Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

THEO DÒNG THỜI GIAN


XƯỞNG BA SON 


                Thêm một công trình sắp sửa biến mất mặc dù nó được chính Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử vào ngày 12/8/1993 với quyết định số 1034 QĐ/BT. Điều này cho thấy tại Việt Nam sự phi lý đã trở thành phổ biến có nghĩa là cấp trên có công nhận thì cứ công nhận nhưng cấp dưới có toàn quyền định đoạt số phận của di tích muốn nó tồn tại hay không tồn tại. Ở các quốc gia khác những khu đóng tàu như thế này đều được bảo tồn, người ta biến nó trở thành khu du lịch khách sạn và nhà hàng để du khách tìm tới tìm hiểu còn ta thì đem dẹp bỏ đi viện cớ mở rộng để làm cầu Thủ Thiêm 2, viện cớ giờ nó không còn thích hợp nữa vì đô thị đã mở rộng. Và nên nhớ xưởng Ba Son là nơi ra đời công hội đỏ, là nơi Ông Tôn Đức Thắng sống và làm việc để rồi sau này ông trở thành phó chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính vì vậy nó mới được công nhận là di tích lịch sử. Theo kế hoạch đã định vào ngày 2 tháng 9 năm 2015, xưởng Ba Son sẽ bị dỡ bỏ đề xây dựng khu thương mại do Đại Hàn làm chủ đầu tư với số vốn 5 tỉ dollars.



                    VÀI HÀNG SƠ LƯỢC VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

Năm 1774, Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn. Song song với việc xây thành Bát Quái (thành Qui - 1790), Nguyễn Ánh đã cho lập xưởng Chu Sư (xưởng Thủy) - Trịnh Hoài Đức trong "Gia Định thành thông chí" đã viết: "Xưởng Chu Sư - ở cách phía Đông thành độ một dặm dọc theo bờ sông Tân Bình quanh theo sông Bình Trị, nhà làm gác để hải đạo thuyền cùng là dụng cụ thủy - chiến xưởng dài đến 3 dặm". Trên bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học ghi rõ: "xưởng Thủy nằm phía Đông thành Bát Quái". Đến những năm đầu thế kỷ 19 xưởng đã mở rộng thành một công trường thủ công lớn: "Nơi sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền, nơi đặt lò đúc các hạng súng lớn nhỏ bằng đồng hay bằng gang, nơi tập trung hàng ngàn công nhân với nhiều ngành chuyên môn khác nhau".


Năm 1861 Pháp hạ Đại Đồn Chí Hòa, chiếm lĩnh Sài Gòn. Ngày 28/4/1863 chính phủ Pháp đã ký nghị định chính thức thành lập Thủy xưởng (Arsenal) Ba Son, đặt trực thuộc Bộ Hải quân Pháp. Trong "Sài Gòn năm xưa" tác giả Vương Hồng Sến viết: "Theo quyển "Promenades dans SaiGon", bà Hilda Arnold ghi: buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên 7.000.000 quan thời ấy để lấp đất và xây các ụ tàu "bassin de radoub" này, để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về tận Pháp quốc. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy nên cái "bassin de radoub" giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay".


Vì tầm quan trọng đó, năm 1884 chính phủ Pháp cho xây dựng thêm một ụ tàu lớn nữa để làm căn cứ sửa chữa tàu cho các hạm đội quân Pháp ở vùng Viễn Đông. Sau khi hiệp định Genève được ký kết, quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, ngày 12/9/1956 Pháp chuyển giao Ba Son lại cho hải quân chính quyền Sài Gòn. Dưới chế độ Sài Gòn cũ, Thủy xưởng Ba Son được đổi tên là Hải quân công xưởng, đặt trực thuộc Bộ Quốc phòng. Sau tháng 4/1975, Hải quân công xưởng được chính quyền Cách mạng tiếp quản và được đổi tên thành Liên hiệp xí nghiệp Ba Son, trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến ngày nay.


Theo sơ đồ tổ chức của Ba Son trước kia, gồm có một phòng thí nghiệm, hai khu, sáu ty và chín xưởng, trong đó có xưởng cơ khí là xưởng ra đời sớm nhất. Dưới thời Pháp, xưởng cơ khí gồm có hai trại tiện và nguội nằm trên diện tích 3.350m2, làm nhiệm vụ sửa chữa, chế tác các cơ phận cho các chiến hạm và quân nhu. Khi Ba Son được giao lại cho hải quân Sài Gòn thì xưởng đặt tên mới là "Ban cơ khí". Năm 1957 đổi tên là "Ty cơ khí", đến năm 1958 lại đặt tên là "Xưởng cơ khí". Danh xưng này được duy trì cho đến ngày nay.


Xưởng cơ khí ngày nay được thu gọn lại trên một diện tích 1.949m2, nằm trên khu nhà cũ của trại tiện. Nhà được xây theo hình chữ nhật, dài 59,8m, rộng 32,6m. Bên trong có 4 hàng gồm 26 cây cột đúc bê tông cốt thép, chống đỡ một sườn sắt, nâng một giàn rui bằng gỗ trên lợp ngói móc. Tường xây bằng gạch, hai bên tường giữa các khoảng cách hàng cột có 52 ô cửa bằng song sắt. Cửa ra vào được làm bằng sắt đẩy về hai phía.


Thủy xưởng Ba Son là một xưởng lớn nhất Sài Gòn, là một trong những nơi tập trung số lượng công nhân đông nhất ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ. Nhằm đào tạo thợ cơ điện người bản xứ cung cấp cho các hãng, xưởng của người Pháp mở tại Sài Gòn, ngày 20/2/1906 chính phủ Pháp ký quyết định thành lập trường cơ khí Á châu tại Sài Gòn (Eécole des mécaniciens Asiatiques de SaiGon - tức trường Kỹ thuật Cao Thắng ngày nay). Xưởng sửa chữa tàu biển Ba Son là xưởng được sử dụng học sinh của trường thực hành tại xưởng và tuyển trực tiếp học sinh học xong tại trường.
                                                                    Nguồn: http://www.ctct.hcmut.edu.vn/?q=node/92
http://www.lichsuvietnam.vn/home.php option=com_content&task=view&id=1880&Itemid=68

GIẢ THIẾT NGUỒN GỐC TÊN BA SON

              Có nhiều thuyết về nguồn gốc đặt tên Ba Son: Một thuyết cho rằng "Ba Son" do danh từ Pháp "Mare aux poissons" gọi tắt lại. Trước kia, giữa khu vực nhà máy Ba Son bây giờ có một con kênh đào tay, nhỏ, nhưng rất nhiều cá tôm. Thuở ấy người Pháp thích đi câu cá ở đây, về sau bị lấp đi nhưng danh vẫn còn. Thuyết khác lại đổ thừa, hồi xưa đã có một anh thợ nguội tên "Son". Anh này là người thứ ba trong gia đình. Anh vào làm sở này, rồi lấy đó đặt tên, nhưng thuyết này vô căn cứ. Thuyết thứ ba cho rằng "Ba Son" do danh từ của Pháp "Bassin de radoub" mà có. "Bassin" = Ba Son.


16/08/2012 08:15 GMT+7
             TT - Khu Ba Son tại TP.HCM hiện nay sẽ được quy hoạch thành khu đô thị hiện đại với chức năng chính là thương mại, giải trí, văn hóa, giáo dục, nhà ở.
Vấn đề bảo tồn các di tích gắn liền với Chủ tịch Tôn Đức Thắng đang được bàn cãi. Đặc biệt, công trình ụ tàu cổ tồn tại từ 1888 đến nay có nguy cơ bị xóa sổ. Ngành văn hóa TP.HCM đang đấu tranh để giữ lại.
            Sở VH-TT&DL TP.HCM vừa có cuộc họp hôm 7-8 với Công ty Ba Son, các sở ngành liên quan đến dự án quy hoạch xây dựng khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son thuộc khu vực bờ tây sông Sài Gòn (trong tổng thể khu vực trung tâm TP.HCM mở rộng, khoảng 930ha). Tại đây, ý kiến về bảo tồn khu vực ụ tàu cổ và khu nhà xưởng được hiểu là nơi làm việc ngày xưa của Bác Tôn vẫn còn chênh nhau.
                  Lịch sử qua ụ tàu trăm tuổi
               Về tầm vóc, cái ụ tàu (nơi neo đậu của các tàu để sửa chữa) trong khu Ba Son gắn liền với lịch sử giao thông đường thủy của Sài Gòn và thủy quân Việt Nam từ thời chúa Nguyễn. Bởi từ khi xây dựng thành Quy năm 1790, Nguyễn Ánh đã cho lập xưởng chu sư ở phía đông thành, và đến đầu thế kỷ 19 thì nơi đây là công trường thủ công lớn “sản xuất, sửa chữa mọi loại chiến thuyền”.
           Thủy xưởng Ba Son gắn liền với sự ra đời của Trường cơ khí Á Châu (tiền thân của Trường kỹ thuật Cao Thắng ngày nay) - nơi người thanh niên Tôn Đức Thắng đã theo học từ năm 1915-1917, vừa học vừa tập làm thợ tại xưởng cơ khí của thủy xưởng Ba Son. Nơi đây còn chứng kiến phong trào công nhân Sài Gòn đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Công hội đỏ do Bác Tôn thành lập. Vì những gắn bó và để tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ngày 12-8-1993 Bộ Văn hóa - thông tin đã xếp hạng xưởng cơ khí trong khu Ba Son - “địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng” - là di tích lịch sử quốc gia.
            Đại diện Sở VH-TT&DL TP.HCM, ban quản lý di tích, phòng di sản văn hóa khẳng định nên thực hiện theo Luật di sản văn hóa đối với khu vực xưởng cơ khí đã được công nhận là di tích: hơn 6.000m2. Đồng thời, khu vực ụ tàu cổ có từ năm 1888 cũng đã được Sở VH-TT&DL gửi văn bản ngày 31-8-2009 lên Cục Di sản văn hóa đề nghị bổ sung ụ tàu vào khu vực cấu thành di tích và xác lập lại bản vẽ khoanh vùng bảo vệ di tích. Sau đó, Cục Di sản cũng đã có văn bản vào ngày 17-11-2009 trả lời: Nhất trí với đề nghị của Sở VH-TT&DL TP.HCM.
             Cần bảo tồn nguyên trạng
           Ụ tàu là một phần di tích đã được đồng ý bổ sung vào khu vực đã xếp hạng. Thế nhưng, nội dung bảo tồn ụ tàu không hiện diện trong “Phương án bảo tồn di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xưởng cơ khí thuộc XNLH Ba Son” của Bộ Quốc phòng. Khu vực nhà xưởng cơ khí cũng sẽ chỉ được “tu bổ nguyên trạng nội thất một phần”, và “cải tạo một phần diện tích nhà xưởng để làm nhà truyền thống XNLH Ba Son”.
          Bà Vũ Kim Anh - phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM - cho rằng nói cải tạo một phần thì một phần đó cụ thể là bao nhiêu, vấn đề này cần phải làm cho thông mới được. Ông Phạm Thành Nam - trưởng phòng quản lý di sản Sở VH-TT&DL TP.HCM - cũng bày tỏ lo ngại trước phương án của Bộ Quốc phòng, bởi khu vực nhà xưởng đã được khoanh vùng bảo vệ, do vậy không thể tiến hành tu bổ nội thất và cải tạo diện tích do lẽ các hoạt động này chắc chắn làm thay đổi hiện trạng của di tích, “điều này sẽ tạo tiền lệ không tốt cho các trường hợp quy hoạch, xây dựng liên quan đến di tích, họ sẽ nại trường hợp Ba Son ra để làm thay đổi di tích thì thật nguy hiểm”.
           Phía Bộ Quốc phòng, đại diện Công ty Ba Son tại cuộc họp cho rằng thật khó khăn khi bảo tồn nguyên trạng một ụ tàu giữa công trình thủy công lớn như khu phức hợp Ba Son. Nhưng đại diện văn phòng UBND TP.HCM cho rằng ngành văn hóa sẽ có phương án bảo tồn, và các bên nên ngồi lại với nhau để bàn tiếp về việc bảo tồn này. Sở Quy hoạch - kiến trúc cũng dẫn quan điểm của Nikken Sekkei (nhà tư vấn Nhật Bản của quy hoạch khu bờ tây sông Sài Gòn) rằng cần bảo tồn nguyên trạng ụ tàu cổ và xưởng cơ khí.

          Theo tài liệu của Sở VH-TT&DL TP.HCM, ụ tàu trong khu Ba Son còn lại hiện nay được Chính phủ Pháp xây dựng từ năm 1884, khánh thành năm 1888. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp rút khỏi Đông Dương và Ba Son được Pháp chuyển giao lại cho hải quân chính quyền Sài Gòn từ ngày 12-9-1956. Dưới chế độ Sài Gòn cũ, thủy xưởng Ba Son được đổi tên là hải quân công xưởng, đặt trực thuộc bộ quốc phòng. Sau tháng 4-1975, hải quân công xưởng được chính quyền cách mạng tiếp quản và đổi tên thành Xí nghiệp liên hiệp Ba Son, trực thuộc Bộ Quốc phòng cho đến ngày nay
Thái độ với di tích là thái độ với lịch sử
         Di tích “Sài Gòn 300 năm” thuộc loại hình di tích “khảo cổ học công nghiệp và đô thị” ghi dấu những giai đoạn lịch sử liên tục của thành phố. Đây cũng là một ưu thế của di sản lịch sử thành phố khi so sánh với những thành phố khác trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa chung của cả nước. Từ góc độ khảo cổ học đô thị thì cần thiết phải bảo tồn toàn bộ những di tích lịch sử phản ánh quá trình đô thị hóa của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, mà hiện nay, trải qua nhiều biến động xã hội, loại hình di tích này còn lại không nhiều!
         Một trong những di tích đó là xưởng đóng tàu Ba Son. Ngoài việc nơi đây là cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Sài Gòn - Gia Định, trong đó có vai trò quan trọng của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng, Công xưởng Ba Son còn là chứng tích của ngành đóng tàu Việt Nam từ “xưởng thủy” thời chúa Nguyễn (thế kỷ 18) và được “hiện đại” lần thứ nhất vào thời Pháp, mà chứng tích hiện thời chỉ còn lại hai ụ tàu và khu nhà xưởng xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19. Công xưởng Ba Son đã ghi dấu về sự hình thành và phát triển ngành đóng tàu Việt Nam, và đó không chỉ là sự phát triển của một ngành công nghiệp, mà còn là bằng chứng của một nền kinh tế biển góp phần khẳng định Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền biển từ lâu đời. Chính vì ý nghĩa quan trọng đó mà Công xưởng Ba Son đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
          Cần khẳng định một điều: Những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm ở bất cứ địa phương nào, trước hết là di tích của cả nước. Vì vậy, thái độ ứng xử với di tích quốc gia chính là thái độ đối với lịch sử đất nước. Trong cơn lốc hiện đại hóa những di tích văn hóa đô thị luôn bị đặt trên bàn cân giữa bảo tồn và phát triển: phá hủy di tích để xây dựng một khu dân cư mới và hiện đại hơn. Những thành phố với kiến trúc mới tự nó chưa đủ để mang nghĩa là một thành phố hiện đại, mà một thành phố hiện đại phải là một thành phố có sự quy hoạch cân bằng giữa không gian đô thị mới và không gian ký ức lịch sử của chính nó. Thiếu vắng không gian lịch sử, thành phố mới trở nên vô hồn. Ký ức lịch sử là mạch ngầm nuôi dưỡng thành phố phát triển bền vững.
          Nếu một thế hệ phá bỏ di sản văn hóa đã là đặt một bậc thang cho những thế hệ sau tiếp tục xóa hết chứng tích lịch sử của một thành phố, một quốc gia.
LAM ĐIỀN

"Cả Việt Nam chỉ có duy nhất một ụ tàu cổ ở Ba Son này thôi, nó là hiện thân của ngành công nghiệp tàu thủy tại Việt Nam từ rất sớm còn nguyên đến bây giờ, bây giờ mình phá đi thì sau này ăn nói thế nào với các thế hệ con cháu"
 Vũ Kim Anh (phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM)

“Hiện nay có một số ý tưởng, dự án xây dựng khu thương mại phức hợp Ba Son - Sài Gòn và cũng có ý tưởng phá bỏ Ụ tàu lớn, thay vào đó là sẽ làm mô hình đem trưng bày trong xưởng cơ khí. Làm như thế là vi phạm Luật Di sản văn hóa” 
Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL TP.HCM nói.

Các bạn có thề đọc thêm ở các tư liệu sau:

http://www.entreprises-coloniales.fr/inde-indochine/Arsenal-Marine-Saigon.pdf

Date with the Wrecker’s Ball: Ba Son Shipyard - http://www.historicvietnam.com/ba-son-shipyard/

1 nhận xét:

  1. Đây la` một mie^'ng đất "vàng" ở trung tâm thành phố SaiGon, các
    tư bản đỏ đang ngha'm nghía thèm thuồng!

    Trả lờiXóa

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...