Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018


Họa sĩ Pháp gốc Việt: 'Chọn đứng về phía tự do'

                                                                                                           
                                                                                                            Mỹ Hằng BBC, Bangkok



  • Tranh vẽ một góc phố Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa
  • của họa sỹ Pháp gốc Việt Marcelino Trương

Họa sỹ truyện tranh người Pháp gốc Việt Marcelino Trương chia sẻ với BBC trải nghiệm vẽ lại ký ức ấu thơ sống ở Việt Nam, thời cha của ông làm phiên dịch cho Ngô Đình Diệm.

Marcelino Trương, tên tiếng Việt là Trương Lực, có cha người Việt, mẹ người Pháp.
Cha của ông, ông Trương Bửu Khánh, từng làm phiên dịch cho Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm vào những năm 1961 - 1963.
Marcelino Trương sinh năm 1957 ở Philippines. Thời thơ ấu, ông từng sống cùng cha mẹ ở Mỹ, Sài Gòn và Anh quốc. Ông tốt nghiệp đại học Sorbonne Pháp ngành khoa học chính trị và văn chương Anh. Niềm đam mê nghệ thuật đã đưa ông đi đến quyết định dấn thân vào hội họa và trở thành họa sỹ ở tuổi 26. Hiện ông sinh sống và làm việc tại Pháp.

Công việc của cha cùng những ký ức về Việt Nam thời chiến tranh đã để lại dấu ấn sâu sắc và là chất liệu để Marcelino Trương vẽ nên hai cuốn truyện tranh ấn tượng về thời Việt Nam Cộng Hòa, "Such a lovely little war" và "Saigon Calling".
        Đã có một số nhà xuất bản lớn ở Việt Nam liên hệ với Marcelino Trương đề nghị in truyện của ông. Nhưng sau đó từ chối vì "nhạy cảm".
'Những năm tháng khốc liệt nhưng sống động'
"Đây là những năm tháng mà kỷ niệm luôn sống động trong tôi," Marcelino Trương nói.
Trong cuốn "Such A Lovely Little War" xuất bản năm 2012, chiến tranh Việt Nam những ngày đầu, 1961-1963, được kể lại qua đôi mắt của cậu bé Marcelino Trương - khi đó đang sống cùng cha mẹ ở Sài Gòn.

Họa sỹ Marcelino Trương

Đây chính là thời gian cha ông, ông Trương Bửu Khánh, đảm nhiệm vai trò một nhà ngoại giao và thông dịch viên của Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm.
"Saigon Calling" xuất bản năm 2017 tiếp tục câu chuyện của gia đình Marcelino Trương tại London, nơi họ ở sau khi rời Việt Nam năm 1963. Đồng thời cũng là nơi họ dõi theo cuộc chiến tranh Việt Nam khi đó ngày càng diễn ra ác liệt cho tới năm 1975.
Cha ông lúc này đã chuyển sang làm phóng viên cho hãng Reuters. Đó cũng là thời gian gia đình ông "không hoàn toàn sống" cuộc sống ở London vì "lẩn quẩn phía sau là cuộc chiến tàn khốc ở Việt Nam". Nơi đó, bà con của ông đối diện với cuộc chiến tranh từ cả hai bên (Cộng sản và không Cộng sản).
"Chúng tôi lo cho họ. Và chúng tôi kinh hoàng trước bạo lực xảy ra trong chiến tranh ở đó."
Giới thiệu cuốn Sai Gon Calling, bài báo trên The Guardian viết:
"Marcelino Trương đã vẽ lại hình ảnh cha ông, một mặt làm việc quần quật tại hãng thông tấn Reuters, một mặt hướng về Việt Nam nơi cha mẹ ông vẫn còn ở lại, khi chiến tranh bắt đầu và diễn ra ngày càng ác liệt, và phải đương đầu với niềm hi vọng sụp đổ về dân chủ và hòa bình ở Việt Nam. Và mẹ ông, bà Yvette, một người Pháp, cô đơn ở Wimbledon, phải đấu tranh với bệnh trầm cảm và nỗi sợ hãi chiến tranh."
"Marcelino Trương cũng bày tỏ băn khoăn về thái độ của nhiều người trẻ tuổi ở Anh đối với cuộc chiến ở Việt Nam. Điều ông không thể hiểu nổi là tại sao họ, bài Mỹ ở một mức độ nào đó, nhưng dường như rất ủng hộ cộng sản."
"Điều cuốn hút đáng kinh ngạc của cuốn truyện tranh Saigon Calling là họa sỹ Trương mang lại cho người đọc bối cảnh lịch sử và chính trị của chiến tranh Việt Nam gắn liền với đời sống của gia đình ông, những sinh hoạt đời thường, niềm vui, nỗi buồn, những đổi thay trong tâm lý những đứa trẻ đang trở thành vị thành niên ở đất nước xa lạ và nhiều khi, phải lặn ngụp trong mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa cha và mẹ."
"Ở mỗi trang truyện, ông không quên kể lại từng chi tiết tưởng như nhỏ li ti của đời sống gia đình, như bức ảnh tàu thủy Brownie Starflash chụp với anh trai, cho tới cuộc phiêu lưu của chị gái trên hành trình trở thành dân hippy ở Đại học Durham, với bà giáo viên mơ mộng tại Lycée, người tôn thờ Mao Trạch Đông."
Cả hai cuốn truyện tranh đều đã bán hết từ lâu tại Pháp và để lại ấn tượng sâu sắc với cộng đồng người Pháp gốc Việt cùng thế hệ với Marcelino Trương. Có người nói xem chuyện tranh của ông như sống lại một thời ký ức mà họ không nguôi nhớ về.
Nhưng đó không hoàn toàn là tất cả 'ý đồ' mà Marcelino Trương mong muốn.
'Những người không Cộng sản'

Trong câu chuyện với BBC, Marcelino Trương nói ông mong mang lại một cái nhìn chân thực, tươi sáng hơn về thế hệ những người Việt Nam Cộng Hòa, mà ông gọi là những người 'không cộng sản'.
"Rất nhiều người trong số họ rất tuyệt vời, có học thức, chăm chỉ… Cũng giống như phía Cộng sản. Nhưng thông qua truyền thông phương Tây, tới nay nhiều người vẫn chỉ biết về họ như một thể chế tham nhũng, xấu xa. Sự thực không phải như vậy."
"Báo chí phương Tây thời đó thường gọi những người không cộng sản thời đó ở miền Nam Việt Nam là "những con rối Sài Gòn".
"Thế hệ những người Việt Nam không cộng sản thời đó nay hầu như đều sống ở nước ngoài. Nhiều người ngần ngại nói về quá khứ. Đây là điều đáng tiếc, bởi vì nếu họ không làm nói thì ai sẽ nói?"
Trong The lovely little war, Marcelino vẽ câu chuyện về bốn trong số các anh em họ của ông đi lính cho Việt Cộng. Ba trong số đó chết trong trận Mậu Thân ở độ tuổi 20. Người thứ tư bị trả về, thương tật nặng.
"Người dân VIệt Nam hai miền Nam Bắc đều mến chuộng hòa bình. Nhưng Cộng Sản lại yêu điều đó quá mức tới nỗi họ muốn xâm chiếm cả miền Nam."
"Nhưng Cộng sản không đại diện cho người dân Việt Nam. Tôi nhận ra rằng người miền Nam Việt Nam, với hi vọng thoát chế độ độc tài, có rất ít cơ hội để được người phương Tây thấu hiểu."
Ở pháp, truyện tranh của Marcelino Trương được chào đón nồng nhiệt.
"Độc giả ngạc nhiên vì họ thường quen với truyền thông chủ yếu tập trung vào Mỹ và những người cộng sản."
"Họ không biết về chế độ Sài Gòn, vốn thường được mô tả là tham nhũng. Cánh hữu ở Pháp thường thích Hà Nội."
"Đối với nhiều người, đó là một phát hiện mới. Nhiều người nói với tôi họ như đọc lại câu truyện về cuộc đời mình."

Một trang trong truyện tranh của Marcelino Trương,
kể về cú điện thoại Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm

Marcelino Trương mang vào truyện tranh của ông hình ảnh và câu chuyện của cả hai phía, VNCH và Cộng sản. Người của cả hai phía, như ông mô tả, đều thông minh, chăm chỉ, có những phẩm chất đáng quý.
"Nhưng có một thực tế là 80% trong số 400 nhà báo nước ngoài ở Việt Nam là người Mỹ. Và họ chỉ thích đưa tin về cuộc chiến, các trận đấu… Báo chí Mỹ thì dường như không muốn đưa tin về thành công của quân đội Mỹ. Và rất ít người trong số họ thích giao du với người thuộc phía VNCH," Marcelino Trương nói.
Ông vẽ về niềm hi vọng của người cha vào sự thống nhất của Việt Nam năm 1968, khi đại diện hai miền Nam, Bắc gặp nhau để bàn ký kết hiệp ước Paris. Ông Khánh lúc đó dắt tay cô con gái bước ra cửa nhà và hát vang bài Đồng Dao Hòa Bình của Trịnh Công Sơn.
Nhưng niềm hi vọng này đã bị dập tắt sau đó.
Marcelino Trương cũng vẽ lại thời điểm sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, khi Việt Cộng tiến hành cuộc thanh trừng địa chủ.


"Rất nhiều nhà viết sử, nhà báo, và các lãnh đạo lúc bấy giờ tin rằng hàng nghìn xác dân thường chết trong các cuộc thảm sát ở Huế năm 1968, nhiều người bị trói chặt tay phía sau, là kết quả của cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Và bất chấp hiện thực là gì, nhiều người thuộc phe Nam Việt Nam cũng tin là như vậy và bắt đầu sợ hãi phe Việt Cộng," trích đoạn trong "Such a lovely little war".
Họa sỹ Marcelino Trương cũng vẽ lại bối cảnh của bức ảnh lịch sử, khoảnh khắc khi ông Nguyễn Văn Lém của Việt Cộng bị tướng Nguyễn Loan của VNCH bắn chết trên đường phố Sài Gòn. Bức ảnh mang lại cho nhiếp ảnh gia Eddie Adams vinh quang và cả nỗi buồn.
"Bức ảnh này cũng khiến hình ảnh của phe Nam Cộng Hòa thêm xấu đi trong mắt công chúng."
"Thế nhưng truyền thông thời đó lại không nhắc đến việc ông Lém bị bắt khi đột nhập vào nhà tướng Tuân, bạn của tướng Loan, chặt đầu ông này và bắn chết vợ cùng sáu người con," Marcelino viết trong Such a lovely little war. 
'Đứng về phía tự do'



Bản quyền hình ảnh Marcelino Trương



Họa sỹ Marcelino Trương luôn nói về cha với niềm tự hào: "Cha tôi là một người trí thức học rộng và rất ân cần. Cha dạy tôi theo cách Việt Nam.
Ông Trương Bửu Khánh, cha của Marcelino Trương, là một trong những trí thức điểm hình của thế hệ Việt Nam Cộng Hòa, trung thực, thông minh, làm việc cật lực.
Những bức vẽ trong truyện tranh của Marcelino Trương chủ yếu được gợi cảm hứng từ những quan sát của ông đối với công việc mà cha ông làm.


Gia đình họa sỹ Marcelino Trương với bố, mẹ và anh chị em,
 trong cuốn The lovely little war
"Cha tôi ủng hộ dân chủ. Ông luôn hi vọng một ngày Việt Nam trở thành quốc gia dân chủ, với một chính quyền mạnh, với phe đối lập, với bầu cử tự do cho người dân."
"Nhưng bù lại, cái mà cha tôi thấy là một chế độ quân đội ở miền Nam, và một chế độ độc tài Stalin ở miền Bắc."


"Khi chiến tranh nổ ra năm 1969, cha tôi vô cùng thất vọng vì ông nhận ra rằng không dễ để điều đó trở thành hiện thực."
"Những tâm sự, nỗi niềm của cha tôi đã tác động tới tôi rất nhiều."
"Tôi đã đọc nhiều sách về lịch sử, chiến tranh của Việt Nam. Cộng với hồi ức về Việt Nam, về cộng việc của cha tôi khi làm cho Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, những lá thư mẹ tôi gửi về Pháp cho ông bà ngoại 50 năm sau đã trở thành chất liệu quý để tôi vẽ lại một thời kỳ."
"Còn với cá nhân tôi, tôi rất ghét phải lựa chọn. Tôi không muốn phải chọn đứng về bên nào vì như tôi đã nói, người của hai phía đều rất thông minh, chăm chỉ, có nhiều phẩm chất đáng quý."
"Nhưng nếu bắt buộc phải lựa chọn, tôi sẽ chọn Việt Nam Cộng Hòa, vì tôi muốn đứng về phía của tự do."
Marcelino Trương đã quay trở lại Việt Nam nhiều lần. Ông nói muốn tìm hiểu thêm về đời sống của các họa sỹ trẻ và vẽ về họ.
Ông đang viết tiểu thuyết giả tưởng về việc kết thúc Chiến tranh Đông Dương (1945-1954) với cái nhìn từ ba phía, Cộng sản Việt Nam, người Việt không cộng sản, và người Pháp.
Ngoài ra, Marcelino Trương cũng đang ấp ủ vẽ một cuốn truyện tranh về vai trò của các họa sỹ thời chiến tranh như Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến.
"Tôi sẽ luôn vẽ, viết về thời của cha mình. Đó là thời kỳ mà tôi ấn tượng nhất về Việt Nam, khốc liệt, nhưng không thể nào quên," Marcelino Trương nói với BBC từ nhà riêng của ông, một căn hộ nhỏ nằm bên bờ biển miền Nam nước Pháp.

Câu chuyện của Marcelino Trương nằm trong loạt bài Global Vietnamese - Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.
Độc giả muốn chia xẻ những nét đặc thù, hay những nhân vật nổi trội của cộng đồng mình, xin liên lạc với BBC, email: vietnamese@bbc.co.uk hay với tác giả, email: MyHang.Tran@bbc.co.uk.


Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ


1471. Quang cảnh 2 thời kỳ trước tòa Đô Chánh.




1472. Trạm xăng Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo xưa và nay.



1473. Góc Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi xưa và nay.



1474. Cư xá Brink chỉ còn trong ký ức.



1475. Khách sạn Ambassador BOQ bên hông phía sau tòa quốc hội xưa và nay.



1476. Khách sạn Mỹ Lệ góc Nguyễn Huệ - Nguyễn Thiếp ngày xưa và giờ đây.



1477. Trường tư thục Tân Văn đường Trần Quý Cáp ngày nào và giờ đây.



1478. Đường Châu Văn Tiếp nhìn về đại lộ Đồng Khánh xưa và nay.



1479. Góc Đồng Khánh - Châu Văn Tiếp xưa và nay.



1480. Cuối đại lộ Trần Hưng Đạo nhìn về hướng Đồng Khánh - An Bình xưa và nay.




Nguồn Tim Doling, Trung Ngô, Trung Nguyen

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018


HỒI ỨC NGÃ SÁU ĐƯỜNG PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG


Có lẽ không người Việt Nam nào là không biết đến truyền thuyết về Đức Phù Đổng Thiên vương, người đã có công đánh đuổi giặc Ân trong buổi bình minh của dân tộc, sau đó cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời…

Những tấm hình dưới đây là hình ảnh của Ngã sáu Phù Đổng Thiên Vương, hay còn gọi là Ngã 6 Sài Gòn, nơi có tượng Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng, được dựng vào năm 1966. Tượng này đã tồn tại hơn 50 năm qua cùng với đời sống của người Sài thành.
Có điều, nếu không phải người để ý kỹ thì có thể sẽ không biết rằng bức tượng Phù Đổng Thiên Vương này có một chi tiết khác so với truyền thuyết Thánh Gióng: ngồi trên ngựa sắt vẫn là một chú bé. Trong truyện xưa, Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, khi sứ giả mang ngựa sắt, giáp sắt… đến thì chú bé vươn vai đứng dậy trở thành một tráng sĩ cao lớn để đi đánh giặc ngoại xâm.


Nhưng chính nhờ sự khác biệt này mà bức tượng Phù Đổng Thiên Vương ở Sài Gòn trở nên đặc biệt hơn. Đồng thời với việc nhấn mạnh truyền thống yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước trước quân xâm lược, thì dù chỉ là một đứa trẻ cũng có thể vì quê hương mà đánh giặc.
Người chụp bức hình bên dưới (khi chưa có tượng Thánh Gióng) ngồi ở trên lầu cao ốc nào đó trên đường Ngô Tùng Châu (sau 75 là Lê Thị Riêng), bên phải là Võ Tánh quận Nhì (sau 75 là Nguyễn Trãi Q1), đường thẳng trước mặt có xe bồn chạy lại.


Bức hình dưới là đường Phạm Hồng Thái, lúc này cao ốc đang xây sửa.



Phía Lê Lai Night Club, Hotel, Restaurant và dãy nhà 1 lầu bên phải ngay ngã 6 lúc đó rất nhiều xe bán bánh cuốn, bánh ướt, chả lụa, sâm bổ lượng. Xích tới góc bến xe ban tối là kem ký, kem ly, v.v.. Ngoài ra sau lưng tượng Phù Đổng chỗ dưới bảng quảng cáo có tiệm hủ tíu Nam Vang cũng ngon có tiếng lúc đó. Còn bên phải là Mỹ Kim địa ốc, chủ nhân là một tay chơi có hạng thời bấy giờ.


Bến xe là đường Phan Văn Hùm ngắn ngủn chỉ tới Lê Lai là hết vì “đụng” tường rào Ga xe lửa Sài Gòn. Xe đò ở đây đủ loại chạy Phú Mỹ Hưng, Hậu Nghĩa, Củ Chi; có cả xe đò bự chạy Sài Gòn – Ban Mê Thuột.


Phía bên Gia Long Lý Tự Trọng là salon xe gắn máy Nhựt lúc cao trào “đổ bộ” vô Sài Gòn. Gần đó có tiệm “Hải Ký Mì Gia” gần ngã ba Gia Long – đường nhỏ Đặng Trần Côn bên trái đâm ra Nguyễn Du.
Trên đường Gia Long bên số chẵn (nhìn từ ngã 6 là bên tay trái) từ đầu là những hãng len của Làng Cự ở ngoài Bắc di cư năm 54 (điểm đặc biệt tất cả hiệu lấy chử Cự đứng đầu), sau đó là Kim Phụng mì gia. Còn Hải Ký ở La Cai Chợ Lớn, chỉ thuần bán mì thôi. Cách vài căn là phòng ghi âm Sóng Nhạc của các nhạc sĩ Lê Minh Bằng…




                                                                      
                                            Theo dansaigon

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018



Đường Lanzarotte
Đường Đoàn Công Bữu


LANZAROTTE. Hướng Bắc Tây Bắc – Nam Đông Nam. Đường ngắn nối đường  Arfeuille (Nguyễn Đình Chiểu/TQT) với đường Champagne (Yên Đổ/LCT) gần với đường Eyriaud-des-Vergnes (Trường Minh Giảng/TQT).
Xưa là đường số 48, nó nhận tên này vào năm 1906. Từ năm 1955 đổi tên là đường Đoàn Công Bửu. 


Bản đồ 1942


Bản đồ 1958 là đường  Đoàn Công Bữu

Tên nhân vật được đặt cho con đường:

Don Bernardino Ruiz DE LANZAROTTE là một đại tá quân Tây Ban Nha ở Manille. Ông đến Tourane trên chiếc tàu mang tên Durance tháng 9 năm 1858. Tháng 2 năm 1859, ông đến Sài Gòn.

Đào Công Bửu còn có tên là Đoàn Công Bửu, Đào Xuân Bửu, Cả Bửu sinh năm 1825 tại Trà Vinh ngụ tại xã An Bồi, Bảo Hữu, Bến Tre. Năm 1867 ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa ở Trà Vinh với chức vụ Tổng binh dưới sự chỉ huy của Phó đốc binh Lê Đình Đường. Ông đã tham gia trận đánh ở Long Điền ở tổng Bình Trị Thượng ngày 26/8/1867. Trận này nghĩa quân thắng lớn nhưng chủ tướng Lê Đình Đường hy sinh, nghĩa quân tan rã, ông chạy về Bến Tre, liên kết với những người yêu nước. 
Năm 1875 Đào Công Bửu, cùng Nguyễn Xuân Phụng khởi nghĩa ở Trà Vinh. Đến năm 1885, 1886 hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, Đào Công Bửu tham gia các hoạt động chống Pháp ở Bến Tre, Mỹ Tho. Năm 1893 thực dân Pháp đã ổn định được bộ máy cai trị của chúng từ cấp xứ, tỉnh, phủ, huyện, tổng tới cấp xã, ấp đặt các đồn binh, đồn cảnh sát ở khắp mọi nơi để khống chế đồng bào. Năm đó Đào Công Bửu đã 67 tuổi vẫn cùng với Lê Công Từ phát động nhân dân khởi nghĩa chống Pháp trên một địa bàn rộng lớn bao gồm các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh, Hà Tiên, An Giang, Châu Đốc, Gia Định.

Ở Sài Gòn trước năm 1975 có 2 con đường bị “:giam cầm”: một là đường Huyền Trân Công Chúa; hai là đường Đoàn Công Bữu. Lý do mà 2 con đường này bị như thế là vì an ninh, cần phải cấm xe cộ lưu thông để bảo vệ cho hai khu quan trọng là dinh Độc Lập và khu cư trú của các nhân viên cao cấp DAO của Mỹ. Đó là bắt đầu từ năm 1968, khi qua cuộc tổng công kích xuân Mậu Thân. Con đường Huyền Trân Công Chúa thì hai đâu là các rào sắt căng dây kẽm gai trông không có thẩm mỹ chút nào thì hai đầu đường Đoàn Công Bữu lại là hai cổng rào bằng sắt sơn màu xanh lục đậm coi rất đẹp. Khác với đường Huyền Trân Công Chúa không có nhà dân nào hết thì đường Đoàn Công Bữu lại có nhà dân bên trong khu bảo vệ, cho nên cổng rào hai bên có thêm một cánh cửa để cho những người dân trong này ra vào.
Con đường này gắn liền với tuổi niên thiếu của tụi tôi, vì bên khu vực Bến Tắm Ngựa qua đây rất gần. Mỗi ngày tụi tôi qua chơi bên bãi cỏ cạnh tòa building 7 tầng, đó là cái tên mà người dân vùng Yên Đổ đặt cho building này. Thật ra tên của nó là building Sufo là nơi dành cho các nhân viên hảng Shell về sau là cho Mỹ mướn làm nơi ở cho các nhân viên dân sự. Có những hôm, tụi tôi cùng đi bắn chim ở cây vông nem to lớn phía sau cô nhi viện An Lạc hay trèo lên hàng rào mấy villa có cây mít, hái mít non về chấm muối ớt ăn.


Buiding Sufo (nhà lầu 7 tầng) và hiện này là khu nhà khách T 78

Vì con đường này bị cô lập cho nên những thông tin về các ngôi nhà nơi đây tôi không biết được; chỉ quan sát được vẻ bề ngoài của nó mỗi khi tôi đi ngang đây. Có một biệt thự to lớn mà tôi chú ý, đó là biệt thự số 12. Căn biệt thự này là nơi cư ngụ của viên tổng giám đốc USAID của Mỹ, giờ nó nằm trong khu nhà khách T. 78. Nó nằm đâu lưng với sân tennis trong khu công chức mà đường vào là giữa cư xá Yên Đổ và Nha Quản Thủ Điền Địa bên đường Yên Đổ. Ngoài ra nhà lầu 7 tầng như vừa kể và cô nhi viện An Lạc là cô nhi viện được Mỹ bảo trợ. Cuối tháng 4 năm 1975, người Mỹ đã di tản các em cô nhi nơi đây trong chương trình Baby Lift.


Biệt thự số 12 Đoàn Công Bữu



Biệt thự số 12 Đoàn Công Bữu hiện nay


          Con đường yên tĩnh, vắng lặng bỗng trở nên náo động vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, khi hàng ngàn người dân tràn vào khu này cướp bóc những gì mà người Mỹ bỏ lại trong giờ di tản ra khỏi Sài Gòn.


 Đường Đoàn Công Bữu lúc còn lưu thông. 
Bên phải hàng rào tôn là cô nhi viện An Lạc. Chổ cây vông nem lớn là một ngỏ nhỏ.


Đoạn giáp với đường Nguyễn Đình Chiểu/TQT 
vào cuối tháng 4/1975 trước cô nhi viện An Lạc


Nguồn hình ảnh: Tim Doling
Mạnh Hải flick
Phim the last day in Vietnam

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...