Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

CÓ THỂ CHÚNG TA CHƯA BIẾT HẾT


Số phận long đong của tượng Gambetta

Một năm sau khi Léon Gambetta mất tại Pháp (1882), chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn đưa ra quyết định cho dựng một tượng đài để tưởng niệm ông. Vị trí được chọn nằm tại giao lộ Đại lộ Norodom và Pellerin.
Tượng đài gồm 3 khối tượng: Gambetta ở vị trí cao nhất, vai phải hướng về dinh Norodom (Dinh toàn quyền Đông Dương), tay phải để trên nòng đại bác đặt dưới chân theo đúng thực tế ngoại giao pháo hạm của Pháp lúc ấy; tay trái chỉ về hướng thành Gia Định (thành Phụng 1835) vừa bị Pháp chiếm trước đó 24 năm (ngày 17-2-1859).
Mặt tượng đài Gambetta nhìn về phía sông Sài Gòn; lưng quay về cuối đường Pasteur hiện nay.(Tượng đài Sài Gòn xưa có số phận bi hài nhất – Tuổi Trẻ online)
Ngày 4 tháng 5 năm 1889 dưới sự có mặt của Thống đốc Étienne Richaud và Thị trưởng thành phố Sài Gòn Roch Carabelli, tượng đài Gambetta được khánh thành.




            Bức tượng này là bản sao của bức tượng tại quê nhà của Léon Gambetta ở Cahors là của nhà điêu khắc Alexandre Falguières (1831-1900) và phần chân đế là của kiến trúc sư Paul Pujol (1848-1926).



Tượng đài Léon Gambetta tại quê nhà Cahors, Pháp

           Theo bài viết của Tim Doling, thì có 2 bức tượng của Gambetta: một dựng tại giao lộ như trên đã nói và một cất vào kho. Thế nhưng không biết số phận bức tượng thứ hai đi đâu.
Nnhưng ông Léon Gambetta là ai mà người Pháp phải dựng tượng để tưởng niệm:
Léon Gambetta sinh ngày 2/4/1838 tại Cahors và mất ngày 31/12/1882 tại Sèvres (“thọ” 44 tuổi). Ông là một danh nhân chính trị gia Cộng hoà Pháp, làm Thủ Tướng (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) từ 1881-1882, vào khoảng thời gian Pháp sắp bắt đầu đặt nền đô hộ trên đất nuớc VN. Ông cũng thuộc phái các chính trị gia ủng hộ việc xâm chiếm mở rộng thuộc địa cho Pháp quốc, do công trạng này mà Gambetta đã được dựng tượng tại Sài Gòn là thủ phủ của Nam kỳ là nơi đã bị Pháp chiếm sớm nhất. Xem qua phần tiểu sử sơ lược, chúng ta cũng biết lý do tại sao người Pháp dựng tượng của ông. (Wikipedia)


Léon Gambetta


Đến năm 1912-1914, chợ Bến Thành cũ trên đại lộ Charner (đại lộ/phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay) bị giải tỏa. Hội đồng thành phố lúc bấy giờ quyết định Toàn bộ khu đất chợ cũ được cải tạo thành quảng trường, đặt tên là Quảng trường Gambetta. Tất nhiên nhóm tượng đài Gambetta từ ngã tư Norodom - Pellerin phải dời về đây, lấy chỗ cho xe cộ Sài Gòn, nhất là xe hơi vốn lúc này đã đông đúc hơn đi lại cho thuận tiện.

Nhóm tượng đài Gambetta đặt ở gần phía cuối Quảng trường Gambetta, nhìn ra đại lộ Charner; lưng hướng về đường Hồ Tùng Mậu hiện nay (bản đồ Sài Gòn 1928 ghi là đường Georges Guynemer). Tay trái chỉ về hướng đường Ngô Đức Kế (bản đồ Sài Gòn ghi đường Vannier); tay phải  hướng về đường Phủ Kiệt (hiện là đường Hải Triều). .(Tượng đài Sài Gòn xưa có số phận bi hài nhất – Tuổi Trẻ online)



Nhưng số phận của bức tượng này cũng không được yên, chỉ ở được 10 năm thì người Pháp quyết định xây Kho bạc tại vị trí này vào năm 1925. Thế là bức tượng lại một lần nữa phải dời về vường Maurice Long (Tao Đàn sau này).



Cám cảnh số phận long đong của tượng đài này, người Sài Gòn xưa có câu ca dao: Trên Thượng thơ bán giấy (ly hôn-NV) - Dưới Thủ Ngữ treo cờ - Kìa Ba (tượng đài Gambetta-NV) còn đứng chơ vơ - Nào khi núp bụi, núp bờ - Mủ di đánh dạo bây giờ bỏ em.
Theo Vương Hồng Sển – trong Sài Gòn năm xưa: "Chánh phủ Pháp muốn thâu dụng số đồng dùng vào chiến tranh, sai thợ nấu lão Gambetta, thì hỡi ôi! Thân lão là ersatz, đồ đồng giả, không dùng được..."
Thế mới biết chuyện rút ruột công trình tượng đài không phải là chuyện mới đây mà nó đã có từ thời Pháp thuộc.
 Còn cái đế tượng thì thời sau người ta dở bỏ tại bờ rào giáp với hội Kỵ mã. Ngày xưa tụi tôi thường vào chơi trong công viên Tao Đàn và lấy đế tượng này để kê xe đạp. Còn bây giờ không biết nó có còn không.

Đế chân tượng Gambetta bên góc phải của hình
 trong công viên Tao Đàn giáp với hội Kỵ mã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...