Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ


                     481. Secrétariat général du gouvernement de la Cochinchine thời thuộc địa sau là Bộ Kinh tế của VNCH và vị trí hiện nay.


Các bạn LQĐ lớp 10 năm 1975 còn nhớ nơi này không? Đây là nơi các bạn bày quán cóc vĩa hè bán cà phê sau ngày 30/4/1075 đó.

                     482. Cửa chánh chợ bến Thành xưa và nay.


                     483. Đường Miche nhìn từ đường Legrand-de-la-Liraye thời thuộc địa sau là đường Phùng Khắc Khoan và Phan Thanh Giản và cùng vị trí hiện nay.


                     484. Sở quan thuế tại bến Bạch Đằng xưa và nay.


                     485. Đoạn cuối đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) khi xưa và hiện nay.


                     486. Môt đoạn đại lộ Charner năm 1880 với ngôi chợ cũ (vị trí về sau là tòa nhà ngân khố) và giờ đây.


                     487. Nhà thương Saint Paul năm 1950 và giờ đây.


                     488. Chiếc L 19 rơi tại đường Nguyễn Hoàng trước hẽm vào thánh thất Cao Đài Bàu Sen năm 1975 và vị trí hiện nay.




                     489. Cercle Indochinois số 14 đường Verdun (Lê Văn Duyệt) sau là trụ sở tổng liên đoàn lao công thời VNCH giờ là tổng liên đoàn lao động thành phố.





                     490. Cư xá Brink đường Hai Bà Trưng khi xưa và nay là khách sạn Park Hyatt.



                                    Nguồn hình Tim Doling, Trung Ngo

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015



Tản mạn về công viên Chi Lăng xưa.

Có ai còn nhớ ngay trên đường Đồng Khởi - con đường sang trọng nhất Sài Gòn - từng có một công viên? Đó là một “vườn treo” bồng bềnh trên con dốc góc Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn.

Vốn dĩ, Sài Gòn là một thành phố có rất ít những con dốc, có lẽ vì vậy người Pháp đặt ở đây một công viên để càng làm tăng dấu ấn của con dốc này - một chút lãng mạn hoài niệm đồi Montmartre ở Paris chăng?

Trên “vườn treo” có hàng cổ thụ rất Việt Nam, hàng thông xanh và bãi cỏ xanh rất Tây. Có tiếng chim và hoa, có ghế đá và những chiếc dù điểm xuyết đây đó đem đến cho khách cảm giác lâng lâng, thư thái. Ngồi chơi trong công viên này từ một góc không gian tĩnh lặng, ta có thể ngắm nhìn dòng đời nhộn nhịp trôi qua. Có thể “nháy mắt” chào tháp nhà thờ Đức Bà cao vút, chào vẻ uy nghi của tòa thị chính quen thuộc.

Với du khách đang dạo bước khám phá những cửa hiệu san sát trên con đường một thời nổi tiếng với tên gọi quý phái “Catinat” thì công viên bỗng hiện ra như một điểm dừng thú vị bất ngờ. Với những người làm việc công sở gần đấy, hẹn nhau uống cà phê hay ăn trưa ở công viên rất thú vị mà không quá cao sang.

Chiều tối đến, tại sân khấu nhỏ giáp bờ tường ngôi công thự Sở Giáo dục - đào tạo, thỉnh thoảng lại có hòa nhạc, có văn nghệ thu hút đông người xem. Nhất là dịp Noel và tết, nơi đây sáng choang đèn, đông vui người lớn và trẻ em đến chụp ảnh.

Tôi nhớ ở gần một bậc thang, lối lên công viên, nơi bờ tường ốp đá tảng theo kiểu tổ ong, có một tấm bảng bằng gang khắc dòng chữ kỷ niệm ngày khai trương công viên này. Đó là năm 1924!

Lạ thật, vào năm ấy Catinat - con phố số 1 của Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” - tấp nập các cửa hàng, khách sạn. Thời đó kinh tế đang phồn thịnh, giá đất giá nhà cao chót vót không kém bây giờ nhưng người ta vẫn giữ miếng đất ở con dốc này làm công viên. Vẫn giữ “vườn treo” cho con phố thương mại có thêm nét đẹp nhân văn. Vẫn giữ cho giới trẻ Sài Gòn thêm một địa chỉ dạo chơi và hẹn hò. Sau năm 1954, công viên đó đổi tên là Chi Lăng, cái tên hào hùng, càng thêm ấn tượng khó quên.
Ngồi trong công viên này từ một góc không gian tĩnh lặng, ta có thể ngắm nhìn dòng đời nhộn nhịp trôi qua. Tôi nhớ ngày xưa trước năm 75, mỗi lần gia đình bận việc không thể rước tôi trong buổi tan trường là mỗi lần tôi được dịp thích thú. Thích thú vì được đi bộ từ trường về nhà, từ trường Lasan Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa) về nhà tôi có nhiều cách để đi, nhưng tôi vẫn thích chọn đi trên con đường Tự Do (Đồng Khởi) để được ghé vào công viên Chi Lăng lăn mình trên thảm cỏ ngắm nhìn trời xanh hoặc cùng bạn bè leo trèo trên chiếc đu "khỉ" rồi mới rảo bước về nhà. Tôi thèm được nghe những buổi hòa nhạc được tổ chức vào buổi chiều cuối tuần tại một sân khấu nhỏ trong công viên. Tôi nhớ những buổi hòa nhạc ở công viên Chi Lăng ngày ấy, hình như đã là một nếp văn hóa của người Saigon thời bấy giờ

Vậy mà, bây giờ công viên ấy đâu rồi? Chỉ mới hơn một năm thôi, công viên Chi Lăng đã... bay lên trời. Nguyên một khu phố lớn ba mặt đường, bao gồm cả công viên Chi Lăng và ngôi công thự Sở Giáo dục - đào tạo bị quây lại sau hàng rào. Người ta tưởng như công viên được tu bổ nhưng không, tất cả được phá ra, đào xới trở thành công trường của cao ốc Vincom khổng lồ.

Nhìn hình phối cảnh cao ốc lộng lẫy được treo ở hàng rào, người ta có thể thấy hay lạ. Song, để ý kỹ thì có thể nhận ra gò đất ngày trước, “vườn treo” ngày trước nay được san bằng trở thành một cái sân mênh mông bên ngoài cao ốc. Nghe nói dưới mặt bằng sân là một khu shopping ngầm băng tới thương xá Eden. Hay đấy, nhưng công viên đâu rồi? Hàng cây cổ thụ, cây thông, bãi cỏ xanh, những chiếc ghế đá, sân khấu nhỏ liệu có được dựng lại?

 
Người dân Sài Gòn không cho phép xóa đi cuộc sống của một công viên xanh và nhân văn để thay bằng một cái sân bêtông cho dù nguy nga, tráng lệ; không cho phép đánh đổi một “vườn treo” tự nhiên rộng mở để lấy một “đại sảnh” lộng lẫy phụ trợ cho tòa cao ốc.

Tuy nhiên trong tôi vẫn luôn mãi in đậm hình ảnh công viên Chi Lăng, công viên có 86 năm tuổi của Saigon, một dấu tích đẹp của thế hệ trước, công viên của những ngày thơ ấu của mình.
Nguồn: http://madeinsaigon.vn/bai-viet/tan-man-ve-cong-vien-chi-lang-xua-1434436464162.html

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015


Nhắm mắt và níu lại

01/05/2015 - 01:14 AM
Đứng giữa Sài Gòn, nhắm mắt lại, im lặng lắng nghe. Có thể ký ức sẽ đưa lối tôi và bạn về những điều đã mất, nhưng sống động khôn cùng, nếu bạn đã từng đến nơi này, trước khi có những đổi thay.
Người Sài Gòn hay tự giới thiệu mình với tên gọi của thành phố. Ấy vậy, nhưng đôi khi, không phải là do sinh trưởng ở nơi đây, mà do họ đã sống và nhớ. Những đổi thay diện mạo của Sài Gòn bây giờ đã tạo nên một lớp người Sài Gòn kiêu hãnh và độc quyền trong trí nhớ về những con đường, hàng cây, về phố nhỏ, cà phê và bánh, về rạp hát, thương xá... Trong ngày đường Lê Lợi hạ gục những hàng cây, tôi thấy một cụ già ngồi yên lặng nhìn, lấy máy ảnh ra ghi lại những hình ảnh cuối cùng quen thuộc ra đi. Ai biết trong trái tim của người già đó nghĩ gì? Ký ức phải xóa đi, có thể là một nỗi buồn không bút mực nào tả xiết.

“Nhiều năm nữa, khi lớn lên, quay lại nơi này, con sẽ nhớ hôm nay”- Ảnh tư liệu

Khi tôi còn bé, cha tôi đưa đi chơi ở Sài Gòn. Đứng trước Tòa Đô chính, ông nhờ một người thợ chụp hình dạo lấy cảnh hai cha con đứng ở đó. Sau lưng tấm ảnh polaroid, ông ghi “Nhiều năm nữa, khi lớn lên, quay lại nơi này, con sẽ nhớ hôm nay”. Nhưng giờ thì tôi quay lại cũng sẽ không còn nhận ra chốn cũ, với quá nhiều điều lạ. Cũng như cụ già chụp ảnh tiếc nuối hàng cây, trong trí nhớ tôi hiện lại tất cả khi đứng im, nhắm mắt và nhớ về một Sài Gòn không ồn ào xe máy, những hàng kiosk bán đủ loại hàng trên đường Nguyễn Huệ, những gánh hàng rong dẫn đường về bến Bạch Đằng như một nơi tụ hội quen thuộc của những ai là dân Sài Gòn.
Không hiểu sao, những ngày ở nước ngoài, nhìn những kiosk ở downtown hay trong các thương xá lớn, tôi hay nhớ về những hàng kiosk ở Sài Gòn. Có những con phố cổ chỉ hơn nửa thế kỷ nhưng con đường và các kiosk ở đây được bảo tồn một các thận trọng. Ký ức được giữ gìn nơi đây là một niềm thương nhớ và tự hào chứ không là một gánh nặng.
Tuổi trẻ của tôi, hay cũng rất nhiều người Sài Gòn đã từng đi qua những con đường đó, ngồi chờ lấy một tấm ảnh vừa phóng xong, hoặc dò tìm những bài hát hay, thuê sang ra băng cassette. Nhà báo Mạnh Kim, Nguyễn Dũng kể rằng họ cũng một thời lê la nơi đó, chờ mướn những cuốn băng video phim mới nhất để viết bài cho báo. Những tờ báo nước ngoài, dù cũ rích, tìm thấy ở những kiosk đó là cả một thế giới mới lạ cho mình thoát khỏi sự đơn điệu hàng ngày.
Những ngày học trung học, mỗi khi góp được ít tiền, lũ bạn thường hay rủ nhau đạp xe ra đó, vật vã mua và thèm muốn những băng cassette nhạc nước ngoài, nhập lậu từ Thái Lan. Những ngày nghe Beatles, Smokie hát vang nơi những gian buôn bán máy nghe nhạc. Nghe Abba và Modern Talking rộn rã suốt cả một con đường dài, mua một cây kem mát lạnh ở Brodard vừa đi vừa ăn. Để nắng hực trên đầu rồi ra hồ Con rùa thả chân xuống nước cho mát hết một buổi chiều. Ngày ấy đạp xe ra Sài Gòn, đường thật lớn và những hàng cây thật cao.
Ngày trước, tôi vẫn nghe người lớn dỗ dành trẻ phải ngoan thì mới chở đi Sài Gòn. Chơi là một vòng chạy qua các kiosk, ngó nhìn người ta mua bán, ăn một cái gì đó, chạy ra bến Bạch Đằng nghe còi tàu “tu tu...”. Thường thì đợi đến chiều để xem xịt nước ở vòng xoay trước khi về. Hôm nay, Sài Gòn rực sáng hơn xưa rất nhiều, nhiều nơi vui chơi hơn, nhưng khái niệm “đi Sài Gòn chơi” đã biến mất. Người ta chỉ kéo về trong những dịp Giáng sinh hay năm mới, đi loanh quanh - và với tôi - không có gì để níu lại.
Đi qua nhiều thành phố, tôi thấy mình trôi tuột qua những đô thị mới mẻ, không có điểm bám. Phải sống rất lâu, người ta mới nhận ra những điều rất cũ lại vô cùng quyến rũ. Phố cũ Hà Nội, Hội An... luôn được nhắc đến là vậy. Nhắm mắt lại giữa Sài Gòn, tôi thấy mình bị níu lại ở những hình ảnh rất cũ. Những điều mới mẻ có thể lộng lẫy nhưng biến Sài Gòn thành nơi để đi qua, chứ không phải để đến, để dừng chân. Sài Gòn hôm nay như Cần Thơ, Cà Mau, Long Xuyên... đô thị vùn vụt đi qua, bê tông hiện đại, thiếu một hơi thở của đời sống.
Sài Gòn càng thay đổi, lại càng nghe nhiều câu chuyện vãn, kể về Sài Gòn hôm qua. Cuốn phim hồi ức càng sống động, càng quý giá hơn. Mọi thứ đã đi qua như không đành lòng rời bỏ thế giới này, cũng như lòng mình cứ níu lại. Hôm qua, tuổi trẻ, tình yêu... được níu lại cùng một hình ảnh thành phố đã trong quá khứ. Và đó là những điều vô giá, mà chỉ khi ta nhắm mắt, im lặng, mới có thể cảm nhận được hết.
                                                                                     Tuấn Khanh

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015




451. Building USAID của Mỹ tại 85 Lê Văn Duyệt giờ là Nhà Khách Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam.



                     452. Vị trí pháp trường cát trước trụ sở hỏa xa sài Gòn và vị trí hiện nay.


                     453. Đầu đường Trần Quý Cáp năm 1972 và hiện nay.


                     454. Đường Phan Bội Châu bên hông chợ Bến Thành xưa và nay.



                     455. Đường Ngô Tùng Châu (Lê Thị Riêng) khi xưa và nay.


                     456. Chợ sách đường Lê Lợi xưa nay không còn.



                     457. Góc Lefèbvre và Georges Guynemer ( Nguyễn Công Trứ - Võ Di Nguy, Hồ Tùng Mậu) thời thuộc địa và hiện nay.


                     458. Khách sạn Continental về đêm xưa và nay.


                     459. Bệnh viện Saigon Adventist ngày 22/3/1955 sau là bệnh viện Cơ Đốc ngả tư Phúi Nhuận xưa và hiện nay.


                     460. Vị trí xướng ngôn viên Chris Noe chuyên về mục thời tiết trên kênh 11 truyền hình ARFVN của Mỹ trước chợ Bến Thành và vị trí hiện nay.


Nguồn hình Tim Doling, Xuan Nhu Tran, Thong Nguyen, Mel Schenck, Tony nguyen

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015


Cái tên của ngày hôm qua

04/05/2015 - 00:15 AM
Không biết từ bao giờ, trong phòng lưu niệm trên tầng chót của tháp Eiffel - Paris, đã có tên “Sài Gòn” trên bảng tên khoảng cách từ đây đến những thành phố lớn trên thế giới. Trong khi đó, tại đài thiên văn Greenwich, London – nằm ngay trên kinh tuyến gốc số 0, tên “Sài Gòn” được khắc trên bảng tọa độ các đô thị tiêu biểu cho các múi giờ. Tọa độ Sài Gòn là kinh tuyến Đông 106 độ - 43 phút.
Sau năm 1975, nhiều bản đồ thế giới xuất bản ở nước ngoài có ghi tên địa điểm Ho Chi Minh city với hàng chữ chú thích: “formerly Saigon“ (nguyên là Sài Gòn). Thế nhưng, trong mắt nhiều người Việt và nước ngoài, tên Sài Gòn không chỉ là địa danh, không chỉ là hoài niệm xa vắng mà cao hơn nữa từ lâu rồi, đó còn là một địa chỉ quốc tế, một icon - biểu tượng - đầy sức sống kỳ lạ của Việt Nam qua nhiều thế kỷ thương đau.


Poster quảng bá du lich Sài Gòn những năm 1970 của hãng máy bay Air Vietnam
Mở cửa 200 năm trước
Tôi tìm thấy tên Sài Gòn được người Anh viết là “Sai-gong” trong quyển A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 của John Barrow, in năm 1806, cách đây 209 năm! Có lẽ đây là quyển sách xưa nhất bằng tiếng Anh viết về Việt Nam và cũng là quyển sách nước ngoài xưa nhất nhắc đến tên Sài Gòn. Tác giả quyển sách là một nhà nghiên cứu Anh đã từ Batavia (Jakarta-Indonesia) cập bến Sài Gòn vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang xây dựng kinh thành Gia Định trở thành hậu cứ lớn để tiến công Tây Sơn. John Barrow ghi nhận “Sai-gong” là nơi nhà vua xứ Đàng Trong đóng đô, hơn nữa còn là thương cảng nhộn nhịp tàu bè đến mua bán, nhất là xuất khẩu gạo. Mặc dầu còn mới mẻ nhưng Sài Gòn đã thay thế được Hội An và Quy Nhơn - hai cảng thị trở nên tiêu điều vì chiến tranh, để mở cửa Đàng Trong ra với bên ngoài. Rất đáng kể, Sài Gòn còn có xưởng đóng tàu theo kiểu Tây dương (châu Âu) và có quân cảng - hậu cứ của hải quân nhà Nguyễn. Khi tác giả có mặt tại “Sai-gong”, tại cảng đã có 7 thương thuyền của Bồ Đào Nha, một chiến hạm Pháp thuộc đội quân của Giám mục Bá Đa Lộc – người hỗ trợ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn và nhiều thương thuyền khác. Chính chiến hạm Pháp đã đưa Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh đi cầu viện vua Napoleon đệ tam…

Và rồi, hơn 50 năm sau cuộc gặp gỡ Việt-Pháp đó, éo le thay, thực dân Pháp đã đến xâm lược Việt Nam vào năm 1858. Không hạ được Đà Nẵng để tiến chiếm kinh đô Huế, quân Pháp chuyển qua đánh Sài Gòn. Quân nhà Nguyễn gắng sức nhưng rồi thành Gia Định thất thủ ngày 17.2.1859. Cuộc chiếm đóng của người Pháp ở Sài Gòn và đất Nam kỳ sau đó không dễ dàng. Sau bốn năm bình định, đến ngày 15.6.1865, chính quyền Pháp mới chính thức ban hành sắc lệnh lập ra “Ville de Saigon ” - thành phố Sài Gòn. Từ đó, Sài Gòn chuyển qua một quỹ đạo văn minh mới.


Bìa quyển A voyage to Cochinchina của John Barrow
 có nêu tên Sài Gòn từ 1792 Công nghiệp hóa sớm nhất
Người Pháp đã đem văn minh phương Tây đến Sài Gòn trộn với chất phương Đông sẵn có của nó để tạo ra một Sài Gòn mới mẻ và độc đáo. Rất thuận lợi, Sài Gòn đi vào công nghiệp hóa cùng thời những phát minh kỳ vĩ của loài người: xe lửa, máy bay, đèn điện, đường dây thép, điện ảnh… Sau 30 năm xây dựng, người Pháp đã cải biến Sài Gòn thành đô thị hiện đại đầu tiên ở Việt Nam sánh vai cùng nhiều đô thị châu Á đã phát triển trước đó như Singapore, Penang, Hồng Kông, Thượng Hải, Tokyo. Cho đến đầu thế kỷ 20, Sài Gòn đã có được hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và hoàn chỉnh: bưu điện, nhà máy điện, nhà máy nước, công nghiệp đóng tàu, đường nhựa, đường xe lửa, bến cảng và sân bay… Chính nhờ kinh nghiệm xây dựng Sài Gòn và ngay cả phương tiện và nhân lực của Sài Gòn mà người Pháp đã xây dựng tiếp “Hanoi ville”, “Tourane ville” (Đà Nẵng) và một loạt thành phố khác vẫn tồn tại ở Việt Nam.



Nhà hàng và phố xá mang tên Sài Gòn đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới: Paris, London, Sydney… Trong ảnh: “Sài Gòn nhỏ” tại California - Hoa Kỳ

Thời cơ và số phận đã bắt Sài Gòn đi trước trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Những nhà máy, công ty, chợ đầu mối, thương xá, ngân hàng, hãng xe đò, xe lửa đầu tiên của Việt Nam đều ra đời từ Sài Gòn. Cũng từ đây, hình thành nên những nghề nghiệp mới: thợ thuyền, kỹ sư, doanh nhân và ngay cả những ngành nghề mới: nhật trình (báo chí), tiểu thuyết, nhà in, nhà sách… Ngay cả về giáo dục, từ Sài Gòn đã “khai sinh” việc giảng dạy chữ quốc ngữ trong trường học và sử dụng chữ quốc ngữ trong công sở và báo chí. Cũng từ Sài Gòn, đã hình thành hệ thống tiểu học - trung học, trường dạy nghề, trường sư phạm, trường cấp tỉnh, trường cấp miền (chỉ riêng đại học, người Pháp mới lập ra trước nhất ở Hà Nội để tạo ra một đối trọng mạnh mẽ với nền giáo dục Nho học lâu đời).

Dòng sông ra biển lớn
Sông Sài Gòn là dòng sông lớn, dễ dàng ngược xuôi ra biển. Vựa lúa Nam bộ và hàng hóa cả nước theo sông Sài Gòn ra với thế giới. Những tuyến đường viễn dương lần lượt ra đời: Sài Gòn-Singapore-Marseille, Sài Gòn-Hongkong-Thượng Hải-Yokohama và xa hơn nữa đến San Francisco và New York. Chẳng mấy chốc, có thêm đường hàng không Sài Gòn-Paris nối châu Âu, Sài Gòn-Hongkong nối với Đông Bắc Á và Mỹ. Những tuyến đường biển đường không, báo chí và viễn thông xuất phát từ Sài Gòn đã mở rộng chân trời, mở rộng tầm nhìn không chỉ cho người Sài Gòn mà còn cho người Việt Nam, người Đông Dương ra với năm châu. Đầu thế kỷ 20, một thế hệ thanh niên mới được các sĩ phu yêu nước nhóm lửa đã mau chóng từ Sài Gòn “xuất dương”, tìm đến những đất nước tiên tiến cả Đông lẫn Tây để học hỏi, kiếm sống và khám phá những tư tưởng cách mạng.


Saigon Place, khu Banktown – Sydney (Úc)


Sài Gòn đã và đang có những giá trị quốc gia và quốc tế không thay thế được. Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên và sa chân vào những tai ương trên những con đường phát triển đô thị thiếu tầm nhìn.
Cho đến trước 1945, Sài Gòn đã rõ nét là một trung tâm giao thương và hàng hải nhộn nhịp, một trung tâm công nghiệp lớn, nhất là sơ chế nông sản, có vị trí quan trọng. Nói như ngôn ngữ bây giờ, Sài Gòn là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng từ Á sang Âu và từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Sài Gòn còn là một thành phố mang phong vị Á-Âu, với gần 500 ngàn dân đến từ tứ xứ và nhiều châu lục. Sài Gòn là “thủ đô kinh tế” của Đông Dương, nơi có dinh Toàn quyền, có các tòa lãnh sự và thương vụ của các cường quốc Anh, Mỹ, Nhật và nhiều nước khác. Khi chiến tranh Thái Bình Dương xảy ra năm 1941, người Nhật đã đặt đại bản doanh tại Sài Gòn để điều hành cuộc chiến Đông Nam Á. Sài Gòn đã hứng bom không quân Mỹ nhưng may mắn không bị nhiều tàn phá. Những diễn biến chiến tranh khốc liệt hơn 30 năm sau đó càng làm thế giới biết đến tên Sài Gòn không chỉ liên quan vận mệnh kinh tế mà còn là vận mệnh chính trị của cả Đông Dương và khu vực.

Yêu kiều giữa chiến tranh


Năm 1948, chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại và Pháp dựng lên, đặt thủ đô ở Sài Gòn. Lần đầu tiên trong lịch sử, Sài Gòn trở thành trung tâm đầu não về cả hành chính và quân sự cả nước cho một bên trong cuộc chiến. Kế đến năm 1955, Sài Gòn lại tiếp tục làm thủ đô cho miền đất từ vĩ tuyến 17 trở vào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Trong nửa đầu thập niên 1950, phố xá Sài Gòn bắt đầu có biến đổi một ít so với thời kỳ trước 1945. Nhiều công sở trung ương, công sở ngoại giao, nhiều phố phường thương mại mọc lên. Sài Gòn bắt đầu có cấp quận. Người các tỉnh đổ về tỵ nạn chiến tranh và kiếm sống gia tăng làm thành phố từ 500 ngàn dân tăng lên gấp đôi, gấp ba. Nhiều khu ổ chuột, định cư tạm bợ ra đời: Bàn Cờ, Vườn Chuối, quận 4… Những con kênh lớn như kênh Tàu Hũ bị nhà dân lấn chiếm hai bên bờ. Thành phố phát triển trong chiến tranh, không giữ được quy hoạch cũ, mau chóng xộc xệch.


Dinh Độc Lập hai tuần trước Tết Mậu Thân (Sài Gòn 1967 – 1968 ) /
Ảnh (C ): Dave DeMIlner


Từ 1955 đến 1965, Sài Gòn có mười năm yên bình để phục hồi lại vẻ yêu kiều trước chiến tranh. Song sau đó, mười năm kế tiếp từ lúc có những xáo trộn chính trị dồn dập, quân Mỹ đổ vào, cường độ chiến tranh gia tăng khốc liệt thì Sài Gòn bước qua một giai đoạn phát triển gấp gáp. Sài Gòn trở nên một thành phố có đủ sự lãng mạn, cái đẹp vốn có từ thời thuộc địa Pháp đến những dấu ấn mới tự do theo kiểu Mỹ. Cùng lúc đó, Sài Gòn lại phải mang vào những tác động thô bạo và tàn bạo của chiến tranh. Song cũng chính vào thời kỳ phát triển với nhiều mâu thuẫn như thế, Sài Gòn vẫn được thế giới biết đến như một thành phố có sức sống đa dạng, mạnh mẽ, năng động. Tất cả các hoạt động và thành tựu kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao lưu quốc tế của Sài Gòn, nhất là con người Sài Gòn, phong cách Sài Gòn có được từ 1865-1975, đã trở thành một tài sản quý giá không thể thiếu, một dấu ấn không thể bác bỏ khi lịch sử sang trang.


Tên Sài Gòn và tọa độ tại bảng ghi đài thiên văn Greenwich
*
Sài Gòn với vốn liếng lịch sử hơn 100 năm đi ra biển lớn, hơn 100 năm đấu tranh và xây dựng đã trở thành một cái tên tự hào chung cho cả nước. Sài Gòn còn là một cái tên quốc tế đã thành danh, một thương hiệu được tin cậy trong và ngoài nước. Những thế hệ Việt Nam đương đại và sau này có hiểu biết được bề dày độc đáo của Sài Gòn mới có thể yêu Sài Gòn sâu hơn nữa. Và không thể không đồng thuận với những thế hệ trước về việc giữ gìn và tôn vinh những giá trị đẹp của Sài Gòn, từ những hàng cây cho đến những kiến trúc và cảnh quan độc đáo, từ những con người cá tính và đóng góp phong phú, từ những ý tưởng và cách nghĩ, cách làm phóng khoáng. Sài Gòn đã và đang có những giá trị quốc gia và quốc tế không thay thế được. Hãy yêu Sài Gòn hơn nữa, đừng để Sài Gòn bị lãng quên và sa chân vào những tai ương trên những con đường phát triển đô thị thiếu tầm nhìn. Đừng để Sài Gòn trở thành một đô thị vắng tên trên bản đồ thế giới!
                                                                                                 Bài và ảnh: Phúc Tiến 

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ



                           441. Hội quán Quảng Triệu 122 Bến Chương Dương/Võ Văn Kiệt năm 1967 và hiện nay.


 
                           442. Văn phòng Enregistrement et Domaines 229 rue Catinathời Pháp thuộc hiện nay là chi cục bảo vệ môi trường.


                           443. Vị trí Hotel La Terrace (1930s) cùng vị trí Hotel Caravelle ( 1959 - và hiện nay).



                           444. Chùa Cây Mai đường Hồng Bàng đối diện đường Phạm Đình Hổ năm 1866 và cùng vị trí hiện nay.



                           445. Grands Magasins Viễn Đông ở giao lộ Bonard và Pellerin (Lê Lợi - Pasteur) năm 1953 và hiện nay.


                           446. Bùng Binh Sài Gòn (Nguyễn Huệ-Lê Lợi) xưa và nay.




                           447. Đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) cuối thế kỷ 19 và hiện nay.




                           448. Ngả tư Bonard - Charner (Lê Lợi - Nguyễn Huệ) những năm 1921 - 1927 và hiện nay.


                           449. Bưu điện Chợ Lớn đầu tiên ở giao lộ Charles-Thomson/ Tổng-Đốc Phương năm 1930 và vị trí hiện nay.


                           450. Hội quán Tuệ Thành 710 Nguyễn Trãi quận 5 xưa và nay.


                                                                       Nguồn hình Tim Doling

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...