Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013


Đây là tùy bút của bạn Nguyễn Hòang Yến (lớp 10, 74-75) viết nhân dịp thầy Tam Nhiều sang thăm Mỹ & Canada. Nhiều tâm sự rất cảm động được Hòang Yến thay bạn bè LQĐ bốn phương nhắc lại. Buổi gặp mặt này được tổ chức tại San Jose, miền bắc Cali.


Thầy cũ, ngày gặp lại Tháng Tư

Học trò cũ LQĐ-Nguyen Hoang Yen – 4/4/2013

Vậy mà mãi đến ba mươi mấy năm sau, tôi mới có dịp được gặp lại Thầy Tam Nhiều trong một buổi tối Tháng Tư. Thầy là người thầy (nghệ sĩ) duy nhất dạy môn Hội Họa ở Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Đôn, ngôi trường thời thơ ấu nhìn sang bên kia Dinh Độc Lập rộng mênh mông. Tất cả chúng tôi, người ra đi trước, kẻ đi sau, Thầy Cô, bạn bè, kẻ còn, người mất, bao nhiêu là vật đổi sao dời kể từ ngày biến loạn Tháng Tư năm xưa.
Chúng tôi, những học trò cũ của Thầy Nhiều, mười mấy người, Việt, Thiện, An, Tín, Anh Thư, Kim Ánh, Ngọc Dung, Quỳnh Anh, Kim Phượng, Kim Hoàng, Di Thiện, Lành, Để, Phượng, và tôi, đã có dịp hội tụ lại gặp Thầy ở tiệm Phi Long của Việt và Anna, vào một buổi tối đầu Tháng Tư của ba mươi mấy năm sau. Cùng tham dự buổi tiệc còn có Thầy Bai, Thầy Hiệp và Thầy Hồng. Chúng tôi cũng đã được nhìn thấy hình Thầy trong một buổi tiệc trước đó với Thầy Hải, và các Thầy Cô khác cùng một số bạn bè LQĐ ở miền Nam California. Sau buổi tiệc này, Thầy sẽ lên đường đi thăm miền Đông Hoa Kỳ, ở đó sẽ lại có những bữa tiệc rộn rã của các bạn LQĐ khối lớp 10 và các khối lớp khác. Bâng khuâng gặp lại Thầy và nhìn các hình ảnh gửi trên email, tóc bạc ở Thầy Cô, tóc trắng tiêu muối ở học trò, đã khiến mình cảm thấy ngậm ngùi.
Rưng rưng nhớ lại chuyện ngày xưa. Tất cả chúng tôi, kẻ trước người sau, đều đã lần lượt có một lúc nào đó, được ngồi vào lớp của Thầy, nghe Thầy giảng giải về những định nghĩa, đường nét, màu sắc, ánh sáng,… Thầy khuyến khích, chỉ dẫn, đặt ra những thí dụ rất ngộ nghĩnh, tự nhiên, trò ngồi nghe say mê, nhưng chẳng biết thu thập được đến đâu. Mà chỉ biết là khi đặt bút chì vẽ trên nền giấy trắng, những đường nét uốn lượn theo màu sắc, bóng tối và ánh sáng chập chùng, pha trộn lẫn lộn đến chóng mặt, để khi đem lên nộp Thầy, thì tất cả các hình vẽ mà mình tưởng là rất đẹp, rất giống, lại trở thành những hình thù kỳ quái, xoay ngang rồi xoay dọc, cũng vẫn thấy thật là không giống ai! Bao nhiêu năm sau, tôi theo học ngành Toán, một ngành vừa khô khan, khó khăn, vừa khắc nghiệt, chẳng dung dưỡng một ai, tôi lại càng nghĩ mình quả thật không có óc lãng mạn và khiếu nghệ thuật! Và tôi mãi mãi vẫn tin rằng phải có khiếu và hoa tay trên mười ngón thì mới vẽ được. Vì thế, muôn đời tôi vẫn không thể vẽ được một bức tranh thơ mộng lãng mạn thích hợp với tính con gái của mình. Những hình ảnh chập chờn, màu sắc hư ảo, lấp lánh, vẫn mãi mãi sẽ chỉ là những bức tranh đẹp trong mơ, mà mình không bao giờ có thể là tác giả được. Không vẽ giỏi, nhưng lại yêu màu sắc và hình thể, tôi đã loay hoay, trong những lúc rảnh rỗi, coi TV, internet, đọc sách,…, tập làm thủ công, gói và trang trí những hộp quà, làm các tấm cards sinh nhật, đám cưới,… và đặc biệt là mua sắm quần áo, để có dịp tập áp dụng cách phối hợp màu sắc trên những món đồ đó và những kiểu quần áo mình thường mặc. Tập làm những việc này, có lẽ tôi thành thạo hơn là vẽ những bức tranh trong lớp của Thầy Nhiều.
Nhắc lại chuyện ngày xa xưa, trong thập niên 80, chúng tôi, những người học sinh trường Lê Quý Đôn thuở xưa, ngày ấy còn rất trẻ, với bao ước mộng to lớn ấp ủ, đã có những dịp hội ngộ, ngồi lại với nhau, lập ra Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Lê Quý Đôn, với các Chi Hội miền Bắc và miền Nam California, miền Nam Texas, miền Đông Hoa Kỳ, tổ chức những lần thi bích báo giữa các Chi Hội, tổ chức văn nghệ gây qũy, họp mặt cuối năm với giọng hát ngọt ngào của Kiều Nga và các bạn bè,... Chí… lớn chúng tôi nuôi mãi, tổ chức gặp gỡ được nhiều năm, rồi từ từ tàn lụi theo nợ áo cơm và gia đình, cuối cùng chỉ còn một số bạn bè thân cũ thỉnh thoảng họp mặt riêng
lẻ. Để rồi năm 2009 thì ngọn lửa lại bùng lên, lại họp hành, bàn thảo, tổ chức họp mặt mừng sinh nhật khối lớp 10, rồi lớp 9, lớp 8, rồi trở lại mới đây là tháng 8 năm 2012 ở miền Nam California.
Tối ngày 4 Tháng Tư hôm đó, chúng tôi trò chuyện, thăm hỏi, cùng chụp hình và nâng mời Thầy ly nước lạnh thay rượu, kể lại những chuyện ngày xưa nghịch ngợm rất ồn ào, vô tư, thân ái, mà đã xa lắc xa lơ từ thuở nào. Không phải rượu mà sao tôi thấy lòng say say và rưng rưng, nghe thoảng đâu đây tiếng chân chạy trên cầu thang dẫn lên lớp học Hội Họa của Thầy nằm riêng rẽ ở một hành lang nhìn xuống con đường Công Lý nhộn nhịp xe cộ, cũng như nghe vọng lại bên tai tiếng xì xào trò chuyện của những người bạn giờ đã tan tác khắp bốn phương trời hay đã thong dong vui chơi ở một miền vĩnh cửu nào đó.
Trước khi chia tay, Việt nhắc tôi viết một đoạn kể chuyện gặp lại Thầy. Tôi ngần ngừ, trả lời là chẳng biết có viết nổi không! Ý văn sau bao nhiêu năm đã cạn, tâm trí chỉ là những con số mờ ảo, chen lẫn vẫn mãi mãi là những nét chấm phá nửa vời trên bức tranh dang dở. Tôi nghĩ chỉ có thể viết đôi giòng ngắn ngủi, nên cố gắng ghi lại hôm nay như lời chúng em kính chúc Thầy Nhiều và tất cả Thầy Cô luôn vui mạnh và gặp nhiều may mắn, cũng như mong rằng ly nước mời Thầy mãi mãi sẽ chẳng bao giờ cạn như mình sẽ chẳng bao giờ quên những ngày xa xưa rất thân ái trong sân trường Lê Quý Đôn trước Tháng Tư năm xưa. Mấy mươi năm đã qua, và cứ thế, ra đi lưu lạc mà lòng tôi vẫn không muốn giã từ, lại còn vương vấn mãi hai chữ “ngày xưa” và rất muốn được có dịp ngồi lại chỗ cũ ở lớp Hội Họa, học vẽ lại cảnh vui vẻ với màu sắc kỷ niệm rất đơn sơ để Thầy chấm điểm và biết đâu, Thầy sẽ rất hài lòng với bức tranh muộn màng đó…

(Xin nhắc lại với các bạn LQĐ, Phòng hội họa giờ không còn nữa, chỉ có chăng còn trong ký ức thôi- Nguyễn Văn Thảo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...