Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017


CÁI TÊN SÀI GÒN TỪ ĐÂU RA


Vấn đề này là một cuộc tranh luận kéo dài từ lâu lắm rồi, trong đó có 3 thuyết về nguồn gốc tên Sài Gòn sau đây là:
1. Thuyết của các ông Trương Vĩnh Ký và Lê Văn Phát: Sàigon do tiếng Khmer Prei Kor mà ra, và có nghĩa là củi gòn.
2. Thuyết của ông Louis Malleret: Sàigòn do tiếng Tây Ngòn, tức là Tây Cống phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là cống phẩm của phía tây.
3. Thuyết của ông Vương Hồng Sển: Sàigòn do tiếng Thầy Ngồnn tức là Ðề Ngạn phát âm theo giọng Trung Hoa và có nghĩa là bờ sông cao dốc trên có đê ngăn nước. Còn về tiếng Tây Cống, ông Vương Hồng Sển lại cho rằng nó chỉ được người Trung Hoa dùng sau này để phiên âm lại tên Sàigòn sau khi tên này được dùng để chỉ đất Bến Nghé cũ. (Trích bài Nguồn gốc và ý nghĩa tên Sài Gòn của Nguyễn Ngọc Huy)

          Có phản biện cho rằng tên Sài Gòn đã có trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, dẫn ra rằng:  năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Gòn” . Thật ra câu đó là: 'năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ lũy Sài Côn". Sài Côn chứ không phải là Sài Gòn, mặc dù hai tên đó chỉ một địa danh nhưng vào thời kỳ Lê Quý Đôn chưa có ai gọi là Sài Gòn cả. Cho nên dẫn chứng của phản biện trên không trung thực với nguyên bản.

         Có 2 nguồn gốc của chữ Tây Cống:

      1. Cho là địa danh Tây Cống là của Việt Nam như bài Có một Sài Gòn ở Hong Kong của  Hà Văn Thùy Gửi cho BBCVietnamese.com. Tôi xin trích: 

          Năm 1623, khi chúa Nguyễn mượn đất Prei Nokor của vua Khmer để đặt trạm thu thuế, thì nơi đây dân cư đã đông đúc. Họ là người Việt từ Quảng Nam vào, người Việt từ Hải Nam, Triều Châu tới. Thấy các thuyền buôn ngoại quốc, phần nhiều là của người Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… tới trạm trình giấy tờ, nộp thuế bằng sản vật chở theo tàu thuyền, người Việt gọi là Tây cúng - nơi người Tây đến tiến cống hay tiến cúng.
            Dần dà, gọi riết trở thành địa danh Tây Cống.
          Trong cộng đồng Việt, thời đó (và cả bây giờ ở một số nơi), phát âm t và x, s lẫn lộn: thái – xái; xôi, sôi – thôi… nên Tây Cống cũng được gọi là Xây Cống rồi người Triều Châu gọi trại thành Xài Gòn. Sau chuyển âm thành Sài Gòn.
        Khi ghi chép trong văn bản chữ Nho, người ta ký âm thành từ Hán Việt 西 - Tây Cống. Nhưng trong những văn bản chữ Nôm, lại dùng chữ 柴棍 - Sài Gòn. Hai chữ Nôm này về tự dạng giống như hai chữ Hán.
         Vì vậy, khi đọc theo âm Nôm là Sài Gòn còn đọc theo âm Hán Việt thành Sài Côn.

        2. Cho rằng chữ Tây Cống là để tưởng nhớ cái nơi mà người Quảng Đông sinh sống và xuất phát đến Việt Nam:

        Theo những tài liệu của người Pháp để lại thì những người Hoa không chấp nhận triều Mãn Thanh di dân sang Việt Nam, trong đó có nhiều dân Quảng Đông. Sau khi bị truy sát bởi quân Tây Sơn Năm 1773, họ đã co cụm về một nơi (về sau là vùng Chợ Lớn) và đặt tên là Tacngon (Tây Ngòn, Tây Cống) mà sau này gọi là Sài Gòn. Họ đặt tên này là để nhớ lại nơi họ đã từng sinh sống bên Trung Hoa hay cụ thể là vùng Hong Kong. Như vậy tên đầu tiên của vùng Chợ Lớn là Sài Gòn nhưng người Pháp khi chiếm vùng Gia Định đã đem chữ Sài Gòn này đặt vào vùng Bến Nghé.

         Còn về phần từ chữ Tây Ngòn, Tây Cống phát âm thành Sài Gòn thì chúng ta xem xét lại có phải người Việt đọc trại hay chính người Pháp đọc theo kiểu của họ và áp dụng vào các văn bản hành chánh. Tôi cho là có lẽ do người Pháp chứ không phải người Việt vì trong cách phát âm thi chữ Tây Cống hay Sài Côn rất gần gũi với tiếng Việt vì vậy không lẽ gì phải đọc trại ra là Sài Gòn.
          Tóm lại nguồn gốc của tên Sài Gòn đã rõ ràng; Cái vấn đề tôi muốn nói ở đây: là "AI" đã đọc trại từ chữ Tây Cống thành chữ Sài Gòn

          Dưới đây là những mẫu phát âm của người Hoa và người châu Âu về chữ Tây Cống (Sai Kung):



Tiếng Hoa khi phát âm chữ Tây Cống (Sai Kung)


Tiếng Hoa khi phát âm chữ Tây Cống (Sai Kung)



Tiếng Pháp khi phát âm chữ Tây Cống (Sai Kung)


Tiếng Anh khi phát âm chữ Tây Cống (Sai Kung)


Tiếng Tây Ban Nha khi phát âm chữ Tây Cống (Sai Kung)

              Khi nghe qua những mẫu phát âm trên, các bạn đọc có nhận xét như thế nào? Câu trả lời dành cho các bạn.
              Xin nói thêm ở Hong Kong hiện có con đường mang tên Sài Gòn nhưng nó không có liên quan gì đến địa danh Sai Kung cả, vì người Anh lấy các tên thành phố có tiếng thời đó đặt cho tên các con đường trong đó có tên đường Hà Nội và Hải Phòng. Cũng như người Pháp đã đặt tên Yokohama, Shang Hai, Hong Kong, Bangkok,Phnom Penh cho những con đường của Sài Gòn.

Tài liệu liên quan:

Nguồn gốc và ý nghĩa của tên Sài Gòn - Vietsciences - Free

vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/saigon.htm


Nguồn gốc địa danh Sài Gòn - Binh-nguyen Loc

www.binhnguyenloc.de/pages/.../DiaDanhSaiGon/NguonGocDiaDanhSaigon.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết Sài Gòn trăm năm trước ra sao?   Biết những gì xảy ra trong quá khứ xa xưa dường như là mơ ước muôn đời của con người. Bởi trong c...