Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

MỘT VÀI ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ
GRANDS MAGASINS CHARNER

Giờ thì tòa nhà này đã đi vào dĩ vãng của lịch sử Sài Gòn nhưng qua suốt 92 năm tồn tại của nó, không phải ai cũng biết rõ lai lịch và hoạt động của nó. Bài viết sau đây thu nhặt lại từ những tài liệu liên quan; góp phần đem lại cho độc giả những hiểu biết thêm về một công trình đã từng là dấu ấn của thành phố. Người viết bài này chân thành cám ơn tất cả tác giả các trang tài liệu đã cung cấp cho tôi hoàn thành bài viết này.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp thì vị trí của Grands Magasins Charner về sau là thương xá Tax trước đó là cửa tiệm của công ty Bresset et Cie (số 135 và 135 bis) và cửa tiệm bán xe đạp và xe hơi của ông Muet (số 137) đại lộ Charner.


Khu vực bên trái hình về sau là Grands Magasins Charner

Do việc mở rộng kinh doanh bán lẻ của các cửa hàng tại Hà Nội và sắp tới thành lập một cửa hàng ở Sài Gòn, liên hiệp thương mại Đông dương – Trung Hoa và châu Phi ngày 21 tháng 10 năm 1921 đã thành lập công ty thuộc địa các cửa hàng lớn, công ty con này được thành lập với số vốn 12 triệu francs chia thành 24.000 cổ phiếu và mỗi cổ phiếu giá 500 franc, trong đó 19.000 cổ phiếu ưu đãi và 5.000 cổ phiếu thông thường mà trên đó liên hiệp thương mại Đông dương – Trung Hoa và châu Phi nhận lại khoản đóng góp của nó là 11.000 cổ phiếu ưu đãi 5.000 cổ phiếu thông thường.
Để đáp ứng nhu cầu của các cổ đông bày tỏ mong muốn có một liên kết trực tiếp trong công ty mới, hội đồng quản trị của liên hiệp thương mại Đông dương – Trung Hoa và châu Phi đã quyết định rằng cho đến ngày 31 tháng mười hai năm 1921, sẽ được dành cho các cổ đông của liên hiệp thương mại Đông dương – Trung Hoa và châu Phi được quyền mua 8.000 cổ phiếu ưu đãi với giá 500 franc của công ty thuộc địa các cửa hàng lớn.
Từ cuối năm 1921 đến cuối tháng 30/9/1922, cửa hàng GMC ở Saigon buôn bán rất phát đạt, đạt lợi nhuận là 6% cho mỗi cổ phiếu và giá cổ phiếu tăng từ 500 francs lúc đầu lên 614 francs. Công ty quyết định xây dựng lại cửa hàng và khánh thành vào này 26 tháng 11 năm 1924 với sự tham dự về phía chính quyền thuộc địa là ông Eutrope.


Grands Magasins Charner thập niên 1920

Cửa hàng GMC trở thành nơi mua sắm của giới sành điệu thượng lưu Pháp-Việt-Hoa có tiền. Hầu như tất cả hàng của các cửa hiệu lớn ở Paris cũng có mặt ở đây. Tháng 12 năm 1925, khi toàn quyền Alexandre Varenne đến Saigon, vợ của ông là bà Varenne sau đó có đến cửa hàng Grands Magasins Charner để mua sắm, một người bạn ông giám đốc GMC đã giới thiệu ông với bà Varenne. Bà rất là de6~ chịu tiếp xúc với ông và ông đã bảo đảm chắc với bà là cửa hàng GMC đều đón tiếp phụ nữ An Nam bất kể giai cấp xã hội của họ.
Địa chỉ của GMC theo Niên giám địa chỉ thương mại, kỹ nghệ toàn Đông Dương vào năm 1933 cho biết công ty sở hữu là “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine”: Grands Magasins Charner (GMC) (l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine), Société anonyme au capital de 42.000.000 de Frs, R.C Saigon no. 243, Boulevards Charner et Bonard, Add. Tél. : “MAGCHARNER”, Téléphone nos. 140 et 543, Boite Postale 528.


Như vậy trong vòng khoảng 10 năm số vốn vào cửa hàng GMC của công ty “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” đã tăng hơn gấp 3 lần.
Quảng cáo các tiệm trong cửa hàng GMC được đăng trên các báo ở Saigon như trên tờ “Echo Annamite” (Tiếng gọi An Nam). Trong đó có những cửa hàng bán các hàng như đồng hồ, kính đeo, rượu, thuốc lá, thuốc tây, nước hoa, dịch vụ du lịch, Salon de Thé, Bar Américain, Salon de Manucure v.v…. Sau này còn có súng đạn đi săn. (trích từ Thương xá “Grands Magasins Charner” thời Pháp thuộc)


Hiện nay mọi tìm kiếm về bản thiết kế Grands Magasins Charner và tên kiến trúc sư đều không thấy trong các kho lưu trữ của người Pháp.
Tháng 10 năm 1925, trên phần tháp của tòa nhà người ta lắp một còi hụ để báo tin mới từ Pháp. Năm 1942 xây thêm lầu bốn, đập bỏ tháp đồng hồ và thay vào đó là bảng gắn dòng chữ GMC.


Năm 1942 xây thêm lầu bốn, đập bỏ tháp đồng hồ và 
thay vào đó là bảng gắn dòng chữ GMC.

Ông Trương Văn Cầm, một cựu học sinh trường Chasseloup Laubat là trưởng phòng dịch vụ xuất cảng và là trưởng quày lương thực từ năm 1935 đến 1936.



Thời VNCH, tòa nhà này được đổi tên là Tax. Thập niên 1960, Tổng giám mục  Ngô Đình Thục ủy quyền cho Viện Đại học Đà Lạt mua lại Thương xá này, từ đó trở thành bất động sản của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Sau năm 1963, nơi này không còn thuộc một công ty nào mà do thương nhân mướn lại làm nơi buôn bán. 

1 nhận xét:

  1. Theo tôi, thương xã TAX thuộc quyền sở hữu của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, Ngài còn làm chủ nhà sách Xuân Thu (Albert Portail cũ). Sau đảo chánh 1963, tài sản của các thành viên trong gia đình Ngô Đình đã bị tịch thu. TT Thiệu sau đó giao hết những tài sản nầy cho Viện Đại Học Đà Lạt. Viện ĐH nầy đã cử một linh muc làm quản lý. Linh mục nầy có văn phòng ở tầng trên. Các doanh nhân phải thuể lẻ để buôn bán, không có một công ty nào làm chủ toàn thể các gian hàng.Feb 2023.

    Trả lờiXóa

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...