Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Những công trình trong ký ức


Nhà ga Sài Gòn


Nói đến nhà ga Sài Gòn, ngày nay, không ít những người dân sống ở đây thuộc thế hệ sinh sau năm 1985 có thể biết đến nhà ga cũ mà chỉ biết nhà ga mới tại Hòa Hưng. Thật vậy nhà ga cũ Sài Gòn giờ chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi thôi. Nơi đây một thời diễn ra sinh hoạt nhộn nhịp các hoạt động đi lại của các hành khách Trung Nam Bắc, những chuyến hàng lên xuống các toa, tiếng rao lanh lãnh của bạn hành mời mọc khách cộng với tiếng xe lam và xích lô máy, tiếng lốc cốc của xe ngựa đã tạo nên một bức tranh sinh động giữa lòng thành phố. Những hình ảnh, âm thanh đó dần đi vào quá khứ quên lãng nhường chổ cho sự phát triển đô thị là một khách sạn hiện đại và một công viên cây xanh.
Trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập tới nhà ga Sài Gòn những năm tháng 1960 - 1975 vì có rất nhiều bài khảo cứu về hoạt động hỏa xa thành phố của các học giả uy tín đã viết rồi. Chỉ vài dòng sơ lược về sự ra đời của nhà ga cho chúng ta những hình dung lại những khung cảnh còn đọng lại trong ký ức.



Xe lửa trên bến le Myre de Villers

Sau khi chiếm Nam Kỳ. thực dân Pháp đã quy hoạch thành phố Sài Gòn thành trung tâm chính trị - kinh tế của một Cochinchine thuộc địa. Ngoài việc xây dựng các công trình kiến trúc, giao thông công cộng là một vấn đề đặt lên hàng đầu trong đó là việc phát triễn hệ thống xe tramway và xa hơn là xe lửa nối liền ba kỳ xa nhất là từ Lạng Sơn đến tận cùng là nhà ga Mỹ Tho. Ban đầu tại Sài Gòn hệ thống xe tramway và xe lửa còn nằm tại bến le Myre de Villers về sau là bến Bạch Đằng và kéo dài theo đường Canton/ La Somme (Hàm Nghi), đó là những năm 1881. Về sau người Pháp cho xây dựng một xưởng bảo trì nằm cuối đường Canton trong khu Marais de Boresse lấy tên của một viên thiếu úy hải quạn Pháp tên là Leon Duhamel Boresse (1830 - 1866) được đô đốc Jauréguiberry chỉ định thiết lập cảnh sát và cơ quan hành chánh Sài Gòn sau khi Pháp chiếm, có đi cùng với phái bộ Phan Thanh Giản trở về Sài Gòn năm 1864 sau khi phái đoàn qua Pháp điều đình. Xưởng bảo trì này đầu thế kỷ 20 (năm 1915) trở thành nhà ga Sài Gòn sau khi người Pháp lấp và nâng cao khu Marais de Boresse để xây Halles centrale (chợ Bến Thành) và từ đó số phận của nhà ga này tồn tại cho đến khi phá bõ hoàn toàn vào năm 1998 thay vào đó là khách sạn New World và công viên 23/9.


Marais de Boresse trong bản đồ 1878


Vị trí xưởng bảo trì xe lửa đầu tiên

Chúng ta xem đoạn văn mô tả về khu Marais de Boresse trong bài Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển: "Con đường Boresse cũ (nay là đường Yersin) thời đó là một con đường kỳ lạ nhứt. Hai bên đường chòi lá lụp xụp, ẩm thấp, bầy hầy. Đây là xóm Mọi Lào, trong số Chàm, Miên, Lào đều có, đời đàng cựu bị bắt bán mọi, nay người Pháp đánh đòn tâm lý, ra lịnh phóng thích và cho phép tụ họp nơi con đường này. Họ sanh nhai bằng nghề ít vốn là lên rừng đốn lá dừa nước đem về đương gàu lá để múc nước giếng.
Sau này bọn Mọi Lào đều chết già hoặc chết lần mòn hoặc giả di cư theo con cháu đi làm ăn xứ khác. Đường Borresse cũng như đường Lefèbvre, đổi lại một nghề mới không thua sự quái gở là gái mãi dâm làm ăn công khai ngoài đường từ chạng vạng nhá nhem cho đến khuya lơ khuya lắc, tụ tập ngoài phố lả lơi níu kéo, bày trò khả ố, má trét phấn chì môi bết giấy khói nhang, đem đổi rẻ một hai hào bạc. Cô nào tốt số gặp khách sộp cho năm cắc một đồng bạc, còn coi quý hơn tờ giấy bạc một trăm hai trăm bây giờ; qua ngày sau, tiếng đồn rùm, tặng đó là “huê khôi” phở lở! Danh từ “đ… Bồ Rệt” có thua gì danh từ “Anh chị Bồn Kèn”.
Năm 1913, xã trưởng Cuniac sai lấp ao lầy “Marais de Boresse” và xây cất tòa Chợ Mới. Bọn gái mãi dâm châu Âu, gồm gái tứ chiếng: Hy Lạp, Lỗ Mã Ni (Rumanie), Ba Nhĩ Cán (Balkan) không ưa gần gụi gái “Bồ Rệt”, lập riêng xóm Bình Khang đường Fillippini, d’Espagne và Mac Mahon. Chiều chiều lính sơn đá cười giỡn trêu đùa ngoài đường, đánh ma ní tay tư (Mannille à quatre) thua phải trả bốn cốc khai vị (consomation), vừa đúng 8 cắc bạc (0$80) đã là sạch túi! (Bạc quan thời ấy tính một đồng bạc Đông Dương ăn 2,15franc đến 2,20franc)".





Quảng trường Eugène Cuniac và nhà ga mới





Bên trong nhà ga mới





Vị trí nhà ga Sài Gòn trong bản đồ 1920

Về mặt kiến trúc thì nhà ga Sài Gòn không có gì đặc sắc ngoài những dãy nhà làm việc, phòng vé, nhà chờ tất cả đều cũ kỹ theo thời gian. Thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã có phương án di dời nhà ga thay vào đó là một khu phức hợp thương mại gồm 3 tòa nhà mỗi tòa cao 40 tầng để thay thế cho chợ Bến Thành do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ. Dự kiến khởi công năm 1962 nhưng do tình hình bất ổn dẫn đến sự sụp đỗ của chế độ Ngô Đình Diệm kế hoạch cũng đã ngưng. Về sau trong kế hoạch hậu chiến của chế độ VNCH nếu tình hình thuận lợi thì nhà ga Sài Gòn sẽ bị phá bõ thay thế bằng một công viên trong đó có tượng đài tưởng niệm các binh sĩ đồng minh và một lần nữa kế hoạch cũng không thành.

Nhà ga Sài Gòn vẫn hoạt động tuyến Trung Nam Bắc sau hiệp định Genève 1954. Năm 1958 chính quyền Ngô Đình Diệm ngưng tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho và năm 1962 ngưng tuyến xe lửa Nam Bắc cùng với liên lạc thư từ. Sau năm 1962 nhà ga chỉ còn đảm trách Trung Nam và vài năm sau tình hình chiến sự trở nên bất ổn, tuyến xe lửa bị đặt mìn phá hoại, chính quyền Sài Gòn đã cho ngưng hoạt động. Đến năm 1973 nối lại hoạt động xe lửa đầu tiên là tuyến Sài Gòn - Biên Hòa.


Xe lửa bị đặt mìn phá hoại



Những toa quân sự bảo vệ cho đoàn tàu





Nhà ga Sài Gòn nhìn từ công trường Quách Thị Trang


Nhà ga Sài Gòn nhìn từ đường Phạm Ngũ Lão



Nhà ga Sài Gòn nhìn từ đường Lê Lai



Bờ tường Nhà ga Sài Gòn  


Nhà ga Sài Gòn nhìn từ cao





















Những chuyến tàu đi và về

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...