Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

7. Chung quanh có bán những gì?
Các trường học ở thời chúng tôi đều có những hàng quán di động ăn theo bọn học trò cũng như thời hôm nay. Ở đây tôi chỉ nói đến những hàng quán mà thời nay không còn thấy xuất hiện nữa hoặc nếu có cũng thay đổi cung cách buôn bán theo thời gian.
Thời đó ở các trường trung tiểu học thường có những xe bán bò bía, xe bánh bánh bột chiên, xe bán gỏi đu đủ, xe bán khô nướng của những người Tàu . Ngoài ra còn có những xe bán nước giải khát (ở phần trước tôi có nói tới 2 quán bán nước giải khát ở đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần) và đường Lê Quý Đôn. Còn nếu muốn mua đọc các loại truyện tranh thì có những chổ bán di động trên lề đường.
Tôi còn nhớ sự hấp dẫn của những xe bán bán bò bía, xe bánh bánh bột chiên, xe bánh đu đủ gỏi. Mặc dù chỉ là những xe bán bình dân nhưng chất lượng thì không chê. Không thể chê món nước tương + giấm của món đu đủ gỏi cùng với bò khô và gan bò mặn ngọt (riêng món này sau này tôi có hỏi những người Tàu cách làm nhưng không ai biết – có lẽ họ dấu-). Món bột chiên thì ngon tuyệt, hồi đó tôi cứ tưởng bột chiên làm bằng bột gạo nhưng không phải sau này mới biết đó là bột củ cải trắng. Riêng mùa thơm của khô nướng đứng trên đầu gió thì ai ai cũng muốn móc tiền ra mua, còn món bò bía chấm với tương đen và tương đỏ thiệt lắm hấp dẫn.
Muốn đọc truyện tranh hay truyện chữ thì có đủ loại. Thời đó nhiều nhất là các tập truyện tranh Batman, Superman, Flashman,…..của quân đội Mỹ. Truyện bằng chữ thì thượng vàng hạ cám từ kiếm hiệp, tình cảm đến khoa học viễn tưởng. Tôi nhớ vào khoảng năm 1962 lúc đó tôi ở số 153 đường Tự Đức (Nguyễn Văn Thủ bây giờ), tôi có đọc cuốn Long hình quái khách và cuốn người ngoài hành tinh từ sao mộc. Hai cuốn đó tôi rất thích.
Các sinh hoạt này đã đi vào kỷ niệm một thời học sinh không thể nào quên của chúng tôi. Dù bây giờ đang ở đâu trong hay ngoài nước, chúng tôi cũng đều tiếc nuối quãng đời ấy.

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

6. TRONG TRƯỜNG VÀ NGOÀI TRƯỜNG CÓ GÌ?

Đây là phần tôi viết về những gì ngoài lớp học và trường học của chúng ta để cho các bạn học cùng thời còn hình dung lại trong ký ức và để cho các em học sinh thế hệ sau nầy biết được thời điểm đó trong trường và chung quanh trường có những gì.
a. Trong trường:


1. Đây là khối nhà ở của giáo viên và hiệu trưởng trường Jean Jacques Rousseau, sau đó là trung tâm nghiên cứu của Bộ giáo dục và thanh niên chế độ VNCH.
2. Đây là văn phòng, phòng hiệu trưởng, hiệu phó và phòng giáo viên của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
3. Đây là phòng học môn philosophie (triết học) trường Jean Jacques Rousseau sau đó là phòng nghe nhìn và thư viện của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn (tầng trệt).
4. Đây là phòng giám thị của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn (tầng trệt).
5. Đây là giảng đường trường Jean Jacques Rousseau.
6. Đây là Phòng học môn hóa trường Jean Jacques Rousseau sau đó nó cũng là Phòng học môn hóa và phòng học môn gia chánh của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
7. Đây là phòng W.C của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn mặt trước là phòng lao công.
8. Đây là Phòng tập thể dục trường Jean Jacques Rousseau sau đó được cải tạo thành hội trường + sân khấu + phòng đánh bóng bàn của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
9. Đây là phòng lao công, kế bên đàng sau là phòng y tế của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
10. Đây là văn phòng, phòng hiệu trưởng, hiệu phó và phòng giáo viên của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn phần tiểu học.
11. Đây là căn tin của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn kế bên cũng là căn tin của trường Jean Jacques Rousseau khi xưa. Ở trên lầu là phòng học hội họa của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
12. Đây là Phòng học môn lý và hóa của trường Jean Jacques Rousseau khi xưa sau là phòng học của 2 lớp 11B và 12B.
13. Đây là vườn thực vật của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
14. Đây là phòng học môn sinh vật của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.
Giữa hai khu trung và tiểu học có bức tường ngăn cách. Bức tường này được xây thời hiệu trưởng Hồ Văn Thể (1970-1974).

b. Ngoài trường:



1. Phía đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa):
Có nhà bà già người Pháp sống một mình. Bà bị người cháu giết chết để lấy của trong những ngày gần 30 tháng 4 năm 1975.
Có hai trường tư thục giờ đây tôi chỉ còn nhớ mang máng là hình như tên một trường là Nguyễn Huệ.

2. Phía đường Trần Quý Cáp (Võ Văn Tần):
Có hotel Đức là nơi tuỳ viên quân sự Mỹ mướn để ở. Hồi đó mấy thằng Mỹ ở đây ghét tôi lắm vì tôi thường phá mấy chiếc xe của tụi nó đậu bên này trường.
Ngay trước mặt cổng bên tiểu học có 2 xe bán nước giải khát, xe của vợ chồng người Bắc (nhà ở đường Yên Đổ “Lý Chính Thắng”) là đông nhất. Chắc giờ này hai vợ chồng này đã mất rồi.
Ở góc đường là một garage sửa xe.
Bên kia đường nay là nhà trưng bày chiến tích chiến tranh, hồi đó là trụ sở cứu hỏa của Mỹ còn xa xưa nó là của đại học y khoa Sài Gòn. Đội cứu hỏa của Mỹ rất uy tín khi chữa cháy nên hầu hết các đám cháy ở Sài Gòn lúc đó dân thường điện đến nhờ trợ giúp.
Phía đối diện là sạp báo. Sạp này có liên quan đến vụ ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật ngày 26 tháng 5 năm 1971 khi tên ám sát dấu khẩu súng tại đây.

3. Phía đường Lê Quý Đôn:
Ở góc đường bây giờ là một khách sạn cao tầng nhưng thời đó là một ngôi nhà trệt đây là Nha báo chí và văn phòng của cơ quan Việt tấn xã của VNCH.
Xích tới là một quán giải khát, tôi nhớ ở quán này có ông cảnh sát già trông lo việc an ninh cho khu vực trường.
Khu khách sạn và ăn uống tại đường Lê Quý Đôn hiện nay thời đó là khu biệt thự. Đi tới nữa cạnh tòa soạn báo Giác ngộ là một ngôi nhà xưa mà đạo diễn Khôi Nguyên sử dụng để quay phim Ván bài lật ngữa tập 3. Qua ngã tư Lê Quý Đôn – Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu) ta có thư viện Abraham Lincoln của Mỹ (đây là nơi trưng bày viên đá lấy từ mặt trăng về năm 1969). Năm 2006 tôi về Sài Gòn thì nơi này đã bị phá đi rồi không biết bây giờ xây cái gì.
Trên đây là những gì mà giờ phút này tôi còn nhớ nếu các bạn có đọc trang này có biết thêm xin bổ túc giúp tôi.

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...