Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Bài này được trích dịch từ chuyên đề GUIDE HISTORIQUE DES RUES DE SAIGON của ANDRÉ BAUDRIT.


LAI LỊCH NHỮNG TÊN ĐƯỜNG ĐẦU TIÊN
CỦA THÀNH PHỐ SÀI GÒN

(Phần tiếp theo)




CORNULIER - LUCINIÈRE. Hướng Tây Bắc – Đông Nam, nối đường Espagne với quảng trường  Rigault de Genouilly.
Con đường là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn với tên ban đầu là đường số 12. Sau đó trở thành là đường Thủ Dầu Một bởi một quyết đình ngày 2 tháng 6 năm 1871. Đến năm 1897, trong quyết định ngày 24 tháng 2 năm 1897, con đường này được đặt tên mới như nêu trên.



Bản đồ năm 1878 ghi là đường Thủ Dầu Một



Bản đồ năm 1898 ghi là đường CORNULIER - LUCINIÈRE


Bản đồ năm 1958 ghi là đường Thi Sách

Bá tước DE CORNULIER-LUCINIÈRE (Alphonse, Jean, Claude, René, Théodore) sinh ở Lucinière (Loire-Inférieure) năm 1811 và vào trường hàng hải khoảng năm 1829. Ông là chuẩn đô đốc khi ông là tạm quyền thống soái ở Đông Dương. Ông cập bến Sài Gòn ngày 8 tháng 1 năm 1870 bằng tàu Le Donnai. Tháng 3 năm 1871, ông trở về Pháp và giữ chức thị trưởng Nantes và mất tại đó năm 1886.


Bá tước DE CORNULIER-LUCINIÈRE


COURBET. Hướng Đông Đông Bắc – Tây Tây Nam nối đường Amiral-Roze với đường Schroeder. Đường đổ ra chợ Bến Thánh.
Cái tên COURBET ban đầu được chỉ định cho đường Amiral-Dupré trong cuộc họp ngày 23 tháng 11 năm 1885. Nhưng thật ra cái tên này còn dự tính đặt cho hai con đường ở Sài Gòn nữa. Đó là đường nhỏ thứ nhất, đổ ra đường  Mac-Mahon gần đại lộ Bonard và được hiểu là giữa nó và đường Monlaü. Nó đối mặt với khu tứ giác của des Travaux publics.



Vị trí lúc đầu của đường COURBET trong bản đồ 1898


Vị trí về sau của đường COURBET trong bản đồ 1942


Trong bản đồ 1958 là đường Nguyễn An Ninh

Đô Đốc COURBET (Amédée, Anatole, Prosper) sinh ở Abbeville (Somme) ngày 28 tháng 6 năm 1827 là một đô đốc Pháp đã giành được một loạt chiến thắng quan trọng về hải quân và hải quân trong Chiến dịch Bắc Kỳ (1883-86) và Chiến tranh Trung-Pháp (tháng 8 năm 1884 đến tháng 4 năm 1885).


Đô Đốc COURBET


CUA. Đường Paulus.Nối đường số 8 với đại lộ Albert-1er. Khu vực Đa Kao.
Đường này lúc đầu là đường số 29. Theo quyết định của toàn quyền ký ngày 23 tháng 1 năm 1943, tên Paulus Cua dùng đặt cho con đường này.



Vị trí của đường Paulus Của trong bản đồ năm 1943


Trong bản đồ 1958 là đường Hòa Mỹ. Con đường này về sau chỉ còn là một hẽm lớn

Huỳnh Tịnh Của hay Huình Tịnh Của (1830-1908) hay còn gọi là Paulus Của ("Paulus" ở đây đọc là "Phao-lô"), hiệu Tịnh Trai, quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), là một nhà văn hóa học và ngôn ngữ học có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam bộ.


DAYOT. Hướng Đông Nam – Tây Bắc, nối đường Boresse với đại lộ la Somme.
Ban đầu là đường số 3 sau đó theo quyết định của DE LA GRANDIÈRE ký ngày 1 tháng 2 năm 1865 thay tên là đường Dayot.
Việc bảo dưỡng con đường này đã bị bỏ quên từ lâu nhưng năm 1891, các cư dân đường này đề đạt lên thị trưởng việc phục hồi con đường này lại.


Đường Dayot trong bản đồ 1878



Trong bản đồ 1958 là Nguyễn Văn Sâm



Trong bản đồ hiện tại là Nguyễn Thái Bình


Jean-Marie DAYOT (tên tiếng Việt: Nguyễn Văn Trí) là bạn đồng hành với giám mục PIGNEAU DE BÉHAINE sinh ra tại vùng Bretagne giữa thế kỷ 18. Ông là một sĩ quan Hải quân Pháp và là một trong những nhà phiêu lưu đã phục vụ Nguyễn Ánh, người mà sau này là hoàng đế Gia Long của Việt Nam.


Jean-Marie DAYOT (bên trái)

DENIS. — Đường des Frères.
Đường cong hình khuỷu, hướng Đông Bắc – Tây Nam, nối quảng trường  Rigaultde-Genouilly với đại lộ Charner.
Con đường là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn có cái tên đầu tiên là đường số 5. Đô đốc DE LA GRANDIÈRE ký quyết định ngày 1 tháng 2 năm 1865 đặt tên là đường Vannier. Đường Vannier kéo dài tới đường Adran (về sau là đường Guynemer sau khi băng qua kênh Grand Canal (đại lộ Charner).
Chỉ có phần đầu của con đường mới đổi tên tức là phần tới đại lộ do quyết định của hội đồng thành phố ngày 20 tháng 10 năm 1937, đó là tên des Frères Denis.


Trong bản đồ 1878 là đường Vannier


Trong bản đồ 1943 là đường Des Frères Denis


Trong bản đồ 1958 là đường Ngô Đức Kế

Gustave DENIS sinh tại Bordeaux năm 1837 và mất cũng tại thành phố này năm 1904. Ông là ủy viên hội đồng năm 1869 và chủ tịch phòng thương mại năm 1873.
Alphonse DENIS sinh tại Bordeaux năm 1849 và mất ngày 19 tháng 8 năm 1933.
Émile DENIS sinh tại Bordeaux năm 1835, là chủ tịch thứ hai phòng thương mại Sài Gòn.
Alfred DENIS sinh tại Bordeaux năm 1834, Cùng cộng tác với các anh em của mình nhưng không chịu được khí hậu đã về Pháp và mất năm 1874.


DIXMUDE. Hướng Bắc Tây Bắc – Nam Đông Nam, nối đường Colonel-Grimaud với đại lộ Galliéni. Con đường này vẫn tiếp tục dưới cái tên là đường Louvain tới cảng Belgique.
Trước khi có cái tên này, con đường đã từng mang tên là đường ancienne église de Chodui, Trong phiên họp ngày 26 tháng 4 năm 1920, hội đồng thành phố quyết định đặt tên là DIXMUDE.



Trong bản đồ 1929 là đường ancienne église de Chodui


Trong bản đồ 1926 là 2 đường Louvain và DIXMUDE


Trong bản đồ 1958 là đường Đề Thám

DIXMUDE là một thành phố của nước Bỉ. Trận DIXMUDE còn gọi là trận sông Yser diễn ra từ ngày 18 đến 31 tháng 10 năm 1914.


DO-HUU-VI. Hướng Đông Bắc – Tây Nam, nối đại lộ Charner cạnh tòa Justice de Paix với đường Mac-Mahon và kéo dài tới nhà ga dưới cái tên là đường M. de Monlaü.
Đường Do-huu-Vi là một phần của đường Hamelin. Trước đó, phần này nối đại lộ Kitchener với đại lộ Charner. Sau khi có công trình chỉnh trang đại lộ la Somme, con đường này bị cắt làm hai: phần Tây Nam (Kitchener) giữ tên là đường Hamelin và ngày 29 tháng 3 năm 1917, phần Đông Bắc (Charner) lấy tên là Do-huu-Vi.



Vị trí đường Đỗ Hữu Vị trong bản đồ 1926


Bản đồ 1958 là đường Huỳnh Thúc Kháng

Đỗ Hữu Vị (1883–1916) là một phi công người Việt phục vụ trong Quân đội Pháp. Ông sinh ngày 17 tháng 2 năm 1883 tại Chợ Lớn. Ông là con trai út của Tổng đốc (hàm) Đỗ Hữu Phương (tục gọi là Tổng đốc Phương), 


Đỗ Hữu Vị 

DOMENJOD. Nối đại lộ Albert-1er với đường Mékong.
Đây là con đường tư nhân xây dựng khoảng năm 1920.



Vị trí đường DOMENJOD trong bản đồ 1926


Trong bản đồ 1958 là Nguyễn Thành Ý

Auguste, Marie, Gabriel DOMENJOD sinh ngày 29 tháng 7 năm 1861 ở Saint-Denis, đảo Réunion. Năm 1880 ông sang Đông Dương. Đầu tiên ông làm việc trong ngành kỹ nghệ như một nhà máy gạo ở Chợ Lớn . Rồi ông trở thành nhà nhập cảng và sản xuất thuốc lá. Ông cũng tham gia lĩnh vực nông nghiệp và có một đồn điền cà phê ở An Thông tây. Ông là thành viên của phòng thương mại, của hội đồng thuộc địa và hội đồng thành phố. Ông mất tại Sài Gòn ngày 28 tháng 11 năm 1926.


DOUAUMONT. Đường thứ cấp nối đường Kitchener với đường Huynh-quang-Tien. Nó song song với đại lộ Galliéni và cảng Belgique.
Đường trước đó không có tên. Hội đồng thành phố đã đặt tên như nêu trên trong phiên họp ngày 26 tháng 4 năm 1920.



Bản đồ 1942


Bản đồ 1958 tên đường đổi là Cô Giang

Douaumont là một xã của tỉnh Meuse nằm trên dãy Hauts-de-Meuse gần Verdun, nơi đó có một pháo đài cùng tên đã bị quân Đức đánh chiếm ngày 25 tháng 2 năm 1915.


DOUDART DE LAGRÉE. Đường ngắn hướng Đông Tây nối đường Ormay với quảng trường Rigault-de-Genouilly.
Đường này lúc đầu là đường số 14 bis rồi quyết định ngày 2 tháng 6 năm 1871 đặt tên nó là Yokohama. Về sau, quyết định ngày 24 tháng 2 năm 1897 nó đổi tên như nêu trên.



Trong bản đồ 1878 là đường Yokohama


Trong bản đồ 1898 là đường DOUDART DE LAGRÉÉ

DOUDART DE LAGRÉÉ (Ernest, Marc, Louis de Gonzague) sinh ở Saint-Vincent de Mercuze (Isère) ngày 31 tháng 3 năm 1823. Ông vào trường bách nghệ năm 1843 và hải quân năm 1845 và là đại úy hải quân.
Tháng 12 năm 1862, ông lên đường đi Đông Dương và tới Sài Gòn tháng 2 năm 1863. Ông nhận chỉ huy một tiền trạm thám hiểm đi ngược dòng Mê Kông. Ông mất vì bệnh ngày 12 tháng 3 năm 1868 tại Toung-Tchouan và được chôn cất tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.


DOUDART DE LAGRÉÉ 


DUCLOS. Hướng Đông Tây từ đường René-Héraud tới vùng đất bỏ không (vùng Tân Định).
Con đường này và kể cả những con đường khác của khu vực này đều được xây dựng vào năm 1928 bởi  Compagnie foncière d'Indochine trên mảnh đất sở hữu của công ty.



Bản đồ 1943


Bản đồ 1958 tên đường đổi là Đặng Tất

M. Jean DUCLOS là viên chức quản lý của Société indochinoise de transports và cũng là một trong số các viên chức quản lý của Compagnie foncière d'Indochine.


DUMORTIER. Đường Mgr. Hướng Đông Bắc – Tây Nam nối đại lộ Kitchener (về sau là Général Marchand) với đường Huynh-quang-Tien (khu vực Abattoir).
Lúc đầu là đường số 9. Theo quyết định của toàn quyền ký ngày 23 tháng 1 năm 1943 tên Dumortier được đặt cho con đường này dù trước tên Outrey được đề nghị.



Bản đồ 1943




Bản đồ 1958 tên đường đổi là Cô Bắc

Mgr. Isidore Marie-Joseph DUMORTIER sinh 6 tháng 4 năm 1869 ở Halluin, giáo khu Saint-Hilaire, địa phận Cambrai (Nord), là Đại diện Tông tòa Giáo phận Sài Gòn từ 1925 đến 1940.


Mgr. Isidore Marie-Joseph DUMORTIER


DUPRÉ. Đường Amiral. Hướng Đông Bắc – Tây Nam nối đường Catinat với đường Pasteur. Đó là con đường phía trái của nhà hát thành phố.
Xưa là đường số 11. Nó trở thành là đường Thu-Duc bởi quyết định ngày 2 tháng 6 năm 1871 và đổi tên như nêu trên vào ngày 24 tháng 2 năm 1897.



Trong bản đồ 1878 là đường Thủ Đức


Trong bản đồ 1926 là đường A. Dupré


Bản đồ 1958 tên đường đổi là Thái Lập Thành


Bản đồ hiện tại là đường Đông Du

Marie Jules Dupré (25 tháng 11 1813 - 8 tháng 2 năm 1881) là chính khách người Pháp. Ông sinh tại Albi, làm sĩ quan thuộc quân chủng Hải quân Pháp, thăng đến chức đô đốc. Ông được bổ nhiệm là thống đốc thuộc địa Réunion (1865-1869) rồi sau sang Nam Kỳ nắm chức thống đốc từ năm 1871 đến 1874.


Marie Jules Dupré 


DURANTON. Hướng Đông Bắc – Tây Nam nối đường Arras với đường Verdun. Nó đổ ra mặt Tây nam của vườn Tao Đàn.



Bản đồ 1942


Bản đồ 1958 tên đường đổi là Bùi Thị Xuân

Jean, Auguste DURANTON (1858-1908) sinh 8 tháng 10 nám 1858. Ông tham gia chính quyền ngày 17 tháng 9 năm 1884. Năm 1906 là công sứ tỉnh Hà Đông. Năm sau ông vào sài Gòn thành chủ tịch hội đồng thành phố.


DÜRRWELL. Đường  Président. Nối đường Legrand-de-la-Liraye với đường số 29 về sau là Paulus-Cua khu Đa Kao.
Con đường giữ tên là đường số 7 đến năm 1943. Một sắc lệnh của toàn quyền ngày 23 tháng 1 cùng năm quyết định đổi tên là Président-Dürrwell.



Bản đồ 1943




Bản đồ 1958 tên đường đổi là Phan Ngữ

Louis, George DÜRRWELL sinh ở Guebwiller (HautRhin) ngày 7 tháng 4 năm 1857. Ngày 2 tháng 3 năm 1881, ông đến Sài Gòn với chức danh nhân viên quản lý thực tập.
Từ năm 1889 đến 1914 ông là luật sư và là chủ tịch Hội “Etudes indochinoises de Saigon”


                                                                                                         (Còn Tiếp)

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Dầu cù là Mac Phsu vang bóng một thời tái xuất

Sai gòn-Gia Định: Đất & Người | sggdpost.com

https://sggdpost.wordpress.com/

            Dầu cù là Mac Phsu vang bóng một thời tái xuất

“Bòn bon si cu la, bánh bao sữa hột gà, dầu cù là Mac Phsu...”, câu hát quen thuộc của trẻ con miền Nam, Việt Nam, một thời đủ thấy sự thông dụng và nổi tiếng của thương hiệu dầu cao một thời vang bóng.
Ngưng sản xuất từ năm 1979, những tưởng dầu cù là Mac Phsu bị khai tử trên thị trường kể từ đó. Nào ngờ vẫn còn hai phụ nữ là hậu duệ của dòng dõi hoàng tộc Myanmar tại Việt Nam, đang âm thầm gầy dựng lại sự nghiệp của cha ông. Họ là hai chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng, hiện đều ở ngưỡng tuổi 70.
Bây giờ nhắc đến dầu cù là Mac Phsu, những người miền Nam ở tầm tuổi 50 trở lên hầu như không ai không biết. Nó cùng thời với dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín và dầu gió Nhị Thiên Đường nhưng không có đối thủ ở loại dầu cao. Thậm chí từ thương hiệu dầu cù là Mac Phsu, người ta quen gọi “dầu cù là” để chỉ tất cả loại dầu cao, kể cả dầu được sản xuất bên Trung Quốc.
Sở dĩ dầu cù là Mac Phsu được ưa chuộng là bởi công dụng trị bá bệnh của nó, từ chóng mặt, nhức đầu, ho, cảm, sổ mũi đến nhức mỏi tay chân, bị thương tích chảy máu, bị côn trùng cắn hay bị muỗi đốt… Đặc biệt không như nhiều loại dầu cù là khác sử dụng chất salicylate làm cho dầu thơm nhưng độc, khiến dầu nóng hỗn và gây ngộ độc nếu uống, dầu cù là Mac Phsu chỉ gồm các tá dược tinh túy, đặc biệt tinh dầu khuynh diệp nhập về từ Bồ Đào Nha nên ai nhức răng, đau bụng uống vào thì an toàn và hết chứng bệnh ngay.


Hai chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng, hiện đều ở ngưỡng tuổi 70 đang âm thầm gây dựng lại sự nghiệp sản xuất dầu cù là của cha ông.

Bà Lê Kim Nga nhớ lại những năm 1960, gia đình bà ở Sài Gòn nấu dầu mệt nghỉ mà không đủ bán. Gần trăm công nhân chia nhau làm liên tục ba ca cho ra 8.000 chai dầu mỗi ngày mà ngoài cửa, các chủ đại lý đứng xếp hàng chờ để phân phối khắp từ Cà Mau ra đến Huế.
Dầu cù là với thương hiệu Mac Phsu lừng danh đúng như chuyện kể, hồi còn ở Phnom Penh, một hôm bà Mac Phsu đi ngang qua một ngôi chùa. Có bà thầy bói ngồi dưới gốc cây bồ đề cổ thụ đã ngoắc tay gọi bà Mac Phsu và phán: "Sau này tên của bà sẽ được nổi tiếng khắp nơi".Theo lời kể của bà Lê Kim Nga, gốc gác dầu cù là Mac Phsu của gia đình bà bắt nguồn từ một câu chuyện khá ly kỳ. Đó là năm 1930, thuở gia đình còn sống ở Phnom Penh, ông Thong Ong Zan, tức ông ngoại của bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng, dựa trên nền tảng công thức nấu dầu cù là của hoàng gia Myanmar nhà vợ, đã khăn gói sang Singapore học thêm kỹ thuật nấu. Tại xứ người, ông Thong Ong Zan cùng một người đàn ông người Singapore lai Myanmar thọ giáo một bác sĩ người Anh tên Basythin.Sau khi học được kỹ thuật nấu dầu cù là tuyệt diệu từ ông bác sĩ này, hai người học trò thống nhất: Ông người Singapore đặt tên cho dầu của mình là Tiger Balm, nhiều người Việt sau này quen gọi là “dầu cù là Con Cọp Vàng”, lấy màu nâu đỏ làm màu đặc trưng. Còn ông Thong Ong Zan gọi dầu của mình là “cù là”, nghĩa là “nước Myanmar” và lấy màu xanh lục làm màu đặc trưng. Sau khi trở về Phnom Penh, ông mới thêm tên vợ là Mac Phsu vào làm thương hiệu dầu.Bà Kim Nga cho rằng nhiều người đã nhầm lẫn bà ngoại, tức bà Mac Phsu là người sáng lập cũng là bà chủ của hãng dầu cù là mang tên bà. Kỳ thực toàn bộ công thức và kỹ thuật nấu đều do ông ngoại bà nắm giữ. Ông Thong Ong Zan coi công thức và kỹ thuật nấu dầu cù là như điều tuyệt mật quyết định vận mệnh thương hiệu dầu của dòng họ. Từ đó ông đặt ra luật: Chỉ truyền nghề cho con gái trong gia đình với lý do con trai sẽ khó giữ được bí mật với các cô vợ. Vì lẽ đó, ông chỉ truyền dạy nghề nấu dầu cù là cho hai con gái trong số sáu người con của ông.Một thời gian dài bà Ong Zanno và bà Phonlouvemak, hai con gái của ông Thong Ong Zan và bà Mac Phsu, thay cha sản xuất và bán dầu cù là Mac Phsu, chủ yếu ở Việt Nam. Ông Thong Ong Zan lúc này chỉ làm nhiệm vụ cố vấn. Bà Lê Kim Nga và bà Lê Kim Phụng, hai trong số “ngũ long công chúa” của bà Ong Zanno với ông chồng người Việt.Ngay từ lúc nằm nôi, do sống quây quần cùng gia đình ngoại, hai bà đã nghe được mùi dầu cù là thơm lừng trong xưởng nhà mình. Lớn lên một chút, hai bà được ông ngoại trực tiếp dạy cách cân đong các tá dược, rồi công thức cũng như kỹ thuật nấu dầu cù là Mac Phsu. Nhiều năm nay khi ông ngoại, mẹ và dì Ba là những người nắm giữ công thức nấu dầu qua đời, chỉ còn hai chị em bà Lê Kim Nga làm chủ bí mật của dòng họ hoàng gia.Giải thích do đâu mà công thức nấu dầu cù là Mac Phsu trở nên quý giá, bà Kim Nga bảo rằng ngoài các loại tá dược ghi trên bao bì chai dầu, hai chị em bà còn thêm vào đó một loại tá dược tuyệt mật. Nếu thiếu nó thì không thể làm nên đúng chất lượng dầu cù là Mac Phsu. Chính vì vậy, hơn nửa thế kỷ qua, hai bà chưa từng thấy có bất cứ sản phẩm dầu cù là Mac Phsu giả, nhái nào trên thị trường.Bà Mac Phsu là con nhà hoàng tộc bởi bà chính là con gái của hoàng tử Myanmar tên Myngoon Min. Ông sống lưu vong chính trị tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19 sau khi xảy ra chính biến trong triều đình Myanmar ở Mandaday, miền bắc Myanmar. Theo niên giám Đông Dương, ông Myngoon Min từng sống ở đường Paul Blanchy và đường LeGrand de la Liraye, tức đường Hai Bà Trưng và đường Điện Biên Phủ ngày nay. Trong 32 năm sống ở Sài Gòn cho đến khi mất, ông Myngoon có ba người vợ, trong đó có một người vợ Việt. Hai chị em bà Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng là cháu cố của hoàng tử Myanmar và người vợ Việt này.Hậu duệ của vị hoàng tử Myanmar Myngoon Min phần lớn đều là kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ nhưng đều sang sinh sống ở nước ngoài. Tại Việt Nam chỉ còn lại gia đình bà Lê Kim Nga. Bốn trong số “ngũ long công chúa” gia đình bà, như hàng xóm vẫn gọi, vẫn sống độc thân cùng nhau trong căn nhà ở phường An Lạc, quận Bình Tân. Từ năm 2013 đến nay người chị cả Lê Kim Nga, người em kế Lê Kim Phụng, với tất cả tâm huyết phải trả được món nợ của lớp hậu sinh, đã cùng nhau tái sản xuất dầu cù là Mac Phsu của cha ông dưới tên gọi mới là Cao xoa Con Công, bằng đúng công thức và kỹ thuật nấu của ông ngoại mình năm xưa.


Dù Cao xoa Con Công được thị trường cả nước đón nhận bởi chất lượng vượt trội nhưng hai chị em bà Kim Nga vẫn ngày đêm canh cánh nỗi lo tiền nong. “Tôi đã phải đem sổ hồng căn nhà duy nhất này của mấy chị em đi thế chấp ngân hàng vay đến gần 3 tỷ đồng, cộng với toàn bộ tiền dành dụm mới tạm đủ vốn gầy dựng lại thương hiệu của gia đình. Giá mà có ai đó hiểu tâm huyết của mấy chị em tôi mà hùn vốn vào” - bà Kim Nga chia sẻ.


Thời sống tại Sài Gòn, những ngày tháng cuối đời, hoàng tử Myngoon Min bị Pháp quay lưng, lấy lại các căn nhà đã cấp cho ông trước đó, đẩy ông vào tình thế không chốn nương thân. Bà Xuyến, người quản lý khách sạn Chiêu Nam Lầu, tận tình giúp đỡ ông Myngoon, cho ông ăn ở mấy năm liền không lấy tiền. Để đền ơn, hoàng tử Myngoon Min tặng bà Xuyến công thức nấu dầu cù là bí truyền của hoàng gia Myanmar, chính là công thức mà ông Thong Ong Zan, con rể của hoàng tử, sau này dùng để sản xuất dầu cù là Mac Phsu. Bà Xuyến sau đó đã tặng công thức này lại cho nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, giúp ông một vỏ bọc người đi bán dầu cù là hoàn hảo để gặp gỡ các chí sĩ yêu nước khác.Dầu cù là Nguyễn An Ninh bào chế theo công thức hoàng gia Myanmar bán đắt như tôm tươi vì quá hiệu nghiệm. Đến mức người dân Hóc Môn, Bà Điểm có bài thơ: “Cù là hay lắm mấy ông ơi/ Dầu hiệu An Ninh thí nghiệm rồi/ Quệt thử bên hông, chùm mật nhảy/ Uống vào trong bụng, huyết tim dôi…”.Theo Pháp Luật TP HCM


Dầu cù là Mac Phsu được quảng bá trị "tứ thời cảm mạo".


           Cù Là Mac - Phsu & Hoàng Tử Lưu Vong Miến Điện

Trong các nước ở Đông Nam Á thì Miến Điện, Thái Lan, Việt nam và Indonesia là những nước lớn, có tài nguyên dồi dào và tiềm năng hơn các nước khác. Trước kia từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, Miến Điện là nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất ở Đông Nam Á. Ngày nay Miến Điện trên con đường mở cửa, cải tổ kinh tế và chính trị, và ta có thể nói là trong tương lai nước này có đầy triển vọng trở thành một nước giàu có lớn mạnh sung túc ở Đông Nam Á như xưa kia.
Rất ít người Việt để ý đến một sự kiện ở Saigon, Việt Nam có liên quan đến lịch sử Miến Điện ở giai đoạn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đó là sự lưu vong của hoàng thái tử Myingun sau khi xảy ra chính biến trong triều đình Miến Điện ở Mandaday, miền bắc Miến Điện, vào năm 1866.


Ông Hoàng này được Pháp coi là có thể dùng sau này để tranh giành ảnh hưởng với người Anh ở Thái Lan (4). Hoàng thái tử Myingun Min trốn khỏi Miến Điện sau cuộc khởi loạn ở Mandalay cùng với người em là Myingon Daing vào năm 1866, giết chú mình là Kanaung (tức em của Vua cha Mindon Min) được coi là kế vì Vua, và định giết hay bắt phế Vua Mindon để mình lên ngôi. Kanaung bị đâm chết nhưng Vua Mindon thoát được, kế hoạch khởi loạn của Myingun thất bại và sau đó Myingun bắt buộc phải trốn tránh chạy khỏi Mandalay.
Đây là thời điểm đen tối của lịch sử Miến Điện. Kanaung là người thông suốt thời cuộc và cùng với Vua Mindon cố gắng cải tổ đất nước Miến Điện sau khi phần phía Nam đất nước trong đó có thủ đô Rangoon đã rơi vào tay người Anh. Kanaung đã gởi người đi học các nước phương Tây, canh tân hóa xã hội với chính sách ngoại giao mở rộng. Nhưng tiếc thay, công việc chưa hoàn tất thì ông đã bị cháu mình là Myingun giết mất. Kanaung lúc đó và cho đến ngày nay được người Miến rất quý trọng.
Không được người Anh, vì muốn giữ hòa khí với triều đình và dân Miến Điện, cho trú ở các vùng thuộc Anh ở nam Miến Điện, Myingun bị người Anh quản lý ở Benares, Ấn Độ. Năm 1882, Myingun thoát chạy khỏi Benares đến Chandernagore thuộc Pháp, Colombo và cuối cùng là thành phố Pondichery thuộc Pháp ở Ấn Độ vào năm 1884 và sống ở đó nhiều năm hy vọng đi đến vùng Shan ở Đông bắc Miến Điện tập hợp lực lượng lấy lại ngai vàng qua ngã Nam Kỳ, Siam. Nhưng sau khi Anh chiếm Mandalay phế Vua cuối cùng Thibaw vào năm 1885 thì ông không còn đặt kỳ vọng đến vùng Shan khởi nghĩa, sau đó ông được phép đến Saigon. Theo báo “Le Temps” thì Mingoon đến Saigon vào đầu tháng 11 năm 1889 (7). Ông sống lưu vong 32 năm ở Saigon cho đến khi ông mất.
Theo niên giám Đông Dương 1908, Myingun có địa chỉ ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng ngày nay) “128. M. Mingonn, prince de Birmanie”. Nhưng niên giám 1909 không thấy tên và niên giám 1910 cũng trên đường Paul Blanchy nhưng ở số “142. Th. J Myngoon, prince de Birmanie fils”. Niên giám 1911 cho biết Myingun trú ngụ ở số 90 đường LeGrand de la Liraye (nay là đường Điện Biên Phủ) “90. rue Legrand de Liraye, Myngoon, prince de Birmanie”). Niên giám 1912 thì lại ghi là ở số 192 trên cùng đường.
Lúc đầu tạm thời người Pháp cho Hoàng tử Myingun ở trong lúc tìm một cơ hội có thể dùng ông được. Ngoài việc cho ông Hoàng Miến Điện Myingun cư trú ở Saigon, người Pháp cũng đã cung cấp cho ông một số tiền để sinh sống. Có thể các địa chỉ trên là các chỗ của gia đình ông và con cháu của ông ở Saigon. Myingun Min có 3 vợ trong đó có một người là người Việt, ông để lại các con cháu ở Saigon khi ông mất tại đây vào ngày 20 tháng 9 1921.
Trong tiểu sử về các nhà sư Miến Điện, thì ngài Mahasi Sayadaw, là nhà sư nổi tiếng của Miến Điện trong đầu thế kỷ 20 (1904-1982). Sayadaw có nói đến con cháu của Hoàng tử Myingun ở Việt Nam. Ngài Sayadaw đã đi truyền giảng phương pháp thiền Vipassana ở nhiều nước và đã có dịp ghé đến Saigon. Đây là đoạn có liên hệ đến thông tin về vị Hoàng tử Miến Điện Myingun sống ở Saigon lúc bấy giờ (2)
Sayadaw và đoàn tùy tung cũng đi thăm Việt Nam từ Cam Bốt. Lý do cho chuyến thăm này là do lời mời của một người có tên là bà Daw Phyu, xuất thân từ Miến Điện. Daw Phyu (bây giờ chắc ở Pháp) là con gái của vị Hoàng tử có tiếng Myingun. Bà Daw Phyu là một thương gia có thế lực ở Việt Nam và rất giàu có. Bà lập gia đình với một người Việt Nam và có các con trai và gái và các cháu nội ngoại. Bà sản xuất, phân phối và buôn bán dầu trị bệnh. Cũng giống như dầu “Tiger Balm” nổi tiếng ở Miến Điện, dầu (cù là Mac Phsu) của bà Daw Phyu được ưa chuộng ở khắp Đông Dương. Dầu“Tiger Balm” có màu đỏ, trong khi đó dầu của bà Daw Phyu ở Đông Dương có màu xanh lá cây.
Vì bà Daw Phyu là con gái của Hoàng tử Miến Điện Myingun nên trong bà đã nuôi dưỡng một tinh thần quốc gia, và máu Hoàng tộc vẫn còn chảy mạnh mẽ trong các mạch máu của bà mặc dầu bà đã là công dân ở xứ Đông Dương.
Khi nghe tin nhà sư Sayadaw và các phật tử cúng dường từ Miến Điện đang ở Cam Bốt, bà Phyu đã đi sang Phnom Penh và khẩn nài thỉnh mời ngài Sayadaw và phái đoàn đến Việt Nam.



Mục đích chính của sự thỉnh mời đoàn viếng Việt Nam là bà muốn nhờ nhà sư Sayadaw đọc kinh parittas (kinh đọc dùng để xua đuổi ác tà và được công quả) sau khi đã trân trọng ban phát“Saranagamanam” i.e. “Của Tam Bảo” hay các đồ vật tôn giáo tại mộ của cha bà là vị hoàng tử quá cố Myingun (như theo phong tục của phật tử Miến Điện ở lễ chôn cất)
Ngài Sayadaw và đoàn tùy tùng đến Saigon bằng phi cơ (của một hãng hàng không). Khi đến Saigon, họ đến nghĩa trang nơi Hoàng tử Myingun an nghỉ. Các nghĩa trang ở Việt Nam rất khác các nghĩa trang ở Miến Điện. Đoàn của Thượng tọa Sayadaw nhận thấy là các nghĩa trang ở Saigon rất ngăn nắp và được bảo quản kỷ lưỡng. Sau khi lễ ở mộ của Hoàng tử Myingun được hoàn thành và sau lúc ban ân lành cho người quá cố công quả đã được dùng chung sau lễ được chấm dứt. Thượng tọa Sayādaw và phái đoàn đã đi thăm thành phố Saigon, đặc biệt là tham quan các chùa và tu viện Phật giáo. Sau đó, cả đoàn trở lại Cam Bốt và từ đó bay trở về Miến Điện, qua Thái Lan, nơi đoàn quá cảnh không lâu.
Những người sống ở Saigon trong những năm xưa ở thập niên 1960 đều có biết đến dầu cù la màu xanh hiệu “Mac Phsu”. Dầu bạc hà “Mac Phsu”, cũng như dầu khuynh diệp của bác sĩ Tín, rất phổ thông đuợc nhiều tầng lớp dân chúng dùng ở khắp miền Nam.



Dầu “cù là” là dầu từ Miến Điện. Người Nam bộ xưa kia gọi nước Miến Điện là Cù Là. Vào cuối thế kỷ 19 người Cù Là (Miến Điện) đã đến miền Tây buôn bán. Ở gần Rạch Giá, có xóm gọi là xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số, nơi họ đến dịnh cư và buôn bán (5) (6).. Xóm Cù Là ở Rạch Giá ngày nay hãy còn tên.
Tổng đại lý của dầu cù là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, quận nhất), gần nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ có mấy căn phố. Phía sau lưng nó nay là đường Phạm Ngũ Lão, ngó qua chợ Thái Bình. Dầu cù là Mac Phsu được quảng cáo khắp nơi ở miền Nam Việt Nam như trên báo chí, biển quảng cáo ở các chợ (như chợ An Đông, chợ Thái Bình,..), ở các hiệu buôn, hiệu thuốc. Dầu của bà Daw Pyu được quảng cáo là dầu cù là, dầu gió hay dầu bạc hà chữa trị “tứ thời cảm mạo”.
Daw Pyu mỗi lần đi quảng cáo dầu cù là, có lúc lại dẫn theo một con voi, con voi này sau được giao cho thảo cầm viên sở thú Saigon. Tên con voi là Xà Kum.
Như đã đề cập ở trên, bà Daw Phyu là một người con hiếu thảo và mộ đạo Phật như nhiều người Miến Điện khác. Khi nghe tin thượng tọa Sayadaw từ Miến Điện sẽ đến Cam Bốt, bà Daw Phyu đã thân hành đi đến Phnom Penh để gặp ngài và mời ngài đến Saigon, đài thọ tất cả chi phí để làm lễ theo tục lệ Phật giáo tại mộ của cha bà là hoàng tử Myingun. Từ Cam Bốt, thượng tọa Sayadaw và các thân tín tháp tùng đến Saigon để hoàn thành như yêu cầu của một người đồng hương mộ đạo. Sau năm 1975, công ty sản xuất dầu Mac-Phsu không còn hoạt động, bà Daw Phyu và đa số con cháu đã đi định cư ở nước ngoài. Dầu cù là Mac-Phsu nay chỉ còn trong ký ức của những người Saigon cũ.

Cuộc sống của ông hoàng Miến Điện Myingun ở Saigon

Trong một bài phóng sự đăng trên tờ báo “The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser”ngày 16 tháng 9 1893 của Tsaw Hla Phroo đã viết về cuộc phỏng vấn của một người Miến vùng Tenassarim với ông hoàng Myingun (1). Bài này cho ta thấy rõ hơn về con người và cảm nghĩ của Myingun về cuộc sống ở Saigon và suy nghĩ của ông Myingun về vấn đề chính trị giữa Miến Điện và Pháp.
Nhân vật người Miến Điện này đã tả thành phố Chợ Lớn lúc bấy giờ nối với thành phố Saigon qua hai phương tiện giao thông: đường thủy qua các ghe đò và bằng chuyên chở công cộng qua các xe“tram” chạy bằng hơi nước đỗ ở các trạm giữa Saigon và Chợ Lớn. Vé đi xe “tram” có 3 hạng: hạng nhất, hạng nhì và hạng ba. Ông đi Chợ Lớn và ở đây ông đã gặp Hoàng tử Myingun. Myingun mặc âu phục nhưng trên đầu vẫn mang khăn đầu “gaung baung” truyền thống Miến Điện.
“.. Myingun đã hỏi tôi tin tức về các bộ trưởng trước đây trong triều đình, tình hình chung ở Miến Điện và người dân Miến nghĩ gì về ông hoàng Myingun. Tôi đã trả lời là người dân Miến hầu như không còn nhớ đến Myingun, và cho rằng Myingun không thể có hy vọng gì danh lại đất nước ra khỏi tay người Anh khi mà chính Myingun cũng không làm được gì với cha của mình. Đến đây thì Myingun đã ngắt lời tôi, nói rằng không phải bất cứ cố gắng nào cũng dẫn tới thành công, và ông đang mong đợi sẽ lấy lại được Miến Điện ra khỏi tay người Anh với sự trợ giúp của người Pháp, mà họ đã hứa với Myingun khi Pháp có chiến tranh với Anh. Tôi hỏi ông hoàng Myingun là người Pháp sẽ cho ông cái gì khi họ lấy được Miến Điện. Ông nói rằng ông hy vọng là chiến tranh giữa Pháp và Anh sẽ xảy ra nay mai và ông đã nhấn mạnh hỏi tôi chú ý đến điều ông nói là người Anh sẽ đánh nhau với Pháp vào khoảng ba hay bốn tháng nữa về vấn đề tranh chấp ở Siam. Lúc đó người Pháp sẽ gởi một lực lượng đến Miến Điện và người Nga sẽ gởi quân đánh Ấn Độ; người Anh một mình đánh với với hai quân thù vì thế sẽ thua trận. Người Pháp sẽ lấy Siam và Miến Điện sẽ được giao lại cho Myingun bởi vì người Pháp một mình sẽ không thể nào cai quản được hai xứ.”
Qua sự suy nghĩ trên của Myingun, ta thấy ông hoàng hoàn toàn ngây thơ và kém cỏi trong sự hiểu biết về phương diện chính trị và ngoại giao lúc bấy giờ. Lẽ nào người Pháp tổn phí sức lực và vô vụ lợi với ông như vậy. Ông thực sự chỉ là con cờ trong cuộc tranh danh ảnh hưởng giữa Anh và Pháp ở Siam và Miến Điện. Người Pháp muốn dùng ông như là công cụ khi đối phó với Anh. Nếu người Anh làm khó dễ với Pháp trong sự liên hệ ngoại giao đặt ảnh hưởng Pháp ở Siam thì người Pháp có thể đánh tiếng là họ sẽ gởi Myingun lên Chieng Roon ở bắc Lào tiếp giới Miến Điện để hợp tác với tiểu quốc Shan khởi nghĩa quấy rối đánh người Anh ở Miến Điện.
Bài báo viết tiếp:
“Tôi hỏi ông Hoàng Myingun là người Pháp có lực lượng mạnh không ở Á châu, trong khi người Anh đã có lực lượng mạnh, như 3 “lakhs”(1) ở Ấn Độ. Và trước khi người Pháp và Nga mang quân từ Âu châu sang thì thuộc địa Pháp ở Đông Dương đã bị tấn công và mất vào tay người Anh. Myingun nói rằng lực lượng ở Ấn Độ không thể được sử dụng hết được vì còn phải để lại để phòng ngự dẹp loạn khi người bản xứ nghe tin người Nga đến. Myingun không tin là tất cả các vua ở các tiểu quốc Ấn Độ đều trung thành. Cuối cùng  ông cũng nói rằng ông tuy vậy sẽ rất hài lòng và cám ơn nếu người Anh để cho ông cai trị vùng Kyaing Ton, Kyaing Chaing và Kyaing Sen. Ông đâu biết là Kyaing Chaing và Kyaing Sen đã được trao cho Siam và Kyaing Ton chịu thần phục với người Anh. Ông cứ tưởng là các tiểu quốc (States) này vẫn ở trong tay người Trung Quốc như là trước đây các tiểu quốc này còn chịu dưới sự chi phối của hai nước Miến Điện và Trung Quốc.”
Như vậy, đến đây thì ta biết là Myingun cũng không theo dõi và nắm được tình hình lúc bấy giờ ở Miến Điện
“Tôi nói với ông Hoàng là ngay cả nếu người Anh bị quân Pháp và Nga đánh bại, người Pháp và Nga sẽ không đời nào trả lại Miến Điện lại cho ông, vì nước này rất giàu có phong phú tài nguyên. Nghe đến đây, ông hoàng thở dài. Tôi nói là còn có một hy vọng ông lấy lại Miến Điện nếu ông đã tin tưởng vào người Anh và được họ bảo vệ khi còn ở Miến Điện. Ông đã bỏ lỡ đánh mất cơ hội trở thành vua Miến Điện; bởi vì ông có thể đã được thay thế người em của ông, vua Thibaw (3), khi Thibaw bị truất phế nếu lúc đó ông đã được người Anh bảo vệ, ông sẽ không bao giờ còn có cơ hội nữa khi mà ông hiện nay đang được người Pháp nuôi dưỡng.
Ông hỏi tôi là ai và người Anh sẽ cho ông những gì khi ông chịu thần phục họ. Tôi nói với ông tên tôi là Maung Pyu, xuất thân từ thành phố Moulmein (2) và tôi là thương gia buôn bán gạo và gỗ trên đường đi Trung quốc để thông thương. Ông hoàng không tin lời tôi nói. Tôi nói với ông là người Anh chắc chu cấp cho ông tương đương giống như là người Pháp đang chu cấp cho ông ở Saigon là 300 dollars cộng với ăn ở chu toàn.
Theo tôi thì dường như ông muốn được chu cấp nhiều hơn, và đất đai để các người hầu ông và gia đình họ hàng khai thác theo ý ông và ông đã có lẽ đã trở lại với người Anh nếu tình hình và vấn đề ở Siam lúc đó không căng thẳng nguy kịch.
Tin đồn lúc này ở Saigon là người Pháp đã tuyên chiến với Siam và người Anh nhảy vào cứu Siam. Ông tin vào tin đồn này và hy vọng người Pháp sẽ gởi ông trở lại Miến Điện. Tôi dám chắc là người Pháp đã làm cho ông tin như vậy. Ở Saigon, họ xôn xao phấn khởi bởi vì có lúc họ không có thông tin gì trong ba ngày vì điện tín đã bị cắt. Một trung đoàn người An Nam đã được gởi đi vùng song Cửu Long nhưng trong vòng hai tuần khoảng 400 trong số 600 hay 700 binh lính đã chết vì bệnh dịch tả. Luật động viên đã được ban hanh và cứ mỗi trong 3 hộ gia đình người An Nam là phải cấp 1 người vào lính. Người Miến Điện chúng ta có muốn luật động viên như vậy không?
Ông Hoàng lúc này đã 50 tuổi và tóc bạc nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh. Không ai khi chưa gặp ông khi trướ, nhận ra được hay có thể nhận ra được ông qua sự mô tả của chính quyền. Ông có ba người vợ, 3 con và 3 người con của em ông đã mất, Myingon Daing.
Ông thì không uống rượu nhưng có rượu để tiếp khách, và ông mời tôi uống, nói rằng trước kia ông uống rất nhiều trở thành một người vô lại tất trách, bây giờ thì ông đã thay đổi và dốc lòng vào tôn giáo. Ông nhờ tôi nói điền này lại cho Gaung Dauks và Gaung Oks(4) nếu tôi gặp họ. Tôi hiểu là ông mong nhận được sự giúp đỡ của các nhà sư.
Tôi gặp một sĩ quan hải quân Pháp ở Saigon, đã mang hàng đóng từng kiện cho một tàu chiến quá các thác lên thường nguồn song Mekong. Tàu này hiện đang ở đó. Ông ta rất là lễ độ và lịch sự, như người Pháp thường là vậy. Theo ông ta nói thì thuộc địa Pháp ở Đông Dương có dân số 18 triệu và quân số là 35,000. Ông nói là Pháp sẽ chiếm được Siam nhưng hiện giờ thì Pháp chưa sằn sàng. Khi tôi nói với ông ta là người Anh sẽ ngăn chặn, ông ta nói là người Anh xen vào chuyện của người khác và không táo tợn xen vào chuyện chính trị ở lục địa Âu châu như khi họ ở ngoài này.
Vì tin đồn về chiến tranh xảy ra giữa Anh và Pháp về vấn đề Siam, nên tôi đã không đi Trung Quốc nhưng tôi hy vọng sẽ đi được trong các dịp khác, đi cả Trung Quốc và Nhật.
Những gì mà nhà báo Tsaw Hla Phroo năm 1893 đã viết như trên, ta cũng không loại trừ sự thiên vị trong ý kiến của ông về ông hoàng Myingun. Tuy vậy nó cho ta thấy một số thông tin về cuộc sống của Myingun ở Saigon. Thời điểm cuộc gặp gỡ giữa ông hoàng Myingun và người đồng hương của ông vào năm 1893 xảy ra hai năm sau khi hoàng thái tử Nga, mà sau này là Sa hoàng Nicolas II, vị Sa hoàng cuối cùng (1868-1918) trong lịch sữ Nga viếng Saigon vào ngày 21 tháng 3 1891 trong chuyến viễn du đi nhiều nước như Siam, Đông Dương, Trung Quốc và Nhật. Hạm đội hải quân Nga và vị Sa hoàng tương lai được đón tiếp trọng thể ở cảng Saigon, có cổng chào ở công trường Rigault de Genouilly (ngày nay là công trường Mê Linh).
Nhiều người dân được Pháp vận động và những người tò mò đứng chen xem đoàn xe ngựa và kỵ binh tùy tùng của Thái tử Nga đi trên đường phố Saigon như trên đường Catinat, đại lộ Norodom. Trong những ngày viếng thăm có buổi dạ tiệc ở dinh Thống đốc do Toàn quyền Piquet chiêu đãi, dạ vũ trên tàu hải quân “La Loire”, xem Opera Giroflé-Girofla ở nhà hát, đến Chợ Lớn xem múa lân ở rạp người Hoa, đến vườn thành phố, đi săn… (9) (10). Như vậy thì ông Hoàng Myingun lúc đó ở Saigon chắc chắn biết được sự liên hệ tốt đẹp của người Pháp và Nga.




Các con của ông hoàng Myingun ở Paris năm 1890. 
Cả hai mất khi lưu vong ở Sài Gòn năm 1910.

Ông Hoàng Myingun tin rằng người Pháp và Nga sẽ là đồng minh đánh người Anh ở Ấn Độ, Miến Điện và Siam nếu quân Anh tấn công nước Siam. Điều này cũng có cơ sở nhưng ông đã đánh giá quá cao sức lực của Pháp và Nga và đánh giá thấp lực lượng Anh lúc bấy giờ, như trong bài báo trên cho thấy.
Sau này như ta biết là Pháp không muốn gây khó khăn với Anh và trở thành đồng minh với Anh trong những năm đầu thế kỷ 20 đến hết thế chiến thứ nhật. Số phận của ông hoàng Myingun trở thành một quá khứ quên lãng của người Pháp.
Có thể ảnh hưởng của Myingun không còn như hồi còn ở Miến Điện lúc xưa, nhưng sau này vẫn còn một số người nhớ tới ông Hoàng lưu vong ở Saigon. Năm 1942, khi quân đội Nhật đánh chiếm Miến Điện và hổ trợ nhà kháng chiến yêu nước chống Anh, ông Aung Sang (mà bà Aung Sang Suu Ki là con gái) lập đội quân Burma Independence Army (BIA) trở lại giải phóng Miến Điện. Lúc ấy, Aung Sang để lấy được sự ủng hộ của dân chúng, đã ngầm khuyến khích sự tuyền truyền cho là đại tá Keiji Suzuki, một sĩ quan Nhật người giúp đỡ sự thành lập quân kháng chiến BIA, là hậu duệ của Hoàng tử Myingun, nay trở lại phục vụ và lãnh đạo trong đạo quân BIA đánh người Anh để lấy lại ngai vàng (8).
Nhưng sau này khi chiếm được Miến Điện, người Nhật viện cớ là BIA quá lớn và thiếu kỹ luật nên đã bãi bỏ BIA và thành lập một đội quân nhỏ hơn, gọi là Burma Defense Army (BDA). Người Nhật cho Miến Điện độc lập với một chính phủ bù nhìn trong khối Đại Đông Á. Lúc này Aung Sang mới biết là người Nhật còn tệ và ác hơn người Anh và vì thế sau này ông đã hợp tác với đồng minh đánh lại Nhật.
Sự liên hệ giữa Việt Nam và Miến Điện trong lịch sử không có nhiều và ít được đề cập đến, nhưng sự kiện ông Hoàng tử Myingun lưu vong ở Saigon và hậu duệ của ông đã có đóng góp một phần nhỏ vào đời sống kinh tế và văn hóa ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 20 cũng là một sự kiện đáng được nhắc đến.

                                                                           Nguyễn Đức Hiệp (sggdpost)

Chú thích:
(1) Một “lakh” tương đương với 100 ngàn quân
(2) Moulmein (Mawlamyine) la` thành phố thuộc vùng người Môn, Nam Miến Điện, giáp giới với Thái Lan. Moulmein ở ngay cửa sông Salween với vịnh Bengal
(3) Vua Thibaw, có họ hàng với Myingun, kế vị vua Mindon trị vì từ năm 1878 đến 1885. Khi mới lên ngôi, Thibaw đã giết nhiều người trong hoàng tộc, các con của vua Mindon. Vì sự tàn ác này, Thibaw không được long người. Trong thế cờ tranh danh ảnh hưởng giữa Anh và Pháp, Thibaw ngã thiên về Pháp. Không lâu sau, chiến tranh lần thứ ba giữa Anh và Miến Điện xảy ra, vua Thibaw thua trận, Mandalay và lãnh thổ cuối cùng ở bắc Miến Điện năm 1886 bị xác nhập vào thuộc địa Anh cho đến khi Miến Điện độc lập vào năm 1948. Thibaw là vị vua cuối cùng của triều đại Konbaung.
(4) Gaung Oks và Gaung Dauks là chức vụ trong hàng tăng sĩ đạo Phật ở Miến Điện. Các vị sư chủ trì ở các chùa bầu ra ngài Thathanabaing làm chủ tịch giáo hội Phật giáo. Dưới ngài Thathanabaing là các chức Gaung Oks, mỗi Gaung Oks lo cho một huyện và có một Gaung Dauks trợ giúp.
Tham khảo:
(1) Tsaw Hla Phroo, France Burma and the Myingun prince, The Singapore Free press and Mercantile Advertiser, 16 September 1893. pp. 2, http://newspapers.nl.sg/Digitised/Article/singfreepressb18930916.2.7.aspx
(2) Biography of The Venerable Mahasi Sayadaw, http://static.sirimangalo.org/mahasi/Biography.htm
(3) Annuaire général Administratif, Commercial et Industriel de l’Indo-Chine, 1910, 1911, Imprimerie F.-H. Schneider, Hanoi
(4)  Maung Maung, Daw Pyu la Mac Phsu, in “Dr. Maung maung: gentleman, scholar, patriot”, compiled by Robert Taylor, ISEAS Publishing, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 2008.
(5) Sơn Nam, Việc khẩn hoang vùng Rạch Giá, Tập san Sử Địa, số 19-20, Sài Gòn, 1970, tr.178.
(6) Sơn Nam, Hồi ký Sơn Nam (Tập 1), Nxb Trẻ, 2001.
(7) Le Temps, No. 10411, 07/11/1889.
(8) Stephen McCarthy, The polical theory of tyranny in Singapore and Burma: Aristotle and the rhetoric of benevolent despotism, Routledge, London and New York, 2006.
(9) Maurice Leudet, Nicolas II Intime, Editeur F. Juven, Paris, 1898.

(10) George Dürrwell, Ma chère Cochinchine, trente années d’impressions et de souvenirs, février 1881-1910 , E. Mignot (Paris), 1911

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...