Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

"Dưới đây là một vài trích đoạn những thư từ trao đổi giữa thầy cô và bạn bè LQĐ, xin chia sẻ để mọi người chúng ta cùng đọc và nhớ về khung trời kỷ niệm rất đẹp thời xa xưa..."
--------------------
1/ 
Các em thân mến ,
 
Trước khi về Việt Nam, thầy muốn chia sẻ vài cảm nghĩ,  thay cho Lời Chào Tạm Biệt các em.

Trước hết thầy cảm ơn các em đã ân cần, chu đáo đón tiếp thầy và tạo điều kiện tốt nhất để thầy có được những ngày thật tuyệt vời trên đất Mỹ.
Những cuộc gặp gở đã qua đi gần hai tháng mà dư âm vẫn còn và chắc chắn sẽ khó phai mờ trong tâm tưởng của thầy!  

Giờ đây khi nhớ lại, vẫn còn thấy xúc động khi lần đầu tiên gặp lại các em sau một thời gian dài xa cách vì một biến cố buồn thảm của Dân Tộc ! 
Trước chuyến đi, thầy không nghĩ mình có cơ duyên được gặp đông đảo các em LQĐ trong các cuộc hội ngộ nầy. Nó như đoạn phim quay chậm, hiện rõ từng khuôn mặt, dù có đỗi thay qua một thời gian dài ba mươi tám năm, vẫn giúp thầy hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp  một thời của "Lê Quí Đôn Ngày Xưa Thân Ái ". Cứ như là một giấc mơ!
 
Bắt đầu từ miền nam California, lên San Jose, qua Washington DC, rồi trở lại San Jose và cuối cùng là Montreal của Canada, thầy dự tất cả bảy cuộc vui hội ngộ nối tiếp. Mặc dù bây giờ các em đã thành đạt, sự nghiệp vững vàng, địa vị cao trong xã hội Mỹ, có những em là nhà khoa hoc tiếng tăm, làm rạng danh TTGD Lê Quí Đôn, rạng danh dân tộc Việt Nam. Vậy mà trong các cuộc HỘI NGỘ THẦY CŨ TRÒ XƯA nầy, các em với phong cách giản dị và khiêm tốn trở về vị trí học trò như thuở nào, hồn nhiên gần gũi, vui đùa... nhưng vẫn giữ tinh thần tôn sư... Một nhân cách cao đẹp, thật đáng trân trọng !
      
Cũng thật bất ngờ, khi những món quà lưu niệm được trao, gói trọn nghĩa tình lúc chia tay. Phải  nén xúc động, nếu không thì...
Hôm nay qua các em, một lần nữa, thầy gởi lời cảm ơn đến với tất cả cựu học sinh Lê Quí Đôn hải ngoại, đã cho thầy niềm vui khó tả này. Các Em đã để lại trong lòng thầy nhiều ấn tượng sâu sắc, và chuyến đi Mỹ lần nầy của thầy đã thật sự là một hành trình đầy thú vị và nhiều ý nghĩa ! 
 
Cuối cùng, thầy kỳ vọng sắp tới đây các em sẽ tổ chức thành công Ngày Hội Lê Quí Đôn thống nhất các khối lớp của toàn Trường Lê Quí Đôn. Và về lâu dài, sẽ trở thành NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG theo định kỳ (hai hoặc ba năm một lần). Thầy tin rằng sẽ thực hiện được vì qua tiếp xúc với các em ở nhiều địa phương khác nhau trên nuớc Mỹ và Canada, các em đều có chung nguyện vọng đó.
 
TTGD LQĐ có ba đời giám đốc. Vị giám đốc lâu năm nhất, đóng góp nhiều công sức cho Trường là Thầy Hồ văn Thể. Các em cố gắng mời cho được Thầy Hồ văn Thể tới dự và chủ tọa. Hy vọng Thầy Hồ văn Thể sẽ là nhân vật gắn kết nhiều thế hệ học sinh LQĐ lại. 
 
Riêng các Thầy Cô LQĐ ngày xưa, nay đã già , quỹ thời gian đã cạn dần... và sắp hết! Trong những năm cuối đời, thầy nghĩ các Thầy Cô sẽ rất vui mừng và hạnh phúc khi đuợc nhìn thấy các cựu học sinh LQĐ là một khối thống nhất trong NGÀY HỘI THUYỀN THỐNG nầy.
 
Thực hiện một "Đặc San LQĐ" để kỷ niệm cho sự kiện đáng nhớ nầy cũng là điều nên làm. 
 
Chúc các Em thành công
Thân mến chào tạm biệt các Em.
 
Người thầy cũ,
Tam Nhiều
 
Nếu các em thực hiện được một "Đặc San LQĐ" để kỷ niệm cho sự kiện nầy thì hay quá!
 
Thân mến chào các Em.
Tam Nhiều

2/ 
Kính thăm Thy,
Bây giờ chắc có lẽ Thầy sắp sửa lên máy bay rồi? Đọc lá thơ dài Thầy viết, em rất xúc động vì những lời chia sẻ, nhắn nhủ và chào tạm biệt của Thầy. Công ơn của Thầy Cô, dù ở đâu chăng nữa, dù tóc đã tiêu muối theo thời gian và dù tâm trí đã cằn cỗi theo những chuyện tình vụn vặt và lo toan cơm áo cuộc đời, thì em vẫn tin chắc một điều rằng mình sẽ chẳng bao giờ quên. Những lời Thầy Cô dạy dỗ dài hay ngắn, những lời khiển trách khi thấy học trò không làm theo đúng lời hướng dẫn, khi không thấy điểm số học trò tiến bộ hơn, hay lòng không vui khi không nhìn thấy được các bức tranh chuyên chở được những sắc màu buồn vui theo ý tưởng sâu xa, tất cả những điều bận tâm đó, có lẽ mãi đến những năm sau này, người học trò ngày xưa mới cảm nhận được khi đến phiên chính mình phải dạy dỗ con cái, vì Thầy Cô cũng như cha mẹ, "có nuôi con mới biết lòng mẹ cha"! 
Như Thầy đã viết, "qũy thời gian đã cạn dần... và sắp hết", biết đến bao giờ chúng em mới có dịp gặp gỡ lại Thầy Cô, nên chính em vẫn thường tự nhủ rằng mình hãy luôn luôn trân trọng những khoảng thời gian qúy giá và quãng đời ngắn ngủi đã qua, vì thế, lại càng phải "tôn Sư trọng Đạo" và kính trọng Thầy Cô hơn. 
Đời sống bận rộn và thời gian vô tình đã đẩy chúng ta ra xa nhau, không chỉ về không gian cách biệt mà còn là tình cảm, tâm tư,.... Vậy đó mà đã gần bốn mươi năm xa cách vì loạn ly, vật đổi sao dời, kẻ còn người mất, tan tác khắp nơi, dù sao chăng nữa, em cũng luôn luôn mong muốn sẽ lại có dịp gặp gỡ Thầy Cô, để cùng ngồi lại hàn huyên, chia sẻ và an ủi nhau trong những ngày khi mà "qũy thời gian" và "qũy sức khỏe" không chỉ của Thầy Cô, mà còn của chúng em, mỗi ngày càng yếu đi và đang... cạn dần, theo cùng với cả những số mạng dài ngắn đã được an bày cho riêng mỗi người. 
Một "Đặc san LQĐ kỷ niệm cho sự kiện đáng nhớ này" như Thầy viết cũng là điều rấy hay, như chúng em đã từng hăng say làm cách đây... đâu đó cũng đã gần ba mươi năm! Trong lúc chờ đợi đó, em tin rằng Thầy sẽ giữ lại trong lòng những hình ảnh tươi dẹp của chuyến du lịch và vài món quà nhỏ linh tinh để làm kỷ niệm và làm vui hơn những ngày Thầy trở về Việt Nam. 
Em xin kính chúc Thầy trở về bình an và sức khỏe vẫn dồi dào trong những ngày tháng sắp tới. 
Em kính chào Thầy.
Hoàng Yến
 
3/ 

HY thân mến,

Thầy đã về đến VN bình yên, báo tin để em yên tâm.
Trước hết thầy cảm ơn em đã nhanh chóng hồi đáp thư thầy. Thầy rất vui và xúc động khi đọc bức thư rất dài của em với đầy ắp tình cảm thầy cũ trò xưa với bao nỗi thăng trầm lo toan trong cuộc sống.
Em bao giờ cũng vậy, luôn dành những tình cảm rạt rào yêu thương khi nghe ai đó nhắc tới những kỷ niệm xưa với thầy cô, với bạn bè cùng lớp, với mái trường LQĐ ngày ấy... Thầy rất trân trọng và đồng cảm với những chia sẻ của HY về điều tốt đẹp đó.
Như đã nói, chuyến Mỹ du nầy, cứ tạm gọi như vậy, của thầy có quá nhiều bất ngờ thú vị mà thầy không dám mơ trước đó, đã cho thầy nhiều trải nghiệm phong phú về cuộc sống, về những tình tự của người xa quê hương, giúp thầy có cái nhìn lạc quan hơn. Một trong những nhân vật tạo ấn tượng sâu sắc nhất và gây bất ngờ nhất và thầy sẽ nhớ mãi, đó chính là HY! Ở đây thầy không nhắc lại những tình cảm mà em đã chắt chiu dành cho thầy, nhưng cũng từ đó thầy thấy mình quá đỗi hạnh phúc !
HY ơi, khen em thì sợ rằng em cho thầy khách sáo, nhưng trong tận thâm tâm, thầy rất quý trọng và cảm mến nhân cách của em, mà nếu không nói ra, thầy thấy sẽ không công bằng. Xưa, em là một cô học trò nhỏ xinh xắn, dễ thương... và bây giờ em đã là một phụ nữ lịch sự, đẹp từ gương mặt đến dáng người, cùng với một tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, luôn biết chia sẻ và tạo niềm vui cho tha nhân !
Một lần nữa, thầy cảm ơn em đã đồng hành với thầy trong suốt cuộc hành trình lý thú hiếm có nầy.
Thầy mến chúc em và gia đình thật nhiều Sức Khỏe, Bình Yên và Hạnh Phúc.

Người thầy cũ,
Tam Nhiều

4/
Kính thăm Thầy,
Em rất vui khi nhận được thơ Thầy cho biết Thầy đã về VN bình yên. Và em rất cám ơn Thầy đã trả lời riêng cho em cũng như cám ơn lời khen nồng hậu của Thầy, mặc dù trong thâm tâm, mình tự xét thấy chưa bằng được một phần của những lời khen đó. 
Ngày tháng trôi qua nhanh, như giòng sông trôi hoài không ngưng nghỉ, đời sống có không, không có, chỉ còn lại là những kỷ niệm sẽ muôn đời là những thứ quý giá cần phải lưu giữ. Được gặp lại Thầy Cô, cùng chia sẻ những giây phút thân ái, em sẽ mãi mãi trân trọng những khoảng thời gian hiếm có đó. Ở đây tuy bị đời sống đẩy tới mãi, em vẫn cố gắng dành lại những giây phút cho riêng mình, nghĩ về quá khứ đã chẳng thể trở lại, nhìn về tương lai với biết bao điều mông lung khó đoán, lại càng cảm thấy con người thật nhỏ bé trong cái vũ trụ quá mênh mông hư ảo. Nên đành chỉ biết sống được lúc nào hay lúc ấy, vui buồn ngày nào biết ngày ấy, rồi sẽ mặc cho vận mệnh đẩy đưa, để khi có tiếng gọi thì mình cũng sẽ thanh thản ra đi, không nuôi tiếc, giận hờn. 
Em luôn mong muốn Thầy sẽ tìm lại được sự thanh thản sau những biến cố không vui và sau chuyến du lịch xa. 
Em cũng xin gửi Thầy blog của anh Thảo (là bạn của anh Vương Thiên Phước, lớp 12 - 1975) có đăng nhiều bài về LQĐ; anh Phước nhờ em giới thiệu với Thầy Cô, bạn bè về blog của anh Thảo. http://thaolqd.blogspot.com/
Ở đây khi có tin gì hay, em sẽ xin tiếp tục gửi chia sẻ với Thầy.
Vài hàng em viết thăm và kính chúc Thầy cùng gia đình luôn vui mạnh và bình an.
Em kính chào Thầy.
em HY

 5/ 

HY mến,

Được thư em thầy rất vui. Đọc thư em thầy rất thích nên không chỉ đọc một lần. Những ý tưởng trong thư, mới đọc qua cứ tưởng như yếm thế. Nhưng thật ra nó mang tính tích cực của triết lý Phật giáo. Chấp nhận cái vô thường của cuộc đời là thái độ tích cực để nhận chân hạnh phúc trong cỏi vô thường.

"Ngày tháng trôi qua nhanh, như giòng sông trôi hoài không ngưng nghỉ, đời sống có không, không có, chỉ còn lại là những kỷ niệm sẽ muôn đời là những thứ quý giá cần phải lưu giữ . Được gặp lại Thầy Cô, cùng chia sẻ những giây phút thân ái, em sẽ mãi mãi trân trọng những khoảng thời gian hiếm có đó. Ở đây tuy bị đời sống đẩy tới mãi, em vẫn cố gắng dành lại những giây phút cho riêng mình, nghĩ về quá khứ đã chẳng thể trở lại, nhìn về tuơng lai với biết bao điều mông lung khó đoán, lại càng cảm thấy con người thật nhỏ bé trong cái vũ trụ quá mênh mông hư ảo. Nên đành chỉ biết sống được lúc nào hay lúc ấy, vui buồn ngày nào biết ngày ấy, rồi sẽ mặc cho vận mệnh đẩy đưa, để khi có tiếng gọi thì mình cũng sẽ thanh thản ra đi, không nuối tiếc, giận hờn". 

Thầy ghi lại đoạn văn trong thư em viết cho thầy là cách để thầy đọc lại lần nữa, nghe em lần nữa, và cũng bởi thầy tâm đắc những gì em viết : giàu ý tưởng, trải nghiệm cuộc sống và thấu hiểu lẻ vô thường. Văn phong của em cũng dễ thấm vào lòng người. Đọc rồi thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản ! Cảm ơn HY đã chia sẻ những  giây phút thân ái, những kỷ niệm quý giá ngày xưa... với Thầy Cô.
Thầy hy vọng sẽ được đọc ở em nhiều điều thú vị khác nữa. 

Thầy cảm ơn em đã gởi blog của Thảo. Lần họp mặt ở Washington, DC, tổ chức tai nhà Phi Hổ, em Triệu cũng đã nói nhiều về blog của Thảo. Nói đến Thảo, thầy vẫn nhớ những lần trường tổ chức trại du khảo đều có Thảo (biệt danh là Thảo Xì Dầu) với cây đàn guitare và Ngọc ( biệt danh Ngọc Chạp Phô) với lỉnh kỉnh những đồ dùng nhà bếp, tham dự.
Được biết Thảo hiện đang ở .................. Thầy định sẽ thu xếp một ngày nào đó xuống ........... thăm Thảo. 
..................................

Trong thư, em có nhắc đến Văn Thiên Phước. Vậy Văn Thiên Phước là ai, em có thể giới thiệu sơ qua cho thầy biết được không ?

Mến chúc Em và gia đình mạnh khỏe, an vui.

TN

6/
Kính thưa Thầy,
Em cám ơn Thầy đã gửi những tấm hình đẹp Thầy chụp. Em muốn hỏi thăm xem nếu Thầy cho phép, thì em sẽ gửi post hình Thầy lên blog của anh Thảo (lớp 12). Anh Thảo hiện còn ......
Chắc Thẩy cũng đã nhận được audio clip trích đoạn thu thanh hôm tiệc tháng 7 với thầy Cường cùng nhiều thầy cô khác từ xa ghé thăm San Jose? 
Ngoài ra, nếu Thầy đồng ý, thì em cũng xin phép đưa anh Thảo post lên một phần lá thư em viết cho Thầy và Thầy trả lời (màu đỏ) bên dưới. Lời Thầy viết ý rất sâu xa và đáng ghi nhớ.
Anh Phước cho em biết là Blog của anh Thảo rất muốn nhận được bài vở, hình ảnh,... về LQĐ, thầy cô, bạn bè,... Vì thế, em mới dám hỏi ý Thầy xem Thầy có cho đăng hay không? 
Xin Thầy cho em biết ý kiến.
Anh Vương Thiên Phước ngày xưa học lớp 12 với anh Thảo đen, anh....
Em kính chúc Thầy và gia đình luôn vui mạnh.
em HY

7/  
Em HY mến,

Thầy từ miền Tây về đến Saigòn cách đây mấy ngày. Từ ngày cô mất, thầy ở nhà một mình cũng buồn nên có dịp, ai rủ đi đâu thì đi cho khuây khỏa... Đó là lý do thầy chậm hối âm.
Thầy đã nghe cái audio clip của em ngày hôm qua. Bao giờ cũng vậy, khi viết về ngôi trường LQĐ thân yêu, về những kỷ niệm với Thầy Cô, em đều làm cho người đọc người nghe thấy bồi hồi xúc động và cũng thấy hạnh phúc khi mình là một thành viên trong cái khung trời đầy ắp kỷ niệm đó.
Em biết không, sau chuyến đi Mỹ về, đã không ít lần có dịp ra phố, thầy thường đi ngang qua ngôi trường LQĐ rồi chầm chậm ngắm nhìn... với bao ngậm ngùi luyến tiếc cái thời mình đã từng ra vào ở đây.
Thầy cảm ơn HY đã cho thầy nghe một đoạn audio clip vừa rồi để thầy sống lại cái không khí tuyệt vời của những ngày Hội Ngộ tháng Tư đó!
Còn việc post hình và đoạn thư hồi đáp của thầy lên blog của Thảo, thầy thấy không có gì trở ngại. Về hình, thầy đề nghị nên chọn hình chụp chung với các em hơn là hình cá nhân.
Cảm ơn em đã nhắc lại Vương Thiên Phước. Thầy đã nhớ ra rồi.
Mến chúc em và gia đình luôn manh khỏe, an vui.

Thầy TNhiều

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Đây là đoạn thu thanh mà bạn Hoàng Yến gởi đến các bạn Lê Quý Đôn.


Hội Ngộ Mùa Hè - San Jose, California


Thân gửi các bạn trích đoạn thu thanh (khoảng gần 25'), ghi nhận lại một số lời chia sẻ của thầy cô và bạn bè (cũng như lời chia sẻ của riêng Y. ở đoạn cuối), trong buổi họp mặt tại nhà hàng Phi Long của Việt và Anna ở San Jose, California ngày 9 tháng 7 vừa qua.
Lúc làm trích đoạn thu thanh này, Y. chưa có đầy đủ hình ảnh nên chỉ ráp tạm 1 tấm hình và hiện đang nhờ Bảo ráp hình vào, khi nào xong thì Y. sẽ gửi lại. Lúc đó hẳn là sẽ hay hơn nhiều.
Hy vọng rằng đây sẽ là chút kỷ niệm về LQĐ mà chắc chắn rằng sẽ còn lâu lắm mới có thể có trích đoạn... thứ 2 với sự hiện diện khá đông đủ của nhiều thầy cô và bạn bè. 
Thân chúc các bạn và gia đình 1 buổi tối an vui.

Xin click vào link dưới đây để nghe thử:

   
Đây là tùy bút mới nhất của bạn Hoàng Yến sau buổi hội ngộ giữa các thầy cô và học trò Lê Quý Đôn ở San Jose miền bắc Cali. Xin đại diện gởi tới các bạn.

Hội ngộ mùa hè
HY – LQĐ - 7-2013


Thêm một mùa hè trôi qua, làm thành chuỗi 38 mùa hè thấp thoáng trôi nhanh kể từ tháng Tư năm xưa. Hè năm nay, những người học trò LQĐ cũ chúng tôi có thêm những tiếng cười, những nỗi niềm vui buồn khó tả và những tấm ảnh chụp vội vàng từ hai buổi tiệc họp mặt tháng 7 với thầy cô cũ LQĐ, sau ngày hội ngộ tháng 4 với thầy Nhiều. Buổi chiều 3 tháng 7, chúng tôi 4 người, chị Kim Anh (lớp 12), Bảo, Chơn và tôi đã may mắn được tham dự buổi BBQ ở nhà thầy cô Bai để có dịp vui mừng gặp lại các thầy cô như thầy Cường và thầy Chánh từ Canada, cô Hoàng Lan từ North Carolina từ xa bay về ghé thăm San
Jose và cùng họp mặt với thầy Bai, thầy Hiệp, thầy Tứ và thầy Hồng ở vùng thung lũng hoa vàng này. Ở đó, những người học trò cũ chúng tôi đã chào mừng thầy cô trong ngày gặp gỡ, mà lòng thì cũng vẫn hồi hộp y như ngày xưa còn bé ngồi bên dưới, nghiêm chỉnh lắng nghe thầy cô giảng dạy phía trên. 38 năm qua, đủ dài để những đứa học trò nhỏ trưởng thành bay đi khắp bốn phương nhưng lại rất dài để mái tóc thầy cô bạc thêm và bước đi chậm chạp hơn.
Hôm ấy, tôi ở đó, trong căn phòng khách mát lạnh, xúc động nghe thầy Cường tâm sự về niềm vui hội ngộ và chia sẻ sự quan tâm chỉ có mình tôi phải lo liệu việc tổ chức buổi tiệc họp mặt tuần sau. Tôi ngồi đó, giữa hơi nóng hừng hực vừa dịu bớt và bóng tối chập chùng của buổi chiều tháng bảy mùa hè trong vườn cây xanh lá nhà thầy cô Bai, kể nhiều chuyện vụn vặt gần gũi trong đời sống, như chuyện đi tìm gói mì Đại Hàn với hương vị cay nồng của những hạt mè ướp năm xưa, tìm hoài ở rất nhiều khu chợ từ nhiều năm, mà đã chẳng thể nào tìm ra nổi, như những kỷ niệm xưa đã bay đi chẳng bao giờ trở lại và như nhiều người bạn cũ đã vội vàng ra đi mất biệt vào cõi hư vô mà chẳng để lại lời giã từ. Để rồi sau đó, nghe cô Hoàng Lan kể về chén cháo lòng đầu tiên cô nếm thử khi vừa đặt chân đến California cách đó vài hôm. Cái cảm giác mạnh và lạ khi nếm thử muỗng đầu tiên, đã khiến cô phải ngừng lại, coi xem có phải mình vừa đánh mất đi vị giác về một món ăn ưa thích đã không được ăn lại sau nhiều năm dài định cư ở thành phố rất vắng người Việt? Những câu chuyện, những lời chia sẻ đã khiến tôi lại thấy lòng chùng xuống khi tất cả đều đã đi qua, đã mất hút, như cơn gió thoảng, như cơn mưa rào chợt đến chợt đi mà chẳng bao giờ trở lại. Nghĩ thêm, sức khỏe và những chặng đường vạn dặm lại càng làm cho những chuyến gặp gỡ như hôm nay thêm muôn vàn cách trở, khó khăn.
Hôm đó, những ly rượu lấp lánh màu đỏ sậm đã được nâng lên, chúc mừng cho ngày thầy trò hội ngộ và cũng là chúc cho sức khỏe thầy cô được dồi dào, để hy vọng sẽ lại có thêm nhiều buổi hội ngộ nữa. Nhìn thầy cô và bạn bè vui vẻ, tôi lại nghe thoảng vọng về đâu đây tiếng nói cười ồn ào từ sân trường năm xưa, tiếng rù rì trò chuyện to nhỏ ở các góc lớp, tiếng của những bước chân chúng tôi rầm rập trên cầu thang dẫn lên dãy lớp học mờ tối phía đường Trần Qúy Cáp ồn ào tiếng xe chạy, và ngay cả tiếng… của sự yên lặng vô cùng khi tất cả chúng tôi cùng cắm cúi làm bài thi,… Rồi tôi nghe thấy tiếng gió nhẹ lay động lao xao qua những bóng cây tối đen chung quanh mình như tiếng thì thào của những người bạn đã nghìn trùng cách biệt, vắng bóng từ rất lâu, thấp thoáng hiện đâu đây như đang tâm sự là cũng rất muốn được trở về cùng họp mặt với thầy cũ bạn xưa. Thời gian như lắng đọng, vẫn những khuôn mặt thân thiết của thầy cô và bạn bè chung quanh, tôi vẫn còn đang ngồi đây mà tâm tư thì đã nghĩ đến những ngày sắp tới, tất cả rồi sẽ lại trở thành kỷ niệm và mất hút vào dĩ vãng, để rồi mãi mãi lại thấy lòng nuối tiếc những tháng ngày thân ái, êm ả năm xưa trong sân trường LQĐ cây xanh bóng mát, ở đó có cột cờ cao với lá cờ vàng bay phất phới, và hình như có vài bóng dáng bạn bè bị phạt quỳ gần đó như lời Lành kể lại, có thật không hay tại trí nhớ tôi đã mải miết bỏ ra đi?
Bữa tiệc ngày 9 tháng 7 một tuần sau đó tại nhà hàng Phi Long của Việt và Anna, với rất đông thầy cô trở về từ khắp nơi như thầy Cường từ Canada, cô Liễu từ Pháp, thầy cô Cảnh từ Thụy Sĩ, cô Kim Anh từ Texas, cô Lê Kim Anh, cô Bích Thủy và cô Vân Xoa từ miền Nam California, họp cùng thầy cô Bai, thầy cô Hiệp, thầy Tứ và thầy Hồng từ thung lũng hoa vàng, và với khá đông học trò cũ chúng tôi từ nhiều cấp lớp như AThư, KPhương, QAnh, TLoan, Việt, Thái (Tài), Tín, Hương, KHoàng, KPhượng, THương, BPhương, Lành, Bảo, Chơn, và tôi, đã có rất nhiều tiếng cười đi kèm với những giây phút lắng đọng thoảng nỗi xúc động khi thầy Cường chia sẻ về những kỷ niệm xa xưa chen lẫn trong niềm vui hội ngộ. Giọng thầy đã run vừa vì tuổi tác vừa vì nỗi niềm vui buồn lẫn lộn đâu đó khiến như có giọt lệ nào thoáng ứa ra ở đuôi mắt. Để tôi nghe
trong giọng hát thầy, khi níu kéo trở về hình ảnh ngôi trường LQĐ thân thiết qua bóng "Trường Làng Tôi" cùng với tiếng "Hò Châu Đốc" thoáng vọng lại sự nuối tiếc mơ hồ về những ngày vui đã mất hút trong quá khứ. Và cũng để tôi lại thấy lòng bồi hồi nghĩ đến tình nghĩa thầy trò dù đã 38 năm dài ngàn dặm cách biệt, dù chúng tôi ở rải rác bên này hay xa xôi ở tận những nơi nào khắp bốn phương trời, sẽ vẫn mãi mãi còn đó không đổi thay và sẽ luôn đỏ thắm rực rỡ như bó hoa hồng thầy trao cho tôi… Như một định lý toán học bất biến không thay đổi…
Rồi thời gian thấp thoáng trôi đi, đêm đã buông xuống từ rất lâu mà bữa tiệc họp mặt với quá khứ và hiện tại lẫn lộn trong giọng hát thoảng nhẹ của cô Liễu phát ra từ chiếc CD cô vừa thu xong, pha trộn với tiếng cười đùa ròn rã, tiếng chọc phá dí dỏm, tiếng ly tách lanh canh,… vẫn tưởng như chẳng bao giờ chấm dứt,… Nhưng dù thế nào thì những giây phút tương phùng phù du cũng sẽ phải kết thúc… Có những vòng tay ôm chào ấm áp, có lời giã từ nào ngập ngừng mà tôi chẳng thể nói, cũng như có tiếng thổn thức nào khiến tôi cố nén lại, cho những nụ cười được trọn vẹn hơn và những bức ảnh chụpb được rực rỡ hơn với sắc màu hội ngộ. Để những dư âm về giây phút vui tươi được đọng lại và sẽ còn mãi trong trí nhớ mọi người với những hương vị ngọt ngào của kỷ niệm 38 năm xưa. Và để thầy cô ra về với sự hân hoan và thoải mái mỗi khi hồi tưởng lại ngày vui thoáng qua.
Còn tôi trên đường trở về, lại mong rằng bức tranh hội ngộ mình vẽ lần này sẽ có thể được điểm tô bằng những đường nét uốn lượn hài hòa pha trộn khéo léo hơn với những sắc màu lung linh nét đậm đà, tươi đẹp theo đúng lời chỉ dẫn của thầy Nhiều từ 38 năm xưa. Để mãi mãi những bức tranh đó sẽ chẳng còn là bức tranh ấp ủ trong giấc mộng của một người học trò từ xưa vốn đã không có hoa tay, theo học một ngành khô khan rất thực tế mà lại thường mộng mơ thành họa sĩ!
Và cũng để thầy cô biết rằng sau 38 năm cố gắng…, rồi có một lúc nào đó, tôi cũng đã có thể vẽ lên được một bức tranh… tạm thời coi được mắt. Để các thầy cô và thầy dạy hội họa sẽ cùng cảm thấy hài lòng hơn là ngắm nhìn những đường nét ảo mộng lửng lơ trong trí tưởng huyễn hoặc, xa vời…

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

NHỮNG CHUYỆN ĐẾN BÂY GIỜ MỚI KỂ

Đây là những chuyện mà lâu này tôi đã không kể cho các bạn, có những chuyện đã trên 40 năm, có những chuyện ít năm sau đó. Đó là những chuyện dính dáng đến tôi cũng đến những bạn có tên trong câu chuyện về ngôi trường của chúng ta. Đó cũng là những kỷ niệm vui có buồn có của quảng đời học sinh của chúng ta. Chuyện đến bây giờ mới kể vì trong đó có những lý do tế nhị, liên quan đến một vài cá nhân, đến thời cuộc; nó cũng liên quan đến vài chuyện nông nổi của thời học sinh. Chính vì vậy mà tôi giữ kín đến bây giờ mới kể lại cho các bạn vì tôi nhận thấy chuyện đã quá cũ, đã lui vài quá khứ trên 30, 40 năm rồi. Những người dính dánh đến những chuyện này chắc giờ cũng đã không còn nhớ nữa.
Chuyện đầu tiên là chuyến đi ủy lạo nạn bão lụt miền trung:
Năm 1972, miền trung bị trận lũ lịch sử, bộ giáo dục thời đó phát động các trường học quyên góp cứu trợ, trường Lê Quý Đôn cũng hưởng ứng tích cực. Số hàng cứu trợ lên tới cả tấn. Ban giám hiệu trường cử phái đoàn đại diện trường đi ủy lạo gồm các thầy cô: thầy Mẫn, vợ thầy Mẫn, cô Diệp và một vài thầy cô mà tôi đã quên tên rồi; ban đại diện học sinh có anh Lê Trần Dũng, Hồ Tuấn Ngọc và tôi. Phái đoàn được ông Trần Văn Đôn, dân biểu đơn vị Quảng Ngải dẫn đầu. Chuyến đi bắt đầu tại phi trường Tân Sơn Nhất, bay bằng chiếc chuyên cơ quân sự C 130, chuyến về đặt vé hàng không Việt Nam. 45 phút bay chuyên cơ đưa chúng tôi xuống phi trường quân sự Quảng Ngải. Khi đáp xuống phi trường. chiếc C 130 dừng ở cuối phi đạo, tôi thấy ở đó có một chiếc C 47 nằm chuối xuống vì không cất cánh được. Phái đoàn được tỉnh trưởng Lê Bá Phẩm (?) đưa về nhà nghỉ của ban chỉ huy cảnh sát Quảng Ngải. Khi chuyển hàng ủy lạo xuống, gạo đổ vung vãi xuống đường, dân chúng hai bên đường xúm lại hốt lất hốt để. Tôi thấy thương quê hương miền trung của mình, đồng bào còn đói khổ trong chiến cuộc đang diễn ra khốc liệt.


Chiếc chuyên cơ C 130 tại phi trường tân Sơn Nhất chuẩn bị đưa phái đoàn đi Quảng Ngải.

Ở tại cuộc cảnh sát, chúng tôi làm quen với hai cô con gái của ông trưởng cuộc, trong đó có cô tên Hồng mà tôi còn nhớ đến giờ. Gia đình hai cô này là người gốc Thừ Thiên. Cô Hồng tôi gặp lại sau ngày 30 tháng tư tại phường 13 quận 3 sau nầy là phường 8 khi tôi phụ trách đội văn nghệ phường theo lời mời của anh Trọng học sinh lớp 10 Lê Quý Đôn lúc đó.



Cô Hồng người đứng trong hình trong buổi cứu trợ.

 Hôm sau có một chuyện mà tôi giờ không quên là số đồ cứu trợ trong đó có số mền, mùng và quần áo tốt đều bị chuyển cho đám con buôn. Tôi không biết chuyện này do ai chủ trương. Tôi thấy việc làm này quá bất nhẫn nhưng mình chỉ là cương vị một học sinh nên không thể nào nói ra, chỉ tội nghiệp cho anh em học sinh mình đã nhiệt tình đóng góp, tội nghiệp khi nghĩ đến những gia đình bị thiên tai đã mất phần cứu trợ của mình.
Những địa phương mà chúng tôi tới ủy lạo là Nghĩa Hành, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mỹ Lai 4... Chính những nơi này tôi mới thấy nỗi cơ cực của người dân, họ đã mất hết tất cả vì trận lụt quái ác. Tại Mỹ Lai 4, tôi chứng kiến dân chúng chữi bới chính quyền về chuyện cứu trợ. Nhân tiện tôi cũng nói Mỹ Lai 4 là tên gọi của làng Mỹ Lai mới nhưng đã dời đi bốn lần rồi. Mỹ Lai 1 chính là nơi xảy ra vụ thảm sát do trung úy Mỹ William Calley gây ra.




         Một vài hình ảnh về cuộc ủy lạo tại các địa phương tỉnh Quảng Ngải.

Dân ở thị xã Quảng Ngải rất sợ cảnh sát, chiều đến xe cảnh sát đưa tụi tôi đi kiếm quán cà phê, dân hai bên đường đều dạt ra tránh xa khi xe chạy đến. Vào quán cà phê uống xong nói là khách của tỉnh trưởng là không có quán nào dám lấy tiền. Về chiêu đãi giữa lúc dân chúng ngoài thiếu ăn thì bên trong lại thừa mứa thức ăn.

      Nhà hành Mỹ Lệ Hoa nơi chúng tôi dừng bước trước khi về Sài Gòn.

Sau những ngày cứu trợ, chúng tôi được tin hàng không Việt Nam không đáp xuống phi trường Quảng Ngải vì phi đạo bị hư. Ông Tần Văn Đôn liền điện về dinh Độc Lập xin chuyên cơ chở tổng thống Thiệu để chở phái đoàn về Sài Gòn nhưng chuyên cơ không đáp xuống Quảng Ngải mà đáp tại Đà Nẳng. Tỉnh trưởng Phẩm lệnh cho đoàn xe GMC hộ tống chúng tôi ra Đà Nẳng. Đến Đà Nẳng là sắp trưa, chúng tôi dùng cơm tại nhà hàng Mỹ Lệ Hoa bên sông Hàn và sau đó ra sân bay. Chuyên cơ của tổng thống Thiệu, lái chính là đại tá, nữ tiếp viên là trung tá. Phi cơ bay qua vùng cao nguyên, từ trên cao tôi nhìn xuống thấy chi chít lỗ bom B 52. Sau một hồi bay phái đoàn về đến Sài Gòn, xe đưa chúng tôi về trường.

                                                                                                          (CÒN TIẾP)






Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

NHỮNG LỜI TRI ÂN

NHỮNG LỜI TRI ÂN
Tôi viết những lời tri ân này dù có muộn màn nhưng nó cũng góp phần nói lên những điều mà chúng ta- các thê hệ học trò Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn trước 30 thang tư năm 1975- vì cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại còn quá nhiều lo toan đã bỏ qua hoặc có nhớ nhưng cũng không có dịp nói ra.
Chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt trong nước có ở hải ngoại có cùng gặp mặt những thầy cô, bạn bè ôn lại kỷ niệm xưa, cùng nghe lời nhắn nhủ , tâm sự nhưng các thầy cô cũng chỉ giới hạn chứ không phải là tất cả. Các thầy cô qua năm tháng giờ đã già, có người còn trong nước, người ở nước ngoài; cũng có những người đã vĩnh viễn nằm xuống. Còn những thầy cô mãi đến giờ này chúng ta cũng không có cơ hội gặp lại dù họ vẫn còn đó. Đó là riêng các thầy cô đã dạy dỗ chúng ta nhưng còn không nhỏ những thầy cô làm nhiệm vụ khác như giám thị, văn phòng, quản thủ thư viện, phòng y tế và những người lao công, gác dan thì không nghe nhắc tới. Họ là những người góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nên ngôi trường của chúng ta.
Trong hàng ngũ giám thị thì thầy Võ Văn Bê là còn được nhắc nhở như trong trang web Vân đài loại ngữ có nói việc anh Trần Tử Lành cùng các bạn về tìm lại thầy cũng như trang của tôi cũng có nhắc đến thầy vì thầy ở cách nơi tôi làm việc chỉ trên chục cây số. Cùng quê với thầy còn có thấy Tứ trước ở đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 2, thành phố Mỹ Tho về sau trong thập niên 80 thầy đã vượt biên đi không biết giờ đây thầy ở đâu. Còn rất nhiều thầy nhưng giờ đây tôi không còn nhớ tên. Lực lượng giám thị thường thay đổi nhiệm sở nên số lượng của các thầy làm nhiệm vụ cũng không ai còn nhớ rõ.
Còn các thầy cô lo việc văn phòng, giấy tờ liên quan đến trường lớp, lo cho chúng ta từng cái học bạ, từng cái phù hiệu, giờ có ai nhắc tới không? Rất tiếc hồi đó tôi cũng biết vài người nhưng giờ lâu quá cũng quên rồi. Không biết giờ họ ở đâu, làm gì, còn đó hay đã mất rồi.
Về quản thủ thư viện tôi biết có một cô làm việc này vì hồi đó tôi có mang bộ sách Tuổi Hoa và Tuổi ngọc bán cho thư viện. Còn phòng y tế trường lúc đó có cố Yến và vài cô nữa. Cô Yến có nhà trong trường, con cô cũng học trường Lê Quý Đôn. Sau này năm 2006, cô và gia đình phải dời đi vì khu cô ở được xây dựng lại mới. Tôi có đến thăm cô trong những ngày cưối cùng khi cô còn ở đó.
Một lực lượng nữa rất đông là những người lao công và gác dan. Họ góp phần làm sạch đẹp ngôi trường, phòng lớp, sân chơi của chúng ta. Tôi rất nhớ bà Năm mập, ông Tám già dể thương. Họ gắn cuộc đời của họ khi ngôi trường còn mang tên Jean Jacques Rousseau đến sau này. Giờ họ không còn nữa, không biết con cháu của họ giờ ở đâu. Những người này khi còn ở trong trường họ ở dãy sau cùng với cô Yến và một phòng cạnh nhà vệ sinh trường tức là cạnh hội trường của trường.
Đáng nhớ là anh Tâm gác cổng. Anh vào trường làm việc chắc vào khoảng năm 1972 gì đó. Hồi đó anh còn rất trẻ, từ xã Bình Nghị, Gò Công Tây, Tiền Giang. Ảnh với ông Hai già hai người có hai chiêc xe đạp, về sau anh xin vô ở trong trường. Sau ngày 30 tháng tư, anh đem vợ con từ quê lên và mở quán cơm bán cho học sinh trường. Năm 2006, anh về hưu cũng là năm anh phải dọn ra khỏi trường vì chổ anh ở phải xây dựng lại. Nghe nói anh mua nhà ở quận 12 tức là vùng Hóc Môn. Những thời gian rảnh rỗi tôi về sài Gòn thường ghé lại thăm anh. Lần cuối cùng tôi có nói: “Anh và cô yến là hai người đại diện cuối cùng của Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, sau này hai người dọn đi rồi, tôi còn biết ghé trường thăm ai nữa. Coi như đây là giây phút cuối cùng tôi nhìn lãi trường để rồi mãi mãi không còn gặp lại”. Đêm đó tôi đi vòng quanh sân trường từ phía tiểu học sang phía trung học, đứng nhìn lớp 12B thời đã qua lần cuối để rồi nó sẽ bị đập phá đi.
Tôi viết những dòng này để tri ân những thầy cô làm nhiệm vụ không giảng dạy, những người lao công, gác dan đã góp phần làm nên một Lê Quý Đôn. Viết về những người mà chúng ta ít có nói tới hay không nói tới. Tôi mong sau bài này các bạn có những thông tin về những người này xin báo cho tôi biết hoặc các thầy cô thầy cô làm nhiệm vụ không giảng dạy, những người lao công, gác dan nếu tình cờ có đọc những dòng này xin gởi phản hồi về trang blog của tôi theo email thao5755@yahoo.com.vn.


  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...