Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Sài Gòn: Biệt thự cổ biến mất 'đáng buồn'




Du khách văn hóa đến Sài Gòn chỉ biết vài tòa nhà quen thuộc như Bưu điện Thành phố (Ảnh: CiaoHo)




Một nhà nghiên cứu người Ireland nói Sài Gòn đánh mất đi “tính cách” khi hiều những kiến trúc thuộc địa và hậu thuộc địa quan trọng biến mất.


Ông Tim Doling, từng có nhiều năm ở Việt Nam, nói với BBC Tiếng Việt ông “không ngạc nhiên” khi các kiến trúc cũ biến mất.
Trung tâm nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc Tp.HCM nói có đến gần nửa biệt thự cổ đã "biến mất" trong số 1.300 biệt thự cổ xây trước 1975, tờ VnExpress đưa tin hồi cuối tuần trước.
Nhà nghiên cứu nói: “Tôi đi vòng quanh thành phố rất nhiều, và không có ngày nào trôi qua mà tôi không thấy những tấm bảng lớn chăng xung quanh những tòa nhà cũ chuẩn bị bị phá hủy. Tôi đã viết rất nhiều bài báo về việc phá bỏ nhiều tòa nhà có giá trị quan trọng, nhưng rất đáng buồn ngày càng có thêm nhiều ngôi nhà bị phá bỏ mà không ai để ý.”
Cuối năm 2015, khi Sài Gòn quyết định phá bỏ thương xá Tax, làn sóng dư luận đã dấy lên đặt câu hỏi về sự bảo tồn các kiến trúc quan trọng từ xưa của thành phố. Dư luận chuyển thành một thư kiến nghị hàng ngàn người tham gia yêu cầu giữ lại Thương xá Tax, mà sau đó công ty SATRA chấp nhận giữ lại cầu thang mosaic chính và một số kiến trúc quan trọng của tòa nhà.
Ông Tim Doling nhận định: “Rất nhiều tòa nhà di sản có giá trị thẩm mỹ vô giá, rất nhiều nơi người ta muốn đến thăm và được bước vào. Bạn có thể nhìn những tòa nhà cũ như số 14 Tôn Thất Đạm, 42 Nguyễn Huệ hay số 9 Thái Văn Lung, trong những năm gần đây, người trẻ đã biến nơi này thành những cửa hàng thời thượng, quán cafe và nhiều cửa hàng thời trang ở đó.”

'Mở đường" cho tòa nhà mới

“Rất nhiều tòa nhà kiến trúc cũ có giá trị bị phá hủy để mở đường cho những tòa nhà mới này,” ông nhận định.

“Việc phá hủy có hệ thống nhiều kiến trúc di sản quan trọng và việc xây dựng phân mảnh, không phù hợp những tòa nhà chọc trời xấu xí trong nhiều năm qua ngay giữa trái tim thành phố thể hiện sự thiếu tầm nhìn trong phát triển đô thị.”
“Nguyên nhân thực sự duy nhất có lẽ là lợi nhuận khổng lồ bởi những nhà phát triển xây dựng những toàn nhà chọc trời ở những nơi được gọi là đất vàng.”
“Dĩ nhiên, chúng ta có thể giải thích cho giá trị kinh tế của việc bảo tồn di sản, vốn đã từng được ghi nhận ở rất nhiều quốc gia, nhưng đáp lại đó là giá trị lâu dài và không bao giờ có thể cạnh tranh với lợi nhuận tức thì do những nhà phát triển lớn tạo ra.”

“Chỉ có chính phủ đứng giữa các tòa nhà di sản và sự phá hủy. Trong khi đó hiện thời, cơ quan bảo tồn nhà nước ở Sài Gòn chỉ đóng vai trò rất nhỏ trog phát triển đô thị.”


Nhiều trụ sở của các cơ quan nhà nước tại các quận trung tâm ở Sài Gòn là các công trình kiến trúc quan trọng.

“Các kiến trúc di sản gắn liền với các sự kiện lịch sử chính là điều khiến du khách nước ngoài tìm đến tham quan. Các cơ quan quản l‎ý du lịch Việt Nam thường đổ lỗi cho việc giảm du khách vì chất lượng quảng bá và sự không hấp dẫn của khẩu hiệu du lịch, nhưng lại quên đi thực tế là các tòa kiến trúc đẹp thu hút du khách văn hóa, đang ngày qua ngày biến mất."
“Trong khi nhóm du khách này rất chịu chi tiêu.”
Ông Tim Doling cho biết, ông cũng là người hỗ trợ tài liệu lịch sử cho nhiều tổ chức và nhóm văn hóa tại Sài Gòn khi thực hiện các chương trình tìm hiểu lịch sử về các tòa nhà của thành phố.
Nhà nghiên cứu này từng làm việc với Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam từ năm 1999-2004 trong dự án về phát triển giáo trình quản lý nghệ thuật trong ba trường đại học tại Hà Nội.
Ông cũng là tác giả quyển “Đường sắt và đường xe điện của Việt Nam”.

Giới trẻ "có quan tâm"

Trong khi đó, nói với BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, Daniel Caune, một kỹ sư kiến trúc người Pháp ở Sài Gòn đang xây dựng cơ sở dữ liệu các tòa nhà ở Sài Gòn nói: “Truyền thông và giáo dục là cách quan trọng để bảo tồn các di sản này. Thế hệ trẻ Việt Nam có vẻ rất sẵn sàng bảo vệ di sản thành phố.
"Đó là điều chúng tôi bắt đầu một năm trước với Đài Quan sát Di sản Sài Gòn, một dự án dữ liệu mở, xây dựng trên mạng xã hội, định vị và ghi nhận lại tài liệu về các tòa nhà. Chúng tôi đã tích hợp hàng ngàn bưu thiếp cũ, ảnh cũ lại cho cơ sở dữ liệu này.”


Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn là một công trình kiến trúc di sản quan trọng

Ông Daniel cũng nói “Tronc các bưu thiếp cũ của Sài Gòn cho thấy cảnh quan thành phố, tuyệt đẹp và thanh lịch. Nhưng giờ đây vẻ đẹp đó đã bị phá hủy, qua nhiều năm, và sự phá hủy này gia tăng trong thập niên vừa qua.”
Cơ sở dữ liệu của nhóm Đài Quan sát Di sản Sài Gòn được cập nhật trực tiếp trên Google Maps và các kiến trúc sư, sử gia bổ sung tài liệu bên cạnh hình ảnh do công chúng cung cấp.
Trên báo VnExpress cuối tuần trước, Ông Hoàng Minh Trí - Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Tp.HCM nói “tiêu chí để đánh giá phân loại biệt thự cổ chưa có là quá trễ so với nhu cầu phát triển” nhưng ông cũng nói “đã trình dự thảo tiêu chí quản lý và phân loại biệt thự nhưng chưa được thành phố thông qua”.
                                                                                          Theo BBC Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...