quyết để được như vậy. Cụ Huê cho biết khi về già, thường ăn cháo thay cơm, thỉnh thoảng mới ăn cơm. Món bà ưa thích là trái cây, cháo trắng và sữa. Lúc trẻ bà có gì ăn nấy, cơm rau mắm ngày hai bữa. Từ trẻ đến lúc đó, bà bệnh nặng ba lần, còn thỉnh thoảng nhức đầu chóng mặt uống vài viên thuốc là hết. Nhà báo Thanh Hùng cho đây là nhờ sự thanh đạm trong ăn uống của bà.
Tuy nhiên, có điều đặc biệt là trong nhà bà, vừa có khám thờ bày ảnh chúa Giê su, bên cạnh lại có một bàn thờ để bát hương, bài vị và ảnh Phật Thích Ca. Bà cụ giải thích: “Trước kia các cụ tôi theo đạo Phật và chồng tôi cũng thờ Phật. Sau tôi suy nghĩ nước ta có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên Chúa giáo, hai đạo cùng khuyên người ta làm điều lành, tránh điều dữ. Vì thế, tôi thờ cả Chúa cả Phật. Ngày Chủ nhật tôi cầu kinh, ngày rằm và mùng một tôi niệm Phật. Phật và Chúa phù hộ cho tôi sống lâu, cũng có lẽ phải!”. Cụ nói điều đó và cười, phô hàm không còn chiếc răng nào, chỉ còn lợi đỏ nhẵn thín.



Rước rồng ở Sài Gòn năm 1865

Nhà báo Thanh Hùng muốn có quà tặng bạn đọc của báo nên nhờ bà kể về những cái Tết ở Sài Gòn của 100 năm trước, tức là gần 160 năm trước đây. Bà nhận lời và kể như sau:
Sài Gòn thời gian đó, hơn 100 năm trước có tên là Bến Nghé. Đồng lúa và đất hoang cỏ mọc chiếm hai phần ba diện tích. Đêm giao thừa, người Bến Nghé thức dậy thắp nhang đón giao thừa trong tiếng ếch kêu, cóc nghiến răng, muỗi vo ve, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp nhưng thật ra là... ghê rợn. Ngày đó, dân Bến Nghé truyền miệng rằng nếu đêm giao thừa ai ra đường lúc đêm khuya sẽ bị ma bắt đưa xuống rạch Bến Nghé nên ai nấy không dám ra khỏi nhà sau 9 giờ tối. Ngoài đường lộ giờ đó chỉ có bầy đom đóm và họa hoằn lắm mới có một nhóm lính đi tuần mang theo hai, ba bó đuốc lớn, vừa soi đường vừa khỏi sợ ma nhát rồi dẫn xuống rạch.
Qua đêm giao thừa, sau 5 giờ sáng dân chúng mới lục tục ra đường rồi đi chúc Tết. Thời đó, dân chúng ai cũng nghèo khổ, đến ngày Tết cũng thiếu ăn đến nỗi buổi trưa mùng một phải ra ruộng mò cua, bắt cá để có cái ăn Tết cùng với vài ngọn rau dưa bứt ngoài vườn. Mừng Xuân trong cảnh thanh bần như vậy đã quen thuộc nên cảm thấy bình thường. Không khí Tết thời ấy không rộn ràng như sau này, không pháo, không cờ bạc, chỉ có rượu đế và tiếng chiêng là mang những đặc điểm của ngày Tết.
Cụ chỉ cho khách xem bức tranh sơn thủy đặt trên bàn thờ tổ tiên, mua trong cái Tết thời Tây mới đến. Vợ chồng cụ lúc đó vẫn sống trong mái tranh nghèo gần rạch Bến Nghé. Mùng một Tết năm ấy, chồng cụ rảnh rỗi việc binh nên đi chơi, thấy bức tranh đẹp nên mua về thờ. Đó là tranh do một người thợ vẽ người Tàu, màu sắc còn đẹp và bền, giữ mãi tới giờ. Qua bao lần tản cư, nhà cháy... cụ vẫn giữ được bức tranh chồng để lại. Đêm giao thừa năm đó, lính Tây từ trong đồn bắn súng ầm ầm chào Xuân, tấp nập ồn ào hơn hẳn. Đến sáng hôm sau, cờ xí trưng đầy, dân chúng lũ lượt ra xem. Tây trong thành cũng kéo ra đứng xem người Việt ăn Tết. Tuy nhộn nhịp như vậy, cụ không dám ở nhà, phải chạy tuốt vô Chợ Lớn ở nhờ nhà ông Đốc phủ Hương, vì chồng trước đi lính cho nhà Nguyễn, chống Tây nên sợ họ bắt đi.


Tranh ông lão đầu thế kỷ XX

Trước khi ra về, cụ Huê nói với nhà báo rằng mình rất sung sướng được sống trong cảnh thái bình. “Tết năm nay ắt là vui lắm. Tôi cầu Phật, lạy Chúa cho dân mạnh nước giàu”.
Trên đây là bài viết lược lại từ bài báo Ngày xuân đi thăm cụ già nhất nước Việt Nam có kèm một ảnh chân dung in không rõ (xem ảnh cụ Huê). Tác giả không cho biết căn cứ để chứng minh tuổi chính xác của bà cụ, nhưng có thể đúng như bà cụ nói căn cứ vào những chuyện bà đã trải qua, qua từng mốc thời gian. Không có tài liệu nào khác cho biết bà mất khi nào, nhưng rõ ràng ký giả Thanh Hùng đã “có nghề” khi phát hiện được cụ Huê, khai thác được những hồi ức đáng quý này. Một mảnh nhỏ của cuộc sống đời thường Sài Gòn quá khứ trước khi người Pháp đến sao mà hiếm có, và chúng ta đã có được ít nhiều chuyện đáng được biết nhờ bài báo này.

                                                                                       Phạm Công Luận
 http://www.nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/9373/gap-nguoi-da-thay-sai-gon-thoi-dang-cuu-.ndt




Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ



                  1211. Khu vực thương xá Tax đường Nguyễn Huệ  ngày xưa giờ không còn.



                  1212. Quang cảnh cư xá Brink BOQ trong vụ đánh bom năm 1964 và cùng vị trí hiện nay.



                  1213. St. George Hotel BEQ & Capitol Hotel BEQ ngày xưa ở Chợ Lớn và giờ đây.


                  1214. Viện quốc gia thống kê thời VNCH và hiện nay.


                  1215. Giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Thất Thiệp năm 1966 và nay.


                  1216. Giao lộ giữa Lê Lợi và Tự Do năm 1969 và nay.


                  1217. Giao lộ giữa Lê Lợi và Tự Do (Bùng Binh Lam Sơn) thập niên 1950 khi chưa có khách sạn Caravelle và hiện nay.


                  1218. Rạp Khải Hoàn góc Cống Quỳnh - Võ Tánh năm xưa và vị trí hiện nay.


                  1219. Quang cảnh khách sạn Caravelle qua hai thời kỳ.


                  1220. Giao lộ Nguyễn Huệ - Huỳnh Thúc Kháng năm 1964 và nay.



Nguồn Tim Doling, Trung Ngo, Paul Blizzard

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Bài này được trích dịch từ chuyên đề GUIDE HISTORIQUE DES RUES DE SAIGON của ANDRÉ BAUDRIT.

LAI LỊCH NHỮNG TÊN ĐƯỜNG ĐẦU TIÊN
CỦA THÀNH PHỐ SÀI GÒN

(Phần tiếp theo)


PHU-KIET. Đường ngắn chạy theo hướng Đông Tây của Trésor public và nối với đại lộ Charner tới đại lộ la Somme nơi mà đường này băng qua đường  Georges-Guynemer.
Tên Phu-Kiet được hội đồng thành phố đặt trong phiên họp ngày 27 tháng 8 năm 1926, theo sự đề nghị của ủy viên hội đồng Nguyễn Văn Đỗ.


Bản đồ 1942


Bản đồ 1958


Bản đồ hiện là là đường Hải Triều

Trần Văn Kiệt (1846 -1920), tước hiệp sĩ Lê Dương danh dự, là ủy viên hội đồng suốt 25 năm. Chính vì quá trình này mà ông được các vị đồng nhiệm đề nghị vinh danh tên ông.
Ông sinh ra tại Sài Gòn năm 1846 và mất ngày 13 tháng 7 năm 1920. Mộ của ông ở Phú Nhuận.



PIERRE. Hướng Tây Bắc – Đông Nam nối đường Martin-des-Pallières với đường Richaud khu Đa Kao.
Cái tên PIERRE được đặt vào ngày 21 tháng 1 năm 1907.


Bản đồ 1926


Bản đồ 1958 là đường Phạm Đăng Hưng

Ghi chú: Bản đồ hiện tại là đường Mai Thị Lựu

Jean Baptiste Louis Pierre (23 tháng 10 năm 1833 - 30 tháng 10 năm 1905), còn được gọi là JB Louis Pierre , là một nhà thực vật học người Pháp được biết đến với các nghiên cứu châu Á của ông.
Pierre sinh ra ở Saint-André , Réunion , và học ở Paris trước khi làm việc trong vườn thực vật của Calcutta , Ấn Độ . Năm 1864 ông thành lập vườn thú và vườn thú Sài Gòn , ông chỉ đạo cho đến năm 1877, sau đó ông trở về Paris, nơi ông sống ở 63 rue Monge, gần với phòng thảo dược ở Paris .Năm 1883, ông chuyển đến Charenton, sau đó đến Villeneuve-Saint-Georges, sau đó (khoảng năm 1893) đến Saint-Mandé, và cuối cùng đến 18 Rue Cuvier ở Paris, nơi ông sống cho đến khi ông qua đời.
Pierre đã thực hiện nhiều cuộc khám phá khoa học ở khu vực châu Á nhiệt đới. Các ấn bản của ông bao gồm Flore forestière de la Cochinchine (1880-1907), một bài báo về "Sur les plantes à caoutchouc de l'Indochine" ( Revue des culture coloniales , 1903) và phần Sapotaceae trong cácbotaniens Notes (1890-1891) .


Jean Baptiste Louis Pierre

POURPE. Đường Marc. Hướng Đông Bắc – Tây Nam nối đường Blancsubé với đường Paul-Blanchy phía sau Établissements Comte.
Cái tên Marc POURPE được đặt vào ngày 15 tháng 8 năm 1915 cho một con đường nhỏ chạy dọc theo khu Trường Thi mà trước đó có tên là đường du Square.


Bản đồ 1942


Bản đồ 1958 là đường Nguyễn Văn Chiêm


Mark, Mary Edmond Armand Pourpe (sinh ngày 17 tháng 5 1887 tại Lorient , 02 Tháng 12 qua đời năm 1914 tại Villers-Bretonneux ) là phi công và là thành viên của những người tiên phong của ngành hàng không Pháp . Ông là con trai của Liane de Pougy .





PRIMAUGUET. Hành lang. Hướng Đông Bắc – Tây Nam nối đường Espagne với cảng Argonne trong khu vực de la Marne.
Đây là một hành lang tư nhân rất hẹp xưa mang tên của cảng Primauguet. Từ năm 1920 cảng Primauguet đổi tên thành cảng Argonne.


Bản đồ 1878


Bản đồ 1958 là đường Thủy Quân

Ghi chú: sau 1975 là đường Ngô Văn Năm



           Hervé Portzmoguer sinh ở Plouarzel năm 1470- mất ở Saint-Mathieu ngày 10 tháng Tám 1512 ), còn gọi là "Primauguet" là một sĩ quan hải quân người Breton. Ông chỉ huy con tàu La Belle Cordelière và bị giết ở Ouessant trong một trận chiến với quân Anh.
Con đường nêu trên được đặt tên theo con tàu mang tên Primauguet đã tham gia vào trận đánh chiếm Tourane miền trung Việt Nam.



Hervé Portzmoguer  "Primauguet"






RAYNAL. Đường Commandant.  Hướng Đông Bắc – Tây Nam nối đường Colonel-Bondonnet với đường Lacote. Đường Espagne nối tiếp với đường này.
Xưa là đường Rach de Caukho. Tên mới được đặt vào ngày 26 tháng 4 năm 1920.


Bản đồ 1923

Ghi chú: Về sau con đường này không còn và sáp nhập vô đường Lê Thánh Tôn

Sylvain, Eugène RAYNAL sinh ở Bordeaux năm 1867. Là một sĩ quan Pháp. Vai trò của ông coi là anh hùng trong bảo vệ Pháo đài Vaux tại Trận Verdun của chiến tranh thế giới.


Sylvain, Eugène RAYNAL

RÉDEMPTORISTES. Đường Des. Hướng Đông Đông Bắc – Tây Tây Nam đường nhỏ nối đường Pierre-Flandin với đường des Éparges. Đường chạy dọc thao nhà nguyện des Rédemptoristes khu vực nhà ga hàng hóa.
Đường des Rédemptoristes được làm năm 1939. Đường được đặt theo đề nghị của các tu sĩ vào ngày 13 tháng 6 năm 1939.


Bản đồ 1946



Bản đồ 1958 là đường Kỳ Đồng

Nhà nguyện des Rédemptoristes (Dòng chúa cứu thế) là nơi ở của các tu sĩ người Canada gốc Pháp. Họ đến Sài Gòn năm 1933 và ở tại số 163 đường Paul-Blanchy sau đó dời về sau khi tu viện hoàn thành năm 1939.




REIMS. Đường De. Hướng Đông – Tây. Đường nhỏ song song với đại lộ de la Somme nối với đường Alsace-Lorraine (trước đường Hamelin), đầu đường Dayot.
Tên de Reims được đặt vào ngày 26 tháng 4 năm 1920.


Bản đồ 1946



Bản đồ 1958 là đường Lê Công Kiều

Reims là một thành phố bị tàn phá nặng nề trong trận chiến tranh thế giới.



RICHARD. Đường Marcel. Hướng Đông Bắc – Tây Nam nối đường de Massiges với kênh Thị Nghè.
Tên Marcel RICHARD được đặt cho một phần ba đoạn đường Sohier vào ngày 26 tháng 4 năm 1920.


Bản đồ 1926


Bản đồ 1958 là đường Tự Đức

Ghi chú: Bản đồ hiện tại là đường Nguyễn Văn Thủ


Marcel RICHARD sinh ở Sài Gòn ngày 29 tháng 4 năm 1890. Ông là nhân viên tạm thời của sở địa chính và chết trong trận chiến tranh thế giới.



RICHAUD. Hướng Đông Bắc – Tây Nam. Đường này là một trong những con đường dài nhất Sài Gòn. Nối nối rạch Thị Nghè với đường Commandant-Audouit.
Đường này rất xưa ít là phần đều của nó giáp với rạch Thị Nghè. Nó được làm từ năm 1865. Nó kéo dài theo hướng Tây – Nam. Phần cuối cùng được làm từ đường Verdun tới đường Commandant-Audouit vào mùa hè năm 1940.
Đầu tiên tên của nó là đường des Moïs. Ngày 24 tháng 2 năm 1897, Tên Richaud đã thay thế cho tên cũ.


Bản đồ 1878 là đường des Moïs



Bản đổ 1943 là đường Richaud

Ghi chú: Bản đồ 1958 là đường Phan Đình Phùng
Bản đồ hiện tại là đường Nguyễn Đình Chiểu


Étienne Antoine Guillaume Richaud (11 tháng 1, 1841 - 31 tháng 5 năm 1889) là một chính trị gia người Pháp, từng làm Chánh văn phòng của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Thuộc địa, Tổng đốc Ấn Độ thuộc Pháp, Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp.


Étienne Antoine Guillaume Richaud

RICQUEBOURG. Lộ đất. Hướng Đông - Tây. Nằm ở trung tâm đại lộ de la Somme, chúng nối quảng trường Cuniac với cảng Myre-de-Vilers cạnh cột cờ Thủ Ngữ.
Những con lộ đất này được làm vào năm 1935. Tên những con lộ này được đặt theo quyết định ngày 30 tháng 8 năm 1935 theo đề nghị của hội những người bạn Bourdon.


Bản đồ 1946

Ghi chú: lộ đất này là nơi đặt đường xe Tramway




Louis, Joseph, Jean-Baptiste, Nelson RICQUEBOURG sinh ở đảo de la Réunion ngày 9 tháng 3 năm 1868. Ông đến Nam kỳ và vào chính quyền làm việc trong sở quan thuế ngày 1 tháng 7 năm 1887. Về sau là thanh tra sở Quan thuế. Ngoài ra ông còn là một nhà thơ. Ông mất ngày 24 tháng 1 năm 1914 tại Chợ Lớn.

                                                                                               (Còn tiếp)

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...