Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

 Xin giới thiệu với các bạn Lê Quý Đôn bài viết của bạn Tố Hồng, một học sinh tiểu học ngày nào nói về những ký ức của mình. 

                            Trang Weisse Rose: Con ve sầu Lê Quí Đôn


Thi tuyển vào trường Lê Quí Đôn

Tôi học trường Lê Quí Đôn từ năm lớp một (niên khoá 1969-1970 ) đến năm lớp mười.

Tôi còn nhớ là hồi đó muốn vào học trường LQD thì phải qua một kỳ thi tuyển kiểu trắc nghiệm IQ. Tôi chỉ nhớ là hôm đó ba tôi chở tôi đến trường LQD để dự kỳ thi tuyển vào lớp một. Tôi được các cô dắt vào một phòng học thuộc khu tiểu học của trường, hình như là vô cổng phía đường Lê Quí Đôn. Tôi không nhớ trong đám con nít loai choai đó thì những cô cậu tí hon này ai về sau cùng học chung với tôi vì lúc đó tôi rất hồi hộp. Từ cả mấy ngày trước tôi đã được ba mẹ tôi kèm ...kẹp làm các bài trắc nghiệm mẫu với hy vọng có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn. Phải kể thêm rằng trường LQD là một trong những trường dạy cả hai chương trình Pháp và Việt, nhưng nghiêng về tiếng Việt hơn, khác với các trường như Couvent, Saint-Ex, Marie-Curie ...Vì trong gia đình tôi, chỉ có .... ông ngoại tôi là biết tiếng Pháp, còn ba mẹ tôi đều học sinh ngữ chính là Anh văn, nhưng vì nể ông ngoại nên ba mẹ tôi đồng ý cho tôi học trường có dạy tiếng Pháp. Có lẽ vì lý do đó mà ba mẹ tôi chọn trường LQD, có tiếng Pháp nhưng không ... nhiều lắm để còn có cơ hội .... kiểm soát trình độ học vấn của tôi.


Trở lại với việc thi tuyển thì hôm đó tôi quá hồi hộp nên chỉ còn nhớ mỗi một bài gì có nhiều vòng tròn to nhỏ khác nhau mà mình phải xếp nó vào từng nhóm tương tự như một nhóm hình mẫu đưa ra. Có lẽ đó là bài ...khó nhất đối với tôi nên nó in sâu vào trí nhớ ... kém cỏi của tôi, bỏi vì tôi rất dốt ...logic. Một người bạn kể lại, bài khó nhất đối với bạn ấy là hồi đó LQD không biết thế nào mà lại cho ra những câu như vẽ thêm khói (hay ống khói) trên một căn nhà. Mình là con nít Việt nam, đâu phải Tây con đâu mà có khái niệm về ống khói nên bạn ấy ... mù tịt. Tôi cứ nghĩ mình chắc không vào nổi trường LQD và đã tự vẽ cho mình một tương lai ... đen tối khi phải học ở Regina Pacis, một trường dòng nữ tu ở gần nhà tôi.

Hôm đi xem kết quả là ngày mà ba tôi mỗi lần nhắc đến hay đùa gọi là "song hỷ" vì cả hai cha con tôi đều có tên trong bảng ghi tên những thí sinh trúng tuyển, tôi được vào học trường LQD, ba tôi thi đậu vào trường đại học Luật Khoa. Số ba tôi hơi kém may mắn vì ba tôi và ông nội cũng đi ... vượt biên từ Bắc vào Nam. Ông nội tôi không được đi di cư chính thức vào năm 1954 mà lúc đó ông nội tôi bị giam ở trại tù Lý Bá Sơ vì tội làm ... địa chủ. Ông nội trốn ra tù và chỉ mang được ba tôi đi theo nên khi vào trong Sàigòn, hai cha con phải sống rất vất vả. Ba tôi vừa đi học vừa đi làm nên bao giờ cũng ì ạch theo sau bạn bè, không có cả thì giờ để đi ...cua gái. Ba tôi lấy mẹ tôi do sự mai mối của bác tôi. Ông làm trong bệnh viện nơi ba tôi đi làm thêm buổi tối, thấy ba tôi cần cù nên "giới thiệu" ba tôi với ... ông ngoại tôi. Ông ngoại tôi "chấm" ba, có lẽ vì chỉ có ba tôi mới có thể đem lại hạnh phúc cho mẹ tôi, người ...chẳng biết làm gì hết. Tôi lại đi xa quá rồi. Hôm biết được tôi trúng tuyển, hai cha con tôi đi ăn kem (Brodar?) ở đường Nguyễn Huệ. Đó là ngày vui nhất đời tôi. Sau này các em tôi không đứa nào thi đậu vào LQD cả mặc dù tụi nó học giỏi hơn tôi, năm nào cũng lãnh phần thưởng ưu hạng (cứ đến cuối năm học thì sẽ tổng kết kết quả học cả năm, nếu trong toàn năm học, tháng nào bạn cũng được xếp nhất lớp thì cuối năm sẽ được lãnh phần thưởng ưu hạng). Còn tôi, năm "oách" nhất được xếp hạng nhì là... chấm hết. Vậy chứ cái hạng nhì hay hạng ba hay bất cứ hạng nào của tôi cũng đều được coi là hạng ... nhất hết (tội nghiệp cho mấy đứa em tôi bị ...thiên vị). Thế mới biết, được là "học sinh Lê Quí Đôn" có giá trị tầm cỡ nào.

Tôi vào học lớp 1/6, lớp lẫn lộn con trai con gái và cũng hay được xếp vào lớp học ... bê bối (một từ đồng nghĩa với ... dốt) nhất. Nhưng đối với tôi, lớp "hổ lốn" này đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Sau này, qua lời kể lại của một người bạn, tôi mới biết là chia lớp học ra sao. Đại khái là như vầy: lúc thi vào LQD tiểu học thì mỗi bé dự thi phải làm bài và được chấm điểm. Khi phân lớp bé được điểm cao nhất học lớp 1/1, bé hạng nhì học lớp 1/2, bé hạng ba hoc lớp 1/3, cứ như vậy vòng vòng rồi trở lại, mục đích là để cho tất cả các lớp sẽ có trình độ trung bình tương đương như nhau. Ngoài ra mỗi lớp cũng phải có một số học sinh khá giống nhau. Nhưng vì phải chia lớp con trai và con gái nên đôi khi cũng cần ''nhảy'' hàng và vì số học sinh nam và nữ không quân bình (có lẽ là con trai nhiều hơn?), nên cuối cùng cũng phải có một lớp có cả con trai và con gái. Cũng theo như lời người bạn kể thì bé đậu hạng nhất là một cậu, còn bé đậu hạng nhì là một cô, nhưng ban Giám hiệu "ưu tiên cho các ladies" nên lớp 1/1 là lớp con gái. Anh chàng đậu đầu lại học lớp 1/2. “Ladies first” không phải chỉ riêng trường LQD mà các trường khác của miền Nam cũng đều làm như vậy cả. Đây là tập quán của Pháp mà hệ thống giáo dục của miền Nam vẫn theo. Khi nào thi mà 3,4 học sinh đầu đều là con trai hết thì lớp 1/1 mới là lớp con trai, còn nếu hạng nhất là con trai mà hạng nhì là con gái thì lớp 1/1 sẽ là lớp con gái.

Tôi học lớp 1/6 nhưng không vì thế lấy làm buồn. Cái lớp 1/6 hằm bà lằng xá cấu này có nhiều chuyện vui mà khi nào rảnh tôi sẽ kể cho các bạn nghe. Theo tập quán Pháp thì trong lớp hỗn tạp (hỗn ...độn và hỗn ... láo thì đúng hơn) con trai con gái này, các nữ sinh sẽ ngồi bàn trước, còn các cậu thì phải ngồi bàn sau. Trừ phi nếu số nam và nữ tương đương thì có thể chia ra mỗi bên ngồi một nửa lớp.

Tôi còn giữ một tấm hình chụp của lớp. Trong đám ấy tôi chỉ còn giữ được liên lạc với vài bạn mà thôi vì sau năm 75, chúng tôi một phần bị chia ra các lớp khác nhau nhưng phần đông là theo gia đình đi vượt biên. Tôi vẫn mong có ngày được gặp lại tất cả các bạn để cùng nhau nhớ lại một đoạn đời thời học trò ... huy hoàng của tôi.


1 nhận xét:

  1. Nên đăng tấm hình củ lớp học vào bài này!

    Trả lờiXóa

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...