Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018


100 NĂM PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT
KỲ 2: NGƯỜI PHI CÔNG VIỆT NAM ĐẦU TIÊN



“Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20 Việt Nam đã có phi công được lịch sử hàng không ghi nhận, đó là Đỗ Hữu Vị”


Đỗ Hữu Vị – phi công đầu tiên của Việt Nam – Ảnh tư liệu

“Sự can đảm của tôi gấp đôi người thường vì tôi vừa là dân Pháp vừa là người Việt”
Đỗ Hữu Vị
“Ông là một người Việt gốc Sài Gòn, đi lính ở nước Pháp và trở thành sĩ quan không quân trong Thế chiến thứ nhất” – nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói…
Người con trai đặc biệt của Tổng đốc Phương
Điều thú vị là trong dịp kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất, truyền hình Pháp đã công bố các hình ảnh, tư liệu quý hiếm về binh lính Việt tham gia chiến trường này.
Hình ảnh Đỗ Hữu Vị với bộ ria mép đầy chất lính xuất hiện nhiều lần, từ các tấm ảnh ông chụp chung với các sĩ quan Pháp ở trường đào tạo không quân đến cảnh ông ngồi lái máy bay, cưỡi ngựa. Các bưu ảnh cũng in hình ảnh, tên tuổi ông trang trọng…
Đỗ Hữu Vị là con trai thứ năm trong 11 người con của ông Đỗ Hữu Phương, vị tổng đốc khét tiếng giàu có nhất nhì miền Nam hồi cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20. Sinh năm 1883 theo giấy tờ khai tại Pháp (có tài liệu cho rằng năm sinh thật của ông là 1881), ông Vị cùng các anh em trai của mình được người cha chịu ảnh hưởng sâu nặng văn hóa Pháp cho theo học trường Tây tại Sài Gòn.
Sau đó, anh em ông tiếp tục sang Pháp học Trường Janson de Sailly, Paris. Giống cha mình, họ nhanh chóng trở thành “người Pháp” hơn cả dân Pháp.
Rời ngôi trường cổ kính này, ngày 1-10-1904, ông Vị đăng ký nhập học Trường võ bị Saint-Cyr. Đây là trường đào tạo sĩ quan cực kỳ danh giá của nước Pháp, lò tôi luyện của rất nhiều tướng lãnh Pháp, trong đó có đại tướng Leclerc, tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp quốc tại Đông Dương.
Trải qua hai năm ở Saint-Cyr, năm 1906 Đỗ Hữu Vị ra trường với quân hàm thiếu úy (sous – lieutenant) trong quân đoàn lê dương số 1, tham chiến tại các chiến địa Oujda Maroc, Casablanca, Algérie…
Sau một thời gian dài chinh chiến, đến cuối năm 1910 ông Vị tiếp tục đăng ký vào Trường Quân sự lái máy bay (l’école militaire de pilotage).
Đây là thời điểm nền hàng không thế giới mới ở buổi bình minh phát triển, đặc biệt là không quân, nên sự chọn lựa của ông được rất nhiều người ngưỡng mộ.
Tháng 11-1911, ông tốt nghiệp khóa học được cấp bằng lái máy bay của Aéroclub de France và thăng một cấp lên trung úy. Nam Phong Tạp Chí số tháng 2-1920 đã có bài viết rằng Đỗ Hữu Vị là phi công Việt Nam đầu tiên bay vòng quanh nước Pháp.
Đây có lẽ chính là chuyến bay ông đã thực hiện cùng người bạn phi công Pháp Victo Ménard năm 1911 và được ghi vào sử sách.
Ngoài ra, ông cũng là phi công lái thử máy bay mới, không chỉ đòi hỏi kỹ năng điều khiển mà cần cả sự dũng cảm bởi phương tiện hàng không buổi sơ khai này còn rất kém an toàn.
Trong một lần bay thử chiếc Gaudron hai tầng cánh, khi đã lên đến độ cao 300m thì máy bay bị trục trặc, rơi xuống nhưng ông may mắn thoát chết.
Trong hồ sơ quản bạ quân đội, Đỗ Hữu Vị tham gia quân đội Pháp ở Maroc. Nhưng đến năm 1914 ông trở lại Việt Nam để trở thành một trong những người Việt đầu tiên học vận hành loại thuyền lướt trên sông chạy bằng động cơ cánh quạt máy bay do Charles de Lambert chế tạo.
Đây chính là khoảng thời gian nền khoa học hàng không thế giới mới xuất hiện ở nước Việt. Đỗ Hữu Vị trở thành phi công Việt Nam bay biểu diễn cùng các phi công nước ngoài ở Sài Gòn và Hà Nội. Ông cũng tham gia câu lạc bộ hàng không đầu tiên do người Pháp thành lập ở Đông Dương.
Tuy nhiên, Đỗ Hữu Vị không thể nán lại quê hương được lâu. Năm 1914, cuộc đại chiến thế giới bùng phát khốc liệt, ông lại cấp tốc sang Pháp cùng người anh Đỗ Hữu Chấn để tái nhập đơn vị không quân chiến đấu ngay tại chiến trường chính quốc này.
Ông đã tình nguyện tham gia nhiều trận chiến nguy hiểm và được giao trách nhiệm phi đội phó một phi đội máy bay ném bom.
Trong danh sách các phi công thuộc địa tham chiến cùng quân đội Pháp, người ta tìm thấy những tên tuổi đến từ Đông Dương như Phan That Tao, Cao Dac Minh, Do Huu Vi, Felix Xuan Nha…, nhưng Đỗ Hữu Vị có lẽ nổi bật hơn cả bởi những tên đường, trường học, bưu ảnh mà người Pháp đã lưu danh ông.
Nhắc nhớ sự dũng cảm của phi công Việt Nam này, người Pháp kể lại chính câu nói của ông: “Sự can đảm của tôi gấp đôi người thường vì tôi vừa là dân Pháp vừa là người Việt”.
Tham chiến
Năm 1915, thời điểm Thế chiến thứ nhất diễn ra vô cùng ác liệt, quân Pháp chịu nhiều thiệt hại nặng trước đối thủ Đức.
Cũng trong năm chiến sự nóng bỏng này, Đỗ Hữu Vị rơi máy bay sau một trận đánh vì trúng một trận bão lớn. Chiếc chiến đấu cơ hư hỏng hoàn toàn, ông bị thương nặng, bất tỉnh gần chục ngày với cánh tay gãy, vỡ xương hàm mặt nhưng một lần nữa lại thoát chết…
Sự can đảm của Đỗ Hữu Vị tiếp tục làm cho người Pháp kính nể khi ông không chịu giải ngũ theo tiêu chuẩn thương binh được hưởng, mà vẫn tình nguyện ở lại đơn vị dù không thể lái máy bay được nữa.
Được thăng quân hàm đại úy, ông đảm nhiệm công việc mặt đất hỗ trợ không chiến. Sau đó ông gia nhập quân đoàn kỵ binh lê dương số 1 và được giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội số 7 cùng khoảng 300 quân ở mặt trận Somme, miền Bắc nước Pháp.
Đây là chiến địa vô cùng tàn khốc trong Thế chiến thứ nhất mà liên quân Anh – Pháp và đối thủ Đức bị thương vong hàng trăm ngàn binh sĩ với hàng chục sư đoàn bị xóa sổ.
16 giờ chiều 9-7-1916, tức khoảng một tuần sau khi trận đánh quy mô ác liệt nhất kéo dài suốt năm tháng ở vùng này nổ ra, đại úy Đỗ Hữu Vị được giao chỉ huy đơn vị của mình đánh phá chiến hào quân Đức ở cánh đồng giữa hai làng Belloy – en – Santerre và Estrée.
Trong một đợt chỉ huy xung phong, ông bị trúng nhiều phát đạn súng trường của quân Đức và lần này thì ông tử thương ngay tại chiến địa. Các chiến hữu Pháp đã chôn cất người lính Việt dũng cảm Đỗ Hữu Vị ở cánh đồng làng Dompierre bên bờ sông Somme.


Ảnh Đỗ Hữu Vị trên con tem Pháp

Bốn năm sau, người anh Đỗ Hữu Chấn cũng là một sĩ quan quân đội Pháp đã đưa hài cốt em mình về nước trên chuyến tàu vượt đại dương.
Tổng đốc Phương lúc này đã mất nhưng anh em trong gia đình đã tổ chức lại cho Đỗ Hữu Vị một đám tang trang trọng nhất Sài Gòn vào thời điểm ấy.
Các quan chức phủ toàn quyền và quân đội Pháp đã thay nhau túc trực tang lễ, tri ân người sĩ quan không quân Việt đầu tiên đã dũng cảm chiến đấu và hi sinh cho nước Pháp.
Thái độ trân trọng của chính quyền Pháp sau đó còn được thể hiện qua các bưu thiếp Đông Dương in ảnh ông.
Đặc biệt ở thành phố Casablanca, Maroc và làng Lafaux, Picardie, Pháp đều có đường mang tên Đỗ Hữu Vị. Tại Việt Nam thời Pháp thuộc, nhiều con đường, trường học tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng cũng được đặt tên ông.
Theo TTO


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...