Thành Martin des
Pallières - Caserne du llème R.l.C. - Thành Cộng Hòa
Ngày
hôm nay nếu nói về thành Cộng Hòa hay các tên cũ của nó chỉ có những người lớn
tuổi đã sinh ra và sống tại đây mới biết, còn thế hệ sinh ra từ năm 1970 về sau
không có ý niệm gì về thành này cả.
Thành
này được xây trên nền của thành Phụng từ năm 1870 đến năm 1873 từ bản thiết kế
của Varaigne và A.Dupommier. Kiểu mẫu thành sau này được các thành
khác và nhà thương Grall sử dụng. Khi xây xong thành được đặt tên là
thành Martin des Pallières theo tên của vị tướng
Pháp Charles Gabriel Félicité Martin des Pallières sinh 22 tháng
9 năm 1823 tại Courbevoie (Seine) và mất 10 tháng 11 1876 tại Palaiseau (Seine-et-Oise).
Thành là căn cứ đầu tiên của Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ (Régiment de
marche de Cochinchine), được thành lập năm 1869. Vê sau 1890, Trung đoàn được tổ
chức lại gọi là régiments d'infanterie de marine với các trung đoàn số 8,
10 và 11. Riêng trung đoàn số 11 tiếp nhận thành Martin des Pallières là bản
doanh (11ème régiment d'infanterie de marine - 11ème RIM). Năm 1900,
trung đoàn đổi tên là Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 (11ème
régiment d'infanterie coloniale - 11ème RIC). Người dân Sài Gòn thời đó gọi
nơi này là trại Ông-dèm hay thành Ông-dèm, từ chữ onzième
có nghĩa là thứ mười một.
Còn
thành Phụng còn gọi là thành Gia Định do vua Minh Mạng ra lệnh xây dựng vào năm
1837 sau khi phá thành Bát Quái còn gọi là thành Quy. Ngày 17 tháng
2 năm 1859, quân Pháp mở cuộc tấn công thành Phụng và một ngày sau
thì chiếm được thành. Ngày 8 tháng 3 năm 1859, quân Pháp đốt
cháy kho tàng, phá hủy thành Phụng và rút ra để tránh quân triều
đình nhà Nguyễn tấn công đánh chiếm lại thành. Về sau năm 1870 Pháp lấy vật liệu
sắt và gạch từ thành Phụng và xây nên thành Martin des Pallières trên
phân nửa diện tích thành Phụng. Như vậy thành Martin des Pallières là
một hình chữ nhật có các cạnh là đường Norodom (Thống Nhất), đường Chasseloup
Laubat (Hồng Thập Tự), đường Bangkok (Mạc Đĩnh Chi) và đường Tây Ninh -
Rousseau (Nguyễn Bĩnh Khiêm).
Bản đồ Sài Gòn năm 1867
Vị trí thành Phụng so với thành Bát Quái
Bản đồ Sài Gòn đầu thế kỷ XX
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, sau cuộc đảo chánh,
người Nhật đã bắt tất cả người Pháp tại Sài Gòn giam giữ tại đây đến tháng chín
năm 1945. Khi
quân Anh vào Sài Gòn để làm nhiệm vụ giải giới quân Nhật, nhằm nhanh chóng nắm quyền
kiểm soát tình hình, chỉ huy quân Anh tại Đông Dương là tướng Douglas
Gracey đã ra lệnh phóng thích và trang bị cho người Pháp tại Nam Bộ, đặc
biệt là với các binh lính Pháp bị giam tại trại Ông-dèm. Chính lực lượng của
Trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 11 (11ème RIC), cùng với Trung đoàn bộ binh
thuộc địa thứ 5 (5è RIC) mới thành lập, đã cùng quân Anh nổ súng tái chiếm
Sài Gòn ngày 23 tháng 9 năm 1945. (Nguồn Wikipedia)
Năm 1954, quân đội Pháp bàn giao các phương tiện và
cơ sở vật chất cho chính quyền Quốc gia Việt Nam, trong đó có cả trại Ông-dèm.
Nhằm tăng cường lực lượng quân sự để đối phó với lực lượng Bình
Xuyên chống chính phủ, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình
Diệm đã cho điều một số tiểu đoàn trung thành với chính phủ vào nội đô Sài
Gòn, đóng tại thành Ông-dèm. Nhờ sự chuẩn bị này, khi quân Bình Xuyên nổ súng
tần công thành, quân chính phủ nhanh chóng đập tan cuộc tiến công, đẩy lùi lực
lượng Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn. Sau khi lên ngôi vị Tổng thống, nhằm xóa
bỏ các tàn dư văn hóa của chế độ thực dân, đồng thời kỷ niệm chính thể
mới, Ngô Đình Diệm đã cho đổi tên trại Ông-dèm thành thành
Cộng Hòa. (Nguồn Wikipedia)
Thành Cộng Hòa với những biến động của nền Đệ
nhất Cộng Hòa
Thành Cộng Hòa trở thành nơi đồn trú của Tiểu
đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Tiểu đoàn nhanh chóng được nâng lên thành Liên
đoàn rồi Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống. Tuy quân số bằng một trung đoàn bộ
binh, khả năng chiến đấu của Lữ đoàn Phòng vệ tương đương với một sư đoàn nhờ
binh sĩ thiện chiến và trang bị vũ khí tối tân (pháo binh, thiết giáp và phòng
không). Vào lúc cao điểm, lực lượng phòng vệ còn có cả một liên chi đoàn thiết
giáp, gồm 1 Chi đoàn Chiến xa M-24, 1 Chi đoàn Thiết vận xa M-113 và 1 Chi đội
Thám thính xa M-8.
Trong cuộc đảo chính ngày 11 tháng 11
năm 1960, ngay từ những phút đầu, quân đảo chính đã kiểm soát được nhiều vị trí
quan trọng như chiếm nhà Bưu điện Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu, Căn cứ không quân
Tân Sơn Nhứt, Nha Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia và Nha Cảnh sát đô thành, Bộ
Tư lệnh Thủ đô, tuy nhiên sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng Liên binh Phòng
vệ Phủ Tổng thống cộng với sự do dự của các chỉ huy quân đảo chính nên thành
Cộng Hòa và Phủ Tổng thống vẫn không bị thất thủ. Nhờ đó, lực lượng quân đội
trung thành với chính phủ có thời gian để tiến vào nội đô để trấn áp quân đảo
chính.
Tuy nhiên, trong cuộc đảo chính ngày 1
tháng 11 năm 1963, các chỉ huy quân đảo chính đã rút kinh nghiệm. Việc chỉ huy
trưởng của Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống Phủ, Trung tá Nguyễn Ngọc
Khôi, bị bắt giam ngay từ phút đầu đảo chính, đã làm giảm đáng kể khả năng tổ
chức chống đảo chính của lực lượng này. Mặc dù vậy, dù tấn công quyết liệt,
quân đảo chính vẫn không thể công chiếm được thành Cộng Hòa. Mãi đến đến rạng
sáng ngày 2 tháng 11 thì lực lượng này mới buông súng theo lệnh của tổng thống
Diệm, để Đại tá Nguyễn Văn Thiệu đem 1 trung đội vào tiếp thu. (Nguồn
Wikipedia)
Một số hình về thành Cộng Hòa trong cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963
Liên
binh Phòng vệ Phủ Tổng thống bị quân đảo chánh giải thể. Năm 1967 lực lượng này
được phục hồi lại nhưng đặt trong dinh Độc Lập nằm ở đường Nguyễn Du. Ngày 14 tháng 12 năm 1963, Hội đồng Quân nhân Cách mạng ra quyết
định giao khu vực thành Cộng Hòa cho Bộ Giáo dục để thiết lập một khu Đại học
và cắt đôi thành Cộng Hòa ra làm hai và cho xây dựng đại lộ Cường Để nối với
đường Đinh Tiên Hoàng và đoạn đường đi ra bến Bạch Đằng. Đầu tiên là dời đại
học văn khoa từ khu vực sau này là thư viện quốc gia về, đại học dược từ số 28
trần Quý Cáp về và thành lập đại học nông lâm súc. Năm 1966, lấy một phần đất
của khu vực nhà ăn nằm bên đường Hồng Thập Tự để xây dựng đài truyền hình Việt
Nam kênh 9 và đài truyền hình ARFVN kênh 11. Bên cạnh hai đài này là Cục tâm lý
chiến với đài Mẹ Việt Nam, gươm thiên ái quốc mà bí danh là "biệt thự số 7
Hồng Thập Tự". Ở góc Hồng Thập Tự - Nguyễn Bĩnh Khiêm là cư xá sĩ quan 2 còn gọi là cư
xá Thành Tín đã bị phá sập bởi bom của quân đảo chánh. Như thế số phận của
thành Cộng Hòa đã bị xóa sổ từ đây và phai mờ trong trí nhớ người dân Sài Gòn
kể từ đó.
Ngày
xưa khi còn học trường Lamartine, mỗi ngày tôi thường đi bộ đi học qua đây.
Thành Cộng Hòa là một phần kỷ niệm trong đời của tôi. Ngày nay ít còn ai biết
đến thành Cộng Hòa hay thành Ông-dèm. Khu vực này đã biến đổi nhiều, nhiều
tòa nhà mọc lên che lấp những gì của dấu vết xưa còn sót lại.
Thành Cộng Hòa bên đường Thống Nhứt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét