Hãng
dĩa Lê Văn Tài: Dư âm còn vọng
Bao nhiêu nước chảy qua cầu từ đó, bao nhiêu người trở thành
ngôi sao sân khấu, bao nhiêu tuồng tích trở thành khoảng đời trên sân khấu
khiến bao người thổn thức.
Cuối thế kỷ XIX, đường
A’Dran (đến 1920 đổi tên thành Georges Guynemer, từ 1955 thành Võ Di Nguy, từ
1976 là Hồ Tùng Mậu) là con đường nhỏ nhưng đông người qua lại vì gần chợ, lại
có nhiều cửa hàng của người Hoa. Tuy nhiên, trên con đường này, đoạn giữa đường
Denis Frères (Ngô Đức Kế) và Hamelin (Huỳnh Thúc Kháng) có tiệm tạp hóa Vĩnh
Thới Sang tại số nhà 82 do người Việt làm chủ.
Thời đó, tiệm tạp hóa
có bán cả nữ trang và ông chủ tiệm là Lê Văn Thanh giỏi nghề kim hoàn. Tương
truyền ông đã từng chạm hoàn toàn bằng thủ công một chiếc vòng chạm trổ chi
tiết rất đẹp và khéo. Thả chiếc vòng xuống nước, vòng cân đối đến độ nằm thẳng
băng trên mặt nước. Chiếc vòng này đã được một giải thưởng dành cho nghề kim
hoàn thời đó ở Sài Gòn.
Ông bà Lê Văn Tài và
Ngô Thị Mão (*)
Trong số các con của
ông Thanh, có ông Lê Văn Tài, sinh năm 1895 tại Sa Đéc. Năm 1927, ông Tài chính
thức đăng bộ cửa tiệm Vĩnh Thới Sang của cha mình.
Do không thích nghề
kim hoàn của cha và nhân một dịp ông cùng vợ là bà Ngô Thị Mão về Vĩnh Kim coi
hát cải lương, ông Lê Văn Tài chuyển sang buôn bán máy hát dĩa và radio. Đó là
những thứ máy móc mà giới trung lưu trở lên ở Sài Gòn, lục tỉnh thích mua. Đồng
lòng với chồng, bà Ngô Thị Mão, một phụ nữ bặt thiệp, có nhan sắc và giỏi ngoại
giao, chuyên lo giao dịch mần ăn trong thời gian này.
Ông Nguyễn Văn Phương,
chồng bà Sáu Liên (phải) cùng người anh rể chụp tại nhà in số 101 Võ Di Nguy -
Chợ Cũ Hàm Nghi (*)
Trước đó, từ năm 1936,
hãng dĩa hát ASIA của thầy Năm Mạnh đang chiếm lĩnh thị trường dĩa hát cả nước,
nhất là ở miền Nam. Nhiều tuồng hay và để đời đã được sản xuất từ hãng này như
các tuồng San Hậu, Quan Âm Thị Kính, Tô Ánh Nguyệt, Hoa rơi cửa Phật...
Đến năm 1944, bà Ngô
Thị Mão mất. Ông Lê Văn Tài thương nhớ người vợ cùng sở thích cải lương và đờn
ca tài tử, nên quyết tâm chuyển từ nghề kinh doanh máy hát dĩa và radio sang
lãnh vực sản xuất dĩa hát từ năm 1947 với việc thành lập hãng sản xuất dĩa hát.
Cửa hiệu Vĩnh Thới Sang đã đổi thành “Hãng dĩa Lê Văn Tài” kể từ đó. Ông bà Lê
Văn Tài có sáu người con. Trong đó, người con đầu Lê Văn Năng làm xuất nhập
cảng và cũng có tiếng trong giới doanh thương Sài Gòn thập niên 1940, nắm giữ
18 môn bài xuất nhập cảng. Người con thứ năm, Lê Thành Kiệt sinh năm 1930 và Lê
Ngọc Liên, con thứ sáu, sinh năm 1932.
Những người con này về
sau giúp ích ông bà rất nhiều trong nghề mới. Anh Lê Văn Năng được cho sang
Pháp học thu dĩa, khi về dạy lại cho người thứ bảy là Lê Thành Lực. Anh Lực sẽ
chịu trách nhiệm thu thanh. Máy móc do ông Lê Văn Tài bỏ tiền ra để anh Năng
nhập cảng về. Sau đó, hãng sẽ tổ chức sản xuất, tìm thầy tuồng, mua kịch bản,
mời đào kép thể hiện lời ca tiếng hát, diễn tuồng tích, hãng thu âm xong gửi
dĩa gốc qua Pháp để làm khuôn, in ra dĩa, rồi gửi về dán nhãn, đóng gói và phát
hành đi khắp nơi.
Các nghệ sĩ vang bóng
một thời trong buổi tiệc khai trương hãng Dĩa hát Việt Nam (*)
Anh Kiệt cùng ông gánh
vác chuyện làm ăn, là người thay thế mẹ (bà Mão) đi mời các nghệ sĩ tới thâu
thanh và giao tế các đại lý. Anh Kiệt khéo léo cư xử, nhất là đối với giới nghệ
sĩ là những người cần được chiều chuộng. Qua công việc, ông dần đào tạo em gái
mình là Lê Ngọc Liên, sau này thường được gọi là cô Sáu Liên, sẽ là người nối
tiếp sự nghiệp gia đình. Các con trong nhà, ngoài giờ học đều tham gia sản xuất
băng dĩa ở nhà, mỗi người một tay từ ghi âm, đóng gói, dán nhãn dĩa. Thậm chí
giả tiếng gà gáy, chim hót, heo kêu để thu âm cũng là việc do anh Lê Thành Lực
đảm nhiệm.
Lúc còn phụ giúp cho
cha và anh, Ngọc Liên đang học ở trường Tôn Thọ Tường, nay là Ten-Lơ-Man. Đến
năm 1950, Lê Thành Kiệt, người anh hướng dẫn Ngọc Liên theo nghề gia đình, mất
sớm khi chỉ mới 20 tuổi vì căn bệnh tim. Đó là số phận khiến Ngọc Liên quyết
chí thay anh mình nối nghiệp nhà.
Từ lúc khởi nghiệp,
hãng dĩa đã thu rất nhiều giọng ca vàng thời ấy như Tám Thưa, Minh Chí, Năm
Phỉ, Phùng Há... Soạn giả Viễn Châu gắn bó với hãng dĩa từ thuở ban đầu. Lúc
đầu, ông là thầy đờn, chơi nhạc tài tử cùng ông Lê Văn Tài. Khi hãng dĩa được
lập ra, ông Tài bảo ông Viễn Châu: “Thằng Bảy, về viết tuồng đi coi sao!”. Ông Viễn
Châu về viết vở tuồng đầu tay có tên Con chim họa mi mang ra
cho ông Tài xem. Tuổng được dựng và từ đó, Viễn Châu trở thành thầy tuồng, ngày
càng nổi tiếng. Ông Lê Văn Tài cũng gắn bó thân thiết với quái kiệt Trần Văn
Trạch và rất được ông Trạch nể nang.
Các nghệ sĩ vang bóng
một thời trong buổi tiệc khai trương hãng Dĩa hát Việt Nam
Lúc đầu, hãng dĩa hát
của ông thu cổ nhạc nhưng sau đó thu cả tân nhạc. Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm
Duy kể lại khi vào Sài Gòn năm 1951: “... khi tôi tới gặp chủ nhân một hãng sản
xuất đĩa hát Việt Nam là Lê Văn Tài thì tôi được lĩnh trước một số tiền tác
quyền khá lớn. Tân Nhạc ở Saigon lúc này đã có đất sống. Trước kia, các hãng
sản xuất đĩa hát chỉ thu thanh cổ nhạc, nay đã khởi sự thu thanh tân nhạc”. Từ
đó, Phạm Duy yên tâm vì: “Tôi thấy rằng nếu vào Nam sinh sống, tôi còn có thể
tổ chức cho gia đình đi hát ở mọi nơi, nếu chúng tôi thành lập được một ban hợp
ca và phối hợp với một ban kịch nhỏ. Chúng tôi sẽ có thể sống bằng nghề âm
nhạc, một nghề rất độc lập...” và rồi ông trở ra Hà Nội, dùng số tiền lãnh
trước của hãng Lê Văn Tài để mua vé máy bay cho tất cả mọi người đi vào miền
Nam.
Hãng dĩa Lê Văn Tài đã
là cú hích quan trọng khiến nhạc sĩ này mạnh dạn vào sống trong Nam, tham gia
đời sống văn nghệ và giữ vai trò lớn trong sáng tác ca khúc trên quê hương mới.
Xem lại cuốn sổ ghi chép công việc của hãng dĩa Lê Văn Tài giai đoạn này, thấy
có rất nhiều ghi chú liên quan đến Ban hợp ca Thăng Long và các nhạc sĩ Phạm
Duy, Phạm Đình Chương, các ca sĩ Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc với các ca
khúc Quê nghèo (Thái Thanh hát), Viễn du (Phạm
Duy và ban Thăng Long), Tình ca (Phạm Duy và Thái Thanh ca)...
Các ca khúc của nhạc sĩ khác cũng được thu âm như Hội nghị Diên Hồng,
Quân lên đường (Lưu Hữu Phước), Tiếng hát sông Lô (Văn
Cao), An Phú Đông (Lê Bình) mang âm hưởng hào hùng của cuộc
kháng chiến. Hãng còn thu rất nhiều dĩa của người ban nhạc Soudouch (Campuchia)
và kinh Phật.
Năm 1961, bà Lê Ngọc
Liên lập gia đình với chồng là thầy giáo dạy Anh văn. Năm 1964, ông Lê Văn Tài
mất, để lại hãng dĩa cho các con tiếp tục kinh doanh. Qua năm sau 1965, bà Sáu
Liên cùng em là Ngọc Diệp xuất bản nhạc phẩm dưới danh hiệu Việt Nam
nhạc tuyển để bán. Đến 1968, bà Sáu Liên tách ra riêng, thành lập một
cơ sở mới ở bên kia đường, số 101 Võ Di Nguy, lấy tên là hãng Dĩa hát Việt Nam,
dùng logo của hãng dĩa của cha mẹ và vẫn tiếp tục làm việc chung với cô Ngọc
Diệp. Ở đây, bà mở thêm một nhà in nhỏ để in bìa băng dĩa hay các tập tuồng, vở
ca cổ. Những cuốn này khổ nhỏ, không nhiều trang nhưng được chào đón nồng nhiệt
của mọi người từ Sài Gòn - Gia Định đến các tỉnh. Lúc đó, radio bắt đầu phát
triển hơn, dĩa hát được giới trung lưu trở lên nghe nhiều nhưng giới bình dân
chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ mua một cuốn in bài vọng cổ là có thể nghêu ngao cả
ngày. Chị Loan, con bà Sáu Liên kể: “Chỉ cần in những cuốn ca cổ nhỏ xíu thôi,
má tôi nuôi được cả nhà vì bán rất đắt hàng!”. Còn căn nhà số 82 của gia đình
vẫn tiếp tục kinh doanh dĩa hát do người thứ ba Lê Ngọc Anh và người thứ bảy
bán dĩa hát, lúc đó không chỉ có cổ nhạc mà còn có tân nhạc, băng nhạc
Shotgun...
Lúc này, ngoài hãng
ASIA (do ông Ba Đức, con ông Năm Mạnh thay cha điều hành), còn có nhiều hãng
dĩa như Việt Hải, Continental... Tuy nhiên hãng Dĩa hát Việt Nam đã dần lấn
lướt nhờ tổ chức tốt, trong đó bà Sáu Liên lo chuyện tổ chức mời nghệ sĩ, thu
âm, còn việc ngoại giao, lăng xê nghệ sĩ trên báo đài thì người chồng của bà
chu tất.
Các nghệ sĩ nổi tiếng
như Minh Phụng, Minh Cảnh, Lệ Thủy lần lượt đầu quân về hãng dĩa và trở thành
nghệ sĩ độc quyền. Mỗi hợp đồng độc quyền trị giá vài lượng vàng, còn tiền thu
bài tính riêng, đã vậy cát xê liên tục tăng. Bà Sáu Liên kể là lúc đó, cha của
nghệ sĩ Minh Vương có dắt anh đến gặp bà. Lúc đó Minh Vương đang còn rất trẻ,
chưa có tiếng tăm dù đã hát cho hãng dĩa Việt Hải. Bà Sáu Liên cùng soạn giả
Loan Thảo quyết tâm lăng xê giọng ca của nghệ sĩ Minh Vương với bài Bông
lang (sic) hát cùng với một cô đào đang nổi tiếng và từng hát cặp với
Minh Phụng, Minh Cảnh là Lệ Thủy. Minh Vương phất lên từ đó, được soạn giả Loan
Thảo “đo ni đóng giày”, tìm bài bản phù hợp để cho anh biểu diễn.
Sau đó, đến các giọng
ca Chí Tâm, Thanh Kim Huệ được đưa lên từ hãng dĩa này. Bà Sáu Liên thỉnh
thoảng còn nhắc với các con về buổi tất niên trước năm 1975 tại nhà của gia
đình số 37 Phạm Đăng Hưng, Đa Kao với đông đủ các nghệ sĩ của hãng dĩa, một
buổi tất niên thời hoàng kim của hãng Dĩa hát Việt Nam. Tân nhạc đã có vị trí
trong hãng dĩa của bà, thu nhiều dĩa nhạc của Phương Dung, Hoàng Oanh và đến
đầu thập niên 1970, các ca khúc tân cổ đều chuyển sang thu âm bằng băng
cassette và băng cối. Những băng nhạc như Rạng đông trên quê hương,
Tình bơ vơ rất thu hút.
Sau năm 1975, bà Sáu
Liên không duy trì được hãng dĩa nhưng cố giữ nghề bằng cách liên kết với một
đài truyền hình ở miền Tây Nam bộ để phát một số bài ca hay được phép hát. Đến
năm 1991, bà làm lại băng dĩa, nhờ pháp nhân của ban nhạc Đồng Tháp làm lại các
tuồng như Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận. Bà tiếp tục lăng
xê các giọng ca mới như Châu Thanh, Phượng Hằng, Cẩm Tiên. Bà vẫn còn lợi thế
của một người trong ngành, dù không phải là nghệ sĩ nhưng từng sống trong không
khí âm nhạc từ nhỏ, biết nhận ra tuồng hay, bài ca ngọt ngào và đánh hơi được
giọng ca nào sẽ trở thành sao. Nhiều ngôi sao tân cổ nhạc mới xuất hiện từ hãng
dĩa của bà, nhiều tuồng cải lương được dàn dựng ở đây trở nên ăn khách
như Lan và Điệp, Người tình trên chiến trận, Đêm lạnh chùa hoang, Mùa
thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển...
Bà Sáu Liên năm nay đã
85 tuổi. Do sức khỏe và sự minh mẫn của bà đã giảm sút nên chị Loan, con gái bà
cố giữ hãng Dĩa hát Việt Nam trong tình hình băng dĩa ế ẩm. Ngôi nhà số 82 Hồ
Tùng Mậu phải cho thuê tầng trệt để có tiền nuôi hãng dĩa. Chị Loan nói: “Tôi
cố giữ hãng dĩa cho má vui, dù không biết còn mấy người đi mua dĩa trong khi ai
cũng có thể nghe đàn hát trên internet”. Bà Sáu không thường lui tới hãng và
nơi tầng lầu bày bán dĩa, nhưng bà vẫn giữ rất kỹ những dĩa gốc thu từ khi xưa.
Chị Loan kể người trong nhà thường bảo nhau: “Ăn trộm mà có vào nhà, má không
sợ mất hột xoàn, tiền bạc, mà chỉ sợ mất dĩa gốc!”. Những dĩa gốc này, suýt bị
tiêu hủy năm 1978, có lúc đem đi giấu nhờ dưới gầm giường nhà hàng xóm giữa đám
bụi bặm cho đến sau này bà chịu tốn kém chuyển thành CD, lưu giữ được di sản
vọng cổ và tuồng cải lương một thời.
Bà Sáu Liên chụp với
nghệ sĩ Mỹ Châu năm 2015 nhân dịp Mỹ Châu về Việt Nam
Bao nhiêu nước chảy
qua cầu từ đó, bao nhiêu người trở thành ngôi sao sân khấu, bao nhiêu tuồng
tích trở thành khoảng đời trên sân khấu khiến bao người thổn thức. Những nghệ
sĩ năm xưa từng thu dĩa tại hãng Lê Văn Tài và Dĩa hát Việt Nam vẫn yêu quý bà,
rất vui mừng khi được gặp lại bà chủ hãng dĩa tận tâm và phóng khoáng với anh
em nghệ sĩ từ thuở họ chân ướt chân ráo theo con đường ca hát. Bà đã và sẽ giữ
lửa đam mê đến phút cuối, ngọn lửa có được từ khi bà còn là cô bé mới lớn phụ
cha mẹ ở hãng dĩa Lê Văn Tài 70 năm trước.
Phạm Công Luận
(*) Ảnh
tư liệu gia đình do bà Lê Ngọc Liên cung cấp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét