SÀI GÒN CẢNH CŨ ĐƯỜNG XƯA
---------------------------------------
Mỹ
Phước Nguyễn Thanh
THƯƠNG CẢNG
Thương Cảng kéo dài từ Cột cờ Thủ
Ngữ đến Công trường Một Hình (Công trường Mê Linh). Ngày xưa bờ sông này đứt
đoạn vì những dòng rạch từ trong thành phố chảy ra, có cầu ván cao cho ghe
thuyền chui qua lại. Gần Cột cờ hơn cả là Rạch Cầu Sấu, được đặt tên như vậy vì
xưa kia có trại nuôi cá sấu để bán thịt. Kế đến là Rạch Sa Ngư. Sa ngư là cá
xà, địa danh mang tên loài cá nhám, tuy sống ở biển nhưng có thể thích nghi
nước ngọt, bơi ngược vào sông để săn mồi. Theo Bác sĩ Tirant, vào khoảng năm
1880 ông còn thấy các dân chài thường bắt được cá này tận trên Thủ Dầu Một và
hằng ngày thấy cá bày bán ở chợ.
Công
trường Một Hình
Bờ
sông bên cửa hai rạch nói trên là nơi ghe thuyền đến bán buôn tấp nập vào đầu
thế kỷ XIX, đây chính là Chợ Bến Thành "nguyên thủy", khu chợ này còn
hoạt động trong nhiều năm sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn. Năm 1861, theo Hải
quân Đại úy Pallu de la Barrière, chợ trông giống một gian nhà kho xiêu vẹo,
hầu như sắp sụp về một bên. Năm 1862, Đại úy De Grammont chứng kiến ngôi chợ
được xây lại là những gian nhà to lợp ngói, trống vách, lấn ra đường ven bến
sông, người buôn bán tụ tập đông đảo nên thường làm nghẽn lưu thông. Năm 1864,
Nhà Du hành Devay cũng thấy ngôi chợ có mái che, người mua kẻ bán đông đảo náo
nhiệt. Tuy nhiên bến dọc bờ sông chưa thật sự thành hình, có khá nhiều cầu tàu
nhưng hầu hết chỉ xây tạm bằng gỗ.
Vào tháng 6 năm 1862, chính quyền Pháp chia
đất thành từng lô bán đấu giá. Luật lệ quy định nhà xây trên bến phải thẳng
hàng nhau và giữ khoảng cách tối thiểu đến bờ sông, không như trước kia nhà
thường xây theo đường cong queo thiếu trật tự và có khi đứng quá gần sông. Vào năm 1864, các nhà thầu khoán
Hoa kiều san bằng mặt đất, cắm cọc ven bờ
sông để xây các bến dài 1800 m, một nhà thầu khác nạo vét Rạch Sa Ngư mà người
Pháp gọi là Grand Canal, người Việt còn gọi là Kinh Chợ Vải. Bên cạnh con kinh
này người ta bắt đầu xây ngôi chợ mới (ở chỗ Kho Bạc, giữa Đại lộ Nguyễn Huệ và
Đường Võ Di Nguy).
Năm 1865, ngôi chợ ven sông đã bị giải tỏa.
Đường bờ sông đổi tên từ Donnai thành Napoléon, được sửa sang lại, rộng tới 50
mét, phân chia thành những lối đi trải cát và những khoảnh đất phủ cỏ, trồng
hoa, trồng cây che bóng mát. Dãy nhà khang trang, thẳng tắp gồm các hiệu buôn,
tạp hóa, quán cà phê, v. v. hướng ra khu du ngoạn thú vị này, nơi được dự định biến thành "một trong những
đường dạo chơi đẹp nhất hoàn cầu" khi bốn hàng cây me trở nên cao lớn, rậm
rạp. Nhưng mấy thập niên trôi qua, ý định làm đẹp bờ sông vẫn chưa thực hiện,
vì đây là khu kỹ nghệ. Tại Cầu tàu Canton (ở đầu Đại lộ Hàm Nghi) và Cầu tàu
Charner (ở đầu Đại lộ Nguyễn Huệ), nhiều tàu buôn đến bốc dỡ hàng hóa. Thỉnh
thoảng tàu biển chở khách cũng cập bến, trước có Compagnie Nationale de
Navigation, sau thay thế bởi Chargeurs Réunis. Từ ngày mở rộng Thương Cảng sang
Khánh Hội và Tam Hội cho các tàu biển vận tải, Cầu tàu Canton và Charner được
dành cho tàu chạy đường sông, kể cả tàu chở khách của Hoa Kiều.
Khoảng thập niên 1950, những cây me trồng từ
thời các đô đốc đã cao lớn, trổ màu xanh tươi đứng bên lề đường phía nhà phố,
hàng cây phía bên bờ sông phần nhiều biến mất vì người đời sau dành ưu tiên cho
việc mở rộng giang cảng. Trên bến vẫn
náo nhiệt, đầy hàng hóa, vật liệu chất ngổn ngang. Cảnh ngoài sông bị che khuất
bởi từng đống gạch, gỗ, đá, thùng, giỏ,
cần xé... Chiếc xe lửa cổ lỗ vẫn chầm chậm lăn bánh, chạy tới lui từ Cột cờ Thủ
Ngữ đến Công trường Mê Linh, chuyên chở vật liệu nặng như đá, ván gỗ, thùng
xăng dầu, v.v.
Nha Thương Cảng
Từ Cột cờ Thủ Ngữ, tòa nhà quan trọng ta thấy
trước tiên là Trụ sở Nha Thương Cảng, ở góc trái Đại lộ Canton (Hàm Nghi). Lúc
nơi này hãy còn là khu chợ náo nhiệt bên sông, Nha Thương Cảng chỉ là ngôi nhà
nhỏ sơ sài. Sau được xây lại thành nhà ba tầng, làm nơi cư trú và văn phòng của
giám đốc Thương Cảng và nhân viên Nha Bưu điện. Hai bên cổng vào phía bờ sông
được trang trí hai khẩu đại bác đời xưa. Mặt tiền phía Đại lộ Hàm Nghi có Nhà
Bưu điện. Vài giờ sau khi tàu thư cập bến, nhiều người đổ xô đến Bưu điện này
để tìm thư từ, công văn. Tại đây cũng có phòng gửi điện tín dành cho tư nhân,
thành lập sau khi mở văn phòng điện tín đầu tiên tại Công trường Đồng Hồ (cuối
Đường Catinat, trước nhà thờ). Theo cụ Trương Vĩnh Ký, ở vị trí Nha Thương Cảng
xưa kia có một đồn lính và một dinh thất dành cho các vị công phái từ Huế vào.
Các chúa nhà Nguyễn như Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần), Mục Vương (Nguyễn Phúc
Dương) và Nguyễn Phúc Ánh đã có lúc đến đây lánh nạn trong thời nội chiến.
Ga xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho nằm giữa trục Đại
lộ Canton (Hàm Nghi), ở khoảng phía trước Nhà Bưu điện, cách bờ sông vài mươi
mét. Xa hơn một chút, phía lề bên trái, có Ga xe lửa Sài Gòn - Chợ Lớn chạy ngã
Đường Trên (qua Ga Chợ Đũi).
Nha Thương chánh
Nha Thương chánh (Quan thuế và Công quản nha
phiến) đặt tại tòa nhà nằm giữa hai đầu Đại lộ Canton (Hàm Nghi) và Charner
(Nguyễn Huệ). Vào khoảng năm 1866, trên lô đất nằm giữa Rạch Cầu Sấu và Kinh
Chợ Vải, ông Hoành Thái cho xây ngôi nhà khá giống và có cùng kích thước với
ngôi nhà hiện nay, gồm ba tầng, theo mẫu các kiến trúc đang thịnh hành tại
Singapore, có hàng hiên và cột phía mặt tiền, hành lang trên lầu. Tòa nhà được
dùng làm khách sạn mang tên Cosmopolitan Hotel, phòng tiếp tân, quán cà phê và
phòng chơi bi-da chiếm tầng trệt. Người đương thời cũng gọi khách sạn ấy là
Maison Wang Tai, do từ tên của chủ nhân là ông Hoành Thái, một thương gia Hoa
Kiều có Pháp tịch, chuyên về xuất cảng gạo, nhập cảng thuốc phiện, sản xuất
gạch, ngói, v.v.
Cosmopolitan Hotel
Vì
là một khách sạn to nên chính quyền Pháp thuê lại nhiều phòng dùng làm Tòa Thị
chính, Tòa án Thương mại, Nha Thuế gián thâu, Ty Cảnh sát Trung ương, Phòng
Cảnh sát mật vụ. Câu lạc bộ Liên Hiệp (Cercle de l'Union) cũng đặt trụ sở tại
đây.
Câu lạc bộ Liên Hiệp quy tụ đa số thành viên
là công chức, sĩ quan hải quân, chỉ có vài sĩ quan thủy quân lục chiến và một
ít thương gia (Các thương gia có riêng Câu lạc bộ Thương mại, ít quan trọng
hơn, đặt tại một quán cà phê đầu Đường Catinat). Gần như tất cả lầu một của tòa
nhà Wang Tai, mặt hướng về Rạch Bến Nghé đều dành cho Câu lạc bộ Liên Hiệp. Lúc
chiều hôm nhìn lên cửa sổ thấy đèn thắp sáng trưng, các thành viên tập họp trò
chuyện, giải trí, hoặc vừa đi tới lui phì phà hút thuốc trên hành lang, đó là
một trong những nơi trong thành phố còn nhiều người Âu tụ tập vào mỗi buổi
tối.
Năm1880, ông Hoành
Thái bán Cosmopolitan Hotel lại cho nhà
nước, tòa nhà đã quá cũ kỹ, đang có cơ sụp đổ. Chính quyền Thuộc địa đập bỏ đi
vào cuối năm 1885, xây lại tòa nhà mới mà hiện nay ta còn thấy, hoàn thành vào
năm 1887, theo họa đồ của Alfred Foulhoux, Giám đốc Sở Xây dựng Dân sự. Nhà
cũng cao ba tầng, khang trang, đồ sộ, cách kiến trúc giản dị, các khung và các
cửa đều giống nhau, nhưng ta để ý một chi tiết trang trí là những hoa thuốc
phiện chạm nổi trên các đỉnh vòng cung chạy dọc theo hành lang ở mặt tiền của
tầng trệt. Các văn phòng của Nha Thương chánh dọn đến đây vào năm 1887. Quan thuế
là một trong những ngành quan trọng nhất Nam Kỳ, có đến ba, bốn trăm nhân viên
người Pháp giúp việc và mang lại cho ngân quỷ phần lớn tiền thuế ở Thuộc
địa. Nha Thương chánh độc quyền sản
xuất và bán thuốc phiện (Riêng nơi chế biến là "Sở nấu nha phiến" nằm
trên Đường Nationale tức là Đường Hai Bà Trưng hiện nay).
Nha Thương Chánh
Thuốc
phiện được bán tự do tại Nam Kỳ, lúc đầu mức thuế nhập cảng 10% được xem là quá
ít nên chính quyền cho đấu thầu khai thác. Thương gia Ségassié cùng cộng sự
viên Telesio đứng ra lãnh thầu. Nhưng ít lâu sau họ bị lỗ lã, không thể tôn
trọng hợp đồng nên dịch vụ thầu cung cấp thuốc phiện lại sang tay Công ty Bane
Hap (Vạn Hiệp) của một Hoa Kiều. Kể từ năm 1883 trở đi, Công quản nha phiến (Régie
d’opium) nắm hết quyền kinh doanh á phiện. Ngoài ra Nha Thương chánh đảm trách
cả việc thâu thuế rượu nhập cảng cũng như rượu sản xuất trong nước, thâu thuế
xuất cảng thóc gạo, cai quản cả kho dầu lửa. Để kiểm soát hàng hóa lưu thông,
Nha Thương chánh có một đội sà-lúp và ghe chạy trên sông hoặc dọc bờ biển, có
thể đi tuần tiểu đến một nơi xa xôi như Vịnh Xiêm La.
Qua khỏi Nha Thương chánh, đến ngay đầu Đại lộ
Charner (Nguyễn Huệ), từ chỗ ta đứng không xa lắm, nhìn về bên trái thấy mấy
nóc nhà lồng chợ nhô cao trên dãy phố. Bên cạnh chợ có ga nhỏ xuất phát hai
đường xe lửa, một đi Chợ Lớn ngã bờ Rạch Bến Nghé, một đi Gò Vấp theo ngã Bến
Tàu và Đa kao.
Phía
xa ở cuối đại lộ là Tòa Thị chính.
Quán cà phê và khách sạn
Từ đầu Đại lộ Charner ta bước sang đoạn bờ
sông kéo dài đến đầu Đường Catinat. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, dãy phố không cao
quá hai tầng này vẫn mang dáng dấp của một vỉa hè thanh lịch ở phương trời Âu.
Quãng đường dài chừng một trăm mét, có lúc chỉ thấy quán cà phê, quán rượu, nhà
hàng, khách sạn, trong lẫn ngoài bày biện và trang trí theo kiểu phương Tây,
bảng hiệu gợi hình ảnh những chốn phồn hoa như Europe, France, Paris,
Marseille. Có nơi, chiêu đãi viên hay bà chủ là các cô đào đã giải nghệ, trước
kia trình diễn trong gánh hát hay đoàn ca nhạc từ Pháp đến lưu diễn tại Sài
Gòn. Khi tân trang khu phố này người ta đành đoạn phá bỏ một ngôi chùa còn sót
lại từ thời cựu trào.
Khoảng năm 1870, một đội quân phòng vệ Thương
Cảng còn trú đóng trên bờ sông, có cầu tàu riêng gần đầu Đường Catinat, sau được dời vào ngôi
nhà mà ta vẫn thấy vào thập niên 1920, cách Đại lộ Charner mấy căn, gọi là «
Bót Cảnh sát Thương khẩu ».
Một trong những quán cà phê xưa nhất Sài Gòn
là Café de Paris ở góc bên phải đầu Đường Catinat nhìn từ bờ sông, cũng là nơi
hội họp của Câu lạc bộ Thương mại. Vào năm 1864, sứ bộ Phan Thanh Giản sau
chuyến đi sang Pháp thương thuyết chuộc ba tỉnh miền Đông, trên đường về Huế,
đã ghé qua Sài Gòn. Cụ Phan thân hành cùng hai vị đồng liêu đến quán cà phê này
thăm xã giao các sĩ quan cao cấp người Pháp.
Sang
đầu thế kỷ XX, các quán cà phê trở nên hiếm dần, tập trung sang các khu
phố khác như Catinat, Charner, nhường chỗ cho các nhà buôn xuất nhập cảng. Góc
phố bên trái đầu Đường Catinat có tòa nhà hai tầng, trụ sở Công ty Xuất nhập
cảng Weil - Womrser,
sau đó Công ty Stoll kế nghiệp trước khi trở thành Nam Việt Khách Lâu (Hôtel
d’Annam). Đến năm 1925, ngôi nhà đổi lốt hoàn toàn, trở thành Khách sạn
Majestic.
Khách
sạn Majestic tuy xây theo kiểu thuộc địa nhưng mang dáng dấp xa hoa lộng lẫy
của những khách sạn ven biển miền Nam nước Pháp. Tòa nhà gồm bốn tầng lầu, có
gắn thang máy, phòng ốc tuyệt đẹp, tiện nghi. Trên sân thượng có vườn cảnh, tuy
không trồng nhiều hoa thơm cỏ lạ, nhưng vào những chiều mát, ngồi trên ấy uống mấy
cốc rượu khai vị, ngắm cảnh sông và ruộng đồng phía xa cũng đủ hưởng cái thú
tuyệt vời. Năm 1948, khách sạn thuộc về Công ty Du lịch và Triển lãm Đông
Dương, phần bên trong được trùng tu lại. Năm 1951, ông Mathieu Franchini, cũng
là chủ nhân Khách sạn
Continental,
đứng quản lý Khách sạn Majestic. Mặt tiền được sửa lại giản dị hơn trước, vườn
cảnh trên sân thượng cũ hoàn toàn biến thành một tầng mới. Từ năm 1965 đến
1975, khách sạn mang tên Hoàn Mỹ và được quản trị bởi Nha Quốc gia Du lịch. Tại góc phố đối diện với Khách sạn Majestic,
vào đầu thế kỷ XX có tòa nhà ba tầng là Hotel de la Rotonde. Khách sạn này
trước kia là quán cà phê cùng tên, do Joseph Hubert sáng lập năm 1875. Ông này
là một thương gia tài giỏi nhưng có tính tự hào một cách ngây ngô, làm trò đùa
cho các đồng hương. Đến năm 1900, Grilhon làm quản lý, biến quán cà phê thành
khách sạn. Hãng tàu biển Chargeurs Réunis mướn phòng trên lầu một dùng làm trụ
sở. Ông Brignon kế nghiệp vào năm 1918, đến 1922 sang lại cho Mauthausen, khách
sạn được trùng tu, có 35 phòng trên lầu, nhà hàng ở tầng trệt. Bên ngoài mặt
tiền hướng bờ sông được bố trí thềm quán cà phê có mái che. Vào khoảng thập
niên 1950, khách sạn nhường chỗ cho Công ty Denis Frères. Từ lâu công ty này
trú đóng sát bên cạnh, tại góc Catinat và Vannier (Ngô Đức Kế) trên dãy nhà
cùng lề đường.
Khi
khuếch trương cơ sở, các văn phòng của Hãng Denis Frères chiếm hết tòa nhà cũ
của Khách sạn La Rotonde. Chúng ta còn dịp nhắc lại công ty này trong lần trở
lại thăm Đường Catinat.
Khách sạn La Rotonde
Từ
đầu Đường Catinat nhìn thẳng ra bờ sông ta thấy thạch trụ vuông bằng đá, cao
khoảng 5 m, đặt trên bệ, đứng giữa bãi cỏ, do các thương gia Pháp tại Sài Gòn
xây lên để tưởng niệm Hải quân Đại úy Lamaille chết vào khoảng năm 1862, đang
lúc thừa hành chức Chủ sự Phòng Dân chính Sự vụ. Phía ngoài sông gần đấy có cầu
tàu của Bến đò Thủ Thiêm (khác với bến đò ngày nay bên cạnh Công trường Mê
Linh). Theo cụ Trương Vĩnh Ký, khi xưa nơi đây là Bến Ngự, có Thủy Các (nhà
cảnh của vua xây trên sông) và Lương Tạ (nơi vua tắm), xây trên bè tre.
Hãng tàu Lục Tỉnh
Dãy nhà nhiều căn liên tiếp bên cạnh Khách sạn
La Rotonde chính là Hãng Vận tải đường sông (Messageries Fluviales) hay Hãng
tàu Lục Tỉnh. Dân ta gọi chỗ bờ sông này là Bến Nam Vang hay Bến tàu Lục Tỉnh.
Nơi đây suốt mấy thập niên tàu cặp bến đón đưa hành khách, hàng hóa, gia súc,
thư tín, bưu phẩm, từ Sài Gòn đi khắp các thị trấn của Nam Kỳ, đi Nam Vang,
hoặc chở du khách lên tận Biển Hồ viếng Đế Thiên Đế Thích, hay ngược Sông Mê
Kông tới biên giới nước Lào ngắm thác Khone. Sau này công ty mở cả đường biển
đi Bangkok có ghé qua Côn Đảo. Vào
khoảng năm 1870, Roustan và
Salenave
khai trương ngành vận tải đường sông, đảm nhiệm việc chuyên chở qua các châu
thành trên lộ trình Sài Gòn - Nam Vang. Ngay sau đó anh em Roque hợp tác với
Larrieu lập Hãng Vận tải bằng tàu chạy hơi nước tại Nam Kỳ (Messageries à
Vapeur de Cochinchine). Năm 1881, việc kinh doanh sang tay Rueff, đổi thành
Hãng Vận tải đường sông tại Nam Kỳ (Messageries Fluviales de Cochinchine). Công
ty này được nhà nước trợ cấp tài chính và được độc quyền khai thác dịch vụ bưu
điện.
Tòa nhà Hãng tàu Lục Tỉnh, được xây lại vào
năm 1890. Phần giữa cao ba tầng, chứa các văn phòng, có hai ban-công trên mặt tiền.
Bên trái là kho hàng, kho than. Bên phải có cổng rào sắt đi vào sân trong của
xưởng đóng và sửa chữa tàu, xưởng đúc. Từ khi thành lập hãng này còn được nhà
cầm quyền cho phép dùng bờ sông làm nơi chất vựa củi và dựng nhà đóng sườn tàu,
sửa chửa vỏ tàu, vì thế phía bờ sông thường ngày đã khá bề bộn, khi xúp-lê thổi
báo hiệu tàu đến hoặc sắp nhổ neo lại càng lao xao, nhộn nhịp.
Hãng tàu Lục Tỉnh
Vào thời ấy, đi sà-lúp về Lục Tỉnh vừa thuận
tiện vừa được hưởng thú ngắm cảnh sông nước, bến bờ. Tuy nhiên, mặc dù hãng tàu
làm giàu nhanh chóng, ban giám đốc không màn việc canh tân thuyền bè, dụng cụ,
không cải thiện điều kiện ẩm thực, vệ sinh và các tiện nghi tối thiểu dành cho
khách. Tàu lúc nào cũng chạy chậm, ban đêm ánh đèn lù mù không đủ sáng để đọc
sách, ca-bin làm phòng ngủ đặt cạnh nơi nhốt ngựa, bò, lồng gà vịt, v.v. khiến
hành khách cảm thấy bị khinh thường, lừa gạt.
Cuối thập niên 1930, hãng lấy tên là Công ty
Thủy vận Sài Gòn (Compagnie Saïgonnaise de Navigation et de Transport), nhưng trên thực tế chuyển hướng làm
công ty tổng hợp, đầu tư vào nhiều ngành khác như trồng trọt và chế biến
cao-su, ngân hàng tín dụng, sở công chánh và điện lực, thương xá, trại cưa máy,
hãng thuốc lá, v.v. Vì thế ngành vận tải
trên sông ngòi lặng lẽ biến mất vào lúc đường bộ ngày càng phát triển và xe hơi
ngày càng nhiều. Khoảng cuối thập niên 1940, tòa nhà là trụ sở Công ty Vận tải
Hàng không Đông Dương (Société Indochinoise de Transports Aériens). Còn cơ
xưởng bên cạnh thì thuộc về hãng đóng và
sửa chữa tàu CARIC. Đến năm 1951, Quốc trưởng Bảo Đại khánh thành Hãng Air Viet
Nam, trụ sở cũng đặt tại địa chỉ này.
Chúng ta tiếp bước, đến ngang tòa nhà dài, cao
hai tầng, một đầu quay ra Công trường Một Hình (Công trường Mê Linh), đó là Bót
Cảnh sát Quận I (Sở Tuần thành) và tư thất của cảnh sát trưởng. Tòa nhà này đã
có mặt vào những năm 1890. Sau 1954, đổi là Cảnh sát cuộc Quận I, đến thời hiện
đại là Tòa Hành chánh Quận I, và bên cạnh là Cuộc Cảnh sát Quốc gia Bạch Đằng.
Nhìn qua bên kia đường phía bờ sông, ta thấy Ga xe lửa Sài Gòn Chợ Lớn, xây năm
1891. Từ ga này xe lửa chạy dọc Bến Tàu, đi ngang Cột cờ Thủ Ngữ rồi thẳng
đường vào Chợ Lớn qua ngã Cầu Ông Lãnh. Năm 1895, khi ga dời về Đại lộ Charner
bên cạnh chợ, thì đường sắt được nối dài tới Bà Chiểu và Gò Vấp. Gần địa điểm
này, phía bờ sông có cầu tàu của Bến đò máy Thủ Thiêm, dời từ đầu Đường Catinat
đến đây vào năm 1905, còn hoạt động đến đầu thế kỷ XXI.
Đường bờ sông chúng ta vừa đi qua đã đổi tên
nhiều lần. Lúc chưa có tên chính thức, người Pháp gọi tạm là Quai du fleuve
(Bến ven sông). Sau đó đặt các tên theo thứ tự: Donnai, Napoléon, Commerce,
Francis Garnier, Le Myre de Vilers. Đến thời độc lập là một phần của Bến Bạch
Đằng.
CÔNG TRƯỜNG MÊ LINH NGÀY XƯA
Khu Một Hình trước kia thuộc vùng đất bằng
phẳng không có kinh rạch nào chảy qua nên được chọn làm nơi xây công trường
hình bán nguyệt, đặt tên là Rond-Point. Vào thời Gia Long, từ nơi đây đã có con
đường lớn dẫn tới Thành Bát Quái. Pháp cho đắp đường này lại và đặt tên là
Impériale (nay là Hai Bà Trưng). Sau đó mở thêm bốn đường nhỏ tủa ra, tuy ngắn
nhưng vừa tầm với khuôn khổ đô thị lúc bấy giờ, ngày nay là các đường: Ngô Đức
Kế, Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Đạt, Thi Sách. Công trường lúc mới thành hình chỉ
là công viên trồng những khóm cây thấp trên ba bồn cỏ xếp thành vòng cung. Đến
năm 1879, trong khung cảnh cây cao bóng mát có đường vòng quanh cho ngựa xe đi
lại, ngay chính giữa dựng tượng Rigault de Genouilly, vì thế dân ta gọi là
"Một Hình". Khoảng năm 1900 công trường bắt đầu mang tên của đô đốc
này. Đến 1955 đổi tên mới là Mê Linh.
Pho tượng đồng của Rigault de Genouilly đặt
trên một bệ cao bằng đá xanh, bao quanh có rào sắt. Bức tượng do nhà điêu khắc
Alexandre Victor Lequien thực hiện, đầu trần, mặc quân phục đô đốc, tay phải
chỉ xuống đất, tay trái vịn đốc kiếm, sau lưng là những biểu tượng của hải quân
như bản đồ, mỏ neo, xích sắt, khẩu đại bác... Hai mặt bên của bệ có những tấm
bảng đồng chạm cảnh hạm đội Pháp đến Vũng Tàu và cảnh quân Pháp đánh chiếm
Thành Sài Gòn.
Một số đài kỷ niệm ở nơi khác trong thành phố
được dời về đặt tại công trường này. Trước tiên là Đài kỷ niệm Lamaille, được
di chuyển từ bờ sông tại đầu Đường Catinat, mang về dựng lại trên bãi cỏ phía
đầu Đường Yokohama (Phan Văn Đạt), sau lưng tượng đô đốc.
Tiếp đến là Đài kỷ niệm Doudart de Lagrée, dời
từ Đại lộ Bonard, để nhường đất xây Nhà hát Tây, mang về đặt giữa bãi cỏ đối
diện Đường Vannier (Ngô Đức Kế). Đài nầy là một trụ tháp vuông bằng đá đứng
trên đế rộng, xây lên để tưởng niệm viên Hải quân Trung tá cầm đầu phái đoàn
thám hiểm Sông Mê Kông, mất năm 1868 tại Đông Xuyên, Tỉnh Vân Nam. Hàng rào bao
quanh là 12 khẩu thần công dựng ngược, cắm mũi vào nền xi-măng và nối nhau bằng
dây xích. Đây là những khẩu pháo bảo vệ Thành Gia Định, đều mang niên hiệu Gia
Long thứ 16 (1817). Từ bờ sông nhìn
vào, chúng ta thử nhận diện vài tòa nhà bao quanh công trường này vào những năm
1905 đến 1910. Bắt đầu từ phía bên trái cạnh đường bờ sông, ta thấy tòa nhà hai
tầng, mặt tiền có hàng cột và dãy cuốn đều đặn, đấy là Bót Cảnh sát Quận I mà
ta vừa nhắc đến trong phần trước.
Kế tiếp là cụm Nhà hàng, Khách sạn Univers,
nằm giữa hai Đường Vannier (Ngô Đức Kế) và Turc (Hồ Huân Nghiệp). Mặt trước và
cửa chính của khách sạn này ở phía bên Đường Turc, mặt sau ở phía Đường
Vannier, cho nên từ phía công trường chúng ta chỉ thấy nhà phụ và sân bên cạnh.
Tiếp theo về phía bên tay phải, nằm giữa hai
Đường Turc và Doudard de Lagrée (trước là Đường Yokohama, nay là Phan Văn Đạt),
Phòng Thương mại nổi bật màu vôi trắng, nhiều cửa rộng, bên trong có các bảng
yết thị. Phòng họp của 12 vị cố vấn thương mại (gồm 10 người Pháp và hai người
Việt có quốc tịch Pháp) chính là nơi vào các năm 1882 đến 1884 tạm dùng trình
diễn âm nhạc, ca kịch trong lúc chờ đợi hí viện do Berger xây xong ở góc
Catinat - Bonard (Chỗ Khách sạn Caravelle). Đến thập niên 1920, Phòng Thương
mại dời về bên Rạch Bến Nghé, tức là tòa nhà Thượng Nghị viện sau này.
Góc bên kia Đường Doudard de Lagrée là nhà
buôn yên cương, xe ngựa, đóng móng ngựa của Ducatel, sau đổi chủ khác là Hardy.
Vào thời xe hơi còn hiếm, nhà buôn này quan trọng như một garage lớn ngày nay.
Kề bên cạnh là quán cà phê lấp lánh cửa kính của Hotel de la Marine, mở rộng
qua đến Đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng).
Ngôi
nhà nằm giữa hai Đường Paul Blanchy và Cornulier-Lucinière (Thi Sách) là mặt
bên kho hàng của hãng Denis Frères, sau này thuộc về Hãng Bia và Nước đá B.G.I.
Góc còn lại ở bên phải giáp với đường bờ sông là Công xưởng của Lực lượng Phòng
thủ lưu động và Nha Quân Cảng. Đến năm 1906 xây lên tòa nhà mới 3 tầng là cánh
trái của Trại lính Hải quân, cổng hướng ra sông. Tượng Rigault de Genouilly đã bị tháo bỏ vào
những ngày đảo chánh 1945, nhiều năm sau còn sót lại cái đế với vành hoa nguyệt
quế bằng đồng.
Năm 1962, tượng Hai Bà Trưng được khánh thành,
tác phẩm của Điêu khắc gia Nguyễn Văn Thế. Được đặt trên bệ ba chân, bên hồ
nước vòng cung, tượng hai vị nữ anh hùng cùng nắm tay, đứng đâu lưng nhau, một
bà đưa tay trái che mắt dõi nhìn phương trời hướng Đông, một bà quay về hướng
Tây, tay phải sắp tuốt gươm. Nhưng an vị chưa được hai năm, sau ngày Cách Mạng
1-11-1963 tượng bị dân chúng kéo đổ vì phảng phất bóng dáng bà Ngô Đình Nhu và
con gái. Đến năm 1967, công trường Mê
Linh nghênh đón pho tượng vị Thánh tổ Hải quân, do Nhà điêu khắc Phạm Thông
sáng tác, đặt trên bệ cũ sửa lại thành dạng lăng trụ. Đức Trần Hưng Đạo cổ võ
ba quân trong dáng đứng hào hùng, tay trái cầm gươm, tay phải chỉ xuống dòng
sông, thề không trở lại nếu chưa phá tan quân Nguyên.
Công Trường Mê
Linh
QUÂN
CẢNG
Chúng ta bước vào Quân Cảng, đoạn đường trên bến
dài gần 600 m, từ Công trường Một Hình đến Hải quân Công xưởng. Ngày xưa có ít
nhất ba rạch nước cắt ngang bờ sông nơi đây. Lúc mới thành hình, bến mang tên
Primauguet, từ 1920 đổi thành Argonne, đến 1955 là một phần của Bến Bạch Đằng.
Từng bãi cỏ xanh tiếp nối nhau phủ trên lề, bóng mát hai hàng cây che rạp con
đường đã làm dịu bớt vẻ uy nghi của khu vực quân sự này.
Trước tiên chúng ta gặp Trại lính Hải quân,
hai tòa nhà màu trắng đồ sộ, xây xong vào năm 1908. Các đầu cột sát mái nhà
được trang trí bằng huy hiệu mỏ neo. Tòa nhà bên trái cao ba tầng, có cửa mở ra
phía công trường Một Hình. Tòa nhà chính cao bốn tầng, phía trước có rào song
sắt và trạm gác đặt hai bên cổng vào. Những năm mới chiếm Sài Gòn, Pháp đã biến
nơi này thành Nha Giám đốc Quân Cảng, lúc đó chỉ mới xây những dãy lán trại, có
cả công xưởng, nhà kho, còn vị tư lệnh cư trú trên soái hạm đậu ngoài sông.
Trại lính về sau mang tên Francis Garnier cho đến ngày bàn giao lại cho Quân
đội Quốc gia, mang tên mới là Bạch Đằng, cũng là nơi đặt Bộ Tư lệnh Hải quân
Việt Nam.
Bên cạnh trại lính, trên khoảnh đất
rộng đến Đường Pasteur (trước đây là Đường Hôpital, nay là Đường Đồn Đất), thấp
thoáng Dinh Tư lệnh Hải quân, ngôi nhà xinh xắn, hai tầng, gồm tư thất của chỉ
huy trưởng và các văn phòng trực thuộc. Bên trong hàng rào song sắt, tòa nhà
nằm cuối thửa vườn sum suê, dưới cây to tán rộng, thân phủ đầy dây leo. Trong
khuôn viên có chòi bát giác, nơi ban nhạc hòa tấu vào những dịp tiếp tân hay dạ
vũ. Bốn khẩu đại bác cổ xưa trang trí hai bên bậc thang dẫn lên thềm nhà và hai
khẩu khác dựng bên cổng ra vào. Xưa trong sân còn trưng bày cả tượng hình nhân
tháo gỡ từ mũi các tàu chiến cũ. Vài mươi năm sau tòa nhà này trở thành dinh
của các vị Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa.
Ðường Bờ Sông,
Bến Bạch Ðằng.
Từ Đường Pasteur đến Đại lộ Luro (Cường Để) ta
có thể kể: Sở Quân lương, Trại Pháo binh và bãi kho than. Sở Quân lương gồm các
văn phòng và các kho hàng chất đầy thùng gỗ, bao tải chứa thực phẩm, thùng
tôn-nô đựng rượu. Có cả lò bánh mì và lò sát sinh. Cạnh Sở Quân lương là Trại
Pháo binh, từ bờ sông nhìn vào ta thấy các xưởng, các kho và bãi chứa vật liệu,
bãi súng trọng pháo. Khu phía sau ăn sâu qua đến Đường Espagne (Lê Thánh Tôn)
là trại của các binh sĩ và dinh của Tư lệnh Pháo binh. Kề bên Trại Pháo binh là bãi chứa than đá,
tiếp giáp với Đại lộ Luro.
Địa
thế của khu vực nằm giữa Đường Pasteur và Đại lộ Luro đã thay đổi nhiều từ khi
lấp Kinh Cây Cám chảy ngang qua đây. Vào khoảng năm 1865, tại chỗ cổng vào Sở
Quân lương, Kinh Cây Cám từ Sông Sài Gòn chảy vào, đi xuyên qua khu Trại Pháo
Binh (Đường Lê Thánh Tôn) lên tới Kinh Gallimard (Đại lộ Lê Lợi) rồi thông qua
một con kinh khác chảy trở lại vào Sông Sài Gòn ở vị trí của Đường Primauguet
(Con đường xuất hiện sau này, ngăn cách Trại Pháo binh và bãi chứa than, nay là
Đường Thủy Binh). Xuyên qua Hải quân Công xưởng, cũng có một kinh đào thẳng tắp
từ khúc quanh của Kinh Cây Cám nối với Rạch Thị Nghè. Như thế Kinh Cây Cám có
hai đầu thông ra Sông Sài Gòn, thuận tiện cho việc chuyên chở quân lương, khí
giới, đạn dược vào các trại lính và đưa vật liệu, dụng cụ vô tới trung tâm Hải
quân Công xưởng.
Vì chúng ta đang ở tại Quân Cảng, nhìn ra sông
lúc nào cũng thấy đủ loại tàu chiến lớn nhỏ cập gần nhau bên các cầu tàu, nối
đuôi nhau vào tận bến của Hải quân Công xưởng. Trên tàu cờ hiệu treo từng chuỗi
bay phất phơ càng làm cho Quân Cảng thêm vẻ sinh động.
Vào thời kỳ chỉ huy trưởng chưa có dinh thất
và thủy thủ chưa có trại lính, họ sống chen chúc trên chiến hạm cũ được sửa
chữa lại, thả neo thường trực tại chỗ như một cầu tàu nổi, lườn tàu lún chặt
trong bùn, cửa sổ bên sườn tàu dùng làm cửa ra vào có cầu nối tới bờ. Trên tàu
vũ khí bị tháo gỡ, cột buồm bị hạ, boong cao nhất lợp mái lá che phủ. Khi xây
xong lán trại trên bờ cho binh sĩ thì chỗ trống trên tàu biến thành bệnh xá.
Tương tự trường hợp vừa nói, ta có thể nhắc đến chiến hạm Duperré. Chiếc soái hạm ba cột buồm này đến Sài Gòn vào khoảng cuối
năm 1861 cùng lúc với Đề đốc Bonard. Nếu không dự chuyến hải hành nào, chiến
hạm này đậu tại cầu tàu trước Nha Giám đốc Quân Cảng. Ngày 27-5-1862, các sứ thần của triều đình
Huế là Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp được Đề đốc Bonard đại diện Pháp, Trung tá
Palanca y Gutierrez đại diện nước Tây Ban Nha, tiếp kiến trên tàu Duperré, cùng trao đổi ủy nhiệm thư giữa
Hoàng đế Pháp, Nữ Hoàng Tây Ban Nha và vua Tự Đức. Về phía Pháp có đại diện các
binh chủng đứng dàn chào, có đại bác bắn chào mừng. Cuộc hội kiến này chuẩn bị
cho việc ký kết hòa ước vào mười ngày sau đó, 5 tháng 6, tại Trường Thi (Khu
Tổng hội Sinh viên và Sài Thành Quần vợt, góc Duy Tân - Hồng Thập Tự - Hai Bà
Trưng), triều đình Huế nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp.
Đến tháng 8 cùng năm, Bonard ra sắc lệnh: mỗi
ngày vào đúng 12 giờ trưa, tàu Duperré bắn một phát đại bác báo hiệu. Chánh sở Điện
tín theo đó điều chỉnh giờ cho tất cả các trạm trên toàn vùng Pháp chiếm đóng.
Vào năm 1865 tàu đã quá cũ kỹ, biến thành trại
lính nổi cho thủy thủ cư trú, hằng ngày họ rời tàu lên bờ đi đào, xới, cuốc đất
để xây dựng Quân Cảng và Hải quân Công xưởng. Những thủy thủ chờ được bổ nhiệm
cũng đến đây cư ngụ. Năm 1870, tàu Duperré
thành vật phế thải, bị phá hủy sau 57 năm đi tung hoành khắp bốn bể.
Kết thúc chuyến thăm Quân Cảng, chúng ta không
quên Đường Xe lửa Gò Vấp. Xe lửa khởi hành từ nhà ga bên cạnh chợ, trên Đại lộ
Charner, đến bờ sông quẹo trái, chạy trên lề phía ngoài dọc Bến Tàu, vượt qua
Công trường Một Hình, đến khoảng Trại lính Hải quân thì băng qua mặt đường,
theo lề phía trong, tới cuối bến quẹo trái vào Đại lộ Luro về hướng Đa
Kao.
HẢI QUÂN CÔNG XƯỞNG
Hải quân Công xưởng là xưởng cơ khí đứng hàng
đầu các cơ sở kỹ nghệ thuộc địa, nơi đông người làm việc nhất, chiếm hơn một
phần ba chiều dài bờ sông từ Rạch Bến Nghé đến Rạch Thị Nghè. Thành lập vào năm
1863, trên khu đất rộng 22 héc-ta thuộc Làng Hòa Mỹ, giới hạn bởi Rạch Thị
Nghè, Sông Sài Gòn, Đại lộ Citadelle (Cường Để), Đường Sainte Enfance (Lê Thánh
Tôn và Sở Thú). Pháp gọi cơ quan quân sự này là Arsenal, dân ta gọi là Xưởng Ba
Son. Theo Gia Định Thành Thông chí, vào thời Chúa Nguyễn Ánh chống lại Tây Sơn
nơi đây đã có Xưởng Thủy đóng ghe thuyền và chế tạo vũ khí dành cho thủy chiến.
Xưởng ấy dài tới 3 dặm (khoảng 1,7 cây số), nằm dọc theo bờ Sông Sài Gòn quanh
qua Rạch Thị Nghè, nghĩa là to hơn Hải quân Công xưởng ngày nay nhiều.
Hải quân Công
xưởng.
Khi bắt tay vào xây dựng Công xưởng, việc phải
làm trước nhất là đắp đất cho vững và cao ráo, khai hoang những lùm bụi rậm
rạp. Trước đây mỗi khi nước lớn nhiều chỗ ngập lênh láng như ao hồ, đến lúc
nước ròng, sình lầy ứ đọng lại. Vì vậy muốn biến vùng này thành một địa thế
hoàn hảo thì phải tốn rất nhiều sức lực. Chính người dân nghèo, lao động bản xứ
bị trưng tập để làm việc nặng nhọc ấy.
Vào năm 1864 ta chỉ thấy vài lán hay nhà kho
tạm thời, đủ nhận ra cách bố trí và ranh giới của Công xưởng. Từ phía Đại lộ
Citadelle, cổng lớn mở vào đường chính, song song bên cạnh có con kinh đào chảy
dọc suốt chiều dài, đổ ra Rạch Thị Nghè. Nhờ kinh đào này, những khối gỗ to từ
các vùng rừng Tây Ninh hoặc vùng đồi núi Miền Đông, kết thành bè theo sông rạch
về đến đây, đưa thẳng vào Công xưởng để xẻ ra xây cất nhà kho, xưởng thợ. Các
xưởng thợ chỉ là nhà gỗ lợp lá, sau được xây lại bằng vật liệu bền chắc hơn,
nhưng còn nhỏ hẹp, chỉ cao rộng hơn khi Bộ Hải quân từ bên Pháp cung cấp trang
bị, máy móc, dụng cụ, trong đó cần trục cao 8 m, búa chày nặng 2 tấn. Dưới sự
giám sát của các đốc công người Pháp, hằng trăm thợ người Việt và Trung Hoa cần
cù làm việc trong các xưởng chuyên về ngành đúc, tiện, nguội, hàn, rèn, mộc,
may buồm, bện thừng chão, nung gạch
ngói, v.v. Những lối đi rộng, rải đá, cắt thẳng góc nhau, nối liền các xưởng thợ. Dọc theo hàng rào
cũng có đường dành cho toán quân canh phòng đi tuần tiểu.
Vai trò chính của Công xưởng là sửa chữa chiến
hạm, nên Pháp đã mau chóng cho xây ụ tàu bằng cách biến đổi một lạch nước có
sẳn bên trong khu vực. Ụ tàu đầu tiên này được khánh thành vào năm 1864, dài 72
m, rộng 24 m nơi ngang mặt đất, chứa
được tàu có tầm nước không quá 4 m. Một ụ khác do Công ty Hersent hoàn thành
vào năm 1888, dài 168 m, là một bể hình chữ nhật, vách thẳng đứng, có 3 tầng
cầu thang dẫn xuống đáy, dành cho tàu lớn có tầm nước gần 9 m. Ngoài ra còn có
ụ nhỏ dài chừng 30 m , dành cho tiểu pháo hạm có tầm nước 3 m. Ụ sửa tàu gọi
bằng tiếng Pháp là bassin de radoub, có giả thuyết cho rằng dựa theo cách gọi
đó dân ta đặt tên cho Công xưởng là Ba Son.
Những ụ sửa tàu kể trên là những ụ chìm vì có
đáy nằm sâu dưới mặt đất, chỉ thích hợp cho tàu nhỏ trong giai đoạn đầu. Một
giải pháp thuận tiện hơn nhưng đắt tiền là xây ụ nổi, loại bè sắt có hai vách
bên, đủ sức chứa chiếc tàu to nhất thời đó. Đoạn Sông Sài Gòn chảy ngang Xưởng
Ba Son là nơi thích hợp cho việc thiết lập ụ nổi vì nơi đây là vùng nước yên
lặng. Tuy nhiên thủy triều và gió cũng gây ít nhiều khó khăn khi di chuyển và
neo ở một chỗ cố định. Năm 1862, Đề đốc Bonard đặt mua chiếc ụ nổi bằng sắt do
Công ty Randolph Elder tại Glasgow (Anh Quốc) chế tạo. Các mảnh sắt rời được
chở tới Sài Gòn vào tháng 5 năm 1863, thợ Việt và Hoa cùng cai thợ Pháp lắp ráp
xong, hạ thủy thành công vào tháng 5 năm 1866. Ụ nổi này dài 91 m , rộng 21
m trên đỉnh, rộng 13 m dưới đáy. Nhờ vậy
Công xưởng có thể sửa chữa nhiều tàu lớn tại chỗ, ví dụ như chiến thuyền ba cột
buồm Sarthe dài 82 m , không cần sang
tận Hong Kong hay Bombay như trước kia.
Ngoài việc sửa chữa tàu chiến hoặc tàu buôn của tư nhân, Hải quân Công
xưởng còn đóng các loại tàu khác như ngư lôi hạm, tàu vận tải. Các cơ quan
chính quyền hoặc tư nhân cũng có thể đặt mua những máy móc, phụ tùng do Công
xưởng chế tạo. Công xưởng cũng đảm trách cả việc xây dựng và bảo trì mọi kiến
trúc trên bờ thuộc về Hải quân như: xưởng máy, nhà kho, nhà ở cho nhân viên,
cầu tàu, đường sá, tòa nhà Nha Thương Cảng, bãi kho than, dinh Tư lệnh và các
tòa nhà phụ v.v.
Năm 1956, Xưởng Ba Son được chuyển giao lại
cho Hải quân Việt Nam, kết thúc 98 năm đặt dưới sự quản trị của Quân đội Thuộc
địa Pháp.
Nguồn: cothommagazine.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét